Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3847/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẢN XUẤT KÊNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH TRONG NƯỚC (KÊNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH FM 96 - THỜI SỰ TỔNG HỢP)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05/4/2016;

Căn cứ Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy Chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Theo đề nghị của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại Công văn số 1230/PTTH ngày 16/9/2022; Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tại Công văn số 2482/STTTT-TTĐT ngày 05/10/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án số 1231/ĐA/PTTH ngày 16/9/2022 về sản xuất kênh chương trình phát thanh trong nước (Kênh chương trình phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp) của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (Đề án kèm theo).

Tên kênh chương trình phát thanh: FM 96 - Thời sự tổng hợp

Biểu tượng của kênh chương trình: FM 96 MHz

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- VPUB: CVP, PCVP P.T.T.Huyền;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ĐÀI PHÁT THANH -TRUYỀN HÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1231/ĐA-PTTH

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2022

 

ĐỀ ÁN

SẢN XUẤT KÊNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH TRONG NƯỚC KÊNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH: FM 96 - THỜI SỰ TỔNG HỢP

Kênh phát thanh FM 96 MHz trước đây, thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây, ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội hợp nhất với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây, từ đó kênh FM 96 MHz trở thành kênh phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Trải qua quá trình hoạt động kênh FM 96 MHz đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi Giấy phép sản xuất kênh như sau:

- Giấy phép số 166/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 18/01/2012.

- Giấy phép số 92/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 09/02/2018.

PHẦN A. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KÊNH CHƯƠNG TRÌNH KỂ TỪ NGÀY ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP

I. Về việc thực hiện quy định của Giấy phép

1. Việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, nội dung hoạt động của kênh:

- Có thể khẳng định, từ khi phát sóng đến nay, kênh FM96 MHz đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động theo Giấy phép đã được cấp, đó là: Thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và của Thành phố; các chương trình giải trí tổng hợp góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

- Kênh FM 96MHz thực sự là kênh thông tin, giải trí tổng hợp cung cấp các thông tin, chương trình khoa học, đời sống, phổ biến kiến thức và giải trí tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của người dân Thành phố và thính giả cả nước.

2. Việc thực hiện quy định về thời gian, thời lượng sản xuất, phát sóng kênh, quy định về nội dung, tỷ lệ các nhóm chuyên mục trong bảng cấu tạo khung chương trình:

- Kênh FM 96 MHz luôn bảo đảm thực hiện đúng, đủ các quy định về thời gian, thời lượng phát sóng chương trình trong ngày, đó là: Thời gian phát sóng Kênh từ 5h00 giờ đến 23h00 hàng ngày, thời lượng phát sóng trong ngày là 18 giờ.

- Kênh FM 96 MHz đã thực hiện đúng, đủ quy định về thời lượng các chương trình tự sản xuất, tự sản xuất phát mới, thời lượng phát lần 1 (phát mới) trong ngày. Cụ thể như sau:

Thời lượng tự sản xuất trung bình trong một ngày: 17 giờ 30 phút (trong đó, thời lượng tự sản xuất phát mới là: 15 giờ 40 phút).

Thời lượng phát lần 1 (phát mới) trong một ngày: 16 giờ 10 phút.

- Kênh FM 96MHz đã bảo đảm thực hiện đúng, đủ số lượng, thời lượng, tỷ lệ các nhóm chuyên mục tại Bảng cấu tạo khung chương trình cơ bản trong Giấy phép đã được cấp, đó là: Tin tức tổng hợp trong ngày, các chuyên đề, chuyên mục phản ánh chuyên sâu các vấn đề văn hóa, đời sống, phổ biến kiến thức..., thời lượng 285 phút/ngày; chương trình giải trí: Âm nhạc, ca khúc Việt Nam, ca nhạc thiếu nhi, quà tặng âm nhạc, văn nghệ trong nước thời lượng 700 phút/ngày; chương trình tiếp sóng: Tiếp sóng chương trình thời sự VOV, thời gian thời lượng 25 phút/ngày; nhạc hiệu, giới thiệu chương trình, quảng cáo thông tin tiêu dùng: 70 phút/ngày.

3. Một số chương trình tiêu biểu, nổi bật trên kênh, được khán giả yêu thích, đã đạt các giải thưởng như:

Chương trình: Hà Nội nghìn năm văn hiến, thời lượng 15 phút, phát sóng trong khung giờ 5h15-5h30 hàng ngày, với nội dung cung cấp các thông tin liên quan danh lam, thắng cảnh của Thủ đô;

Chương trình: Điểm báo ngày, thời lượng 5 phút, phát sóng trong khung giờ 7h30 - 7h35 hàng ngày, với nội dung điểm lại tất cả thông tin nổi bật trên các báo in ra hàng ngày;

Chương trình: Ca khúc hay nhất (Việt Nam và Quốc tế), thời lượng 40 phút, phát sóng khung giờ 11h00-11h40 hàng ngày, với nội dung cung cấp các bài; đang được nhiều người yêu thích nhất đang hiện hành trong nước và quốc tế.

Chương trình: Thông tin giá cả thị trường, thời lượng 5 phút, phát sóng khung giờ 7h30-7h35 hàng ngày, với nội dung cung cấp đầy đủ thông tin, giá cả hàng hóa trên thị trường Hà Nội; thông tin các chương trình khuyến mãi đang diễn ra ở một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

4. Từ khi phát sóng chương trình Kênh FM 96 MHz đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội luôn bảo đảm thực hiện đúng, đủ các quy định về tôn chỉ, mục đích, nội dung và tiêu chí hoạt động của Kênh theo đúng Giấy phép sản xuất Kênh đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và các quy định của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo và các quy định của pháp luật có liên quan. Không để sai sót, vi phạm về các nội dung thông tin đã phát sóng trên Kênh, những năm qua, Đài không bị cơ quan chủ quản (Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhắc nhở, xử lý.

II. Việc tổ chức sản xuất và quản lý kênh chương trình

1. Việc bố trí bộ máy tổ chức sản xuất và quản lý nội dung kênh

1.1. Về việc bố trí, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị

Để thực hiện sản xuất, phát sóng kênh chương trình, Tổng Giám đốc Đài giao nhiệm vụ cho:

- Ban biên tập chương trình Phát thanh chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung phát sóng; khai thác, trao đổi chương trình; tổ chức sản xuất nội dung chương trình; kiểm tra, biên tập, sắp xếp các chương trình, bố trí khung lịch phát sóng; giám sát nội dung các chương trình phát sóng trên kênh.

- Phòng Kỹ thuật Phát thanh: Dựng hậu kỳ hoàn chỉnh các chương trình theo kế hoạch sản xuất chương trình của kênh. Đảm bảo kỹ thuật cho việc sản xuất, truyền dẫn, lưu trữ các chương trình của kênh.

- Phòng Kỹ thuật Truyền dẫn Phát sóng: Thực hiện kỹ thuật tổng khống chế; giám sát tín hiệu chương trình của kênh tới các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.

1.2. Về việc phân công cán bộ trực tiếp phụ trách hoạt động của kênh chương trình:

- Tổng Giám đốc Đài là người chịu trách nhiệm chung về nội dung kênh:

Từ khi được cấp phép ngày 09/02/2018 đến hết tháng 8/2021: ông Tô Quang Phán - Tổng Giám đốc Đài (giai đoạn 2016-2021).

Từ tháng 9/2021 đến hết tháng 2/2022: bà Lê Thị Ánh Mai - Phó Tổng Giám đốc Đài (phụ trách Đài giai đoạn 9/2021 - 02/2022).

Từ tháng 3/2022 đến nay: ông Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc Đài (theo Quyết định bổ nhiệm số 816/QĐ-UBND ngày 01/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội).

- Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Đài được Tổng Giám đốc ủy quyền phụ trách Kênh FM 96MHz, giúp Tổng Giám đốc Đài duyệt chương trình, chỉ đạo điều hành hoạt động và kiểm duyệt các chương trình phát sóng hằng ngày trên Kênh.

- Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung; tổ chức sản xuất, biên tập, sắp xếp chương trình, bố trí khung/lịch/giờ phát sóng; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu, báo cáo đánh giá tình hình, kết quả phát sóng các chương trình phát sóng trên kênh.

- Trưởng các Phòng kỹ thuật phát thanh, Phòng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng cử nhân sự của Phòng phối hợp thực hiện việc sản xuất, phát sóng các chương trình trên kênh theo kế hoạch.

2. Việc xây dựng kế hoạch phát sóng trên Kênh

Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng khung chương trình hàng năm của kênh, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh trình Tổng Giám đốc phê duyệt.

Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kế hoạch tổng thể về nội dung, giờ phát sóng,...cụ thể hàng tuần, tháng, năm các chương trình trên Kênh làm cơ sở để sản xuất, khai thác, trao đổi, mua bản quyền các chương trình để phát sóng trên Kênh.

3. Duyệt kế hoạch phát sóng hàng tháng, hàng ngày trên Kênh

Tổng Giám đốc phê duyệt khung chương trình phát sóng hàng năm trên kênh.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh là người trực tiếp duyệt kế hoạch phát sóng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trên kênh trên cơ sở kế hoạch phát sóng, khung chương trình phát sóng năm đã được Tổng Giám đốc phê duyệt.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt kế hoạch, chuyển kế hoạch cho Ban Biên tập chương Phát thanh và Lãnh đạo Ban có trách nhiệm theo dõi đôn đốc phóng viên, biên tập viên việc thực hiện các chương trình theo kế hoạch.

4. Triển khai kế hoạch đã được phê duyệt

Kênh FM 96 có 02 nguồn chương trình, gồm:

(1) Các chương trình do Đài tự sản xuất;

(2) các chương trình khai thác, mua bản quyền.

Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung đối với các nguồn chương trình đó như sau:

4.1. Đối với các chương trình Đài tự sản xuất

a) Chương trình thu trước, phát sóng sau:

- Theo kế hoạch đã được duyệt, Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh giao việc sản xuất từng chương trình, chuyên đề cụ thể cho các phóng viên, biên tập viên của Ban thực hiện. Phóng viên phụ trách lĩnh vực xây dựng kịch bản nội dung chương trình, chuyển kịch bản cho Trưởng Ban thẩm định, chỉnh sửa (nếu cần) và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh phê duyệt.

- Căn cứ kịch bản được duyệt, phóng viên được giao sản xuất chương trình tổ chức dựng kỹ thuật hậu kỳ và lưu file hoàn chỉnh.

- Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt các chương trình thành phẩm do phóng viên, biên tập viên thực hiện. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt tất cả các bản tin, chương trình, chuyên mục phát trên kênh.

- Biên tập viên kênh lập lịch phát sóng chuyển Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh ký và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh phê duyệt lịch phát sóng hàng ngày.

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh giao file và lịch phát sóng cho Phòng Kỹ thuật Phát thanh.

b) Chương trình phát sóng trực tiếp:

Có 02 loại chương trình phát sóng trực tiếp:

- Một là: phát sóng chương trình do Đài tự sản xuất:

Biên tập viên Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kịch bản nội dung chương trình, Trưởng Ban duyệt nội dung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh tổng duyệt nội dung, kíp sản xuất gồm phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên thực hiện phát sóng trực tiếp;

Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh phân công Ekip gồm Phóng viên, thư ký, đạo diễn, biên tập phối hợp cùng Phòng Kỹ thuật Phát thanh thực hiện chương trình trực tiếp theo các khung giờ trong ngày.

Phóng viên sản xuất tin bài, phóng sự, tọa đàm cho chương trình. Biên tập viên lên kịch bản dẫn trực tiếp. Thư ký chuẩn bị các file cho chương trình, trình lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt kịch bản.

Phóng viên, Biên tập viên, Phát thanh viên, Kỹ thuật viên, Thư ký, Đạo diễn có mặt tại Phòng thu âm để thực hiện sản xuất và phát sóng trực tiếp chương trình theo kịch bản và khung giờ đã được lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban Biên tập chương trình Phát thanh duyệt.

- Hai là: phát sóng trực tiếp chương trình do chỉ đạo của Thành phố - Thời lượng phát sóng theo sự kiện, mỗi năm có 1 đến 2 sự kiện về phiên họp Hội đồng của UBND Thành phố, không phát lại.

Đài nhận văn bản chỉ đạo của Thành phố (với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của Thành phố).

Tổng Giám đốc Đài giao cho Ban Biên tập chương trình Phát thanh việc xây dựng kịch bản, sắp xếp lịch phát sóng trực tiếp và chủ trì thực hiện, bố trí biên tập viên trực phát sóng chương trình.

Kịch bản chương trình được Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh thẩm định, chỉ đạo điều chỉnh thông qua và trình Tổng Giám đốc Đài phê duyệt;

Ban biên tập chương trình Phát thanh được giao chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kịch bản chi tiết, khảo sát địa điểm và khuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc truyền hình trực tiếp.

Trước khi thực hiện 01 ngày tổ chức tổng duyệt, đánh giá lần cuối với thành phần dự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh; Ban biên tập chương trình Phát thanh và đại diện các đơn vị liên quan. Đối với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của Thành phố khi tổng duyệt có lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và đại diện các sở, ban, ngành liên quan cùng dự.

Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh nhận kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình để phân công cho Biên tập viên bố trí lịch phát sóng của Kênh đồng thời trực theo dõi, giám sát chương trình phát thanh trực tiếp.

Phòng Kỹ thuật Phát thanh bố trí máy, thuê đường truyền, cử kỹ thuật viên phụ trách, phối hợp lên kế hoạch tường thuật trực tiếp chương trình.

Phóng viên, Biên tập viên, Phát thanh viên có mặt tại sự kiện để thực hiện tường thuật trực tiếp sự kiện và làm tin bài phản ánh. Kỹ thuật viên mang hệ thống máy móc lên nơi diễn ra sự kiện để lắp đặt. Ekip đạo diễn, phát thanh viên và kỹ thuật viên ở tại Đài được phân công trực đón sóng.

Toàn bộ ekip thực hiện tường thuật tiếp theo kịch bản đã được lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban Biên tập chương trình Phát thanh duyệt.

Sau khi thực hiện xong, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh và Ban biên tập chương trình Phát thanh họp rút kinh nghiệm và báo cáo Tổng Giám đốc Đài.

4.2. Chương trình khai thác, mua bản quyền

a) Đối với các chương trình tiếp sóng trực tiếp từ các Đài khác:

Tiếp sóng chương trình thời sự theo khung giờ cố định hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV từ 6h00 - 6h30’.

Căn cứ khung giờ tiếp sóng chương trình đã được duyệt, Biên tập viên, kỹ thuật viên trực nhận thông số kỹ thuật từ Đài VOV, tiếp sóng chương trình theo quy định.

b) Đối với các chương trình mua bản quyền:

- Căn cứ kế hoạch phát sóng của Kênh, Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kế hoạch, lập danh mục các chương trình cần mua bản quyền.

- Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh thẩm định, chỉ đạo điều chỉnh thông qua và trình Tổng Giám đốc Đài phê duyệt chủ trương mua bản quyền;

- Trung tâm Quảng cáo và và Dịch vụ căn cứ kế hoạch, thương thảo, thiết lập hợp đồng và thực hiện các thủ tục mua chương trình thông qua đối tác là các công ty quảng cáo, công ty truyền thông có chức năng mua bán, cung cấp bản quyền các chương trình.

- Ban biên tập chương trình Phát thanh tiếp nhận, giao biên tập viên kiểm tra lại để bảo đảm chương trình đúng với nội dung đề xuất và các quy định có liên quan.

- Căn cứ kế hoạch phát sóng, biên tập viên Ban Biên tập chương trình Phát thanh sắp xếp chương trình vào List phát sóng hằng ngày chuyển Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh ký lịch và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt lịch phát sóng;

c) Đối với các chương trình khai thác của kênh FM 90 MHz và các chương trình phát lại của kênh FM 96 MHz

- Các chương trình chính luận và giải trí theo tiêu chí kênh FM 96 MHz được lựa chọn để phát lại phục vụ khán giả, tăng hiệu quả tuyên truyền đã được xây dựng theo khung cố định;

- Các Biên tập viên của Ban được phân công theo từng chuyên mục sẽ theo dõi cập nhật sau khi đã phát sóng trên kênh FM 90 MHz và làm kế hoạch phát lại trình Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh phê duyệt;

- Sau khi được phê duyệt, biên tập viên sẽ làm phiếu yêu cầu sử dụng lại file đã phát sóng có chữ ký của Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh gửi Phòng Tư liệu để lấy file cần sử dụng;

- Sau khi lấy về, các file sẽ được biên tập lại cho phù hợp với tiêu chí kênh và trình Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt lại;

- Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt thành phẩm và yêu cầu chỉnh sửa nếu chưa đạt yêu cầu về nội dung và yêu cầu chỉnh sửa nếu chưa đạt yêu cầu;

- Sau khi chương trình đã được duyệt, biên tập chuyển chương trình cho bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, đảm bảo file phát sóng không bị lỗi kỹ thuật, sau đó làm giấy đăng ký phát sóng (theo mẫu thống nhất cho tất cả các tiết mục) cố chữ ký phê duyệt của Ban biên tập chương trình Phát thanh, Kỹ thuật viên và bàn giao lại cho biên tập viên;

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh sẽ đưa vào danh sách phát sóng hàng ngày trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt lịch phát sóng hằng ngày;

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh bàn giao file phát sóng hằng ngày cho Phòng Kỹ thuật Phát thanh để phát sóng.

5. Chế độ lưu trữ, lưu chiểu

Tất cả các chương trình phát thanh của Kênh phát thanh FM96MHz sau khi phát sóng đều được ghi lưu trên Sever lưu trữ của Đài với thời gian tối thiểu là 30 ngày.

6. Chế độ báo cáo

- Báo cáo định kỳ hàng tuần, tháng, năm theo kế hoạch và quy định.

- Báo cáo sau mỗi chương trình phát sóng trực tiếp hoặc tiếp sóng.

- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu hoặc có vấn đề cần chỉ đạo của Tổng Giám đốc.

(Lưu đồ Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung phát sóng trên kênh FM 96MHz được thể hiện chi tiết tại Phụ lục số 1 đính kèm theo Đề án này).

III. Về phương thức cung cấp, loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình, các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kênh chương trình

1. Phương thức cung cấp, loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình

Kênh phát thanh FM 96 MHz được cung cấp theo 02 phương thức quảng bá và trả tiền; Cung cấp trên Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet.

2. Về việc truyền dẫn phát sóng trên các hạ tầng: Kênh phát thanh FM 96 MHz được truyền dẫn phát sóng trên tần số 96 MHz tại Hà Nội theo Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện số 323949/GP ngày 22/01/2021 của Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông và được phát sóng tại Cột Ăng- ten cao 252m ở Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Tổ 3, đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

IV. Đánh giá về hiệu quả tác động của kênh

1. Hiệu quả về mặt xã hội:

- Thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thành phố: Kênh phát thanh FM96MHZ đã phát sóng nhiều chương trình, chuyên đề, chuyên mục phản ánh đầy đủ, kịp thời các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố, các vấn đề lớn của Thành phố, các vấn đề xã hội quan tâm và bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin-Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT-TT Hà Nội; Thực hiện tuyên truyền đầy đủ và hiệu quả các sự kiện, vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước. Mọi thông tin đều đảm bảo đúng định hướng chính trị, thể hiện rõ đường lối của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của nhân dân...

- Một số chương trình hay và nổi bật trên kênh có tác động tích cực với XH, được người xem đánh giá cao như: Chương trình: Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Điểm báo ngày”, “Thông tin giá cả thị trường”, “Ca khúc hay nhất (Việt Nam và Quốc tế)”...

- Độ phủ sóng, mức độ tiếp cận người nghe của kênh: Kênh phát thanh FM96 MHz được phủ sóng toàn thành phố Hà Nội và các vùng lân cận. Ước tính tiếp cận khoảng 1 triệu thính giả ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Nhìn chung kênh đã góp phần thực hiện được mục tiêu nâng cấp nội dung chương trình, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.

2. Hiệu quả về mặt kinh tế:

Doanh thu và chi phí của kênh phát thanh FM 96 MHz trong một số năm gần đây như sau:

Doanh thu

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Tổng thu

9.388.000.000

7.297.000.000

5.938.000.000

- Ngân sách TP đặt hàng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền

0

0

4.233.000.000

- Thu từ hoạt động dịch vụ, quảng cáo

1.534.000.000

937.000.000

1.000.000.000

- Thu từ hoạt động tài chính

2.000.000

3.000.000

5.000.000

- Thu từ hoạt động khác (từ các hoạt động thông tin, tuyên truyền khác theo quy định của pháp luật)

7.852.000.000

6.357.000.000

700.000.000

Chi phí điện, chi phí thuê đường truyền internet

788.000.000

750.000.000

500.000.000

Chi tự sản xuất chương trình (các chương trình định kỳ)

3.942.000.000

3.064.000.000

2.468.000.000

Chi mua bản quyền và các nội dung khác

4.658.000.000

3.483.000.000

2.970.000.000

Nhìn chung doanh thu đủ bù đắp chi phí trên kênh. Mặc dù không mang lại khoản dư nào cho Đài trong giai đoạn 2019-2022 nhưng bù lại, hoạt động của Kênh FM 96MHz đã đạt hiệu quả rất tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và thành phố Hà Nội đến người dân đã được lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố luôn biểu dương và đánh giá cao; đảm bảo cung cấp các chương trình giải trí tổng hợp góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của người dân; đảm bảo việc chi trả tiền lương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, viên chức, người lao động của Đài.

Với Đề án mới, cách làm mới, format chương trình mới hứa hẹn sẽ hấp dẫn khán giả hơn, thu hút doanh nghiệp quảng cáo và tạo nguồn thu cho Đài trong giai đoạn mới, đồng thời sẽ tăng hiệu quả tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Thành phố đến với người dân.

V. Đánh giá ưu điểm - hạn chế của hoạt động sản xuất phát sóng kênh trong thời gian qua; giải pháp khắc phục

1. Ưu điểm:

- Có thể khẳng định các chương trình đã phát sóng trên kênh trong thời gian qua đã đảm bảo đúng yêu cầu về thời lượng, thể loại, chất lượng nội dung, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp tiêu chí của kênh là thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thông tin giải trí tổng hợp và đã được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đánh giá cao;

- Các chương trình trên kênh đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của thính giả, mang lại hiệu ứng tốt, sức lan tỏa rộng rãi đến thính giả;

- Đáp ứng số đông các đối tượng công chúng, thính giả ở các độ tuổi, tâm lý, nghề nghiệp khác nhau; nội dung phong phú, chất lượng sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu; tạo điều kiện cho công chúng có nhiều cơ hội lựa chọn những chương trình phù hợp với thị hiếu;

- Độ phủ sóng rộng rãi trên toàn thành phố Hà Nội và các vùng lân cận;.

- Kênh đã thực hiện tốt việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Thành phố, có nguồn thu từ chương trình đặt hàng của Thành phố; thu hút các doanh nghiệp quảng cáo, mang lại nguồn thu cho Đài, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động…

2. Hạn chế

- Chưa có nhiều các chương trình giải trí, tương tác với thính giả; chương trình giải trí cần luôn đổi mới để hấp dẫn hơn.

- Chưa khai thác các chương trình trên ứng dụng Internet.

- Những năm qua, số khách hàng đăng ký quảng cáo và sử dụng các dịch vụ trên kênh còn hạn chế; Doanh thu dịch vụ, quảng cáo của kênh không cao.

3. Giải pháp, khắc phục

- Về khắc phục hạn chế để có nhiều các chương trình giải trí hay trên kênh: Trong giai đoạn 2022-2025, Đài thực hiện xây dựng khung chương trình mới, trong đó tăng cường các nội dung giải trí theo hướng hiện đại; các chương trình hướng dẫn kỹ năng thiết thực, sản xuất nhiều chương trình tương tác với thính giả. Đặc biệt là đẩy mạnh việc khai thác, trao đổi, mua bản quyền các chương trình.

- Để bảo đảm kênh hoạt động, Đài sẽ tăng cường, tập trung sản xuất các chương trình đạt chất lượng cao, hay, hấp dẫn, thu hút, đáp ứng số đông các đối tượng công chúng, thính giả ở các độ tuổi, tâm lý, nghề nghiệp, thuộc các vùng miền khác nhau.

- Tăng cường đưa các chương trình lên mạng Internet.

PHẦN B. ĐỀ XUẤT VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐƯỢC CẤP PHÉP SẢN XUẤT KÊNH

I. Mục đích và sự cần thiết tiếp tục thực hiện Đề án sản xuất kênh phát thanh FM 96MHz

1. Duy trì kênh FM 96 MHz để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền của Đài được giao, đó là:

- Thông tin thời sự tổng hợp: Thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền nhân dân thành phố Hà Nội.

- Thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương và những vấn đề quan trọng của đất nước.

- Cung cấp các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, âm nhạc, giải trí cho khán thính giả góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong Thành phố.

2. Duy trì kênh FM 96 MHz thực sự cần thiết đối với nhu cầu của Đài, cụ thể như sau:

- Tiếp tục sử dụng có hiệu quả số người, năng lực, trình độ của đội ngũ lao động.

- Khẳng định năng lực sản xuất, khai thác, quản lý hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, phát sóng kênh.

- Hứa hẹn tạo thêm nguồn thu cho Đài với chiến lược sản xuất, phát sóng trong giai đoạn mới (nguồn thu từ việc quảng cáo, trao đổi bản quyền, đặt hàng của Thành phố, sở, ngành...

- Tăng thêm và duy trì thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động của Đài tham gia sản xuất, phát sóng kênh.

3. Duy trì kênh FM 96 MHz thực sự cần thiết đối với nhu cầu xã hội; đáp ứng nhu cầu của thính giả, thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và của Thành phố; các chương trình giải trí tổng hợp góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Kênh FM 96 cũng đã thực sự là kênh thông tin, giải trí tổng hợp cung cấp các thông tin, các chương trình khoa học thường thức và giải trí tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của người dân Thành phố, các vùng lân cận, những người quan tâm tới Hà Nội.

II. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

Luật báo chí năm 2016;

Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Thông tư 19/2016/TT-BTTTT quy định các biểu mẫu tờ khai đăng ký, đơn đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy phép và báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 17 tháng 12 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Giấy phép số 92/GP-BTTTT, ngày 09/02/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Định hướng, chiến lược phát triển của Đài: Xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trở thành tổ hợp truyền thông hiện đại của Thủ đô với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; tiềm lực tài chính vững mạnh; mô hình quản trị chuyên nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng; nâng cao chất lượng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị (Đề án đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 18/04/2019). Trong đó có 2 kênh truyền hình H1, H2, 2 kênh phát thanh FM 90 MHz, FM 96 MHz phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của Thành phố; Trang thông tin điện tử (www.Hanoitv.vn). Xây dựng tòa soạn hội tụ nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả nội dung để truyền tải thông tin, tuyên truyền trên các loại hình khác nhau. Đẩy mạnh ứng dụng trên Internet, trên tảng truyền thông số.

III. Nội dung Đề án sản xuất kênh chương trình

1. Tên, biểu tượng, tôn chỉ, mục đích, nội dung, thời gian, thời lượng, ngôn ngữ thể hiện, đối tượng phục vụ

1.1. Tên kênh chương trình: Có sự thay đổi so với giấy phép đã cấp, cụ thể:

- Theo Giấy phép đã được cấp: FM 96 MHz

- Đề nghị điều chỉnh thành: FM 96 - Thời sự tổng hợp

- Lý do điều chỉnh:

Thay đổi tên gọi kênh để tạo sự đổi mới, thu hút sự quan tâm của thính giả Thủ đô và thính giả trên cả nước.

Thêm cụm từ “Thời sự tổng hợp” vào tên kênh chương trình để khẳng định: cùng với kênh phát thanh FM 90 MHz, kênh FM 96 MHz cũng sẽ là kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội có 2 kênh truyền hình và 2 kênh phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu - Phụ lục số 6). Từ đó, nâng cao hiệu quả của việc thông tin, tuyên truyền, khẳng định vị thế của Đài PTTH Hà Nội đồng thời để các kênh phát thanh, truyền hình của Đài luôn là tiếng nói tin cậy của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, là kênh thông tin giải trí, hấp dẫn của khán, thính giả cả nước.

1.2. Biểu tượng (logo): Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là: FM 96 MHz.

1.3. Tôn chỉ, mục đích kênh chương trình: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là:

Thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và của Thành phố.

Cung cấp các chương trình khoa học, đời sống, phổ biến kiến thức, giải trí, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố Hà Nội.

1.4. Ngôn ngữ thể hiện: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là: Tiếng Việt

1.5. Đối tượng phục vụ: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là: Nhân dân thành phố Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

1.6. Thời gian phát sóng/ngày: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là: Từ 5h00 đến 23h00.

1.7. Thời lượng phát sóng: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là: 18 giờ/ngày.

1.8. Về thời lượng tự sản xuất trung bình trong một ngày: Có sự thay đổi so với giấy phép đã cấp, cụ thể:

- Theo Giấy phép được cấp: 17 giờ 30 phút

Phát lần 1 (phát mới) theo Giấy phép đã cấp: 15 giờ 40 phút

Phát lại theo Giấy phép đã cấp: 1 giờ 50 phút.

- Đề nghị điều chỉnh xuống còn: 8 giờ 45 phút

Phát lần 1 (phát mới): 7 giờ 50 phút

Phát lại: 55 phút

Như vậy, giảm thời lượng tự sản xuất từ 17 giờ 30 phút xuống còn 8 giờ 45 phút, tức là giảm đi 8 giờ 45 phút/ngày so với Giấy phép đã cấp. Trong đó, thời lượng tự sản xuất phát mới giảm đi 7 giờ 50 phút; thời lượng tự sản xuất phát lại giảm đi 55 phút.

Lý do điều chỉnh:

- Giai đoạn trước đây, Kênh FM 96MHz dành nhiều thời lượng tự sản xuất để sản xuất các chương trình ca nhạc, ca khúc cách mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chương trình này không còn nhiều sức hấp dẫn, không thu hút được sự quan tâm của thính giả cả nước. Vì vậy, đề nghị cắt giảm thời lượng các chương trình ca nhạc tự sản xuất để nhường thời lượng phát sóng cho các chương trình khai thác có nội dung nổi bật về thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội ... nhằm thu hút và phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin cập nhật về mọi mặt đời sống của thính giả. Mặt khác, giảm thời lượng tự sản xuất nhưng đầu tư sâu hơn về nội dung, tập trung sản xuất các chương trình có chất lượng nội dung tốt nhằm thu hút đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng và thu hút thêm nguồn thu từ các nhà tài trợ.

- Năng lực tài chính, kỹ thuật, nhân sự để thực hiện sự thay đổi thời lượng tự sản xuất:

Về tài chính: không phát sinh thêm chi phí do giảm thời lượng tự sản xuất, tăng thời lượng chương trình khai thác trên kênh FM 90 MHz của Đài.

Về kỹ thuật: không phát sinh tăng hoặc giảm thiết bị do hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

Về nhân sự: vẫn sử dụng nhân sự đã tham gia làm các chương trình trước đây của Ban biên tập chương trình phát thanh để tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình, đảm bảo chất lượng nội dung của từng chương trình và có chất lượng cao hơn.

- Các chuyên mục, chương trình tự sản xuất đề nghị cắt giảm thời lượng và thay đổi nội dung, tên gọi:

STT

Tên chuyên mục/chương trình

Thời lượng (phút)

Khung giờ PS

1.

Nhạc dạo - Nhạc hiệu (PL)

5

5h00-5h05

2.

Chào ngày mới

10

5h05-5h15

3.

Hà Nội nghìn năm Văn hiến

15

5h15-5h30

4.

Ca khúc Việt Nam

30

5h30-6h00

5.

Tiếp sóng VOV

25

6h00-6h25

6.

Giới thiệu chương trình Dự báo thời tiết

10

6h25-6h35

7.

Âm nhạc

55

6h35-7h30

8.

TT giá cả thị trường

5

7h30-7h35

9.

Điểm báo ngày

5

7h35-7h40

10.

Thông tin tổng hợp

10

7h40-7h50

11.

Quà tặng âm nhạc

50

7h50-8h40

12.

Thông tin tổng hợp

20

8h40-9h00

13.

Văn hóa giải trí

40

9h00-9h40

14.

Thông tin tổng hợp

20

9h40-10h00

15.

Hoà nhịp âm nhạc quốc tế

40

10h00-10h40

16.

Thông tin tổng hợp

20

10h40-11h00

17.

Ca khúc hay nhất (Việt nam - Quốc tế)

40

11h00-11h40

18.

Thông tin tổng hợp

20

11h40-12h00

19.

Ca khúc nhạc trẻ

40

12h00-12h40

20.

Thông tin tổng hợp

20

12h40-13h00

21.

Nhạc không lời

40

13h00-13h40

22.

Hà Nội những góc nhìn

20

13h40-14h00

23.

Thông tin ngoại thành

20

14h00-14h20

24.

Ca khúc hay nhất

(Việt nam - Quốc tế) (PL 11h00)

40

14h20-15h00

25.

Thông tin tổng hợp (PL 11h40)

20

15h00-15h20

26.

Giới thiệu ca khúc mới

40

15h20-16h00

27.

Thông tin tổng hợp

20

16h00-16h20

28.

Tác giả tác phẩm âm nhạc

40

16h20-17h00

29.

Thông tin tổng hợp

20

17h00-17h20

30.

Thời sự âm nhạc

40

17h20-18h00

31.

Thông tin tổng hợp

20

18h00-18h20

32.

Thực đơn âm nhạc

40

18h20-19h00

33.

Thông tin tổng hợp

20

19h00-19h20

34.

Những ca khúc đi cùng năm tháng

40

19h20-20h00

35.

Thông tin tổng hợp

20

20h00-20h20

36.

Hoà nhịp âm nhạc quốc tế (PL 10h)

40

20h20-21h00

37.

Thông tin tổng hợp

20

21h00-21h20

38.

Âm nhạc về khuya

40

21h20-22h00

39.

Âm nhạc và cảm xúc

50

22h00-22h50

40.

Giới thiệu chương trình ngày hôm sau và dự báo thời tiết

10

22h50-23h00

- Các chuyên mục, chương trình được phát sóng đề xuất thay đổi tên gọi, thay đổi thời lượng sản xuất:

STT

Tên chuyên mục/CT

Nguồn chương trình

Thời lượng

Khung giờ PS

Kinh phí, nguồn kinh phí

Nhân lực

Kỹ thuật

1.

Ca khúc VN

Khai thác biên tập

25

5h00-5h30

- Kinh phí: 100.000đ/CT

- Nguồn thu sự nghiệp

01 BTV; 01 KTV

Sử dụng hệ thống kỹ thuật chung của phòng Kỹ thuật Phát thanh.

2.

Gỡ rối cho bạn

Khai thác FM 90

30

5h30-6h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

3.

Thời sự VOV

Tiếp sóng VOV

30 (tăng 5’)

6h00-6h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

4.

Chuyển động Hà Nội sáng

Tự sản xuất

55

6h30-7h30

Kinh phí: 700.000đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

01 Đạo diễn; 01 Thư kí; 01 PV; 01 KTV; 02 MC

Như trên

5.

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Tự sản xuất

30

7h30-8h00

Kinh phí: 500.000đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

01 Thư kí; 01 BTV; 01 KTV; 01 MC

Như trên

6.

FM du lịch

FM90

50

8h00-9h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

7.

Hành trang trẻ

FM 90

25

9h00-9h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

8.

Sức khoẻ trên hết

FM90

30

9h30-10h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

9.

Chuyển động Hà Nội trưa

Tự sản xuất

110

10h00-12h00

Kinh phí: 1.218.00đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

01 Đạo diễn; 01 Thư kí; 01 PV;01 KTV; 04 MC

Như trên

10.

Tình yêu Hà Nội

FM 90

50

12h00-13h

Không mất phí

01 KTV

Như trên

11.

Sắc màu cuộc sống

FM 90

30

13h00-13h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

12.

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

FM 96 (PL sáng 7h30)

30

13h30-14h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

13.

Cuộc sống xanh

FM90

30

14h00-14h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

14.

Văn nghệ thiếu nhi

Tự sản xuất

30

14h30-15h00

Kinh phí: 1.000.000đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

01 PV; 01 PTV; 02 KTV

Như trên

15.

Thị trường tiêu dùng

FM90

30

15h00-15h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

16.

Gia đình và xã hội

FM 90

30

15h30-16h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

17.

Chuyển động HN chiều

Tự sản xuất

110

16h00-18h00

Kinh phí: 1.398.000đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

01 Đạo diễn; 01 Thư kí; 01 PV; 02 KTV; 04 MC

Như trên

18.

FM Du lịch

FM 90 (PL sáng 8h-9h)

50

18h00-19h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

19.

Tình yêu Hà Nội

FM 90 (PL 12h-13h)

50

19h00-20h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

20.

Ca khúc Việt Nam

FM96 (PL sáng 5h-5h30)

25

20h00-20h30

Không mất phí

01 KTV

Như trên

21.

Những tấm lòng nhân ái

FM90

30

20h30-21h00

Không mất phí

01 KTV

Như trên

22.

Âm nhạc toả sáng

Tự sản xuất

30

21h00-21h30

Kinh phí: 500.000đ/CT Nguồn thu sự nghiệp

02 MC; 01 BTV; 01 KTV

Như trên

23.

Tình khúc Việt Nam

Tự sản xuất

30

21h30 - 22h00

Kinh phí: 500.000đ/CT Nguồn thu sự nghiệp

02 MC; 01 BTV; 01 KTV

Như trên

24.

Sân khấu truyền thanh

Tự sản xuất

50

22h00 - 23h00

Kinh phí: 600.000 đ/CT; Nguồn thu sự nghiệp

2-3 BTV (diễn xuất); 02 KTV

Như trên

1.9. Thời lượng chương trình phát lần 1 (phát mới) trong một ngày: Có thay đổi so với Giấy phép đã cấp, cụ thể là:

- Theo Giấy phép đã được cấp: 16 giờ 10 phút

- Đề nghị điều chỉnh thành: 13 giờ 50 phút => giảm 2 giờ 20 phút so với Giấy phép được cấp.

Như vậy, thời lượng chương trình phát mới được đề nghị giảm 2 giờ 20 phút so với Giấy phép đã được cấp.

Lý do điều chỉnh: Do các chương trình khai thác từ kênh phát thanh FM90 MHz có nội dung hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của công chứng nên đã tăng thời lượng phát lại các chương trình khai thác như chương trình FM Du lịch; Tình yêu Hà Nội.

1.10. Đề nghị điều chỉnh, sửa đổi cấu tạo chương trình cơ bản:

Sau một thời gian vận hành kênh, Đài PTTH Hà Nội nhận thấy cần thiết phải có sự điều chỉnh nội dung để kênh ngày càng hấp dẫn hơn, đặc biệt là việc kết cấu lại khung lịch phát sóng kênh chương trình để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu và lứa tuổi của thính giả. Cụ thể về sự thay đổi các nhóm nội dung tại bảng cấu tạo khung chương trình cơ bản như sau:

* Chương trình thông tin tổng hợp:

- Theo giấy phép đã cấp: Tin tức tổng hợp, phản ánh chuyên sâu các vấn đề văn hóa, xã hội, khoa giáo, phổ biến kiến thức...: 285 phút/ngày, chiếm 26,39% trong tổng thời lượng phát sóng.

- Đề nghị điều chỉnh tăng lên: 710 phút/ngày, chiếm 65,74% trong tổng thời lượng phát sóng.

=> Tăng 425 phút/ngày, tương đương tăng 39,35% trên tổng thời lượng phát sóng so với Giấy phép đã cấp.

- Lý do điều chỉnh: Việc điều chỉnh tăng thời lượng khá lớn (425 phút/ngày) chuyên mục thông tin tổng hợp nhằm tăng cường các tin tức tổng hợp, phản ánh chuyên sâu các vấn đề kinh tế chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước; Tăng các chương trình phát sóng trực tiếp có nội dung thông tin tổng hợp nhằm cung cấp thông tin cho thính giả nhanh hơn, kịp thời hơn, giúp tăng sự tương tác với thính giả để chương trình hấp dẫn hơn.

- Kinh phí: Trong nguồn thu sự nghiệp của Đài.

- Các chuyên mục, chương trình thông tin tổng hợp được tăng thời lượng: Tập trung thay đổi một số chương trình từ của khung cũ từ 6h30 đến 7h30 bằng chương trình “chuyển động Hà Nội sáng”; 10h đến 11h bằng chương trình “Chuyển động Hà Nội trưa”; 16h đến 18h bằng chương trình “Chuyển động Hà Nội chiều”; các chương trình nhằm tăng thêm thời lượng thông tin diễn ra trong ngày của Lãnh đạo Thành phố, các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội đang diễn ra.

Nội dung cụ thể của từng tên chương trình, thời lượng, khung phát sóng của phần chương trình Thông tin tổng hợp được nêu tại mục 1.11 của đề án.

* Chương trình giải trí:

- Theo giấy phép: Âm nhạc; quà tặng âm nhạc; ca nhạc trong nước, quốc tế, giới thiệu ca khúc mới; tác giả, tác phẩm âm nhạc; văn nghệ giải trí: 700 phút/ ngày, chiếm 64,82% tổng thời lượng phát sóng,

- Đề nghị điều chỉnh giảm thời lượng chương trình xuống: 250 phút/ngày, chiếm 23,15% trong tổng thời lượng phát sóng.

=> Giảm 450 phút/ ngày, tương đương giảm 41.67% trên tổng thời lượng phát sóng so với Giấy phép đã cấp.

- Diễn giải: Giảm chương trình giải trí: để tăng thời lượng phát tin tức tổng hợp và các chuyên đề chuyên mục phản ánh chuyên sâu các vấn đề chính luận, văn hóa, xã hội, khoa học, đời sống, phổ biến kiến thức... để phù hợp với tôn chỉ, mục đích đang được Đài đề nghị bổ sung.

Nội dung cụ thể của từng tên chương trình, thời lượng, khung phát sóng của phần chương trình Giải trí được nêu tại mục 1.11 của đề án.

* Tiếp sóng:

Tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV):

- Thời lượng theo Giấy phép đã cấp: 25 phút/ ngày, chiếm 2,3% tổng thời lượng phát sóng.

- Đề nghị điều chỉnh tăng thời lượng tiếp sóng chương trình thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam lên thành 30 phút/ngày, chiếm 2,78% tổng thời lượng phát sóng trên kênh.

=> Tăng 5 phút/ ngày, tương đương tăng 0,46% trên tổng thời lượng phát sóng so với Giấy phép đã cấp.

- Lý do: Do chương trình thời sự tại khung giờ tiếp sóng của VOV thay đổi.

* Quảng cáo:

- Theo Giấy phép đã cấp: 70 phút/ ngày.

- Đề nghị điều chỉnh tăng lên thành: 90 phút/ ngày.

Như vậy, chuyên mục Quảng cáo tăng 20 phút/ ngày.

- Lý do điều chỉnh: Các chương trình mới được đề xuất đưa vào phát sóng trên Kênh trong giai đoạn mới là những chương trình được đánh giá là hấp dẫn hơn, được đầu tư kỹ lưỡng hơn về nội dung, hứa hẹn thu hút đông đảo thính giả nghe đài, kể cả các chương trình tự sản xuất mới và các chương trình khai thác, mua bản quyền; đồng nghĩa với việc hứa hẹn sẽ thu hút thêm khách hàng quảng cáo trên kênh, kêu gọi thêm các nguồn tài trợ... Do đó, thời lượng các chuyên mục quảng cáo phát đan xen trong các chương trình cũng cần tăng lên.

Với những đề xuất thay đổi như trên, cấu tạo khung chương trình cơ bản của kênh đề nghị được điều chỉnh lại như sau:

Số thứ tự

Tên chuyên mục/loại chương trình

Nội dung

Thời lượng (phút)

Tỷ lệ % trong tổng thời lượng phát sóng

Trung bình/ngày

Trong 1 tháng

Trung bình/ngày

Trong 1 tháng

1

Thông tin tổng hợp

Tin tức tổng hợp; Phản ánh chuyên sâu các vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội, khoa giáo, phổ biến kiến thức...; thông tin tiêu dùng; các câu chuyện về tấm lòng nhân ái.

710

21.300

65,7%

65,7%

2

Chương trình giải trí

Âm nhạc; quà tặng âm nhạc; ca nhạc trong nước, quốc tế, giới thiệu ca khúc mới; tác giả, tác phẩm âm nhạc; văn hóa giải trí...

250

7.500

23,2%

23,2%

3

Tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam

Tiếp sóng thời sự kênh VOV Đài Tiếng nói Việt Nam

30

900

2,8%

2,8%

4

Quảng cáo; giới thiệu CT

Thông tin tiêu dùng; giới thiệu chương trình của Đài

90

2.700

8,3%

8,3%

Tổng cộng

 

1.080

32.400

100

100

1.11. Nội dung kênh chương trình của kênh như sau:

a. Thông tin tổng hợp

(1) Chương trình Chuyển động Hà Nội (sáng, trưa, chiều)

Nội dung:

Hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Thành phố;

Chương trình thời sự tổng hợp bao gồm các thông tin nổi bật trong ngày của Thủ đô và đất nước;

Các vấn đề nóng, được xã hội quan tâm (tập trung vào các vấn đề dân sinh)...; Vấn đề thị trường, giá cả, thông tin quảng bá, hướng dẫn, cảnh báo tiêu dùng...;

Thời lượng: Sáng 55 phút; Trưa 110 phút; Chiều 110 phút;

Khung giờ phát sóng: Sáng 6h30 - 7h30; Trưa 10h - 11h; Chiều 16h -18h.

Nguồn: Phóng viên, biên tập viên của Đài đi làm cộng tác tại cuộc họp, cơ sở,...

(2) Chương trình Những tấm lòng nhân ái

- Nội dung

Câu chuyện về những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội

Những hoàn cảnh khó khăn của Thủ đô và cả nước.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 20h30 - 21h00;

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(3) Chương trình FM Du lịch

- Nội dung:

Giới thiệu Danh lam thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực Thủ đô, đất nước và thế giới.

Những thông tin về giá vé, cung đường di chuyển đến những địa điểm danh lam thắng cảnh, văn hóa ẩm thực. Thời lượng: 50 phút.

- Khung giờ phát sóng: Phát mới: 8h-9h00; phát lại: 18h00 - 19h00;

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(4) Chương trình Sức khoẻ trên hết.

- Nội dung:

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe hiện nay, những phương pháp điều trị tiên tiến, những cơ hội cho người bệnh.

Bàn luận, tư vấn về lĩnh vực nam khoa, phụ khoa, sức khoẻ sinh lý, tâm sinh lý và những vấn đề tế nhị khó nói.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 9h30 - 10h;

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(5) Chương trình Hành trang trẻ

- Nội dung:

Hoạt động của tổ chức Đoàn và Đoàn viên thanh niên tại Thủ đô;

Chương trình dành cho các bạn trẻ trong xây dựng lối sống lành mạnh

Gương những Đoàn viên thanh niên vượt khó của Thủ đô

- Thời lượng: 25 phút

- Khung giờ phát sóng: 9h30 - 10h;

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(6) Chương trình Cuộc sống xanh

- Nội dung:

Để môi trường trong sạch thì phải làm gì? Giữ gìn môi trường.

Tuyên truyền sử dụng đồ tái chế và hạn chế sử dụng đồ nhựa.

Giảm khí thải,...

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 14h00 - 14h30;

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(7) Chương trình Tình yêu Hà Nội

- Nội dung:

Chương trình cung cấp các vấn đề về Hà Nội liên quan văn hóa, ẩm thực, con người Hà Nội xưa và nay.

Những câu chuyện đời sống văn hóa của người Hà Nội.

Phản ánh và lan tỏa những nét đẹp xưa và nay của cong người và mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến,

- Thời lượng: 50 phút

- Khung giờ phát sóng: phát mới:12h00 - 13h00; phát lại: 19h-20h.

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(8) Chương trình Sắc màu cuộc sống

- Nội dung:

Chương trình cung cấp thông tin về chăm sóc sắc đẹp cho phái nữ.

Thông tin về ẩm thực dành cho phái nữ.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 13h-13h30

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(9) Chương trình Thị trường tiêu dùng

- Nội dung:

Cung cấp các thông tin về tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô;

Thông tin khuyến mãi về các sản phẩm tiêu dùng áp dụng trong ngày.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 15h -15h30

- Nguồn: Biên tập viên cập nhật thông qua thông tin trên báo chí, trong các siêu thị, qua các nguồn tin tự khai thác khác.

(10) Chương trình Gỡ rối cho bạn

- Nội dung:

Hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, ứng phó với các tình huống bất ngờ theo cách đơn giản....

Những vấn đề liên quan đến các kỹ năng sống trong cuộc sống hàng ngày

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sống: 5h30 - 6h00

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

(11) Chương trình Gia đình và xã hội

- Nội dung:

Những vấn đề liên quan đến đời sống gia đình và tác động của xã hội đến gia đình hiện nay.

Một số tình huống đặt ra đối với cuộc sống gia đình hàng ngày.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 15h30 - 16h00

- Nguồn: Khai thác từ kênh FM 90 MHz.

b. Chương trình Giải trí

(1) Chương trình Ca khúc Việt Nam

- Nội dung: Cung cấp các ca khúc được yêu thích của Việt Nam; biên tập theo chủ đề.

- Thời lượng: 25 phút.

- Khung giờ phát sóng: 5h-5h30; phát lại: 20h00-20h30.

- Nguồn: Mua bản quyền các bài hát và biên tập lại theo chủ đề.

(2) Chương trình Âm nhạc dành cho bạn trẻ

- Nội dung: Cung cấp bài hát đang thịnh hành của giới trẻ, có giới thiệu về tác giả ca khúc, Ca sỹ thể hiện bài hát.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 7h30-8h (phát mới); phát lại: 13h30-14h00.

- Nguồn: Mua bản quyền âm nhạc và khai thác thông tin từ báo, mạng xã hội về tác giả, ca sỹ.

(3) Chương trình Văn nghệ thiếu nhi

- Nội dung: Chương trình giải trí dành cho thiếu nhi; đồng thời hướng các em tới những hoạt động lành mạnh nhằm phát triển trí, thể, mỹ.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 14h30-15h00

- Nguồn: Biên tập viên tổ chức sản xuất tại phòng thu âm cùng với các cháu thiếu nhi.

(4) Chương trình Âm nhạc Toả sáng

- Nội dung: Cung cấp những thông tin về bài hát, ca sỹ đang được nhiều người yêu thích; xếp hạng các bài hát theo tuần.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 21h00-21h30

- Nguồn: Các bài hát được mua bản quyền, tổ chức sản xuất bổ sung thông tin, giới thiệu về Ca sỹ, nhạc sỹ,...

(5) Chương trình Tình khúc Việt Nam

- Nội dung: Cung cấp những tình khúc bất hủ của Việt Nam; những bình luận của các nhà phê bình; đánh giá của công chúng.

- Thời lượng: 30 phút

- Khung giờ phát sóng: 21h30-22h00

- Nguồn: Mời các chuyên gia, các nhà phê bình đánh giá, phân tích từng bài hát.

(6) Chương trình Sân khấu truyền thanh

- Nội dung: Cung cấp những câu chuyện được thể hiện qua các giọng đọc truyền cảm; thể hiện sinh động những câu chuyện trong cuộc sống đã và đang xảy ra.

- Thời lượng: 50 phút

- Khung giờ phát sóng: 22h00-23h00

- Nguồn: Dàn dựng và biên kịch từ những câu chuyện đã và đang xảy ra trong cuộc sống.

c. Chương trình Tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam

Nội dung: Tiếp sóng chương trình thời sự kênh VOV Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thời lượng: 30 phút.

Khung giờ phát sóng: 6h-6h30

Nguồn: Tiếp sóng chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam

d. Quảng cáo, giới thiệu chương trình: Quảng cáo hàng hóa tiêu dùng, thiết bị y tế, phòng khám chữa bệnh, thực phẩm chức năng; giới thiệu chương trình hàng ngày. Nội dung quảng cáo, thời lượng quảng cáo tuân thủ theo Luật Quảng cáo và các quy định khác của pháp luật (phát vào các chương trình, chuyên mục theo khung CT).

1.12. Khung chương trình

(Chi tiết tại Phụ lục số 2 đính kèm theo Đề án này).

2. Năng lực sản xuất kênh chương trình

2.1. Nhân sự sản xuất, kiểm duyệt, phát sóng Kênh:

Việc phân công cán bộ trực tiếp phụ trách và các bộ phận thực hiện kênh:

- Tổng Giám đốc Đài (Ông Nguyễn Kim Khiêm) chịu trách nhiệm chung về hoạt động của kênh FM 96 - Thời sự tổng hợp (FM 96).

- 01 Phó Giám đốc Đài (Ông Nguyễn Tiến Dũng) được phân công trực tiếp phụ trách, chỉ đạo điều hành hoạt động và kiểm duyệt các chương trình phát sóng trên Kênh.

- Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung; tổ chức cho phóng viên của Ban sản xuất, biên tập, sắp xếp chương trình, bố trí khung/lịch/giờ phát sóng; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu, báo cáo đánh giá tình hình, kết quả phát sóng các chương trình phát sóng trên Kênh.

- Trưởng các Phòng kỹ thuật phát thanh, Phòng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng cử nhân sự của Phòng phối hợp thực hiện việc sản xuất, phát sóng các chương trình trên kênh theo kế hoạch.

- Các bộ phận được giao thực hiện kênh FM 96 - Thời sự tổng hợp bao gồm: Ban Biên tập chương trình Phát thanh; Phòng Kỹ thuật Phát thanh; Phòng Truyền dẫn - phát sóng. Nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận như sau:

Ban Biên tập chương trình Phát thanh phụ trách kênh Phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp: Xây dựng kế hoạch, nội dung phát sóng; sản xuất, khai thác, trao đổi chương trình; kiểm tra, biên tập, sắp xếp, bố trí khung lịch phát sóng; giám sát nội dung các chương trình phát sóng trên kênh.

Phòng kỹ thuật Phát thanh: Dựng hậu kỳ hoàn chỉnh các chương trình theo kế hoạch sản xuất chương trình của Kênh. Đảm bảo kỹ thuật cho việc sản xuất, truyền dẫn - Tổng khống chế, lưu trữ các chương trình của kênh.

Phòng Truyền dẫn - Phát sóng: Thực hiện phát sóng quảng bá, giám sát tín hiệu chương trình của kênh tới các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.

- Đội ngũ nhân sự trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình tổ chức các hoạt động sản xuất, phát sóng các chương trình của kênh gồm 51 lao động (Có danh sách nhân sự kèm theo Đề án - Phụ lục số 4)

2.2. Cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện có và đang phục vụ việc sản xuất, phát sóng các chương trình của kênh FM 96 - Thời sự tổng hợp:

- Hệ thống thiết bị kỹ thuật được đầu tư và đang sử dụng chung cho việc sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng 2 kênh FM 90 MHz và FM 96 - Thời sự tổng hợp.

- Địa điểm đặt phòng tổng khống chế cung cấp tín hiệu kênh chương trình hoàn chỉnh cho các đơn vị sử dụng kênh chương trình, tại trụ sở của Đài: Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng Đài PTTH Hà Nội, Tổ 3, đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội với hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh truyền dẫn phát sóng.

- Hệ thống kỹ thuật sản xuất chương trình của Đài PTTH Hà Nội với dây chuyền sản xuất đồng bộ bao gồm cả tiền kỳ, hậu kỳ đảm bảo chất lượng toàn diện các chương trình phát sóng.

Hạng mục cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật:

STT

Tên thiết bị

Đơn vị

Số lượng

1

Bàn trộn

Chiếc

01

2

Loa

Chiếc

06

3

Máy tính Dalet

Bộ

04

4

Máy tính đọc USB

Bộ

02

5

Bộ chia tai nghe

Chiếc

02

6

Mic

Chiếc

01

7

Tai nghe

Chiếc

01

8

Máy DAT

Chiếc

03

9

Card US232

Chiếc

01

10

Bàn trộn YAMAHA

Chiếc

01

11

Mic điện dung

Chiếc

03

12

Máy tính tin bài

Bộ

01

13

Card US232

Chiếc

01

14

Bàn trộn Sound

Chiếc

01

15

Màn máy tính rời

Chiếc

02

16

Loa máy tính

Bộ

01

17

Bộ chia DA

Chiếc

01

18

Hệ thống máy phát sóng FM 96MHz

Hệ thống

01

2.3. Năng lực tài chính:

- Tổng tài sản của Đài từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư đến thời điểm hiện tại:

Tài sản cố định hữu hình: 723.931.497.100đ

Tài sản cố định vô hình (quyền sử dụng đất): 115.274.423.000đ

Kinh phí phát sóng kênh chương trình phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp của Đài PT-TH Hà Nội từ nguồn kinh phí đặt hàng của Thành phố hàng năm và từ nguồn thu khác của Đài.

- Số liệu kinh phí đầu tư ban đầu cho kênh chương trình: Không hạch toán riêng.

- Dự kiến thu, chi sản xuất kênh FM 96 - Thời sự tổng hợp một số năm như sau:

Nội dung và chỉ tiêu thu

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng thu

4.678.000.000

5.006.000.000

5.257.000.000

5.732.000.000

Ngân sách TP đặt hàng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền

2.854.000.000

3.054.000.000

3.268.000.000

3.496.000.000

Thu từ hoạt động dịch vụ, quảng cáo

1.070.000.000

1.145.000.000

1.125.000.000

1.311.000.000

Thu từ hoạt động tài chính

5.000.000

6.000.000

6.000.000

7.000.000

Thu từ hoạt động khác

749.000.000

801.000.000

858.000.000

918.000.000

Chi phí điện, chi phí thuê đường truyền internet

535.000.000

573.000.000

613.000.000

656.000.000

Chi tự sản xuất chương trình (các chương trình định kỳ)

2.265.000.000

2.470.000.000

2.608.000.000

2.755.000.000

Chi mua bản quyền và các nội dung khác (lương, điện, nước)

1.878.000.000

1.963.000.000

2.036.000.000

2.321.000.000

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cam kết trong việc bảo đảm khai thác, bố trí nguồn kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động kênh khi được cấp phép và chịu trách nhiệm về cam kết này.

3. Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung kênh

3.1. Sơ đồ (lưu đồ) minh họa quy trình tổ chức sản xuất, kiểm duyệt và quản lý nội dung các chương trình phát sóng trên Kênh.

(Lưu đồ chi tiết trình bày tại Phụ lục số 1 đính kèm theo Đề án này).

3.2. Mô tả sơ đồ quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung Kênh

3.2.1. Việc bố trí bộ máy tổ chức sản xuất và quản lý nội dung kênh

a) Về việc bố trí, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị:

Để thực hiện sản xuất, phát sóng kênh chương trình, Tổng Giám đốc Đài giao nhiệm vụ cho:

- Ban biên tập chương trình Phát thanh chủ trì xây dựng kế hoạch, nội dung phát sóng; khai thác, trao đổi chương trình; tổ chức sản xuất nội dung chương trình kiểm tra, biên tập, sắp xếp các chương trình, bố trí khung lịch phát sóng; giám sát nội dung các chương trình phát sóng trên kênh.

- Phòng Kỹ thuật Phát thanh: Dựng hậu kỳ hoàn chỉnh các chương trình theo kế hoạch sản xuất chương trình của kênh. Đảm bảo kỹ thuật cho việc sản xuất, truyền dẫn, lưu trữ các chương trình của kênh.

- Phòng Kỹ thuật Truyền dẫn Phát sóng: Thực hiện kỹ thuật tổng khống chế, giám sát tín hiệu chương trình của kênh tới các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.

b) Về việc phân công cán bộ trực tiếp phụ trách hoạt động của kênh chương trình:

- Ông Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc Đài là người chịu trách nhiệm chung về nội dung kênh.

- Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc là người trực tiếp duyệt chương trình, chỉ đạo điều hành hoạt động và kiểm duyệt các chương trình phát sóng hàng ngày trên Kênh, (theo Quyết định ủy quyền số 298/QĐ-PTTH ngày 04/4/2022 của Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội - Phụ lục số 10 kèm theo Đề án này).

- Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung; tổ chức sản xuất, biên tập, sắp xếp chương trình, bố trí khung/lịch/giờ phát sóng; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu, báo cáo đánh giá tình hình, kết quả phát sóng các chương trình phát sóng trên kênh.

- Trưởng các Phòng kỹ thuật phát thanh, Phòng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng cử nhân sự của Phòng phối hợp thực hiện việc sản xuất, phát sóng các chương trình trên kênh theo kế hoạch.

3.2.2. Việc xây dựng kế hoạch phát sóng hàng tháng trên Kênh

Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng khung chương trình hàng năm của kênh, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh trình Tổng Giám đốc phê duyệt.

Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kế hoạch tổng thể về nội dung, giờ phát sóng,...cụ thể hàng tuần, tháng, năm các chương trình trên Kênh làm cơ sở để sản xuất, khai thác, trao đổi, mua bản quyền các chương trình để phát sóng trên Kênh.

3.2.3. Duyệt kế hoạch phát sóng hàng tháng, hàng ngày trên Kênh

Tổng Giám đốc phê duyệt khung chương trình phát sóng hàng năm trên kênh.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh là người trực tiếp duyệt kế hoạch phát sóng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trên kênh trên cơ sở kế hoạch phát sóng, khung chương trình phát sóng năm đã được Tổng Giám đốc phê duyệt.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt kế hoạch, chuyển kế hoạch cho Ban Biên tập chương Phát thanh và Lãnh đạo Ban có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc phóng viên, biên tập viên việc thực hiện các chương trình theo kế hoạch.

3.2.4. Triển khai kế hoạch đã được phê duyệt:

Kênh FM 96 có 02 nguồn chương trình, gồm:

(1) Các chương trình do Đài tự sản xuất;

(2) các chương trình khai thác, mua bản quyền.

Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung đối với các nguồn chương trình đó như sau:

3.2.4.1. Đối với các chương trình Đài tự sản xuất:

a) Chương trình thu trước, phát sóng sau:

- Theo kế hoạch đã được duyệt, Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh giao việc sản xuất từng chương trình, chuyên đề cụ thể cho các phóng viên, biện tập viên của Ban thực hiện. Phóng viên phụ trách lĩnh vực xây dựng kịch bản nội dung chương trình, chuyển kịch bản cho Trưởng Ban thẩm định, chỉnh sửa (nếu cần) và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh phê duyệt.

- Căn cứ kịch bản được duyệt, phóng viên được giao sản xuất chương tnnh tổ chức dựng kỹ thuật hậu kỳ và lưu file hoàn chỉnh.

- Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt các chương trình thành phẩm do phóng viên, biên tập viên thực hiện. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt tất cả các bản tin, chương trình, chuyên mục phát trên kênh.

- Biên tập viên kênh lập lịch phát sóng chuyển Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh ký và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh phê duyệt lịch phát sóng hàng ngày.

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh giao file và lịch phát sóng cho Phòng Kỹ thuật Phát thanh.

b) Chương trình phát sóng trực tiếp:

Có 02 loại chương trình phát sóng trực tiếp:

- Một là: phát sóng chương trình do Đài tự sản xuất:

Biên tập viên Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kịch bản nội dung chương trình, Trưởng Ban duyệt nội dung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh tổng duyệt nội dung, kíp sản xuất gồm phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên thực hiện phát sóng trực tiếp;

Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh phân công Ekip gồm Phóng viên, thư ký, đạo diễn, biên tập phối hợp cùng Phòng Kỹ thuật Phát thanh thực hiện chương trình trực tiếp theo các khung giờ trong ngày.

Phóng viên sản xuất tin bài, phóng sự, tọa đàm cho chương trình. Biên tập viên lên kịch bản dẫn trực tiếp. Thư ký chuẩn bị các file cho chương trình trình lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt kịch bản.

Phóng viên, Biên tập viên, Phát thanh viên, Kỹ thuật viên, Thư ký, Đạo diễn có mặt tại Phòng thu âm để thực hiện sản xuất và phát sóng trực tiếp chương trình theo kịch bản và khung giờ đã được lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban Biên tập chương trình Phát thanh duyệt.

- Hai là: phát sóng trực tiếp chương trình do chỉ đạo của Thành phố - Thời lượng phát sóng theo sự kiện, mỗi năm có 1 đến 2 sự kiện về phiên họp Hội đồng của UBND Thành phố, không phát lại.

Đài nhận văn bản chỉ đạo của Thành phố (với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của Thành phố).

Tổng Giám đốc Đài giao cho Ban Biên tập chương trình Phát thanh việc xây dựng kịch bản, sắp xếp lịch phát sóng trực tiếp và chủ trì thực hiện, bố trí biên tập viên trực phát sóng chương trình.

Kịch bản chương trình được Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh thẩm định, chỉ đạo điều chỉnh thông qua và trình Tổng Giám đốc Đài phê duyệt;

Ban biên tập chương trình Phát thanh được giao chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kịch bản chi tiết, khảo sát địa điểm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc truyền hình trực tiếp.

Trước khi thực hiện 01 ngày tổ chức tổng duyệt, đánh giá lần cuối với thành phần dự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh; Ban biên tập chương trình Phát thanh và đại diện các đơn vị liên quan. Đối với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của Thành phố khi tổng duyệt có lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và đại diện các sở, ban, ngành liên quan cùng dự.

Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh nhận kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình để phân công cho Biên tập viên bố trí lịch phát sóng của Kênn đồng thời trực theo dõi, giám sát chương trình phát thanh trực tiếp.

Phòng Kỹ thuật Phát thanh bố trí máy, thuê đường truyền, cử kỹ thuật viện phụ trách, phối hợp lên kế hoạch tường thuật trực tiếp chương trình.

Phóng viên, Biên tập viên, Phát thanh viên có mặt tại sự kiện để thực hiện tường thuật trực tiếp sự kiện và làm tin bài phản ánh. Kỹ thuật viên mang hệ thống máy móc lên nơi diễn ra sự kiện để lắp đặt. Ekip đạo diễn, phát thanh viên và kỹ thuật viên ở tại Đài được phân công trực đón sóng.

Toàn bộ ekip thực hiện tường thuật tiếp theo kịch bản đã được lãnh đạo Đài và Lãnh đạo Ban Biên tập chương trình Phát thanh duyệt.

Sau khi thực hiện xong, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh và Ban biên tập chương trình Phát thanh họp rút kinh nghiệm và báo cáo Tổng Giám đốc Đài.

3.2.4.2. Chương trình khai thác, mua bản quyền

a) Đối với các chương trình tiếp sóng trực tiếp từ các Đài khác:

Tiếp sóng chương trình theo sự theo khung giờ cố định hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV từ 6h00 - 6h30;

Căn cứ khung giờ tiếp sóng chương trình đã được duyệt, Biên tập viên, kỹ thuật viên trực nhận thông số kỹ thuật từ Đài VOV, tiếp sóng chương trình theo quy định.

b) Đối với các chương trình mua bản quyền:

- Căn cứ kế hoạch phát sóng của Kênh, Ban biên tập chương trình Phát thanh xây dựng kế hoạch, lập danh mục các chương trình cần mua bản quyền.

- Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh thẩm định, chỉ đạo điều chỉnh thông qua và trình Tổng Giám đốc Đài phê duyệt chủ trương mua bản quyền;

- Trung tâm Quảng cáo và và Dịch vụ căn cứ kế hoạch, thương thảo, thiết lập hợp đồng và thực hiện các thủ tục mua chương trình thông qua đối tác là các công ty quảng cáo, công ty truyền thông có chức năng mua bán, cung cấp bản quyền các chương trình.

- Ban biên tập chương trình Phát thanh tiếp nhận, giao biên tập viên kiểm tra lại để bảo đảm chương trình đúng với nội dung đề xuất và các quy định có liên quan.

- Căn cứ kế hoạch phát sóng, biên tập viên Ban Biên tập chương trình Phát thanh sắp xếp chương trình vào List phát sóng hằng ngày chuyển Trưởng Ban biên tập chương trình Phát thanh ký lịch và trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt lịch phát sóng;

c) Đối với các chương trình khai thác của kênh FM 90 MHz và các chương trình phát lại của kênh FM 96 MHz:

- Các chương trình chính luận và giải trí theo tiêu chí kênh FM 96 MHz được lựa chọn để phát lại phục vụ khán giả, tăng hiệu quả tuyên truyền đã được xây dựng theo khung cố định;

- Các Biên tập viên của Ban được phân công theo từng chuyên mục sẽ theo dõi cập nhật sau khi đã phát sóng trên kênh FM 90 MHz và làm kế hoạch phát lại trình Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh phê duyệt;

- Sau khi được phê duyệt, biên tập viên sẽ làm phiếu yêu cầu sử dụng lại file đã phát sóng có chữ ký của Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh gửi Phòng Tư liệu để lấy file cần sử dụng;

- Sau khi lấy về, các file sẽ được biên tập lại cho phù hợp với tiêu chí kênh và trình Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt lại;

- Lãnh đạo Ban biên tập chương trình Phát thanh duyệt thành phẩm và yêu cầu chỉnh sửa nếu chưa đạt yêu cầu về nội dung và yêu cầu chỉnh sửa nếu chưa đạt yêu cầu;

- Sau khi chương trình đã được duyệt, biên tập chuyển chương trình cho bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, đảm bảo file phát sóng không bị lỗi kỹ thuật, sau đó làm giấy đăng ký phát sóng (theo mẫu thống nhất cho tất cả các tiết mục) có chữ ký phê duyệt của Ban biên tập chương trình Phát thanh, Kỹ thuật viên và bàn giao lại cho biên tập viên;

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh sẽ đưa vào danh sách phát sóng hàng ngày trình Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kênh duyệt lịch phát sóng hằng ngày;

- Biên tập viên của Ban biên tập chương trình Phát thanh bàn giao file phát sóng hằng ngày cho Phòng Kỹ thuật Phát thanh để phát sóng.

3.2.5. Chế độ lưu trữ; lưu chiểu

Tất cả các chương trình phát thanh của Kênh phát thanh FM96MHz sau khi phát sóng đều được ghi lưu trên Sever lưu trữ của Đài với thời gian tối thiểu là 30 ngày.

3.2.6. Chế độ báo cáo

- Báo cáo định kỳ hàng tuần, tháng, năm theo kế hoạch và quy định.

- Báo cáo sau mỗi chương trình phát sóng trực tiếp hoặc tiếp sóng.

- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu hoặc có vấn đề cần chỉ đạo của Tổng Giám đốc.

4. Địa điểm sản xuất kênh chương trình: Không thay đổi so với Giấy phép đã cấp, cụ thể là:

- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, số 3-5 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

5. Địa điểm đặt phòng Tổng khống chế cung cấp tín hiệu kênh chương trình hoàn chỉnh cho các đơn vị sử dụng kênh chương trình:

- Theo Giấy phép đã cấp:

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, số 3-5 phố Huỳnh Thúc Kháng quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

- Đề nghị thay đổi:

Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Tổ 3, đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

- Lý do thay đổi địa điểm: Theo quy hoạch của Đài. (Có Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của UBND Thành phố phê duyệt Dự án đầu tư Xây dựng, lắp đặt cột anten và Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng của Đài PTTH Hà Nội; Quyết định 1730/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm truyền dẫn, phát sóng Đài PTTH Hà Nội tại đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm kèm theo - Phụ lục số 7). Lịch trực truyền dẫn, phát sóng - Phụ lục số 8 kèm theo.

6. Phương thức kỹ thuật phân phối kênh chương trình:

- Theo giấy phép đã cấp:

Quảng bá

Trả tiền

- Đề nghị thay đổi:

Quảng bá

Trả tiền

=> Bỏ phương thức kỹ thuật phân phối kênh chương trình trả tiền vì không có hiệu quả tuyên truyền.

7. Đặc điểm kỹ thuật kênh chương trình: Giữ nguyên như giấy phép đã cấp, cụ thể là:

- Âm thanh kênh: Stereo.

8. Loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình:

- Theo giấy phép đã cấp: Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet

- Đề nghị bổ sung:

Dịch vụ truyền hình mặt đất kỹ thuật số

Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ tương tự

Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số

Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ IPTV

Dịch vụ truyền hình qua vệ tinh

Dịch vụ truyền hình di động

Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet

Khác

Diễn giải bổ sung loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình khác:

- Phát sóng phát thanh FM theo Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.

Tần số FM 96 MHz; Công suất máy phát: 5000W; Địa điểm đặt máy phát sóng: Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

Giấy phép tần số vô tuyến điện số 323949/GP ngày 22/01/2021

- Cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử Đài theo quy định của pháp luật. Địa chỉ trang thông tin điện tử: www.hanoitv.vn. Số 3- 5 phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; Giấy phép TTTĐT số 220/GP-TTĐT ngày 28/6/2017.

- Trên nền tảng podcasts.

- Lý do: Mở rộng phạm vi tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, tăng khán giả, tăng nguồn thu dịch quảng cáo.

9. Người chịu trách nhiệm nội dung kênh chương trình:

- Theo giấy phép đã cấp: Ông Tô Quang Phán

- Đề nghị thay đổi: Ông Nguyễn Kim Khiêm (theo Quyết định bổ nhiệm số 816/QĐ-UBND ngày 01/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội).

- Lý do thay đổi: Ông Tô Quang Phán đã nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/9/2021, theo Quyết định số 3008/QĐ-UBND ngày 05/7/2021 của UBND Thành phố).

IV. Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của kênh FM 96MHz khi tiếp tục được cấp phép

1. Hiệu quả kinh tế

Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, viên chức, người lao động của Đài. Với Đề án mới, cách làm mới, format chương trình mới hứa hẹn sẽ hấp dẫn thính giả hơn, thu hút doanh nghiệp quảng cáo và tạo nguồn thu cho Đài trong giai đoạn mới.

2. Hiệu quả xã hội

Thực hiện nhiệm vụ chính trị Thành phố giao về việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Thành phố, thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và thành phố Hà Nội đến người dân; cung cấp các chương trình giải trí tổng hợp góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của người dân; thêm nhiều lựa chọn cho thính giả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, phóng, viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.

* Các phụ lục kèm theo Đề án:

(1) Phụ lục số 1: Lưu đồ tổ chức sản xuất và quản lý nội dung chương trình phát trên kênh chương trình phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp

(2) Phụ lục số 2: Dự kiến khung phát sóng kênh chương trình phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp.

(3) Phụ lục số 3: Danh sách nhân sự thực hiện các hoạt động của kênh chương trình phát thanh FM96 - Thời sự tổng hợp.

(4) Phụ lục số 4: Thông báo số 1211/TB-PTTH ngày 01/12/2021 về việc phân công nhiệm vụ Ban Tổng Giám đốc.

(5) Phụ lục số 5: Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

(6) Phụ lục số 6: Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của UBND Thành phố phê duyệt Dự án đầu tư Xây dựng, lắp đặt cột anten và Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng của Đài PTTH Hà Nội; Quyết định 1730/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm truyền dẫn, phát sóng Đài PTTH Hà Nội tại đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

(7) Phụ lục số 7: Lịch trực truyền dẫn, phát sóng.

(8) Phụ lục số 8: Công văn số 2368/TNVN-TKBT ngày 22/9/2022 của Đài Tiếng nói Việt Nam về việc tiếp, phát sóng chương trình thời sự VOV1 của Đài TNVN.

(9) Phụ lục số 9: Tờ khai đăng ký nhãn hiệu - Logo kênh chương trình phát thanh FM 96 MHz có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ.

(10) Phụ lục số 10: Quyết định số 298/QĐ-PTTH ngày 04/4/2022 của Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội về việc ủy quyền chịu trách nhiệm công tác quản lý, kiểm soát nội dung chương trình của các kênh phát thanh FM90, FM96.

PHẦN C: KẾT LUẬN

Để kênh chương trình phát thanh FM 96 MHz tiếp tục thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và nội dung hoạt động, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội kính đề nghị:

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án sản xuất kênh chương trình phát thanh FM 96 MHz giai đoạn tiếp theo với tên gọi mới “FM 96 - Thời sự Tổng hợp”.

2. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép sản xuất kênh chương trình phát thanh FM 96 MHz với tên gọi mới “FM 96 - Thời sự tổng hợp” cho Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội./.

 


Nơi nhận:
- UBND Thành phố;
- Bộ TT-TT;
- Lưu: VT, TCCB.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Kim Khiêm

 

Phụ lục số 1

LƯU ĐỒ QUY TRÌNH TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRÊN KÊNH FM 96MHZ
 (Kèm theo Đề án số 1231/ĐA-PTTH ngày 16 tháng 9 năm 2022)

 

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI

Phụ lục số 2

DỰ KIẾN KHUNG PHÁT SÓNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH TẦN SỐ FM 96 MHz
 (Kèm theo Đề án số 1231/ĐA-PTTH ngày 16 tháng 9 năm 2022)

Bắt đầu

Kết thúc

Thi lượng

THỨ HAI

THỨ BA

THỨ TƯ

THỨ NĂM

THỨ SÁU

THỨ BẢY

CHỦ NHẬT

5:00

5:30

30

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

Ca khúc Việt Nam

5:30

06:00

30

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

Gỡ rối cho bạn (FM90)

06:00

06:30

30’

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

Tiếp sóng Thời sự VOV

06:30

07:30

60’

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội sáng

Trực tiếp

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

07:30

08:00

30’

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

Âm nhạc dành cho bạn trẻ

08:00

09:00

60’

FM Du lịch (FM90)

FM Du lch (FM90)

FM Du lịch (FM90)

FM Du lịch (FM90)

FM Du lịch (FM90)

FM Du lịch (FM90)

FM Du lịch (FM90)

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

09:00

9:30

30’

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

Hành trang trẻ (FM90)

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

9:30

10:00

30’

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

Sức khỏe trên hết (FM90)

10:00

12:00

120’

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội trưa

Trực tiếp

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

12:00

13:00

60’

Tình yêu Hà Nội (FM90)

Tình yêu Hà Nội (FM90)

Tình yêu Hà Nội (FM90)

Tình yêu Hà Nội (FM90)

Tinh yêu Hà Nội (FM90)

Tinh yêu Hà Nội (FM90)

Tình yêu Hà Nội (FM90)

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

13:00

13:30

30’

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

Sắc màu cuộc sống (FM90)

13:30

14:00

30’

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

Âm nhạc dành cho bạn trẻ
PL 7h30 sáng

14:00

14:30

30’

Cuộc sống xanh (FM90)

Cuộc sng xanh (FM90)

Cuộc sng xanh (FM90)

Cuộc sống xanh (FM90)

Cuộc sống xanh (FM90)

Cuộc sống xanh (FM90)

Cuộc sống xanh (FM90)

14:30

15:00

30’

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

Văn nghệ thiếu nhi

13:00

15:30

30’

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

Thị trường và tiêu dùng (FM90)

15:30

16:00

30’

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

Gia đình và xã hội (FM90)

16:00

18:00

120’

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

Chuyển động Hà Nội chiều

Trực tiếp

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

18:00

19:00

60’

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

FM Du lịch (FM90 - PL khung giờ 8h-9h của FM96)

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

19:00

20:00

60’

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

Tình yêu Hà Nội

(FM90 - PL khung giờ 12h- 13h của FM96)

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

20:00

20:30

30’

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

Ca khúc VN
PL sáng

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

20:30

21:00

30’

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

Những tấm lòng nhân ái
(FM 90)

21:00

21:30

30’

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

Âm nhạc tỏa sáng

21:30

22:00

30’

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

Tình khúc Việt Nam

22:00

23:00

60’

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

Sân khấu truyền thanh

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

QC GTCT

Ghi chú: In đậm: Chương trình phát mới. Chữ thường: Chương trình phát lại. QC GTCT; Quảng cáo và giới thiệu chương trình; PL FM 90: Phát lại chương trình của kênh FM 90; PL FM 96: phát lại chương trình của kênh FM 96.

 

Phụ lục số 3

DANH SÁCH NHÂN SỰ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KÊNH FM96
(Kèm theo Đề án số 1231/ĐA-PTTH ngày 16 tháng 9 năm 2022)

1. Danh sách cán bộ lãnh đạo Đài và lãnh đạo các Phòng chuyên môn trực tiếp phụ trách, theo dõi các hoạt động của Kênh:

TT

Họ và tên

Chức vụ

Nhiệm vụ được phân công, phụ trách các hoạt động của Kênh FM96

1

Nguyễn Kim Khiêm

Tổng Giám đốc Đài

Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Kênh

2

Nguyễn Tiến Dũng

Phó Tổng Giám đốc Đài

Trực tiếp phụ trách nội dung Kênh FM96

3

Lê Xuân Luyến

Trưởng Ban BTCT Phát thanh

Chỉ đạo, điều hành chung công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, công tác biên tập, kiểm duyệt, bố trí các chương trình phát sóng trên Kênh.

4

Đinh Thị Trà My

Phó Ban BTCT Phát thanh

Tổ chức biên tập, sắp xếp khung lịch, giám sát nội dung các chương trình phát sóng trên kênh.

5

Phạm Lê Minh

Trưởng phòng Kỹ thuật Phát thanh

Điều hành, tổ chức việc bảo đảm kỹ thuật trong việc sản xuất, tổng khống chế, truyền dẫn, phân phối Kênh chương trình.

6

Vũ Hoa Sơn

Trưởng phòng Truyền dẫn, phát sóng

Điều hành, tổ chức việc bảo đảm kỹ thuật trong việc phát sóng Kênh chương hình.

2. Danh sách Phóng viên, Biên tập viên, Kỹ thuật, Nhân viên trực tiếp thực hiện các khâu sản xuất, truyền dẫn, phát sóng Kênh:

TT

Họ và tên

Chức danh báo chí/ Đơn vị công tác

Nhiệm vụ được phân công trong các khâu của quá trình sản xuất, truyền dẫn, phát sóng chương trình Kênh FM96

1

Nguyễn Văn Hiếu

Phóng viên- Ban Phát thanh

Trực thư ký, lên sơ mi chương trình và thực hiện sản xuất chương trình theo lịch phân công

2

Đặng Nguyệt Quế

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

3

Nguyễn Thị Thanh Hiền

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Trực thư ký, lên sơ mi chương trình và thực hiện sản xuất chương hình theo lịch phân công

4

Phạm Thu Vân

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Trực thư ký, lên sơ mi chương trình và thực hiện sản xuất chương trình theo lịch phân công

5

Nguyễn Thị Kim Oanh

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

6

Đỗ Thị Thùy Chi

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

7

Ngô Thị Hoa Mai

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

8

Nguyễn Thị Hằng

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

9

Lê Thị Thanh Duyên

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

10

Lưu Thị Hường

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

11

Hồ Thế Nghiệp

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

12

Lưu Thị Bích Ngọc

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

13

Ngô Kim Anh

PPV hạng IV- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

14

Bùi Thị Mai Liên

PPV hạng IV- Ban Phát thanh

Trực thư ký, lên sơ mi chương trình và thực hiện sản xuất chương trình theo lịch phân công

15

Nguyễn Thị Minh Thơm

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

16

Trần Thị Hằng

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

17

Nguyễn Thị Xuyến

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

18

Đào Thị Kim Dung

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

19

Hoàng Thị Ngọc Ánh

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

20

Nguyễn Thị Như Hoa

Phóng viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

21

Đinh Thị Hồng Thủy

Biên tập viên- Ban Phát thanh

Sản xuất tin bài, phóng sự, chuyên đề, trực sản xuất chương trình theo lịch phân công

22

Phan Nguyên Hải

Kỹ sư chính- Phòng Kỹ thuật Phát thanh (PT)

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

23

Nguyễn Hải Nam

Kỹ sư- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

24

Hoàng Quốc Hoàn

Kỹ sư- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

25

Vũ Bảo Tuấn

Kỹ thuật viên- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

26

Hoàng Tuấn Trung

Kỹ sư- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

27

Trần Duy Anh

Kỹ thuật viên- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

28

Hà Viết Linh

Kỹ sư- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

29

Đinh Minh Dương

Kỹ sư- Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

30

Nguyễn Anh Tuấn

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

31

Vũ Mạnh Thắng

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

32

Ngô Thị Kim Thoa

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

33

Dương Thị Bích Hoa

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

34

Vũ Quốc Hưng

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

35

Hoàng Anh Quân

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

36

Chu Quang Ngọc

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

37

Đặng Văn Toản

Kỹ sư - Phòng Kỹ thuật PT

Thực hiện sản xuất chương trình và trực truyền dẫn theo lịch phân công

38

Nguyễn Mạnh Hùng

Lê Quang Hiệp

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

39

Nguyễn Công Hòa

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

40

Hoàng Trọng Tuấn

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

41

Nguyễn Duy Tuấn Anh

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

42

Nguyễn Huy Anh

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

43

Đỗ Hồng Sơn

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

44

Nguyễn Duy Vinh

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

45

Nguyễn Phương Đông

Kỹ sư Phòng Truyền dẫn-Phát sóng

Thực hiện phát sóng theo lịch phân công

 

Phụ lục số 4

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1211/TB-PTTH

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm …

 

THÔNG BÁO

Về việc phân công nhiệm vụ Ban Tổng Giám đốc
(Thay thế Thông báo số 839/TB-PTTH ngày 01/9/2021)

Căn cứ tình hình thực tế về công tác cán bộ;

Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành phân công nhiệm vụ đối với Ban Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội như sau:

I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ TRONG BAN TỔNG GIÁM ĐỐC:

1. Đồng chí Lê Thị Ánh Mai - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành:

1.1. Phụ trách toàn bộ các hoạt động của Đài; chỉ đạo và điều hành toàn diện công tác của các phòng, ban, đơn vị trong cơ quan; chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND Thành phố và pháp luật về mọi hoạt động của Đài PT-TH Hà Nội.

1.2. Làm chủ tài khoản, chủ trì và quyết định các chủ trương về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương án kinh doanh; ký duyệt các hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh quyết toán tài chính có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

1.3. Làm Chủ tịch các Hội đồng: Biên tập; Kinh tế; Kỹ thuật; Lương; Tuyển dụng lao động; Thi đua - Khen thưởng; Kỷ luật; Giám định; Nghiệm thu; Kiểm duyệt, định giá phim Truyền hình, các chương trình phát sóng phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử của Đài.

1.4. Xử lý các văn bản từ các nơi gửi về Đài.

1.5. Ký duyệt chương trình phát sóng hàng ngày của các kênh theo lịch phân công hàng tuần của Ban Tổng Giám đốc.

1.6. Ký quyết định cử cán bộ, phóng viên đi công tác ngoại tỉnh và các văn bản, báo cáo mang tính đối ngoại của Đài.

1.7. Ký các khoản chi lương, phụ cấp, định mức, bảo hiểm xã hội, nhuận bút, những bài thanh toán thẳng.

1.8. Điều hành các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng của Đài

1.9. Chỉ đạo trực tiếp các phòng, ban, đơn vị: Trung tâm tin tức (gồm: Ban BT Thời sự, Ban BT Tin Hà Nội 18:00, Ban BT Xây dựng & Quản lý Đô thị, Ban BT Đối ngoại); Ban Tổ chức Cán bộ; Ban Tài chính; Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ; Văn phòng; Phòng Kế hoạch - Dự án; Ban BT Kinh tế, Ban BT Chương trình truyền hình; Ban BT Thể thao - Giải trí; Ban BT Văn nghệ; Ban BT Phim truyện; Ban BT Văn hóa - Xã hội; Bộ phận kiểm toán nội bộ, Ban BT Hộp Thư.

1.10. Chỉ đạo các chương trình, sự kiện phát sóng trực tiếp thuộc các đơn vị được phân công phụ trách.

1.11. Quan hệ với các cơ quan, đơn vị để lấy nguồn tài trợ, tạo nguồn kinh phí xã hội hóa để phục vụ sản xuất chương trình.

1.12. Phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Đài.

1.13. Sinh hoạt hành chính với Ban BT Kinh tế.

2. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc:

2.1. Giúp Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành đảm nhiệm một số phần việc được phân công. Chịu trách nhiệm trước Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành và trước pháp luật về những nhiệm vụ được giao.

2.2. Ký các hợp đồng kinh tế và chứng từ thu chi thuộc hợp đồng kinh tế có giá trị dưới 300 triệu đồng; ký duyệt chi hàng ngày phục vụ hoạt động của cơ quan.

2.3. Ký xác nhận phát sóng quảng cáo cho khách hàng.

2.4. Thay mặt Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành chỉ đạo và tham gia công tác đấu thầu, chọn giá, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục công trình xây dựng và mua sắm tài sản thuộc thẩm quyền của Đài theo luật định.

2.5. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, các kế hoạch tăng nguồn thu và xử lý công nợ. Quan hệ với các cơ quan hữu quan để thực hiện đề án hỗ trợ tuyên truyền chính trị trên kênh H1, kênh phát thanh, đề án số hóa;

2.6. Làm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Sản xuất chương trình truyền hình phát thanh.

2.7. Chỉ đạo trực tiếp các phòng, ban, đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật và Sản xuất chương trình Truyền hình Phát thanh (gồm: Phồng CNTT và Điện lạnh, Phòng Truyền dẫn - Phát sóng, Phòng Kỹ thuật Hậu kỳ, Phòng Kỹ thuật Trường quay, Phòng Quay phim, Phòng Kỹ thuật Phát thanh); Phòng Tư liệu, Ban BT Trang Thông tin Điện tử và Ban BT Chương trình Phát thanh.

Ký duyệt chương trình hàng ngày của các đơn vị phụ trách. Chịu trách nhiệm nội dung trên hệ thống OTT.

2.8. Chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị liên quan đến điều kiện, phương tiện làm việc; các kiến nghị về chế độ, chính sách đối với CBCNVC. Phụ trách công tác dân quân tự vệ, phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão, an ninh trật tự, an toàn tại cơ quan.

2.9. Thay mặt Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành giải quyết các công việc khác khi được ủy quyền.

2.10. Sinh hoạt hành chính với Phòng CNTT và Điện lạnh.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Lãnh đạo Đài làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Trong tất cả các vấn đề liên quan đến mọi mặt công tác của Đài, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành là người có quyết định cao nhất và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Ý kiến quyết định của Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành sau khi lắng nghe ý kiến của Phó Tổng Giám đốc là quan điểm, chỉ đạo, kết luận của Ban Tổng Giám đốc Đài.

Ban Tổng Giám đốc luân phiên dự họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội theo lịch phân công của Ban Tổng Giám đốc.

Phó Tổng Giám đốc có quyền quyết định trong phạm vi phần việc được Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành phân công và ủy quyền, chịu trách nhiệm trước Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành và pháp luật về quyết định đó, nhưng trước khi quyết định phải báo cáo Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành.

2. Phó Tổng Giám đốc chỉ giải quyết phần việc trong phạm vi trách nhiệm được phân công và ủy quyền, không giải quyết phần việc thuộc trách nhiệm của Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành. Các Trưởng phòng, ban, đơn vị phải xin ý kiến chỉ đạo, chữ ký của Phó Tổng Giám đốc phụ trách đơn vị, phụ trách lĩnh vực được phân công. Trường, hợp thấy chậm việc hoặc thấy không hợp lý phải báo cáo Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành để giải quyết kịp thời

3. Phó Tổng Giám đốc được phân công trực trong những ngày nghỉ lễ, tết và thứ 7, chủ nhật hàng tuần, ngoài việc chỉ đạo thực hiện các mặt công tác chung, còn có trách nhiệm ký duyệt và chịu trách nhiệm toàn bộ về các chương trình phát sóng trong ngày. Đối với những việc quan trọng, sau khi giải quyết phải báo cáo với Phó Tổng Giám đốc phụ trách.

4. Văn bản phân công này thay thế các văn bản trước đây về việc phân công nhiệm vụ trong Ban Tổng Giám đốc và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có các vấn đề phát sinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Đài sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Ban Tổng Giám đốc;
- Các phòng, ban, đơn vị;
- Các tổ chức đoàn thể trong Đài;
- Lưu: VT.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Thị Ánh Mai

 

Phụ lục số 5

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 362/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư tại các văn bản số 10018-CV/VPTW ngày 31 tháng 3 năm 2015; số 26-KL/TW ngày 29 tháng 12 năm 2017; số 8785-CV/VPTW ngày 01 tháng 02 năm 2019;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2. Phát triển báo chí đi đối với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

3. Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

4. Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

II. MỤC TIÊU

Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cấp hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại, sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

III. ĐỊNH HƯỚNG, PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Đối với báo và tạp chí in

Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền. Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện như sau:

a) Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

b) Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in.

c) Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thống đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.

d) Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cơ quan tạp chí này thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật.

đ) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

e) Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 03 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

g) Đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tạp chí của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp, việc cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.

h) Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện: Đến năm 2025, các tổ chức tôn giáo hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

2. Đối với phát thanh, truyền hình

a) Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó. Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước.

b) Đối với hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, số lượng kênh chương trình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

c) Kênh Truyền hình Nhân dân (cơ quan chủ quản là Báo Nhân dân), kênh Truyền hình Thông tấn (cơ quan chủ quản là Thông tấn xã Việt Nam), kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan chủ quản là Đài Tiếng nói Việt Nam), kênh Truyền hình Công an Nhân dân (cơ quan chủ quản là Bộ Công an), kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng), kênh Truyền hình Quốc hội (cơ quan chủ quản là Văn phòng Quốc hội), không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng; các Trung tâm truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam chi thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, khống phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.

d) Phương án sắp xếp:

- Đài Truyền hình Việt Nam là Đài Truyền hình Quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Phát thanh Quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn Quốc gia.

- Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội có kênh truyền hình.

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp.

3. Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử

a) Phương án sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định tại khoản 1 trên đây thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Lộ trình thực hiện: Việc sắp xếp thực hiện theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in.

b) Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.

c) Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

d) Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phù thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về thông tin, tuyên truyền

a) Quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện Quy hoạch.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên nâng cao khả năng tự bảo vệ trước những thông tin tiêu cực, độc hại trên mạng.

Tăng cường bảo vệ an toàn thông tin, đặc biệt là thông tin bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hướng dẫn kỹ năng, thói quen khai thác, sử dụng mạng, thông tin mạng một cách an toàn, hiệu quả.

2. Về pháp luật, cơ chế, chính sách

a) Sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ pháp luật về báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin để phát triển đi đối với quản lý tốt các loại hình báo chí và thông tin mạng phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới và điều kiện nước ta.

b) Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử cho phù hợp thực tế và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước.

3. Về tổ chức bộ máy

a) Thực hiện sắp xếp, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.

b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực về quản lý báo chí, thông tin điện tử của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí các cấp; xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của từng ngành, từng cấp trong quản lý, chỉ đạo báo chí, thông tin điện tử. Nâng cao vai trò người phát ngôn trong các cơ quan, tổ chức.

c) Trước năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

4. Về nâng cao năng lực thực thi pháp luật

a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí, của cá nhân người có trách nhiệm. Xử phạt, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, xuất bản ấn phẩm của các cơ quan báo chí. Tăng cường công tác quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhằm phát huy tác dụng của loại hình thông tin này trong công tác tuyên truyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.

b) Chú trọng công tác phối hợp, nâng cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

5. Về tài chính

a) Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cơ quan báo chí giảm chi phí, tăng nguồn thu để phát triển. Phân định rõ cơ chế tài chính đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và báo chí chủ yếu phục vụ giải trí, thương mại. Nhà nước chi đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực.

b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính trong hoạt động liên kết, sản xuất nội dung, chuyên mục, chương trình khoa học, phổ biến kiến thức, giải trí của các cơ quan báo chí.

6. Về nguồn nhân lực

a) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan báo chí về tuổi, trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý.

b) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý, kinh tế báo chí cho đối tượng lãnh đạo cơ quan báo chí. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí.

c) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin trong các cơ quan nhà nước; tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, nhất là kiến thức, kỹ năng xử lý thông tin và sự cố thông tin.

7. Về khoa học, công nghệ

a) Đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực gắn với yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến và có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ truyền thông tiên tiến.

b) Đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt báo chí điện tử, thông tin mạng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, các chương trình, đề án, dự án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, tăng diện bao phủ thông tin chính thống, đứng định hướng đồng thời ngăn chặn, hạn chế tác động của thông tin độc hại, tiêu cực.

8. Về hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại

a) Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong nước với các cơ quan báo chí nước ngoài, các tổ chức báo chí khu vực, quốc tế. Phát huy hiệu quả cơ quan đại diện thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

b) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực báo chí, thông tin truyền thông. Phối hợp xử lý vi phạm trong cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

c) Nâng cao hiệu quả các chương trình thông tin đối ngoại, tăng cường thông tin về Việt Nam bằng tiếng nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan có liên quan chịu hách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Quy hoạch này; Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông việc triển khai quy hoạch và kiến nghị biện pháp xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin cho phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch và tạo điều kiện cho báo chí phát triển.

Rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch này và các quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo về công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện Quy hoạch.

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định về phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, về bổ nhiệm, miễn nhiệm và khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.

e) Xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia đáp ứng yêu cầu giám sát, phân tích, đánh giá chuyên sâu phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí.

3. Bộ Tài chính

a) Bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuê, phí... đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, các đối tượng chính sách và các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

4. Các cơ quan chủ quản báo chí

a) Triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; làm tốt công tác tư tưởng, định hướng thông tin công tác cán bộ, tăng cường công tác quản lý, có giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

b) Tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, phóng viên, biên tập viên; xử lý nghiêm theo thẩm quyền những cán bộ, nhân viên, người làm báo của cơ quan báo chí trực thuộc có vi phạm.

c) Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông việc triển khai quy hoạch; kiến nghị biện pháp xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

5. Hội Nhà báo Việt Nam

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; làm tốt công tác tuyên truyền đối với hội viên trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Các quy định trước đây của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp cơ quan báo chí khác với quy định này thì thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Phụ lục số 6

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 323/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 16/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng của Chính phủ;

Căn cứ Luật Đấu thầu năm 2005; Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009;

Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ; Văn bản số 2364/TĐ&GSĐT ngày 12/4/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý đầu tư gắn với việc thực hiện Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Bưu chính Viễn thông: Quyết định số 192/2003/QĐ-BBCVT ngày 22/12/2003 phê duyệt Quy hoạch phân bổ kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất băng tần VHF/UHF đến năm 2010; Quyết định số 35/2005/QĐ-BBCVT ngày 21/12/2005 phê duyệt quy hoạch phân bổ kênh tần số cho phát thanh FM băng tần (87-108) MHz đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 9/4/2009 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước của UBND Thành phố Hà Nội;

Căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội: Quyết định số 4577/QĐ-UBND ngày 13/10/2006 phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hinh Hà Nội; Quyết định số 3644/QĐ-UBND ngày 14/9/2007 phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 15/8/2008 của UBND Thành phố về việc giao nhiệm vụ cho Trung tâm phát triển quỹ đất Từ Liêm (UBND huyện Từ Liêm) thực hiện công tác bồi thường GPMB để triển khai xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội;

Căn cứ văn bản số 10328/UBND-VHKG ngày 26/10/2009 của UBND Thành phố về việc sử dụng vốn ngân sách Thành phố đầu tư dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội;

Căn cứ Thông báo số 250/TB/TU ngày 30/12/2009 thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội;

Xét nội dung các văn bản:

Văn bản số 897/CTS-PTTH ngày 16/05/2007 của Cục Tần số vô tuyến điện về việc chấp thuận độ cao cột anten phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Văn bản số 774/TM-Tg1 ngày 09/5/2008 của Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao cột anten phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Văn bản số 375/TNVN ngày 04/5/2007 của Đài Tiếng nói Việt Nam về việc sử dụng cột anten 250m của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Văn bản số 289/TDPS ngày 12/8/2008 của Trung tâm truyền dẫn phát sóng - Đài Truyền hình Việt Nam về việc cung cấp số liệu cho dự án cột 250m của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Văn bản số 87/THĐL ngày 13/10/2009 của Trung tâm Tin học và Đo lường - Đài Truyền hình Việt Nam về tiêu chuẩn và công nghệ của các thiết bị truyền dẫn phát sóng;

Tờ trình số 841/TTr-PTTH ngày 29/7/2009, số 1229/TTr-PTTH ngày 30/10/2009, số 1243/TTr-PTTH ngày 03/11/2009 và số 23/CV/PT-TH ngày 11/01/2010 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về việc đề nghị phê duyệt dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dân phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội;

Báo cáo kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư dự án Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội số 1044/VKT/TTTV ngày 28/10/2009 của Viện Kinh tế xây dựng - Bộ xây dựng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định dự án đầu tư số 1352/BC-KH&ĐT ngày 06/11/2009, Báo cáo số 1430/BC-KH&DT ngày 24/11/2009 và Báo cáo số 24/BC-KH&ĐT ngày 12/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội theo các nội dung sau:

1. Tên dự án: Xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nộỉ.

2. Chủ đầu tư: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

3. Tổ chức tư vấn lập dự án: Công ty Cổ phần Khảo sát thiết kế và xây dựng Việt Nam.

4. Chủ nhiệm lập dự án: Ông Tăng Văn Ca.

5. Mục tiêu đầu tư xây dựng: Mở rộng vùng và chất lượng phủ sóng truyền hình cho các kênh 6, kênh 24, kênh 49 và các kênh FM của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các kênh khác của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam theo quy hoạch tại khu vực phía Bắc.

6. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng:

6.1. Thiết bị:

- Đầu tư lắp dụng cột anten tự đứng 4 chân cao 250m cùng các thiết bị phụ trợ.

- Đầu tư các thiết bị gồm: Máy phát hình kênh 6, kênh 24 và kênh 49 tiêu chuẩn PAL-D/K.

- Đầu tư các hệ thống anten UHF, VHF, FM, cáp dẫn sóng, các bộ cộng công suất và các phụ kiện kèm theo nhằm thoả mãn yêu cầu phát sóng các máy phát hình, phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Đầu tư các hệ thống chống sét đánh trực tiếp, lan truyền, hệ thống tiếp đất nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống phát sóng.

- Đầu tư hệ thống điện gồm: Đường cáp ngầm trung thế, hạ thế, trạm điện, biến áp, ổn áp, các tủ điện, cầu dao, các loại ATS, máy nổ, cáp dẫn phục vụ các thiết bị truyền dẫn.

- Đầu tư các thiết bị truyền dẫn: Cáp quang, các thiết bị thu qua vệ tinh, truyền hình cáp để phục vụ truyền dẫn tín hiệu từ trụ sở số 5 Huỳnh Thúc Kháng và 32 Tô Hiệu Hà Đông về Trung tâm truyền dẫn phát sóng mới.

- Đầu tư Vi ba thu phát truyền dẫn tín hiệu từ số 5 Huỳnh Thúc Kháng đến Trung tâm truyền dẫn phát sóng mới.

- Đầu tư các thiết bị phụ trợ phục vụ việc kiểm tra, giám sát hệ thống.

- Đầu tư hệ thống kiểm tra, giám sát an ninh khu vực Trung tâm truyền dẫn phát sóng mới.

6.2. Xây dựng:

- Thi công đường tạm để sử dụng khi chưa có đường theo quy hoạch.

- Xây dựng Trung tâm truyền dẫn phát sóng 5 tầng.

- Xây dựng các công trình phụ trợ như nhà thường trực, nhà để xe, nhà đặt máy biến thế, máy phát điện, trạm bơm, bể chứa...

- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật: sân vườn, cấp thoát nước, cấp điện ngoài nhà...

7. Địa điểm xây dựng: Tại Xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

8. Diện tích sử dụng đất:

- Diện tích đất xây dựng công trình khoảng: 12.418 m2.

- Diện tích đất đề nghị tạm giao quản lý làm đường vào thi công và sử dụng chung (tuyệt đối không xây dựng công trình và tường rào): 2.110 m2.

9. Phương án xây dựng: Theo hồ sơ thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng tham gia ý kiến tại văn bản số 6777/SXD-TĐ ngày 31/8/2009 và theo Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 2985/QHKT-P1 ngày 27/10/2009.

Phương án kiến trúc của dự án phải hiện đại, đẹp, đảm bảo hài hòa, phù hợp cảnh quan, mỹ quan và tính ổn định, bền vững của công trình.

10. Cấp công trình: Cấp I.

11. Phương án giải phóng mặt bằng: Trung tâm phát triển quỹ đất Từ Liêm (UBND huyện Từ Liêm) thực hiện công tác bồi thường GPMB để triển khai xây dựng, lắp đặt cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội theo Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 15/8/2008 của UBND Thành phố.

12. Tổng mức đầu tư của dự án (khái toán): 490.674 triệu đồng (theo kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư số 1044/VKT ngày 28/10/2009 của Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng).

Trong đó:

- Chi phí xây dựng:

81.605

Triệu đồng

- Chi phí thiết bị:

337.110

Triệu đồng

- Chi phí bồi thường GPMB:

22.024

Triệu đồng

- Chi phí quản lý dự án:

5.052

Triệu đồng

- Chi phí Tư vấn đầu tư xây dựng:

6.356

Triệu đồng

- Chi phí khác:

2.181

Triệu đồng

- Chi phí dự phòng:

36.346

Triệu đồng

13. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Thành phố và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (ngân sách thành phố hỗ trợ năm 2009-2010 là 200 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ năm 2011-2012 là 240 tỷ đồng).

14. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

15. Thời gian thực hiện dự án: Dự án thuộc nhóm B, dự kiến hoàn thành trong năm 2010 (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có văn bản số 943/CV-PTTH ngày 26/8/2009 về việc đăng ký công trình hoàn thành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được UBND Thành phố chấp thuận tại văn bản số 8594/UBND-VHKG ngày 07/9/2009).

Điều 2. Tổ chức thực biện:

1. Tổ chức thực hiện dự án:

- Lựa chọn nhà thầu: Thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2005, Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện và các quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành; Chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các bước tiếp theo thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, Thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:

- Tổ chức quản lý, thực hiện dự án theo đúng các quy định của Nhà nước và UBND Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Bảo đảm tiến độ và chất lượng, công trình theo đúng các quy định hiện hành.

- Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định, đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ, Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng và Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

- Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Pháp luật về năng lực của đơn vị tư vấn lập dự án, tính chuẩn xác (khối lượng và kinh phí) và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hề sơ dự án; Sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; Phối hợp chặt chẽ, với các cơ quan quản lý liên quan để triển khai thiết kế bản vẽ thi công và thực hiện dự án đảm bảo khép nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, không trùng lắp khối lượng.

- Tổ chức tốt biện pháp thi công, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong quá trình thi công và an toàn cho các công trình trong quá trình thi công và khai thác vận hành; hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án.

- Để đảm bảo thực hiện dự án trong năm 2009-2010, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội có trách nhiệm huy động nguồn vốn ứng trước từ đơn vị cung cấp thiết bị, thi công xây dựng để hoàn thành công trình đúng tiến độ đã đăng ký, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tại Báo cáo số 3899/KH&ĐT-TH ngày 21/10/2009 và được UBND thành phố chấp thuận tại văn bản số 8594/UBND-VHKG ngày 07/9/2009, văn bản số 10328/UBND-VHKG ngày 26/10/2009.

- Xây dựng kế hoạch sử dụng tài chính và thiết bị hiện đại, phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài của dự án. Phát huy hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí, tạo thêm nguồn đóng góp cho ngân sách thành phố.

- Xây dựng phương án tổng thể về việc sử dụng các cột phát sóng hiện có, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định; phương án quản lý, khai thác công trình sau đầu tư báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo văn bản số 10328/UBND-VHKG ngày 26/10/2009 của UBND Thành phố.

- Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định hiện hành.

3. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan:

- Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí đủ nguồn vốn, đảm bảo để chủ đầu tư triển khai, thực hiện dự án được phê duyệt tại quyết định này; Hướng dẫn chủ đầu tư lập phương án quản lý, khai thác thu hồi vốn cho ngân sách sau khi công trình đi vào hoạt động, báo cáo UBND Thành phố giải quyết theo quy định.

- Các cơ quan liên quan thuộc Thành phố theo chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực được giao quản lý có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp và hướng dẫn triển khai thực hiện dự án đảm bảo đáp ứng tiến độ thực hiện được phê duyệt tại quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố (để báo cáo);
- Đ/c PCT Hoàng Mạnh Hiển;
- PVP Đỗ Đình Hồng;
- P.VHKG, KT, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Thanh Hằng

 

Phụ lục số 6

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1730/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phục vụ công tác bàn giao Trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho báo Nhân Dân

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về việc bổ sung, chỉnh sửa một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015; số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 -2020 của Thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại Tờ trình số 262/TTr-PTTH ngày 26/3/2020; Các văn bản của Sở Xây dựng: Văn bản số 2297/SXD-QLXD ngày 24/3/2020 về việc thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm Truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phục vụ bàn giao Trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân Dân; Tờ trình số 61/TTr-SXD (QLXD) ngày 30/3/2020 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất tại Trụng tâm Truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phục vụ bàn giao Trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân Dân,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm Truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phục vụ bàn giao Trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân Dân với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm Truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phục vụ bàn giao Trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân Dân.

2. Loại, nhóm, cấp công trình: Công trình dân dụng, nhóm C, cấp II.

3. Cấp Quyết định đầu tư: UBND thành phố Hà Nội.

4. Chủ đầu tư: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

5. Địa điểm xây dựng: Trong khuôn viên trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

6. Số bước thiết kế: 02 bước.

7. Mục tiêu đầu tư: Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại đường Sa Đôi phường Phụ Đô, quận Nam Từ Liêm phục vụ hoạt động thường xuyên của 2 kênh phát thanh và truyền hình, đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền sau khi bàn giao trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân dân.

8. Nội dung và quy mô đầu tư:

- Cải tạo nhà để xe 1 tầng thành nhà làm việc 2 tầng. Diện tích sàn xây dựng khoảng 236m2.

- Xây mới nhà làm việc quy mô 2 tầng hợp khối với nhà cải tạo. Diện tích sàn xây dựng khoảng 1.270m2.

- Xây mới Nhà trường quay quy mô 1 tầng. Diện tích sàn xây dựng khoảng 312m2.

- Mua sắm trang thiết bị cho các công trình.

(Chi tiết quy mô đầu tư xây dựng theo nội dung kết quả thẩm định tại Báo cáo số 2297/SXD-QLXD ngày 24/3/2020 của Sở Xây dựng về nghiên cứu khả thi đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất tại Trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phục vụ bàn giao trụ sở 32 Tô Hiệu, Hà Đông cho Báo Nhân dân).

9. Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi: Công ty Cổ phần tư vấn HANDIC Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội.

10. Tổng mức đầu tư: 41.120.791.000 đồng

(Bốn mươi mốt tỷ, một trăm hai mươi triệu bảy trăm chín mốt ngàn đồng).

Trong đó:

- Chi phí xây dựng:

19.976.930.358

 

đồng

- Chi phí thiết bị:

15.131.633.392

 

đồng

- Chi phí quản lý dự án:

937.944.935

 

đồng

- Chi phí tư vấn ĐTXD:

2.479.632.074

 

đồng

- Chi phí khác:

604.571.092

 

đồng

- Chi phí dự phòng:

1.990.079.521

 

đồng

11. Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Thành phố hỗ trợ: 20.560.395.500 đồng,

- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Đài: 20.560.395.500 đồng.

12. Hình thức quản lý dự án: Thuê đơn vị quản lý dự án.

13. Thời gian thực hiện; Năm 2019 - 2021.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính hợp pháp của các thông tin số liệu, tài liệu trong hồ sơ kèm theo tờ trình số 262/TTr-PTTH ngày 26/3/2020.

- Tiếp tục thực hiện các lưu ý nêu tại văn bản số 2297/SXD-QLXD ngày 24/3/2020 của Sở Xây dựng.

- Lập biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho công trình và các công trình lân cận, an toàn giao thông khu vực.

- Tổ chức quản lý, thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước và UBND Thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng; đảm bảo chất lượng và tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp với các đơn vị có liên quan để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tránh trùng lặp, lãng phí.

- Chịu trách nhiệm trước Pháp luật về năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án, thẩm tra; tính hợp pháp của các số liệu, tài liệu liên quan đến dự án.

2. Các Sở, ngành có liên quan khác:

- Sở Xây dựng: Hướng dẫn chủ đầu tư thực thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo đúng quy định hiện hành.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm bố trí và cân đối nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ được phê duyệt tại Quyết định này.

- Các Sở, ngành có liên quan khác: Phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình đối với các công việc có liên, quan đến quá trình thực hiện dự án.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Giám đốc Kho bạc nhà nước Hà Nội, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản;
- VPUB: PCVP L.T.Lực, P.V.Chiến, KGVX, ĐT, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXHg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

PHÒNG KỸ THUẬT PHÁT THANH

Phụ lục số 7

LỊCH TRỰC TRUYỀN DẪN TUẦN 37
(Từ ngày 12/9/2022 đến ngày 18/9/2022)

Th

Ngày tháng

Truyền dẫn kênh FM 90MHz

Truyền dẫn kênh FM 96MHz

Ca sáng

Ca Đêm

Ca chiều

Ca Sáng

Ca chiều

Ca Đêm

(6h00-13h00)

(19h00-8h00 ngày hôm sau)

(13h00 - 19h00)

(8h00-14h00)

(14h00 - 20h00)

(20h00-8h00 ngày hôm sau)

Thứ 2

12/9/2022

Vũ Mạnh Thắng

Hoàng Quốc Hoàn

Hà Viết Linh

Ngô Kim Thoa

Trần Duy Anh

Vũ Bảo Tuấn

Thứ 3

13/9/2022

Dương Bích Hoa

Vũ Mạnh Thắng

Hoàng Quốc Hoàn

Chu Quang Ngọc

Ngô Kim Thoa

Trần Duy Anh

Thứ 4

14/9/2022

Hà Viết Linh

Dương Bích Hoa

Vũ Mạnh Thắng

Vũ Bảo Tuấn

Chu Quang Ngọc

Ngô Kim Thoa

Thứ 5

15/9/2022

Hoàng Quốc Hoàn

Hà Viết Linh

Dương Bích Hoa

Trần Duy Anh

Vũ Bảo Tuấn

Chu Quang Ngọc

Thứ 6

16/9/2022

Vũ Mạnh Thắng

Hoàng Quốc Hoàn

Hà Viết LInh

Ngô Kim Thoa

Trần Duy Anh

Vũ Bảo Tuấn

Thứ 7

17/9/2022

Dương Bích Hoa

Vũ Mạnh Thắng

Hoàng Quốc Hoàn

Chu Quang Ngọc

Ngô Kim Thoa

Trần Duy Anh

Chủ nhật

18/9/2022

Hà Viết Linh

Dương Bích Hoa

Vũ Mạnh Thắng

Vũ Bảo Tuấn

Chu Quang Ngọc

Ngô Kim Thoa

 

LỊCH TRỰC PHÁT SÓNG
Tuần từ ngày 12/9 đến ngày 18/9

Ngày

Ca trực

THỨ HAI
12/9

THỨ BA
13/9

THỨ TƯ
14/9

THỨ NĂM
15/9

THỨ SÁU
16/9

THỨ BẢY
17/9

CHỦ NHẬT
18/9

Sáng

Hùng

Vinh

Sơn

Tuấn

Hiệp

Vinh

Sơn

Hòa

T.Anh B

T.Anh A

Hiệp

Đông

T.Anh B

T.Anh A

Chiều

Tuấn

Đông

Vinh

Sơn

Tuấn

Đông

Vinh

Hiệp

Hùng

T.Anh B

T.Anh A

Hòa

Hùng

T.Anh B

Đêm

Sơn

Tuấn

Đông

Vĩnh

Sơn

Tuấn

Đông

T.Anh A

Hòa

Hùng

T.Anh B

T.Anh A

Hiệp

Hùng

Nghỉ

Vinh

Sơn

Tuấn

Đồng

Vinh

Sơn

Tuấn

T.Anh B

Đông

T.Anh A

Tạ

Hùng

T.Anh B

Hùng

T.Anh A

Tạ

Trực HT

Hiệp

Hòa

Hiệp

Hiệp

Hòa

Hiệp

Hiệp

 

Phụ lục số 8

ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2368/TNVN-TKBT
V/v tiếp, phát sóng chương trình thời sự VOV1 của Đài TNVN

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Đài Phát thAnh và Truyền hình Hà Nội

Căn cứ Công văn số 1211/PTTH-TCCB ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội về việc cho phép tiếp, phát sóng chương trình thời sự khung giờ 6h00-6h30 hàng ngày phát trên Kênh Thời sự (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) có ý kiến như sau:

1. Đài TNVN đồng ý cho Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội tiếp, phát sóng chương trình thời sự Kênh VOV1 trong khung giờ 6h00-6h30 hàng ngày.

2. Khi tiếp, phát sóng các chương trình trên Kênh VOV1 của Đài TNVN, Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội cần phải đảm bảo nguyên vẹn, không cắt xén hay thay đổi nội dung chương trình được tiếp sóng.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TGĐ Phạm Mạnh Hùng (để b/c);
- Phó TGĐ Vũ Hải Quang (để b/c);
- Trung tâm Sản xuất & LTCT;
- Trung tâm Kỹ thuật PTTH;
- Lưu: VT, TKBT.

TL. TỔNG GIÁM ĐỐC
TRƯỞNG BAN
BAN THƯ KÝ BIÊN TẬP




Đồng Mạnh Hùng

 

Phụ lục số 9

Phụ lục A - Mẫu số: 04-NH

Phụ lục số 10

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/QĐ-PTTH

Hà Nội, ngày 4 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ủy quyền chịu trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm soát nội dung chương trình kênh phát thanh FM 90 MHz, FM 96 MHz

TỔNG GIÁM ĐỐC ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công;

Căn cứ Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 17 tháng 12 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ủy quyền cho ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh “Truyền hình Hà Nội chịu trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm soát nội dung chương trình phát sóng trên kênh phát thanh FM 90 MHz, FM 96 MHz; phê duyệt khung lịch phát sóng hàng năm, phê duyệt lịch phát sóng hàng tuần/ngày của các kênh phát thanh FM 90 MHz, 96 MHz.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Trưởng Ban biên tập Chương trình Phát thanh, Trưởng Phòng Kỹ thuật Phát thanh, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban Tài chính, Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng, ban có liên quan và ông Nguyễn Tiến Dũng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban TGĐ Đài;
- Lưu: VT, TCCB.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Kim Khiêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3847/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án về sản xuất kênh chương trình phát thanh trong nước (Kênh chương trình phát thanh FM 96 - Thời sự tổng hợp) do Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 3847/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chử Xuân Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản