Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2011/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 18 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ UBND CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN LUẬT NUÔI CON NUÔI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật nuôi con nuôi;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 485/TTr-STP ngày 04/10/2011 ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp trong việc thực hiện Luật nuôi con nuôi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi năm 2010 trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và phối hợp thực hiện theo quy định pháp luật và Quyết định ban hành Quy chế của UBND tỉnh về nuôi con nuôi.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP, Bộ Tư pháp (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh (b/c);
- MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh (c/đ);
- Cục KTVB QPPL - Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3 (t/h);
- Website Chính phủ, Trung tâm Công báo tỉnh (đ/t);
- Đài PTTH tỉnh, Báo VP, Cổng TTGTĐT tỉnh (đ/t, tt);
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quang Hồng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ UBND CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN LUẬT NUÔI CON NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39/2011/QĐ-UBND Ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp của các ngành, các cấp trong thực hiện đăng ký và quản lý nuôi con nuôi; đăng ký nuôi con nuôi thực tế; hỗ trợ nuôi dưỡng và thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ bỏ rơi, trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ có hoàn cảnh khó khăn…; tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở nuôi dưỡng; quản lý, sử dụng lệ phí và chi phí đăng ký nuôi con nuôi.

2. Đối tượng áp dụng

a) Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú ở nước ngoài có yêu cầu đăng ký nhận trẻ cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc làm con nuôi.

b) Trẻ em dưới 16 tuổi được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, trẻ được nuôi dưỡng tại gia đình, trẻ bỏ rơi được nhận làm con nuôi.

c) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

d) Trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo khác được người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài nhận làm con nuôi.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý nuôi con nuôi

1. Tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc (môi trường gia đình cha mẹ đẻ). Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

2. Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

3. Trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong hướng dẫn, thụ lý, xác minh hồ sơ và đăng ký nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

Điều 3. Nội dung cơ bản trong quản lý hoạt động nuôi con nuôi

1. Quy định trách nhiệm, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài; trình UBND tỉnh chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

2. Trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng, thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ bị bỏ rơi, trẻ ở gia đình hoặc ở cơ sở nuôi dưỡng có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi.

3. Trách nhiệm phối hợp trong quản lý, điều tra xác minh và đăng ký nuôi con nuôi; quản lý, sử dụng lệ phí và chi phí đăng ký nuôi con nuôi.

4. Công tác rà soát, tuyên truyền và đăng ký đối với trường hợp nuôi con nuôi trên thực tế mà chưa đăng ký từ 01/01/2011- 31/12/2015.

5. Các nội dung khác liên quan đến hoạt động đăng ký và quản lý nuôi con nuôi.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ NUÔI CON NUÔI

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan (theo quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi) và hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh Quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài; đăng ký, tổ chức giao nhận con nuôi nước ngoài.

2. Giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo; thanh tra, kiểm tra công tác đăng ký, quản lý nuôi con nuôi trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Quản lý, thông báo danh sách trẻ em trong địa bàn tỉnh cần tìm gia đình thay thế; tiếp nhận đăng ký nhu cầu nhận nuôi con nuôi của công dân theo thẩm quyền.

4. Rà soát, thống kê, tuyên truyền vận động đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp nuôi con nuôi trên thực tế mà chưa đăng ký từ 01/01/2011 đến hết 31/12/2015.

5. Tiếp nhận, sử dụng, quyết toán % lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài từ Cục con nuôi, chi phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định hiện hành.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội

1. Hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi đảm bảo đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng và cơ quan lao động, thương binh và xã hội các cấp trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, có biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng do ngành quản lý báo cáo Sở Tư pháp danh sách trẻ em đang được nuôi dưỡng có nhu cầu tìm gia đình thay thế; phối hợp cùng Sở Tư pháp trong thực hiện các thủ tục cho trẻ ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định.

4. Chủ động, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức thành lập cơ sở nuôi dưỡng trình UBND tỉnh xem xét, chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài.

5. Là cơ quan đầu mối tiếp nhận từ Cục con nuôi % chi phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài; sử dụng và thực hiện quyết toán chi phí đăng ký nuôi con nuôi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định hiện hành.

6. Kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Điều 6. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Thực hiện xác minh nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi được cho làm con nuôi theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

2. Chỉ đạo cơ quan công an các cấp trực thuộc tỉnh chủ động hoặc phối hợp với chính quyền địa phương xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi, xác minh nguồn gốc trẻ được nhận làm con nuôi.

3. Chỉ đạo thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện điều tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Phối hợp cùng các sở, ban, ngành thực hiện quyết toán kinh phí thực hiện Luật nuôi con nuôi và các văn bản liên quan theo quy định hiện hành.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin truyền thông tỉnh

Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh & Truyền hình và Cổng thông tin và giao tiếp điện tử tỉnh (Sở Thông tin và truyền thông) phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nuôi con nuôi. Đăng tải, phát tin tìm người thân của trẻ bị bỏ rơi, thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ theo yêu cầu của UBND cấp xã và Sở Tư pháp.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Quản lý, chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm và các cơ sở y tế (gọi chung là cơ sở y tế) từ tỉnh đến cơ sở thống nhất sử dụng một mẫu Giấy chứng sinh, mỗi trẻ sinh ra chỉ được cấp 1 giấy chứng sinh theo quy định (trường hợp cấp lại phải có lý do chính đáng và ghi rõ “Cấp lại lần…” trong Giấy chứng sinh).

2. Chỉ đạo các cơ sở y tế quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân người mẹ (khi đăng ký sinh con); kịp thời phát hiện, bảo vệ trẻ, thông báo và phối hợp với cơ quan công an hoặc chính quyền sở tại xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác minh nguồn gốc trẻ được sinh ra hoặc phát hiện tại cơ sở y tế.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

1. Giải quyết các việc hộ tịch liên quan đến nuôi con nuôi theo thẩm quyền.

2. Chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nuôi con nuôi; kiểm tra, theo dõi tình hình nuôi con nuôi ở địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi ở địa phương theo thẩm quyền.

3. Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã trên địa bàn thực hiện đăng ký nuôi con nuôi theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi.

Hướng dẫn cụ thể quy định UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ bỏ rơi, trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng có nhu cầu tìm gia đình thay thế; việc niêm yết, thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ; hoàn tất thủ tục đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 15 Luật nuôi con nuôi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Chế độ thông tin báo cáo

Định kỳ 06 tháng, một năm hoặc đột xuất các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Tư pháp. Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh Báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi trong tỉnh.

Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật

Trong quá trình thực hiện Quy chế các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh xem xét, đề nghị khen thưởng; cá nhân, đơn vị không thực hiện nghiêm Quy chế hoặc có hành vi vi phạm, tùy theo mức độ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động nuôi con nuôi. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để được hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 39/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Đặng Quang Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản