Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 392/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 24 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ CÁC TRUNG TÂM DƯỠNG LÃO TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Người cao tuổi; Nghị định số 06/2011/NĐ- CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ và Thông tư số 17/2011/TT - BLĐTBXH ngày 19/5/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ, thủ tục thực hiện trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng và tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở Bảo trợ xã hội; Thông tư số 21/2011/TT - BTC ngày 18/02/2011 của Bộ tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;

Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Quyết định 2611/QĐ-UBND ngày 15/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển các cơ sở Bảo trợ xã hội và điều dưỡng Người có công tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Thông báo kết quả thẩm định dự án Quy hoạch phát triển cơ sở bảo trợ xã hội và điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 số 01/BC-KQTĐ ngày 02/01/2013;

Căn cứ Thông báo số 114/TB - VP ngày 19/8/2013 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh ngày 13/8/2013;

Xét đề nghị của Sở Lao động, thương binh và xã hội tại Tờ trình số 1644/TTr-SLĐTBXH ngày 27/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội và các Trung tâm dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:

I. Tên quy hoạch: Quy hoạch phát triển cơ sở bảo trợ xã hội và các Trung tâm dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

II. Mục tiêu quy hoạch

- Phát triển các cơ sở Bảo trợ xã hội và các Trung tâm dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 hiện đại, tiên tiến, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn cho đối tượng Bảo trợ xã hội, người cao tuổi và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện và nguồn lực của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới cơ sở BTXH, Trung tâm dưỡng lão thuộc quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo đến năm 2015 đạt quy mô công suất tiếp nhận đối tượng Bảo trợ xã hội của mạng lưới cơ sở xã hội này tăng thêm khoảng 37% so với năm 2011 (1.350 đối tượng) và đến năm 2020 tăng thêm 85% so với năm 2015 (2.500 đối tượng) và đến năm 2030 tăng thêm 68% so với năm 2020 (4.200 đối tượng). Tính riêng mạng lưới cơ sở Bảo trợ xã hội được quy hoạch thuộc diện công lập (05 cơ sở), mục tiêu hướng đến năm 2015 đạt công suất tiếp nhận 1.150 đối tượng (tăng thêm 17% so với hiện tại), đến năm 2020 đạt công suất tiếp nhận 1.700 đối tượng (tăng thêm 48% so với năm 2015) và tầm nhìn đến năm 2030 đạt công suất tiếp nhận 2.950 đối tượng, tăng thêm 74% so với năm 2020.

- Chậm nhất đến năm 2015, cần mở rộng thêm Trung tâm Bảo trợ xã hội bằng việc mở thêm phân hiệu hai thuộc Trung tâm đóng trên 02 vị trí độc lập: (1) Cơ sở nuôi dưỡng, dạy chữ Bảo trợ xã hội và (2) Cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề Bảo trợ xã hội.

- Chậm nhất đến năm 2020, thành lập mới 01 Trung tâm Dưỡng lão và đến năm 2030 thành lập thêm 01 Trung tâm Dưỡng lão ngoài công lập để chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng là người cao tuổi thuộc diện hưởng chính sách nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội và đối tượng người cao tuổi thuộc diện tự nguyện khác.

- Quy mô đối tượng Bảo trợ xã hội của tỉnh khá lớn và có xu hướng tăng lên qua các năm, trong khi các cơ sở công lập chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của các đối tượng. Vì vậy, cần khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở xã hội ngoài công lập cùng tham gia hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng Bảo trợ xã hội và những đối tượng thuộc diện tự nguyện khác.

III. Phương án quy hoạch

1. Phương án quy hoạch các cơ sở Bảo trợ xã hội và Trung tâm dưỡng lão

a) Giai đoạn 2013-2015

+ Giữ nguyên 02 cơ sở Bảo trợ xã hội hiện tại là Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội và Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần;

+ Mở rộng thêm Trung tâm Bảo trợ xã hội bằng việc mở phân hiệu hai thuộc Trung tâm đóng trên 02 vị trí độc lập: (1) Cơ sở nuôi dưỡng, dạy chữ Bảo trợ xã hội và (2) Cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề Bảo trợ xã hội;

+ Tạo điều kiện, khuyến khích việc nâng cấp, chuẩn hóa 04 cơ sở xã hội ngoài công lập hiện đang hoạt động nhỏ lẻ, phân tán ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh là: Trung tâm Bảo trợ xã hội Thiện Đức ở Huyện Nam Sách, Chương trình Bảo trợ trẻ em ở Thị xã Chí Linh, Quỹ tình thương ở huyện Ninh Giang và Khu dưỡng thiện của cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Nguyên Hương ở thành phố Hải Dương tham gia tiếp nhận nuôi dưỡng các đối tượng Bảo trợ xã hội và các nhóm đối tượng tự nguyện khác.

b) Giai đoạn 2016-2020

+ Giữ nguyên 03 cơ sở Bảo trợ xã hội của giai đoạn 2013-2015 là Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở nuôi dưỡng, dạy chữ Bảo trợ xã hội và cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề Bảo trợ xã hội);

+ Thành lập mới 01 Trung tâm Dưỡng lão nuôi dưỡng người cao tuổi là đối tượng Bảo trợ xã hội và đối tượng tự nguyện khác tại Huyện Thanh Hà;

+ Bên cạnh việc mở rộng để tăng công suất tiếp nhận của 04 cơ sở xã hội ngoài công lập đã có và thành lập thêm 04 cơ sở xã hội ngoài công lập có số lượng đối tượng Bảo trợ xã hội ở mức cao nhất của tỉnh.

c) Giai đoạn 2021-2030

+ Giữ nguyên 04 cơ sở Bảo trợ xã hội, Trung tâm Dưỡng lão của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở nuôi dưỡng, dạy chữ BTXH và cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề BTXH) và Trung tâm Dưỡng lão tại Huyện Thanh Hà;

+ Giữ nguyên 08 cơ sở xã hội ngoài công lập;

+ Thành lập mới 01 Trung tâm Dưỡng lão nuôi dưỡng người cao tuổi ngoài công lập nuôi dưỡng đối tượng Bảo trợ xã hội và đối tượng tự nguyện khác tại Thị xã Chí Linh (vị trí quy hoạch ngoài vùng đệm của Khu di tích lịch sử Côn Sơn- Kiếp Bạc);

+ Thành lập thêm 03 cơ sở xã hội ngoài công lập tại các huyện chưa có cơ sở Bảo trợ xã hội, Trung tâm dưỡng lão (trong công lập và ngoài công lập) nào đóng trên địa bàn.

2. Đối tượng nuôi dưỡng

Đối tượng nuôi dưỡng (đối với cả các cơ sở BTXH công lập và ngoài công lập)

+ Đối tượng Bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng chính sách nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội bao gồm: Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo; người lang thang;…và nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ và bảo vệ khẩn cấp; trẻ em khuyết tật; người khuyết tật còn có khả năng lao động, nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

+ Đối tượng là người mắc bệnh tâm thần thuộc diện được tiếp nhận, nuôi dưỡng và điều trị tại cơ sở Bảo trợ xã hội và đối tượng thương, bệnh binh, thân nhân người có công với cách mạng mắc bệnh tâm thần mãn tính.

+ Đối tượng Bảo trợ xã hội thuộc nhóm người khuyết tật nặng, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

3. Quy mô tiếp nhận

Đối với các cơ sở công lập:

Quy mô tiếp nhận giai đoạn 2013-2015 là 1.150 đối tượng/năm; giai đoạn 2016-2020 là 1.700 đối tượng/năm; giai đoạn 2021-2030là 2.900 đối tượng/năm.

Đối với các cơ sở ngoài công lập:

Quy mô tiếp nhận giai đoạn 2013-2015 là 200 đối tượng/năm; giai đoạn 2016-2020 là 800 đối tượng/năm; giai đoạn 2021-2030 là 1.250 đối tượng/năm.

4. Phương án sử dụng lao động

a) Giai đoạn 2013-2015

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 429 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 66 người;

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 72 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 12 người.

b) Giai đoạn 2016-2020

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 648 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 98 người;

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 248 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 40 người.

c) Giai đoạn 2021-2030

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 1.014 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 147 người;

Đối với các cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập: dự kiến tổng số cán bộ nhân viên 488 người, trong đó Ban lãnh đạo và bộ phận quản lý hành chính 78 người.

IV. Khái quát nhu cầu kinh phí thực hiện quy hoạch.

1. Kinh phí thực hiện quy hoạch các cơ sở Bảo trợ xã hội

a) Kinh phí thực hiện quy hoạch các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập

Tổng số: 4.073 tỷ 12 triệu đồng, bao gồm:

a1. Kinh phí đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng: 2.637,26 tỷ đồng trong đó ngân sách Trung ương 397,296 tỷ đồng (chiếm 15,07%), ngân sách địa phương 1,818 tỷ đồng (chiếm 68,94%) các nguồn huy động khác 421,768tỷ đồng (chiếm 15,99%).

Phân kỳ đầu tư theo giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 2013 - 2015: 100,96 tỷ đồng. trong đó, ngân sách TW 17,95 tỷ đồng; ngân sách địa phương 78,64 tỷ đồng; các nguồn huy động khác 4,37 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 425 tỷ đồng. trong đó, ngân sách TW 76,4tỷ đồng; ngân sách địa phương 311,9 tỷ đồng; các nguồn huy động khác 36,7 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2021 - 2025: 2.111,3 tỷ đồng. trong đó, ngân sách TW 303 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.427,6 tỷ đồng; các nguồn huy động khác 380,7 tỷ đồng.

a2. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất: 1.267,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 396,2 tỷ đồng (chiếm 30%), ngân sách địa phương 816,6 tỷ đồng (chiếm 60%) các nguồn huy động khác 55 tỷ đồng (chiếm 5%).

Phân kỳ đầu tư:

Giai đoạn 2013-2015 là 129,5 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 290,2 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 ước khoảng 848,2 tỷ đồng.

b. Kinh phí thực hiện quy hoạch các cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập

Tổng số: 2.312 tỷ 276 triệu đồng, bao gồm:

b1. Kinh phí đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng: 1.212 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 65,788 tỷ đồng (chiếm 5,42%), ngân sách địa phương 198,838 tỷ đồng (chiếm 16,4%), nguồn vốn khác 947,612 tỷ đồng (chiếm 78,18%).

Phân kỳ đầu tư theo giai đoạn như sau.

+ Giai đoạn 2013 -2015: 15,168 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1,517 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4,55 tỷ đồng; nguồn vốn khác 9,1 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016 -2020: 147,28 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 11,78 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36,82 tỷ đồng; nguồn vốn khác 98,68 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2021-2030: 1.049,79 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 52,489 tỷ đồng; ngân sách địa phương 157,469 tỷ đồng; nguồn vốn khác 839,83 tỷ đồng.

b2. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất: 655,96 tỷ đồng,

Phân kỳ theo giai đoạn như sau:

Giai đoạn 2013-2015 là 46,56 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 194,37 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030 là 415,037 tỷ đồng.

V. Về quỹ đất quy hoạch

Quỹ đất tối thiểu cho việc quy hoạch phát triển các cơ sở Bảo trợ xã hội và Trung tâm Dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần được đảm bảo khoảng 103.000 m2, (Trong đó 04 cơ sở “công lập” là 58.000 m2 và 12 cơ sở “ngoài công lập” là 45.000 m2 cụ thể như sau:

+ Giai đoạn 2013-2015: cần khoảng 28.500 m2. Trong đó quỹ đất dành cho các cơ sở “công lập” khoảng 22.500 m2 và dành cho các cơ sở “ngoài công lập” là 6.000 m2.

+ Giai đoạn 2016-2020: cần khoảng 69.000 m2. Trong đó quỹ đất dành cho các cơ sở “công lập” khoảng 45.000 m2 và dành cho các cơ sở “ngoài công lập” là 24.000 m2.

+ Giai đoạn 2021-2030: cần khoảng 103.000m2. Trong đó quỹ đất dành cho các cơ sở “công lập” khoảng 58.000 m2 và dành cho các cơ sở “ngoài công lập” là 45.000 m2.

VI. Lộ trình theo giai đoạn đầu tư

1. Giai đoạn 2013-2015

+ Đầu tư, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị của các cơ sở xã hội phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng Bảo trợ xã hội đối với 02 cơ sở Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở nuôi dưỡng dạy nghề Bảo trợ xã hội);

+ Đầu tư xây dựng mới khu vực hành chính, chức năng và khu nhà ở cho đối tượng người có công của Trung tâm nuôi dưỡng Tâm thần.

2. Giai đoạn 2016-2020

+ Sửa chữa, cải tạo khu vực hành chính và xây dựng mới khu vực phòng ở và các khu vực chức năng cho đối tượng tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội.

+ Xây dựng mới khu vực phòng ở cho đối tượng Bảo trợ xã hội và đối tượng Người có công (tăng thêm) của Trung tâm nuôi dưỡng Tâm thần;

+ Xây dựng mới toàn bộ cơ sở Nuôi dưỡng dạy nghề cho đối tượng Bảo trợ xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội);

+ Xây dựng mới toàn bộ Trung tâm dưỡng lão Thanh Hà.

3. Giai đoạn 2021-2030

+ Xây dựng mới các khu vực phòng ở và phòng chức năng để tiếp nhận đối tượng tăng thêm của 04 cơ sở: Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng Tâm thần, Cơ sở Nuôi dưỡng dạy nghề cho đối tượng Bảo trợ xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội) và Trung tâm Dưỡng lão Thanh Hà;

+ Đầu tư xây dựng mới cho toàn bộ 01 trung tâm là cơ sở Nuôi dưỡng dạy chữ cho đối tượng Bảo trợ xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội).

VII. Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc triển khai thực hiện các nội dung cụ thể sẽ được phân kỳ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động, Thương binh và xã hội, Kế hoạch và đầu tư và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quế

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 392/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bảo trợ xã hội và Trung tâm dưỡng lão tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 392/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/01/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Văn Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản