Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 345-TL

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1964 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP “TY ĐĂNG KIỂM” THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 160-CP ngày 09-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 203-CP ngày 19-11-1962 của Hội đồng Chính phủ về thể lệ giao thông vận tải đường biển và Nghị định số 47-NĐ ngày 12-6-1958 của Bộ trưởng Bộ Giao thông bưu điện về thể lệ giao thông vận tải đường sông;
Căn cứ đề nghị của ông Cục trưởng Cục Vận tải đường thủy và ông Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Thành lập “Ty Đăng điểm” trực thuộc Bộ Giao thông vận tải .

Điều 2. – Ty Đăng kiểm là một cơ quan đăng ký, kiểm tra và nghiệm thu về kỹ thuật an toàn của phương tiện vận tải đường thủy, nồi hơi và một số thiết bị có liên quan khác, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, các khoản chi tiêu do nguồn thu lệ phí đăng kiểm đài thọ, có con dấu riêng.

Điều 3. – Ty Đăng kiểm có nhiệm vụ:

a) Tổ chức việc đăng ký, kiểm tra, kiểm thu và chứng nhận về an toàn kỹ thuật tất cả các phương tiện giao thông vận tải đường thủy và phương tiện đánh cá kể cả loại có động cơ và không có động cơ nhưng có kiến trúc vững chắc của tất cả các ngành, trừ các phương tiện chuyên dùng của quân đội, công an và các phương tiện có thể dục thể thao.

Các loại phương tiện không có động cơ nhưng có kiến trúc vững chắc bao gồm: sa-lan, ụ-nổi, bến nổi, cần trục nổi.

b) Chỉ đạo nghiệp vụ các cơ quan giao thông vận tải địa phương tiến hành việc đăng ký kiểm tra an toàn kỹ thuật các loại thuyền buồm vận tải và thuyền đánh cá.

c) Tổ chức việc đăng ký kiểm tra và nghiệm thu về an toàn kỹ thuật các nồi hơi xe lu, nồi hơi đầu máy xe lửa, nồi hơi các máy khởi trọng như máy đóng cọc, cần cẩu, cần trục và bình chứa khí nén của các cơ sở trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

d) Phân loại xếp hạng và quy định vùng chạy, độ cao mạn khô an toàn và số lượng hành khách, trọng tải hàng hóa được phép chở cho các tầu thuyền đi sông, đi biển, đồng thời kiểm tra việc thực hiện những quy định ấy.

đ) Thẩm tra các đồ án thiết kế về đóng mới, thiết bị lại, khôi phục hoặc sửa chữa lớn các tầu thuyền đúng quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật của Nhà nước quy định.

e) Tổ chức việc kiểm tra kỹ thuật đóng mới, sửa chữa lớn và khôi phục lại các loại phương tiện vận tải đường thủy đúng quy phạm, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng tốt và phù hợp với bản vẽ.

g) Cấp giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và các giấy tờ cần thiết khác cho các phương tiện, máy móc và nồi hơi thuộc quyền giám sát đã định ở điểm a và c trên đây được hoạt động nếu có đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

h) Tổ chức việc điều tra các tai nạn của tầu, thuyền và tìm biện pháp ngăn ngừa những tai nạn ấy.

i) Nghiên cứu dự thảo các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về công tác đăng kiểm và các tài liệu có liên quan đảm bảo điều kiện an toàn cho tầu, thuyền, cho người và hàng hóa trên tầu, thuyền, giám sát việc thực hiện đúng những quy định này khi đã được công bố.

k) Kiểm tra về an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các tầu nước ngoài ra vào các cảng của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa trong trường hợp giấy chứng nhận cũ đã hết hiệu lực.

l) Nghiên cứu lệ phí về công tác đăng ký, kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật và thực hiện đúng những quy định về vấn đề này.

Điều 4. – Ty Đăng kiểm có quyền hạn:

a) Yêu cầu các cơ quan sử dụng, đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết để làm nhiệm vụ đăng kiểm.

b) Thu lại những giấy chứng nhận về ăn toàn kỹ thuật đã cấp, nếu trạng thái kỹ thuật không đảm bảo an toàn theo quy định

c) Ký hợp đồng kiểm tra an toàn kỹ thuật và hợp đồng theo dõi thi công với các cơ quan sử dụng , các xí nghiệp đóng mơí hoặc sửa chữa tầu, thuyền, đồng thời thực hiện đúng những hợp đồng ký

d) Yêu cầu các cơ quan sử dụng phương tiện vận tải và máy móc sửa chữa những hiện tượng không an toàn đã phát hiện được trong lúc kiểm tra.

e) Được quyền kiểm tra an toàn kỹ thuật của tầu nước ngoài ra vào các cảng của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa theo yêu của cảng và cơ quan đại lý tầu biển

g) Có quyền dùng các dấu hiệu riêng để đánh dấu cặp chì niêm phong các bộ phận máy móc đã dược kiểm tra và những loại giấy riêng sử dụng trong công tác đăng kiểm.

h) Được quyền thu lệ phí về công tác đăng kiểm tầu, thuyền theo quy định của Nhà nước.

Điều 5. – Ty Đăng kiểm có một Trưởng ty phụ trách và một hoặc hai Phó ty giúp. Phó ty chịu trách nhiệm trực tiếp và phần việc do mình phụ trách theo sự phân công của Trưởng ty và liên đới chịu trách nhiệm về những hoạt động chủ yếu của Ty.

Đối với những phần việc do Phó ty phụ trách thì Trưởng ty vẫn chịu trách nhiệm về phần lãnh đạo của mình.

Điều 6. - Điều lệ về sự hoạt động và tổ chức bộ máy của Ty có quy định riêng.

Điều 7. – Bãi bỏ Quyết định số 527-QĐ ngày 27-04-1962 về việc thành lập phòng Đăng kiểm đường thủy và Quyết định số 332-QĐ ngày 15-03-1963 bổ sung nhiệm vụ cho Phòng Đăng kiểm đường thủy.

Điều 8. – Ông Chánh văn phòng Bộ, các ông Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng thuộc Bộ có liên quan và ông Trưởng ty Đăng kiểm căn cứ vào phạm vi nhiệm vụ của mình thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯƠNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Phan Trọng Tuệ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 345-TL năm 1964 thành lập Ty Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 345-TL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Phan Trọng Tuệ
  • Ngày công báo: 20/05/1964
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 10/05/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản