Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2011/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3186/QĐ-BGTVT ngày 04/11/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Pleiku giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa X, kỳ họp thứ hai (từ ngày 07 đến ngày 09/12/2011) về việc thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1189/TTr-SGTVT ngày 12/9/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi và mục tiêu:

a) Phạm vi lập quy hoạch: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

b) Mục tiêu:

- Mục tiêu về vận tải: Nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường khai thác, mục tiêu đến năm 2020 vận chuyển đạt 33 triệu tấn hàng hóa và 15 triệu lượt hành khách.

- Mục tiêu về cơ sở hạ tầng:

+ Đường bộ: Xây dựng mạng lưới giao thông vận tải hợp lý, liên hoàn, thông suốt bao gồm: hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn, hệ thống bến xe và trạm dừng nghỉ tạo thành hệ thống các trục dọc Bắc Nam, trục ngang Đông Tây, hệ thống nan quạt hướng tâm, hệ thống vành đai liên huyện với trung tâm thành phố Pleiku;

+ Đường hàng không: Xây dựng sân bay Pleiku đảm bảo phục vụ các loại máy bay tầm trung trở lên;

+ Đường sắt: Nghiên cứu tuyến đường sắt Tây Nguyên đi qua tỉnh Gia Lai.

2. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ:

a) Hệ thống đường bộ cao tốc:

- Đường cao tốc Bắc Nam: Chiều dài đoạn qua tỉnh Gia Lai 98km, quy mô xây dựng 4 - 6 làn xe, hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh, tránh thành phố Pleiku và các đô thị theo đường vành đai quy hoạch.

- Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Cửa khẩu Lệ Thanh: Chiều dài 160km, quy mô 4 làn xe, hướng tuyến bám theo hướng tuyến Quốc lộ 19, tránh các đô thị theo đường vành đai quy hoạch.

b) Hệ thống đường Quốc lộ:

- Quốc lộ 19, 25, 14: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III (đồng bằng và miền núi), xây dựng đoạn tránh qua các đô thị.

- Quốc lộ 14C: Nâng cấp nền, mặt đường và các công trình trên tuyến, đến năm 2015 hoàn chỉnh quy mô đường cấp IV miền núi.

- Đường Trường Sơn Đông: Xây dựng hoàn chỉnh quy mô đường bê tông nhựa, bê tông xi măng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, các đoạn qua đô thị theo tiêu chuẩn đường đô thị.

c) Đường tuần tra biên giới: Xây dựng và nâng cấp toàn tuyến dài 100km đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi, mặt đường bê tông xi măng, đá dăm láng nhựa. Xây dựng đường vào các đồn biên phòng.

d) Hệ thống đường tỉnh: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện hữu đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, miền núi, cầu cống tải trọng HL.93, H30-XB80.

e) Quy hoạch các đường tỉnh mới, đường liên huyện: Xây dựng mới các tuyến đường tỉnh, đường liên huyện đến năm 2020 tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

f) Định hướng quy hoạch phát triển đường đô thị:

- Đầu tư từng bước, hoàn chỉnh đồng bộ các trục đường, các nút giao thông các đô thị, đồng thời tiếp tục xây dựng hiện đại hóa mạng lưới đường phố nội thị gắn với chỉnh trang các đô thị kết hợp với các công trình hạ tầng ngầm tại các khu đô thị mới.

- Đối với các trung tâm đô thị lớn như: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và thị trấn Chư Sê (dự kiến lên thị xã): Đến năm 2015 cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông đô thị hiện đại, đồng bộ.

- Xây dựng thành phố Pleiku thành trung tâm đầu mối giao thông của tỉnh, liên kết với các tỉnh, vùng phụ cận. Mở rộng nâng cấp các trục đường hướng tâm Pleiku và đường vành đai, xây dựng tuyến vành đai phía Đông kéo dài đến Hàm Rồng.

g) Định hướng quy hoạch hệ thống đường huyện: Xây dựng hệ thống đường huyện đến năm 2020 đạt 1.670Km, quy mô tối thiểu cấp V, mặt đường đạt 100% có kết cấu mặt, công trình trên tuyến tải trọng cầu cống HL.93, H30-XB80. Cụ thể:

- Giai đoạn 2011 – 2015: Tổng số đường huyện đạt 1.523Km, đường có kết cấu mặt đạt trên 90%, trong đó: mặt đường nhựa và bê tông xi măng đạt trên 60%, mặt đường cấp phối trên 30%.

- Giai đoạn 2016 – 2020: Tăng tổng số đường huyện đạt 1.670Km, đường có kết cấu mặt đạt 100%, trong đó: mặt đường nhựa và bê tông xi măng đạt khoảng 80%, mặt đường cấp phối đạt khoảng 20%.

h) Định hướng quy hoạch hệ thống đường xã, thôn buôn: Đến năm 2020, tổng số đường xã, thôn buôn đạt 6.732Km. Xây dựng hệ thống đường xã đạt quy mô tối thiểu đường giao thông nông thôn loại A, công trình trên tuyến tải trọng H13-XB60, kết cấu mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng: đến năm 2015 đạt 40%, đến năm 2020 đạt khoảng 60%.

i) Quy hoạch mạng lưới đường chuyên dùng: Đến năm 2020, tổng số Km đường chuyên dùng đạt 1.345Km, đường có kết cấu mặt đạt trên 40%.

3. Quy hoạch sân bay Pleiku: Cải tạo, nâng cấp sân bay đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, đảm bảo phục vụ các loại máy bay A320, A321 hoặc tương đương. Công suất 300.000 hk/năm và 3.000 T hàng hóa/năm.

4. Quy hoạch đường sắt: Nghiên cứu đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên, qua địa phận tỉnh Gia Lai nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên.

5. Quy hoạch phát triển phương tiện vận tải:

- Đến năm 2015: Tổng số phương tiện vận tải hàng hóa đạt 19.956 xe, phương tiện vận tải hành khách đạt trên 5.728 đầu xe, đáp ứng khối lượng vận tải hàng hóa khoảng 13,4 triệu tấn/năm, khối lượng vận chuyển hành khách khoảng 11,17 triệu HK/năm.

- Đến năm 2020: Tổng số phương tiện vận tải hàng hóa đạt trên 44.000 xe, phương tiện vận tải hành khách đạt trên 7.000 đầu xe, đáp ứng khối lượng vận tải hàng hóa đạt 33 triệu tấn/năm, khối lượng vận chuyển hành khách đạt trên 15 triệu HK/năm.

6. Quy hoạch phát triển hệ thống bến xe: Thiết lập mạng lưới vận tải hành khách khoa học, hợp lý, tổ chức điều hành thuận tiện, xác định quỹ đất dành cho bến xe, điểm đỗ. Các bến xe hiện tại giữ nguyên vị trí đồng thời nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu từng giai đoạn, đến 2020 các bến xe tại các thành phố, thị xã đạt tối thiểu bến xe loại 3, các trung tâm huyện đạt tối thiểu loại 4; Phát triển các bến xe mới theo yêu cầu phát triển đô thị, đến năm 2020 đạt tối thiểu 26 bến xe tại trung tâm các huyện, thị xã, riêng thành phố Pleiku có 03 bến xe khách và 01 bến xe bus.

7. Quy hoạch trạm dừng nghỉ trên các quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh:

- Đến năm 2012: Xây dựng 3 vị trí Trạm dừng nghỉ đường bộ trên các Quốc lộ 25, 19, 14 đạt quy mô trạm dừng nghỉ loại trung.

- Đến năm 2020: Xây dựng mạng lưới trạm dừng nghỉ trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch Trạm dừng nghỉ toàn quốc.

8. Tổng kinh phí và phân kỳ đầu tư:

a) Tổng kinh phí: 24.223 tỷ đồng.

- Đường bộ: 23.478 tỷ đồng.

- Cảng hàng không: 745 tỷ đồng.

b) Giai đoạn đầu tư:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 15.650 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 8.573 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Sở giao thông vận tải công bố quy hoạch; Các Sở, Ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cắm mốc quy hoạch, quản lý và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

2. Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở quy hoạch lựa chọn danh mục ưu tiên lập dự án, báo cáo Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

3. Huỷ bỏ các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải đã ban hành trước đây trái với quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 39/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản