Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/1999/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN LẬP CỦA HÀ NỘI.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND.

- Căn cứ Quy chế về trường Phổ thông dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định tạm thời về tổ chức và quản lý các trường Phổ thông dân lập của Hà Nội

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh văn phòng UBND Thành phố, Trưởng ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Cục Trưởng Cục Thuế Hà Nội, thủ trưởng các Sởt, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện, hiệu trưởng các Trường phổ thông dân lập của Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lưu Minh Trị

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN LẬP CỦA HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 361999/QĐ-UB ngày 11/5/1999 của UBND Thành phố Hà Nội)

Thực hiện Nghị quyết HĐND Thành phố khoá XI kỳ họp thứ 11 (tháng 7/1998) trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (viết tắt là Bộ GD và ĐT) ban hành Quy chế mới về trường dân lập phù hợp với Luật Giáo dục, UBND Thành phố Quy định tạm thời về tổ chức và quản lý các trường phổ thông dân lập (viết tắt là Trường PTDL) trên địa bàn Thành phố Hà Nội như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Trường PTDL là một loại hình trường nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. trường PTDL được thành lập trên cơ sở đề nghị của một tổ chức có tư cách pháp nhân (theo quy định của Bộ GD và ĐT) lập đề án xin mở trường, chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của trường, tự trang trải mọi chi phí theo đúng quy định của Bộ GD và Đt và của UBND thành phố.

Điều 2: Trường PTDL chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở GD và ĐT hoặc phòng GD và ĐT theo sự phân cấp của UBND thành phố, thực hiện đúng Quy chế về trường Phổ thông dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ GD và ĐT, thực hiện đúng các Quy định, điều lệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Nhà nước.

Điều 3: Trường PTDL là một đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Học sinh tốt nghiệp trường PTDL được cấp bằng chính quy theo hệ thống văn bằng giáo dục và Đào tạo các cấp học phổ thông.

Chương II

TỔ CHỨC MỞ TRƯỜNG - THỦ TỤC MỞ TRƯỜNG PTDL

Điều 4: Tổ chức đứng tên xin mở trường phải bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện về quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ GD và ĐT, mỗi tổ chức xin mở không quá 2 trường.

Tổ chức mở trường là đơn vị chủ quản của trường PTDL, có trách nhiệm:

4.1. Lập hồ sơ xin mở trường, giới thiệu người làm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các thành viên Hội đồng quản trị (sau đây viết tắt là HĐQT) với cơ quan có thẩm quyền cho phép mở trường.

4.2. Chịu trách nhiệm trước chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục về toàn bộ hoạt động của trường.

4.3. Hỗ trợ trường về mọi mặt khi trường gặp khó khăn, giải quyết các hậu quả nếu trường phải giải thể.

4.4. Cùng HĐQT huy động mọi nguồn lực có thể, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của trường.

Điều 5: Tổ chức xin mở trường có quyền:

5.1. Cử một đồng chí lãnh đạo của tổ chức giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.

5.2. Giám sát việc thu chi, quản lý tài chính, quản lý tài sản của trường, giám sát Hiệu trưởng về các mặt hoạt động của trường.

5.3. Thông qua HĐQT và Hiệu trưởng giải quyết các vấn đề liên quan nếu trường phải giải thể.

5.4. Kiến nghị với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý về mọi mặt nhằm bảo đảm duy trì và phát triển nhà trường.

Điều 6: Tổ chức mở trường lập hồ sơ xin mở trường, gửi về Sở GD và ĐT hoặc Phòng GD và ĐT theo phân cấp quản lý. Hồ sơ xin mở trường gồm:

6.1. Đơn xin mở trường của tổ chức xin mở trường, trong đó cam kết thực hiện mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của một đơn vị bảo trợ trường, đồng thời giới thiệu người được cử làm Hiệu trưởng.

6.2. Đề án tổ chức và hoạt động của trường, bao gồm:

a. Lý do xin mở trường:

b. Tên trường: Tên trường gắn liền với cấp học và loại bình thường. Khi thay đổi cấp học hoặc loại hình trường so với đăng ký ban đầu, tổ chức xin mở trường làm hồ sơ và thủ tục như xin mở trường mới.

c. Đặc điểm mở trường: Mỗi trường chỉ được có nhiều nhất hai cơ sở. Hai cơ sở (nếu có) của trường Tiểu học hoặc Trung học cơ sở (viết tắt là THCS) phải ở cùng trên địa bàn một quận, huyện; hai cơ sở (nếu có) của trường Trung học phổ thông (viết tắt là THPT) và trường liên cấp THCS - THOPT có thể ở 2 quận huyện gần nhau. Mỗi cơ sở phải có ít nhất 6 phòng học đủ tiêu chuẩn và một phòng đồ dùng dạy học. Trường không nằm ở các khu vực có nhiều tiếng ồn, môi trường bị ô nhiễm, các  khu vực có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ học sinh.

d. Quy mô phát triển: Dự kiến số lớp, số học sinh năm học đầu tiên và 3-5 năm tiếp theo tuỳ theo cấp học. Bảo đảm mỗi lớp không quá 40 học sinh (tiểu học); 50 học sinh (THCS, THPT).

e. Danh sách cán bộ quản lý giáo viên, gồm:

- Các thành viên Hội đồng quản trị

- Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng

- Giáo viên: Bảo đảm ít nhất 1/3 là giáo viên có hợp đồng làm việc ổn định và lâu dài. Riêng trường Tiểu học phải bảo đảm ít nhất 2/3 giáo viên có hợp đồng làm việc ổn định và lâu dài.

- Kế toán (đã tốt nghiệp Trung cấp Kế toán - Tài chính trở lên)

g. Tài chính:

- Nguồn tài chính ban đầu chuẩn bị cho việc mở trường.

- Dự kiến mức thu học phí

- Dự kiến các khoản thu khác (nếu có)

h. Sơ yếu lý lịch, bằng cấp, chứng chỉ sức khoẻ của người được giới thiệu làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

i. Hồ sơ chứng nhận việc sử dụng đất đai, nhà cửa và các cơ sở vật chất, thiết bị của trường, có ý kiến thoả thuận về địa điểm mở trường của UBND xã (phường) và huyện (quận).

Điều 7: Quyết định thành lập trường PTDL:

7.1. Trường tiểu học, trường THCS:

Phòng GD và ĐT thẩm định, báo cáo, để Sở GD và ĐT thống nhất bằng văn bản với UBND quận huyện ra Quyết định thành lập.

7.2. Trường THPT, trường liên cấp THCS - THPT :

Sở GD và ĐT phối hợp với Ban tổ chức chính quyền Thành phố thẩm định, trình UBND thành phố ra Quyết định thành lập.

Điều 8: Giải thể trường PTDL: Sau khi trường được phép thành lập, nếu cơ sở vật chất hay nhân sự không ổn định, không bảo đảm số lớp, số học sinh tối thiểu, hoặc không chấp hành các quy định của các cơ quan quản lý, cấp ra quyết định thành lập trường sẽ ra quyết định giải thể trường.

Trường hợp tổ chức xin mở trường có văn bản xin rút quyền và nghĩa vụ bảo trợ trường, trường sẽ tìm kiếm một tổ chức bảo trợ mới, báo cáo Sở GD và ĐT, Ban tổ chức chính quyền Thành phố trình UBND thành phố quyết định. Nếu không có tổ chức nào đứng ra bảo trợ, trường PTDL sẽ phải giải thể.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PTDL

A. Hội đồng quản trị (HĐQT) :

Điều 9: HĐQT là bộ phận quản lý cao nhất trong trường PTDL, chịu trách nhiệm về mọi mặt tổ chức, hoạt động của trường, bảo đảm cho trường thực hiện đúng với Quy chế của Bộ GD và ĐT, Quy định của UBND thành phố và Đề án đã được phê duyệt.

Điều 10: Thành phần HĐQT gồm:

10.1. Chủ tịch HĐQT là một cán bộ lãnh đạo của tổ chức xin mở trường, điều hành chung mọi hoạt động của trường.

10.2. Một Phó Chủ tịch HĐQT là hiệu trưởng, quản lý công tác chuyên môn, điều hành công việc hàng ngày của trường và các phần việc khác được HĐQT phân công.

10.3. Một Phó Chủ tịch HĐQT quản lý tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường và các phần việc khác được HĐQT phân công.

10.4. Các uỷ viên HĐQT: gồm đại diện những người có phần đầu tư chủ yếu về tài chính hay cơ sở vật chất cho trường, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh. Các thành viên HĐQT cộng đồng trách nhiệm và đảm  nhiệm các phần việc do tập thể HĐQT phân công.

Thành phần ban đầu của HĐQT do tổ chức xin mở trường đề xuất, Sở GD và ĐT ra Quyết định công nhận đối với trường THPT và trường liên cấp THCS - THPT, UBND quận (huyện) ra quyết định công nhận đối với trường Tiểu học và trường THCS. Sau khi trường chính thức thành lập, HĐQT sẽ được bổ sung cho đủ thành phần.

Điều 11: Nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn của HĐQT:

11.1. Xác định quy mô, đối tượng, phương thức tuyển sinh, xây dựng kế hoạch lâu dài và kế hoạch năm học của trường.

11.2. Tuyển chọn, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường, bảo đảm các hoạt động bình thường của trường, bảo đảm quyền lợi hợp  pháp cho người lao động.

11.3. Quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản, cơ sở vật chất của trường theo đúng các quy định của Nhà nước.

11.4. Được liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sau khi đã báo cáo và được phép của UBND thành phố, Sở GD và ĐT và của các cơ quan liên quan, nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục.

11.5. Giám sát, kiểm tra sự hoạt động của Hiệu trưởng và mọi tổ chức, cá nhân trong trường.

11.6. Chịu trách nhiệm trước Pháp luật về hoạt động của trường.

Điều 12: Chế độ và phương thức làm việc của HĐQT do HĐQT bàn bạc dân chủ và thống nhất quyết định. HĐQT họp toàn thể ít nhất 3 lần 1 năm học.

B. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng:

Điều 13: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải:

13.1. Có bằng cấp sư phạm tương ứng với cấp học của trường PTDL xin mở, có đủ sức khoẻ, không hưởng lương của Nhà nước.

13.2. Tuổi đời khi bổ nhiệm không quá 65 đối với nam, 60 đối với nữ, đảm nhiệm cương vị không quá 70 tuổi đối với nam, 65 tuổi đối với nữ.

13.3. Hiệu trưởng phải có ít nhất 5 năm công tác ở cấp học tương ứng với cấp học của trường. Nếu chưa trải qua cương vị quản lý trường học, Hiệu trưởng phải tham dự lớp bồi dưỡng ngắn hạn về công tác quản lý của Bộ GD và ĐT hay của Sở GD và ĐT, có chứng chỉ hợp lệ.

Điều 14: Ngoài việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được HĐQT phân công, hiệu trưởng chịu trách nhiệm.

14.1. Quản lý công tác giảng dạy và học tập, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ trong trường theo quy định của Sở GD và ĐT.

14.2. Thực hiện và hướng dẫn người lao động thực hiện Luật Lao động và các quy định của Nhà nước về BHXH, BHYT và các chính sách xã hội khác.

14.3. Tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể trong trường được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

14.4. Thực hiện đầy đủ quy chế quản lý tài chính, kế toán, chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của Sở GD và Đt và của các cơ quan quản lý liên quan của Thành phố.

Điều 15: Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là 15 năm. Trong nhiệm kỳ, nếu Hiệu trưởng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đầy đủ quy chế, quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước thì;

15.1. Đối với trường THPT và trường liên cấp THCS -THPT : Sở GD và ĐT trình UBND thành phố để người đó thôi giữ chức Hiệu trưởng, bổ nhiệm Hiệu trưởng khác theo đề nghị của HĐQT và tổ chức xin trường.

15.2. Đối với trường Tiểu học và THCS: Phòng GD và ĐT trình UBND quận, huyện và Sở GD và ĐT để người đó thôi giữ chức Hiệu trưởng, bổ nhiệm Hiệu trưởng khác theo đề nghị của HĐQT và tổ chức xin mở trường.

C. Giáo viên trường PTDL:

Điều 16:  Giáo viên trường PTDL có trách nhiệm và quyền hạn như được ghi tại điều 16, 17 Quy chế về trường PTDL ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ Giáo dục và ĐT, thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng với trường, được trường bảo đảm các quyền lợi hợp pháp, các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

Học sinh trường PTDL:

Điều 17: Học sinh được tuyển vào trường PTDL theo Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và ĐT, Sở GD và ĐT. Học sinh đóng học phí theo quy định của trường trong khung mức đã được UBND thành phố chuẩn y, thực hiện mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của người học sinh phổ thông và được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh học hết các cấp ở trường PTDL được dự thi tuyển vào trường công lập nếu có đủ các điều kiện theo quy định chung.

Các hội, đoàn thể trong trường PTDL:

Điều 18: Tại mỗi trường PTDL đều phải thành lập Hội cha mẹ học sinh, hoạt động theo điều lệ Hội cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 336/QĐ ngày 18/3/1980 của Bộ Giáo dục và ĐT. Các tổ chức đoàn thể khác được thành lập và hoạt động theo điều lệ của các tổ chức đó.

Chương IV

QUẢN LÝ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN LẬP

Điều 19: Sở GD và ĐT chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra trực tiếp và toàn diện các trường PTDL cấp THPT và trường liên cấp THCS - THPT - Phòng GD và ĐT chịu trách nhiệm trước UBND quận (huyện) về quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra trực tiếp và toàn diện các trường dân lập cấp tiểu học và THCS.

Điều 20: Về quản lý tài chính:

20.1. Trường PTDL chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính, tài sản của Sở Tài chính Vật giá, Sở GD và ĐT, Cục thuế Hà Nội. Giám đốc Sở Tài chính vật giá chủ trì cùng giám đốc Sở GD và ĐT, Cục trưởng Cục Thuế hà Nội hướng dẫn thực hiện và quản lý toàn bộ công tác tài chính - kế toán của trường PTDL theo đúng quy định của pháp luật.

20.2. Mỗi trường PTDL phải có một kế toán, một thủ quỹ riêng biệt; kế toán phải tốt nghiệp từ Trung học kế toán - tài chính trở lên, được Sở GD và ĐT thẩm định. Kế toán, thủ quỹ trường PTDL phải thực hiện đầy đủ pháp lệnh kế toán, pháp lệnh công chức và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD và ĐT, Sở Tài chính Vật giá, Cục Thuế Hà Nội.

20.3. Mọi hoạt động về tài chính, tài sản của trường PTDL phải được thực hiện đúng pháp luật, công khai, dân chủ trong HĐQT, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.

20.4. Trường PTDL thu học phí trên nguyên tắc đủ trang trải mọi chi phí hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất của trường theo quy định của Nhà nước và của UBND thành phố. Mức thu học phí phải tương ứng với cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng giảng dạy, học tập của trường.

20.5. Sở Tài chính Vật giá chủ trì cùng Sở GD và ĐT đề xuất trình UBND thành phố ra Quyết định về:

- Khung học phí thống nhất cho từng cấp học, từng địa bàn ở thành phố.

- Mức thu phí thẩm định thành lập trường PTDL, mức thu và sử dụng một phần kinh  phí để hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, văn hoá - thể thao chung của khối trường PTDL, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các trường PTDL của cơ quan quản lý giáo dục.

20.6. Định kỳ từng học kỳ, từng năm học, trường PTDL báo cáo quyết toán tài chính công khai trong HĐQT. Chậm nhất một tháng sau khi kết thúc năm học, Hiệu trưởng trường PTDL phải nộp báo cáo quyết toán tài chính về Sở DG và ĐT (đối với trường THPT và liên cấp THCS - THPT), về Phòng GD và ĐT (Đối với trường Tiểu học và THCS).

Điều 21: Về quản lý hồ sơ, sổ sách:

Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng chịu trách nhiệm lập và bảo quản toàn bộ hồ sơ, sổ sách các loại của trường theo đúng quy định của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, trung thực của những hồ sơ, sổ sách đó.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22: Quy định tạm thời này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 23: Giao cho Sở GD và ĐT, Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Sở Tài chính vật giá, Cục Thuế Hà Nội, UBND quận, huyện hướng dẫn các trường PTDL thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong bản Quy định tạm thơì này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Sở GD và ĐT trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/1999/QĐ-UB Quy định tạm thời về tổ chức và quản lý các trường Phổ thông dân lập của Hà Nội

  • Số hiệu: 36/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/05/1999
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lưu Minh Trị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản