ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2010/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 04 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ÐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HÐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ Tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 176/TTr-SNN ngày 15/9/2010,
QUYẾT ÐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và trình tự, thủ tục đầu tư hoạt động sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Ðà Lạt và Bảo Lộc để hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Công thương; Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Ðà Lạt và Bảo Lộc; Giám đốc các Công ty Lâm nghiệp và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ÐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc chung.
1. Tất cả các tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải thực hiện theo quy định này;
Khi xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến hiện có phải đảm bảo yêu cầu công nghệ và có quy mô phù hợp gắn với vùng nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm tinh chế nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm bền vững và hiệu quả.
2. Nguyên tắc cụ thể.
- Chỉ cho mở mới các nhà máy, xưởng chế biến gỗ có quy mô, phù hợp với quy hoạch, sử dụng công nghệ mới gắn với vùng nguyên liệu. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng, liên kết với nông dân để trồng rừng nguyên liệu;
- Nâng cấp các nhà máy, xưởng chế biến hiện có áp dụng công nghệ mới, phù hợp, tiêu hao ít nguyên liệu, năng lượng, có khả năng chế biến thành phẩm hàng hóa tinh cho ra các sản phẩm có giá trị cao; lựa chọn công nghệ khép kín, ít chất thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 2. Phạm vi áp dụng.
Quy chế này áp dụng cho tất cả các trường hợp xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
1. Quy chế này quy định cụ thể những nội dung, trình tự thủ tục, thời gian thực hiện trong lĩnh vực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi xây dựng nhà máy, xưởng chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều thực hiện theo quy chế này và các quy định hiện hành khác của pháp luật về hoạt động chế biến gỗ.
3. Trường hợp các Nhà máy, xưởng chế biến gỗ hoạt động trước khi quy chế này ban hành và phù hợp quy hoạch sẽ được điều chỉnh tại Điều 7 của Quy chế này.
Chương II
NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN
Điều 4. Điều kiện xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước muốn đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh chế biến lâm sản phù hợp theo quy định. Cụ thể:
- Đối với tổ chức: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng cấp. Riêng các doanh nghiệp đầu tư thành lập mới trong khu công nghiệp do Ban quản lý các Khu công nghiệp cấp;
- Đối với cá nhân: do UBND thành phố Đà Lạt, UBND thành phố Bảo Lộc và UBND các huyện (gọi tắt là UBND cấp huyện) cấp.
Điều 5. Thỏa thuận địa điểm để lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ.
Địa điểm được phép xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ là địa điểm phù hợp với qui hoạch và được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận về chủ trương cho phép xây dựng.
1. Đề nghị thỏa thuận địa điểm:
a) Những Nhà máy, xưởng chế biến gỗ đầu tư vào các Khu công nghiệp thì thực hiện theo quy chế quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng và cụm, điểm công nghiệp theo quy chế quản lý của UBND cấp huyện. Sau khi hoàn tất thủ tục để triển khai thực hiện, đơn vị gửi 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh đã được thẩm định cấp phép về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, quản lý theo quy định;
b) Những Nhà máy, xưởng chế biến gỗ đầu tư ngoài các Khu, cụm điểm công nghiệp: hồ sơ đề nghị thỏa thuận địa điểm, lập thành 07 bộ gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 4 của điều này. Căn cứ quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản của tỉnh, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 2 điều này..
2. Thẩm quyền thỏa thuận địa điểm để lập thủ tục xây dựng nhà máy, xưởng hoạt động chế biến gỗ:
a) Uỷ ban nhân dân tỉnh thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy, xưởng hoạt động chế biến gỗ đối với các tổ chức khi đầu tư xây ngoài khu, cụm công nghiệp;
b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện thỏa thuận địa điểm xây dựng xưởng hoạt động chế biến gỗ đối với cá nhân khi đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ ngoài khu, cụm công nghiệp, nhưng thuộc qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
Văn bản thỏa thuận của UBND cấp huyện phải gủi về UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT để theo dõi, chỉ đạo;
c) Đối với dự án do Ban quản lý các Khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư:
Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy chế, quy định của Ban quản lý các Khu công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Hồ sơ đề nghị thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy, xưởng hoạt động chế biến gỗ:
a) Văn bản đề nghị thỏa thuận xây dựng nhà máy, xưởng hoạt động chế biến gỗ thể hiện đầy đủ các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ tổ chức hoặc cá nhân;
- Dự kiến tổng vốn và nguồn vốn;
- Dự kiến quy mô, hình thức đầu tư;
- Địa điểm xây dựng và quy mô sử dụng đất;
- Nhu cầu nguyên liệu và xuất xứ cung cấp nguyên liệu;
- Quy trình công nghệ các loại máy, thiết bị dự kiến lắp đặt để sản xuất sản phẩm chính;
- Các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, PCCC....
b) Các hồ sơ liên quan về tư cách pháp lý của chủ đầu tư (bản sao hợp lệ):
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề đăng ký kinh doanh hoạt động chế biến gỗ;
c) Các loại hồ sơ khác:
Hồ sơ đất kèm theo Bản đồ khu đất sử dụng tỷ lệ 1/2.000 hệ tọa độ VN2000.
4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
- Nhà máy, xưởng chế biến gỗ thuộc thẩm quyền thỏa thuận địa điểm của UBND tỉnh: Hồ sơ nộp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Xưởng chế biến gỗ thuộc thẩm quyền thỏa thuận địa điểm đầu tư của UBND cấp huyện: Hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND cấp huyện nơi có hộ kinh doanh.
5. Thời gian giải quyết: đối với cấp tỉnh không quá 15 ngày làm việc và Đối với cấp huyện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
6. Quy trình giải quyết:
a) Đối với các nhà máy, xưởng chế biến thuộc thẩm quyền chấp thuận địa điểm đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, kiểm tra thực địa hoặc lấy ý kiến các ngành, địa phương có liên quan, lập văn bản trình UBND tỉnh quyết định 10 ngày;
- Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ và trả hồ sơ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 ngày làm việc;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả kết quả cho tổ chức.
b) Đối với các Cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện thỏa thuận địa điểm mở cơ sở sản xuất:
- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp huyện nhận hồ sơ và chuyển Hạt kiểm lâm 01 ngày làm việc;
- Hạt kiểm lâm tổ chức kiểm tra, thẩm định hoặc lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương có liên quan, lập văn bản trình UBND cấp huyện chuyển trả cho bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ 08 ngày làm việc;
- Bộ phận tiếp nhận và trả hồ trả kết quả cho chủ cơ sở sản xuất.
c) Sau khi có văn bản thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy, xưởng chế biến gỗ của UBND tỉnh đối với tổ chức hoặc UBND cấp huyện đối với cá nhân. Trước khi triển khai thực hiện xây dựng nhà máy, xưởng và cơ sở sản xuất chế biến gỗ, các tổ chức, cá nhân phải lập đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng và các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước.
Điều 6. Về nguyên liệu.
1. Các đơn vị đề nghị thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy, xưởng chế biến gỗ phải chủ động nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất chế biến.
2. Hàng năm UBND tỉnh sẽ xem xét, ưu tiên một phần nguyên liệu cho các đơn vị có đầu tư công nghệ mới sản xuất chế biến gỗ tinh chế theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở năng lực chế biến sản phẩm tinh chế của từng đơn vị.
Điều 7. Sắp xếp lại hoạt động chế biến gỗ.
Các xưởng chế biến gỗ đang hoạt động có Giấy phép hoạt động chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp trước khi bãi bỏ theo Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc văn bản chủ trương cho phép xây dựng xưởng chế biến gỗ của UBND tỉnh thì được phép tiếp tục hoạt động trong các điều kiện sau:
1. Đảm bảo về địa điểm, môi trường, công nghệ - thiết bị, cơ cấu sản phẩm và đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng.
2. Trong trường hợp chưa đủ các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyên dùng, thủ tục xây dựng, cam kết môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường nhưng phù hợp quy hoạch thì yêu cầu phải bổ sung hoàn tất các thủ tục nêu trên theo quy định trước ngày 01/01/2011, quá thời hạn quy định mà chưa hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu thì buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh (kể cả gia công cho các đơn vị khác).
3. Trường hợp xưởng chế biến hoạt động đảm bảo về địa điểm phù hợp quy hoạch, môi trường nhưng không đảm bảo tiêu chí về thiết bị công nghệ, không cần thiết phải di dời vào cụm điểm công nghiệp thì phải có cam kết lộ trình cải tạo, nâng cấp thiết bị, công nghệ cụ thể trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 8. Nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương.
- Cơ quan được cấp có thẩm quyền giao chủ trì thẩm định, thẩm tra địa điểm gửi hồ sơ xin ý kiến các ngành, địa phương nêu rõ những nội dung yêu cầu góp ý của từng ngành, địa phương theo tiến độ quy định. Cơ quan được yêu cầu cho ý kiến trả lời bằng văn bản đúng thời gian quy định, quá thời hạn quy định mà không có ý kiến trả lời, cơ quan chủ trì thẩm định, thẩm tra mặc nhiên xem như cơ quan đó đồng ý, cơ quan được hỏi ý kiến phải chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan đến nội dung được hỏi ý kiến theo quy định của pháp luật;
- Các cuộc họp do cơ quan chủ trì thẩm định, thẩm tra tổ chức có mời các ngành, địa phương thì ý kiến của người được cử tham dự về các vấn đề liên quan của ngành, địa phương là ý kiến chính thức của ngành, địa phương đó để cơ quan chủ trì lập văn bản trình xử lý.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định này, có nhiều thành tích trong triển khai đầu tư thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các nội dung tại quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý theo quy định của pháp luật./.
- 1Quyết định 52/2009/QĐ-UBND về kiểm tra về sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Chỉ thị 24/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý kinh doanh và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 3Quyết định 444/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015
- 4Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 5Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2024 thực hiện công tác quản lý hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 1Luật Doanh nghiệp 2005
- 2Quyết định 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 6Quyết định 52/2009/QĐ-UBND về kiểm tra về sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 7Chỉ thị 24/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý kinh doanh và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 8Quyết định 444/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015
- 9Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 10Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2024 thực hiện công tác quản lý hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Quyết định 39/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý và trình tự, thủ tục đầu tư hoạt động sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng
- Số hiệu: 39/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/11/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Huỳnh Đức Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/11/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực