Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 397/QĐ-TTCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2021 |
TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Điều động, luân chuyển công chức và biệt phái công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 159/QĐ-TTCP ngày 19/3/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG THANH TRA |
ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN CÔNG CHỨC VÀ BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số: 397/QĐ-TTCP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc điều động, luân chuyển công chức và biệt phái công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Thanh tra Chính phủ.
2. Quy chế này áp dụng đối với công chức, viên chức thuộc Thanh tra Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc điều động, luân chuyển, biệt phái
1. Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định việc điều động, luân chuyển công chức và biệt phái công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Thanh tra Chính phủ.
2. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
3. Luân chuyển công chức bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ công chức; tạo điều kiện cho công chức trẻ, có triển vọng, công chức trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn.
4. Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ công chức trong Thanh tra Chính phủ; tăng cường công chức cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
5. Công chức, viên chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái, nhưng vẫn thuộc biên chế của cơ quan, tổ chức cử biệt phái, kể cả trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được biệt phái đến giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tương đương với chức vụ hiện đang đảm nhiệm.
6. Công chức, viên chức được điều động, luân chuyển, biệt phái phải chấp hành nghiêm quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái của cấp có thẩm quyền.
ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI
Điều 3. Các trường hợp điều động
Điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
1. Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
2. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức của Thanh tra Chính phủ và giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan, tổ chức khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.
Điều 4. Trình tự, thủ tục điều động
1. Điều động trong nội bộ Thanh tra Chính phủ
a) Căn cứ quy hoạch, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch, lập danh sách công chức cần điều động, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
Trường hợp công chức có nguyện vọng được điều động và có đơn đề nghị, đơn có ý kiến đồng ý của người đứng đầu vụ, cục, đơn vị (sau đây gọi tắt là đơn vị) nơi công chức đang công tác và nơi công chức dự kiến điều động đến, gửi Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản trao đổi với người đứng đầu đơn vị nơi công chức đang công tác và nơi công chức dự kiến điều động đến; gặp gỡ công chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động để nghe công chức đề xuất ý kiến.
c) Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định điều động.
Trường hợp Tổng Thanh tra Chính phủ không đồng ý điều động, Vụ Tổ chức cán bộ thông báo cho người đứng đầu đơn vị nơi công chức đang công tác, nơi công chức dự kiến điều động đến và công chức có đơn đề nghị biết.
2. Điều động công chức của Thanh tra Chính phủ đến cơ quan khác
a) Cơ quan có nhu cầu tiếp nhận công chức của Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị tiếp nhận công chức.
Trường hợp công chức có nguyện vọng được chuyển công tác và có đơn đề nghị, đơn có ý kiến đồng ý của người đứng đầu đơn vị nơi công chức đang công tác và cơ quan nơi công chức dự kiến chuyển đến, gửi Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản trao đổi với người đứng đầu đơn vị nơi công chức đang công tác; gặp gỡ công chức để nghe công chức trình bày nguyện vọng, đề xuất ý kiến.
c) Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định cho chuyên công tác.
Trường hợp Tổng Thanh tra Chính phủ không đồng ý cho chuyển công tác, Vụ Tổ chức cán bộ thông báo cho người đứng đầu đơn vị nơi công chức đang công tác, cơ quan nơi công chức dự kiến chuyển đến và công chức có đơn đề nghị biết.
3. Hồ sơ điều động bao gồm:
a) Tờ trình về việc điều động do người đứng đầu Vụ Tổ chức cán bộ ký;
b) Văn bản của cơ quan có nhu cầu tiếp nhận công chức hoặc đơn đề nghị của công chức;
c) Ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan.
4. Điều động công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong nội bộ đơn vị thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều động công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sang đơn vị khác hoặc đến cơ quan khác thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng của Thanh tra Chính phủ.
Mục 2. LUÂN CHUYỂN CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
Điều 5. Đối tượng, phạm vi luân chuyển
1. Đối tượng luân chuyển:
a) Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch được phê duyệt;
b) Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một đơn vị.
2. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
3. Chức danh bố trí luân chuyển thực hiện theo chủ trương của Đảng và của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển
1. Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
2. Trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng phát triển; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Về cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể của chức vụ luân chuyển đến.
4. Điều kiện về độ tuổi:
a) Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển;
b) Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ.
5. Có đủ sức khoẻ công tác.
Điều 7. Thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện luân chuyển
1. Thẩm quyền quyết định luân chuyển thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý của Đảng và của pháp luật.
2. Trách nhiệm thực hiện:
Trách nhiệm thực hiện luân chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Điều 8. Kế hoạch luân chuyển, quy trình luân chuyển
Kế hoạch luân chuyển, quy trình luân chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 58, Điều 59 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Mục 3. BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 9. Các trường hợp biệt phái, thời hạn biệt phái
1. Biệt phái công chức, viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;
b) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
2. Thời hạn biệt phái công chức, viên chức không quá 03 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 10. Trình tự, thủ tục biệt phái
1. Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách công chức, viên chức cần biệt phái, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
2. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản trao đổi, thống nhất ý kiến với người đứng đầu đơn vị nơi công chức, viên chức đang công tác và nơi công chức, viên chức dự kiến biệt phái đến; gặp gỡ công chức, viên chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc biệt phái để nghe công chức, viên chức đề xuất ý kiến.
3. Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định biệt phái.
4. Hồ sơ biệt phái bao gồm:
a) Tờ trình về việc biệt phái do người đứng đầu Vụ Tổ chức cán bộ ký;
b) Ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì thực hiện trình tự, thủ tục biệt phái như trường hợp bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng của Thanh tra Chính phủ.
1. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ để báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái công chức, viên chức của Bộ Tư pháp
- 2Quyết định 522/QĐ-VKSTC năm 2019 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Quyết định 2055/QĐ-BGDĐT năm 2021 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Luật viên chức 2010
- 3Nghị định 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ
- 4Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái công chức, viên chức của Bộ Tư pháp
- 5Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019
- 6Quyết định 522/QĐ-VKSTC năm 2019 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 8Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 9Quyết định 2055/QĐ-BGDĐT năm 2021 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Quyết định 397/QĐ-TTCP năm 2021 về Quy chế điều động, luân chuyển công chức và biệt phái công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ
- Số hiệu: 397/QĐ-TTCP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/07/2021
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Đoàn Hồng Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra