Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 41/2007/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 31 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ QUA ĐÒ, PHÀ VÀ PHÍ SỬ DỤNG BẾN BÃI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 131/2007/NQ-HĐND ngày 18/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định thu các khoản phí thuộc ngành Giao thông - Vận tải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua đò, phà, phà chẹt (một đầu) và phí sử dụng bến bãi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 64/2004/QĐ-UB ngày 15/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thu các khoản phí thuộc ngành Giao thông Vận tải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ QUA ĐÒ, PHÀ, PHÀ CHẸT VÀ PHÍ SỬ DỤNG BẾN BÃI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41 /2007/QĐ-UBND ngày 31/10/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

Các khoản phí thuộc ngành Giao thông Vận tải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bao gồm: phí đò ngang, phà, phà chẹt, phí đò dọc; phí sử dụng bến bãi đường bộ, đường sông.

Điều 2. Đối tượng thu.

Các tổ chức và cá nhân có tham gia các hoạt động tại Điều 1 nêu trên có trách nhiệm thực hiện nộp các khoản phí theo quy định.

Điều 3. Mức thu và đối tượng được giảm thu.

1. Phí đò ngang, phí qua phà, phà chẹt:

a) Loại sông, kênh có cự ly dưới 200 mét:

- Đối với người: không quá 1.500 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 1.000 đồng/xe/lượt.

- Xe máy: không quá 1.500 đồng/xe/lượt.

b) Loại sông, kênh có cự ly từ 200 mét đến dưới 500 mét: Mức thu:

- Đối với người: không quá 2.500 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 1.500 đồng/xe/lượt.

- Xe máy: không quá 2.500 đồng/xe/lượt.

c) Loại sông, kênh có cự ly từ 500 mét đến dưới 1.000 mét: Mức thu:

- Đối với người: không quá 4.000 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 2.000 đồng/xe/lượt.

- Xe máy: không quá 4.000 đồng/xe/lượt.

d) Loại sông, kênh có cự ly từ 01 km trở lên (do phải đi vòng qua cù lao): Mức thu:

- Đối với người: không quá 5.000 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 3.000 đồng/xe/lượt.

- Xe máy: không quá 5.000 đồng/xe/lượt.

đ) Đối với hàng hóa:

- Hàng hóa có khối lượng dưới 50kg: mức thu không quá mức thu đối với xe đạp cùng cự ly.

- Hàng hóa có khối lượng từ 50kg trở lên:

+ Hàng hóa thông thường: mức thu không quá 3.000 đồng/một đơn vị tính là 50kg.

+ Hàng hóa cồng kềnh: mức thu theo thỏa thuận giữa chủ phương tiện với chủ hàng nhưng không quá 02 lần mức thu đối với hàng hóa thông thường cùng cự ly.

Ví dụ: Một người đi đò ngang cự ly 2 km, mang theo 3 tấm nệm lò xo có tổng khối lượng là 150kg. Theo thỏa thuận với khách hàng đây là loại hàng hóa cồng kềnh.

Mức thu phí hàng hóa được tính tối đa theo quy định là: 150kg/50kg x 3.000 đồng x 2 lần = 18.000 đồng/lượt. e) Đối tượng được giảm mức thu:

- Cán bộ, công chức cấp xã mức thu tối đa không quá 50% mức thu so với các đối tượng khác.

- Học sinh, sinh viên đi lại thường xuyên mức thu tối đa không quá 30% mức thu so với các đối tượng khác.

g) Thời gian hoạt động của các phương tiện vận chuyển:

- Từ 4 giờ 30 phút đến 20 giờ: mức thu như quy định tại khoản 1 Điều này.

- Từ sau 20 giờ đến 23 giờ: chủ phương tiện thu không quá 2 lần mức thu như quy định tại khoản 1 Điều này.

- Từ sau 23 giờ đến trước 4 giờ 30 phút: chủ phương tiện cùng với hành khách thỏa thuận, nhưng mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/chuyến.

Trường hợp chủ phương tiện đang hoạt động tại bến từ chối vận chuyển theo yêu cầu của khách thì Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (gọi tắt là Ủy ban nhân dân huyện) cho phép chủ phương tiện khác thực hiện yêu cầu của khách trong khung giá cho phép.

2. Đối với phí đò dọc (nội tỉnh): a) Tuyến đò có cự li dưới 05km: Mức thu:

- Đối với người: không quá 5.000 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 2.000 đồng/chiếc/lượt.

- Xe máy: không quá 4.000 đồng/chiếc/lượt.

b) Tuyến đò có cự li từ 05 km đến dưới 20 km: Mức thu:

- Đối với người: không quá 7.000 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 3.000 đồng/chiếc/lượt.

- Xe máy: không quá 6.000 đồng/chiếc/lượt.

c) Tuyến đò có cự li trên 20 km: Mức thu:

- Đối với người: không quá 10.000 đồng/người/lượt.

- Xe đạp: không quá 4.000 đồng/chiếc/lượt.

- Xe máy: không quá 8.000 đồng/chiếc/lượt.

d) Đối với hàng hóa: dưới 50 kg mức thu không quá mức phí của người cùng cự ly; hàng hóa từ 50 kg trở lên (kể cả hàng hóa cồng kềnh) mức thu theo sự thỏa thuận giữa chủ phương tiện với chủ hàng, nhưng tối đa không quá 3.000 đồng/km/50kg hàng hóa.

Ví dụ: Một người đi đò dọc cự ly 25 km, mang theo 3 tấm nệm lò xo. Theo thoả thuận với khách hàng tổng trọng lượng hàng là 70 kg.

Mức thu phí hàng hóa được tính tối đa theo quy định là: (3.000 đồng x 25 km x 70 kg) : 50 kg = 105.000 đồng.

e) Đối tượng được giảm mức thu:

- Cán bộ, công chức cấp xã mức thu tối đa không quá 50% mức thu đối với các đối tượng khác.

- Học sinh, sinh viên đi lại thường xuyên mức thu tối đa không quá 50% mức thu đối với các đối tượng khác.

- Đối với các tuyến đò dọc thuộc vùng sâu có cự li trên 05 km mức thu giảm 25% phí so với đò dọc cùng cự li nêu trên.

3. Đối với các đò, phà, phà chẹt được cơ quan chức năng của Nhà nước cho phép vận chuyển xe khách, xe tải, mức thu như sau:

- Xe ô tô 4 chỗ - 6 chỗ: không quá 12.000 đồng/xe/lượt.

- Xe ô tô 7 chỗ - 12 chỗ: không quá 18.000 đồng/xe/lượt.

- Xe ô tô trên 12 chỗ - 24 chỗ: không quá 24.000 đồng/xe/lượt.

- Xe ô tô trên 24 chỗ - 30 chỗ: không quá 38.000 đồng/xe/lượt.

- Xe tải 1 tấn trở xuống: không quá 24.000 đồng/xe/lượt.

- Xe tải trên 1 tấn - 2,5 tấn: không quá 35.000 đồng/xe/lượt.

- Xe tải trên 2,5 tấn - 5 tấn: không quá 45.000 đồng/xe/lượt.

* Khách đi trên xe thu như người đi bộ.

* Trọng tải xe: theo trọng tải giấy xe đăng ký.

4. Đối với tuyến đò dọc liên tỉnh và các tuyến vận chuyển hành khách đường thủy nội địa ven biển liên tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải của tỉnh có chung tuyến để tổ chức hiệp thương xác định các khoản thu phí.

5. Phí sử dụng bến bãi:

a) Mức thu phí đường bộ qua đêm:

- Đối với xe khách:

+ Từ 40 ghế trở xuống: mức thu không quá 5.000 đồng/xe đối với bến xe tỉnh; không quá 3.500 đồng/xe đối với bến xe huyện.

+ Trên 40 ghế: mức thu không quá 6.000 đồng/xe đối với bến xe tỉnh; không quá 4.000 đồng/xe đối với bến xe huyện.

- Đối với xe tải: phân theo trọng tải, mức thu cụ thể như sau

+ Dưới 2 tấn: không quá 4.000 đồng/xe.

+ Từ 2 tấn đến 5 tấn: không quá 5.000 đồng/xe.

+ Trên 5 tấn đến 10 tấn: không quá 7.000 đồng/xe.

+ Trên 10 tấn: không quá 9.000 đồng/xe.

b) Thu phí đường sông: các bến do Nhà nước quản lý hoặc giao cho tổ chức, cá nhân nhận khoán. Mức thu phí ra vào bến như sau

- Đối với phương tiện vận chuyển hành khách:

+ Dưới 20 km: không quá 200 đồng/ghế đăng ký.

+ Từ 20 km đến dưới 50 km: không quá 400 đồng/ghế đăng ký.

+ Từ 50 km đến dưới 100 km: không quá 500 đồng/ghế đăng ký.

+ Từ 100 km trở lên: không quá 700 đồng/ghế đăng ký.

- Đối với phương tiện vận chuyển hàng: mức thu phí lượt ra vào bến như sau

+ Dưới 20 tấn: không quá 4.000 đồng/phương tiện.

+ Từ 20 tấn đến dưới 40 tấn: không quá 6.000 đồng/phương tiện.

+ Từ 40 tấn đến dưới 100 tấn: không quá 8.000 đồng/phương tiện.

+ Từ 100 tấn trở lên: không quá 10.000 đồng/phương tiện.

Điều 4. Tổ chức quản lý thu, nộp và sử dụng phí.

1. Quản lý thu, nộp và sử dụng phí thuộc ngành Giao thông Vận tải thực hiện theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính.

2. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương có thể tổ chức thu phí trực tiếp hoặc giao khoán theo hình thức đấu thầu, mức thu phải thực hiện đúng quy định tại Điều 3 của Quy định này. Biên lai thu phí do ngành thuế phát hành thống nhất và được quản lý sử dụng theo chế độ quản lý biên lai thu phí, lệ phí của Bộ Tài chính quy định.

a) Trường hợp phí do cơ quan chức năng của Nhà nước trực tiếp thu (Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, Phòng Hạ tầng Kinh tế huyện, Phòng Quản lý đô thị…):

- Đối với các đơn vị chưa thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ: số thu phí được nộp toàn bộ 100% vào ngân sách nhà nước và phần chi phí phục vụ công tác thu do ngân sách nhà nước bảo đảm.

- Đối với các đơn vị đã thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ: số thu phí được để lại 100% cho đơn vị thu sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị có nguồn thu lớn phải chủ động trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi sửa chữa, mua sắm phương tiện giao thông; chi cải tạo, nâng cấp bến bãi…

b) Trường hợp phí được tổ chức theo hình thức đấu thầu giao khoán cho tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan chức năng của Nhà nước thu: số thu theo giá trúng thầu được nộp 100% vào ngân sách nhà nước.

Chủ phương tiện có trách nhiệm chủ động trích nguồn kinh phí để đầu tư, cải tạo, nâng cấp bến bãi đảm bảo phù hợp với quy mô phát triển và tiêu chuẩn quy định của ngành Giao thông Vận tải.

c) Đối với các dự án đầu tư có thu phí bằng hình thức BOT thì mức thu được thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư. Trong quá trình khai thác, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh mức thu thì phải được 2 bên thống nhất bổ sung hợp đồng nhưng không được vượt quá mức thu tại Điều 3 Quy định này và phải báo cáo với cơ quan tài chính.

Đối với các bến phà thuộc Trung ương quản lý thì mức thu phí do cơ quan có thẩm quyền của Trung ương quyết định; các bến phà, phà chẹt liên tỉnh do một tỉnh quản lý phải có sự thỏa thuận giữa 2 huyện của 2 tỉnh để thống nhất mức thu và phải báo cáo với cơ quan tài chính của 2 tỉnh trước khi thực hiện.

Điều 5. Hàng năm, các địa phương có thu phí được bố trí lại một phần trong số thu đã nộp ngân sách để chi sửa chữa, mua sắm phương tiện giao thông, chi cải tạo nâng cấp bến bãi. Đối với các đơn vị thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi cho nội dung này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện.

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân khai thác bến bãi lập kế hoạch, hồ sơ dự toán và tổ chức thực hiện công tác sửa chữa thường xuyên, đầu tư cải tạo, nâng cấp bến bãi bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn giao thông.

2. Mức thu phí qua đò, phà, phà chẹt và phí sử dụng bến bãi cho từng đối tượng, thời gian hoạt động phải được niêm yết công khai tại nơi khách hàng dễ nhận biết nhất và kiểm soát được việc thu phí đúng giá niêm yết.

3. Chủ phương tiện phải thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy, bảo hiểm các loại và các quy định khác về kinh doanh dịch vụ đò, phà, chẹt.

4. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động thu, chi và quyết toán phí thuộc ngành Giao thông Vận tải đối với các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Quy định này trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 41/2007/QĐ-UBND ban hành quy định việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí qua đò, phà và phí sử dụng bến bãi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 41/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản