Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3783/2003/QĐ-UB | Quảng Ninh, ngày 22 tháng 10 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
"V/V BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG BÃI TẮM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Pháp lệnh Du lịch số 11/1999/PL - UBTVQH10 ngày 08/2/1999 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Theo đề nghị của Sở Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, khai thác, sử dụng bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Giao Sở Du lịch hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành và các tổ chức kinh tế có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG BÃI TẮM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3783 /2003/QĐ-UB ngày 22/10/2003 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Các bãi tắm du lịch quy định trong Quy chế này là những bãi cát tự nhiên hoặc do tôn tạo, có đủ điều kiện cho việc tắm mát, bơi lội, giải trí của nhân dân địa phương và khách du lịch, được Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận.
Điều 2: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Quy chế này quy định việc quản lý, khai thác và sử dụng đối với tất cả các bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điều 3: Các tổ chức kinh tế xã hội có hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm du lịch phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các quy định Quy chế này.
Các hoạt động kinh doanh bãi tắm du lịch phải tuân thủ quy hoạch trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm trật tự trị an, vệ sinh môi trường; hành vi thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại cảnh quan tại các bãi tắm du lịch. Các hành vi vi phạm quy định này đều bị xử lý, trong trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương II
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN CỦA BÃI TẮM DU LỊCH
Điều 4: Các tiêu chuẩn, điều kiện đối với một bãi tắm du lịch.
- Là bãi tắm có không gian cảnh quan thoáng mát, môi trường sạch sẽ và có nguồn nước sạch.
- Có hệ thống giao thông thuận lợi đảm bảo cho việc đi lại của khách du lịch.
- Có các điểm trông giữ xe hoặc bến đỗ của tàu thuyền du lịch; nơi đón tiếp, trông giữ, bảo quản hành lý của người tắm; các dịch vụ cho thuê phao bơi, quần áo tắm; hệ thống công trình vệ sinh công cộng đảm bảo vệ sinh; nhà tráng nước ngọt và duy trì thường xuyên dịch vụ vệ sinh môi trường bãi tắm du lịch.
- Có nội quy và biển hiệu, hệ thống cung cấp thông tin về bãi tắm du lịch. Có hệ thống phao, cờ chỉ giới khu vực an toàn cho người tắm.
- Có bộ phận cứu hộ, cứu nạn và phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch; có các điều kiện tối thiểu về cứu hộ, cứu nạn như: Đài quan sát, xuồng cứu sinh, hệ thống loa phát thanh, thợ bơi lặn, nhân viên cứu hộ, cứu nạn, túi thuốc cấp cứu và các dụng cụ cần thiết khác.
- Việc xây dựng bãi tắm du lịch phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chỉ có các tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh mới được kinh doanh bãi tắm du lịch.
Điều 5: Quyền và nghĩa vụ của các Tổ chức kinh tế quản lý bãi tắm du lịch.
- Bố trí, sắp xếp hợp lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu vực bãi tắm;
- Thu, sử dụng các nguồn thu phí và các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Thành lập bộ phận quản lý bãi tắm; Xây dựng nội quy, quy chế quản lý bãi tắm; Treo biển hiệu, niêm yết nội quy, quy chế quản lý bãi tắm du lịch; Phổ biến, hướng dẫn cho các đối tượng tham gia hoạt động tại khu vực bãi tắm du lịch biết, thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương duy trì trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại khu vực bãi tắm du lịch và xung quanh khu vực bãi tắm du lịch.
- Trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, có điểm sơ cứu y tế và thực hiện các quy định khác của pháp luật về các điều kiện an toàn cho khách du lịch.
- Có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch.
- Tổ chức thu gom rác thải, đặt thùng rác ở những vị trí thuận tiện cho khách xả rác; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khu vực bãi tắm du lịch trước khi thải ra môi trường xung quanh; Xây dựng khu vệ sinh công cộng tại các vị trí phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 6: Quyền và nghĩa vụ của khách du lịch
- Được bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản khi tham gia các hoạt động trong khu vực bãi tắm du lịch; Được cung cấp các thông tin và dịch vụ cần thiết về hoạt động tại bãi tắm du lịch; Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi xâm phạm lợi ích cá nhân, các lợi ích hợp pháp và các vi phạm pháp luật khác tại khu vực bãi tắm du lịch.
- Có trách nhiệm tuân thủ nội quy, quy chế của bãi tắm du lịch; Tôn trọng và chấp hành các quy định khác của pháp luật; Bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường, giữ gìn vệ sinh và an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tôn trọng thuần phong, mỹ tục địa phương nơi có bãi tắm du lịch; Mua vé vào bãi tắm (nếu có) và trả tiền sử dụng dịch vụ; Trong trường hợp vi phạm nội quy, quy chế quản lý bãi tắm du lịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 7: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khu vực bãi tắm du lịch:
1/ Được bảo hộ tài sản, nguồn thu hợp pháp từ hoạt động kinh doanh du lịch; Được kinh doanh các dịch vụ du lịch theo quy định của pháp luật; Tham gia cung cấp sản phẩm du lịch và dịch vụ cho khách du lịch; Khôi phục, phát triển các giá trị truyền thống của địa phương; Xây dựng phong cách văn minh du lịch trong giao tiếp và kinh doanh.
2/ Trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch phải đăng ký với Tổ chức kinh tế quản lý bãi tắm du lịch; Đăng ký kinh doanh và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh; Niêm yết công khai giá bán các loại hàng hoá, dịch vụ; bán đúng giá đã niêm yết; Đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống thực hiện các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại bãi tắm du lịch; Chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy và an toàn lao động; Thu gom chất thải đưa đến nơi quy định; Trang bị các phương tiện để xử lý nước thải, rác thải theo quy định của Ban quản lý bãi tắm du lịch; Phát hiện và tố giác các hoạt động khai thác kinh doanh bất hợp pháp, không tuân thủ đúng nội quy, quy chế quản lý bãi tắm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC QUẢN LÝ BÃI TẮM:
Điều 8: Trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân phường, xã nơi có bãi tắm du lịch:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư tuân thủ các quy định của Nhà nước về khai thác, sử dụng và kinh doanh trong khu vực bãi tắm du lịch theo đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và giải quyết tình trạng ăn xin, ăn mày, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch.
Điều 9: Trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban ngành liên quan đến hoạt động quản lý và kinh doanh dịch vụ trong khu vực bãi tắm du lịch.
- Tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh các chính sách về quy hoạch, quản lý, sử dụng và bảo vệ các bãi tắm du lịch.
- Theo dõi tình hình hoạt động của các bãi tắm du lịch trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tại bãi tắm du lịch theo thẩm quyền.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Điều 10:
1/ Các Tổ chức kinh tế có bãi tắm đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Quy chế này sẽ được công nhận là bãi tắm du lịch.
2/ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành, các Tổ chức kinh tế đang quản lý, khai thác các bãi tắm trên địa bàn tỉnh tự kiểm tra, đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Quy chế này, làm văn bản báo cáo gửi Sở Du lịch để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định công nhận.
3/ Sau 60 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực, các Tổ chức kinh tế đang quản lý, khai thác các bãi tắm du lịch không có quyết định công nhận của Uỷ ban Nhân dân tỉnh thì không được kinh doanh bãi tắm du lịch.
4/ Giao Sở Du lịch kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện bãi tắm du lịch của các Tổ chức kinh tế trước khi trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận.
5/ Các tổ chức kinh tế, cá nhân tiến hành các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, kinh doanh trong khu vực bãi tắm du lịch trái với các quy định trong Quy chế này và các quy định khác của pháp luật thì theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 11: Trong quá trình thực Quy chế, nếu có vướng mắc phát sinh sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Điều 12: Giao Sở Du lịch theo dõi, hướng dẫn và tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế, báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh./.
Quyết định 3783/2003/QĐ-UB về Quy chế tạm thời quản lý, khai thác, sử dụng bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Số hiệu: 3783/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/10/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Duy Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/11/2003
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra