Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DẨN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 39/2006/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 21 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 36/1997/NĐ-CP, ngày 24/4/1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
Căn cứ Nghị định số 175/1994/NĐ-CP, ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định 62/2002/QĐ-BKHCNMT, ngày 09/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành Quy chế bảo vệ môi trường khu công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp, tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2.

1. Quy định này được ban hành để thực hiện việc quản lý, bảo vệ môi trường bên trong và khu vực xung quanh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi nội dung trong Quy định này phải do UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ TNMT, Bộ Tư pháp;
- - Sở TP;
- Lưu: NC, LT.

TM . ỦY BAN NHÂN DÂN
KT . CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Tân

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39/2006/QĐ-UBND ngày 21/8/2006 của UBND tỉnh Sóc Trăng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này được ban hành để thống nhất quản lý về môi trường tại các khu công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường bên trong và xung quanh, bảo đảm phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Các thuật ngữ “Khu công nghiệp”, “Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh”, “Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp”, “Doanh nghiệp khu công nghiệp” được hiểu theo quy định tại Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (ban hành theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 04 năm 1997 của Chính phủ).

Điều 3. Trong quy định này, các thuật ngữ có liên quan được hiểu thống nhất như sau:

1. Bảo vệ môi trường khu công nghiệp: Là hoạt động nhằm giữ cho môi trường bên trong và xung quanh khu công nghiệp được trong sạch, cải thiện môi trường, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do các hoạt động của khu công nghiệp gây ra cho môi trường.

2. Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp: Bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, các công trình công cộng, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, sân bãi, kho tàng, hàng rào, cây xanh, bãi lưu giữ và khu xử lý chất thải rắn (nếu có), hệ thống phòng ngừa và ứng cứu sự cố.

3. Giám sát môi trường: Là hoạt động quan trắc, lấy mẫu và đo đạc các thông số, các chỉ tiêu môi trường nhằm xác định trạng thái môi trường ở từng thời điểm khác nhau và so sánh chúng với các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

4. Tiêu chuẩn môi trường: Là những chuẩn mực, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường.

5. Chất thải: Là chất được loại ra trong sinh hoạt, trong quá trình sản xuất hoặc trong các hoạt động khác. Chất thải có thể ở các dạng rắn, lỏng, khí, hoặc ở các dạng khác.

6. Nước thải bao gồm:

- Nước thải là nước mưa thu gom trên toàn bộ diện tích KCN.

- Nước thải sinh hoạt của CBCNV trong KCN.

- Nước thải công nghiệp (nước thải sản xuất) tạo ra từ các quá trình sản xuất khác nhau của các nhà máy xí nghiệp trong KCN.

7. Chất thải nguy hại: Là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong các khả năng gây nguy hại trực tiếp (khả năng cháy nổ, khả năng gây độc, khả năng ăn mòn kim loại, khả năng lây nhiễm hoặc các khả năng gây nguy hại khác) hoặc gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người khi tiếp xúc với các loại chất thải khác.

8. Ô nhiễm môi trường: Là sự làm thay đổi tính chất của môi trường; vi phạm tiêu chuẩn môi trường.

9. Quản lý chất thải nguy hại: Là các hoạt động kiểm soát chất thải nguy hại trong suốt quá trình từ phát sinh đến thu gom, vận chuyển hoá cảnh, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại.

Điều 4. Quy định này được áp dụng cho tất cả các tổ chức nhà nước, pháp nhân, các nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khoẻ cộng đồng xung quanh do khu công nghiệp gây ra.

Điều 5. Việc tổ chức quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường khu công nghiệp phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam bao gồm từ lúc xem xét cấp giấy phép đầu tư đến xây dựng cơ bản và trong suốt quá trình hoạt động của khu công nghiệp.

Chương II

GIAI ĐOẠN XÉT DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Mục 1: ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Khi xem xét cấp giấy phép đầu tư xây dựng khu công nghiệp, bên cạnh việc xem xét vị trí khu công nghiệp trên cơ sở quy hoạch tổng thể được duyệt của Trung ương, các cơ quan chức năng cần phải xem xét về mối tương quan giữa Khu công nghiệp với các khu vực nhạy cảm về môi trường, các điều kiện khả thi về bảo vệ môi trường và ứng cứu sự cố.

Điều 7. Việc quy hoạch mặt bằng và thiết kế kỹ thuật khu công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây :

1. Phân khu hợp lý các cụm công nghiệp, bảo đảm tính tối ưu về mặt tương tác lẫn nhau cũng như giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường xung quanh.

2. Bảo đảm mạng lưới thoát nước mưa tách riêng với mạng lưới thoát nước thải của Khu công nghiệp bao gồm : nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các bộ phận dịch vụ sửa chữa cơ khí, nước rò rỉ từ các bãi lưu trữ chất thải rắn, nước thải từ các thiết bị hấp thụ hoặc rửa khí theo phương pháp ướt ...

3. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với thiết kế kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm toàn bộ lượng nước thải tập trung của khu công nghiệp trong giai đoạn hoạt động ổn định được xử lý đạt các tiêu chuẩn môi trường cho phép trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận tương ứng.

4. Xây dựng trạm trung chuyển và lưu trữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với thiết kế kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt.

5. Có diện tích dự trữ để mở rộng hoặc xây dựng các công trình xử lý bổ sung trong hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp khi tiêu chuẩn thải được điều chỉnh khắt khe hơn do yêu cầu bảo vệ an toàn chất lượng môi trường nước của nguồn tiếp nhận.

6. Thiết lập hệ thống cây xanh phòng hộ môi trường theo đúng quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt.

7. Có hệ thống ứng cứu sự cố môi trường (cả về phương tiện, kỹ thuật lẫn nhân sự), bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố trong khu công nghiệp.

8. Trong trường hợp có nhu cầu khai thác nước ngầm hoặc nước mặt tại chỗ để cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt trong khu công nghiệp, chủ đầu tư phải lập phương án khai thác và xử lý, trình phương án lên cấp có thẩm quyền để xem xét và cấp giấy phép. Chỉ khi nào được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, chủ đầu tư mới được phép thi công xây dựng, trong quá trình triển khai xây dựng phải tuân thủ đúng phương án đã được duyệt và thực hiện nghĩa vụ đóng lệ phí khai thác tài nguyên theo quy định.

Điều 8. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có nhiệm vụ lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án đầu tư khu công nghiệp của mình theo đúng quy định hiện hành và trình báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường để xét duyệt.

Mục 2: ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 9. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm xem xét, lựa chọn loại dự án đầu tư vào khu công nghiệp thuộc quyền quản lý của mình phù hợp với những ngành nghề đăng ký trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Điều 10. Đối với những dự án đầu tư vào khu công nghiệp mà không nằm trong danh mục ngành nghề đăng ký đã được duyệt, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải làm tờ trình gửi cơ quan thẩm quyền và chỉ chính thức tiếp nhận khi được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền.

Điều 11. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phải được cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải tiến hành đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua Ban Quản lý các khu công nghiệp) và cam kết bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường trong suốt thời gian hoạt động của dự án.

Chương III

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ BẢN

Mục 1: ĐỐI VỚI CÔNG TY PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 12. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp chỉ được phép tiến hành thi công xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sau khi dự án được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 13. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có nhiệm vụ thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê chuẩn.

Điều 14. Việc thi công xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu như đã nêu ở Điều 7.

Điều 15. Trong quá trình thi công xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải chịu sự thanh tra, kiểm tra và giám sát định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nếu vi phạm các quy định hiện hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 2: ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 16. Các doanh nghiệp khu công nghiệp khi xây dựng phải bảo đảm phù hợp với cảnh quan trong khu công nghiệp và tiếp nối thích hợp với hạ tầng hiện có của khu công nghiệp, phải đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nhà máy lân cận về: khí thải, không gian kiến trúc, hướng xả thải..

Điều 17. Các doanh nghiệp khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống nước thải (nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt) riêng biệt và đấu nối đúng theo quy định của khu công nghiệp.

Điều 18. Các doanh nghiệp khu công nghiệp phải bố trí trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy theo quy định của Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Điều 19. Các doanh nghiệp khu công nghiệp khi xây dựng phải bảo đảm các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình chuyên chở vật liệu xây dựng, quá trình thi công và hoàn thiện công trình.

Chương IV

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG KHI KHU CÔNG NGHIỆP ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Mục 1: ĐỐI VỚI CÔNG TY PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 20. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo luận chứng và phương án được duyệt, đồng thời có thể tiếp nhận các dự án xin đầu tư vào khu công nghiệp của mình ngay trong giai đoạn xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Điều 21. Khu công nghiệp chính thức đưa vào hoạt động khi có đủ các điều kiện bảo đảm môi trường sau đây:

1. Đã hoàn chỉnh việc quy hoạch phân khu cụm công nghiệp.

2. Đã có hệ thống cấp nước, cấp điện bảo đảm cho nhu cầu sử dụng theo từng giai đoạn phát triển.

3. Đã xây dựng mạng lưới thoát nước mưa, thoát nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt (gọi chung là nước thải) riêng biệt.

4. Đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung bảo đảm xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải vào nguồn tiếp nhận tương ứng.

5. Đã có địa điểm và các phương tiện cần thiết sẵn sàng cho việc trung chuyển hoặc lưu trữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh và an toàn cho môi trường.

6. Đã có các phương tiện và nhân sự sẵn sàng cho việc ứng cứu các sự cố môi trường.

Điều 22. Trong quá trình phát triển khu công nghiệp, theo tốc độ đầu tư của dự án vào khu công nghiệp, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải tiếp tục hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng về môi trường và phải hoàn tất toàn bộ hệ thống này khi khu công nghiệp đã có 70% diện tích đất quy hoạch được khai thác và sử dụng.

Điều 23. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng nước thải của doanh nghiệp khu công nghiệp. Nước thải của doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ được phép xả vào mạng lưới thoát nước thải chung và nhà máy xử lý nước thải tập trung khi đã xử lý sơ bộ đạt TCVN 5945 – 1995 cột C.

Điều 24 . Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm thu gom toàn bộ nước thải (bao gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt) từ các doanh nghiệp khu công nghiệp vào hệ thống thu gom nước thải, dẫn tới nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp và xử lý đạt TCVN 5945 – 1995 cột B, trước khi thải ra nguồn tiếp nhận tương ứng.

Điều 25. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm thu gom và xử lý toàn bộ nước mưa chảy tràn có khả năng bị nhiễm bẩn khi chảy ngang qua các khu vực có chứa các chất ô nhiễm trên mặt đất (như khu vực bãi chứa rác tập trung của khu công nghiệp, khu vực đặt các bồn chứa nhiên liệu của các nhà máy trong khu công nghiệp, các khu vực bãi đậu xe..) trong phạm vi khu công nghiệp vào mạng lưới thoát nước mưa của khu công nghiệp để tránh các hiện tượng ngập úng và phải xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành trước khi thải ra nguồn tiếp nhận tương ứng.

Điều 26. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn về môi trường đối với toàn bộ chất thải rắn thải ra từ các doanh nghiệp khu công nghiệp. Việc phân loại, lưu trữ tạm thời chất thải rắn tại từng doanh nghiệp khu công nghiệp do chính các doanh nghiệp khu công nghiệp thực hiện theo quy định của khu công nghiệp.

Điều 27. Việc xử lý chất thải rắn của khu công nghiệp có thể tiến hành ngay bên trong hàng rào (nếu khu công nghiệp có đủ điều kiện và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng) nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp.

Điều 28. Các loại chất thải nguy hại sinh ra trong các doanh nghiệp khu công nghiệp phải được thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý bảo đảm đúng kỹ thuật và phù hợp với các quy định hiện hành.

Điều 29. Khi sự cố môi trường xảy ra, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp khẩn trương triển khai các biện pháp ứng cứu khắc phục và báo cáo ngay cho UBND tỉnh. Đồng thời thông báo khẩn cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ và phối hợp giải quyết.

Điều 30. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm quan trắc chất lượng môi trường bên trong và khu vực xung quanh khu công nghiệp theo đúng chương trình quan trắc môi trường mà Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường về vị trí, tầng suất và các chỉ tiêu cần quan trắc; lập báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về kết quả quan trắc môi trường gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

Mục 2: ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 31. Mỗi dự án đầu tư vào khu công nghiệp chỉ được phép chính thức đi vào hoạt động khi các hạng mục công trình xử lý hoặc lưu trữ chất thải (chung hoặc riêng) đã được xây dựng hoàn tất và vận hành thử đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường xác nhận. Đồng thời các hạng mục công trình này phải được vận hành thử đạt yêu cầu theo quy định của khu công nghiệp.

Điều 32. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có nước thải phải thực hiện việc xử lý cục bộ nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn cho phép xả thải theo yêu cầu của khu công nghiệp trước khi xả thải vào hệ thống thu gom nước thải của khu công nghiệp. Nghiêm cấm việc xử lý nước thải bằng phương pháp cho thấm vào đất hoặc pha loãng nước thải để đạt mức tiêu chuẩn cho phép. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chất lượng nước thải của doanh nghiệp khu công nghiệp sau khi xử lý cục bộ cần đạt các giá trị ghi trong phụ lục 1, phụ lục 2. Đối với nước mưa bị nhiễm bẩn phải thực hiện việc xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy định của khu công nghiệp trước khi thải vào hệ thống thu gom nước mưa của khu công nghiệp.

Điều 33. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có hoạt động phát sinh các chất ô nhiễm không khí (khí độc, bụi) phải thực hiện các biện pháp kiểm soát và xử lý cục bộ ngay tại nguồn thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Chất lượng khí thải của các doanh nghiệp khu công nghiệp sau khi xử lý cục bộ cần đạt các giá trị nêu tại phụ lục 3, phụ lục 4, phụ lục 5, phụ lục 6.

Điều 34. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có hoạt động gây ra tiếng ồn, độ rung vượt quá giới hạn cho phép tại khu sản xuất phải có biện pháp chống ồn đạt tiêu chuẩn quy định tại phụ lục 7.

Điều 35. Các doanh nghiệp khu công nghiệp phải xử lý an toàn về mặt môi trường đối với toàn bộ chất thải rắn thải ra từ các doanh nghiệp khu công nghiệp. Trong trường hợp không có thiết bị xử lý thì phải có hợp đồng với Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp hoặc đơn vị chức năng về quản lý chất thải rắn để thu gom và xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh của cơ sở mình (chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn do hai bên thoả thuận theo hợp đồng).

Điều 36. Các doanh nghiệp khu công nghiệp không được đốt chất thải trong khuôn viên nhà máy, không để tồn đọng các loại chất thải trong nhà máy.

Điều 37. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có sản phẩm, tàng trữ và vận chuyển các chất phóng xạ, các nguồn phát xạ ion hoá, các chất thải độc hại, chủng vi sinh vật, các chất dễ cháy nổ phải tuân theo các quy định hiện hành của Việt Nam về quản lý chất phóng xạ, nguồn phát xạ ion hóa, chất thải độc hại, chủng vi sinh vật, chất dễ cháy nổ.

Điều 38. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có các loại chất thải nguy hại sinh ra phải được thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý bảo đảm đúng kỹ thuật và phù hợp theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại (kèm phụ lục số 8).

Chương V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH

Điều 39. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp; bao gồm:

1. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

2. Tổ chức việc xem xét và cấp phiếu xác nhận bảng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định phân cấp và các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, khu tồn trữ và xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại ...

3. Cấp và thu hồi các văn bản có liên quan đến yêu cầu thẩm định đạt tiêu chuẩn môi trường cho các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn của các cơ sở thành viên hoạt động trong khu công nghiệp.

4. Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện việc kiểm tra, thanh tra môi trường khu công nghiệp, xử lý các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong phạm vi và quyền hạn.

5. Quy định thời gian vận hành thử đối với các công trình xử lý chất thải của các doanh nghiệp khu công nghiệp.

6. Hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý các khu công nghiệp giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp theo phạm vi và quyền hạn được giao.

7. Hướng dẫn Ban Quản lý các khu công nghiệp chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động bảo vệ môi trường khu công nghiệp.

8. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách môi trường thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý.

Điều 40. Ban Quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, cụ thể như sau:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp được ban hành trong Quy định này và các quy định khác của nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp.

2. Hướng dẫn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp về trình tự, thủ tục về môi trường khi đăng ký thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với danh mục ngành nghề đã đăng ký của khu công nghiệp.

3. Thực hiện việc giám sát môi trường khu công nghiệp trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và trong quá trình hoạt động của khu công nghiệp.

4. Kết hợp với Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đơn vị có chức năng đo đạc, phân tích môi trường tổ chức khảo sát nghiệm thu môi trường tại nhà máy và hướng dẫn chủ đầu tư lập báo cáo nghiệm thu môi trường để trình Sở Tài nguyên và Môi trường công nhận và cấp văn bản nghiệm thu môi trường cho nhà máy.

5. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm tra, thanh tra môi trường trong phạm vi quản lý theo yêu cầu.

6. Xây dựng quy chế và kiểm soát phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong khu công nghiệp.

7. Giám sát việc quản lý chất thải nguy hại theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/07/1999 của Thủ tướng Chính phủ và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

8. Tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về ô nhiễm môi trường do các hoạt động trong khu công nghiệp gây ra. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết các trường hợp cần thiết.

9. Tham gia các chương trình, dự án về quản lý, bảo vệ môi trường và các lớp huấn luyện nghiệp vụ do tỉnh và Trung ương tổ chức.

10. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách và kế hoạch bảo vệ môi trường khu công nghiệp của Nhà nước cũng như các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường đến cán bộ, công nhân, doanh nghiệp trong khu vực thuộc thẩm quyền quản lý.

11. Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đề xuất và biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tương ứng theo chế độ hiện hành.

Chương VI

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 41. Các doanh nghiệp khu công nghiệp trong quá trình hoạt động nếu thay đổi quy mô, công nghệ sản xuất hoặc công nghệ xử lý chất thải phải báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh xem xét, có ý kiến và kiểm tra bổ sung về môi trường.

Điều 42. Các doanh nghiệp khu công nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng (theo mẫu hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường) về hiện trạng môi trường tại cơ sở mình cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý về các số liệu báo cáo.

Điều 43. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ mỗi năm một lần về hiện trạng môi trường, tình hình công tác bảo vệ môi trường, tình hình tiếp nhận và hoạt động của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp mình với mô tả tóm tắt về ngành nghề kinh doanh, quy mô công suất, tổng lượng và nồng độ các loại chất thải, biện pháp xử lý chất thải cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Điều 44. Nếu có sự cố đột xuất xảy ra đối với doanh nghiệp khu công nghiệp hoặc trong khu công nghiệp thì đơn vị trực tiếp quản lý phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng và Sở Tài nguyên và Môi trường để khẩn trương giải quyết.

Chương VII

CHẾ ĐỘ THANH TRA, KIỂM TRA VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 45. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình thực hiện việc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Điều 46. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Điều 47. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp khu công nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu cần thiết cho các đoàn kiểm tra, thanh tra môi trường làm việc.

Điều 48. Các kết quả thanh tra môi trường được gửi đến các đối tượng được thanh tra để làm cơ sở cho việc khắc phục các vi phạm (nếu có).

Điều 49. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp khu công nghiệp có hoạt động vi phạm Điều lệ quản lý môi trường trong khu công nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các yêu cầu của thanh tra môi trường trong thời gian quy định.

Thời hạn ấn định cho Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp khu công nghiệp vi phạm Điều lệ quản lý môi trường khu công nghiệp thực hiện các yêu cầu trong biên bản xử phạt tối đa là 3 tháng. Nếu hết thời hạn 3 tháng mà các đơn vị này không thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong biên bản xử phạt lần trước sẽ bị lập biên bản đề nghị các cấp thẩm quyền ra quyết định tạm ngừng các hoạt động vi phạm Điều lệ quản lý môi trường khu công nghiệp cho đến khi thực hiện đầy đủ và đúng theo yêu cầu của đoàn thanh tra.

Chương VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 50. Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp khu công nghiệp vi phạm Quy định quản lý môi trường khu công nghiệp và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành sẽ bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 121/CP ngày 12/05/2004 của Chính Phủ và các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

Điều 51. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng về những hành vi vi phạm Quy định quản lý môi trường khu công nghiệp. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp có thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng hiện hành.

Điều 53. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành

  • Số hiệu: 39/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Nguyễn Duy Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản