Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3422/2000/QĐ-UB

Tân An, ngày 30 tháng 11 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ KHOAN GIẾNG VÀ KHAI THÁC NƯỚC NGẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 20/05/1998;
- Căn cứ Nghị định 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành luật tài nguyên nước;
- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp PTNT tại tờ trình số: 681/TT-NNPTNT ngày 12/9/2000 và ý kiến Sở Tư pháp (tờ trình số 214/CV-TP ngàt 21/8/2000).

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành kèm theo quyết định này quy định về quản lý hành nghề khoan giếng và khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều II: Giao trách nhiệm cho Thủ tướng các Sở, Ban, Ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các cấp phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức và mọi công dân thông suốt thực hiện.

Điều III: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chiếu quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ./-

 

 

Nơi nhận :
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh-b/c
- CT, các PCT.UBND tỉnh.
- Như điều III
- Lưu-NCUB 2b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tuấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ KHOAN GIẾNG VÀ KHAI THÁC NƯỚC NGẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo QĐ số 3422/2000/QĐ-UB ngày 30/11/2000 của UBND Tỉnh )

Nước ngầm là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản chung vô cùng quý giá, phục vụ nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay do thiếu huy hoạch, khai thác và sử dụng nước bừa bãi, lãng phí đã và đang làm cho các nguồn nước bị suy giảm, cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trong. Nhiều tổ chức, cá nhân khoan giếng, khai thác nước chưa đảm bảo đúng quy định.

Để chấn chỉnh tình hình nêu trên, thực hiện khoan giếng và khai thác sử dụng nước ngầm hợp lý, tiết kiệm, có khoa học, bảo vệ tốt nguồn tài nguyênnước ngầm phục vụ lâu dài cho đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế, UBND Tỉnh quy định về quản lý hành nghề khoan giếng về khai thác nước ngầm trên đại bàn tỉnh Long An.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước ngầm đều phải xin phép và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép mới được khai thác sử dụng nước ngầmtheo giấy phép quy định. Trừ trường hợp không phải xin phép theo quy định tại điểm a,b,c điều 24 Luật Tài nguyên nước: Khai thác, sử dụng nước ngầm với lưu lượng nhỏ trong phạm vi gia đìnhcho ăn uống, sinh hoạt, sản xuất và các mục đích khác từ các giếng đào thủ công, giếng khoan có chiếu sâu nhỏ hơn 30 m với đường kính ống giếng nhỏ hơn 90 mm.

Điều 2: Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng để thăm dò, khai thác nước ngầm phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về Tài nguyên nước cấp giấy phép hành nghề khoan giếng theo quy định này.

Điều 3: Quy định này chỉ áp dụng cho loại nước ngầm là nước nhạt, nước lợ (không áp dụng cho nước khoáng và nước nóng thiên nhiên). Ưu tiên nước ngầm tốt cho ăn uống, sinh hoạt. Không được khai thác vượt quá quy định ghi trong giấy phép. Quản lý chặt chẽ và hiệu quả sử dụng nước ngầm.

Chương II

CẤP GIẤY PHÉP CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HÀNH NGHỀ KHOAN THĂM DÒ, KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

Điều 4: Điều kiện để được cấp phép hành nghề khoan nước ngầm trong tỉnh:

1- Các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước ngầm phải có đầy đủ năng lực kỹ thuật, trang thiết bị đảm bảo thực hiện tốt các hạng mục công việc được đăng ký.

2- Yêu cầu năng lực nghề nghiệp của cán bộ kỹ thuật chủ chốt được quy định như sau:

a) Đối với khoan tay hoặc giàn khoan cải tiến, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật có trình độ tối thểu là trung cấp địa chất và có ít nhất một năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này, có khả năng thiết kế và chỉ đạo thi công các giếng khoan tay, dàn khoan cải tiến để khai thác nước và bảo vệ nước ngầm.

b) Đối với khoan máy có quy mô nhỏ (<1000m3/ngày): Người chỉ đạo kỹ thuật phải tốt nghiệp đại học khoa địa chất, có ít nhất một năm kinh nhiệm công tác trong lĩnh vực này. Có khả năng thiết kế và chỉ đạo thi công các giếng khoan khai thác đơn lẽ, hiểu biết tốt về kỹ thuật cách ly tầng chứa nước và bả vệ nước ngầm. Có khả năng lập báo cáo thăm dò, khai thác quy mô nhỏ.

c) Đối với khoan máy có quy mô lớn (>= 1000m3/ngày):

+ Khi tiến hành khoan thăm dò, khai thác nước ngầm có quy mô lớn phài lập dự án. Chủ nhiệm dự án phải do giám đốc đơn vị khoan thăm dò, khai thác nước ngầm ký đề cử.

+ Chủ nhiệm dự án phải là nhà địa chất thuỷ văn, có trình độ tối thiểu là kỹ sư chính, có khả năng lập phương án thăm dò và thiết kế hệ thống lỗ khoan khai thác, chỉ đạo thi công khoan thăm dò khai thác, viết báo cáo thăm dò và đánh giá trữ lượng.

Điều 5: Cấp giấy phép và thu hồi giấy phếp hành nghề khoan giếng nước ngầm trong Tỉnh

1- Các tổ chức, cá nhân muốn được hành nghề khoan nước ngầm trong phạm vi tỉnh Long an phải làm hồ sơ xin đăng ký hành nghề khoan thăm dò, khai thác nước ngầm gồm:

- Đơn xin đăng ký hành nghề khoan nước ngầm.

- Bản tường trình năng lực kỹ thuật của đơn vị.

- Quyết định thành lập đơn vị do cấp có thẩm quyền ký (nếu có).

- Văn bằng (bản photo có công chứng) và lý lịch khoa học của giám đốc và các cán bộ kỹ thuật chủ chốt.

2- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Chi cục Quản lý nước và công trình thuỷ lợi (QLN và CTTL) trực thuộc Sở Nông Nghiệp và PTNT Long An có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chậm nhất 15 ngày kể từ khi nhận đưỡc đơn xin phép phải trình Sở Nông Nghiệp và PTNT (Được UBND Tình uỷ quyên duyệt cấp giấy phép hành nghề. nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tổ chức, cá nhân xin phép hành nghề phải bổ sung hoặc làm lại. Hồ sơ không đảm bảo các điều kiện quy định thì không cấp giấy phép và được trả lại hồ sơ (có văn bản nêu rõ lý do)

3- Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng phải báo cáo định kỳ hàng năm cho Chi Cục QLN và CTTL về tình hình khoan thăm dò, khai thác nước ngầm của đơn vị mình.

4- Thời hạn cấp phép là 3 năm. Khi hết hạn sẽ được kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp tiếp.

5- Khi tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng không thực hiện đầy đủ theo quy định này, vi phạm pháp luật hoặc không hành nghề này nữa thì cơ quan cấp giấy phép sẽ thu hồi giấy phép hành nghề khoan giếng nước ngầm.

Chương III

CẤP GIẤY PHÉP THI CÔNG GIẾNG VÀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC NGẦM CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (CHỦ GIẾNG)

Điều 6: Chủ giếng xin khai thác sử dụng nước ngầm phải có các điều kiện:

1- Nằm trong vùng có nguồn nước ngầm phù hợp với yêu cầu sử dụng và không thuộc vùng cấm khai thác.

2- Chưa có nước sạch sử dụng từ các nguồn khác.

3- Vùng khai thác chưa vượt quá trữ lượng nước ngầm cho phép.

4- Mật độ giếng khoan phù hợp theo quy hoạch.

5- Miệng giếng khoan phải đặt cách xa chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh và các khu vực nhiễm bẩn. Sân giếng phải tráng đúc bằng xi măng.

Điều 7: Thủ tục xin khai thác sử dụng nước ngầm do chủ giếng lập gồm:

1- Đơn xin khai thác nước ngầm (theo mẫu), có UBND huyện, thị xã xác nhận đồng ý.

2- Phương án khai thác nước ngầm (phục vụ cụm dân cư, phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,..); Giấy cấp đất (nếu là đất công) hoặc giấy thoả thuận cho sử dụng đất (nếu giếng đặt trên đất thuộc quyền sử dụng đất cá nhân); Danh sách hộ dùng chung. (Các giấy tờ trên đều phải có xác nhận chính quyền địa phương).

3- Bản đồ khu vực xác định tọa độ giếng khoan (Đối với vùng nông thôn dùng tỷ lệ 1/25.000, đối với vùng đô thị, thị trấn, vùng đôn dân cư dùng tỉ lệ 1/10.000) và bản vẽ vị trí chi tiết giếng khoan tỷ lệ 1/500-1/1000.

Điều 8: Đối với chương trình khai thác nước ngầm cho ăn uống, sinh hoạt của một cụm dân cư thì cơ quan thực hiện chương trình có trách nhiệm làm thủ tục xin khai thác nước ngầm theo dự án và kế hoạch được duyệt.

Điều 9: Chủ giếng xin khai thác sử dụng nước ngầm phải chịu kinh phí kiểm nghiệm các chỉ tiêu lý, hoá, vi sinh của nước giếng khoan, phải gắn van một chiều giữ vệ sinh giếng. Trước mắt, các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hộ có thuế suất tài nguyên nước lớn hơn 0 phải gắn đồng hồ đo nước giếng khoan.

Điều 10: Cấp giếy phép và thu hồi giấy phép:

1- Chủ giếng xin khai thác nước phải làm hồ sơ như điều 7, điều 8 để gởi Chi Cục QLN và CTTL tỉnh thẩm định trước khi trình duyệt cấp trên.

2- Theo đề nghị của Chi cục Quản lý nước và CTTL, Giám đốcSở Nông nghiệp và PTNT (được uỷ quyền của UBND tỉnh) ký duyệt đơn cho phép thi công khoan giếng nước ngầm quy mô khai thác là khoan tay hoặc khoan máy có Q<1000m3/ngày. Nếu Q>=1000m3/ngày thì lập thủ tục trình Bộ NN và PTNT ký duyệt cho phép.

Thời gian từ khi nhận đủ hồ sơ xin khai thác nước tới lúc trình cấp giấy phép thi công khoan không quá 15 ngày.

3- Khi đơn được duyệt cho phép thi công khoan giếng chủ giếng phải ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan giếng trong tỉnh để lập hồ sơ thiết kế lỗ khoan, trình duyệt và thi công theo hồ sơ được duyệt. Đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nước biết để kiểm tra chất lượng vật tư, theo dõi, quản lý.

4- Chậm nhất sau 30 ngày khi giếng khoan đã thi công xong, chủ giếng (hoặc uỷ quyền cho bên thi công) phải nộp đủ hồ sơ hoàn công giếng khoan, các tài liệu thử nghiệm về lưu lượng, chất lượng nước giếng, các thiết bị lắp đặt theo giếng cho Chi cục QL nước và CTTL để trình cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm thì mới được coi là sử dụng hợp pháp.

5- Khi chủ giếng không thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép, không thực hiện các yêu cầu hạn chế sử dụng nước, gây nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm hoặc không sử dụng nước giếng nữa thì cơ quan cấp giấy phép sẽ thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước, buộc chủ giếng phải thực hiện các pháp chống ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Điều 11: Trường hợp các giếng đã có, muốn thay đổi quy mô khai thác lớn hơn quy định của giấy phép, thì chủ giếng phải làm đơn xin phép để Chi Cục QLN và CTTL xem xét và đề xuất giải quyết.

Điều 12: Thời hạn cấp giấy phép sử dụng nước ngầm là 15 năm. Trường hợp giấy phép sử dụng nước hết hạn, chủ giếng phải mang giấy phép cũ đến cơ quan quản lý nước để thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép. Mỗi lần gia hạn không quá 10 năm.

Điều 13: Kê khai đăng ký giếng chưa có giấy phép khia thác sử dụng nước:

Những giếng đã khoan trước đây nằm trong diện phải xin phép thì trong vòng 6 tháng kể từ ngày quy định này có hiệu lực phải kê khai tại các cơ quan QLN và CTTL ở địa phương để được xem xét hợp thức hoá và cấp giấy phép sử dụng nước ngầm.

Chương IV

THI CÔNG, HOÀN CÔNG, KHAI THÁC SỬ DỤNG VÀ KIỂM TRA QUẢN LÝ GIẾNG NƯỚC NGẦM VÀ NGUỒN NƯỚC NGẦM

Điều 14: Trách nhiệm tổ chức, cá nhân thi công khoan giếng:

1- Phải có hợp đồng với chủ giếng đã có phép thi công

2- Thiết kế lỗ khoan và vật liệu giếng, trình Sở Nông Nghiệp và PTNT duyệt trước khi thi công.

3- Phải báo với chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khoan giếng và cơ quan quản lý nước (Chi Cục QLN và CTTL) biết ngày, giờ thi công để quản lý, theo dõi và nghiệm thu công trình hoàn thành.

4- Phải xử lý tốt việc cách ly giữa các tầng chứa nước tránh thấm tầng gây ô nhiễm. Trường hợp giếng khoan không đáp ứng được yêu cầu khai thác hoặc không thể sử dụng được thì phải lập phương án lấp giếng để trình duyệt. Khi lấp phải báo cho cơ quan quản lý nước chứng kiến việc lấp giếng đ1ung kỹ thuật.

5- Phải bơm nước thử, lấy mẫu nước để gởi đến các cơ quan chuyên môn thử nghiệm tính chất lý, hoá, vi sinh, gắn van và gắn đồng hồ nước theo yêu cầu.

6- Xuất trình giấy phép hành nghề và cung cấp các thông tin cho đơn vị quản lý nước theo yêu cầu.

Điều 15: Trách nhiệm chủ giếng

1- Khai thác, sử dụng nước ngầm theo quy định của giấy phép.

2- Xuất trình giấy phép khai thác sử dụng nước, cung cấp các thông tin về tình trạng khai thác nước giếng khi cơ quan quản lý nước yêu cầu. Nếu có sự thay đổi lớn về mực nước, lưu lượng, chất lượng nước giếng phải báo kịp thời với cơ quan quản lý nước biết.

3- Đảm bảo vệ sinh xung quanh miệng giếng. Nước thải phải dẫn ra xa ít nhất 15 m và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Giếng phải có sân tráng xi măng, bán kính ít nhất 1.5 m từ miệng giếng.

4- Khi giếng bị hư, nước bị nhiễm bẩn hoặc không sử dụng nữa (sau thời gian bảo hành) chủ giếng phải chịu chi phí hợp đồng với các tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan giếng để lập phương án trình duyệt và xử lý hoặc lấp giếng đúng ký thuật, có chứng kiến của cơ quan quản lý nước. Nếu chủ giếng không thực hiện xử lý giếng hư hỏng gạy nguy cơ ô nhiễm hoặc bị ô nhiễm nguồn nước ngầm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Điều 16: Khi có một trong các tình huống dưới đây thì UBND tỉnh có quyết định giảm thấp hoặc hản chế lượng khai thác nước của Chủ giếng đã được cấp giấy phép khai thác nước ngầm:

1- Nguyên nhân tự nhiên khiến nguồn nước ngầm không đủ thỏa mãn việc cấp nước bình thường của vùng đó.

2- Khai thác nước ngầm quá mức gây ra sụt lún mặt đất hoặc nhiễm bẩn nguồn nước ngầm.

3- Tổng lượng nước khai thác cho yêu cầu chung tăng lên mà không có nguồn nước khác hoặc biện pháp bổ sung.

Điều 17: Chi Cục QLN và CTTL phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra xác định, đề xuất xử lý những vi phạm, những vấn đề ký thuật để phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường nước ngầm.

Chương V

THUẾ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÍ ,LỆ PHÍ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 18: Thuế tài nguyên nước thực hiện theo điều 7 luật Tài Nguyên.

Điều 19: Phí và lệ phí quản lý tài nguyên nước thực hiện theo các quy định luật hiện hành.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20: Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, ngăn ngừa, phòng chống tác hại do viện khoan, khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 21: Xử lý vi phạm

Những hành vi vi phạm về hành nghề khoan thăm dò, khoan khai thác và sử dụng tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22: Cơ quan quản lý nước (Chi cục Quản Lý Nước và CTTL):

1- Tổ chức điều tra hiện trạng các tổ chức nhà nước và tư nhân đang hoạt động hành nghề khoan giếng để tiến hành xem xét nếu đủ điều kiện thì cấp, đổi giấy phép hành nghề theo quy định này.

2- Tổ chức điều tra hiện trạng các giếng khoan hiện có để nắm tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm.

Điều 23: Phối hợp thực hiện:

1- Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm với Sở Tài Chánh-Vật Giá, Cục Thuế tỉnh, Công An tỉnh, Sở Tư Pháp, Thanh Tra tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan để triển khai, hướng dẫn thực hiện cụ thể quy định này.

2- Chính quyền huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi và phát động nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khoan và sử dụng nước ngầm theo quy định này.

Điều 24: Hiệu lực thi hành:

Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định trước đây về nước ngầm trái với luật Tài nguyên nước và quy định này đều bãi bỏ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3422/2000/QĐ-UB Quy định về quản lý hành nghề khoan giếng và khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 3422/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/11/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản