Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 372/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 13 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ YÊN BÁI GIAI ĐOẠN NĂM 2006 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Thông tư số 15/TT-BXD ngày 18/9/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2005/NQ-HĐND ngày 14/12/2005 tại kỳ họp thứ 5 khoá XVI của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 14/04/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006 - 2020;

Xét Tờ trình số 46/TT-UBND ngày 14/6/2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Yên Bái (kèm theo hồ sơ) về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 364/TT-SXD ngày 02/ 8/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006 - 2020 với nội dung như sau:

1.1- Vị trí nghiên cứu lập quy hoạch

a) Vị trí:

- Phía Bắc giáp huyện Trấn Yên;

- Phía Nam giáp huyện Trấn Yên;

- Phía Đông giáp Huyện Yên Bình;

- Phía Tây giáp huyện Trấn Yên.

b) Ranh giới quy hoạch:

Lấy thành phố Yên Bái hiện tại làm hạt nhân phát triển ra các vùng lân cận thành phố thuộc huyện Trấn Yên bao gồm các xã: Văn Phú, Văn Tiến, Hợp Minh, Âu Lâu, Phúc Lộc, Giới Phiên.

1.2- Tính chất đô thị:

- Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - văn hoá, khoa học của tỉnh Yên Bái;

- Là đô thị sinh thái đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc;

- Là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Tây Bắc và Đông Bắc;

- Là trung tâm du lịch của vùng Bắc Bộ và của tỉnh Yên Bái.

1.3- Quy mô dân số: 200.000 người (Tính đến năm 2020).

1.4- Quy mô đất đai: Diện tích đất tự nhiên 10.835 ha. Đất xây dựng đô thị 2.737 ha. Chỉ tiêu 156,4 m2/người.

1.5- Định hướng phát triển không gian đô thị:

Lấy đô thị hiện tại làm hạt nhân phát triển về các hướng:

- Hướng Đông theo quốc lộ 37 mở sát về thị trấn Yên Bình, nối thị trấn Yên Bình và thành phố Yên Bái thành chuỗi đô thị.

- Hướng Tây phát triển về phía xã Tuy Lộc và xã Nam Cường.

- Hướng Đông Nam phát triển về khu vực xã Văn Phú và xã Văn Tiến, khu vực xây dựng khu công nghiệp tập trung của tỉnh.

- Phía hữu ngạn sông Hồng, phát triển sang khu vực các xã: Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc và Âu Lâu. Lấy sông Hồng làm trục phát triển không gian đô thị, mở rộng và tiếp cận với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dự kiến xây dựng của Chính phủ.

Thành phố Yên Bái sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ tổ chức thành 17 đơn vị hành chính bao gồm 10 phường (Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Đồng Tâm, Yên Thịnh, Hợp Minh, Nam Cường, Tuy Lộc) và 7 xã ngoại thành (Minh Bảo, Tân Thịnh, Phúc Lộc, Giới Phiên, Âu Lâu, Văn Phú, Văn Tiến) được tổ chức thành các khu chức năng như sau:

a) Khu công nghiệp kho tàng: Diện tích 500 ha được chia làm 4 khu chính:

* Khu công nghiệp Tuy Lộc: Diện tích 55 ha, nằm tại khu vực xã Tuy Lộc gắn với ga đường sắt, cảng đường thuỷ, ga hàng không, bao gồm các loại hình công nghiệp: sửa chữa, đóng tàu, hàng điện tử.

* Khu công nghiệp Hợp Minh - Âu Lâu: Diện tích 69,4 ha, thuộc xã Hợp Minh, xã Âu Lâu bố trí sản xuất các mặt hàng chế biến lâm sản, lương thực chè, gỗ, ván ép và vật liệu xây dựng.

* Khu công nghiệp Đầm Hồng: Diện tích 49 ha bố trí các ngành công nghiệp sản xuất nhẹ, chính xác, tiểu thủ công nghiệp và nhà máy sứ.

* Khu công nghiệp phía Nam: Diện tích 280 ha, thuộc xã Văn Phú, Văn Tiến. Đây là khu công nghiệp trọng tâm của tỉnh bao gồm các nghành sản xuất: Bột đá, ván ép, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, luyện thép…

Ngoài ra còn bố trí các khu sản xuất nhỏ không gây độc hại cho môi trường trong đô thị với quy mô 39 ha và các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các xã Nam Cường, Giới Phiên, Phúc Lộc với quy mô 7,6 ha.

Dự kiến sẽ di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất, kho tàng gây ô nhiễm ra khỏi nội thành và các khu dân cư tập trung.

Bố trí hệ thống kho tàng gắn liền với cụm ga mới, bến cảng và các khu công nghiệp.

b) Khu cơ quan, trường học:

* Khu trung tâm hành chính chính trị: Diện tích 69 ha

Khu trung tâm hành chính chính trị văn hoá của tỉnh được giữ nguyên tại vị trí Km5 phường Đồng Tâm gồm các cơ quan trọng yếu của tỉnh.

Khu trung tâm thành phố được tiếp tục hoàn thiện ở khu vực ngã tư Cao Lanh phường Yên Ninh. Mở rộng quảng trường trước Uỷ ban nhân dân thành phố.

Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cơ bản vị trí giữ nguyên như hiện nay

* Khu Trường học: Diện tích 28 ha.

Các trường chuyên nghiệp bao gồm Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Trung học kinh tế, Trường Chính trị và các trường nghệ thuật được giữ tại vị trí cũ thuộc phường Yên Thịnh và phường Đồng Tâm. Xây dựng thêm trường Đại học cộng đồng, tại khu vực phường Yên Thịnh.

c) Khu ở dân cư: Diện tích 1.037,3 ha. Giữ nguyên khu ở của dân cư hiện nay trong thành phố cũ, có chỉnh trang, cải tạo cho phù hợp với cảnh quan đô thị.

Bố trí dân cư theo địa hình tránh san gạt lớn làm biến dạng địa hình tự nhiên.

Dự kiến sẽ phát triển thêm các điểm dân cư mới tập trung ở các xã: Tuy Lộc, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Phú, Văn Tiến và dọc hai bên bờ sông Hồng.

d) Khu công viên cây xanh, thể dục thể thao: Tổng diện tích 216,23 ha

Khu thể dục Thể thao: Giữ nguyên sân thể thao nhà thi đấu ở vị trí hiện tại. Xây dựng mới khu liên hợp thể thao và nhà văn hoá ngoài trời trên trục đường Km5-Yên Bình.

Công viên cây xanh: Xây dựng và hoàn thiện các công viên: Km5, Km7, Yên Hoà, Nam Cường và công viên dọc hai bên bờ sông Hồng. Các khu đồi cao trong thành phố xây dựng thành các công viên rừng để cải tạo vi khí hậu và tạo cảnh quan đô thị. Chỉnh trang các vườn hoa đã có, nạo vét lòng suối, kè 2 bên bờ sông Hồng, trồng cây xanh cách ly để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

e) Khu thương mại dịch vụ: Tổng diện tích 36 ha. Giữ nguyên các chợ ở vị trí hiện nay, đồng thời bổ sung thêm các điểm dịch vụ tại các khu dân cư tập trung. Tôn tạo xây dựng khu vực ga Yên Bái, khu trung tâm Km5 thành trung tâm thương mại cấp khu vực.

Xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ mới phía hữu ngạn sông Hồng.

Khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng kết hợp với các điểm văn hoá tín ngưỡng, làng sinh thái để hình thành các điểm du lịch.

f) Khu y tế diện tích 13,5 ha: Giữ nguyên tại vị trí hiện tại nâng cấp chỉnh trang cho đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Xây dựng bệnh viện Đa khoa mới cấp khu vực với quy mô 300-500 giường phía hữu ngạn sông Hồng tại xã Phúc Lộc. Ưu tiên các quỹ đất để phát triển hệ thống bệnh viên tư nhân.

g) Khu di tích, văn hoá: Tôn tạo các khu văn hoá tâm linh đã có gồm: Chùa Am, đền Tuần Quán, đền Đông Cuông Vọng, khu Lăng mộ Nguyễn Thái Học, Khu Đồn Cao, Khu văn hoá tâm linh xã Nam Cường…

Xây dựng Bảo tàng tỉnh Yên Bái tại trung tâm km5.

1.6- Về kiến trúc và cảnh quan đô thị:

- Hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên. Cải tạo hồ ao cũ, các vùng trũng, thung lũng nhỏ thành những hồ nước, công viên cây xanh tạo bản sắc đô thị vùng núi.

- Các khu phố cũ được chỉnh trang cải tạo, giảm mật độ dân số, tăng diện tích cây xanh cho các khu ở.

- Các công trình công cộng xây dựng hiện đại, kết hợp khai thác bản sắc kiến trúc địa phương.

1.7- Quy hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

a) Giao thông:

Giao thông đối ngoại:

* Đường bộ: Xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy ở hữu ngạn sông Hồng. Các tuyến quốc lộ 32C,37, 70 dự kiến nâng cấp và mở rộng. Nối tuyến Quốc lộ 70 với quốc lộ 32C qua cầu Văn Phú.

Xây dựng thêm Bến xe liên tỉnh tại hữu ngạn sông Hồng gần khu vực cầu Yên Bái.

* Đường sắt: Ga Yên Bái dự kiến chuyển lên khu vực xã Tuy Lộc, tuyến đường sắt sẽ được nắn chạy song song với đường Lý Thường Kiệt qua ngã tư Nam Cường.

Đường thuỷ: Xây dựng Bến cảng tại các khu vực: Tuy Lộc, Âu Lâu, Bách Lẫm, Văn Phú.

Giao thông nội thị: Xây dựng trên cơ sở mạng lưới hiện có. Mở thêm các tuyến đường chính hướng tâm vào thành phố tạo thành “ năm cửa ô ” gồm:

- Hướng từ Hà Nội qua thị trấn Yên Bình theo tuyến đường Km5-Yên Bình về trung tâm Km5.

- Hướng từ Lao Cai qua xã Minh Bảo về Trung tâm Km5.

- Hướng từ các huyện phía Tây tỉnh Phú Thọ theo quốc lộ 32C qua cầu Văn Phú về trung tâm Km5.

- Hướng từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu qua cầu Yên Bái vào thành phố.

- Hướng từ các huyện Trấn Yên, Văn Yên theo Đại lộ Xuân Lan vào thành phố.

Xây dựng các tuyến đường chính đô thị: Đường Km5-Yên Bình, đường Km5 - Cầu Văn phú, đường Km5 - Đại Đồng và các tuyến chính khu vực: đường Nguyễn Thái Học - Tuy Lộc, đường Khe Sến - Lý Thường Kiệt, đường từ trụ sở Báo Yên Bái đi cầu Văn Phú (quy mô 7,5 + 2x5 m).

Dự kiến xây dựng thêm cầu qua sông Hồng gồm các cầu: Giới Phiên, Hồng Hà, Nga Quán.

b) Cấp điện: Tổng phụ tải điện đến năm 2020 là 120.782 Kw. Tiêu chuẩn điện sinh hoạt 330 W/người, điện sản xuất 150 - 450 Kw/ha. Nguồn điện lấy từ lưới điện quốc gia qua trạm 220/110Kv Yên Bái và nhà máy thuỷ điện Thác Bà.

Xây dựng tuyến 220 Kv từ Tuyên Quang đến trạm 220/110Kv Yên Bái và tuyến 110 Kv mạch kép nối từ trạm Km9 đến trạm Âu Lâu.

Dựa trên mạng điện hiện tại cải tạo và nâng cấp toàn bộ lưới 10 Kv thành 22 Kv, cải tạo, nâng cấp các tuyến 0,4 Kv đảm bảo bán kính phục vụ nhỏ hơn 250 mét.

Hoàn chỉnh toàn bộ mạng lưới chiếu sáng của thành phố.

c) Cấp nước: Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2020 là 46.000 m3/ngày đêm. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt 120 lít/người/ngày đêm, tính cho 100% dân số đô thị, nước công nghiệp 30m3/ha, nước dịch vụ và công trình công cộng 12% nước sinh hoạt.

Nguồn nước sử dụng của hồ Thác Bà và sông Hồng. Dự kiến đến giai đoạn 2020 phải nâng công suất của các nhà máy nước hiện tại để đảm bảo nhu cầu cho 200.000 dân. Xây dựng thêm các tuyến ống tại các khu đô thị mới, nâng cấp cải tạo các tuyến cũ trên cơ sở mạng hiện có.

d) Thoát nước và vệ sinh môi trường: Căn cứ vào các lưu vực chính của thành phố xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ hoàn chỉnh đảm bảo không ngập lụt cục bộ. Nước mưa thoát theo địa hình tự nhiên qua hệ thống thoát ra suối. Nước sinh hoạt thoát theo các cống riêng về khu sử lý tập trung. Nước thải công nghiệp có xử lý cục bộ trước khi thoát vào hệ thống chung.

Tổ chức các điểm thu gom rác. Rác thải công nghiệp, bệnh viện được phân loại và xử lý riêng.

Dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại xã Văn Tiến.

Khu nghĩa trang Đá Bia sẽ được sử dụng đến năm 2010. Sau 2010 sẽ xây dựng thêm nghĩa trang tại xã Văn Tiến.

e) Chuẩn bị kỹ thuật: Chỉ san tạo cục bộ tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Cao độ nền xây dựng lớn hơn cốt 34m, độ dốc đường chính nhỏ hơn 5%.

1.8- Thành phần bản vẽ triển khai quy hoạch:

TT

Tên bản vẽ

Ký hiệu

Tỷ lệ

1

Bản đồ liên hệ vùng

KT 01

1/75.000

2

Bản đồ đánh giá hiện trạng đất xây dựng

KT 02

1/10.000

3

Bản đồ hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất xây dựng

KT 03

1/10.000

4

Bản đồ hiện trạng hạ tầng kỹ thuật

KT 04

1/10.000

5

Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2020

KT 06

1/10.000

6

Bản đồ định hướng giao thông và chỉ giới đường đỏ đến năm 2020

KTh 07

1/10.000

7

Bản đồ định hướng cấp điện đến năm 2020

KTh 08

1/10.000

8

Bản đồ định hướng cấp điện đến năm 2020

KTh 09

1/10.000

9

Bản đồ định hướng cấp nước đến năm 2020

KTh 10

1/10.000

10

Bản đồ định hướng thoát nước và VSMT đến năm 2020

KTh 11

1/10.000

11

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010

KT 12

1/10.000

12

Bản đồ quy hoạch giao thông và chỉ giới đường đỏ đến năm 2010

KTh 13

1/10.000

13

Bản đồ quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đến năm 2010

KTh 14

1/10.000

14

Bản đồ định hướng cấp điện đến năm 2010

KTh 15

1/10.000

15

Bản đồ định hướng cấp nước đến năm 2010

KTh 16

1/10.000

16

Thuyết minh tóm tắt

 

 

17

Thuyết minh tổng hợp

 

 

18

Điều lệ quản lý quy hoạch

 

 

Điều 2. Uỷ ban nhân dân thành phố Yên Bái phối hợp cùng Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố công khai điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006-2020 để các tổ chức và cá nhân biết, tham gia kiểm tra và thực hiện quy hoạch.

- Triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết xã, phường cũ và các xã dự kiến sát nhập vào thành phố Yên Bái theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006-2020 được phê duyệt.

- Xây dựng quy định về quản lý theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006-2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan tập trung huy động vốn để thực hiện các bước tiếp theo về đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Yên Bái; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trấn Yên; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Bình và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 372/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái giai đoạn năm 2006 - 2020

  • Số hiệu: 372/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Hoàng Xuân Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản