Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 38/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 05 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÔNG TÁC TRỰC BAN PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương;

Căn cứ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;

Căn cứ Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

Theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 11/TTr-PCLB ngày 16 tháng 8 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 940/BC-STP ngày 22 tháng 8 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 3 Chương và 13 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

QUY ĐỊNH

CÔNG TÁC TRỰC BAN PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng và thời gian trực ban

1. Phạm vi điều chỉnh: quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, bao gồm: thời gian trực ban, nhiệm vụ trực ban, tổ chức trực ban trong từng tình huống cụ thể, thông tin báo cáo trực ban, chế độ công tác trực ban.

2. Đối tượng thực hiện: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Thời gian trực ban:

a) Từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12: trực ban theo chế độ 24/24 giờ trong mùa mưa, bão được quy định tại Quyết định số 103/QĐ-PCLBTW ngày 04 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương;

b) Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 04 tháng 5, trường hợp xảy ra lũ, bão, thiên tai khác hoặc khi có sự cố công trình phòng chống lụt bão thì các cấp, các ngành có liên quan phải kịp thời tổ chức trực ban đột xuất 24/24 giờ để kịp thời ứng phó và xử lý có hiệu quả các tình huống;

c) Khi có lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai khác xảy ra các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố có liên quan phải tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

d) Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì trực ban và trực canh thông tin liên lạc tại cơ quan Bộ chỉ huy, 05 Đồn Biên phòng và Hải đội 2 Biên phòng liên tục, khép kín 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm.

Điều 2. Nhiệm vụ chung

1. Tham mưu giúp Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn mỗi cấp, mỗi ngành theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng chống lụt bão bao gồm: diễn biến thời tiết, mưa, lũ, bão và các thiên tai khác thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương; diễn biến các công trình phòng chống lụt bão; tình hình tổ chức lực lượng và huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (bao gồm nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị và các cơ sở vật chất kỹ thuật, …) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai gây ra.

2. Đảm bảo truyền đạt thông tin kịp thời trong quá trình điều hành, chỉ huy, chỉ đạo, xử lý trong mọi tình huống nhằm ứng phó khi có thiên tai xảy ra; tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp để truyền đạt kịp thời đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc, xã, phường, thị trấn, các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể và nhân dân để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt; tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp trong việc tổ chức phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong địa bàn thuộc địa phương, đơn vị quản lý; xử lý các sự cố công trình phòng chống lụt bão; tổ chức điều động các lực lượng, phương tiện để chi viện các địa phương, đơn vị khác theo lệnh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp trên.

3. Đảm bảo thông tin, liên lạc, chỉ huy thông suốt trong mọi tình huống từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở, ban, ngành đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; báo cáo kịp thời kết quả thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, địa phương mình, nếu vượt thẩm quyền, khả năng giải quyết phải báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên để chỉ đạo xử lý kịp thời; đối với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

4. Báo cáo tình hình phòng, chống, đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp trên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương II

TỔ CHỨC TRỰC BAN TRONG TỪNG TÌNH HUỐNG CỤ THỂ

Mục 1. TÌNH HUỐNG BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

Điều 3. Công tác trực ban trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ, cập nhật tin tức, thường xuyên theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới như diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng và dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra thông qua bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh đồng thời tham khảo thêm dự báo bão, áp thấp nhiệt đới của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế;

b) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện và phổ biến các công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo đó đến các sở, ban, ngành, đơn vị và huyện, thành phố;

c) Ban hành các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản, … để triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới đến các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố. Đặc biệt, kể từ thời điểm có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ phải thường xuyên liên hệ để nắm tình hình tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó của các địa phương, đơn vị. Xác định các khu vực xung yếu để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện cho các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện việc phòng, tránh, ứng phó và tổ chức sơ tán, di dời dân kịp thời, an toàn; cụ thể như sau:

- Khi nhận tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa: tham mưu công điện để cảnh báo đến các đơn vị, địa phương quản lý tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

- Khi nhận tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin bão trên biển Đông: tham mưu công điện để yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố chuẩn bị phương án phòng, chống, ứng phó.

- Khi nhận tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp: căn cứ vào vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão tham mưu các công điện khẩn để triển khai phương án phòng, chống, ứng phó phù hợp.

- Ngoài ra, trong trường hợp có các ý kiến chỉ đạo của Trung ương phải tham mưu các công điện, thông báo, văn bản để triển khai kịp thời nội dung chỉ đạo đó đến các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố;

d) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa, tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tin bão trên biển Đông: báo cáo nhanh tình hình tàu thuyền 01 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ và tin bão khẩn cấp: báo cáo nhanh công tác triển khai ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan, đơn vị 02 lần/ngày.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về bão, áp thấp nhiệt đới, các diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng;

b) Tiếp nhận công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; trong khoảng thời gian không quá 30 phút, phổ biến kịp thời đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn và các cơ quan, phòng, ban, đơn vị trực thuộc; triển khai công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, phương án; chuẩn bị và triển khai kế hoạch, phương án di dời dân ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

c) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh công tác triển khai ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới của địa phương, đơn vị mình, như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa, tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tin bão trên biển Đông: tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ và tin bão khẩn cấp: báo cáo 02 lần/ngày.

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về bão, áp thấp nhiệt đới, các diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng;

b) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố; trong khoảng thời gian không quá 30 phút, thông báo kịp thời, rộng rãi đến các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn, các khu phố, thôn, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn. Thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới; chuẩn bị và triển khai kế hoạch, phương án di dời dân ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố;

c) Định kỳ báo cáo (ít nhất 01 lần/ngày) cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố về tình hình và kết quả triển khai công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới trên địa bàn quản lý.

4. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

a) Tổ chức trực ban, kiểm tra, nắm số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên, duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền; thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới; báo cáo tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa: báo cáo 01 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão trên biển Đông, tin bão gần bờ: báo cáo 02 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão khẩn cấp và bão đổ bộ: báo cáo 03 lần/ngày;

b) Triển khai việc bắn pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định;

c) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và cơ quan cấp trên. Tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới triển khai kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn tỉnh và khu vực giáp ranh tỉnh; phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai thực hiện việc cấm tàu thuyền ra khơi khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

d) Duy trì trực canh thông tin liên lạc, trực phòng chống lụt bão ở các tần số trực canh (chế độ thoại USB) ban ngày 9339 kHz (từ 06 giờ đến 17 giờ 59 phút), ban đêm 6973 kHz (từ 18 giờ đến 05 giờ 59 phút) 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm để tiếp nhận thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển của tàu thuyền báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

đ) Sẵn sàng phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phòng, tránh, ứng phó khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh.

5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh:

a) Thực hiện chế độ trực ban để sẵn sàng tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ;

b) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và cơ quan cấp trên; tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới sẵn sàng phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị, địa phương triển khai kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phòng, tránh, ứng phó khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh.

6. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, kiểm tra, nắm số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên, duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền; thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới; báo cáo tình hình tàu thuyền về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa: báo cáo 01 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão trên biển Đông, tin bão gần bờ: báo cáo 02 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão khẩn cấp và bão đổ bộ: báo cáo 03 lần/ngày;

b) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Công tác trực ban trong khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời mọi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới cho các địa phương, đơn vị;

b) Theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều động lực lượng, phương tiện ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ;

c) Báo cáo nhanh cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh công tác triển khai ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

b) Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển kiểm tra và báo cáo tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn: tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố.

Điều 5. Công tác trực ban sau khi bão, áp thấp nhiệt đới đi qua

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: khi có tin cuối cùng về bão, áp thấp nhiệt đới: nếu có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tỉnh phải tổng hợp, báo cáo công tác đối phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tình hình thiệt hại, đề xuất, kiến nghị (nếu có) cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố: tổng hợp tình hình đối phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả bão, áp thấp nhiệt đới tại ngành, đơn vị, địa phương mình; đánh giá, xác định thiệt hại, đề xuất, kiến nghị (nếu có) báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn: trong thời gian 01 ngày tổng hợp tình hình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả bão, áp thấp nhiệt đới tại địa phương mình; đánh giá, xác định thiệt hại, đề xuất, kiến nghị (nếu có) báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố.

Mục 2. TÌNH HUỐNG MƯA LŨ, XẢ LŨ HỒ CHỨA NƯỚC, SẠT LỞ ĐẤT, LỐC XOÁY, ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN

Điều 6. Đối với mưa lũ

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Khi mực nước tại các trạm thủy văn vượt mức báo động cấp I: phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, thông báo cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận để đưa tin cho nhân dân biết và chủ động phòng, tránh đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và chủ động triển khai thực hiện phương châm “04 tại chỗ”, “03 sẵn sàng”; theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm tra thực địa các khu vực xung yếu để yêu cầu các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu, khắc phục ngay nếu xảy ra sự cố;

b) Khi có dự báo mưa to (từ 51 đến 100 mm) đến mưa rất to (trên 100 mm) thì đưa thông tin cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó hoặc tổ chức di dời;

c) Chủ động và thường xuyên liên hệ với các huyện, thành phố trọng điểm để nắm chắc diễn biến của mưa lũ, tình hình, sự cố công trình, mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân trong khu vực; yêu cầu các huyện, thành phố, đơn vị báo cáo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Trung ương theo quy định;

d) Tổng hợp báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân tỉnh công tác triển khai ứng phó với mưa lũ 01 lần/ngày, trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, báo cáo 02 lần/ngày;

đ) Khi kết thúc các đợt mưa lũ, nếu có ảnh hưởng, thiệt hại phải tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh công tác đối phó với mưa lũ, đánh giá tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả và đề xuất, kiến nghị.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tình hình ảnh hưởng của mưa lũ:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các công điện, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thường xuyên theo dõi bản tin dự báo diễn biến mưa lũ, lượng mưa của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh và liên hệ với các xã, phường, thị trấn trọng điểm để nắm chắc diễn biến của mưa lũ, tình hình, sự cố công trình; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân trong khu vực;

b) Tổng hợp báo cáo nhanh cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh công tác triển khai ứng phó với mưa lũ 01 lần/ngày, trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, báo cáo 02 lần/ngày;

c) Khi kết thúc các đợt mưa lũ, nếu có ảnh hưởng, thiệt hại phải tổng hợp báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh công tác đối phó với mưa lũ, đánh giá tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả và đề xuất, kiến nghị.

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của mưa lũ:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố thông báo rộng rãi đến các khu phố, thôn, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, ven sông, ven suối, vùng trũng thấp, ... phải cử cán bộ trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xuống khu phố, thôn để nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên liên hệ với các khu phố, thôn, tổ dân phố trọng điểm để nắm chắc diễn biến của mưa lũ, tình hình, sự cố công trình; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”;

b) Báo cáo nhanh công tác triển khai ứng phó với mưa lũ cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố 01 lần/ngày; trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, báo cáo 2 lần/ngày;

c) Khi kết thúc các đợt mưa lũ, nếu có ảnh hưởng, thiệt hại phải tổng hợp báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố công tác đối phó với mưa lũ, đánh giá tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả và đề xuất, kiến nghị.

Điều 7. Đối với xả lũ hồ chứa nước

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Khi nhận được thông báo xả lũ của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, thông báo cho các cơ quan thông tấn báo chí để đưa tin cho nhân dân biết và chủ động phòng, tránh đồng thời thông báo cho các địa phương, đơn vị có liên quan để chuẩn bị phương án hoặc tổ chức di dời dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn;

b) Thường xuyên liên hệ với các địa phương, đơn vị liên quan để nắm diễn biến, tình hình ảnh hưởng của xả lũ đồng thời liên hệ với các đơn vị quản lý hồ chứa nước để nắm chắc tình hình xả lũ, kịp thời thông tin cho các địa phương, đơn vị. Tùy theo tình hình thời tiết, thủy văn tại tỉnh (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ), Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý hồ chứa nước có phương án điều tiết lưu lượng xả lũ hợp lý.

2. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, các sở, ban, ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa nước:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng khắc phục thiệt hại do xả lũ gây ra, liên hệ thường xuyên với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trọng điểm để theo dõi diễn biến xả lũ và khắc phục kịp thời các sự cố công trình; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”;

b) Báo cáo sơ bộ tình hình thiệt hại (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại) cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (ít nhất 01 lần/ngày); sau đó, báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại (vị trí, tình hình, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa nước:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố; thông báo rộng rãi đến các khu phố, thôn, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, ven sông, ven suối, vùng trũng thấp, ... Thường xuyên liên hệ với các khu phố, thôn, tổ dân phố trọng điểm để nắm tình hình ảnh hưởng do xả lũ, sự cố ngập lụt cục bộ hoặc sự cố công trình; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”;

b) Báo cáo nhanh tình hình thiệt hại (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại) cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố 01 lần/ngày. Sau đó, báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại (vị trí, tình hình, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

Điều 8. Đối với sạt lở đất, lốc xoáy

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Khi nhận được thông tin sạt lở đất, lốc xoáy từ các địa phương, đơn vị phải tổ chức trực ban, bố trí cán bộ đi thực địa kiểm tra hiện trường để đánh giá nguyên nhân sự cố, triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời;

b) Liên hệ, phối hợp các sở, ban, ngành, huyện, thành phố: tổng hợp tình hình thiệt hại và các biện pháp cảnh báo, khắc phục để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố (nơi xảy ra sự cố), các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng khắc phục thiệt hại do sạt lở đất, lốc xoáy gây ra, liên hệ thường xuyên với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến tình hình và tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố;

b) Báo cáo ngay tình hình thiệt hại (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, thiệt hại, …) cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (ít nhất 01 lần/ngày); sau đó, báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn (nơi xảy ra sự cố):

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố; thông báo đến các khu phố, thôn, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân trong các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất;

b) Báo cáo ngay tình hình thiệt hại (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, thiệt hại, …) cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố (ít nhất 01 lần/ngày); sau đó, báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

Điều 9. Đối với động đất, sóng thần

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Khi nhận được tin động đất, tin cảnh báo sóng thần từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải kịp thời tổ chức trực ban 24/24 giờ để tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp xử lý, ứng phó;

b) Tổng hợp tình hình thiệt hại, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn tỉnh để báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan Thường trực Phòng và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần):

a) Tiếp nhận thông tin động đất, cảnh báo sóng thần và tổ chức trực ban 24/24 giờ; thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên địa bàn tỉnh ban hành tại Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; triển khai các phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả các sự cố môi trường do động đất, sóng thần gây ra trên địa bàn tỉnh;

b) Tổng hợp chi tiết trong lĩnh vực tài nguyên môi trường (thống kê tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục) và các đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình ảnh hưởng của động đất, sóng thần:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, … sẵn sàng tổ chức di dời dân đảm bảo an toàn tuyệt đối; triển khai phương án chủ động sẵn sàng khắc phục thiệt hại do động đất, sóng thần; liên hệ thường xuyên với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến và tổ chức khắc phục kịp thời;

b) Tổng hợp chi tiết (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị) báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của động đất, sóng thần:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố; thông báo kịp thời, rộng rãi đến các khu phố, thôn, tổ dân phố và nhân dân, các khu du lịch, trường học, bệnh viện, các điểm thường tập trung đông người trên địa bàn; đặc biệt là nhân dân sống ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sóng thần, nhân dân sống trong các chung cư, nhà cao tầng, các chung cư xuống cấp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi động đất, dư chấn động đất đồng thời triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức di dời dân đến nơi an toàn;

b) Báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó, xử lý sự cố động đất, sóng thần và các đề xuất, kiến nghị.

Mục 3. TÌNH HUỐNG SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 10. Đối với sự cố tràn dầu

1. Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Khi nhận được tin sự cố tràn dầu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển thì phải tổ chức trực ban theo quy định;

b) Liên hệ với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) để nắm chắc tình hình, mức độ, khả năng ảnh hưởng của sự cố tràn dầu và tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp xử lý, ứng phó;

c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xin ý kiến chỉ đạo để phối hợp với các cơ quan liên quan và các tỉnh lân cận tổ chức ứng phó.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức trực ban theo quy định, triển khai phương án ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh;

b) Tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và các đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố (nơi xảy ra sự cố), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ:

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị …, triển khai phương án chủ động sẵn sàng khắc phục thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra; liên hệ thường xuyên với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến và tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố tràn dầu;

b) Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố tổng hợp chi tiết (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị) báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn (nơi xảy ra sự cố):

a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có yêu cầu, tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố; thông báo kịp thời, rộng rãi đến các khu phố, thôn, tổ dân phố, người dân, các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ sản xuất muối;

b) Báo cáo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu và các đề xuất, kiến nghị.

Chương III

THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC TRỰC BAN

Điều 11. Thông tin báo cáo theo quy định về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

1. Các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình hoạt động của đơn vị mình, các đơn vị tiến hành báo cáo theo các mẫu số 1, số 2, số 3, số 4 và phụ lục số 4, số 5a, số 5b.

2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản báo cáo theo các mẫu số 2, số 3, số 4 và phụ lục số 4, số 6a, số 6b.

3. Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh báo cáo theo các mẫu số 1, số 2, số 3, số 4 và phụ lục số 1, số 2.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi báo cáo theo các mẫu số 1, số 2, số 3, số 4 và phụ lục số 3, số 4, số 5b.

Điều 12. Chế độ và nguồn kinh phí

1. Người làm nhiệm vụ trực ban được hưởng các chế độ làm thêm giờ, làm đêm theo quy định của Luật Lao động.

2. Kinh phí chi trả cho công tác trực ban được sử dụng từ các nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho địa phương, đơn vị theo quy định.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo Quy định này trong phạm vi toàn tỉnh. Trường hợp những nội dung khác không có trong Quy định này thì áp dụng các văn bản khác có liên quan.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức và cá nhân phản ánh về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38/2011/QĐ-UBND về Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 38/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Xuân Hoà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản