Hệ thống pháp luật

ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
******

Số : 42/2000/QĐ-UBCK1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY CHẾ THÀNH VIÊN, NIÊM YẾT, CÔNG BỐ THÔNG TIN VÀ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/1999/QĐ-UBCK1 NGÀY 27/3/1999 CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và  trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 28 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế Thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 04/1999/QĐ-UBCK 1 ngày 27/3/1999 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như sau:

1. Hủy bỏ điểm c khoản 5 của Điều 5 và hủy bỏ Phụ lục 03-TV.

2. Khoản 1 Điều 14 được sửa đổi như sau :

Trường hợp khách hàng nắm giữ chứng chỉ chứng khoán và muốn đưa vào giao dịch, thành viên yêu cầu khách hàng nộp các chứng chỉ chứng khoán trước khi đặt lệnh. Khi khách hàng nộp các chứng chỉ chứng khoán, thành viên phải giao cho khách hàng biên lai nhận chứng chỉ chứng khoán và thực hiện lưu ký tại Trung tâm giao dịch chứng khoán theo Quyết định số 05/1999/QĐ-UBCK3 ngày 27/3/1999 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế Lưu ký, thanh toán bù trừ và đăng ký chứng khoán.

3. Bổ sung thêm khoản 4 Điều 16 như sau:

Việc niêm yết trái phiếu Chính phủ được thực hiện như sau : Cơ quan được Chính phủ ủy nhiệm phát hành (Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước) gửi hồ sơ đăng ký niêm yết với Trung tâm giao dịch chứng khoáng, bao gồm:

a) Công văn đề nghị niêm yết;

b) Báo cáo kết quả đợt phát hành (loại trái phiếu, mệnh giá, lãi suất, thời gian đáo hạn).

Sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, trái phiếu Chính phủ sẽ được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán.

4. Khoản 1 điểm m, khoản 2, khoản 3 Điều 33 được bổ sung, sửa đổi như sau:

Khoản 1 điểm m: Quyết định tách, gộp cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; quyết định mua hoặc bán lại cổ phiếu của mình; quyết định phát hành trái phiếu kèm theo quyền mua cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Khoản 2: Tổ chức niêm yết phải công bố các sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này trong vòng 24 giờ tính từ thời điểm xảy ra sự kiện đó trên 1 tờ báo Trung ương, 1 tờ báo địa phương nơi tổ chức có trụ sở chính; và phải báo cáo Trung tâm giao dịch chứng khoán bằng văn bản trong vòng 3 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện đó.

Khoản 3: Trung tâm giao dịch chứng khoán công bố các sự kiện nêu tại khoản 1 Điều này trên các phương tiện công bố thông tin của Trung tâm. Riêng các trường hợp quy định tại các điểm n ,r ,s Trung tâm giao dịch chứng khoán phải công bố các sự kiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Bổ sung thêm khoản 3 Điều 34 như sau :

Trung tâm giao dịch chứng khoán quy định cụ thể nội dung công bố thông tin theo yêu cầu đối với tổ chức niêm yết.

6. Hủy bỏ khoản 4 Điều 35.

7. Khoản 6 Điều 35 được sửa đổi như sau :

Các báo cáo định kỳ quy định tại khoản 1,2 và 3 Điều này của công ty quản lý quỹ phải được gửi Trung tâm giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được công bố trong ấn phẩm thường niên của công ty quản lý quỹ và công bố tóm tắt trên 2 số liên tục của 1 tờ báo trung ương.

8. Bổ sung thêm khoản 3 Điều 37 như sau:

Trung tâm giao dịch chứng khoán quy định cụ thể nội dung công bố thông tin theo yêu cầu đối với công ty quản lý quỹ.

9. Điều 43 được sửa đổi như sau:

1. Trung tâm giao dịch chứng khoán tổ chức giao dịch chứng khoán từ 8h00 đến 15h00 vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ theo quy định trong Bộ Luật Lao động.

2. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định thay đổi thời gian giao dịch khi thấy cần thiết.

10. Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Trung tâm giao dịch chứng khoán tổ chức giao dịch thông qua hệ thống giao dịch theo 2 phương thức:

a) Phương thức khớp lệnh: là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở khớp các lệnh mua và lệnh bán của khách hàng theo nguyên tắc xác định giá thực hiện như sau:

a.1) Là mức giá thực hiện được khối lượng giao dịch lớn nhất;

a.2) Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điềm a.1 của Điều này thì mức giá gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn;

a.3) Nếu vẫn có nhiều mức giá thỏa mãn điểm a.2 của Điều này thì mức giá cao nhất sẽ được chọn.

b) Phương thức thỏa thuận: là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch.

2. Giao dịch chứng khoán của người đầu tư nước ngoài tại Trung tâm giao dịch chứng khoán được quản lý như sau:

a) Hệ thống giao dịch kiểm soát và công bố khối lượng chứng khoán người nước ngoài được phép mua.

b) Khối lượng chứng khoán mua của người nước ngoài được trừ vào khối lượng được phép mua ngay sau lệnh mua được thực hiện; khối lượng chứng khoán bán của người nước ngoài được cộng vào khối lượng chứng khoán được phép mua sau khi thanh toán giao dịch.

c) Sau khi thực hiện lệnh mua, nếu khối lượng chứng khoán được phép mua đã hết, lệnh mua chứng khoán của người nước ngoài đã được thực hiện một phần hoặc chưa thực hiện sẽ tự động bị hủy và lệnh mua được nhập tiếp vào hệ thống giao dịch sẽ không được chấp nhận.

11. Điều 46 được sửa đổi như sau :

1. Lệnh giao dịch theo phương thức khớp lệnh là lệnh giới hạn do đại diện giao dịch của thành viên nhập vào hệ thống giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán.

2. Lệnh nhập vào hệ thống giao dịch có hiệu lực cho đến khi kết thúc ngày giao dịch.

3. Việc sửa hoặc hủy bỏ lệnh giao dịch chỉ có hiệu lực khi lệnh gốc chưa được thực hiện. Trường hợp sửa lệnh, đại diện giao dịch chỉ được phép sửa số hiệu tài khoản giao dịch của người đầu tư.

12. Điều 47 được sửa đổi như sau :

Lệnh giao dịch nhập vào hệ thống giao dịch theo phương thức khớp lệnh bao gồm các nội dung như sau :

1. Lệnh mua, lệnh bán;

2. Mã chứng khoán;

3. Số lượng;

4. Giá;

5. Số hiệu tài khoản giao dịch của người đầu tư;

6. Ký hiệu lệnh giao dịch:

- Lệnh tự doanh của thành viên (P);

- Lệnh  môi giới của thành viên (C);

- Lệnh từ thành viên lưu ký nước ngoài (F);

- Lệnh từ thành viên lưu ký trong nước (M);

7. Các chi tiết khác do Trung tâm giao dịch chứng khoán quy định.

13. Hủy bỏ Điều 48.

14. Hủy bỏ Điều 49.

15. Điều 50 được sửa đổi như sau:

1. Đơn vị giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh được quy định như sau:

a) Cổ phiếu : 100 cổ phiếu;

b) Trái phiếu : 10 trái phiếu;

c) Chứng chỉ quỹ đầu tư: 100 chứng chỉ.

2. Đơn vị yết giá được quy định như sau :

a) Giao dịch theo phương thức khớp lệnh:

Mức giá

Cổ phiếu

Chứng chỉ quỹ đầu tư

Trái phiếu

£ 49.900

100 đồng

100 đồng

100 đồng

50.000-99.500

500 đồng

500 đồng

100 đồng

³100.000

1.000 đồng

1.000 đồng

100 đồng

b) Giao dịch theo phương thức thỏa thuận : Không quy định đơn vị yết giá.

16. Điều 51 được sửa dổi như sau :

1. Biên độ dao động giá áp dụng cho chứng khoán niêm yết trong ngày giao dịch bằng ±5% giá tham chiếu đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư; ±1,5% giá tham chiếu đối với trái phiếu.

2. Giới hạn dao động giá của chứng khoán được tính như sau :

a) Cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư:

Giá tối đa = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x 5%).

Giá tối thiểu = Giá tham chiếu - (Giá tham chiếu x 5%).

b) Trái phiếu:

Giá tối đa = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x 1,5%).

Giá tối thiểu = Giá tham chiếu - (Giá tham chiếu x 1,5%)

3. Giá tham chiếu được xác định như sau:

a) Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và trái phiếu đang giao dịch bình thường là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó;

b) Trường hợp chứng khoán mới được niêm yết trong ngày giao dịch đầu tiên Trung tâm giao dịch chứng khoán nhận lệnh giao dịch không giới hạn biên độ dao động giá và lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch làm giá tham chiếu. Biên độ dao động được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp;

c) Trường hợp chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát, chứng khoán không còn thuộc bị kiểm soát, chứng khoán bị ngừng giao dịch trên 30 ngày, thì giá tham chiếu được xác định tương tự quy định tại điểm b của Điều này;

d) Trường hợp giao dịch chứng khoán không được hưởng các quyền kèm theo, giá bán tham chiếu được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị của các quyền kèm theo;

e) Trường hợp tách gộp cổ phiếu, giá tham chiếu sau khi tách gộp được xác định theo nguyên tắc lấy giá giao dịch trước ngày tách gộp điều chỉnh theo tỷ lệ tách gộp cổ phiếu.

17. Điều 52 được sửa đổi như sau:

1. Thời gian giao dịch theo phương thức khớp lệnh:

a) Trung tâm giao dịch chứng khoán tiến hành nhận lệnh giao dịch từ 8h00-9h00, từ 10h00-11h00 và từ 13h00-14h00 trong ngày giao dịch;

b) Trung tâm giao dịch chứng khoán thực hiện khớp lệnh định kỳ 3 lần trong ngày giao dịch vào lúc 9h00,11h00 và 14h00;

c) Giá mở cửa là giá thực hiện lúc 9h00, giá đóng cửa là giá thực hiện lúc 14h00;

2. Thời gian giao dịch theo phương thức thỏa thuận từ : 8h00 đến 15h00;

18. Điều 54 được sửa đổi như sau:

Kết quả giao dịch được Trung tâm giao dịch chứng khoán thông báo trên màn hình của thành viên tại Trung tâm giao dịch chứng khoán gồm nội dung sau đây:

1. Số hiệu của lệnh giao dịch;

2. Số hiệu xác nhận giao dịch;

3. Mã chứng khoán;

4. Giá thực hiện;

5. Số lượng mua hoặc bán;

6. Thời gian giao dịch được thực hiện;

7. Lệnh mua hay bán;

8. Ký hiệu của lệnh;

9. Số liệu tài khoản của khách hàng;

10. Số hiệu đại diện giao dịch của thành viên;

19. Hủy bỏ Điều 55.

20. Điều 56 được bổ sung, sửa đổi như sau:

1. Giao dịch lô lớn là giao dịch có khối lượng tối thiểu như sau:

a) Cổ phiếu : 10.000 cổ phiếu.

b) Chứng chỉ quỹ đầu tư : 10.000 chứng chỉ

c) Trái phiếu : 3.000 trái phiếu.

2. Giao dịch lô lớn thực hiện theo phương thức thỏa thuận và theo quy định:

a) Đại diện giao dịch kiểm tra các chào giá của thành viên khác nhập chào giá của mình vào hệ thống giao dịch với các nội dung:

a.1) Chào mua hoặc chào bán chứng khoán.

a.2) Mã chứng khoán;

a.3) Số lượng;

a.4) Giá;

a.5) Số điện thoại liên hệ.

b) Sau khi thoả thuận về các điều kiện giao dịch, đại diện giao dịch bên bán nhận lệnh giao dịch đã thỏa thuận vào hệ thống giao dịch vớicác nội dung sau:

b.1) Mã chứng khoán;

b.2) Số lượng;

b.3) Giá;

b.4) Số hiệu của thành viên bên mua;

b.5) Số hiệu của đại diện giao dịch bên mua;

b.6) Ký hiệu lệnh giao dịch;

b.7) Số hiệu tài khoản giao dịch của người đầu tư.

c) Các đại diện giao dịch bên bán và bên mua có thể hủy bỏ giao dịch đã thỏa thuận. Trong trường hợp đại diện giao dịch bên bán hủy bỏ giao dịch thỏa thuận, ngoài việc được đại diện giao dịch bên mua chấp thuận còn phải được sự chấp thuận của Trung tâm giao dịch chứng khoán (trừ trường hợp đại diện bên bán và đại diện bên mua cùng một thành viên).

d) Kết quả giao dịch thỏa thuận được hiển thị trên màn hình của thành viên tại Trung tâm giao dịch chứng khoán. Đại diện giao dịch chịu trách nhiệm kiểm tra các giao dịch đã hoàn tất gồm các nội dung sau;

d.1) Mã chứng khoán;

d.2) Giao dịch theo phương thức thỏa thuận;

d.3) Số hiệu xác nhận giao dịch;

d.4) Số hiệu tài khoản của người đầu tư;

d.5) Trạng thái của giao dịch.

d.6) Bên đối tác trong giao dịch;

d.7) Ký hiệu lệnh giao dịch;

3. Giao dịch lô lẻ được thực hiện trực tiếp giữa người đầu tư với công ty chứng khoán thành viên theo nguyên tắc thỏa thuận về giá.

Công ty chứng khoán thành viên có trách nhiệm báo cáo kết quả giao dịch với Trung tâm giao dịch chứng khoán.

21. Điều 57 được sửa đổi như sau :

1. Tổ chức niêm yết muốn mua hoặc bán lại cổ phiếu niêm yết của mình phải nộp đơn xin phép theo quy định của Trung tâm giao dịch chứng khoán.

2. Tổ chức niêm yết được mua lại không quá 30% tổng số cổ phiếu phổ thông, một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu khác đã phát hành. Việc mua hoặc bán lại cổ phiếu niêm yết được  thực hiện qua hệ thống giao dịch. Trong mỗi ngày giao dịch, tổ chức niêm yết chỉ được đặt lệnh một lần với khối lượng tối đa bằng 5% tổng khối lượng xin phép trong đơn.

3. Tổ chức niêm yết phải kết thúc việc mua hoặc bán lại cổ phiếu niêm yết trong vòng 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận. Trường hợp mua lại, tổ chức niêm yết chỉ được phép bán sau khi đã nắm giữ tối thiểu 6 tháng.

22. Điều 59 được sửa đổi như sau:

Lỗi giao dịch của thành viên phát sinh do nhầm lẫn, sai sót (về lệnh mua hoặc bán, loại chứng khoán, giá cả, số lượng) trong quá trình nhận lệnh, xử lý lệnh hoặc trong quá trình chuyển, nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, thành viên phải báo cáo Trung tâm giao dịch chứng khoán về lỗi giao dịch và chịu trách nhiệm giải quyết với khách hàng về lỗi giao dịch của mình.

23. Hủy bỏ Điều 60.

24. Điều 61 được sửa đổi, bổ sung như nhau:

1. Khi đặt lệnh mua, bán chứng khoán, số dư tài khoản của khách hàng mở tại thành viên phải đáp ứng quy định ký quỹ tương đương 100% giá trị chứng khoán đặt mua hoặc đủ số lượng chứng khoán đặt bán;

2. Thành viên có trách nhiệm kiểm tra ký quỹ tiền và chứng khoán của khách hàng khi nhận lệnh.

3. Lệnh giao dịch tự doanh của thành viên không cần ký quỹ đảm bảo.

4. Trước khi nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, các công ty chứng khoán có trách nhiệm kiểm tra tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng mở tại công ty chứng khoán (đối với khách hàng trong nước) hoặc thông qua thành viên lưu ký nước ngoài (đối với khách hàng nước ngoài).

25. Điều 62 được sửa dổi như sau ;

1. Trường hợp giá, khối lượng giao dịch của các loại chứng khoán biến động bất thường, Trung tâm giao dịch chứng khoán quy định ký hiệu cảnh báo và có thể quyết định tạm ngừng giao dịch đối với các loại chứng khoán đó và yêu cầu tổ chức niêm yết công bố thông tin.

2. Trường hợp tách hoặc gộp cổ phiếu, Trung tâm giao dịch chứng khoán ngừng giao dịch đối với các loại cổ phiếu đó cho đến khi việc tách hoặc gộp cổ phiếu hoàn tất.

3. Trung tâm giao dịch chứng khoán có thể quyết định tạm ngừng giao dịch một loại chứng khoán cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích chung của công chúng đầu tư hoặc nhằm đảm bảo hoạt động công bằng và ổn định của thị trường.

4. Trung tâm giao dịch chứng khoán quy định các ký hiệu trên bảng điện tử và công bố trên các phương tiện thông tin của Trung tâm giao dịch chứng khoán về các trường hợp quy định tại các điểm c, d, e khoản 3 của  Điều 51 và các khoản 1, 3 của Điều này.

26. Điều 63 được sửa đổi như sau:

1. Chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát khi rơi vào tình trạng quy định tại các Điều 29 và 30 Quy chế này và không còn thuộc diện bị kiểm soát khi tổ chức niêm yết khắc phục được tình trạng đó.

2. Khi chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát hoặc không còn thuộc diện bị kiểm soát, Trung tâm giao dịch chứng khoán ngừng giao dịch chứng khoán để xác định lại giá tham chiếu cho chứng khoán đó.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2000/QĐ-UBCK1 sửa đổi Quy chế Thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán theo Quyết định 04/1999/QĐ-UBCK1 do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 42/2000/QĐ-UBCK1
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2000
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Đức Quang
  • Ngày công báo: 31/08/2000
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản