Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3452/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 15 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”;

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và đề nghị của Giám đốc các Sở Tài chính, Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ Quyết định thi hành./. 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- PVP VX;
- Lưu: VP, K9.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 3452/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của UBND tỉnh Bình Định)

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”, UBND tỉnh Bình Định xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

I. Mục đích:

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng Xã hội học tập và phong trào Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, nhằm tích cực góp phần “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” (theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI); không ngừng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu đưa nước ta căn bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

II. Yêu cầu:

1. Tuyên truyền rộng rãi nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và tích cực hành động trong cán bộ, đảng viên, hội viên Hội Khuyến học và nhân dân về Xã hội học tập và Học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng.

2. Huy động và phát huy cao độ khả năng hiện có của các nguồn lực để xây dựng Xã hội học tập, động viên mọi người tích cực thực hiện học tập suốt đời nhằm không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng để sống, lao động, làm việc tốt hơn, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

3. Gắn việc xây dựng Xã hội học tập và học tập suốt đời với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, chuẩn bị thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

I. Mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020:

1. Mục tiêu: Đưa việc học tập thường xuyên và học tập suốt đời thành một phong trào quần chúng rộng lớn thông qua việc xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, và “Cộng đồng học tập”.

2. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020:

- Có 100% cán bộ, đảng viên, hội viên Hội Khuyến học được tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức về Xã hội học tập, về Học tập suốt đời, về các tiêu chí đăng ký phấn đấu trở thành Gia đình học tập, Dòng họ học tập và Cộng đồng học tập. Trong đó có:

- 70% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”;

- 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”;

- 60% thôn-làng-khu phố-khối phố (và tương đương) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”;

* Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ trên tương ứng là: 60%, 40% và 50%.

II. Nhiệm vụ và giải pháp:

1. Giai đoạn 2014-2015:

a. Mục tiêu: Hoàn thành một số nhiệm vụ chủ yếu có tính chất chuẩn bị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai rộng rãi từ năm 2016 đến năm 2020.

b. Nhiệm vụ và giải pháp:

- Tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống mạng lưới cơ sở và hội viên Hội Khuyến học các cấp; thông qua sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác về các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về Xã hội học tập, Học tập suốt đời và Bộ tiêu chí “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.

- Tổ chức triển khai thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”. Sơ kết, rút kinh nghiệm để thực hiện rộng rãi vào giai đoạn 2 (2016-2020).

2. Giai đoạn 2016 - 2020:

a. Mục tiêu: Đưa phong trào Học tập suốt đời ngày càng phát triển rộng khắp, có chất lượng và hiệu quả từ trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Đẩy mạnh phong trào Học tập suốt đời theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định.

b. Nhiệm vụ và giải pháp:

- Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Xã hội học tập và mô hình “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”

- Tổ chức phát động rộng rãi phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

- Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu “Học tập suốt đời” cho các tầng lớp nhân dân.

- Tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”

- Tổng kết 07 năm triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

III- KINH PHÍ:

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm: Ngân sách Nhà nước được cấp cho Hội Khuyến học và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, hàng năm Hội Khuyến học các cấp lập dự trù kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của Hội, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí thực hiện theo quy định.

3. Các địa phương có trách nhiệm cân đối ngân sách dành kinh phí hỗ trợ việc xây dựng và thí điểm các mô hình học tập suốt đời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nhân rộng, giám sát, đánh giá, khen thưởng các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, các tổ chức có thành tích hoặc đóng góp tích cực đối với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng tại địa phương mình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Hội Khuyến học tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Hội Khuyến học huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Kế hoạch này tại địa phương.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các địa phương và báo cáo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh theo định kỳ.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương.

- Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

- Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học tỉnh trong việc tuyên truyền về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” kết hợp với việc đánh giá công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.

5. Sở Tài chính:

Căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh, thẩm định đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ được giao; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của người lao động. Phối hợp chặt chẽ với Ngành Giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng.

7. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Thường xuyên cập nhật thông tin, đưa tin, bài, phóng sự về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nêu gương các điển hình tập thể và phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học duy trì, nâng cao chất lượng chuyên trang trên Báo Phú Thọ, chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án tại địa phương; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương phối hợp với Hội Khuyến học các cấp trong việc triển khai thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo cơ quan phát thanh của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, trong đó có tuyên truyền về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

- Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở địa phương mình.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp:

Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên thuộc cơ quan, tổ chức của mình được học thường xuyên, học suốt đời và tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng của mình đạt Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3452/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 3452/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Mai Thanh Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản