Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3466/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN TU MƠ RÔNG, HUYỆN ĐĂK GLEI TỈNH KON TUM, GẮN VỚI TOUR DU LỊCH “CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI NGỌC LINH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Triển khai Kế hoạch số 2058/KH-UBND ngày 01/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020”.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum, gắn với tour du lịch “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh” giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, tài nguyên nhân văn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại chỗ nhằm thúc đẩy sự phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm đóng góp tích cực cho việc xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.

- Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, có tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Kon Tum, có thế mạnh nổi trội về cảnh quan thiên nhiên núi Ngọc Linh, các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, các vườn trồng sâm và cây dược liệu... đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông nói riêng.

- Từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; kết hợp chặt chẽ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch;giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

- Thu hút đầu tư phát triển du lịch đối với các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư; phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.

II. NỘI DUNG

1. Về các điểm tham quan du lịch

1.1. Tại huyện Tu Mơ Rông: Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum; khu ruộng, bậc thang xã Măng Ri, xã Tê Xăng; lựa chọn các làng đồng bào dân tộc: làng Pu Tá (xã Măng Ri) và làng Tu Thó (xã Tê Xăng) để xây dựng mô hình điểm hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch, lưu trú lại nhà dân, các điểm làm nghề truyền thống... và nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo; vườn sâm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và các vườn sâm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã; các thác nước: Y Hai, Đăk Dơn, xã Măng Ri và các điểm tham quan khác.

1.2. Tại huyện Đăk Glei: Xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, mỗi xã chọn 01 làng để xây dựng mô hình điểm hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch, lưu trú tại nhà dân, các điểm làm nghề truyền thống... xã Mường Hoong (làng mới) và xã Ngọc Linh (làng Tu Rang); khu ruộng bậc thang của 02 xã, các vườn trồng cây dược liệu của các hộ dân thuộc địa bàn 02 xã; các thác nước nằm trong hệ thống sông Đăk Mỹ dọc theo tuyến tỉnh lộ 673 và các di tích lịch sử thuộc địa bàn xã Đăk Choong, xã Xốp huyện Đăk Glei (di tích Ngục Đăk Glei, di tích Làng kháng chiến Xốp Dùi).

2. Về công tác đảm bảo hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

2.1. Ưu tiên việc thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế hàng năm của huyện, xã gắn với công tác phát triển du lịch trên địa bàn từng huyện, xã; thường xuyên tu bổ, sửa chữa hệ thống giao thông hiện có (đường bê tông và đường đất liên thôn, liên xã) phục vụ khách tham quan du lịch.

2.2. Xây dựng kế hoạch tu sửa, chỉnh trang, tổ chức cắm biển chỉ dẫn, biển cảnh báo nguy hiểm, lán trại dừng chân trên đường mòn hiện có từ xã Ngọc Linh đến đỉnh Ngọc Linh (2.604m) và đỉnh Ngọc Tion, xã Mường Hoong (2.032m) thuộc dãy núi Ngọc Linh phục vụ khách du lịch mạo hiểm và khám phá (sau khi hoàn thành các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

2.3. Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện việc trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường tại các điểm đen du lịch, chú ý lựa chọn các loài cây, hoa đặc trưng của địa phương, của vùng để tạo điểm nhấn cho khách tham quan; tổ chức thu gom và xử lý rác thải đảm bảo môi trường xanh, sạch nơi công cộng và đến từng hộ dân.

2.4. Xây dựng các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch của từng huyện, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện có tổ chức hoạt động tham quan du lịch; vận động, khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân đẩy mạnh thực hiện các mô hình trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, các hộ gia đình làm nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, rèn, nuôi ong rừng... phục vụ du lịch.

2.5. Lựa chọn các hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, tiến hành tự đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trang bị các điều kiện tối thiểu như nhà vệ sinh, nhà tắm, chăn đắp... phục vụ lưu trú cho khách du lịch.

3. Phát triển các sản phẩm du lịch

3.1. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử: Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án tôn tạo và khai thác giá trị di tích lịch sử, danh thắng phục vụ du lịch.

3.2. Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm nghề truyền thống: Xây dựng tour, tuyến du lịch cộng đồng tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei; xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.

3.3. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch nông nghiệp: Chú trọng phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, du lịch nghiên cứu sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Riêng loại hình du lịch mạo hiểm leo núi “Chinh phục núi Ngọc Linh” sẽ triển khai sau khi hoàn thành các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Tổ chức và quản lý

4.1. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện công tác phát triển du lịch. Xây dựng các quy chế, phương án phân chia công việc, chia sẻ lợi nhuận trên cơ sở hợp tác cùng có lợi của cộng đồng, đề xuất các biện pháp triển khai thực hiện.

4.2. Lựa chọn đội ngũ những người có trình độ của địa phương để tập huấn, đào tạo đảm nhiệm các công việc làm đầu mối tổ chức đưa đón khách, hướng dẫn viên tại điểm... phục vụ phát triển du lịch.

4.3. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân ở địa bàn các xã có mô hình du lịch cộng đồng phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như trồng sâm (sâm Ngọc Linh và sâm dây), trồng cây dược liệu khác, các điểm làm nghề truyền thống như nghề rèn, đan lát, dệt thổ cẩm... phục vụ phát triển du lịch.

4.4. Từng bước lập hồ sơ đề nghị công nhận khu, điểm du lịch, tuyến du lịch địa phương trên địa bàn 02 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông theo quy định của pháp luật hiện hành.

4.5. Tổ chức kết nối các khu, điểm du lịch; các dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí để quảng bá, triển khai và đưa vào hoạt động có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch đã được công nhận.

4.6. Tổ chức hướng dẫn và đào tạo các lớp quản lý, kinh doanh du lịch cộng đồng trên cơ sở đề xuất của địa phương.

4.7. Xây dựng và tham mưu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch trong đó có du lịch cộng đồng.

4.8. Lập Quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng phù hợp chung của tỉnh và của địa phương.

III. KINH PHÍ

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm cho Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei huyện Tu Mơ Rông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

- Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp.

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch. Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp có thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các sở, ngành đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch. Hàng năm, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đạt hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch.

4. Đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum, gắn với tour du lịch “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh” giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3466/KH-UBND năm 2017 về phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum, gắn với tour du lịch Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 3466/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Trần Thị Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản