Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 372/1998/QĐ-UB | Lâm Đồng, ngày 13 tháng 12 năm 1998 |
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;
Căn cứ bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 và bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 01/CP ngày 04/1/1995 của Chính phủ;
Căn cứ chỉ thị số 286/TTg ngày 02/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tờ trình số 1477/TT-NN ngày 06/12/1997;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành đề án "Tổ chức trồng rừng và chính sách huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" kèm theo quyết định này
Điều 2: Đề án này có giá trị thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những chủ trương,chính sách và quy định trước đây của UBND tỉnh có nội dung không phù hợp với đề án này đều không còn giá trị thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện đề án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh đáp ứng với yêu cầu thực tế và chính sách, chủ trương của nhà nước.
Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội trong tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà lạt, giám đốc các lâm trường, trưởng các Ban quản lý rừng có trách nhiệm thực hiện đề án./.
TỔ CHỨC TRỒNG RỪNG VÀ HUY ĐỘNG VỐN TRỒNG RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định 372/1998/QĐ-UB ngày 13/2/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC TRỒNG RỪNG TRONG NHỮNG NĂM QUA
I. Diện tích rừng trồng từ năm 1976 - 1997:
Hiện có 26.318 ha
1. Cơ cấu cây trồng - giai đoạn trồng:
ST T | Cây trồng | Tổng diện tích (ha) | 1976-1979 | 1980-1984 | 1985-1987 | 1988-1990 | 1991-1993 | 1994-1997 |
| Tổng diện tích | 26.318 | 1.117 | 3.595 | 4.067 | 1.832 | 3.954 | 11.753 |
1 | Thông 3 lá | 22.770 | 893 | 3.354 | 4.037 | 1.508 | 2.992 | 9.986 |
2 | Thông 2 lá | 517 | 224 | 241 | 30 | 22 |
|
|
3 | Sao-sao keo | 1.775 |
|
|
| 15 | 520 | 1.240 |
4 | Dỗu | 114 |
|
|
| 28 | 86 |
|
5 | Keo - tràm | 542 |
|
|
| 99 | 263 | 180 |
6 | Bạch đàn | 126 |
|
|
| 126 |
|
|
7 | Điều | 127 |
|
|
| 34 | 93 |
|
8 | Nông lâm kết hợp (cà phê, quế...) | 347 |
|
|
|
|
| 347 |
2. Cơ cấu theo nguồn vốn đầu tư:
A. Ngân sách Nhà nước: 25.476 ha chiếm 96,8%. Trong đó nguồn vốn thuộc chương trình 327: 6.753 ha.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư bao gồm:
Từ năm 1991 về trước: Quỹ nuôi rừng, tiền nuôi rừng.
Từ năm 1992 đến nay: Tiền thuế tài nguyên và tiền cây đứng. Từ năm 1994, có thêm nguồn vốn đầu tư theo chương trình 327.
B. Các thành phần kinh tế khác: Thực hiện chủ trương giao, khoán đất lâm nghiệp, các thành phần kinh tế không phải Nhà nước đã nhận đất lâm nghiệp để trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp qua các thời kỳ. Tổng số diện tích rừng đã trồng tập trung là 842 ha, 347 ha rừng trồng nông - lâm kết hợp, gồm:
Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn): 705 ha, chiếm 2,76%, có 19 đơn vị giao 4.526 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng; trong đó 13 đơn vị được 705 ha rừng trồng tập trung, 347ha rừng trồng nông lâm kết hợp. Ngoài ra, các đơn vị này cũng đã trồng 354 ha cây công nghiệp, 30 ha cây ngắn ngày.
Hộ gia đình cá nhân: 137 ha chiếm 0,5%, có 61 hộ được giao 876 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, trong đó có 37 hộ đã đầu tư trồng được 137 ha rừng tập trung và 120 ha điều, 12 ha cây ăn quả.
Ngoài ra, tại lâm trường Bảo Lộc trong năm 1997,đã có 12 hộ nhận khoán 53,3 ha đất lâm nghiệp để sản xuất lâm nông kết hợp và đã có 3 hộ trồng được 14 ha rừng đặc sản.
Nhìn chung, rừng trồng trong những năm qua chủ yếu sử dụng cây bản địa nên phù hợp với sinh thái, sinh trưởng phát triển tốt,đã có khoảng 10.000 ha rừng thông 3 lá đưa vào tỉa thưa cho sản phẩm trung gian như gỗ giấy, củi. Ngoài ra, một số diện tích trồng keo ở Bảo Lâm, Đạ Huoai đã đưa vào kinh doanh. Một số loài cây dẫn nhập từ địa phương khác cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở tỉnh ta như quế...
III. Đánh giá công tác trồng rừng trong các năm qua:
1. Ưu điểm:
Thời gian qua, mặc dù trong điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, song với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương thông qua các dự án, chương trình quốc gia và sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh nên việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc đã đạt những kết quả nhất định, bước đầu huy động được sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế không phải nhà nước. Toàn tỉnh đã trồng được hơn 26.000 ha rừng tập trung, góp phần thu hẹp diện tích đất trống, đồi núi trọc, đưa độ che phủ bằng cây rừng của toàn tỉnh đặt 59,78% là mức cao so với các tỉnh trong cả nước, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế dần tình trạng xói mòn, rửa trôi đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương tạo sản phẩm xã hội.
2. Một số tồn tại:
Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác trồng rừng ở tỉnh ta còn nhiều tồn tại, khuyết điểm. Diện tích trồng rừng còn ít so với diễn biến mất rừng, hiệu quả trồng rừng còn thấp. Cụ thể:
Tình trạng trồng rừng không đúng kỹ thuật, chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ đúng mức, rừng trồng chưa phát triển, bị cháy, phải trồng đi trồng lại nhiều lần... còn xảy ra ở nhiều nơi, gây lãng phí lớn về lao động và ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn từ năm 1990 trở về trước,diện tích rừng trồng đạt tỉ lệ thành rừng chỉ mới khoảng 60% diện tích đã trồng.
Chưa huy động được sự tham gia đầu tư có hiệu quả của các thành phần kinh tế không phải Nhà nước; nguồn vốn đầu tư trồng rừng bằng ngân sách Nhà nước chiếm tỉ trọng quá lớn trong cơ cấu vốn đầu tư trong khi khả năng đầu tư của ngân sách còn hạn chế. Từ đó dẫn đến diện tích rừng trồng chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế tại địa phương.
Các thành phần kinh tế không phải Nhà nước khi tham gia trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp chưa mạnh dạn đầu tư và thực hiện đúng phương án sản xuất. Phần lớn các thành phần này chỉ tập trung đầu tư trồng cây công nghiệp, sản xuất nông nghiệp hoặc trồng rừng với các loại cây ít có giá trị, chu kỳ kinh doanh ngắn; tỷ lệ đất đưa vào trồng rừng, sản xuất lâm nông kết hợp chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 15% đất đã nhận để trồng rừng.
Những tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do:
Tỉnh chưa có kế hoạch và biện pháp thiết thực để huy động được sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội cùng tham gia và chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Đặc biệt là chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nhân dân tại chỗ tham gia tích cực vào công tác trồng rừng, người dân tại chỗ chỉ mới là người lao động làm thuê cho việc trồng rừng cho Nhà nước. Việc ký hợp đồng thuê khoán quản lý bảo vệ rừng hoặc giao đất sản xuất lâm nghiệp theo phương thức nông lâm kết hợp chưa được thực hiện tốt, đúng quy định.
Chưa gắn được trách nhiệm với quyền lợi thực sự của người dân với công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Từ đó, người nhận đất để trồng rừng hoặc nhận quản lý bảo vệ rừng trồng chủ yếu mới tập trung lo tận thu lâm sản và khai thác phần đất nông nghiệp theo tỷ lệ cho phép để sản xuất nông nghiệp hoặc khai thác lợi ích cục bộ khác của rừng, chưa quan tâm đến việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện trồng rừng; giao khoán đất trồng rừng của các cơ quan chức năng còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo; chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp không thực hiện đúng phương án trồng rừng đã được phê duyệt hoặc những trường hợp vi phạm hợp đồng theo các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng.
NHIỆM VỤ TRỒNG RỪNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN
I. Những thuận lợi, khó khăn đối với công tác chồng rừng trong tình hình mới:
1. Những thuận lợi cơ bản:
Trước hết, tỉnh ta đã phân định cụ thể đất nông,đất lâm nghiệp và đã xác định rõ quy mô diện tích, phạm vi ranh giới đất trống đồi núi trọc cần phải trồng rừng ở từng loại rừng: Đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, ở từng địa phương xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố và từng đơn vị quản lý rừng cụ thể:
Phương hướng, nhiệm vụ trồng rừng được thực hiện trong tình hình tỉnh ta đang thực hiện đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý lâm nghiệp trên quan điểm cương quyết chuyển đổi theo hướng xã hội hóa nghề rừng với phương hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành và vùng lãnh thổ, phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện, xã và nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên từng lãnh thổ và trong điều kiện tỉnh được Trung ương cho phép thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp ở rừng đặc rụng, rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Nhiệm vụ trồng rừng của tỉnh ta được đặt ra trong giai đoạn thực hiện kế hoạch trồng 5 triệu ha rừng trên toàn quốc nên có sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và sự thống nhất hưởng ứng cao của các ngành các cấp và quần chúng nhân dân, các thành phần kinh tế.
Công tác trồng rừng trong những năm qua tuy còn nhiều hạn chế, thiếu sót, nhưng qua đó đã thu được một số kết quả và kinh nghiệm để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, thấy rõ những thiếu sót để khắc phục trong thời gian tới.
Những thuận lợi nêu trên là những điều kiện cơ bản để huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
2. Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, công tác trồng rừng trong giai đoạn tới cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, mà những khó khăn lớn nhất là:
Hầu hết diện tích đất trống đồi núi trọc cần phải trồng rừng đều nằm rải rác, phân tán và diện tích nhỏ ở nhiều vùng, từ đó việc huy động nguồn lực bên ngoài để đầu tư trồng rừng tập trung gặp khó khăn do diện tích phần lớn tập trung ở vùng sâu, xa nên điều kiện đầu tư không thuận lợi, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông đi lại, khó quản lý. Mặt khác, việc huy động nhân dân tại chỗ đầu tư trồng rừng cũng rất hạn chế vì phần lớn nhân dân tại chỗ gắn với nghề rừng là dân kinh tế mới và dân tộc ít người, đời sống còn nhiều khó khăn, không có vốn để đầu tư trồng rừng.
Đất trống, đồi núi trọc cần phải trồng rừng thuộc phạm vi quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có diện tích khá lớn,khoảng 54.000 ha, chiếm tỉ lệ 60% đất hiện chưa có rừng trong khi chính sách đối với hai loại rừng này còn nhiều điểm chưa thật hợp lý. Nguồn thu từ hai loại rừng này hầu như không đáng kể, để trồng rừng Nhà nước phải đầu tư chủ yếu trong khi khả năng ngân sách Nhà nước còn rất nhiều khó khăn. Người dân và các thành phần kinh tế không phải Nhà nước muốn đầu tư trồng rừng ở hai loại rừng này nhưng chưa mạnh dạn thực hiện do chưa được Nhà nước cho phép kinh doanh và khai thác lâm sản; Việc giao, khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng kết hợp kinh doanh du lịch đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng Nhà nước chưa có chính sách cơ chế cụ thể. Vì vậy trồng rừng ở hai loại rừng này chưa thực sự có các điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực khác ngoài ngân sách.
II. Quan điểm mục tiêu trồng rừng trong giai đoạn tới.
1. Quan điểm:
Bằng mọi biện pháp và chính sách phù hợp nhằm huy động cho được tối đa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế (kể cả trong và ngoài nước) và nhân dân tại chỗ đầu tư công sức, vốn để trồng và chăm sóc,bảo vệ rừng trồng với hiệu quả cao nhất. Để thực hiện phương hướng này, phải xác định kế hoạch trồng rừng và cơ cấu vốn đầu tư hợp lý trong từng thời kỳ.
Thời kỳ 1998-2000, ưu tiên huy động vốn của các thành phần kinh tế trong, ngoài nước và nhân dân tại chỗ đầu tư trồng rừng sản xuất. Giai đoạn này, ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư để tổ chức quản lý,bảo vệ rừng; Đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ một phần vốn ban đầu để các lâm trường có chức năng kinh doanh trồng rừng sản xuất tổ chức kinh doanh theo phương án được duyệt và quy chế quản lý rừng liên quan.
Từ năm 2001 trở đi, đẩy nhanh hơn tốc độ trồng rừng một cách toàn diện, ở cả ba loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.Nghiên cứu cụ thể về đất đai, thổ nhưỡng để chọn lựa loại cây trồng thích hợp nhất cho từng loại rừng, từng khu vực đất để tiến hành trồng rừng, kể cả việc chọn những khu vực có khả năng trồng rừng chuyên canh cây cao su, quế... Phải chủ động kế hoạch về giống, diện tích, mục đích trồng rừng... để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện trồng rừng.
Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải quy hoạch, phân loại cụ thể từng khu vực để xác định cơ cấu rừng trồng hợp lý theo từng phân khu chức năng. Phải xác định các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu đệm ở rừng đặc dụng, các khu vực phòng hộ rất xung yếu, xung yếu và ít xung yếu ở rừng phòng hộ để xác định cơ cấu trồng rừng. Qua đó, xác định các khu vực có thể trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp hoặc trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp với tổ chức kinh doanh dưới tán rừng... để có cơ chế gọi vốn đầu tư cho thích hợp.
2. Mục tiêu trồng rừng trong giai đoạn mới:
Trước hết, trồng rừng là nhằm thực hiện bảo vệ môi trường một cách bền vững kết hợp với cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho nhu cầu sử dụng của nhân dân địa phương và công nghiệp chế biến gỗ. Tùy loại rừng mà xác định mục đích trồng rừng phù hợp.
Kết hợp với việc trồng rừng là chính với việc trồng các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp, cây đặc sản một cách hợp lý để đa dạng hóa sản phẩm rừng trồng, đáp ứng nhu cầu xã hội theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lợi dụng cây trồng xen, cây phù trợ, sản phẩm trung gian để sớm thu hồi vốn, tái đầu tư nhưng vẫn bảo đảm mục đích cuối cùng là rừng đặt yêu cầu về chất lượng, mật độ theo quy định.
Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, mục tiêu trồng rừng được xác định chủ yếu là lưu giữ, bảo vệ nguồn gien, bảo vệ môi trường,cảnh quan kết hợp hợp lý với sử dụng có hiệu quả đất rừng khi rừng chưa khép tán, hoặc sử dụng tán rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng.
Đối với rừng sản xuất, mục tiêu trồng rừng là tạo nguồn nguyên liệu chủ yếu cho nhu cầu sử dụng tại chỗ và sản xuất công nghiệp. Sản phẩm rừng trồng là tạo ra rừng cây chuyên canh, thâm canh có năng suất cao phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, ván ghép thanh, giấy, sợi, nhựa, dược liệu... Chuyển hướng trồng các loại cây bản địa có khả năng tái sinh tự nhiên cao sau khai thác để giảm chi phí đầu tư trồng rừng ở chu kỳ sau; chuyển hướng từ trồng rừng thuần loại sang trồng rừng hỗn giao nhiều tầng tán.
Trồng rừng theo hướng phát triển bền vững, trên cơ sở bảo vệ độ phì của đất đai, bảo vệ môi trường, hạn chế trồng những loài cây làm giảm độ phì của đất và ảnh hưởng bất lợi tới môi trường.
III. Kế hoạch trồng rừng trong giai đoạn tới:
1/ Diện tích đất chưa có rừng và diện tích dự kiến trồng rừng ở từng loại rừng, địa phương, đơn vị:
A) Rừng đặc dụng: Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 13.014 ha, gồm:
Huyện | Đơn vị quản lý | Diện tích đất chưa có rừng | Dự kiến trồng rừng | Khoanh nuôi T STN |
| Tổng số | 13.014 | 8.175 | 4.839 |
Lạc Dương | Ban QLRĐD Bi du p - Núi Bà | 7.537 | 3.770 | 3.765 |
Đà Lạt | Ban QLRĐD Lâm Viên Xí nghiệp giống lâm nghiệp | 3.810 359 | 3.430 320 | 380 39 |
Bảo Lâm | Ban QLRĐD Cát Lộc Chưa giao | 471 584 | 235 290 | 236 294 |
Cát Tiên | Ban QLRĐD Cát Lộc | 253 | 130 | 123 |
Vùng núi trung bình có độ cao 1. 500 m trở lên thuộc Huyện Lạc Dương và Thành phố Đà lạt. Địa bàn Thành phố Đà lạt cần sớm khôi phục lại cảnh quan, có điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng, có lao động trồng rừng và quản lý rừng sau khi trồng, bố trí trồng rừng khoảng 90% diện tích đất chưa có rừng. Địa bàn Huyện Lạc Dương, điều kiện giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, lại ở xa khu dân cư, tổ chức trồng rừng và quản lý rừng trồng khó, nên bố trí trồng rừng khoảng 50% diện tích đất chưa có rừng. Cây trồng rừng chủ yếu ở vùng này là thông 3 lá và một số loài có giá trị cao như pơ mu, thông 2 lá dẹt, thông 5 lá.
Vùng núi thấp thuộc 2 Huyện Bảo Lâm và Cát Tiên có độ cao dưới 1000m nơi có lượng mưa hàng năm khoảng 2000mm. Phần lớn diện tích đất chưa có rừng ở xa khu dân cư, có khả năng tái sinh tự nhiên mạnh, bố trí trồng khoảng 50% diện tích đất chưa có rừng: Cây trồng chủ yếu ở vùng này là sao, dầu và một số loài có giá trị cao như gõ đỏ, giáng hương.
Phần diện tích đất chưa có rừng ở loại rừng này hiện chưa bố trí trồng rừng, tiến hành khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để tạo thành rừng.
B) Rừng phòng hộ: Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 41. 677 ha, gồm:
Huyện | Đơn vị quản lý | Diện tích đất LN chưa có rừng | Dự kiến trồng rừng | Tái sinh tự nhiên |
| Tổng số | 41.677 | 29.175 | 12.502 |
Lạc Dương | Lâm trường Lạc Dương BQL rừng đầu nguồn Đa Nhim | 3.182 3.046 |
2.385 | 957 1.021 |
Đơn Dương | Lâm trường Đơn Dương BQL rừng đầu nguồn Đa Nhim Công an Đơn Dương | 3.103 1.049 652 | 2.170 735 455 | 933 314 197 |
Đức Trọng | Lâm trường Đức Trọng Ban QLRPH Đại Ninh Ban QLR Hiệp Thạnh (Công an Đức Trọng) Chưa giao Ban QLR Tà Năng (Bộ CHQS tỉnh) | 25 6.294 1.784
2.254 876 | 25 4.405 1.250
1.575 615 | 0 1.889 534
679 261 |
Lâm Hà | BQLRPH Bắc Lâm Hà Lâm trường Nam Ban Lâm trường Lán Tranh Ban QLR Phi Liêng Chưa giao | 5.478 5.787 450 1.443 1.314 | 3.835 4.050 315 1.010 920 | 1.643 1.737 135 433 394 |
Di Linh | Lâm trường Tam Hiệp Lâm trường Di Linh Lâm trường Bảo Thuận Ban QLR Hòa Bắc - Hòa Nam | 828 407 97 52 | 580 285 70 35 | 248 122 27 17 |
Thị xã Bảo Lộc | Chưa giao | 1.437 | 1.000 | 437 |
Bảo Lâm | Lâm trường Bảo Lộc | 407 | 285 | 122 |
Đạ Huoai | Lâm trường Đạ Huoai | 370 | 260 | 110 |
Đạ Tẻh | Lâm trường Đạ Tẻh | 982 | 690 | 292 |
Diện tích đất trồng rừng phòng hộ tập trung nhiều ở vùng có độ cao từ 800m đến 1.500m, từ Huyện Bảo Lâm, Thị xã Bảo Lộc đến huyện Lạc Dương. Chủ yếu đưa diện tích ở khu vực có nhiều thuận lợi vào trồng rừng 29. 175 ha (70%), diện tích phân tán ở vùng sâu, xa tiến hành khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Cây trồng chủ yếu là thông 3 lá, thông 2 lá và một số loài cây lá rộng như sao, dầu...
Vùng núi thấp thuộc các Huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh chủ yếu trồng sao, dầu và nghiên cứu trồng một số loài có giá trị ngoài gỗ như ươi,với diện tích 950 ha.
C) Rừng sản xuất: Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 37. 917 ha.
Huyện | Đơn vị quản lý | Diện tích đất LN chưa có rừng | Dự kiến trồng rừng | Tái sinh tự nhiên |
| Tổng số | 38.817 | 34.120 | 4.697 |
Đơn Dương | Lâm trường Đơn Dương Công an Đơn Dương Huyện đội Đơn Dương | 2.417 264 925 | 2.170 235 830 | 933 29 95 |
Đức Trọng | Lâm trường Đức Trọng Chưa giao | 2.948 1.142 | 2.650 1.030 | 298 112 |
Lâm Hà | Lâm trường Nam Ban Lâm trường Lán Tranh Chưa giao | 1.492 2.822 1.827 | 1.340 2.540 1.645 | 152 282 182 |
Di Linh | Lâm trường Tam Hiệp Lâm trường Di Linh Lâm trường Bảo Thuận Lâm trường Tân Thượng Ban QLR Hòa Bắc - Hòa Nam Chưa giao | 978 1.875 1.460 215 227 961 | 880 1.690 1.310 190 205 865 | 98 185 150 25 22 96 |
Thị xã Bảo Lộc | Chưa giao | 885 | 800 | 85 |
Bảo Lâm | Lâm trường Bảo Lộc Tổng C ty DDT Việt Nam Lâm trường Lộc Bắc Chưa giao | 6.023 737 1.985 1.452 | 5.420 665 1.785 1.305 | 603 72 200 117 |
Đạ Huoai | Lâm trường Đạ Huoai Ban QLR Nam Huoai Du lịch Suối Tiên Chưa giao | 2.085 407 97 486 | 1.880 365 90 440 | 205 42 7 46 |
Đạ Tẻh | Lâm trường Đạ Tẻh Chưa giao | 1.710 2.212 | 1.530 2.000 | 180 212 |
Cát Tiên | Ban QLR Cát Tiên | 285 | 255 | 30 |
Vùng núi thấp: Thuộc 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh,Cát Tiên. Có 7.282 ha, trong đó 6.560 ha có thể tập trung trồng hỗn loài những cây có giá trị kinh tế cao(sao, dầu, gõ, hương,tếch...) với các loài mọc nhanh làm nguyên liệu giấy đang có thị trường nội địa ổn định như:tre, nứa,lồ ô, keo tai tượng, keo lai...; cây ăn quả như:điều, sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm và một số loài cây công nghiệp: cao su, điều.
Vùng cao nguyên Di linh: Độ cao 800-1000m. Có 30.635 ha,trong đó có thể trồng 27.500 ha rừng ở 6 huyện, thị xã còn lại (trừ thành phố Đà Lạt, Huyện Lạc Dương). Khu vực này những năm trước đã được Nhà nước đầu tư lớn vào trồng rừng thông 3 lá, nay bổ sung trồng rừng thông 2 lá và một số loài cây lá rộng như sao, dầu. Ngoài ra, trồng xen các loài cây công nghiệp phù hợp: cà phê, trà, dâu và trồng một số loài cây lâm nghiệp đang được các đơn vị, các hộ nhận đất,khoán rừng trồng thực nghiệm có triển vọng: quế, hồi, canhki na.
Vùng này có điều kiện tổ chức trồng rừng tương đối thuận lợi hơn các vùng khác, có khả năng phủ xanh từ 80-90% diện tích đất trống và trong đó có khoảng 30% diện tích này có thể trồng rừng lâm nông kết hợp.
Cơ cấu diện tích trồng rừng sản xuất: tổng số 34.120 ha.
Trong đó:
+ Rừng tập trung cho nguyên liệu công nghiệp 24.120
+ Trồng rừng lâm nông kết hợp 10.000 ha.
2. Nhiệm vụ trồng rừng trong thời gian đến:
Qua xác định vị trí, địa điểm diện tích đất trống lâm nghiệp, các yếu tố tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội liên quan của từng vùng, từng loại rừng, khả năng tái tạo bằng trồng rừng tập trung và trồng rừng lâm nông kết hợp là 71.470 ha để đưa độ che phủ bằng rừng cây sau năm 2000là 70-71%. Trong đó:
Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 37.350 ha
Trồng rừng tập trung cho nguyên liệu 24.120 ha
Nông lâm kết hợp 10.000 ha.
A) Tiến độ trồng rừng:
Đơn vị tính: héc ta
Loại rừng trồng | Diện tích trồng | 1998 - 2000 | 2001 - 2005 | Sau 2005 |
Rừng đặc dụng | 8.175 | 2.000 | 4.000 | 2.175 |
Rừng phòng hộ | 29.175 | 6.000 | 12.000 | 11.175 |
Rừng nguyên liệu | 24.120 | 6.000 | 15.000 | 3.120 |
Lâm nông kết hợp | 10.000 | 4.000 | 6.000 | 0 |
Tổng cộng | 71.470 | 18.000 | 37.000 | 16.470 |
B) Vốn đầu tư:
(Không kể các công trình xây dựng phụ)
- Cho trồng rừng đặc dụng: 8.175x 5 triệu đồng = 40.875 triệu đồng
- Cho trồng rừng phòng hộ: 29.175x 5 triệu đồng = 145.875 triệu đồng
- Cho trồng rừng nguyên liệu: 24.120x 7 triệu đồng = 168.840 triệu đồng
- Cho trồng rừng nông lâm kết hợp: 100.000x 20tr. Đ = 200.000 triệu đồng
Tổng cộng = 555.590 triệu đồng
(Năm trăm năm mươi lăm ngàn, năm trăm chín mươi triệu đồng).
C) Nguồn vốn đầu tư và tiến độ đầu tư:
Đơn vị tính:
- Diện tích: héc ta
- Vốn: triệu đồng.
Nguồn vốn | 1998 - 2000 | 2001 - 2005 | 2006 - 2010 | Ghi chú | |||
Diện tích | Vốn | Diện tích | Vốn | Diện tích | Vốn | ||
Ngân sách Nhà nước đầu tư | 8.000 | 40.000 | 16.000 | 80.000 | 13.350 | 66.750 | Cho trồng rừng PHĐD |
Các thành phần kinh tế | 10.000 | 122.000 | 21.000 | 220.000 | 3.120 | 26.840 | Cho trồng rừng SX, NLKH |
Tổng cộng | 18.000 | 162.000 | 37.000 | 300.000 | 16.470 | 93.590 |
|
CHÍNH SÁCH HUY ĐỘNG VỐN VÀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRỒNG RỪNG
- Giai đoạn từ 1998- 2010, phấn đấu trồng hết diện tích đất hiện chưa có rừng có khả năng trồng rừng là 71. 470 ha. Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề này, cần phải có nguồn vốn hơn 550 tỷ đồng trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, nguồn lực đầu tư từ nhân dân, từ các thành phần kinh tế không phải của Nhà nước rất dồi dào nhưng chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư thỏa đáng nên chưa được khai thác hết.Nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư trồng rừng, nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác này, xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người, tổ chức bỏ vốn trồng rừng; Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia trồng rừng và tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư đảm bảo người, tổ chức trồng rừng được hưởng một cách cao nhất những thành quả trồng rừng theo quy định của pháp luật.
- Các dự án trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ ở Lâm Đồng do các thành phần kinh tế trong nước bỏ vốn đầu tư được xác định thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư và được hưởng những ưu đãi đầu tư theo quy định.
- Đầu tư trồng rừng bằng vốn nước ngoài thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài và theo hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Đối với dân nghèo, đồng bào dân tộc ít người,có chính sách hỗ trợ để có điều kiện trồng rừng gắn với việc tổ chức lại sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống.
- Khuyến khích mọi đối tượng có khả năng về vốn,năng lực sản xuất nhận đất chưa có rừng để đầu tư trồng rừng theo quy định tại bản quy định về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức,hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp ban hành theo nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994của Chính phủ và nhận khoán đất chưa có rừng để trồng rừng theo bản quy định về việc giao khoán sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ban hành kèm theo nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ hoặc nhận khoán trồng rừng kết hợp kinh doanh du lịch, dịch vụ dưới tán rừng theo đề án thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch, dịch vụ. Đối tượng được giao đất,khoán đất lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức trồng rừng hết diện tích được giao,khoán trong thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày được giao, khoán đất lâm nghiệp.
- Nhà nước thực hiện quy hoạch giao đất, giao khoán đất lâm nghiệp ở từng loại rừng; xác định quy mô, diện tích, cơ cấu rừng trồng, loài cây trồng để mọi thành phần kinh tế lựa chọn quy mô,địa điểm và loại hình trồng rừng, sản xuất lâm nông kết hợp. Trong trường hợp nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp thì đơn vị quản lý rừng(bên khoán) có trách nhiệm lập phương án, thiết kế khoán,xác định cơ cấu trồng rừng, loài cây trồng trong phạm vi quản lý của đơn vị mình trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra bên nhận khoán thực hiện phương án,thiết kế đó.
B. Chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư ở từng loại rừng:
1/ Nhận đất lâm nghiệp để trồng rừng:
a) Quyền lợi:
- Sau khi được giao đất, người, tổ chức nhận đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Được hưởng toàn bộ thành quả lao động, kết quả đầu tư cây trồng lâm nghiệp, cây trồng kết hợp, vật nuôi trên đất trồng rừng được giao theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư, phương án sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất được giao.
- Được thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất và thành quả, kết quả đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Được miễn hoặc giảm thiểu khi gây trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc theo quy định.
- Được hưởng chính sách khuyến lâm, khuyến nông.
- Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư hợp pháp trên đất lâm nghiệp theo hiện trạng của rừng trồng đảm bảo về chất lượng, mật độ theo cấp tuổi và hiện trạng đất trồng rừng theo quy định của pháp luật tại thời điểm đền bù, bồi hoàn khi Nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất đã giao trong những trường hợp sau:
+ Nhà nước thu hồi đất đã giao để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
+ Đất trồng rừng đã được đầu tư có kết quả, sử dụng đúng mục đích, đúng phương án, có thiết kế kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tổ chức sử dụng đất giải thể, phá sản, giảm nhu cầu sử dụng đất hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện trả lại đất được giao và được cơ quan Nhà nước giao đất đó chấp thuận.
- Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
b) Nghĩa vụ:
- Chịu trách nhiệm với Nhà nước về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp được giao; bảo toàn diện tích được giao, không để bị lấn chiếm, đào bới.
- Đền bù, bồi hoàn cho tổ chức hoặc người quản lý đất lâm nghiệp bị thu hồi để giao cho mình theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ quy chế quản lý rừng sản xuất. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi được giao đất, phải đưa vào sử dụng đúng mục đích,theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý sử dụng đất đã được phê duyệt, khi thi công phải có thiết kế kỹ thuật được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
- Nộp thuế theo quy định của pháp luật.
- Bị Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất lâm nghiệp đã giao để trồng rừng mà không được đền bù, bồi hoàn trong những trường hợp sau đây:
+ Đất không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép.
+ Người, tổ chức sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
+ Đất sử dụng không đúng mục đích được giao,không đúng luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án, dự án đầu tư đã được phê duyệt, thi công không có thiết kế kỹ thuật được duyệt.
2/ Nhận khoán đất chưa có rừng để trồng rừng:
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nhận đất lâm nghiệp chưa có rừng để trồng rừng một cách ổn định, lâu dài. Trường hợp tổ chức, cá nhân muốn nhận khoán đất chưa có rừng ở rừng sản xuất để trồng thì Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nhận khoán trồng rừng bằng vốn của mình thông qua việc ký kết hợp đồng với đơn vị quản lý rừng.
Quyền và nghĩa vụ của người tổ chức nhận khoán được thỏa thuận cụ thể giữa bên nhận khoán và bên khoán, nhưng đảm bảo những nội dung sau:
a) Quyền lợi:
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng 100% vốn của Nhà nước, được thanh toán kịp thời tiền công nhận khoán, nếu nhận khoán trồng rừng cho đến khi rừng đạt thành thục thì trong quá trình chăm sóc,bảo vệ rừng trồng được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa nhưng trước khi tỉa thưa phải có thiết kế kỹ thuật do bên khoán lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp giấy phép tỉa thưa.
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng 100%vốn của mình được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng.
- Trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước, được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng nhưng phải hoàn trả giá trị đầu tư ban đầu cho Nhà nước theo thời giá tại thời điểm khai thác rừng trồng.
- Được sản xuất lâm nông kết hợp theo thiết kế được duyệt và trồng xen các loại cây ăn quả, cây nông nghiệp, cây đặc sản, cây công nghiệp khi rừng trồng chưa khép tán hoặc trồng dưới tán rừng và hưởng toàn bộ sản phẩm sản xuất kết hợp đó.
- Khi thời gian nhận khoán trồng rừng chưa kết thúc nhưng do điều kiện khách quan, không tiếp tục nhận khoán được nữa thì được bên khoán thanh toán toàn bộ giá trị phần hợp đồng khoán đã thực hiện hoặc có thể chuyển quyền nhận khoán và thành quả đầu tư cho người, tổ chức khác nhưng phải được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
- Khi người nhận khoán chết thì người thừa kế hợp pháp được tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán hoặc được thanh toán giá trị phần hợp đồng đã thực hiện.
b) Nghĩa vụ:
- Chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ, sử dụng rừng trồng của Nhà nước và quy chế quản lý rừng sản xuất.
- Chịu trách nhiệm bảo toàn diện tích nhận khoán, không để bị lấn chiếm, đào bới.
- Thực hiện đúng nội dung kỹ thuật gây trồng rừng, bảo vệ rừng trồng, sản xuất lâm nông kết hợp theo thiết kế kỹ thuật và hướng dẫn của bên khoán.
- Nộp thuế theo quy định.
ii. đối với rừng phòng hộ đầu nguồn:
Bên cạnh việc đầu tư ngân sách cho trồng rừng phòng hộ, Nhà nước khuyến khích mọi đối tượng có khả năng nhận đất trống để đầu tư trồng rừng. Tuy nhiên, do đặc điểm sử dụng rừng phòng hộ là bảo vệ môi trường,nguồn nước nên không chú trọng mục đích khai thác lâm sản. Vì vậy, về nguyên tắc, quyền lợi của người trồng rừng phòng hộ được hưởng là tương xứng với kết quả trồng rừng nhưng phương thức hưởng thụ có khác hơn rừng sản xuất tùy theo mức độ phòng hộ của rừng.
1/ Đối với khu vực phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu:
a) Nhận đất trồng rừng:
Nhà nước giao đất trống để gây trồng rừng ở khu phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng sản xuất kết hợp phòng hộ hoặc trồng rừng phòng hộ kết hợp sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, nông nghiệp.
Quyền và nghĩa vụ của người tổ chức nhận đất trống để trồng rừng ở khu phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu như sau:
* Quyền lợi:
- Sau khi giao đất, người, tổ chức nhận đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Được hưởng toàn bộ thành quả lao động, kết quả đầu tư, cây trồng lâm nghiệp, cây trồng kết hợp, vật nuôi trên đất trồng được giao theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư, phương án sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi rừng đến tuổi thành thục, trong trường hợp Nhà nước không chấp nhận cho khai thác rừng thì Nhà nước mua lại rừng trồng đó theo giá trị tại thời điểm.
- Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất được giao.
- Được thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất và thành quả, kết quả đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Được miễn hoặc giảm thuế khi gây trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc theo quy định.
- Được hưởng chính sách khuyến lâm, khuyến nông.
- Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư hợp pháp trên đất lâm nghiệp theo hiện trạng của rừng đảm bảo về chất lượng, mật độ theo cấp tuổi và hiện trạng đất trồng rừng theo quy định của pháp luật tại thời điểm đền bù, bồi hoàn khi Nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đã giao trong những trường hợp sau:
+ Nhà nước thu hồi đất đã giao để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
+ Đất trồng đã được đầu tư có kết quả, sử dụng đúng mục đích, đúng phương án, có thiết kế kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tổ chức sử dụng đất giải thể, phá sản, giảm nhu cầu sử dụng đất hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện trả lại đất được giao và được cơ quan nhà nước giao đất đó chấp nhận.
- Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển.
* Nghĩa vụ:
- Chịu trách nhiệm với Nhà nước về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên đất được giao, bảo toàn diện tích được giao, không để bị lấn chiếm, đào bới.
- Đền bù, bồi hoàn cho tổ chức hoặc người nhận đất lâm nghiệp bị thu hồi để giao cho mình.
- Tuân thủ quy chế quản lý rừng phòng hộ, trong thời hạn 12 tháng kể từ khi được giao đất, phải đưa vào sử dụng, đúng mục đích theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý sử dụng đất đã được phê duyệt, khi thi công phải có thiết kế kỹ thuật được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
- Nộp thuế theo quy định.
- Bị Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất lâm nghiệp đã giao mà không được đền bù, bồi hoàn trong những trường hợp sau đây:
+ Đất không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép.
+ Người, tổ chức sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
+ Đất sử dụng không đúng mục đích được giao,không đúng luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án, dự án đầu tư đã được phê duyệt, thi công không có thiết kế kỹ thuật được duyệt.
b) Nhận khoán trồng rừng:
Quyền lợi và nghĩa vụ của người, tổ chức nhận khoán trồng rừng ở rừng phòng hộ ít xung yếu như sau:
* Quyền lợi:
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng 100% vốn Nhà nước, được thanh toán kịp thời tiền công nhận khoán, nếu nhận khoán trồng rừng cho đến khi rừng đạt thành thục thì trong quá trình chăm sóc,bảo vệ rừng trồng được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa nhưng trước khi tỉa thưa phải có thiết kế kỹ thuật do bên khoán lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp giấy phép tỉa thưa.
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng 100% vốn của mình, được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng. Khi rừng đến tuổi thành thục, nếu Nhà nước không chấp thuận cho khai thác rừng thì Nhà nước mua lại rừng trồng đó theo giá trị tại thời điểm.
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng vốn đầu tư của Nhà nước, được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng đó nhưng phải hoàn trả giá trị đầu tư ban đầu cho Nhà nước theo thời giá tại thời điểm khai thác rừng trồng. Trong trường hợp Nhà nước không chấp thuận cho khai thác rừng trồng thì Nhà nước mua lại rừng trồng đó theo giá trị tại thời điểm sau khi trừ giá trị đầu tư ban đầu.
- Được sản xuất lâm nông kết hợp, trồng xen các loại cây quả, cây nông nghiệp, cây đặc sản, cây công nghiệp khi rừng trồng chưa khép tán hoặc trồng dưới tán rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm trồng xen đó.
- Khi thời gian nhận khoán trồng rừng chưa kết thúc nhưng do điều kiện khách quan không tiếp tục nhận khoán được nữa thì được bên khoán thanh toán toàn bộ giá trị phần hợp đồng đã được thực hiện hoặc có thể chuyển quyền nhận khoán và thành quả đầu tư cho người, tổ chức khác nhưng phải được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
- Khi người nhận khoán chết thì người thừa kế hợp pháp được tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán hoặc được thanh toán giá trị phần hợp đồng đã thực hiện.
* Nghĩa vụ:
- Chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ, sử dụng rừng trồng của Nhà nước và quy chế quản lý rừng phòng hộ.
- Chịu trách nhiệm bảo toàn diện tích nhận khoán,không để bị lấn chiếm, đào bới.
- Thực hiện đúng nội dung kỹ thuật gây trồng rừng, bảo vệ rừng trồng, sản xuất lâm nông kết hợp theo thiết kế kỹ thuật và hướng dẫn của bên khoán.
- Nộp thuế theo quy định.
2/ Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và rất xung yếu:
Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận đất khoán đất lâm nghiệp chưa có rừng ở khu phòng hộ đầu nguồn xung yếu và rất xung yếu để trồng rừng.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đất trồng rừng loại rừng này có quyền lợi và nghĩa vụ như sau:
a) Quyền lợi:
- Trong những trường hợp nhận khoán rừng trồng bằng 100% vốn của Nhà nước được thanh toán kịp thời tiền công nhận khoán, nếu nhận khoán trồng rừng cho đến khi rừng đạt thành thục thì trong quá trình chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trồng thì được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa nhưng trước khi tỉa thưa phải có thiết kế kỹ thuật tỉa thưa do bên khoán lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cho phép tỉa thưa.
- Trong trường hợp nhận khoáng trồng rừng bằng 100% vốn của mình, được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa trung gian và giá trị trồng rừng khi thành thục. Khi rừng đạt thành thục phải đảm bảo mật độ, chất lượng cây trồng theo yêu cầu, quy định của rừng phòng hộ thì được Nhà nước mua lại rừng thành thục theo giá trị tại thời điểm mua.
- Trong trường hợp nhận khoán trồng rừng bằng vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước, được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, trung gian và giá trị trồng rừng khi thành thục nhưng phải hoàn trả giá trị đầu tư ban đầu cho Nhà nước theo thời giá tại thời điểm hoàn trả. Khi rừng đạt thành thục phải đảm bảo mật độ, chất lượng cây rừng theo yêu cầu, quy định của rừng phòng hộ và được Nhà nước mua lại rừng thành thục đó theo giá trị tại thời điểm mua.
- Được kết hợp trồng các loại cây nông nghiệp,cây công nghiệp, cây đặt sản, cây ăn quả khi rừng chưa khép tán hoặc dưới tán rừng trồng.
- Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng chưa kết thúc nhưng do điều kiện khách quan không tiếp tục nhận khoán được nữa thì được bên khoán thanh toán toàn bộ giá trị phần hợp đồng đã thực hiện được hoặc có thể chuyển quyền nhận khoán và thành quả đầu tư cho người, tổ chức khác nhưng phải được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
- Khi người nhận khoán chết thì người thừa kế hợp pháp được tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán hoặc được thanh toán phần giá trị hợp đồng đã thực hiện.
b) Nghĩa vụ:
- Chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ, sử dụng rừng trồng của Nhà nước và quy chế quản lý rừng phòng hộ.
- Phải thực hiện đúng nội dung, kỹ thuật bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ theo thiết kế kỹ thuật và hướng dẫn của bên khoán.
- Chịu trách nhiệm bảo toàn diện tích nhận khoán, không để bị lấn chiếm, đào bới.
- Nộp thuế theo quy định.
1/ Các khu bảo tồn thiên nhiên:Chỉ khoán trồng rừng ở khu vực phục hồi sinh thái.
Người nhận khoán được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như đối với trường hợp nhận khoán trồng rừng ở khu vực phòng hộ đầu nguồn xung yếu và rất xung yếu nhưng có điểm khác biệt sau:
- Rừng trồng khi đạt thành thục phải đảm bảo mật độ, chất lượng theo yêu cầu của rừng đặt dụng.
- Tuân thủ các quy định tại quy chế quản lý rừng đặt dụng.
2/ Khu vực rừng đặt dụng cảnh quan Đà lạt và một số khu vực rừng phòng hộ có khả năng kinh doanh du lịch:
a) ở các khu vực đất trống cần trồng rừng: Không thuộc phạm vi các danh lam thắng cảnh: Thực hiện như ở khu vực phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên.
b) ở các khu vực có danh lam thắng cảnh hoặc ở những vùng đất trống trồng rừng để tạo danh lam thắng cảnh: Theo đề án thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ, rừng đặt dụng để kinh doanh du lịch, dịch vụ do UBND tỉnh ban hành.
c. chính sách đối với từng đối tượng nhận đất lâm nghiệp hoặc nhận khoán trồng rừng:
i. đối với đầu tư nước ngoài:
- Được liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để trồng rừng ở rừng sản xuất.
- Được hưởng ưu đãi về đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài ở hệ số ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước.
ii. đối với các tổ chức kinh tế trong tỉnh và các thành phần kinh tế ngoài tỉnh:
- Được nhận đất lâm nghiệp để trồng rừng ở rừng sản xuất, khu phòng hộ ít xung yếu, nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng hoặc trồng rừng kết hợp kinh doanh du lịch, du lịch bằng 100% vốn của mình.
- Được hưởng các ưu đãi về đầu tư theo luật khuyến khích đầu tư trong nước, với hệ số ưu đãi cao nhất.
iii. đối với hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh:
1/ Đối với hộ gia đình, cá nhân có khả năng về vốn, năng lực sản xuất:
- Được nhận đất rừng sản xuất; khu phòng hộ ít xung yếu để trồng rừng, được nhận khoán trồng rừng ở các loại rừng bằng vốn của mình.
- Được vay vốn theo chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Được hưởng chính sách khuyến nông, khuyến lâm.
- Được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
2/ Đối với hộ gia đình, cá nhân nghèo, chưa ổn định sản xuất sống trong và ven rừng và đồng bào dân tộc ít người:
- Được nhận đất trống ở rừng sản xuất, khu phòng hộ ít xung yếu, nhận khoán trồng rừng ở các loại rừng bằng vốn của mình hoặc bằng vốn Nhà nước đầu tư với diện tích phù hợp với khả năng của mình.
- Được hưởng các chính sách hỗ trợ thuộc các chương trình dự án đầu tư của địa phương và Trung ương.
- Trong trường hợp nhận đất trống để trồng rừng,được cấp đất để xây dựng vườn rừng với quy mô hợp lí. Đối với đồng bào dân tộc ít người, được Nhà nước đầu tư vật tư, cây giống để trồng rừng bằng hình thức vay vốn không lãi từ quỹ bảo vệ và tái tạo rừng thông qua đơn vị quản lý rừng trên địa bàn, sau 5 năm, nếu trồng rừng đạt yêu cầu thì được xóa nợ và được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng đó, nếu trồng rừng không đạt yêu cầu thì phải trả nợ cho Nhà nước.
- Được vay vốn để sản xuất theo chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.
- Được ưu tiên tham gia vào các chương trình trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập khi các lâm trường, ban quản lý rừng tại địa bàn triển khai sản xuất.
CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1/ Các ngành, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp theo phương án đã được UBND tỉnh ban hành tại quyết định số 1857/QĐ-UB ngày 06/12/1997 nhằm cương quyết chuyển đổi theo hướng xã hội hóa nghề rừng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành và vùng lãnh thổ, phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện, xã và nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên từng địa bàn lãnh thổ.
2/ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn căn cứ kết quả phân định đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để lập quy hoạch, kế hoạch trồng rừng trên toàn tỉnh ở từng đơn vị, địa phương cụ thể theo hướng:
- Khoanh định các khu vực trồng rừng, sản xuất lâm nông kết hợp phù hợp với quy hoạch từng loại rừng, từng giống cây trồng, đặc điểm từng nơi và cơ cấu trồng rừng hợp lý.
- Trong từng loại rừng, phải xác định rõ các phân khu chức năng, xác định rõ vùng trồng rừng nguyên liệu, vùng sản xuất nông lâm kết hợp để xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư trồng rừng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đầy đủ những thông tin cần thiết để chọn địa điểm, loài cây trồng phù hợp với định hướng chung.
3/ UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch để tiến hành giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình,cá nhân ở địa phương sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Kế hoạch,quy hoạch này phải được phổ biến rộng rãi trong nhân dân để mọi người biết và có điều kiện tham gia thực hiện.
4/ Các lâm trường, Ban quản lý rừng căn cứ phương án điều chế rừng được duyệt, thực hiện việc xây dựng phương án giao khoán cho nhân dân trồng rừng, sản xuất lâm nông kết hợp trong địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện phương án đó. Khi thực hiện kế hoạch sản xuất hàng năm do Nhà nước đầu tư, phải sử dụng lao động tại địa phương đó, nhất là nhân dân sống trong và ven rừng còn chưa ổn định sản xuất, đời sống khó khăn và đồng bào dân tộc ít người.Đồng thời, rà xét lại các hợp đồng quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng trên địa bàn quản lý để xử lý thu hồi, buộc bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng đã ký, như chỉ nặng về sản xuất nông nghiệp, kinh doanh mà không tiến hành trồng, chăm sóc bảo vệ diện tích rừng được giao để đất bị lấn chiếm, rừng bị cháy, bị chặt phá. Tăng cường bảo vệ diện tích được giao quản lý, không để bị lấn chiếm, bị phá.
5/ Chi cục Kiểm lâm kiểm tra việc thực hiện phương án được duyệt đối với toàn bộ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận đất lâm nghiệp trước đây. Nếu tổ chức, hộ gia đình cá nhân nào sử dụng đất sai mục đích, không trồng rừng hoặc trồng rừng không đúng tiến độ, không bảo đảm yêu cầu thì lập hồ sơ trình UBND tỉnh, huyện liên quan quyết định thu hồi lại đất đã cấp, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lãnh vực này.
6/ Sở kế hoạch và đầu tư phối hợp cùng sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện các dự án thuộc chương trình 327 để có cơ sở đề xuất tiếp các hình thức hỗ trợ đầu tư cho nhân dân nghèo, đồng bào dân tộc ít người.
7/ Cơ quan khuyến nông các cấp tăng cường thực hiện khuyến nông, khuyến lâm ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sản xuất nông nghiệp gắn với việc thực hiện giao, khoán đất lâm nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân về kỹ thuật sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
8/ Sở công nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và những ngành có liên quan xây dựng quy hoạch về mạng lưới chế biến nông lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu để giúp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng tiêu thụ hết sản phẩm của mình sản xuất ra theo định hướng đầu tư công nghệ với quy mô hợp lý để tạo ra sản phẩm đa dạng, có giá trị. Đồng thời có biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư cơ sở chế biến gắn với trồng rừng.
9/ Trình tự, thủ tục giao, khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng ban hành kèm theo quyết định số 622/QĐ-UB ngày 05/6/1996 của UBND tỉnh trừ những nội dung không phù hợp với đề án này./.
- 1Quyết định 63/QĐ-UBND về phân bổ kế hoạch vốn trồng rừng thay thế (đợt 1) năm 2016 đối với diện tích trồng rừng thay thế nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên
- 2Quyết định 3769/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt phân bổ kế hoạch vốn ủy thác trồng rừng thay thế cho địa phương, đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2016-2017
- 3Nghị quyết 71/NQ-HĐND năm 2016 chấp thuận danh mục dự án phải thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác năm 2017 trên địa bàn do Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành
- 1Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991
- 2Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 4Nghị định 2-CP năm 1994 Quy định việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp
- 5Nghị định 01/CP năm 1995 ban hành bản quy định giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước
- 6Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996
- 7Chỉ thị 286-TTg năm 1997 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 8Quyết định 63/QĐ-UBND về phân bổ kế hoạch vốn trồng rừng thay thế (đợt 1) năm 2016 đối với diện tích trồng rừng thay thế nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên
- 9Quyết định 3769/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt phân bổ kế hoạch vốn ủy thác trồng rừng thay thế cho địa phương, đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2016-2017
- 10Nghị quyết 71/NQ-HĐND năm 2016 chấp thuận danh mục dự án phải thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác năm 2017 trên địa bàn do Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành
Quyết định 372/1998/QĐ-UB về đề án Tổ chức trồng rừng và chính sách huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu: 372/1998/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/12/1998
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra