Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3480/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 09 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

n cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTG ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch;

Căn cứ Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 02/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương “Đề án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa”;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1680/TTr-SVHTTDL ngày 11/7/2016 về việc thẩm định đề án Phát triển loại hình du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3367/SKHĐT-CNDV ngày 18/8/2016 về việc rà soát danh mục các dự án thực hiện Đề án Phát triển loại hình du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa với những nội dung chủ yếu sau:

I. TÊN ĐỀ ÁN: Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển du lịch gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư địa phương;

- Phát triển du lịch bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc trưng của địa phương; tăng cường giao lưu, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để đầu tư khai thác, phát triển du lịch.

- Tuân thủ quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ và tuân thủ các quy hoạch xây dựng liên quan.

2. Định hướng phát triển

- Phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống để phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, phù hợp với điều kiện chung của huyện; phấn đấu đưa huyện Vĩnh Lộc thành trọng điểm phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa.

- Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch được tận dụng và lồng ghép trong các dự án đầu tư, các chương trình mục tiêu để giảm chi phí và tăng hiệu quả chung.

Thực hiện thí điểm phát triển du lịch cộng đồng tại một số cụm du lịch bao gồm các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Ninh, Vĩnh Hùng, Vĩnh An; qua đó, rút kinh nghiệm và dần mở rộng quy mô thực hiện tại các địa điểm khác trong huyện.

3. Mục tiêu phát triển

3.1. Mục tiêu chung

- Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong huyện gắn với phát triển du lịch.

- Khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tại các địa phương trong huyện nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương; phát triển du lịch cộng đồng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trong huyện, đặc biệt là tại các điểm du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a. Mục tiêu kinh tế

- Khách du lịch: Năm 2020 thu hút được 8.000 lượt khách du lịch quốc tế, 216.000 lượt khách du lịch nội địa; năm 2025 thu hút được 13.500 lượt khách du lịch quốc tế, 383.600 lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút được 20.000 lượt khách du lịch quốc tế, 640.000 lượt khách du lịch nội địa.

- Tổng thu từ hoạt động du lịch: Năm 2020 đạt 106,4 tỷ đồng; năm 2025 đạt 242,2 tỷ đồng; năm 2030 đạt 494,4 tỷ đồng.

- Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ loại hình du lịch cộng đồng (homestay): Năm 2016, có 20 hộ, năm 2020 có 70 hộ, năm 2025 là 100 hộ, đến năm 2030 là 150 hộ tham gia cung cấp dịch vụ homestay. Năm 2020, có 05 khách sạn 01 sao, 02 khách sạn 2 sao, 15 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch, 12 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Năm 2030, có 10 khách sạn 01 sao, 05 khách sạn 02 sao, 35 nhà nghỉ và 50 nhà hàng đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch.

b. Mục tiêu xã hội

Phát triển du lịch tạo việc làm cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Năm 2020 cần có tổng số 930 lao động (trong đó 600 lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chiếm 65%). Năm 2025 là 1740 lao động (trong đó có 1220 lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chiếm 70%). Năm 2030 cần có 3030 lao động (trong đó có 2270 lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chiếm 75%).

c. Mục tiêu môi trường du lịch

Phấn đấu đến năm 2020: Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; 100% các hộ tham gia du lịch cộng đồng sử dụng nước sạch; 70% các điểm đến du lịch cộng đồng có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; nước thải và rác thải tại khu dân cư và các khu vực tham quan du lịch được thu gom, xử lý.

III. MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN

1. Địa điểm phát triển du lịch cộng đồng

Xã Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Long, xã Vĩnh Quang (vùng bao gồm Thành Nhà Hồ và các di tích thuộc quần thể Thành Nhà Hồ), xã Vĩnh Hùng (vùng bao gồm làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Phủ Trịnh, chợ Bồng Cổ, bến đò Kênh Thôn, Nghè Vẹt, chùa Báo Ân, làng nghề chế tác đá xã Vĩnh Minh, thắng tích Kim Sơn - Tiên Sơn) và xã Vĩnh An.

2. Chương trình du lịch

2.1. Chương trình du lịch nội vùng

- Thành Nhà Hồ - Đền thờ nàng Bình Khương - La thành - Đình Đông Môn - nhà cổ - Đàn tế Nam Giao.

- Thành Nhà Hồ - công trường khai thác đá An Tôn - Mau An Tôn - Đàn tế Nam Giao.

- Thành Nhà Hồ - Đền Tam Tổng - Đền Trần Khát Chân - Đàn tế Nam Giao.

- Thành Nhà Hồ - Chùa Linh Giang - Chùa Nhân Lộ - Chùa Giáng - Chùa Du Anh - Chùa Báo Ân - Chùa Bền.

- Thành Nhà Hồ - La thành - Đập Mang Mang - Đền Còng.

- Thành Nhà Hồ - Mau An Tôn - Đình Cẩm Hoàng - động Eo Lê.

- Thành Nhà Hồ - Đàn tế Nam Giao - Chùa Du Anh - động Hồ Công - Phủ Trịnh - Nghè Vẹt - Thắng cảnh Kim Sơn - Tiên Sơn - Chùa Linh Ứng.

2.2. Chương trình ngoại vùng

- Thành Nhà Hồ - Hang Con Moong - Vườn quốc gia Cúc Phương - Chiến khu Ngọc Trạo - Phố Cát (huyện Thạch Thành).

- Thành nhà Hồ - Lăng miếu Triệu tường nhà Nguyễn ở Hà Long (huyện Hà Trung) - Động Từ Thức, Chùa Tiên (huyện Nga Sơn).

- Thành nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) - Khu du lịch sinh thái Pù Luông (huyện Bá Thước, huyện Quan Hóa) - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hóa, huyện Mường Lát).

- Thành nhà Hồ - Thác Ma Hao - Cửa khẩu Khẹo (huyện Lang Chánh)

- Thành nhà Hồ - Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) - Khu du lịch biển Sầm Sơn.

- Thành nhà Hồ - Khu di tích đền Bà Triệu (Núi Nưa - huyện Triệu Sơn).

- Thành nhà Hồ - Khu vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh) - Phố cổ Du Xuyên (huyện Tĩnh Gia) - Khu du lịch kinh tế Nghi Sơn.

- Thành nhà Hồ - Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) - Hồ Cửa Đạt - Khu bảo tồn quốc gia Xuân Liên.

3. Thị trường mục tiêu

- Chú trọng thị trường khách du lịch nội địa là thị trường truyền thống, tập trung các đối tượng như: Khách du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng; khách du lịch sinh thái; khách du lịch tâm linh; khách yêu thích du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa truyền thống vùng miền; khách yêu thích trải nghiệm cuộc sống mới, gắn liền với các hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp; khách du lịch nghiên cứu, tìm hiểu học thuật, nghiên cứu chữ cổ Hán Nôm, di chỉ khảo cổ học...

- Thị trường gửi khách nội địa lớn nhất của Thanh Hóa là Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Với việc đưa vào khai thác Cảng Hàng không Thọ Xuân, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường quan trọng trong tương lai.

- Thị trường khách quốc tế bao gồm các thị trường chính: Khách Tây Âu, thị trường khách Đông Nam Á, gắn với du lịch di sản và du lịch sinh thái.

4. Phát triển hoạt động du lịch

- Hoạt động du lịch sinh thái: Loại hình du lịch trên sông nước, thám hiểm hang động và du lịch nông nghiệp.

- Hoạt động du lịch văn hóa: Tham dự các lễ hội văn hóa dân gian, tìm hiểu về văn hóa bản địa, các di tích liên quan đến các danh nhân và các sự kiện lịch sử.

- Hoạt động du lịch ẩm thực: Bánh tráng làng Bồng, chè lam phủ Quảng, bánh lá răng bừa, ổi Đa Bút, dê núi Vĩnh Lộc, thịt trâu, gà thả vườn, cá sông Mã, tôm sông Mã nổi tiếng, rượu gạo của người dân địa phương tự cất, rau rừng...

- Hoạt động du lịch cộng đồng: Khách nghỉ tại các nhà dân, hưởng thụ cuộc sống thôn xóm, làng quê, tìm hiểu khám phá hệ sinh thái núi đá, sông Mã, sông Bưởi, trải nghiệm cuộc sống của nhà nông qua công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá trên sông...

5. Phát triển hệ thống dịch vụ

Dịch vụ hướng dẫn tham quan, dịch vụ lưu trú (homestay), dịch vụ ẩm thực (cung cấp các món ăn địa phương), dịch vụ mua sắm (bán những nông sản, đặc sản của địa phương), dịch vụ vận chuyển (phát triển dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp, thuê thuyền..), dịch vụ trình diễn văn hóa địa phương (hát múa chèo chải, chèo văn, xẩm, biểu diễn nghệ thuật Tuồng..., trình diễn các nhạc cụ dân tộc...).

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, mặt bằng kinh doanh, bồi thường giải phóng mặt bằng, miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính đầu tư vào các dự án phát triển du lịch tại huyện Vĩnh Lộc.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua sắm các phương tiện vận chuyển trong khu du lịch huyện Vĩnh Lộc (tàu thuyền nhỏ phục vụ du lịch trên đường sông, xe điện phục vụ trong các khu du lịch có các điểm du lịch gần nhau, các dụng cụ phục vụ du lịch trong huyện Vĩnh Lộc).

- Có cơ chế huy động các nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; các giá trị văn hóa phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới, điển hình, đặc trưng cho từng điểm đến nhằm tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc.

- Xây dựng thương hiệu và công nhận một số nghề, làng nghề truyền thống như Chè lam Phủ Quảng, Bánh tráng làng Bồng, Chế tác đá làng Mai.

- Chính sách quản lý, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch huyện Vĩnh Lộc như: lái tàu (thuyền) trên sông Mã, sông Bưởi, thuyết minh viên, tại các điểm du lịch, hướng dẫn viên trên các tuyến du lịch, hướng dẫn các kỹ thuật chế tác đá mới... ; hỗ trợ kinh phí nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân bản địa; hỗ trợ về vốn để người dân làm du lịch.

- Khuyến khích các hộ kinh doanh lưu trú du lịch hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể; các cá nhân tham gia hoạt động theo hình thức tổ hợp tác.

2. Giải pháp về quy hoạch và đầu tư

2.1. Quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch phát triển du lịch phù hợp tiêu chí công nhận khu, điểm du lịch của Luật Du lịch, phù hợp với quy hoạch ngành. Lập mới các quy hoạch phát triển du lịch các khu vực trọng điểm nhằm tạo cơ sở thu hút đầu tư hình thành điểm đến tham quan cho khách du lịch như Khu vực động Kim Sơn, Tiên Sơn, Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, Động Hồ Công, hồ Mang Mang...

- Kết hợp chặt chẽ các quy hoạch du lịch trên các địa bàn của huyện (du lịch các tuyến đường sông, du lịch sông Mã...).

- Nghiên cứu bổ sung các khu chức năng cần thiết về du lịch cộng đồng (bãi đỗ xe, khu tiếp đón...) trong các đồ án quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.

2.2. Đầu tư

- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển du lịch như: hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với giao thông đường thủy tại các điểm bến tàu, bến thuyền; xây dựng các bến thuyền du lịch, các bãi đỗ xe, khu tiếp đón ở các điểm du lịch; đảm bảo nguồn điện lưới ổn định cho các điểm du lịch, đặc biệt vào các tháng hè; đảm bảo các dịch vụ viễn thông, internet phục vụ khách du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch; hệ thống xử lý rác và vệ sinh môi trường...

- Hỗ trợ cộng đồng các trang thiết bị cơ bản về vật chất kỹ thuật du lịch, tạo tiền đề cho công việc phục vụ khách du lịch ban đầu; đầu tư khôi phục và bảo tồn giá trị tài nguyên nhân văn, tài nguyên phi vật thể của cộng đồng dân tộc địa phương.

- Đầu tư đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn.

3. Giải pháp về vốn

- Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng, bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng như cho quảng bá xúc tiến (trong giai đoạn đầu), đầu tư cho công tác quy hoạch, lập dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

- Khuyến khích các nguồn vốn đầu tư đa dạng cho phát triển du lịch, đặc biệt coi trọng huy động vốn (nhiều hình thức) của cộng đồng địa phương;

- Quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch vào đầu tư.

4. Giải pháp về phát triển các loại hình dịch vụ

- Đối với dịch vụ lữ hành, vận chuyển: Kết hợp các dịch vụ do nhà nước cung cấp với dịch vụ của các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch tại địa phương.

- Đối với dịch vụ lưu trú cộng đồng (homestay): Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà”, gồm nhà dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp; trong đó, nhà nước giữ vai trò trung gian kết nối giữa các hộ gia đình cung ứng dịch vụ homestay với các công ty du lịch.

- Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ như: hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, biểu diễn văn nghệ, các dịch vụ trải nghiệm.

5. Giải pháp về quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch

5.1. Về quản lý Nhà nước

- Triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của trung ương, của tỉnh Thanh Hóa và của địa phương.

- Phát huy vai trò quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc, các cấp các ngành có liên quan để chỉ đạo và giải quyết những vướng mắc khó khăn, tạo thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Vĩnh Lộc.

- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các hình thức: tọa đàm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, áp phích, tờ rơi để cung cấp thông tin ngắn gọn, dễ hiểu và dễ chấp hành.

- Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) tại các điểm đến du lịch trên địa bàn. Hoạch định kế hoạch phân kỳ đầu tư, phát triển hợp lý cho từng giai đoạn đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm vốn đầu tư, cân đối nhu cầu du lịch đảm bảo hiệu quả đầu tư.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

- Đẩy mạnh công tác liên kết với các khu, điểm du lịch tương đồng trong địa phương và cả nước để có điều kiện phối hợp, liên kết và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

5.2. Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch

a) Đối với cán bộ quản lý Nhà nước

- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch cho cán bộ phụ trách du lịch của phòng Văn hóa, Thông tin thuộc UBND huyện Vĩnh Lộc; cán bộ văn hóa các xã trực tiếp làm du lịch.

- Có cơ chế thu hút hoặc bổ sung thêm nhân sự cán bộ quản lý được đào tạo chuyên ngành du lịch cho phòng Văn hóa Thông tin, UBND huyện Vĩnh Lộc.

b) Đối với cộng đồng dân cư

- Nâng cao trình độ dân trí, văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; đào tạo nghề thông qua trực quan, trực tiếp, dùng tay dạy việc.

- Áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông lâm ngư nghiệp theo hướng sạch và thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, tạo không gian sống, cũng như du lịch cộng đồng bền vững.

c) Tăng cường sự hợp tác trao đổi kinh nghiệm

- Tăng cường sự hợp tác trao đổi học tập kinh nghiệm thông qua các chuyến khảo sát, học hỏi mô hình du lịch của các địa phương khác trong thời gian đầu triển khai, xây dựng sản phẩm.

- Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, chuyến khảo cứu, diễn đàn về phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như năng lực công tác.

6. Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá du lịch

- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch một cách bài bản, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng để các đối tượng hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa phát triển du lịch cộng đồng trong huyện.

- Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường để xác định các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu, làm cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách và xây dựng các chương trình xúc tiến phù hợp với từng thị trường.

- Đa dạng và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch, xây dựng hình ảnh các điểm du lịch để tạo ra sức hấp dẫn riêng đối với du khách bằng nhiều hình thức

- Tăng đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ công tác quảng bá du lịch; kêu gọi, huy động nguồn lực kinh tế từ các doanh nghiệp, tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành, các lĩnh vực khác có liên quan trong và ngoài nước tập trung cho công tác quảng bá du lịch cho du lịch cộng đồng tại huyện Vĩnh Lộc.

7. Giải pháp về đảm bảo môi trường phát triển phát triển bền vững

- Có kế hoạch khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên du lịch một cách hợp lý và giảm thiểu chất thải ra môi trường; phát triển du lịch phải gắn liền với nỗ lực bảo tồn tính đa dạng của tài nguyên.

- Quan tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn và thân thiện, tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền ý thức phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương.

- Bố trí đầy đủ hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải; xây dựng và ban hành các quy định về giữ gìn môi trường tại các điểm du lịch.

- Đối với các hoạt động du lịch trên sông Mã, sông Bưởi: Thực hiện rà soát và bổ sung, hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông trên sông; đồng thời, tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm; các tàu, thuyền du lịch đều phải đảm bảo được an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiên thủy nội địa.

- Đối với các khách du lịch đường bộ: Đảm bảo các biện pháp thực hiện an toàn đường bộ cho khách du lịch trên các phương tiện vận chuyển; lắp dựng các biển báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ an toàn chưa cao; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện việc sơ cấp cứu đối với các trường hợp xảy ra tai nạn bất thường, kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trên toàn địa bàn huyện.

V. CÁC DỰ ÁN TRIỂN KHAI

1. Nhóm dự án quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch: 53,5 tỷ đồng;

2. Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch: 10,0 tỷ đồng;

3. Nhóm dự án phát triển sản phẩm du lịch: 527,3 tỷ đồng;

4. Quảng bá du lịch: 4,5 tỷ đồng;

5. Nhóm dự án tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch: 1,8 tỷ đồng.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí dự kiến: 597,10 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí

- Ngân sách tỉnh: 23,16 tỷ đồng;

- Ngân sách huyện, xã: 38,81 tỷ đồng;

- Xã hội hóa: 535.13 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND huyện Vĩnh Lộc

- Căn cứ vào nội dung của Đề án xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó cần chú trọng khai thác tối đa lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đủ khả năng cạnh tranh trong vùng và khu vực.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, liên quan trong việc xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch tại các xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch; thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Hàng năm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ, người dân về nghiệp vụ làm du lịch; mua sắm, bàn giao trang thiết bị hỗ trợ ban đầu cho cộng đồng dân cư phát triển du lịch.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp Ban quản lý du lịch cộng đồng và các cơ quan chuyên môn thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến các điểm đến du lịch tại địa phương.

- Chủ trì xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tài nguyên môi trường tại các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ du lịch; hướng dẫn tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng nói riêng.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện đề án, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện hàng năm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Căn cứ nội dung Đề án, tham mưu các dự án đầu tư phát triển du lịch tại huyện Vĩnh Lộc hàng năm, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư lựa chọn địa điểm thực hiện các dự án kinh doanh du lịch cộng đồng hiệu quả tại huyện Vĩnh Lộc.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì nghiên cứu xây dựng mô hình, dự án phát triển các cây dược liệu, cây nông nghiệp (rau sạch, hoa...) gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tổ chức tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường rừng, góp phần tích cực trong hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại các xã.

- Thực hiện lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn về chuyên môn, phối hợp với các sở, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, du khách bảo vệ môi trường nước, không khí, chất thải, khí thải... tại các khu, điểm du lịch cộng đồng.

7. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch thuộc thẩm quyền quản lý, tránh tình trạng xây dựng phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực thực hiện đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Vĩnh Lộc tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch, di tích quan trọng làm cơ sở quản lý xây dựng và kêu gọi đầu tư.

8. Sở Công Thương

- Triển khai quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 3136/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Hỗ trợ địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản, đặc sản của địa phương.

9. Sở Giao thông vận tải

- Lồng ghép các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc trong các dự án, đề án liên quan do Sở thực hiện.

- Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra chặt chẽ công tác đăng ký đăng kiểm phương tiện theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển khách du lịch theo quy định.

10. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; an toàn lao động và các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

11. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch UBND huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư, vận động các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại huyện Vĩnh Lộc.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa: Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội và các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch (hạ tầng du lịch...) và du lịch cộng đồng Vĩnh Lộc.

13. Hiệp hội Du lịch tỉnh: Hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội thực hiện việc đầu tư, khai thác, kinh doanh loại hình du lịch tại huyện Vĩnh Lộc; đồng thời thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng huyện Vĩnh Lộc tại thị trường trong và ngoài nước.

14. Các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao lồng ghép thực hiện phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc với việc thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành mình; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Vĩnh Lộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động có liên quan đến thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Công Thương; các sở ngành liên quan khác của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc; lãnh đạo các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTC (VA19843/24302).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3480/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Đơn vị: triệu đồng

Stt

Tên dự án

Tổng kinh phí

NS tỉnh

NS huyện, xã

XHH

Ghi chú

 

TỔNG KINH PHÍ

597.100

23.160

38.810

535.130

 

I

Nhóm dự án quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch

53.500

12.500

32.200

8.800

 

1

Quy hoạch

8.000

5.500

2.500

 

 

-

Quy hoạch điểm du lịch Động Tiên Sơn, Kim Sơn

3.000

3.000

 

 

 

-

Quy hoạch điểm du lịch Chùa Du Anh - Động Hồ Công

2.500

2.500

 

 

 

-

Quy hoạch điểm du lịch làng Cổ Bồng

2.500

 

2.500

 

 

2

Nhóm dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch

45.500

7.000

29.700

8.800

 

2.1

Cụm du lịch cộng đồng làng Cổ Bồng

17.500

3.000

10.900

3.600

 

-

Bãi đỗ xe và khu tiếp đón

5.000

 

3.500

1.500

 

-

Xây dựng bến thuyền du lịch

500

 

 

500

 

-

Xây dựng các điểm nghỉ chân và nhà vệ sinh công cộng dọc các tuyến đường tham quan.

2.000

 

1.400

600

 

-

Xử lý rác và vệ sinh môi trường

3.000

3.000

0

0

Nguồn SNMT

-

Cấp nước

2.000

 

1.000

1.000

 

-

Thoát nước thải

5.000

 

5.000

 

 

2.2

Cụm du lịch cộng đồng làng cổ Tây Giai - Xuân Giai - Đông Môn - Cẩm Hoàng

28.000

4.000

18.800

5.200

 

-

Bãi đỗ xe và khu tiếp đón

10.000

 

7.000

3.000

 

-

Xây dựng bến thuyền du lịch

2.000

 

1.400

600

 

-

Xây dựng các điểm nghỉ chân và nhà vệ sinh công cộng dọc các tuyến đường tham quan.

2.000

 

1.400

600

 

-

Sân hoạt động cộng đồng

2.000

 

1.400

600

 

-

Xử lý rác và vệ sinh môi trường

4.000

4.000

0

0

Nguồn SNMT

-

Cấp nước

3.000

 

2.000

1.000

 

-

Thoát nước thải

7.000

 

7.000

 

 

II

Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch

10.000

7.000

3.000

0

 

1

Cụm du lịch cộng đồng làng cổ Bồng

5.000

3.500

1.500

0

 

-

Hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo nhà cổ

5.000

3.500

1.500

0

 

2

Cụm du lịch cộng đồng làng cổy Giai - Xuân Giai - Đông Môn

5.000

3.500

1.500

 

 

-

Hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo nhà cổ

5.000

3.500

1.500

 

 

III

Nhóm dự án phát triển SP du lịch

527.300

510

910

525.880

 

-

Khu vườn Trịnh, xã Vĩnh Hùng (Đầu tư xây dựng khu trưng bày, tái hiện quá trình khởi nghiệp, phát triển những cải cách của Nhà Trịnh để du khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm)

225.000

0

0

225.000

 

-

Khu vườn Hồ, Thành Nhà Hồ (Đầu tư xây dựng khu phỏng dựng quá trình xây dựng Thành Nhà Hồ; khu trưng bày, giới thiệu các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự thời Nhà Hồ; khu phỏng dựng quá trình sản xuất, phát hành tiền giấy thời Hồ thay cho tiền đồng; phỏng dựng trường thi thời nhà Hồ)

300.000

0

0

300.000

 

-

Hỗ trợ xây nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

600

0

400

200

Nguồn vốn NS huyện, xã và nguồn vốn XHH theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 6967/UBND- THKH ngày 05/9/2013.

-

Hỗ trợ dụng cụ nấu nướng phục vụ khách du lịch, dụng cụ phục vụ công tác thuyết minh.

500

150

150

200

 

-

Làm biển hiệu các đơn vị kinh doanh dịch vụ, xây dựng bảng nội quy

200

60

60

80

 

-

Hỗ trợ dụng cụ trình diễn nghề truyền thống

500

150

150

200

 

-

Hỗ trợ trang phục biểu diễn, dụng cụ biểu diễn của đội văn nghệ truyền thống làng

500

150

150

200

 

IV

Quảng bá du lịch

4.500

1.350

2.700

450

 

V

Nhóm dự án tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng

1.800

1.800

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3480/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3480/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản