Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4110/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 21 tháng 11 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 641/TTr-SKHCN ngày 06 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW NGÀY 03/6/2013, HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4110/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, là những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi ngành, địa phương và cả đất nước. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch hành động chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với các nội dung sau:
- Đến năm 2020, về cơ bản, từng bước chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững cho các ngành, các lĩnh vực.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tạo được bước chuyển biến cơ bản trong quản lý đất đai, khai thác và sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; tăng cường bảo vệ môi trường nhằm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gắn với tiến bộ và bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm quy hoạch sử dụng đất đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh;
- Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai;
- Quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển bền vững của tỉnh.
- Bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả, gắn với chế biến sâu và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2050, chủ động ứng phó với BĐKH; khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, đáp ứng các tiêu chí môi trường theo quy chuẩn quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
- Giữ ổn định và sử dụng hiệu quả 138.700ha đất trồng lúa; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững;
- Trên 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý đạt yêu cầu về môi trường.
- Trên 95% khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về môi trường;
- Trên 60% làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu về môi trường;
- Tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt.
- Phấn đấu 100% dân cư thành thị và tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn.
- Quản lý, khai thác hợp lý, sớm chấm dứt tình trạng khai thác rừng tự nhiên, đưa độ che phủ của rừng toàn tỉnh lên trên 52,6%; bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng với diện tích 81.357 ha; nâng diện tích, chất lượng rừng trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên, các Vườn Quốc gia.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.
1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Kịp thời giới thiệu và triển khai thực hiện các văn bản mới của ngành; thực hiện tốt chương trình phối hợp hành động BVMT, phát triển bền vững; tổ chức phổ biến kinh nghiệm cho mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội việc rèn luyện kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện và BVMT.
1.2. Sở Thông tin và truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phản ánh kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nâng cao nhận thức cộng đồng về các mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; tuyên truyền để nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1.3. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện:
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức; xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về BVMT trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đạo đức gắn với BVMT nhân rộng mô hình tự quản trong BVMT ở khu dân cư; tiến tới thực hiện đánh giá, xếp hạng về môi trường với các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới tiên tiến, hiện đại hóa, tự động hóa các trang thiết bị quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; chú trọng đầu tư, nghiên cứu và xây dựng các chương trình, kế hoạch về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT phù hợp với từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương; tăng cường hợp tác với các tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và quốc tế.
2.2. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, giao cho các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó chú trọng các giải pháp phi công trình.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp.
2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Nghiên cứu, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH nghiên cứu phương án bảo vệ và bảo đảm diện tích đất cho phát triển rừng bền vững theo quy hoạch, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn.
- Nghiên cứu và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trong tỉnh; các đoạn đê biển, đê xung yếu, cống ngăn mặn, giữ ngọt.
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình về áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị suy thoái; xây dựng hành lang đa dạng sinh học và các nghiên cứu chuyên sâu về các loài động vật đặc hữu, quy hiếm trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để quản lý tài nguyên, bảo tồn nguồn gen; Xây dựng phương án ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại.
2.5. Sở Xây dựng:
Nghiên cứu, áp dụng giải pháp ứng phó với BĐKH trong Quy hoạch xây dựng, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH trong xây dựng và phát triển đô thị.
2.6. Sở Công thương:
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và kêu gọi các doanh nghiệp gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản.
2.7. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào thực hiện mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, địa phương.
3. Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
3.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các huyện đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với ngành, các vùng, các nhóm đối tượng để ứng dụng các mô hình quản lý, cách tiếp cận, phương pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế tổn thất và nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho các ngành, vùng và đối tượng dễ bị tổn thương. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ cacbon ra thị trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
- Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt cho các xã ven biển theo các kịch bản nước biển dâng. Lập và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, tỉnh Thanh Hóa.
- Tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức BĐKH trong nước và quốc tế để trao đổi, chia sẻ và hợp tác trong hoạt động ứng phó với BĐKH, qua đó mở rộng phạm vi hợp tác và nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho tỉnh.
- Triển khai các hoạt động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, các loài thủy sinh vật biển, khu bảo tồn biển Hòn Mê.
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xây dựng trên tiêu chí bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai, bảo đảm đất được bố trí sử dụng một cách hợp lý để phát huy tối đa nguồn tài nguyên từ đất; bố trí quỹ đất cho các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường; đổi mới trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với ứng phó BĐKH; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên đất cấp huyện; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Việc giao đất thực hiện dự án đầu tư phải gắn với công tác ứng phó BĐKH và việc sử dụng đất từng dự án phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; rà soát việc giao đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản tại các huyện, thị xã ven biển.
- Xây dựng định hướng chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả, thiết thực; bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bền vững tài nguyên đất đai; từng bước khắc phục tình trạng sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức đánh giá, phân hạng đất làm cơ sở đẩy mạnh điều tra cơ bản tài nguyên đất nhằm đánh giá tiềm năng đất đai, xác định giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên đất đai.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý tài nguyên nước theo hướng phân cấp và cụ thể cho cấp huyện, cấp xã; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác tài nguyên nước quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất; tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước vào việc quản lý tài nguyên nước trên địa bàn; ứng dụng hiệu quả Đề án dự báo xâm nhập mặn vào thực tiễn ở các vùng có cửa biển nhằm hạn chế tác động do xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.
- Chủ trì, phối hợp BQL Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND các huyện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất hoạt động dưới danh nghĩa làng nghề để gia công, sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Tiếp tục điều tra bổ sung, đánh giá tài nguyên khoáng sản, xác định các khu vực dự trữ khoáng sản để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững và tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; xác định các khu vực cần đấu giá, không đấu giá và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn đến 2015, tầm nhìn đến 2020; tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản; tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn một số huyện trong tỉnh.
- Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Tham mưu cho UBND tỉnh: Tổ chức kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn các cấp; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại tập trung;
- Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp hành nghề thu gom, xử lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Thúc đẩy việc phân loại chất thải tại nguồn nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng, tái chế chất thải, sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải.
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Xây dựng, hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ môi trường và tái chế chất thải.
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải và xây dựng.
- Tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, mức độ ô nhiễm cao; xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tập trung chỉ đạo thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư và các Cụm Công nghiệp nhằm cải thiện môi trường sống của nhân dân.
- Tiến hành điều tra, xác định các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xây dựng lộ trình xử lý; tổ chức cảnh báo và tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
- Xây dựng, ứng dụng có hiệu quả quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học vào thực tiễn bảo tồn và phát huy Đa dạng sinh học trên địa bàn.
3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Cập nhật, lồng ghép, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các ngành và các huyện, thị xã, thành phố nhằm làm tăng tính bền vững cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển.
- Nghiên cứu tham mưu việc rà soát, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường năng lực kết cấu hạ tầng theo hướng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, ODA, FDI và các nguồn xã hội hoá cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; ưu tiên cho các dự án trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt tập trung, nước thải sinh hoạt tập trung, nước thải đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, phân bổ các nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách hằng năm) cho các chương trình, dự án trong kế hoạch này.
3.3. Sở Giao thông Vận tải:
- Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia.
- Tham mưu cho UBND tỉnh phát triển các loại phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính; phát triển các loại phương tiện sử dụng ít hoặc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; sử dụng nhiên liệu tái tạo trong hoạt động giao thông vận tải.
3.4. Sở Công thương:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tập trung.
3.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, lồng ghép BĐKH với các chương trình, dự án trọng điểm của ngành.
- Chủ trì, phối hợp với UBND Thị xã Sầm Sơn tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình: Xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn.
- Rà soát, bổ sung Chương trình nâng cấp sông, đê biển; Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn nhằm hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án và phát triển các hoạt động về: Phục hồi, phát triển và quản lý rừng bền vững; xây dựng hành lang đa dạng sinh học; bảo vệ, phục hồi và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; phục hồi các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị suy thoái; bảo vệ, phục hồi, phát triển và quản lý bền vững rừng ngập mặn; ngăn chặn và kiểm soát các sinh vật lạ xâm lấn, sinh vật biến đổi gen (đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En, Cúc Phương).
- Chỉ đạo Ban Quản lý các Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia khai thác các giá trị của khu bảo tồn, kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường để tạo nguồn thu đầu tư nhằm phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
3.6. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, phân bổ nguồn vốn, điều phối kinh phí chung (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách hằng năm) cho các chương trình, dự án liên quan trong kế hoạch này. Đồng thời phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường trong việc hỗ trợ, tài trợ các chương trình, đề án bảo vệ môi trường được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
- Tham mưu cho UBND tỉnh tăng chi từ ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp, kết hợp với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3.7. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Sầm Sơn và các huyện: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga Sơn lập mới Quy hoạch xây dựng và điều chỉnh quy hoạch xây dựng các đô thị vùng ven biển theo kịch bản nước biển dâng.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng tại các khu đô thị mới, các công trình công cộng.
3.8. Sở Ngoại vụ:
- Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ động kêu gọi, vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan phát triển quốc tế cho các chương trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
3.9. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn:
- Chủ động cập nhật kịch bản ứng phó BĐKH của tỉnh vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức thực hiện các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững.
3.10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các tổ, thôn, xóm có làng nghề xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ môi trường.
3.11. Các Sở, ban, ngành liên quan:
- Thực hiện nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động;
- Chủ động tham gia các hoạt động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường.
3.12. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ở những khu vực dễ xảy ra thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH xây dựng được kế hoạch phòng tránh thiên tai, có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và lực lượng tình nguyện viên để hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong việc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH.
- Phát động và khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Là cơ quan đầu mối hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh vào tháng 12 hằng năm.
2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình:
Trên cơ sở Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch vào 15/12 hằng năm, qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.
Các nhiệm vụ thuộc chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thì kinh phí thực hiện lấy từ nguồn thực hiện chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch đó.
Các nhiệm vụ mới do các cơ quan tự cân đối trong ngân sách đã được phân bổ hằng năm. Trường hợp không cân đối được thì lập kế hoạch và dự toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính (cùng với dự toán ngân sách hằng năm) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, có vấn đề gì vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XI VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BĐKH, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4110/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh)
A. Giai đoạn 2013 - 2015:
I. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 | Sở TNMT | Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện thị, thị xã, thành phố | UBND tỉnh | 2014-2015 |
2 | Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai như: bão, lũ, lụt, hạn hán, nước biển dâng,… đến chiến lược về phát triển KTXH (2011-2020) và kế hoạch phát triển KTXH (2011-2015) | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở TNMT và các Sở, ban, ngành có liên quan | UBND tỉnh | 2014 |
3 | Dự án tiêu úng Đông Sơn - thành phố Thanh Hoá – UBND TP Thanh Hóa | UBND các huyện, thị xã có liên quan | UBND tỉnh |
| 2013-2015 |
4 | Hệ thống tiêu úng các sông: sông Nhơm, sông Hoàng, sông Lý | Sở NN&PTNT | UBND các huyện, thị xã có liên quan | UBND tỉnh | 2013-2015 |
5 | Hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét: 11 huyện miền núi | Sở TNMT | UBND các huyện, thị xã và các ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | 2014-2015 |
6 | Thiết lập mạng lưới thông tin hỗ trợ phòng tránh bão, sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên biển. | Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh | Sở NN&PTNT và các Sở, ban, ngành có liên quan | UBND tỉnh | 2013-2014 |
II. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên đất đai.
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Đo đạc, lập bản đồ địa chính 28 xã, thị trấn thuộc các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Hà Trung, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung; Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 50 xã thuộc 03 huyện: Đông Sơn, Yên Định, Triệu Sơn, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn. | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện liên quan | UBND tỉnh | 2013 - 2015 |
2 | Điều tra thoái hóa đất kỳ đầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở NN&PTNT; Sở KH&CN; các cơ quan liên quan | UBND tỉnh | 2014-2015 |
3 | Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011- 2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 -2020 | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, thị xã, các ngành liên quan | UBND tỉnh | 2015 |
III. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Kiểm tra, rà soát các dự án chế biến sâu khoáng sản (Sắt, Crom) | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
2 | Khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
IV. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên nước
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Dự án điều tra, đánh giá chi tiết các vùng bị ô nhiễm, nhiễm mặn, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác trên địa bàn tỉnh; | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
V. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Triển khai thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện, các cơ sở y tế trong tỉnh | Sở Y tế, các bệnh viện | Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
2 | Đóng cửa bãi rác Cồn Quán, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa | Công ty Môi trường đô thị TP Thanh Hóa | Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
3 | Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Thanh Hoá và vùng phụ cận tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn. | Công ty Môi trường đô thị TP Thanh Hóa | Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
4 | Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại tập trung | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
5 | Lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2015 |
B. Giai đoạn 2016 - 2020.
I. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Quản lý tổng hợp dải ven biển tỉnh Thanh Hóa | Sở TNMT | UBND các huyện, thị xã ven biển và các ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
2 | Đầu tư nâng cấp đê biển, đê cửa sông | Sở NN&PTNT | UBND các huyện, thị xã, ven biển và các ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
3 | Trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn để giảm tác động của BĐKH và nước biển dâng | Sở TN&MT | Sở NN&PTNT, UBND các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn | UBND tỉnh | 2016-2020 |
4 | Xây dựng và nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn ven biển | Sở GTVT | UBND các huyện, thị xã, ven biển và các ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
5 | Xây dựng hệ thống bến đỗ tránh trú bão cho tàu, thuyền đánh cá: Mộng Dường (Nga Sơn); Hoàng Phụ (Hoằng Hóa); Quảng Nham (Quảng Xương) | Sở NN&PTNT | UBND các huyện có liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
7 | Phòng chống lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi | Sở NN&PTNT | Sở TNMT, UBND các huyện, thị xã có liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
8 | Hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét: 11 huyện miền núi | Sở TNMT | UBND các huyện, thị xã và các ban, ngành liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
9 | Nghiên cứu và triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo... | Sở Khoa học Công nghệ | Sở TNMT và các Sở, ban, ngành có liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
II. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên đất đai.
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Đo đạc, lập bản đồ địa chính 57 xã, trên địa bàn 10 huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; Chỉnh lý bản đồ địa chính 09 huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, TP Thanh Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Thạch Thành; Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 22 huyện. | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện liên quan | UBND tỉnh | 2016-2020 |
2 | Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011- 2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 -2020 | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện, thị xã, các ngành liên quan | UBND tỉnh | 2016 |
III. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên nước
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Dự án Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030 | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện | UBND tỉnh | Đến năm 2016 |
IV. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường
STT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cơ quan phê duyệt | Thời gian hoàn thành |
1 | Triển khai thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện | UBND tỉnh | Đến năm 2020 |
2 | Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn tỉnh | UBND các huyện | Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2020 |
3 | Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh | UBND các huyện | Sở TN&MT và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2020 |
4 | Quy hoạch BVMT đến năm 2020 | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện và các đơn vị liên quan | UBND tỉnh | Đến năm 2020 |
- 1Quyết định 275/2014/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình 48-CTr/TU thực hiện Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 2Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3Quyết định 2014/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08/NQ-CP và Chương trình hành động 23-CTr/TU về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do Ban chấp hành Trung ương ban hành
- 3Quyết định 1287/QĐ-TTg năm 2013 phân công nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 275/2014/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình 48-CTr/TU thực hiện Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 5Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 6Quyết định 2014/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08/NQ-CP và Chương trình hành động 23-CTr/TU về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên
Quyết định 4110/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 4110/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/11/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Trịnh Văn Chiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra