Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3525/1998/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 3525/1998/QĐ-BGTVT NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định 07/CP ngày 30/01/1993 của Chính phủ về việc thành lập Cục Đường bộ Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ văn bản số 2891/VPCP-KTN ngày 28/7/1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Giao thông vận tải ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường sông Việt Nam;
Nhằm cụ thể hoá về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản "Điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Cục Đường bộ Việt Nam".

Điều 2:

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, Cục Đường bộ Việt Nam cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo cơ chế quản lý ngành đường bộ có hiệu lực trong phạm vi cả nước, để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức.

Điều 3: Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, các Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ phạm vị trách nhiệm của mình, thi hành Quyết định này.

 

Lê Ngọc Hoàn

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3525/1998/QĐ-BGTVT ngày 23/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

Chương 2

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

Điều 3: Về lĩnh vực Pháp luật:

1. Xây dựng và tham gia xây dựng các dự án luật, các văn bản dưới luật, các cơ chế chính sách thuộc chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền.

2. Tham gia hoặc trực tiếp soạn thảo, đàm phán (theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), kiến nghị về việc ký kết, sửa đổi, gia hạn, bãi bỏ những điều ước Quốc tế mà phía Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia về giao thông vận tải đường bộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

3. Hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước. Kiến nghị với Bộ truởng Bộ Giao thông vận tải về các vấn đề có liên quan tới quản lý giao thông và vận tải đường bộ, để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành.

4. Tham gia với các cơ quan có liên quan về việc tuyên truyền, giáo dục Pháp luật đối với viên chức và lao động thuộc ngành giao thông vận tải đường bộ và tuyên truyền Pháp luật giao thông vận tải đường bộ đối với toàn xã hội.

5. Tham gia xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp pháp lý quốc tế trong phạm vi hoạt động giao thông vận tải đường bộ.

Điều 4: Về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển:

1. Căn cứ vào phương hướng chiến lược, kế hoạch phát tiển kinh tế xã hội của nhà nước để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về phát triển giao thông và vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước, để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ phê duyệt.

Hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật, nghiệp vụ cho các địa phương về quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải địa phương.

2. Trực tiếp quản lý vốn bảo trì sửa chữa các quốc lộ, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Chính phủ và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Tham gia ý kiến với các tổ chức và cơ quan có liên quan xây dựng các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

4. Giao chỉ tiêu kế hoạch (hoặc đơn đặt hàng) bảo trì, sửa chữa các quốc lộ cho các đơn vị trực thuộc và các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) được uỷ thác quản lý quốc lộ.

5. Hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc và các Sở Giao thông vận tải hoặc Giao thông công chính (phần kế hoạch đặt hàng hay uỷ thác) trong việc quản lý, bảo trì đường bộ và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điều 5: Về lĩnh vực quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ:

1. Tổ chức quản lý quy hoạch, kế hoạch sửa chữa hệ thống đường bộ.

2. Tổ chức và chỉ đạo quản lý, bảo trì, khai thác cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả đối với hệ thống quốc lộ theo phân cấp. Hướng dẫn các sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) thực hiện các chế độ, quy trình, quy phạm quản lý và khai thác hệ thống đường bộ địa phương.

3. Phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan trong việc quản lý và bảo vệ các công trình giao thông đường bộ theo quy định của Pháp luật (kể cả hành lang bảo về an toàn công trình giao thông đường bộ).

4. Tổ chức công tác bảo đảm giao thông thông suốt, đồng thời hỗ trợ các địa phương đảm bảo giao thông khi có thiên tai, địch hoạ xảy ra.

5. Cung cấp các loại bản đồ, tài liệu và thông tin giao thông vận tải đường bộ cho các đơn vị có liên quan theo quy định.

Điều 6: Về lĩnh vực vận tải, phương tiện cơ giới đường bộ và người lái xe:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và cơ chế chính sách về vận tải và phương tiện cơ giới đường bộ, để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền. Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.

2. Tham gia xây dựng hoặc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương tiện cơ giới đường bộ, bao gồm các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và khai thác phương tiện (kể cả phương tiện cơ giới đường bộ đã qua sử dụng) để Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải ban hành theo thẩm quyền; Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.

3. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giá cước vận tải, bốc xếp, dịch vụ vận tải theo thẩm quyền đối với các thành phần kinh tế hoạt động vận tải đường bộ.

4. Nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo hộ đối với ngành vận tải đường bộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ quyết định.

5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc đăng ký hành chính, lập sổ đăng bạ xe vận tải, xe chuyên dùng. Tổ chức đăng ký hành chính phương tiện thi công cơ giới đường bộ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước (kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam)

6. Quản lý tổ chức công tác vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước và liên vận quốc tế. Cấp, thu hồi giấy phép hành nghề vận tải đường bộ của các tổ chức và cá nhân trong phạm vi toàn quốc theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Quản lý công tác bảo dưỡng, sửa chữa, hoán cải ô tô trong phạm vi toàn quốc; cấp và thu hồi giấy phép bảo dưỡng, sửa chữa và cải tạo ô tô.

8. Xét duyệt hoặc chủ trì xét duyệt thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ và tham gia hội đồng nghiệm thu chất lượng kỹ thuật về sản xuất, cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ.

9. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe trong phạm vi toàn quốc. Tổ chức sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cho các đối tượng theo phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 7: Về lĩnh vực an toàn giao thông vận tải:

1. Xây dựng các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn và biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và vận tải đường bộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; Cục Đường bộ Việt nam hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra thực hiện.

2. Tổ chức, chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi toàn quốc. Xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những vi phạm về an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị.

3. Tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; các quy định về kiểm tra dịch bệnh, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường,... trên các phương tiện vận tải đường bộ.

4. Tham gia với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phân tích nguyên nhân những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

5. Tham gia Ban thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia.

6. Tổ chức nghiên cứu, lưu giữ và tuyên truyền thông tin về an toàn giao thông vận tải đường bộ.

Điều 8. Về lĩnh vực kinh tế tài chính:

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chính sách, chế độ tài chính, kế toán, thống kê; phối hợp với các cơ quan có liên quan, hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) được uỷ thác sử dụng vốn đường bộ theo quy định của Nhà nước và của Bộ Giao thông vận tải.

2. Chỉ đạo, tổ chức bộ máy kế toán phù hợp với tính chất của từng loại hình doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp của Cục; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ về công tác tài chính kế toán cho phù hợp với đặc thù của ngành.

3. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch thu chi tài chính (kể cả thu chi ngoại tệ), tổng hợp trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giao và kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch thu chi tài chính theo quy định của nhà nước và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.

4. Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, kinh phí được giao theo quy định và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.

5. Xây dựng các chế độ thu phí cầu, đường, cước phà, lệ phí cấp các loại chứng chỉ và tài liệu về vận tải và giao thông đường bộ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch thu chi tài chính và tổ chức, chỉ đạo việc thu phí, lệ phí đường bộ và các khoản thu khác phát sinh, kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực hiện chế độ thu nộp ngân sách.

6. Xây dựng khung giá cước vận tải, xếp dỡ, dịch vụ vận tải đường bộ trình cơ quan có thẩm quyền công bố, hoặc công bố theo thẩm quyền.

7. Duyệt quyết toán và tổng hợp quyết toán tài chính thuộc phần ngân sách Nhà nước cấp về sự nghiệp đường bộ theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính phê duyệt. Phối hợp với cơ quan Tài chính quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, phê duyệt báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp thuộc Cục và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

8. Tổ chức thực hiện các quy định có liên quan về quản lý vốn đầu tư khi Cục được Chính phủ hoặc Bộ Giao thông vận tải giao là chủ đầu tư các dự án phát triển giao thông, vận tải đường bộ.

9. Thực hiện chế độ thống kê báo cáo theo quy định.

Điều 9. Về lĩnh vực khoa học công nghệ:

1. Xây dựng và tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện.

2. Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ quản lý trong ngành giao thông vận tải đường bộ.

3. Thực hiện chức năng Hội đồng khoa học công nghệ cấp ngành.

4. Hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước để nghiên cứu các đề án phát triển ngành giao thông vận tải; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.

5. Tổ chức thông tin khoa học công nghệ về giao thông vận tải đường bộ.

Điều 10. Về lĩnh vực quan hệ quốc tế:

1. Xây dựng phương hướng, kế hoạch hợp tác quốc tế, đàm phán, soạn thảo văn bản về quan hệ hợp tác với các nước về giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hoặc Bộ trưởng trình Chính phủ phê duyệt.

2. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong việc tham gia (hoặc không tham gia) với các tổ chức quốc tế về giao thông vận tải đường bộ; theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, được quan hệ với các tổ chức giao thông vận tải đường bộ quốc tế.

3. Quản lý các dự án do quốc tế tài trợ cho ngành giao thông vận tải đường bộ theo phân cấp của Bộ Giao Thông vận tải. Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép hợp tác đầu tư nước ngoài và quản lý các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Điều 11. Về lĩnh vực tổ chức, cán bộ và lao động:

1. Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và lao động thuộc Cục Đường bộ Việt Nam để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thực hiện.

2. Xây dựng các chức danh tiêu chuẩn công chức và viên chức, định mức lao động và chế độ lao động đặc thù thuộc chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, Cục hướng dẫn tổ chức và kiểm tra thực hiện.

3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các đơn vị thuộc cục đường bộ Việt Nam và tham gia cùng các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra các đơn vị trong ngành giao thông vận tải đường bộ thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm, bảo hộ lao động chuyên ngành.

4. Quản lý tổ chức, định biên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh lãnh đạo do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.

Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam được bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh còn lại thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân viên chức chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

6. Chỉ đạo và tham gia với các cấp có thẩm quyền triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các đơn vị thuộc Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

7. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập, giải thể, sắp xếp lại các tổ chức sự nghiệp, các doanh gnhiệp trực thuộc Cục theo quy định của Chính phủ.

Điều 12. Về lĩnh vực thanh tra Nhà nước:

1. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong phạm vị quyền quản lý nhà nước trực tiếp của Cục Đường bộ Việt Nam; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo pháp lệnh khiếu nại tố cáo và quy chế hoạt động của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.

2. Tổng hợp hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vị quản lý trực tiếp của Cục để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chương 3

TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

Điều 13. Tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam bao gồm:

1. Các cơ quan giúp việc Cục trưởng: Văn phòng, các ban tham mưu và các tổ chức tương đương,

2. Các khu quản lý đường bộ,

3. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục (trường, ban quản lý dự án, tổ chức y tế,...),

4. Các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc.

Việc thành lập, sát nhập, sắp xếp lại, giải thể các khu quản lý đường bộ, các đơn vị sự nghiệp (trường, ban quản lý dự án, tổ chức y tế,...), các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Cục, do Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền, hoặc Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 14. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thẩm duyệt và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam do Cục trưởng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm sau khi có trao đổi với Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Cục trưởng là người đứng đầu và lãnh đạo Cục theo chế độ thủ trưởng; các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng đảm nhiệm phần công việc quản lý Nhà nước theo sự phân công của Cục trưởng. Khi Cục trưởng vắng mặt có một Phó Cục trưởng được uỷ quyền thay mặt.

Chương 4

MỐI QUAN HỆ GIỮA CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ LIÊN QUAN VÀ CÁC CƠ QUAN GIÚP VIỆC BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 15. Cục Đường bộ Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về những lĩnh vực có liên quan

Điều 16. Theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam được quyền quan hệ trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các địa phương để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 17.

1. Cục Đường bộ Việt Nam chịu sự hướng dẫn và kiểm tra nghiệp vụ quản lý của các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Cục Đường bộ Việt Nam có quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan khác có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, kiểm tra và thanh tra hệ thống công trình giao thông, nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

3. Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn và phối hợp với các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) trong việc quy hoạch phát triển và tổ chức quản lý giao thông vận tải đường bộ địa phương; chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ ở địa phương theo thẩm quyền.

Chương 5

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3525/1998/QĐ-BGTVT về Điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Cục Đường bộ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 3525/1998/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Ngọc Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 07/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản