Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 436/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 28 tháng 3 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tại Tờ trình số 04/TTr-HĐTĐ ngày 14 tháng 3 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Tên dự án: Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
II. Quan điểm quy hoạch
- Quy hoạch vùng nguyên liệu mía phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các ngành khác.
- Phát huy mạnh mẽ nội lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế đất đai, lao động; hình thành các vùng chuyên canh tập trung, tăng cường đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng mía để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác mía.
- Quy hoạch vùng nguyên liệu không áp đặt nhưng không buông lỏng quản lý mà bằng hình thức tổ chức sản xuất có kết hợp hài hòa lợi ích giữa người sản xuất mía nguyên liệu và nhà máy chế biến.
- Quy hoạch vùng nguyên liệu mía phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
III. Mục tiêu xây dựng dự án
- Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu mía cho các nhà máy đường trong khu vực; thực hiện có hiệu quả mối liên kết “4 nhà” theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, nâng tối đa năng suất để tăng sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác, áp dụng giống mới và đầu tư thâm canh, xen canh với các cây trồng khác để nâng cao chất lượng mía, nâng cao thu nhập của người trồng mía.
- Bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy đường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tăng năng lực cạnh tranh của ngành.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phương án I: Diện tích mía khoảng 8.000 ha; trong đó, vùng tập trung khoảng 7.020 ha, tăng cường thâm canh để đạt năng suất 120 tấn/ha (về lâu dài có thể tăng lên 150 - 160 tấn/ha), sản lượng có thể đạt 900.000 tấn; trong đó, vùng sản xuất tập trung khoảng 840.000 tấn (chiếm khoảng 96,66% tổng sản lượng mía toàn vùng quy hoạch) và đảm bảo đủ cung ứng mía nguyên liệu cho nhà máy với công suất 2.200 tấn/ngày.
- Phương án II: Diện tích mía khoảng 9.400 ha; trong đó, vùng tập trung khoảng 9.000 ha, tăng cường thâm canh để đạt năng suất 110 - 120 tấn/ha, sản lượng có thể đạt 1.045.000 - 1.140.000 tấn; trong đó, vùng sản xuất tập trung khoảng 990.000 - 1.080.000 tấn (chiếm khoảng 94,14% tổng sản lượng mía toàn vùng quy hoạch) để đáp ứng nhu cầu nâng công suất của nhà máy lên 4.000 tấn/ngày vào năm 2015 - 2020.
(Đính kèm phụ lục).
IV. Lựa chọn phương án thực hiện
Ưu tiên phương án I.
V. Các giải pháp thực hiện
Tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp các hộ trồng mía nắm vững kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, có thể đạt năng suất trên 100 tấn/ha và giảm giá thành xuống từ 25 - 40% so với giá thành hiện nay.
2. Tăng cường các hoạt động khuyến nông
- Tăng cường các hoạt động khuyến nông cho sản xuất mía, đào tạo và đầu tư thiết bị cho nông dân cấp huyện.
- Tăng cường các buổi phát thanh, phát sóng và truyền hình về sản xuất mía trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện thông qua chương trình “Nhịp cầu nhà nông”.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, công nghệ trong thu hoạch đến người sản xuất một cách có hiệu quả.
3. Giải pháp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm
- Tăng cường hợp tác đầu tư trồng mía giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu.
- Tăng cường công tác thông tin với các nhà máy trong khu vực nhằm xác định giá mua một cách hợp lý, tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá lên cao; quản lý chặt chẽ công tác thu hoạch và vận chuyển nhằm giữ được chất lượng mía tốt.
- Không ngừng hoàn thiện dây chuyền thiết bị, nâng cao chất lượng lao động nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành.
- Ổn định thị trường tiêu thụ sẵn có; đồng thời, từng bước mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, thị trường mới nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
- Tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng cây giống.
- Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tham gia ký hợp đồng với nông dân cung ứng đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ nông sản ở vùng nguyên liệu tập trung, các chợ đầu mối và các cụm dân cư.
- Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, gây thua thiệt cho nông dân.
5. Xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật
a) Về thủy lợi
Tiếp tục rà soát ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình thủy lợi để tăng thời gian tiếp ngọt, đảm bảo nước tưới và tiêu thoát theo yêu cầu thâm canh cao; kết hợp tốt giữa thủy lợi với các tuyến vận chuyển bằng đường thủy.
- Mục tiêu cụ thể về thủy lợi cho các giai đoạn:
+ Đến năm 2015: đảm bảo nước tưới, tiêu chủ động cho 5.616 ha (đạt 80% diện tích) vùng sản xuất tập trung và khoảng 490 ha (đạt 50% diện tích) vùng sản xuất phụ cận.
+ Đến năm 2020: đảm bảo nước tưới tiêu chủ động cho 7.020 ha (100% diện tích) vùng sản xuất tập trung và khoảng 784 ha (đạt 80% diện tích) vùng sản xuất phụ cận.
- Các công trình ưu tiên đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp:
+ Các công trình thuộc Dự án Nam Măng Thít: kênh Trà Lé (Thanh Sơn - rạch Bần); kênh Giồng Thìn (sông Trà Cú - rạch Bần); kênh Thanh Sơn (kênh 3/2 - Trà Lé; kênh T4 (rạch Bắc Trang - T9); kênh T8 (T4 - Ông Rùm); kênh T9 (Mù U - Ông Rùm); kênh Leng - Đồn Điệp (Tập Sơn); kênh Sóc Tro - Leng (An Quảng Hữu).
+ Các Công trình do tỉnh đầu tư: hệ thống đê bao Trà Cú (Thanh Sơn - Lưu Nghiệp Anh); đê Bảy Sào Chót - chợ Hàm Giang (Thanh Sơn - Hàm Giang); đê Bến Bạ - Cà Hom 1 và đê Bến Bạ - Cà Hom 2 (Hàm Giang).
b) Về giao thông, điện
Các công trình cần ưu tiên đầu tư:
- Đầu tư mạng lưới điện cập đê Bắc Trang (ấp Vàm), điện thắp sáng, điện sinh hoạt cho kênh Vàm Buôn.
- Hoàn thiện đê bao hệ thống rạch Trà Cú, hệ thống Tổng Long - Bắc Trang để nối liền đê bao này bố trí hệ thống điện.
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần.
- Hoàn chỉnh đường nội vùng rạch Chà Và từ ấp Bảy Sào Giữa đến ấp Chợ thuộc xã Lưu Nghiệp Anh; đường từ ấp Trà Cú A đến ấp Xa Xi thuộc xã Ngãi Xuyên; đường từ ấp Trà Cú B đến ấp Vàm Ray thuộc xã Hàm Tân.
- Nâng cấp các tuyến hương lộ đã có thành huyện lộ mặt trải nhựa đảm bảo lưu thông xe tải thuận lợi.
- Tăng cường xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn để hệ thống này được vận hành tốt, giúp người dân vận chuyển thuận lợi nguyên liệu mía từ ruộng đến các địa điểm tập kết, vận chuyển bằng phương tiện có trọng tải lớn.
c) Xây dựng cơ sở khảo nghiệm giống mía
Công ty Mía đường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan chọn địa điểm để xây dựng trạm khảo nghiệm giống mía hợp lý, ưu tiên cho các giống mía chín sớm nhằm phục vụ cho tỉnh.
d) Xây dựng các mô hình trồng xen
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chính (cây mía), cần đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình xen canh, luân canh với các loại cây màu chủ yếu như: đậu xanh, đậu nành, bắp...
6. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, đúng theo quy định hiện hành các chính sách: Chính sách về đất đai; chính sách về các thành phần kinh tế; chính sách đầu tư và ưu đãi đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến nông; chính sách đào tạo cán bộ và đưa cán bộ về cơ sở; chính sách phát triển khoa học và công nghệ.
1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án
- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh với sự hỗ trợ của Tổng công ty Mía đường I thông qua Công ty TNHH Một thành viên Mía đường Trà Vinh.
- Phối hợp thực hiện là các Công ty Mía đường trong vùng nguyên liệu và các cấp chính quyền từ huyện đến xã.
- Đối tượng tác động của dự án: các hộ, tổ chức sản xuất, vận chuyển và thu mua mía đường, Tổ hợp tác sản xuất mía, Hợp tác xã thu mua mía nguyên liệu.
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 huyện Trà Cú và Tiểu Cần là đơn vị chính thực hiện dự án; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ chuyên trách để giúp các địa phương vận hành dự án.
2. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
- Tổ chức sản xuất, ký hợp đồng đầu tư sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo thu mua hết mía trong diện hợp đồng và ưu tiên thu mua mía trong vùng chuyên canh.
- Nhà máy đường cần ký kết hợp đồng với người sản xuất nhằm tạo sự an tâm, thúc đẩy vùng trồng mía nguyên liệu phát triển ổn định, gắn chặt sản xuất với chế biến, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển.
3. Đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong vùng nguyên liệu
- Khuyến khích người dân vào tổ kinh tế hợp tác sản xuất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí lịch thời vụ, thuận lợi trong việc chăm sóc, tưới tiêu và thu hoạch được đồng loạt trong từng vùng.
- Hình thành Hợp tác xã làm dịch vụ: Hợp tác xã này có nhiệm vụ thu hoạch và vận chuyển mía từ ruộng mía đến nhà máy, đảm bảo tiêu thụ dễ dàng, giảm được chi phí vận chuyển, hạ giá thành và tăng thu nhập cho người sản xuất.
1. Dự án đầu tư mới
- Dự án nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở khảo nghiệm và nhân giống tốt để phục vụ kịp thời cho thâm canh mía đạt năng suất cao, giá thành hạ, từng bước nâng cao chữ đường đối với mía nguyên liệu. Quy mô 50 ha với tổng kinh phí khoảng 43 tỷ đồng.
- Dự án tập huấn kỹ thuật trồng mía, quy mô khoảng 250 lớp, tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng cho giai đoạn 2011 - 2020.
2. Dự án lồng ghép
- Dự án hoàn thiện đê bao hệ thống rạch Trà Cú, hệ thống Tổng Long - Bắc Trang để nối liền đê bao này bố trí hệ thống điện.
- Dự án hoàn chỉnh đường nội vùng rạch Chà Và từ ấp Bảy Sào Giữa đến ấp Chợ thuộc xã Lưu Nghiệp Anh; đường từ ấp Trà Cú A đến ấp Xa Xi thuộc xã Ngãi Xuyên; đường từ ấp Trà Cú B đến ấp Giàm Rây thuộc xã Hàm Tân.
- Dự án nâng cấp các tuyến hương lộ đã có thành huyện lộ mặt trải nhựa đảm bảo lưu thông xe tải thuận lợi.
VIII. Tổng vốn đầu tư
a) Tổng vốn: 98 tỷ đồng, trong đó:
- Thủy lợi: 25 tỷ đồng.
- Giao thông: 30 tỷ đồng.
- Khảo nghiệm giống: 43 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn:
- Vốn ngân sách:
+ Thủy lợi: 16 tỷ đồng.
+ Giao thông: 20 tỷ đồng.
+ Khảo nghiệm giống: 22,7 tỷ đồng (TW đầu tư).
- Vốn dân, doanh nghiệp, tín dụng:
+ Thủy lợi: 09 tỷ đồng.
+ Giao thông: 10 tỷ đồng.
+ Khảo nghiệm giống: 20,3 tỷ đồng.
c) Phân kỳ đầu tư:
Giai đoạn đầu tư từ năm 2011 - 2015:
- Năm 2011:
+ Thủy lợi: 05 tỷ đồng
+ Giao thông: 06 tỷ đồng
+ Khảo nghiệm giống: 10 tỷ đồng
- Năm 2012:
+ Thủy lợi: 05 tỷ đồng
+ Giao thông: 06 tỷ đồng
+ Khảo nghiệm giống: 09 tỷ đồng
- Năm 2013:
+ Thủy lợi: 05 tỷ đồng
+ Giao thông: 06 tỷ đồng
+ Khảo nghiệm giống: 09 tỷ đồng
- Năm 2014:
+ Thủy lợi: 05 tỷ đồng
+ Giao thông: 06 tỷ đồng
+ Khảo nghiệm giống: 7,5 tỷ đồng
- Năm 2015:
+ Thủy lợi: 05 tỷ đồng
+ Giao thông: 06 tỷ đồng
+ Khảo nghiệm giống: 7,5 tỷ đồng
2. Giải pháp về tạo nguồn và hỗ trợ vốn cho phát triển sản xuất
- Nguồn vốn ngân sách: tăng cường huy động nhiều nguồn vốn bao gồm: ngân sách tập trung, các chương trình mục tiêu quốc gia... Nguồn vốn này được cấp thông qua các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ; xây dựng các cơ sở khảo nghiệm giống, hạ tầng nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực.
- Vốn tín dụng Nhà nước: Đề nghị Ngân hàng thương mại quốc doanh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động vốn để đáp ứng đủ vốn và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất và thu mua mía nguyên liệu.
- Vốn dân tự đầu tư: Huy động nguồn vốn trong dân vào xây dựng đồng ruộng theo yêu cầu chuyển đổi, vốn sản xuất, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; thủy lợi nội đồng; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ như sản xuất giống, hợp đồng bao tiêu sản phẩm...
- Nguồn vốn khác: Huy động và khai thác tốt nhất các nguồn vốn ngoài tỉnh và nước ngoài, nhất là nguồn vốn ODA, FDI. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình, dự án ưu tiên về xây dựng thủy lợi, hạ tầng nông thôn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 879/2006/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung vùng nguyên liệu mía tập trung tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Quyết định 478/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 3Quyết định 3090/QĐ-CT năm 2003 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía phía Bắc tỉnh Thanh Hóa
- 4Quyết định 2554/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Long An giai đoạn 2011 - 2020
- 5Quyết định 422/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 879/2006/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung vùng nguyên liệu mía tập trung tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Quyết định 26/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành
- 5Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 8Quyết định 478/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 9Quyết định 62/QĐ-UBND năm 2009 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do tỉnh Trà Vinh ban hành
- 10Quyết định 3090/QĐ-CT năm 2003 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía phía Bắc tỉnh Thanh Hóa
- 11Quyết định 2554/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Long An giai đoạn 2011 - 2020
Quyết định 436/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- Số hiệu: 436/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/03/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
- Người ký: Trần Khiêu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/03/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra