Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3997/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẢO CỒN CỎ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên, Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;

Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20/6/2017;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 17/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị Ban hành quy chế quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 430/TTr-SNN ngày 22/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản; Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Thủy sản;
- Tổ chức IUCN, WWF, TRAFIC;
- Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP);
- Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV);
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Sỹ Đồng

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẢO CỒN CỎ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3997/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)

I. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẢO CỒN CỎ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Quan điểm, mục tiêu

1.1. Quan điểm

Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (sau đây gọi tắt là KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ) là cơ sở xác lập sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh Quảng Trị; huy động và tăng cường sự tham gia của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương bên trong và xung quanh KBTB đảo Cồn Cỏ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong quá trình quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ.

Thiết lập và vận hành cơ chế quản lý tổng hợp đa ngành; nâng cao nhận thức và xác định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái; nâng cao tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, trong đó quan tâm và ưu tiên lợi ích cho cộng đồng địa phương.

1.2. Mục tiêu

1.2.1. Mục tiêu chung

Quản lý, bảo vệ, bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học; các giá trị di tích văn hóa; khai thác hợp lý và phát huy các giá trị trong KBTB đảo Cồn Cỏ; cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB đảo Cồn Cỏ; phục vụ phát triển du lịch tại huyện đảo Cồn Cỏ bền vững.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối tượng tài nguyên mục tiêu

1) Hệ sinh thái rạn san hô

2) Hệ sinh thái rong, cỏ biển

3) Những loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ theo Sách đỏ IUCN, Sách đỏ Việt Nam, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản

4) Những loài động vật, thực vật phân bố tại vùng biển đảo Cồn Cỏ chưa được liệt kê vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng hiện trạng hiện nay đang bị đe dọa, tuyệt chủng do khai thác quá mức bao gồm các loài hải sâm, cầu gai, ốc vú nàng, bào ngư, cua đá, hàu răng cưa...

Trong quá trình thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ bổ sung, điều chỉnh các đối tượng mục tiêu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

b) Mục tiêu cụ thể:

1) Hệ sinh thái rạn san hô được duy trì ổn định và tăng so với năm 2020 (các chỉ số giám sát: độ phủ, mật độ cá rạn, mật độ động vật đáy), đến năm 2025 độ phủ san hô đạt khoảng 40%.

2) Hệ sinh thái rong, cỏ biển được duy trì ổn định và tăng so với năm 2020 (các chỉ số giám sát: diện tích, độ phủ, mật độ sinh vật, thành phần loài rong, cỏ biển)

3) Hoàn thành việc điều tra, đánh giá tổng thể đa dạng sinh học biển phạm vi KBTB đảo Cồn Cỏ

4) Hoàn thành nghiên cứu hệ rong, cỏ biển KBTB đảo Cồn Cỏ; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát rong, cỏ biển hàng năm

5) Những loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ theo Sách đỏ IUCN, Sách đỏ Việt Nam, Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 26/2019/NĐ-CP được quản lý, bảo vệ, bảo tồn theo quy định của pháp luật

6) Tiến hành nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý và khai thác bền vững những loài động vật, thực vật đặc hữu, bị đe dọa tuyệt chủng tại địa phương

7) Vận động 100% doanh nghiệp hoạt động du lịch tại Cồn Cỏ tham gia công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái trong KBTB đảo Cồn Cỏ

8) Năng lực về công tác bảo tồn biển, truyền thông, giáo dục của cán bộ Ban quản lý KBTB, các phòng ban liên quan và cộng đồng được nâng cao

9) Tạo điều kiện, gắn kết với các cơ sở giáo dục đào tạo, các Viện nghiên cứu chuyên ngành, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, học tập, truyền thông tại đảo Cồn Cỏ

2. Khung hoạt động chính của Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025

2.1. Xây dựng, hoàn thiện khung thể chế

a) Xây dựng Đề án, phương án thu, quản lý, sử dụng phí tham quan Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định trong năm 2021

b) Xây dựng, ban hành các quy định nhằm bảo vệ các đối tượng tài nguyên mục tiêu; các đối tượng quan trọng và cấp bách khác

c) Xây dựng quy định cấm khai thác thủy sản theo phương thức lặn đêm (lặn có đèn, bình khí bắt các loại ốc, hai mảnh vỏ; kết hợp với súng bắn cá, súng điện khai thác vào phạm vi KBTB đảo Cồn Cỏ)

d) Xây dựng các quy định, cam kết, thỏa thuận, hướng dẫn,...về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong hoạt động du lịch, khai thác, sử dụng tài nguyên

đ) Hỗ trợ, tư vấn khảo sát, điều tra đa dạng sinh học vùng rạn đá ngầm kéo dài từ xã Vĩnh Thái đến xã Kim Thạch. Đề xuất thành lập Tiểu Khu bảo tồn biển xã Vĩnh Thái - Kim Thạch, trực thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ

2.2. Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý KBTB

a) Tập huấn nghiệp vụ Bảo tàng

b) Tập huấn nghiệp vụ Du lịch Bảo tàng

c) Đào tạo tập huấn về nghiên cứu rong, cỏ biển

d) Đào tạo kỹ thuật nuôi, cấy san hô

2.3. Chương trình mua sắm, đóng mới phương tiện và trang thiết bị chuyên dùng

a) Đóng mới một chiếc tàu vỏ composite, chiều dài 9,5 m, chiều rộng 2,5 m, máy Yanmar công suất 150 CV, mỗi lần tàu chở được 15 du khách. Tàu tham quan có 1 ô cửa quan sát đáy biển qua lớp kính dày 10cm. Tàu có đầy đủ các hệ thống báo hiệu về độ sâu và các dữ liệu trong lòng biển, trên boong tàu có lắp bàn ghế cho du khách ngồi ngắm san hô

b) Thả 60 rạn nhân tạo bằng khung lồng sắt, đá chẻ kết hợp với 60 phao (composite) đánh dấu ranh giới các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính

c) Thả 04 rạn nhân tạo bằng khung lồng sắt, đá chẻ kết hợp với 04 phao dạng phao hàng hải (vật liệu thép bọc composite, đường kính 2.000mm) cho tàu du lịch buộc neo (hạn chế tối đa việc tàu du lịch thả neo xuống rạn san hô), mỗi phao có thể cho 04 tàu du lịch buộc neo vào

d) Tổ chức duy tu, bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng, phao neo đậu tàu thường xuyên hàng năm

2.4. Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức

a) Kế hoạch truyền thông một chiều được triển khai thường xuyên, lâu dài với phạm vi không gian mở rộng như pano, áp phích, lịch, tờ rơi, tờ gấp, phát thanh, truyền hình, tập san, tạp chí, trang thông tin điện tử Website... Chú trọng hình thức truyền thanh huyện đảo, nghiên cứu mở rộng phạm vi truyền thanh trên các xã, thị trấn ven biển

b) Kế hoạch truyền thông hai chiều như tập huấn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo phổ biến - thảo luận cộng đồng, tham quan học tập... triển khai toàn diện với tất cả các đối tượng từ các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý các ngành, địa phương; các tổ chức chính trị xã hội; các hội, đoàn thể quần chúng; các đơn vị kinh doanh du lịch; du khách đến toàn thể cộng đồng dân cư huyện đảo Cồn Cỏ và vùng ven biển

c) Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ các đối tượng mục tiêu, đa dạng sinh học, du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường,...tập trung vào các đối tượng chính: đơn vị kinh doanh du lịch, du khách; cán bộ quản lý các ngành, địa phương; cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh Khu bảo tồn biển

d) Sưu tầm và trưng bày tiêu bản các loài động vật, thực vật đặc trưng có giá trị kinh tế, khoa học và lịch sử của vùng biển đảo Cồn Cỏ để phục vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách (được trưng bày tại Trung tâm truyền thông bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ)

2.5. Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn biển

a) Phục hồi diện tích san hô bị chết (tẩy trắng) thuộc phạm vi KBTB đảo Cồn Cỏ

b) Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường sinh thái, đặc tính sinh học,... của các đối tượng cần bảo vệ để phục vụ công tác quản lý đạt hiệu quả.

c) Nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; phục hồi, tái tạo nguồn lợi; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Khu bảo tồn biển

d) Xây dựng và duy trì hoạt động một trạm cứu hộ rùa biển tại một xã ven biển; Các cá thể rùa biển khi được cứu hộ nhưng còn yếu, bị thương sẽ được đưa về Trạm cứu hộ rùa biển để sơ cứu, chăm sóc, nuôi dưỡng, trị vết thương cho đến khi khỏe mạnh thì tiến hành thả về môi trường biển.

đ) Thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu, điều tra, khảo sát và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển cây dược liệu Giảo Cổ Lam 5 lá trên đảo Cồn Cỏ”. Đây là loài cây đặc hữu, có giá trị dược liệu, hiện đang được người dân khai thác bán sản phẩm thân lá phơi khô cho khách du lịch nên đang cạn kiệt nguồn nguyên liệu

2.6. Chương trình quan trắc, giám sát môi trường, đa dạng sinh học

a) Theo dõi các loài nguy cấp và có giá trị sinh học như: rùa biển, cá heo, tôm hùm, hàu răng cưa, bào ngư, ốc vú nàng, ốc đụn, nhum biển, cua đá, hải sâm KBTB đảo Cồn Cỏ

b) Quan trắc chất lượng môi trường nước biển trong KBTB đảo Cồn Cỏ theo định kỳ 02 lần/năm

c) Quan trắc rạn san hô định kỳ 01 lần/năm

d) Quan trắc rong, cỏ biển định kỳ 01 lần/năm

đ) Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tổng thể trong KBTB theo định kỳ 05 năm/lần, nhằm theo dõi biến động đa dạng sinh học KBTB đảo Cồn Cỏ. Trước mắt, thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể đa dạng sinh học trong năm 2021 để có cơ sở số liệu đa dạng sinh học hiện tại so sánh với số liệu đa dạng sinh học giai đoạn 2007-2008

e) Tổ chức thực hiện Chiến dịch bắt sao biển gai, thu gom lưới ma (lưới ma là những tấm lưới bị rách quá nhiều, không dùng đánh cá được nữa nên ngư dân vứt bỏ xuống biển hoặc các tấm lưới bị trôi mất trong lúc đánh bắt trên biển, sau một thời gian chìm xuống đáy biển) dọn vệ sinh vùng rạn san hô, thảm rong, cỏ biển hàng năm

2.7. Hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trong KBTB

Tiếp tục duy trì sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm (Tuần tra liên ngành giữa Ban quản lý KBTB Chi cục Thủy sản, Phòng KT-XH (đơn vị đầu mối đại diện cho UBND huyện đảo Cồn Cỏ); Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, Công an huyện đảo Cồn Cỏ, Ban chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ)

2.8. Chương trình hỗ trợ, phát triển sinh kế cộng đồng

a) Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Cồn Cỏ (Homestay)

b) Triển khai chương trình nói không với túi nilon; nhựa, ống hút dùng một lần bằng cách thay thế các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường đối với khách du lịch tại đảo Cồn Cỏ và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo

c) Triển khai chương trình giám sát chất thải nhựa đại dương vùng biển đảo Cồn Cỏ

3. Hoạt động chính của KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025

(Chi tiết có Phụ lục kèm theo)

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ mục tiêu, khung hoạt động chính của KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các địa phương liên quan triển khai xây dựng nội dung chi tiết, dự toán kinh phí được giao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định và bố trí kinh phí hàng năm; đề xuất và triển khai thực hiện các hoạt động quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025.

1. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí cho các nội dung KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025 được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh; nguồn tài trợ của các Tổ chức Phi Chính phủ, các Tổ chức Quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Ngân sách địa phương: Tùy theo ngân sách tỉnh, nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

a) Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025 là: 14.865 triệu đồng

b) Nguồn kinh phí cấp:

- Ngân sách tỉnh: 10.405 triệu đồng chiếm 70%;

- Nguồn tài trợ từ IUCN, WWF, TRAFFIC, ENV, UNDP-GEF SGP, nguồn xã hội hóa, nguồn hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư: 4.460 triệu đồng chiếm 30%.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai các hoạt động thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ Quảng Trị giai đoạn 2021-2025;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án, phương án thu, quản lý, sử dụng phí tham quan Khu bảo tồn biển, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định trong năm 2021;

- Hàng năm kiểm tra, giám sát và đánh giá việc triển khai KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025; định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện KHQL;

- Định kỳ hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ. Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ vào năm 2023 và Hội nghị Tổng kết thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ vào năm 2025.

b) Sở Tài chính

- Chủ trì, thẩm định dự toán, dự án, đề tài, đề án liên quan đến nội dung KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025 và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai các nội dung của Kế hoạch này;

- Trên cơ sở Đề án, phương án thu, quản lý, sử dụng phí tham quan Khu bảo tồn biển do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan thẩm định trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt;

- Thẩm định và tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong đó có Khu bảo tồn biển) theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn Ban quản lý KBTB lập kế hoạch, dự án đầu tư phát triển và tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong Khu bảo tồn biển theo quy định pháp luật về đầu tư.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu UBND tỉnh chủ trương giao đất tại đảo Cồn Cỏ để Ban quản lý KBTB xây dựng Trụ sở làm việc và Trung tâm truyền thông bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (nếu có);

- Triển khai các quy định và biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại Khu bảo tồn biển. Phối hợp với Ban quản lý KBTB và các cơ quan liên quan định kỳ quan trắc, đánh giá diễn biến môi trường Khu bảo tồn biển;

- Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp đới bờ tại các vùng ven biển và vùng lân cận của Khu bảo tồn biển nhằm tạo sự hỗ trợ từ bên ngoài cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu bảo tồn biển;

- Kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, sự cố tràn dầu nói chung, KBTB đảo Cồn Cỏ nói riêng.

đ) Sở Khoa học và Công nghệ: Trên cơ sở đề xuất của các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan, tổng hợp trình Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh xem xét, đề xuất UBND tỉnh quyết định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025.

e) Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch; tuyên truyền các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ các loài động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites), Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ).

g) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án, phương án thu, quản lý, sử dụng phí tham quan Khu bảo tồn biển, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định trong năm 2021;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch không tiêu thụ và chế biến thực phẩm; không mua bán hàng mỹ nghệ lưu niệm làm từ các loài động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites), Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ).

h) Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch không tiêu thụ và chế biến thực phẩm; không mua bán hàng mỹ nghệ lưu niệm làm từ các loài động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites); Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ).

l) Sở Xây dựng

Hướng dẫn Ban quản lý KBTB thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng theo phân cấp, phân công của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.

k) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, đảo và các vùng nước trong Khu bảo tồn biển; Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan duy trì thực hiện các quy định của pháp luật về biên giới, hải đảo và các quy định khác có liên quan; hỗ trợ Ban quản lý KBTB trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền;

- Phối hợp với Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh, vận chuyển trái phép động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ theo quy định.

m) Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Ban quản lý KBTB tăng cường kiểm tra, giám sát các khách sạn, quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, hộ gia đình mua bán, nuôi trồng, nuôi nhốt các loài động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites); Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ), nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Chỉ đạo và phối hợp thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên đảo (vùng đệm bên trong của KBTB đảo Cồn Cỏ).

n) Cục Hải quan tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị chủ động kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập khẩu, quá cảnh, vận chuyển trái phép động vật, thực vật biển hoang dã quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites), Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ).

o) Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Chủ động tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng nhằm tuyên truyền sâu rộng về KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025

p) UBND huyện đảo Cồn Cỏ: Căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, phối hợp với Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này.

q) UBND các huyện ven biển: Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nội dung của Kế hoạch này để ngư dân địa phương biết và thực hiện.

r) Chi cục Thủy sản: Lên kế hoạch, phương án phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị và UBND các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt chế biến, quảng cáo, kinh doanh, tiêu thụ động vật, thực vật biển hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites); Phụ lục 1 - Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); Phụ lục II - Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ).

s) Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ:

- Ban quản lý KBTB thống nhất với UBND huyện đảo Cồn Cỏ quyết định hình thức nội dung và thành phần cộng đồng dân cư tham gia trong các hoạt động bảo tồn biển;

- Chủ động xây dựng và trực tiếp thực hiện các hoạt động của KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025;

- Trên cơ sở KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025; Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ xây dựng Kế hoạch quản lý chi tiết hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện;

- Hàng năm, Ban quản lý KBTB tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

t) Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương: Khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình lập, thực hiện KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ, trong đó có hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trong KBTB;

u) Các tổ chức trong và ngoài tỉnh liên quan đến KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025: Phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch này, chủ động đề xuất các hoạt động, dự án bảo tồn biển, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho các hoạt động KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2021-2025.

Trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc, Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẢO CỒN CỎ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3997/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị)

STT

Nội dung nhiệm vụ

Diễn giải

Số lượng

Cơ quan chủ trì tham mưu/thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Xây dựng, hoàn thiện khung thể chế

 

 

 

1

Xây dựng quy định về quản lý nghề lặn (đêm)

- Tổ chức tham vấn cộng đồng tại huyện đảo Cồn Cỏ; xã Vĩnh Thái, thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt;

- Xây dựng quy định;

- Đệ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

04 cuộc tham vấn

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- UBND huyện đảo Cồn Cỏ;

- UBND xã Vĩnh Thái;

- UBND thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt

2021

2

Xây dựng quy định quản lý các đối tượng mục tiêu và các đối tượng cấp bách khác (rùa biển, cá heo, ốc tù và, cua đá, tôm hùm, nhím biển, hàu răng cưa, hải sâm, ốc vú nàng...)

- Tổ chức tham vấn cộng đồng tại huyện đảo Cồn Cỏ; xã Vĩnh Thái, thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt;

- Xây dựng quy định;

- Đệ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

04 cuộc tham vấn

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- UBND huyện đảo Cồn Cỏ;

UBND xã Vĩnh Thái;

- UBND thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt.

2022

3

Thiết lập và vận hành mạng lưới tình nguyện viên (TNV) cứu hộ động vật, thực vật biển hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

- Xây dựng mạng lưới;

- Cơ chế hoạt động;

- Vận hành mô hình.

Đội TNV gồm 26 người

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

4

Đề xuất thành lập Tiểu Khu bảo tồn biển xã Vĩnh Thái - Kim Thạch trực thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ

Hỗ trợ, tư vấn khảo sát, điều tra đa dạng sinh học vùng rạn đá ngầm kéo dài từ xã Vĩnh Thái đến xã Kim Thạch

01 tiểu khu bảo tồn biển được thành lập

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- UBND huyện Vĩnh Linh;

- UBND xã Vĩnh Thái.

2021-2022

5

Đánh giá thực hiện KHQL KBTB (2021-2025) và xây dựng KHQL KBTB giai đoạn 2026-2030)

- Đánh giá giữa kỳ;

- Đánh giá cuối kỳ;

- Lập KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2026-2030.

- 02 bản đánh giá;

- Dự thảo KHQL KBTB đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2026-2030.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2023; 2025

II

Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ

1

Tập huấn nghiệp vụ bảo tàng; du lịch bảo tàng

Tổ chức hai khóa tập huấn về nghiệp vụ bảo tàng (làm tiêu bản, định danh, lưu trữ dữ liệu...) và du lịch bảo tàng

02 khóa

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Hải dương học Nha Trang

2022

2

Đào tạo, tập huấn về nghiên cứu rong, cỏ biển

Đào tạo cho cán bộ Ban quản lý có nghiên cứu chuyên sâu về rong, cỏ biển

01 lớp

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng

2022

3

Đào tạo kỹ thuật nuôi, cấy, phục hồi san hô

Đào tạo cho cán bộ Ban quản lý và cộng đồng kỹ thuật nuôi, cấy, phục hồi san hô

01 lớp

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng

2023

III

Chương trình mua sắm, đóng mới phương tiện và trang thiết bị chuyên dùng

1

Đóng mới một tàu đáy kính để kiểm tra, khảo sát đánh giá các khu vực rạn san hô

Công suất tàu 150 CV, chiều dài 9,5 m, chiều rộng 2,5 m, hãng máy yanmar, vò tàu composite

01 chiếc

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Công ty đóng tàu Composite Khánh Hòa

2022

2

Thả rạn nhân tạo kết hợp phao kiểu phao hàng hải để các tàu du lịch buộc neo

04 rạn nhân tạo được làm bằng khung lồng sắt, đá chẻ, kích thước dài 5,5m, rộng 3,5m, cao 3,5m được liên kết với 04 phao kiểu phao hàng hải, vật liệu thép bọc composite đường kính 2.000mm.

04 rạn; 04 phao

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Khoa học Công nghệ Khai thác thủy sản, trường Đại học Nha trang; Công ty TNHH đóng tàu Composite Khánh Hòa

2022

3

Thả rạn nhân tạo kết hợp phao đánh dấu ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính

60 rạn nhân tạo được làm bằng khung lồng sắt, đá chẻ, kích thước dài 3,5m, rộng 2,5m, cao 2,5m được liên kết với 60 phao đánh dấu ranh giới các phân khu (vật liệu composite, kích thước dài 1.200mm, rộng 640mm, độ nổi phao 550mm) bởi cáp xích inox 304 phi 10 ma ní, khóa xoay...

60 rạn; 60 phao

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Khoa học Công nghệ Khai thác thủy sản, trường Đại học Nha Trang; Công ty TNHH đóng tàu Composite Khánh Hòa

2021-2024

4

Chi phí sửa chữa tuần tra, kiểm soát số hiệu VN-77472-KN

Sửa chữa định kỳ hàng năm

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

IV

Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức

1

Truyền thông

- Xây dựng và thực hiện các loại hình truyền thông: Pano, áp phích, tờ rơi, PTTH...;

- Biên soạn sách giáo dục ngoại khóa về bảo tồn biển, môi trường...áp dụng cho các trường THCS các xã, thị trấn ven biển

12 pano; 5.000 tờ rơi; 2.500 cuốn sách.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- UBND các xã, thị trấn ven biển; huyện đảo Cồn Cỏ;

- Các Phòng Giáo dục các huyện ven biển; các trường THCS các xã, thị trấn ven biển

2021-2025

2

Hình thành trang thông tin điện tử của Ban quản lý KBTB

- Hosting, tên miền;

- Nhuận bút, chi phí quản lý, nâng cấp giao diện.

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

3

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng bên trong và xung quanh KBTB, các Doanh nghiệp về những quy định của KBTB

- Tổ chức 01 lớp/năm tại đảo Cồn Cỏ;

- Tổ chức 03 lớp/năm tại các xã, thị trấn ven biển

20 lớp tập huấn

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

V

Chương trình NCKH, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn biển

1

Duy trì hoạt động tiêu bản tại Trung tâm truyền thông khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- Thu, mua mẫu vật, làm tiêu bản (50 mẫu/năm);

- Định danh loài

250 mẫu

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

2

Nuôi cấy, phục hồi san hô bị tẩy trắng tại KBTB đảo Cồn Cỏ

- Đào tạo kỹ thuật nuôi cấy san hô, kỹ năng lặn biển;

- Nâng cao nhận thức để người dân có ý thức bảo vệ san hô và đồng quản lý san hô;

- Thực hiện trồng lại diện tích san hô bị chết.

- 02 khóa tập huấn;

- Trồng diện tích san hô bị chết (tẩy trắng) do các cơn bão, áp thấp nhiệt đới năm 2020 gây ra

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

- Viện Hải dương học Nha Trang;

- Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng.

2021-2025

3

Nghiên cứu về rong, cỏ biển Cồn Cỏ (thành phần loài, phân bố...)

- Điều tra khảo sát;

- Phân tích đánh giá.

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

4

Xây dựng và duy trì hoạt động một trạm cứu hộ rùa biển tại một xã ven biển.

Các cá thể rùa biển khi được cứu hộ mà yếu, bị thương sẽ được đưa về Trạm cứu hộ rùa biển để chăm sóc, nuôi dưỡng, trị vết thương cho đến khi khỏe mạnh thì tiến hành thả về môi trường biển.

01 Trạm

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

5

Đề tài khoa học công nghệ: Nghiên cứu, điều tra, khảo sát và đề xuất giải pháp, nhằm bảo tồn và phát triển cây dược liệu Giảo Cổ Lam 5 lá trên đảo Cồn Cỏ

Cây Giảo Cổ Lam 05 lá trên đảo Cồn Cỏ là loài cây đặc hữu, có giá trị dược liệu, hiện đang được người dân khai thác bán sản phẩm thân lá phơi khô cho khách du lịch, nên đã cạn kiệt nguồn nguyên liệu

01 Đề tài

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Sở Khoa học và Công nghệ; Các chuyên gia về cây dược liệu

2022

VI

Quan trắc, giám sát môi trường, đa dạng sinh học

1

Theo dõi các loài nguy cấp và có giá trị sinh học như: rùa biển, cá heo, tôm hùm, hàu răng cưa, bào ngư, ốc vú nàng, ốc đụn nhum biển, cua đá, hải sâm KBTB đảo Cồn Cỏ

- Giám sát ghi chép 03 tháng/lần;

- Xử lý số liệu, xây dựng báo cáo;

- Tổng kết mỗi năm.

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

2

Quan trắc chất lượng nước biển KBTB đảo Cồn Cỏ

Định kỳ hàng tháng (pH, nhiệt độ, độ mặn, độ đục)

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị

2021-2025

3

Quan trắc rạn san hô

Định kỳ 01 lần/năm

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng

2021-2025

4

Quan trắc rong, cỏ biển

Định kỳ 01 lần/năm

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng

2021-2025

5

Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tổng thể trong KBTB theo định kỳ 05 năm/lần, nhằm theo dõi biển động đa dạng sinh học KBTB đảo Cồn Cỏ

Điều tra tổng thể ĐDSH phạm vi KBTB đảo Cồn Cỏ để so sánh với liệu thời điểm năm 2007-2008 từ đó đề xuất điều chỉnh phân vùng chức năng

01 Đề tài

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng

2021

6

Tổ chức chiến dịch bắt sao biển gai, thu gom lưới ma và dọn vệ sinh vùng rạn san hô; rong, cỏ biển

2 lần/năm

10 lần

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

VII

Hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trong KBTB

1

Phối hợp với các lực lượng trong việc tuần tra, kiểm soát phạm vi KBTB đảo Cồn Cỏ

Tuần tra liên ngành bằng tàu tuần tra số hiệu VN-77472-KN của Ban quản lý KBTB nhằm nhắc nhở, tuyên truyền, xử phạt vi phạm hành chính, hình sự

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Chi cục Thủy sản; UBND huyện đảo Cồn Cỏ (Phòng KT-XH làm đầu mối); Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ; BCH Quân sự, Công an huyện đảo Cồn Cỏ

2021-2025

2

Nhiên liệu, chi phí tuần tra liên ngành

- Tàu có chiều dài 12,5m, công suất 72CV, vỏ vật liệu composite

 

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

VIII

Hỗ trợ, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng

1

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Cồn Cỏ (Homestay)

- Hỗ trợ xây nhà ở du lịch Homestay, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên đảo;

- Hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển du lịch cho người dân (đào tạo đầu bếp, thuyền trưởng, máy trưởng, hướng dẫn viên du lịch).

- 05 gia đình;

- 01 khóa tập huấn.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

 

2021-2025

2

Triển khai chương trình nói không với túi ni lon; nhựa, ống hút dùng một lần

Du khách tới đảo Cồn Cỏ, người dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo được đổi các vật dụng bằng nhựa, túi nilon bằng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường đối với du khách đi du lịch tại đảo Cồn Cỏ và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo.

05 chương trình

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Phòng KT-XH, huyện đảo Cồn Cỏ

2021-2025

3

Triển khai chương trình giám sát chất thải nhựa đại dương vùng biển đảo Cồn Cỏ

Chương trình được thực hiện 02 lần/năm, theo tài liệu hướng dẫn của Greenhub

10 lần

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Phòng KT-XH, huyện đảo Cồn Cỏ

2021-2025

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3997/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 3997/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Hà Sỹ Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản