Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Căn cứ Thông tư số 53/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ tài chính để thực hiện phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa;

Căn cứ Thông tư số 39/2010/TT-BNN&PTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 136/2010/TT-BTC ngày 13/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y;

Căn cứ Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 18/STC-NS ngày 07/01/2011 và đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 165/SNN&PTNT ngày 14/02/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ tài chính về phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Những trường hợp hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi gây ra trước ngày Quyết định này có hiệu lực mà hồ sơ hỗ trợ hoàn thành trong thời gian Quyết định này có hiệu lực vẫn hưởng theo mức hỗ trợ tại Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính chịu trách nhiệm tính chính xác này.

Điều 3.Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người tỉnh Quảng Ngãi và Chi cục trưởng Chi cục Thú y chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
-Như Điều 4;
-Các Bộ: Tài chính, NN và PTNT;
-TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
-UBMTTQVN tỉnh;
-CT và các PCT UBND tỉnh;
-Ban KT-NS HĐND tỉnh;
-Các Hội, đoàn thể tỉnh;
-Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
-VPUB: Các PVP, các P.NC, CB-TH;
-Lưu VT, NNTNndt75.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 09/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ:

1.1. Các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do các loại dịch bệnh nguy hiểm sau:

a) Loại dịch hại nguy hiểm đối với cây trồng gồm:

- Rầy nâu;

- Bệnh chồi cỏ mía, chổi rồng;

- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa.

b) Loại dịch bệnh nguy hiểm đối với vật nuôi gồm:

- Bệnh cúm gia cầm;

- Bệnh lở mồm long móng;

- Bệnh tai xanh ở lợn.

c) Loại dịch bệnh nguy hiểm đối với nuôi trồng thủy sản gồm:

- Bệnh đốm trắng đối với tôm sú, tôm chân trắng;

- Bệnh hội chứng Taura đối với tôm chân trắng;

- Bệnh đầu vàng đối với tôm sú, tôm chân trắng.

1.2. Cán bộ thú y và các lực lượng tham gia phòng, trừ dập dịch và giám sát việc tiêu hủy diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen hại lúa; tham gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản được UBND từ cấp xã, phường, thị trấn được UBND huyện, thành phố huy động bằng quyết định và có xác nhận của cơ quan thú y cấp trên tham gia vào các hoạt động chống dịch.

2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng nêu tại điểm 1 Điều này kể từ ngày UBND tỉnh có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp chưa công bố dịch mà phải tiêu hủy để phòng ngừa lây lan thì phải có quyết định tiêu hủy của UBND huyện, thành phố.

Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ:

1. Phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa:

a) Hỗ trợ cho công tác phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa, bao gồm:

- Kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật do ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc xuất thuốc bảo vệ thực vật từ Quỹ Dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các hộ nông dân theo quy định của Trung ương.

- Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia phòng, trừ dịch bệnh và giám sát việc tiêu hủy diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Mức hỗ trợ:

+ Ngày thường: 50.000 đồng/người/ngày

+ Ngày nghỉ, ngày lễ: 100.000 đồng/người/ngày.

- Chi tập huấn cho những người được cử tham gia phòng, trừ dập dịch theo chế độ quy định hiện hành của tỉnh về chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chi tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng, trừ dập dịch (Cán bộ công chức tỉnh, huyện, xã làm việc ngày thứ 7, Chủ nhật chỉ đạo tổ chức phòng, trừ dập dịch được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng văn bản phân công được hỗ trợ: 50.000đồng/người/ngày).

b) Chi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân có diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa phải tiêu hủy. Mức hỗ trợ: 4 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy, Diện tích lúa bị tiêu hủy phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật tại địa phương và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ.

c) Hỗ trợ cứu đói: 12 kg gạo/người/tháng (trong thời gian từ 1 đến 3 tháng) cho các hộ nông dân bị thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa gây ra.

2. Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh:

2.1. Chi hỗ trợ trực tiếp cho chủ trồng trọt có diện tích cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên:

a) Diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 500.000 đồng/ha;

b) Diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 750.000 đồng/ha;

c) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 500.000 đồng/ha;

d) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

2.2. Chi hỗ trợ trực tiếp cho chủ chăn nuôi:

a) Các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh và các đơn vị quân đội, có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc bị phản ứng chết trong quá trình tiêm phòng vắc xin (lở mồm long móng, heo tai xanh,...) hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Gia súc:

+ Hỗ trợ 25.000 đồng/kg hơi đối với lợn.

+ Hỗ trợ 30.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai.

- Gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng:

+ Trọng lượng từ trên 2 kg/con: 23.000 đồng/con

+ Trọng lượng từ 1 - 2 kg/con: 20.000 đồng/con

+ Trọng lượng dưới 1 kg/con: 15.000 đồng/con

- Gia cầm con: 5.000 đồng/con

- Chim cảnh: 20.000 đồng/con

- Bồ câu, chim cút:

+ Loại trưởng thành hoặc đang đẻ: 3.000 đồng/con

+ Loại còn lại: 2.000 đồng/con

- Sản phẩm gia cầm:

+ Trứng: gà, vịt, ngan, ngỗng: 1.000đồng/quả

+ Trứng cút: 200 đồng/quả

b) Vật nuôi do chủ chăn nuôi tự nguyện đề nghị tiêu hủy:

- Gia súc:

+ Hỗ trợ 17.000 đồng/kg hơi đối với lợn.

+ Hỗ trợ 21.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai.

- Gia cầm; gà, vịt, ngan, ngỗng:

+ Trọng lượng từ trên 2 kg/con: 14.000 đồng/con

+ Trọng lượng từ 1 - 2 kg/con: 10.000 đồng/con

+ Trọng lượng dưới 1 kg/con: 6.000 đồng/con

- Gia cầm con: 3.000 đồng/con

- Chim cảnh: 14.000 đồng/con

- Bồ câu, chim cút:

+ Loại trưởng thành hoặc đang đẻ: 3.000 đồng/con

+ Loại còn lại: 2.000 đồng/con

- Sản phẩm gia cầm:

+ Trứng gà, vịt, ngan, ngỗng: 500 đồng/quả

+ Trứng cút: 100 đồng/quả

c) Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm thuộc các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân, nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (về chủng loại, số lượng, trọng lượng của gia súc, gia cầm tiêu hủy) làm căn cứ thanh toán hỗ trợ. Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của quân đội phải có xác nhận của cơ quan thú y địa phương (về chủng loại, số lượng, trọng lượng của gia súc, gia cầm tiêu hủy).

2.3. Chi hỗ trợ trực tiếp cho chủ nuôi trồng thủy sản được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nuôi đúng lịch thời vụ theo hướng dẫn của ngành chức năng, có diện tích, lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại từ 30% trở lên. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Diện tích nuôi trồng bị thiệt hại từ 30 - 50% hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

Thiệt hại từ trên 50 - 70% hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;

Thiệt hại từ trên 70 - 90% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;

Thiệt hại từ trên 90 - 100% hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

b) Lồng, bè nuôi trồng bị thiệt hại từ 30 - 50% hỗ trợ 2.000.000 đồng/100m3 lồng;

Thiệt hại từ trên 50 - 70% hỗ trợ 3.000.000 đồng/100m3lồng;

Thiệt hại từ trên 70 - 90% hỗ trợ 4.000.000 đồng/100m3 lồng;

Thiệt hại từ trên 90 - 100% hỗ trợ 5.000.000 đồng/100m3 lồng.

2.4. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

2.5. Chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bao gồm:

a) Chi cho công tác tiêm phòng:

- Đối với đàn gia súc, gia cầm của hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, nội dung ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

+ Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng với mức bình quân cho 1 lần tiêm: đối với lợn là 2.000 đồng/con/lần tiêm, đối với dê là 3.000 đồng/con/lần tiêm, đối với trâu, bò là 4.000 đồng/con/lần tiêm, đối với gia cầm là 200 đồng/con/lần tiêm.

Trường hợp mức bồi dưỡng theo lần tiêm dưới 70.000 đồng/người/ ngày thì được thanh toán theo mức 70.000 đồng/người/ngày.

+ Hỗ trợ các chi phí công tác tổ chức tiêm phòng bao gồm: Kinh phí tổ chức, chỉ đạo thực hiện (Cán bộ thôn, tổ dân phố dẫn đường; cán bộ công chức tỉnh, huyện, xã làm việc ngày thứ 7, Chủ nhật chỉ đạo và kiểm tra tiêm phòng gia súc gia cầm được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng văn bản phân công được hỗ trợ: 50.000đồng/người/ngày); tuyên truyền; chi tập huấn cho những người được cử tham gia thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng; chi phí cho công tác kiểm tra tiêm phòng; chi phí cho vật tư tiêm phòng (trang thiết bị bảo quản vắc xin, bơm tiêm, kim tiêm các loại, dụng cụ cho người đi tiêm, cồn sát trùng, bông, xà phòng, chi phí vận chuyển và bảo quản vắc xin từ tỉnh đến các địa điểm tiêm phòng) và các chi phí khác có liên quan.

- Đối với đàn gia súc, gia cầm của các doanh nghiệp trong tỉnh, các đơn vị quân đội, trang trại (theo tiêu chí phân loại hiện hành của các cơ quan chức năng) có trách nhiệm tiêm phòng toàn bộ đàn gia súc, gia cầm của đơn vị mình và phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí tiêm phòng.

b) Chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm:

Gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy bắt buộc; gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y. Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm dựa trên các căn cứ sau:

- Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch tiêu hủy bắt buộc có xác nhận của cơ quan Thú y huyện, thành phố.

- Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (trường hợp không quy được trách nhiệm của chủ hàng trong việc hoàn trả chi phí tiêu hủy theo quy định của pháp luật) do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, Trạm kiểm dịch động vật tịch thu và có quyết định tiêu hủy.

- Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do thiên tai, vô chủ.

c) Chi phí hóa chất các loại phục vụ cho việc khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; mua trang phục phòng hộ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

d) Chi hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch, xử lý môi trường sau thiên tai được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng văn bản phân công:

- Cán bộ thú y và lực lượng trực tiếp tham gia tiêu hủy gia súc, gia cầm (kể cả gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy).

- Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và làm nhiệm vụ phun hoá chất khử trùng vùng dịch.

- Cán bộ tham gia Tổ thường trực ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản được phân công làm nhiệm vụ trực, kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ đạo, giám sát công tác chống dịch, lực lượng tham gia trực tại các chốt, trạm kiểm dịch động vật. Mức hỗ trợ:

+ Ngày thường: 40.000 đồng/người/ngày

+ Ngày nghỉ, ngày lễ: 60.000 đồng/người/ngày.

- Đối tượng huy động tham gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản không hưởng lương từ ngân sách. Mức hỗ trợ:

+ Ngày thường: 70.000 đồng/người/ngày

+ Ngày nghỉ, ngày lễ: 100.000 đồng/người/ngày.

- Lực lượng trực tiếp thu gom, tiêu hủy, phun hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch (cả phun theo định kỳ và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh). Mức hỗ trợ:

+ Ngày thường: 100.000 đồng/người/ngày

+ Ngày nghỉ, ngày lễ: 150.000 đồng/người/ngày.

e) Kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch; mua sắm thiết bị, vật dụng cho việc kiểm tra phát hiện, chẩn đoán dịch bệnh và phòng chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.6. Ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc do địa phương quản lý như sau:

a) Hỗ trợ 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm quý hiếm trong thời gian có dịch (chỉ áp dụng cho đàn giống đang trong thời kỳ khai thác sản xuất và theo số lượng giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm quý hiếm được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ nuôi cho cơ sở chăn nuôi) do không tiêu thụ được sản phẩm.

b) Hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian có dịch trên địa bàn do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật về thú y, bao gồm: chi phí mua sắm thiết bị, vật tư, dụng cụ, thuốc khử trùng, tiêu độc; trang phục phòng hộ và bồi dưỡng cho người tham gia công tác phòng, chống dịch.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện:

1. Ngân sách trung ương:

a) Hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa; kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân có diện tích lúa bị tiêu hủy quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2, Quy định này.

b) Hỗ trợ 70% kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh quy định tại khoản 2, Điều 2 (trừ chi phí công tác tổ chức tiêm phòng do ngân sách địa phương đảm bảo quy định tại dấu cộng (+) thứ hai, gạch ngang (-) thứ nhất của tiết a, điểm 2.5, khoản 2, Điều 2), Quy định này.

Trường hợp có chi phí phát sinh cho công tác phòng, chống dịch bệnh không lớn (dưới 1.000 triệu đồng) thì sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện.

2. Ngân sách tỉnh:

a) Hỗ trợ 30% kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh quy định tại khoản 2, Điều 2 (trừ chi phí công tác tổ chức tiêm phòng do ngân sách địa phương đảm bảo quy định tại dấu cộng (+) thứ hai, gạch ngang (-) thứ nhất của tiết a, điểm 2.5, khoản 2, Điều 2, Quy định này).

b) Chi phí công tác phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa (trừ chi phí do ngân sách trung ương hỗ trợ quy định tại khoản 1, Điều này); các chi phí cho công tác tổ chức tiêm phòng.

c) Hỗ trợ kinh phí ngoài phần ngân sách trung ương đã hỗ trợ tại điểm 2.6, khoản 2 Điều 2 và điểm b, khoản 1 Điều 3 Quy định này đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc của nhà nước do địa phương quản lý.

Điều 4. Điều kiện ngân sách nhà nước hỗ trợ:

1. Đối với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa:

Diện tích lúa cần phun thuốc bảo vệ thực vật phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật tại địa phương và các đơn vị liên quan để làm căn cứ mua thuốc hoặc đề nghị hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn dự trữ quốc gia.

2. Đối với hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại do dịch bệnh:

Diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản, hải sản và số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y, bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ. Thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trên từng địa bàn làm căn cứ hỗ trợ thiệt hại sản xuất phải nằm trong Quyết định công bố loại dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền:

a) Đối với cây trồng: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn, bản về diện tích gieo trồng (lúa, ngô, hoa màu), diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng), Chủ tịch UBND xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra thiệt hại thực tế và xác nhận danh sách hộ, số nhân khẩu trong hộ cần cứu đói nêu tại điểm c, khoản 1, Điều 2, Quy định này; đồng thời tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thiệt hại sản xuất báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

b) Đối với vật nuôi: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn, bản về số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng đã được đối chiếu với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu của các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, theo từng loại gia súc, gia cầm), Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thiệt hại sản xuất báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

c) Đối với nuôi trồng thủy, hải sản: Căn cứ bảng kê thiệt hại về diện tích nuôi trồng thủy sản, hải sản bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng đã được đối chiếu với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu của các nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hải sản); Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thiệt hại sản xuất, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

3. Chi hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại tại điểm 1 Quy định này đã chấp hành nghiêm túc các quy định về lịch thời vụ, giống cây, con; các quy trình kỹ thuật nuôi trồng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản do cơ quan chuyên môn liên quan quy định.

Điều 5. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định nhu cầu về số lượng thuốc bảo vệ thực vật, số lượng vắc xin hàng năm phần Trung ương hỗ trợ (nếu có), báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và vắc xin tiêm phòng.

b) Hàng năm, căn cứ kế hoạch do các huyện, thành phố lập để xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen hại lúa; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

c) Đối với kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với gia súc, gia cầm và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (khi có dịch xảy ra), tùy thuộc vào quy mô dịch và mức độ thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu kinh phí và có phương án tài chính gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định số hộ nông dân bị thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen hại lúa phải cứu đói, số tháng cứu đói và số lượng gạo cứu đói báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nhu cầu thực tế hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen hại lúa; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố và kinh phí hỗ trợ thiệt hại (khi có dịch xảy ra), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thú y) để tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

4. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen hại lúa; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước: số lượng thuốc bảo vệ thực vật và số lượng vắc xin đã sử dụng trên địa bàn xã, mức hỗ trợ đối với các hộ nông dân có diện tích lúa phải tiêu hủy, hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp có thẩm quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại các thôn, bản.

5. Chế độ báo cáo: Kết thúc đợt phòng, chống dịch bệnh hoặc cuối năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo tình hình, kết quả phòng, chống dịch, số kinh phí đã chi đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ thiệt hại sản xuất do dịch bệnh (chi tiết theo nguồn, mức chi, nội dung chi cụ thể theo từng loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 353/QĐ-UBND năm 2011 quy định chế độ tài chính về phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 353/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản