THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 369/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung sau:
Tiếp tục củng cố và phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
a) Tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013 - 2020 bình quân khoảng 10%/năm, theo đó, quy mô tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng 500.000 tỷ đồng. Giai đoạn sau năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng được xác định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
b) Xác định cơ cấu giữa vốn chủ sở hữu và vốn huy động của Ngân hàng, có lộ trình tăng vốn chủ sở hữu nhằm đạt tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho phù hợp với từng giai đoạn.
c) Nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt là công tác thẩm định, giải ngân, quản lý thu hồi nợ; xây dựng cơ chế phân loại nợ xấu phù hợp với tính chất hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xây dựng cơ chế trích lập dự phòng rủi ro và các biện pháp xử lý nợ xấu cho vay các chương trình; tích cực thu hồi nợ và xử lý rủi ro nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 7% vào năm 2015, từ 4% - 5% vào năm 2020; tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn 2020 - 2030 ở mức dưới 3%.
d) Tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi chính sách hỗ trợ phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chương trình mục tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng nhằm phục vụ ngày một tốt hơn chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bao gồm cả cho vay thỏa thuận đối với các đối tượng này trong những điều kiện nhất định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước giảm cấp bù của ngân sách nhà nước tiến tới tự chủ về tài chính.
đ) Hoàn thiện mô hình quản trị và tổ chức bộ máy phù hợp với tính chất, đặc thù của ngân hàng chính sách; chuẩn hóa và chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát và phân tích, cảnh báo rủi ro; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
a) Về đối tượng phục vụ
Ngân hàng Phát triển Việt Nam tập trung vào các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
+ Tập trung vốn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp nông thôn; xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
+ Hoạt động tín dụng xuất khẩu được tập trung vào những ngành hàng quan trọng đem lại giá trị xuất khẩu cao, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đồng thời đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.
- Tập trung nguồn vốn ODA vay về cho vay lại của Chính phủ thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam; khuyến khích các quỹ tài chính địa phương (như quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng) thực hiện đầu tư ủy thác qua Ngân hàng theo mục tiêu phát triển của địa phương.
- Hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đồng thời, nâng cao năng lực tài chính để tạo điều kiện mở rộng quy mô bảo lãnh và tăng cường quản trị rủi ro.
- Nghiên cứu cho phép thực hiện nghiệp vụ cho vay thoả thuận tự bù đắp chi phí đối với các đối tượng đang có quan hệ vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tạo điều kiện cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam từng bước đảm bảo cân đối tự chủ tài chính, hạn chế cấp bù ngân sách nhà nước. Việc cho vay thoả thuận phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn vốn huy động để cho vay và không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được giao hàng năm và đảm bảo có hiệu quả, thu hồi được vốn.
b) Về chỉ tiêu an toàn tài chính
- Xác định quan hệ giữa vốn chủ sở hữu so với tổng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng phù hợp (dự kiến đến năm 2020 đạt 10% tổng dư nợ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tương đương mức 20.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 30.000 tỷ đồng vào năm 2020).
- Thực hiện cơ chế lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu theo nguyên tắc phi lợi nhuận song phải đảm bảo bù đủ chi phí về vốn, chi phí hoạt động và tăng dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Áp dụng cơ chế phân loại nợ phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó nghiên cứu loại trừ các khoản nợ mang tính chất Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh; tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và áp dụng cơ chế xử lý rủi ro phù hợp với đặc thù hoạt động theo đó nghiên cứu để ban hành quy chế xử lý rủi ro theo hướng tăng cường phân cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật (theo Điều lệ tổ chức hoạt động và cơ chế tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
- Nghiên cứu để quy định và áp dụng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo mô hình các tổ chức tín dụng, đảm bảo nguyên tắc theo thông lệ quốc tế
c) Về công tác quản trị ngân hàng
- Nghiên cứu xây dựng luật riêng áp dụng cho các ngân hàng chính sách trong đó có Ngân hàng Phát triển Việt Nam; trước mắt, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo cả 02 Luật ngân sách nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng:
+ Về Luật ngân sách nhà nước: Ngân hàng Phát triển Việt Nam được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, tuân thủ quy định dự toán ngân sách nhà nước, chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính.
+ Về Luật các tổ chức tín dụng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; xây dựng, ban hành quy trình nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo hoạt động và hoạt động thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu với Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...) trong việc quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Giao Bộ quản lý ngành kinh doanh chính đảm nhiệm vai trò đại diện chủ sở hữu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
- Thực hiện mô hình Hội đồng thành viên để quản trị đối với hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như một tổ chức tín dụng 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước, theo đó: Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các bộ phận trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam; tăng cường phân cấp cho Hội đồng thành viên Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc quyết định các vấn đề về quản lý vốn, tài sản, lãi suất huy động, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; xử lý rủi ro tín dụng.
- Hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong đó bao gồm cả các chức năng về thanh toán quốc tế, tham gia thị trường mở, thị trường liên ngân hàng …phù hợp với quy định của pháp luật và tính chất đặc điểm hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành phù hợp với mô hình, hoạt động đặc thù của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo đó: Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý giám sát về tín dụng và thanh toán; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý giảm sát về đầu tư phát triển; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng Quản lý nhà nước về tiền lương và lao động; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thống nhất về tổ chức và hoạt động; phối hợp chặt chẽ giữa Ban kiểm soát với hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
d) Tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng
- Giai đoạn 1 (từ năm 2013 đến năm 2015):
+ Rà soát lại danh mục chương trình, dự án, ngành hàng thuộc đối tượng tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, xác định mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở đó cơ cấu lại nguồn vốn vay.
+ Xác định tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu so với tổng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tương ứng, đảm bảo đến 2015 đạt 10%; có lộ trình tăng vốn chủ sở hữu cho Ngân hàng.
+ Đánh giá lại nợ xấu, ban hành quy định phân loại nợ phù hợp với đặc thù của ngân hàng, giải quyết dứt điểm nợ xấu bàn giao từ Quỹ Hỗ trợ phát triển và các tổ chức tiền thân, phấn đấu giảm nợ xấu xuống 7% tổng dư nợ cuối năm 2015.
+ Củng cố lại tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của ngân hàng, xác định đại diện chủ sở hữu, trên cơ sở đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ban điều hành.
+ Tổ chức lại bộ máy các chi nhánh và Sở giao dịch cho phù hợp với định hướng về phạm vi, quy mô hoạt động theo hướng hình thành các chi nhánh khu vực, theo đó đến cuối năm 2015 toàn hệ thống còn khoảng 45 chi nhánh.
- Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020):
+ Xác định chương trình, danh mục tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở đó tập trung nguồn lực cho các chương trình, danh mục này.
+ Xác định tỷ lệ an toàn vốn năm 2020 đạt 10%, vốn chủ sở hữu đạt 30.000 tỷ đồng vào năm 2020, nợ xấu phấn đấu ở mức 4%-5% vào năm 2020.
+ Cải thiện cân đối thu chi, tài chính giảm cấp bù của ngân sách nhà nước, tiến tới đảm bảo tự chủ tài chính trong hoạt động từ năm 2020.
+ Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng theo tiêu chí an toàn tài chính như các ngân hàng theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Giai đoạn 3 (sau năm 2020):
+ Hiện đại hóa hoạt động ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trong nước và từng bước mở rộng ra các nước trong khu vực.
+ Áp dụng các chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
a) Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, trong đó có việc sửa đổi Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ.
- Hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, bộ máy quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; trong đó có việc sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Từ nay đến năm 2015 tiến hành đánh giá và cơ cấu lại dư nợ và khách hàng hiện có tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xây dựng và triển khai việc tái cơ cấu nợ xấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đặc biệt các khoản nợ tồn đọng qua các giai đoạn Tổng cục Đầu tư Phát triển, Quỹ Hỗ trợ phát triển.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý và xử lý nợ bị rủi ro trên cơ sở xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ khi đến hạn, quá hạn; nghiên cứu, xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm và phương án xử lý đối với từng loại hình rủi ro; xây dựng chính sách phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
b) Bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thời gian tới để tăng cường năng lực hoạt động, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn theo quy định của các tổ chức tín dụng. Nguồn bổ sung vốn điều lệ gồm: vốn ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, các nguồn tích lũy của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định.
c) Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch về tài chính, chịu sự, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Xây dựng cơ chế tiền lương, thưởng, phúc lợi đối với cán bộ phù hợp với điều kiện tài chính và hoạt động của ngân hàng.
d) Tiếp tục phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực: Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương và địa phương để đầu tư, nâng cấp, ổn định trụ sở ngân hàng các cấp, kho tàng, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự để xây dựng và triển khai hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ hoạt động và quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tăng cường tuyên truyền, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực về quản lý tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và mô hình ngân hàng phát triển. Tranh thủ khai thác các nguồn vốn, nguồn tài trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực, đặc biệt năng lực quản lý và quản trị rủi ro, bổ sung nguồn vốn cho vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
đ) Nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và kiểm soát nội bộ: Tăng cường sự kiểm tra giám sát của các Bộ, cơ quan liên quan bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan:
a) Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước trong từng thời kỳ.
b) Trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; sửa đổi cơ chế tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam; ban hành Quy chế xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu; Đề án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
a) Cân đối kế hoạch trung và dài hạn về vốn đầu tư, và tín dụng đầu tư của Nhà nước để Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện.
b) Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn lực và thực hiện Đề án chiến lược của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư phát triển đối với hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Luật đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan:
a) Hướng dẫn việc phân loại nợ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho phù hợp với tính chất và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
b) Xem xét quyết định cấp giấy phép hoạt động quản lý ngoại hối phù hợp với nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
c) Hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia hoạt động thị trường liên ngân hàng, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định.
d) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan đến tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo Luật ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc đảm bảo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam có cơ chế quản lý lao động, cơ chế tiền lương phù hợp, ổn định nhằm động viên cán bộ, viên chức và người lao động yên tâm công tác, gắn bó với ngành.
5. Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
a) Xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ:
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Đề án tăng vốn điều lệ.
- Đề án xử lý nợ xấu.
b) Tổ chức, thực hiện các nội dung tái cơ cấu hoạt động Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thực hiện các đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy quản trị nội bộ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; rà soát việc thẩm định, tăng cường giám sát tín dụng.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 4Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu của nhà nước
- 5Quyết định 34/QĐ-NHNN năm 2019 Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Quyết định 369/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 369/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/02/2013
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 155 đến số 156
- Ngày hiệu lực: 28/02/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực