Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX tại kỳ họp thứ bảy về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 5275/TTr-STNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây được gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu và phạm vi quy hoạch:

a) Mục tiêu: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có mục tiêu cụ thể như sau:

- Công tác quy hoạch thăm dò nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng thông thường trong thời kỳ quy hoạch: Đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội của thành phố.

- Xác định sản lượng khai thác hợp lý cho từng vùng mỏ theo các giai đoạn, đảm bảo việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Tăng cường năng lực quản lý, trình độ, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

b) Phạm vi: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được lập đối với các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn.

2. Nguyên tắc quy hoạch:

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đảm bảo các nguyên tắc:

- Phù hợp với Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Bảo đảm khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.

- Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020

Cát san lấp: 13 khu vực, tổng diện tích 633,94 ha, trữ lượng và tài nguyên 13.927.050 m3 trong đó có 08 khu vực thuộc quận Thốt Nốt (02 mỏ hết hạn giấy phép khai thác tháng 7 năm 2017), 02 khu vực thuộc quận Ô Môn, 01 khu vực thuộc quận Bình Thủy và 02 khu vực thuộc quận Cái Răng. (Chi tiết tại Phụ lục 01).

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tầm nhìn đến năm 2030

Cát san lấp: 13 khu vực, tổng diện tích 588,68 ha, trữ lượng và tài nguyên 9.908.250 m3 trong đó có 10 mỏ tiếp tục khai thác và 03 khu vực thăm dò và khai thác mới. Trong 13 khu vực có 06 khu vực thuộc quận Thốt Nốt, 03 khu vực thuộc quận Ô Môn, 02 khu vực thuộc quận Bình Thủy và 02 khu vực thuộc quận Cái Răng. (Chi tiết tại Phụ lục 02).

c) Quy hoạch dự trữ khoáng sản

- Sét gạch ngói: 09 khu vực, tổng diện tích 5.866 ha, tổng tài nguyên 573,93 triệu m3. (Chi tiết tại Phụ lục 03).

- Sét keramzit: 02 khu vực, tổng diện tích 1.947 ha, tổng tài nguyên 83,721 triệu m3. (Chi tiết tại Phụ lục 04).

d) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ bao gồm 04 khu vực cát san lấp, diện tích 185,1 ha, tổng tài nguyên 3.616.750 m3. (Chi tiết tại Phụ lục 05).

4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

a) Các giải pháp về chính sách

- Từng bước kinh tế hoá việc thăm dò, khai thác khoáng sản: Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản một cách chặt chẽ, minh bạch hóa việc cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật, có công nghệ tiên tiến tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Tạo điều kiện thực hiện các đề án nghiên cứu, ứng dụng sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu nhẹ.

- Khuyến khích các đơn vị khai thác đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm khai thác đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ được môi trường.

- Có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, sử dụng đất sét để sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả khoáng sản sét của thành phố.

- Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

- Đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cụ thể tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm thông báo nội dung, khối lượng, kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã, thông báo công khai đến tổ dân phố để người dân các quận đã nêu giám sát quá trình thực hiện.

b) Các giải pháp về kỹ thuật công nghệ

- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại vào khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng để nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác.

- Áp dụng công nghệ chế biến cát lòng sông: Phương pháp sàng rửa, phân loại xử lý cát, với mục đích làm sạch cát hơn, tăng modun độ lớn nhằm sử dụng hiệu quả khoáng sản cát đang ngày càng trở nên khan hiếm. Đây là phương pháp kỹ thuật khá đơn giản nhưng rất hiệu quả, dễ áp dụng.

- Nghiên cứu công nghệ chế biến, sản xuất các loại vật liệu ưu việt như vật liệu không nung, hạt nung nở keramzit từ nguồn khoáng sản hay các nguồn vật liệu khác của thành phố như nguồn thải từ chế biến xi măng, nông nghiệp.

c) Các giải pháp về vốn

- Tiến hành công bố rộng rãi danh mục, trữ lượng các mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên địa bàn thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đấu giá quyền thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phục vụ công nghiệp vật liệu xây dựng.

- Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển vật liệu xây dựng thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm huy động vốn xã hội, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

d) Các giải pháp về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

- Các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa để tham mưu cho các cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiến nghị biện pháp thích hợp để giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các vấn đề khác có liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản. Nâng cao trách nhiệm về quản lý, tài nguyên, môi trường, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản.

- Tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản nói riêng.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, phải:

Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động và trật tự xã hội trong quá trình hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Hoạt động khai thác phải phù hợp với quyết định phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế mỏ; bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong và sau khi khai thác; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý cát sông trên địa bàn.

Lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo định kỳ.

Chỉ được phép tiến hành khai thác trong phạm vi được cấp phép; tuân thủ các quy định về khoảng cách, sản lượng, thời gian theo Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc quy định quản lý hoạt động khoáng sản và Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc sửa đổi Quy định quản lý hoạt động khoáng sản ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Công bố, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

- Công bố các mỏ khoáng sản đã được điều tra, thăm dò.

- Chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố tăng cường công tác thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi giấy phép khai thác đối với các trường hợp hoạt động khoáng sản vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đặc biệt là các trường hợp khai thác gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong lao động, trực tiếp gây hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc trong nhân dân vùng có khoáng sản được khai thác.

- Rà soát các khu vực đã hết thời hạn khai thác, khai thác hết chiều sâu, hết trữ lượng, đôn đốc, nhắc nhở chủ mỏ thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường, đất đai, đóng cửa mỏ theo quy định.

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép, đảm bảo đúng Quy hoạch và quy định của pháp luật. Đối với những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản mà đã vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng thì kiên quyết không xem xét gia hạn hay cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê, tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoạt động khoáng sản.

- Cập nhập, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản khi cần thiết, làm cơ sở pháp lý cho quản lý hoạt động khoáng sản, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố theo định mức chi ngân sách do Bộ Tài chính hướng dẫn.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra khoáng sản, đẩy mạnh công tác hậu kiểm, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhằm bảo đảm khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, an toàn cảnh quan, môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Giám đốc Sở Công Thương: Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, phù hợp với đặc điểm khoáng sản của thành phố để khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường.

3. Giám đốc Sở Xây dựng:

- Chủ trì phối hợp cùng các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về nguyên tắc thiết kế, xây dựng, hạn chế san lấp nền đối với khu vực đã có quy hoạch chống ngập.

- Nghiên cứu ban hành việc sử dụng vật liệu tại địa phương thay thế cát san lấp trong công tác san lấp các công trình xây dựng, công trình giao thông.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan trong quá trình góp ý thiết kế cơ sở cho các hoạt động khai thác khoáng sản đảm bảo phải phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản thành phố, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế. Tăng cường việc giám sát khai thác theo đúng thiết kế và quy chuẩn, quy định.

4. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân ban hành quy định về an toàn trong hoạt động khai thác mỏ trên địa bàn. Yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục những mặt còn tồn tại về an toàn vệ sinh lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản. Xử lý nghiêm các vi phạm, đình chỉ khai thác đối với những mỏ có nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản. Chỉ cho phép tiếp tục khai thác lại sau khi các mỏ này đã đáp ứng đủ các điều kiện an toàn trong hoạt động khai thác; trường hợp vi phạm nghiêm trọng, báo cáo đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi giấy phép khai thác theo quy định.

5. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:

- Rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại các bến tập kết khoáng sản dọc sông Hậu để có ý kiến với Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam về việc cấp phép hoạt động cho các bến cảng này.

- Phối hợp với cơ quan Công an thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhất là các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đất, cát trên đường vận chuyển.

6. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp cùng các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, chấn chỉnh lại việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng cho các doanh nghiệp, cơ sở ven các sông, rạch lớn nhằm tránh việc lợi dụng giấy phép này để hình thành các bến bãi kinh doanh vật liệu trái phép.

- Tạo điều kiện tối đa cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu nhẹ đầu tư vào thành phố để từng bước thay thế gạch, ngói nung theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 896/BXD-VLXD ngày 01/6/2012 của Bộ Xây Dựng.

7. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tạo điều kiện thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu nhẹ để từng bước thay thế gạch nung; các đề tài nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.

- Nghiên cứu các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại về khai thác, chế biến khoáng sản để khuyến cáo các doanh nghiệp áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường.

8. Giám đốc Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý, đúng mục đích và lợi ích của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác.

9. Cục trưởng Cục Thuế:

- Xây dựng quy chế phối hợp và phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát việc kê khai, nộp các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời. Định kỳ hàng năm (chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 năm sau) Cục Thuế thành phố có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thu thuế, phí trong năm trước của các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, đối chiếu với kết quả khai thác.

- Thường xuyên xem xét điều chỉnh giá tối thiểu để làm căn cứ tính thuế tài nguyên theo diễn biến giá trên thị trường.

10. Giám đốc Công an thành phố: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực phối hợp cùng cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy mạnh việc kiểm tra và ngăn chặn, xử lý triệt để việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đối với sự phát triển của đất nước nói chung và của Cần Thơ nói riêng, từ đó huy động sự tham gia của mọi người dân trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn các Đoàn kiểm tra hoạt động khoáng sản liên ngành của quận, huyện; thực hiện việc trang bị máy móc, thiết bị, công cụ hỗ trợ đảm bảo gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả.

- Phối hợp cùng chính quyền quận, huyện giáp ranh thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển, tập kết cát dọc sông Hậu.

- Phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến khoáng sản. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn, bảo đảm môi trường, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tính mạng và sức khoẻ của nhân dân. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét biện pháp xử lý phù hợp.

- Ủy ban nhân dân quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng cần xây dựng quy hoạch bến bãi để các đơn vị khai thác có phép tập kết cát phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, tuy nhiên phải trên cơ sở bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng và cảnh quan khu vực.

12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Nắm vững địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn mình quản lý. Xử lý, tham mưu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp giám sát việc thực hiện nội dung, khối lượng, kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

13. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản:

- Tăng cường hợp tác trong việc quản lý khai thác, vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường; tự giác, chủ động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu vực được cấp phép hoạt động khoáng sản; chấp hành nghiêm giờ giấc hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản theo quy định;

- Khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ nghiêm theo thiết kế, dự án đầu tư đã duyệt và giấy phép đã được cấp. Tích cực áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo hộ, an toàn - vệ sinh lao động, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, đóng cửa mỏ phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác. Chủ mỏ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra tình hình mất an toàn lao động, sự cố cháy nổ.

- Thực hiện nghiêm túc việc kê khai sản lượng khai thác, chế biến, nộp đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí vào ngân sách nhà nước theo quy định.

14. Đề nghị Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ:

Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản và tác hại của việc khai thác khoáng sản trái phép, các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

PHỤ LỤC 1

QUY HOẠCH CHI TIẾT THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁT SAN LẤP ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Tên mỏ

Vị trí mỏ

Diện tích (ha)

Trữ lượng, tài nguyên (m3)

Công suất khai thác (m3/năm)

1

Long Châu - Lân Thạnh 2

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

90

1.995.700

480.000

2

Tân An - Tân Mỹ 1

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

30,16

1.192.000

400.000

3

Tân Lộc - Thuận Hưng (1)

P. Tân Lộc, P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt

45

120.000

120.000

4

Tân Lộc - Thuận Hưng (2)

P. Tân Lộc, P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt

100

330.000

330.000

5

Bùi Hữu Nghĩa

P. Bình Thủy, Q. Bình Thủy

39

950.000

190.000

6

Tân Mỹ

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

17,9

911.987

200.000

7

Thới An

P. Thới An, Q. Ô Môn

49

1.225.000

200.000

8

Phước Thới

P. Phước Thới, Q. Ô Môn

54,78

904.613

100.000

9

Phước Lộc

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

24

984.000

100.000

10

Tân Lộc

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

76

3.116.000

100.000

11

Trường Thọ

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

40

704.000

100.000

12

Phú Thứ - Tân Phú

P. Phú Thứ, Tân Phú, Q. Cái Răng

33,8

680.000

100.000

13

Tân Phú

P. Tân Phú, Q. Cái Răng

34,3

813.750

100.000

 

Cộng:

 

633,94

13.927.050

2.520.000

 

PHỤ LỤC 2

QUY HOẠCH CHI TIẾT THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁT SAN LẤP TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Tên mỏ

Ví trí mỏ

Diện tích (ha)

Trữ lượng, tài nguyên (m3)

Công suất khai thác (m3/năm)

1

Long Châu - Lân Thạnh 2

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

90

75.700

75.700

2

Bùi Hữu Nghĩa

Q. Bình Thủy

39

380.000

190.000

3

Tân Mỹ

Q. Thốt Nốt

17,9

311.987

200.000

4

Thới An

Q. Ô Môn

49

625.000

200.000

5

Phước Thới

Q. Ô Môn

54,78

604.613

100.000

6

Phước Lộc

Q. Thốt Nốt

24

784.000

100.000

7

Tân Lộc

Q. Thốt Nốt

76

2.916.000

200.000

8

Trường Thọ

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

40

504.000

100.000

9

Phú Thứ - Tân Phú

P. Phú Thứ, Tân Phú, Q. Cái Răng

33,8

480.000

100.000

10

Tân Phú

P. Tân Phú, Q. Cái Răng

34,3

613.750

100.000

11

Phước Lộc 2

P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt

21

455.000

200.000

12

Trà Nóc

P. Trà Nóc, Q. Bình Thủy, P. Phước Thới, Q. Ô Môn

96

1.668.000

700.000

13

Thới An - Phước Thới

Q. Ô Môn

12,9

490.200

250.000

 

Cộng:

 

588,68

9.908.250

2.515.700

 

PHỤ LỤC 3

QUY HOẠCH DỰ TRỮ KHOÁNG SẢN SÉT GẠCH NGÓI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Tên khu vực

Vị trí

Diện tích (ha)

Tài nguyên (triệu m3)

1

Sét gạch ngói Trung Nhứt

P. Trung Nhứt, Q. Thốt Nốt

560

54,88

2

Sét gạch ngói Thạnh Quới

xã Thạnh Quới, H. Vĩnh Thạnh

320

31,36

3

Sét gạch ngói Thới Long

P. Thới Long, Q. Ô Môn; P. Tân Hưng, Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt

650

63,57

4

Sét gạch ngói Thới An

P. Thới An, P. Châu Văn Liêm, Q. Ô Môn

135

13,5

5

Sét gạch ngói Tân Thạnh - Xuân Thắng

xã Tân Thạnh, xã Xuân Thắng, H. Thới Lai

1361

132,56

6

Sét gạch ngói Trường Xuân

xã Trường Xuân, xã Trường Xuân B, H. Thới Lai

1100

109,12

7

Sét gạch ngói Trường Xuân B

xã Trường Xuân B, xã Trường Xuân A, H. Thới Lai

1150

112,01

8

Sét gạch ngói Giai Xuân - Trường Lạc

xã Giai Xuân, H. Phong Điền, P. Trường Lạc, Q. Ô Môn

290

28,13

9

Sét gạch ngói Trường Long

xã Trường Long, H. Phong Điền

300

28,8

 

Cộng:

 

5.866

573,93

 

PHỤ LỤC 4

QUY HOẠCH DỰ TRỮ KHOÁNG SẢN SÉT KERAMZIT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Tên khu vực

Vị trí

Diện tích (ha)

Tài nguyên (triệu m3)

1

Sét keramzit Định Môn

xã Định Môn, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai

1.179

50,697

2

Sét keramzit Trường Thắng

xã Trường Thắng, huyện Thới Lai

768

33,024

 

Cộng:

 

1.947

83,721

 

PHỤ LỤC 5

CÁC KHU VỰC ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

STT

Loại khoáng sản, khu vực

Vị trí

Quy hoạch đến năm 2020

Quy hoạch tầm nhìn đến 2030

Diện tích (ha)

Tài nguyên (m3)

Diện tích (ha)

Tài nguyên (m3)

 

Cát san lấp

 

68,1

1.493.750

117

2.123.000

1

Phú Thứ - Tân Phú

P. Phú Thứ, Tân Phú, Q. Cái Răng

33,8

680.000

 

 

2

Tân Phú

P. Tân Phú,
Q. Cái Răng

34,3

813.750

 

 

3

Phước Lộc 2

P. Tân Lộc,
Q. Thốt Nốt

 

 

21

455.000

4

Trà Nóc

P. Trà Nóc,
Q. Bình Thủy,
P. Phước Thới,
Q. Ô Môn

 

 

96

1.668.000

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/QĐ-UBND năm 2018 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 44/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Đào Anh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản