Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/CT-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG

Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, việc sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá… để sản xuất VLXKN cũng góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn ra môi trường.

Tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Chương trình phát triển VLXKN đã được phổ biến rộng rãi và được các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hưởng ứng tích cực. Lãnh đạo các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân bước đầu đã làm quen với VLXKN; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý đầu tư, sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung. Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển và sử dụng VLXKN chậm được ban hành. Tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch đất sét nung bằng lò thủ công vẫn diễn ra phổ biến (chiếm 35 - 40% sản lượng gạch đất sét nung). Vì vậy việc tiêu thụ VLXKN, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ gặp nhiều khó khăn. Những lợi ích của việc sản xuất và sử dụng VLXKN không được phát huy và không khuyến khích được đầu tư phát triển VLXKN.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chính sách của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương, nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).

2. Bộ Xây dựng

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng VLXKN theo hướng:

+ Các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN.

+ Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXKN, đặc biệt là VLXKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây.

+ Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất gạch không nung.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là các lò gạch gần khu đô thị, khu dân cư.

- Lập quy hoạch phát triển sản xuất vôi quy mô công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu vôi cho sản xuất VLXKN và nhu cầu của thị trường.

- Chỉ đạo, phối hợp với các hội, hiệp hội nghề nhgiệp, cơ quan truyền thông để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… khi sử dụng VLXKN, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ.

- Tổng hợp, đề xuất định hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020.

3. Bộ Tài chính

- Đề xuất với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất của thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa (15%).

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên (đất sét, than…) để sản xuất gạch, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng theo đúng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc chấm dứt sản xuất gạch nung bằng lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các vùng, miền.

5. Bộ Công Thương

- Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thiết bị và dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ 2009 đến năm 2015 để được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các dự án nhiệt điện đầu tư công nghệ phù hợp giảm thiểu phát thải ra môi trường góp phần giảm diện tích bãi thải, bảo vệ môi trường; đồng thời thu hồi tro, xỉ và thạch cao đảm bảo chất lượng để làm nguyên liệu cho sản xuất VLXKN.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Ưu tiên bố trí vốn cho các đề án nghiên cứu công nghệ sản xuất VLXKN và sản xuất thiết bị cho sản xuất VLXKN.

- Hướng dẫn áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ với các dự án đầu tư sản xuất VLXKN.

- Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010.

- Xây dựng và rà soát Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương phù hợp với Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét nung.

- Rà soát trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối đa.

8. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Xây dựng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ Xây dựng chủ trì theo dõi, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ, Cục, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (4).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/04/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản