Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2019/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 09 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quản lý chất thải rắn xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Cao Bằng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19 tháng 9 năm 2019.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, Phó CT UBND tỉnh;
- VP: Phó CVP, CV: XD, NĐ, Trung tâm thông tin;
- Lưu: VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2019/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định cụ thể các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn xây dựng (sau đây viết tắt là CTRXD) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bao gồm phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTRXD và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

2. Các nội dung liên quan đến hoạt động CTRXD không được quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHÂN LOẠI, THU GOM, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG

Điều 3. Phân loại chất thải rắn xây dựng

1. CTRXD có khả năng tái chế sử dụng: Thủy tinh, sắt thép, gỗ giấy, chất dẻo.

2. CTRXD có thể được tái chế sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác: Bùn, đất hữu cơ, gạch, ngói, vữa, bê tông sử dụng làm vật liệu san lấp, tái chế làm vật liệu xây dựng.

3. CTRXD không tái chế, tái sử dụng được phải đem chôn lấp theo quy trình quy định.

4. Trường hợp CTRXD thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải nguy hại, nếu không thể tách được thì toàn bộ hỗn hợp phải được quản lý như chất thải nguy hại.

Điều 4. Lưu giữ, thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng

1. CTRXD sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ riêng theo quy định. Khi tiến hành xây dựng công trình, chủ nguồn thải CTRXD phải bố trí thiết bị hoặc khu lưu trữ CTRXD trong khuôn viên công trường hoặc địa điểm lưu trữ theo quy định của chính quyền địa phương.

2. Các đơn vị thu gom hoặc tự vận chuyển CTRXD phải có các phương tiện bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định, được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định.

3. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, tuân thủ đúng thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương.

Mục 2. TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG

Điều 5. Tái sử dụng, tái chế chất thải rắn xây dựng

1. CTRXD có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý CTRXD để tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý tại nơi phát sinh với quy trình, công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường.

2. Các loại CTRXD được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích sau:

a) CTRXD dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền;

b) Đối với CTRXD như gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt;

c) Đối với CTRXD là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu);

d) Đối với phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim;

đ) Các loại CTRXD khác, tùy theo tính chất và đặc điểm (thành phần), được tái sử dụng, tái chế theo mục đích sử dụng phù hợp.

Điều 6. Xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Cơ sở xử lý CTRXD phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khuyến khích việc xử lý CTRXD tại nơi phát sinh với quy trình, công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường.

3. Công nghệ xử lý CTRXD phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội.

Điều 7. Đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động thu gom phân loại, vận chuyển, xử lý CTRXD với mọi hình thức đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC); xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT); hợp đồng xây dựng - chuyển giao - khai thác (BTO); hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức đầu tư khác theo quy định của Luật Đầu tư.

2. Cơ chế ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG

Điều 8. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý CTRXD trên địa bàn, cụ thể:

1. Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD theo quy định.

2. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 08/2017/TT-BXD .

3. Tổng hợp danh sách các công trình sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng do Sở Xây dựng cấp phép và danh sách các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.

5. Hướng dẫn chủ xử lý CTRXD xây dựng phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với cơ sở xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thẩm định định mức kinh tế kỹ thuật phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD.

6. Theo dõi, quản lý phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước do các chủ cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng tổ chức lập và phê duyệt.

7. Định kỳ hàng năm (trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo) hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD .

Điều 9. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất để phát triển các điểm lưu trữ, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

2. Tổ chức xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi về đất đai cho hoạt động quản lý CTRXD.

3. Tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ về đề nghị cấp giấy phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

4. Thẩm định, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn việc phục hồi, tái sử dụng diện tích, chuyển đổi mục đích sử dụng và quan trắc môi trường của các cơ sở xử lý CTRXD sau khi kết thúc hoạt động.

Điều 10. Sở Tài chính

1. Chủ trì thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở xử lý CTRXD được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

2. Phối hợp với Sở Xây dựng theo dõi, quản lý giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước do các chủ cơ sở xử lý CTRXD lập và phê duyệt theo quy định.

Điều 11. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD (thu gom, vận chuyển, xử lý) theo quy định của pháp luật.

2. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD theo hình thức xã hội hóa.

3. Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 12. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu các công nghệ xử lý CTRXD phù hợp với điều kiện của địa phương; Các chương trình nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về quản lý, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng.

2. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thẩm định công nghệ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật.

Điều 13. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, xử lý CTRXD phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 14. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

1. Tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý và công bố công khai quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý.

3. Tổ chức giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn và các khu vực khác được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý CTRXD trên địa bàn để xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng và cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý.

5. Định kỳ hàng năm, thực hiện báo cáo công tác quản lý CTRXD trên địa bàn (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD và gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

Điều 15. Công an tỉnh

1. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác quản lý CTRXD trên địa bàn của tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý và công bố công khai quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn. Trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý CTRXD thì xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý CTRXD.

5. Có trách nhiệm thành lập, kêu gọi đầu tư và quản lý các doanh nghiệp hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD trên địa bàn.

6. Lập danh sách các công trình xây dựng (bao gồm công trình nhà ở) sẽ phá dỡ, xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp phép và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trên trang thông tin điện tử của địa phương để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD. Định kỳ 03 tháng, tổng hợp danh mục gửi Sở Xây dựng trước ngày 15 của tháng tiếp theo của kỳ báo cáo để công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

7. Định kỳ hàng năm, thực hiện báo cáo công tác quản lý CTRXD trên địa bàn (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD và gửi báo cáo về Sở Xây dựng địa phương trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

Điều 17. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền rộng rãi các quy định về CTRXD trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD .

2. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư có trách nhiệm giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD trên địa bàn quản lý. Trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý CTRXD thì xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức giám sát hoạt động của chủ thu gom, vận chuyển CTRXD bao gồm:

a) Quy trình thu gom, vận chuyển đã được thông báo; thời gian, địa điểm và tuyến thu gom; địa điểm vận chuyển đến;

b) Các yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD;

c) Yêu cầu về phương tiện, trang bị bảo hộ cho người lao động.

4. Định kỳ 03 tháng, lập danh sách các công trình phá dỡ, xây dựng trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 41/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 41/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hoàng Xuân Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản