Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2013/QĐ-UBND | Bà Rịa, ngày 28 tháng 10 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
Căn cứ Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng thực phẩm thủy sản;
Căn cứ Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản;
Thực hiện Quyết định số 1433/QĐ-BNN-QLCL ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 280/TTr-SNN ngày 15 tháng 10 năm 2013 về việc đề nghị ban hành quy định về việc kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về việc kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hội nghề cá tỉnh; các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC KIỂM SOÁT TRONG KHAI THÁC, THU MUA, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI CÁ NÓC GIAI ĐOẠN 2013-2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Điều 1. Quy định về việc kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc nhằm mục đích đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản và vệ sinh môi trường; đảm bảo tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Sản phẩm cá nóc sau khi khai thác, thu mua, chế biến chỉ được phép xuất khẩu, tuyệt đối không được tiêu thụ nội địa.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a) Các tổ chức, cá nhân được chọn tham gia thực hiện “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến cá nóc giai đoạn 2013-2015 trên địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” được ban hành theo Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
b) Các cơ quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát có liên quan.
2. Phạm vi áp dụng: trên toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
1. Kiểm soát cả nóc: Bao gồm các hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc.
2. Tàu khai thác, thu mua cá nóc: Là các loại tàu cá chuyên nghề được phép đánh bắt cá nóc hoặc các loại tàu có nghề khác mà sản phẩm cá nóc thu được từ các mẻ lưới thu hoạch trong một chuyến biển chuyển về cơ sở được phép thu mua, chế biến cá nóc để xuất khẩu.
3. Cơ sơ thu mua cá nóc: Là một địa điểm cố định được cho phép sử dụng để tiến hành các hoạt động thu gom, phân loại và bảo quản nguyên liệu cá nóc từ các tàu khai thác trên biển để cung cấp cho các cơ sở chế biến xuất khẩu cá nóc.
4. Cơ sở chế biến xuất khẩu cá nóc: Là cơ sở được phép thực hiện việc xử lý, chế biến, đóng gói, bảo quản và tham gia xuất khẩu trực tiếp cá nóc.
5. Nhà máy chế biến bột cá: Là cơ sở được phép thực hiện việc xử lý các sản phẩm cá nóc không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cá nóc, các phế phẩm cá nóc trong quá trình chế biến.
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TÀU CÁ, CƠ SỞ THU MUA VẬN CHUYỂN VÀ CHẾ BIẾN CÁ NÓC
Điều 4. Đối với tàu cá khai thác, thu mua cá nóc
1. Điều kiện hoạt động của các tàu khai thác cá nóc.
a) Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (còn hiệu lực).
b) Phải thuộc danh sách các tàu cá tham gia đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.
c) Chủ tàu và người lao động trên tàu cá phải được đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại, phương pháp bảo quản cá nóc. Khi đi khai thác trên tàu phải có ít nhất 1 lao động có Giấy chứng nhận đã tham gia khoá đào tạo về nhận biết, phân loại, bảo quản, chế biến cá nóc xuất khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
2. Trách nhiệm của chủ tàu khai thác cá nóc.
a) Sản phẩm cá nóc đánh bắt được trên tàu không được làm thực phẩm cho thuyền viên đi trên tàu; chỉ được bán cá nóc cho tàu thu mua trên biển hoặc cơ sở thu mua được chọn tham gia thực hiện Đề án (được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt). Chỉ được khai thác các loài cá nóc với kích cỡ, màu sắc, loài theo quy định đã được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ sở thu mua.
b) Ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ nhật ký khai thác về khối lượng, chủng loại, vị trí vùng biển đánh bắt được cá nóc, tình trạng bảo quản cá nóc khai thác, thu mua được.
c) Trước khi cập cảng đã được chỉ định tham gia đề án, phải thông báo cho cơ quan kiểm tra biết để kiểm tra cấp giấy xác nhận cho từng lô nguyên liệu cá nóc. Trường hợp cập cảng khác thì phải báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước 24 giờ để Sở cử lực lượng kiểm tra, giám sát.
Điều 5. Đối với cơ sở thu mua, tiếp nhận và vận chuyển cá nóc
1. Điều kiện hoạt động của các cơ sở thu mua cá nóc.
a) Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (còn hiệu lực).
b) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thu mua sản phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; có bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho hoạt động thu mua thủy sản và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định.
c) Phải thuộc danh sách các cơ sở thu mua tham gia đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.
d) Cơ sở thu mua, phải có ít nhất 02 người (chủ cơ sở và nhân viên thu mua) đã được đào tạo và cấp Chứng nhận về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản, vận chuyển cá nóc đến nhà máy chế biến.
đ) Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.
e) Có bản cam kết thực hiện quy định kiểm soát cá nóc và không để cá nóc thất thoát ra ngoài.
2. Trách nhiệm của các chủ cơ sở thu mua cá nóc:
a) Phải lập hồ sơ của từng lô hàng, lưu giữ hồ sơ theo đúng quy định. Ghi chép đầy đủ thông tin:
- Tên chủ tàu.
- Ngày giờ cập cảng.
- Khối lượng nguyên liệu.
- Tình trạng bảo quản.
- Chất lượng và chủng loại.
b) Báo cáo hàng tháng tình hình mua, chế biến xuất khẩu cá nóc cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các cơ quan kiểm soát khác khi có yêu cầu;
c) Không được bán cá nóc cho bất kỳ người tiêu dùng nào trong nước hoặc các cơ sở chế biến, nhà máy chế biến bột cá không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Điều 6. Đối với cơ sở chế biến cá nóc tham gia xuất khẩu.
1. Điều kiện hoạt động của các cơ sở chế biến cá nóc tham gia xuất khẩu
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết hay đơn giản cho hoạt động chế biến cá nóc và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định.
b) Phải được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định chọn nhà máy chế biến thủy sản có đủ điều kiện tham gia Đề án.
c) Nhà máy chế biến cá nóc xuất khẩu phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, phải được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản kiểm tra công nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Hàn Quốc và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc.
d) Nhân viên thu mua tiếp nhận cá nóc và đội ngũ nhân viên kỹ thuật phân loại, xử lý và chế biến cá nóc trực tiếp làm việc tại cơ sở phải thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia có thẩm quyền.
e) Có bản cam kết thực hiện quy định kiểm soát cá nóc và thực hiện đúng quy định về kỹ thuật sản xuất, chế biến cá nóc xuất khẩu do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định;
2. Trách nhiệm của các chủ cơ sở chế biến cá nóc:
a) Có giải pháp thực hiện cụ thể và cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý.
b) Báo cáo hàng tháng tình hình xử lý, chế biến xuất khẩu cá nóc cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các cơ quan kiểm soát khác khi có yêu cầu, cụ thể như sau:
- Ngày giờ tiếp nhận;
- Người giao hàng;
- Tên loài, tổng khối lượng, kết quả kiểm tra cảm quan;
- Số lượng đưa vào chế biến xuất khẩu;
- Số lượng không đạt, chủng loại, nơi tiếp nhận.
c) Đối với sản phẩm không đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến xuất khẩu phải chuyển ngay đến nhà máy chế biến bột cá đã đăng ký tham gia thực hiện Đề án để chế biến làm phân bón tiêu thụ tại Việt Nam.
d) Đối với mỗi lô hàng cá nóc xuất khẩu, nhà máy sản xuất cá nóc phải đăng ký kiểm tra chứng nhận tại cơ quan chức năng do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chỉ định và phải lấy mẫu phân tích độc tố Tetrodotoxin cho từng lô hàng, theo quy định.
e) Chỉ được thu mua sản phẩm cá nóc có xuất xứ từ các cơ sở thu mua cá nóc đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
g) Không được bán cá nóc hoặc sản phẩm cá nóc cho người tiêu dùng hoặc các đại lý, cơ sở buôn bán thực phẩm trong nước;
h) Phải xử lý các chất phế thải trong quá trình sản xuất cá nóc một cách triệt để, đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh và các quy định về bảo vệ môi trường.
Điều 7. Đối tác nhập khẩu cá nóc
Có phương án nhập khẩu cá nóc, có năng lực tài chính, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của ngành nông nghiệp; chấp hành các thủ tục xuất nhập khẩu hàng thủy sản theo quy định; đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho thực hiện.
Nhà nhập khẩu phải có văn bản cam kết chia sẻ lợi ích, rủi ro với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Điều 8. Nhà máy chế biến bột cá
Khi đăng ký tham gia thực hiện Đề án và được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phải thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; chỉ được chế biến cá dạt, phế phẩm làm phân bón đảm bảo đáp ứng các quy định của Việt Nam trong sản xuất phân bón; không để cá nóc thất thoát ra ngoài phạm vi Đề án.
THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ ĐĂNG KÝ THAM GIA KHAI THÁC, THU MUA, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU CÁ NÓC
Điều 9. Hồ sơ xin đăng ký hoạt động khai thác, thu mua, chế biến xuất khẩu cá nóc
1. Đối với tàu cá khai thác, tàu thu gom cá nóc
Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; số lượng 01 bộ gồm:
Đơn đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cá nóc (theo mẫu Phụ lục).
a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản sao).
b) Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp (bản sao).
c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá còn hiệu lực do Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp (bản sao).
d) Giấy chứng nhận đã tham gia khoá đào tạo về nhận biết, phân loại, bảo quản, chế biến cá nóc xuất khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ít nhất phải có 01 Giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc thuyền viên) (bản sao).
Trong thời gian 07 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức kiểm tra, xác nhận tàu cá, tàu thu gom có đủ điều kiện tham gia đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt, nếu không phải trả lời cụ thể.
2. Đối với cơ sở thu mua, vận chuyển cá nóc
Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; số lượng 01 bộ gồm:
a) Đơn đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cá nóc (theo mẫu Phụ lục).
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mua bán, chế biến thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao).
c) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hiệu lực, do Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp (bản sao).
d) Phương án sản xuất, kinh doanh mặt hàng cá nóc và 02 giấy chứng nhận (của chủ cơ sở và nhân viên thu mua) đã được đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản, vận chuyển cá nóc đến nhà máy chế biến (bản sao).
e) Bản cam kết thực hiện quy định kiểm soát cá nóc và thực hiện đúng quy định về kỹ thuật sản xuất, chế biến cá nóc xuất khẩu.
Trong thời gian 07 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức kiểm tra, xác nhận cơ sở thu mua, vận chuyển có đủ điều kiện tham gia đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt, nếu không phải trả lời cụ thể.
3. Đối với cơ sở chế biến cá nóc tham gia xuất khẩu.
Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; số lượng 01 bộ gồm:
a) Đơn đăng ký tham gia thực hiện đề án thí điểm cá nóc (theo mẫu Phụ lục).
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mua bán, chế biến thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao).
c) Giấy công nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản kiểm tra, công nhận.
d) Chứng chỉ về phân loại, xử lý, chế biến cá nóc cho nhân viên kỹ thuật (bản sao).
đ) Phương án sản xuất kinh doanh mặt hàng cá nóc.
e) Bản cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý.
Trong thời gian 07 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét đủ điều kiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chọn nhà máy chế biến có đủ điều kiện tham gia đề án, nếu không phải trả lời cụ thể.
4. Đối với nhà nhập khẩu cá nóc
Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; số lượng 01 bộ, gồm:
a) Đơn đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cá nóc (theo mẫu Phụ lục).
b) Phương án nhập khẩu cá nóc.
c) Các loại giấy tờ có liên quan chứng minh năng lực tài chính, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của ngành nông nghiệp.
d) Bản cam kết chia sẻ lợi ích, rủi ro với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trong thời gian 07 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét đủ điều kiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chọn nhà nhập khẩu tham gia Đề án, nếu không phải trả lời cụ thể.
5. Nhà máy chế biến bột cá
Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; số lượng 01 bộ gồm:
a) Đơn đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cá nóc (theo mẫu Phụ lục).
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chế biến bột cá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao).
c) Bản cam kết sản xuất bột cá làm phân bón tiêu thụ tại Việt Nam, không để cá nóc thất thoát ra ngoài phạm vi Đề án và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong thời gian 07 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chọn nhà máy chế biến bột cá tham gia Đề án, nếu không phải trả lời cụ thể.
Điều 10. Trong quá trình tham gia thực hiện Đề án, các tàu cá, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu cá nóc không tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đình chỉ tham gia đề án.
Điều 11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm “Khai thác, thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến và xuất khẩu cá nóc giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.
2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện “Quy định kiểm soát trong khai thác, bảo quản, thu mua, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc”.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ cho các đối tượng tham gia Đề án.
4. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc ngành tổ chức kiểm tra, xác nhận các tàu cá, cơ sở thu mua thủy sản đủ điều kiện tham gia thực hiện Đề án.
5. Thành lập các Tổ thường trực tại cảng cá, điểm bốc dỡ đã được chỉ định để kiểm tra, cấp chứng nhận cho các lô hàng cá cập cảng, kiểm tra việc thu mua, vận chuyển cá nóc.
6. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định xử lý phế phẩm, phụ phẩm cá nóc khi cần thiết, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
7. Tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
8. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu các sở, ngành các cơ quan, tổ chức có những khó khăn, vướng mắc, phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 12. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền cho người dân biết tác hại độc tố cá nóc, tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm và có biện pháp cấp cứu kịp thời những trường hợp bị ngộ độc do ăn phải cá nóc hoặc thực phẩm chế biến từ cá nóc.
2. Tổ chức mạng lưới phòng chống ngộ độc thực phẩm nói chung, ngộ độc cá nóc nói riêng, nhất là biện pháp cấp cứu kịp thời các trường hợp ngộ độc do ăn phải cá nóc, kiên quyết không để xảy ra trường hợp tử vong.
Điều 13. Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá nóc và các sản phẩm cá nóc không đúng theo quy định.
2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đánh giá kết quả xuất khẩu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Điều 14. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân biết, phân biệt được cá nóc với các loài cá khác được sử dụng làm thực phẩm trên các ấn phẩm tạp chí khoa học công nghệ.
Điều 15. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, chế biến cá nóc và nhà máy chế biến bột cá đăng ký tham gia Đề án.
Điều 16. Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Chỉ đạo các lực lượng thuộc ngành kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá nóc và các sản phẩm cá nóc không đúng theo quy định.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, chế biến cá nóc và nhà máy chế biến bột cá đăng ký tham gia Đề án.
Điều 17. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Chỉ đạo các lực lượng thuộc ngành kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá nóc và các sản phẩm cá nóc không đúng theo quy định.
Điều 18. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
1. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân biết tác hại độc tố cá nóc, tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm.
2. Chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá nóc và các sản phẩm cá nóc không đúng theo quy định.
Điều 19. Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Đề án thí điểm cá nóc của tỉnh triển khai thực hiện Đề án. Theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Đề án.
2. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết chủ trương của nhà nước về Đề án thí điểm chỉ cho phép xuất khẩu cá nóc, tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm, tiêu thụ nội địa dưới bất cứ hình thức nào.
Điều 20. Các cơ quan thông tin truyền thông
Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết chủ trương của nhà nước về Đề án thí điểm chỉ cho phép xuất khẩu cá nóc, tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm, tiêu thụ nội địa dưới bất cứ hình thức nào./.
PHỤ LỤC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------
............., ngày .... tháng .... năm ....
ĐƠN ĐĂNG KÝ THAM GIA THỰC HIỆN
Họ và tên:
Chức danh:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax
Tên doanh nghiệp/ số đăng ký:
Mã số:
Số đăng ký tàu cá:
Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từ 2013-2015”, Quy định về việc kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đối chiếu với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, cơ sở chúng tôi đăng ký xin được tham gia thực hiện Đề án.
Chúng tôi cam kết chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Neu vi phạm cơ sở chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
| GIÁM ĐỐC/ CHỦ PHƯƠNG TIỆN (Ký tên, đóng dấu) |
- 1Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 về chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Quyết định 3405/QĐ-UBND năm 2010 về Quy định kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá Nóc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 3Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá Nóc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Khánh Hoà từ 2010 - 2011”
- 4Quyết định 33/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 5Quyết định 176/QĐ-UBND năm 2020 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019
- 1Quyết định 33/2019/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 2Quyết định 176/QĐ-UBND năm 2020 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019
- 1Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản
- 2Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3Luật Thủy sản 2003
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6Nghị định 14/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản
- 7Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 về chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 8Luật an toàn thực phẩm 2010
- 9Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Thông tư 01/2012/TT-BTNMT quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 12Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 13Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về lĩnh vực thủy sản
- 14Quyết định 3405/QĐ-UBND năm 2010 về Quy định kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá Nóc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 15Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá Nóc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Khánh Hoà từ 2010 - 2011”
- 16Quyết định 1433/QĐ-BNN-QLCL năm 2013 phê duyệt Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 43/2013/QĐ-UBND về kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển chế biến xuất khẩu và xử lý chất thải cá nóc giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
- Số hiệu: 43/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/10/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Trần Ngọc Thới
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra