Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 390-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 33-CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và Nghị định số 95-CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về Hội chợ và triển lãm thương mại.

Điều 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quy chế kèm theo Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

QUY CHẾ

VỀ HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 390-TTg ngày 1-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này được áp dụng đối với:

1- Tất cả các hội chợ và triển lãm thương mại được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả hội chợ và triển lãm thương mại có công ty, tư nhân nước ngoài tham gia hoặc tổ chức.

2- Tất cả các hội chợ và triển lãm thương mại do các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hoặc tham gia ở nước ngoài, ngoài việc tuân thủ Quy chế này, các doanh nghiệp nói tại mục này còn phải tuân thủ các quy định của luật pháp nước sở tại.

Điều 2. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Hội chợ thương mại" là một loại hình hoạt động xúc tiến thương mại dưới hình thức một thị trường hoạt động tập trung trong một thời gian và địa điểm nhất định, trong đó các nhà sản xuất, kinh doanh trưng bầy hàng hoá của mình nhằm mục đích tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng thương mại và bán hàng tại hội chợ (kể cả bán hàng lưu niệm).

2- "Triển lãm thương mại" là một loại hình hoạt động xúc tiến thương mại của một hoặc nhiều nhà sản xuất, hoặc kinh doanh thông qua việc trưng bầy hàng hoá, tài liệu về hàng hoá... nhằm mục đích giới thiệu, quảng cáo hàng để mở rộng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá thông qua ký kết hợp đồng thương mại.

Điều 3. Bộ Thương mại là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại nêu tại Điều 1 Quy chế này.

Tất cả các hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc của Việt Nam tại nước ngoài phải được Bộ Thương mại phê duyệt cho phép, hoặc uỷ quyền Sở Thương mại tỉnh, thành phố duyệt cho phép, tuỳ theo tính chất, quy mô của hội chợ, triển lãm thương mại.

Điều 4. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có tư cách pháp nhân đều được phép tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại trong nước, ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh (theo giấy phép của Bộ Thương mại hoặc của Sở Thương mại tỉnh, thành phố); hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại để tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại.

Điều 5. Đối với các hội chợ, triển lãm thương mại có quy mô lớn trong nước, ngoài nước và mang tính chất liên ngành, sẽ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Công ty triển lãm quảng cáo Bộ Thương mại, hoặc các Công ty được phép kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại đứng ra tổ chức theo giấy phép và hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Điều 6. Bộ Thương mại cho phép một số doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại nếu có đủ các điều kiện sau:

1- Được thành lập theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.

2- Có đủ phương tiện vật chất, kỹ thuật để tổ chức hội chợ, triển làm thương mại.

3- Có bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của việc kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ THAM GIA HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

Điều 7. Quy định chung:

1- Các hội chợ, triển lãm thương mại phải có chủ đề, quy mô, thời gian và địa diểm tiến hành, danh mục hàng hoá và tên, địa chỉ các nhà sản xuất, kinh doanh tham gia.

2- Các nhà sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế muốn tham gia hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam phải đăng ký và ký hợp đồng với Ban Tổ chức từng hội chợ và triển lãm thương mại về việc đưa hàng hoá vào tham gia hội chợ, triển lãm; và ký hợp đồng thuê gian hàng, mặt hàng trưng bày hàng hoá hoặc kho chứa hàng hoá.

3- Hàng hoá, tài liệu về hàng hoá đưa vào trưng bày tại hội chợ và triển lãm thương mại phải phù hợp với số lượng và danh mục hàng đã đăng ký với Ban Tổ chức; không được đưa hàng cấm, hàng giả, hàng kém phẩm chất vào tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (trừ triển lãm chuyên đề về hàng giả).

4- Việc giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại tại Hội chợ và triển lãm thương mại phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

5- Mọi chi phí về tài chính cho các hội chợ và triển lãm thương mại do các doanh nghiệp tự trang trải, ngân sách Nhà nước không cấp phát.

6- Nội dung của hội chợ và triển lãm thương mại phải phù hợp với chủ trương, chính sách xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá trong nước trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế.

Điều 8. Tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại:

Căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế thương mại của Việt Nam, trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương và các tổ chức liên quan, Bộ Thương mại có trách nhiệm tổng hợp, điều chỉnh và lập chương trình tổ chức một số hội chợ và triển lãm thương mại lớn và quan trọng hàng năm.

Điều 9. Thông báo hội chợ và triển lãm thương mại:

Bộ Thương mại có trách nhiệm thông báo chương trình đã lập trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia.

Điều 10. Thành lập Ban Tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại:

Các hội chợ và triển lãm thương mại tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam phải có Ban Tổ chức với thành phần do cấp chính quyền, Bộ quản lý chỉ định hoặc do doanh nghiệp tổ chức hội chợ, triển lãm quyết định và chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hội chợ triển lãm. Riêng các hội chợ và triển lãm thương mại lớn, quan trọng do Bộ Thương mại quyết định.

Chương 3:

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC NHÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH THAM GIA HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

A- ĐỐI VỚI HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM:

Điều 11. Các nhà sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hội chợ và triển lãm thương mại được quyền đưa hàng hoá và tài liệu về hàng hoá theo danh mục đã được duyệt đến tham gia hội chợ và triển lãm thương mại theo thời gian quy định của Ban Tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại.

Điều 12. Đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài:

1- Các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia hoặc tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam được phép đưa các sản phẩm hàng hoá và tài liệu về hàng hoá theo danh mục đã được quy định đến tham gia hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam và phải hoàn thành thủ tục hải quan, nộp lệ phí hải quan theo các quy định của luật pháp Việt Nam.

2- Hàng hoá và tài liệu hàng hoá đã được duyệt khi nhập khẩu để tham gia hội chợ và triển lãm thương mại được miễn thuế theo quy định của luật pháp Việt Nam.

3- Trường hợp hàng hoá muốn bán tại Việt Nam trong thời gian tiến hành và kết thúc hội chợ và triển lãm thương mại phải xin phép Bộ Thương mại ngay khi xin đăng ký tham gia hội chợ và triển lãm và phải nộp thuế theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Riêng hàng dùng để làm quà tặng, quảng cáo, giới thiệu và bán lưu niệm tại hội chợ và triển lãm thương mại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Việt Nam.

B- ĐỐI VỚI HỘI CHỢ VÀ TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI CỦA VIỆT NAM TỔ CHỨC HOẶC THAM GIA TẠI NƯỚC NGOÀI:

Điều 13. Các doanh nghiệp tham gia hoặc tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại tại nước ngoài được phép xuất khẩu các sản phẩm, hàng hoá và tài liệu về hàng hoá của mình ra nước ngoài để tham gia hội chợ và triển lãm thương mại.

Điều 14. Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, để tham gia hội chợ và triển lãm thương mại, các doanh nghiệp phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của luật pháp; đối với hàng hoá xuất khẩu để tái nhập khẩu sau khi kết thúc thúc hội chợ và triển lãm thương mại được miễn thuế theo luật định. Hàng hoá dùng làm quà tặng, quảng cáo, giới thiệu và bán lưu niệm tại hội chợ và triển lãm thương mại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Thương mại.

Điều 15. Trường hợp hàng hoá được bán tại hội chợ và triển lãm thương mại, các doanh nghiệp tham gia hoặc tổ chức hội chợ, triển lãm phải nộp thuế theo luật định; thực hiện theo luật pháp nước sở tại.

Giá hàng hoá được bán ra không được phá giá hàng xuất khẩu cùng chủng loại này.

Chương 4:

XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Điều 16. Chế tài:

Mọi vi phạm các quy định trong Quy chế này của tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ và triển lãm thương mại, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý:

- Cảnh cáo và phạt tiền theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

- Tịch thu sản phẩm hàng hoá và tài liệu về hàng hoá tham gia hội chợ và triển lãm thương mại theo quy định của pháp luật và công bố việc vi phạm đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cá nhân vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 18. Các quy định điều chỉnh hoạt động hội chợ và triển lãm thương mại trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 390-TTg năm 1994 về Hội chợ và triễn lãm thương mại do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 390-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/08/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 01/08/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản