Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 34/2009/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 12 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ DI VẬT, CỔ VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa năm 2001;
Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Chỉ thị số 05/2002/CT-TTg ngày 28/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích và ngăn chặn đào bới, trục vớt trái phép di chỉ khảo cổ học;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 18/TTr-SVHTT&DL ngày 13 tháng 5 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ DI VẬT, CỔ VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND Ngày 12 tháng 06 năm 2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Đăng ký, giao nộp, thu nhận, làm bản sao, trưng bày di vật, cổ vật; bảo quản di vật, cổ vật; trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong quản lý di vật, cổ vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến quản lý và bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh phải tuân theo các quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ); Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT ngày 19/2/2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi tắt là Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin); các văn bản pháp lý liên quan và bản quy định này.

Điều 3. Di vật, cổ vật trong bản quy định này bao gồm

1. Di vật, cổ vật trong lòng đất, vùng nội thủy thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Di vật, cổ vật thuộc di tích xếp hạng (xếp hạng Quốc gia, xếp hạng tỉnh) và di tích chưa xếp hạng nhưng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm kê, quản lý.

3. Di vật, cổ vật thuộc bảo tàng tỉnh, bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống.

4. Di vật, cổ vật của các nhà sưu tập tư nhân.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: ĐĂNG KÝ, GIAO NỘP, THU NHẬN, LÀM BẢN SAO, TRƯNG BÀY DI VẬT, CỔ VẬT

Điều 4. Đăng ký di vật, cổ vật

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không thuộc bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tỉnh hoặc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng thực hiện việc đăng ký với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin.

Điều 5. Giao nộp, thu nhận di vật, cổ vật

1.Tổ chức, cá nhân phát hiện di vật, cổ vật có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công an xã, phường, thị trấn nơi phát hiện di vật, cổ vật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa để thu nhận, bảo quản theo quy định tại Điều 41, Luật Di sản văn hóa và Điều 21, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Việc thu nhận di vật, cổ vật theo quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành biên bản, có sự chứng kiến của tổ chức, cá nhân liên quan. Nội dung biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, đặc điểm của di vật, cổ vật tại thời điểm thu nhận.

3. Khi tịch thu được di vật, cổ vật do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Điều 45, Luật Di sản văn hóa.

Điều 6. Làm bản sao di vật, cổ vật

1. Tổ chức, cá nhân khi làm bản sao di vật, cổ vật thuộc bảo tàng cấp tỉnh, di tích hoặc sở hữu tư nhân phải được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép.

2. Điều kiện cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật

a) Có mục đích rõ ràng;

b) Có bản gốc để đối chiếu;

c) Có dấu hiệu riêng để phân biệt bản sao với bản gốc;

d) Có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật.

3. Thời hạn cấp giấy phép: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật.

4. Trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản nêu rõ lý do gửi người có đơn đề nghị.

Điều 7. Thủ tục đưa di vật, cổ vật trưng bày, triển lãm ngoài di tích, bảo tàng tỉnh, bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống trong lãnh thổ Việt Nam.

1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa đi trưng bày, triển lãm đối với di vật, cổ vật thuộc bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống theo đề nghị bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý di vật, cổ vật.

2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa đi trưng bày, triển lãm đối với di vật, cổ vật thuộc các di tích theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã.

3. Người đứng đầu bảo tàng tư nhân, chủ sở hữu di vật, cổ vật khi đưa di vật, cổ vật trưng bày, triển lãm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

2. Khuyến khích các nhà sưu tập tư nhân đưa di vật, cổ vật trưng bày, triển lãm tại bảo tàng tỉnh.

Mục 2: BẢO QUẢN DI VẬT, CỔ VẬT

Điều 8. Bảo quản di vật, cổ vật thuộc di tích

1. Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban quản lý di tích cấp xã để giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý di tích và bảo quản, bảo vệ di vật, cổ vật thuộc di tích trên địa bàn.

2. Ban Quản lý di tích cấp xã gồm:

a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã (Trưởng Ban);

b) Cán bộ văn hoá cấp xã;

c) Đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã;

d) Trưởng hoặc phó công an cấp xã;

đ) Đại diện Hội Người cao tuổi cấp xã;

e) Trưởng thôn, khu dân cư, tổ dân phố nơi có di tích;

g) Đại diện Hội người cao tuổi thôn, khu dân cư, tổ dân phố nơi có di tích;

h) Người trực tiếp trông coi di tích

3. Ban quản lý di tích cấp xã có trách nhiệm

a) Cử người trực tiếp trông coi, quản lý di tích;

b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ di vật, cổ vật thuộc di tích;

Hồ sơ di vật, cổ vật gồm: Sổ danh mục và ảnh chụp di vật, cổ vật; được lập thành 03 bộ. Một bộ do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, một bộ do Ban quản lý di tích cấp xã quản lý, một bộ do người trực tiếp trông coi di tích quản lý.

c) Thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích;

d) Kiểm kê theo định kỳ hàng quý, hàng năm di vật, cổ vật trong di tích, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về thực trạng di vật, cổ vật và hoạt động quản lý, bảo vệ di tích tại địa phương;

đ) Khi phát hiện di vật, cổ vật có dấu hiệu hư hỏng (nấm mốc, mối mọt, bong sơn, gãy, vỡ…) phải kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất phương án sửa chữa để Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

e) Trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai, di tích sập đổ…phải kịp thời tổ chức di chuyển di vật, cổ vật đến địa điểm an toàn để bảo quản và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã về việc di chuyển.

4. Người trực tiếp trông coi di tích có trách nhiệm:

a) Trực tiếp bảo quản các di vật, cổ vật trong di tích;

b) Không được tùy tiện làm thay đổi hiện trạng hoặc di dời di vật, cổ vật;

c) Khi phát hiện di vật, cổ vật bị mất phải kịp thời báo cáo Ban quản lý di tích và Ủy ban nhân dân cấp xã;

d) Trong trường hợp khẩn cấp (hỏa hoạn, thiên tai, di tích sập đổ…), phải phối hợp với Ban quản lý di tích kịp thời di dời di vật, cổ vật đến địa điểm an toàn.

Điều 9. Bảo quản di vật, cổ vật trong di tích khảo cổ

Trường hợp phát hiện di vật, cổ vật trong các di tích khảo cổ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải khoanh vùng khu vực cần bảo vệ, tổ chức lực lượng bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích khảo cổ và báo cáo Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức thu nhận, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Bảo quản di vật, cổ vật thuộc Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống

Việc bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống được thực hiện theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Điều 11. Bảo quản di vật, cổ vật thuộc bảo tàng tư nhân và sở hữu tư nhân

1. Chủ sở hữu di vật, cổ vật không thuộc bảo tàng chuyên ngành, Bảo tàng tỉnh hoặc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng thực hiện việc đăng ký di vật, cổ vật theo Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin để được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ vật và được hướng dẫn phương pháp bảo quản các di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình.

2. Khuyến khích chủ sở hữu di vật, cổ vật gửi các sưu tập di vật, cổ vật vào Bảo tàng tỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong trường hợp chủ sở hữu không có đủ điều kiện và khả năng bảo vệ, tổ chức giới thiệu, trưng bày phục vụ công chúng.

Mục 3: TRÁCH NHIỆM   VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG QUẢN LÝ DI VẬT, CỔ VẬT

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện qui hoạch, kế hoạch, chính sách nhằm bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

2. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ di vật, cổ vật của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân.

3. Thực hiện việc thu nhận, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do tổ chức, cá nhân giao nộp, thu giữ ở địa phương.

4. Đăng ký và tổ chức quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng tỉnh và sở hữu tư nhân theo quy định pháp luật.

5. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật.

6. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn.

7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật theo thẩm quyền.

8. Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh chịu trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ cổ vật.

Điều 13. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo lực lượng công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng phương án bảo vệ di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn; tổ chức điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi xâm hại di tích, di vật, cổ vật theo quy định pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ngành hữu quan

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh.

Điều 15. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức vận động nhân dân đưa nội dung bảo vệ di vật, cổ vật vào hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban quản lý di tích cấp xã.

3. Bố trí kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật từ ngân sách hàng năm của địa phương.

4. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.          

Điều 16. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tuyên truyền pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá đến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân ở địa phương; tổ chức vận động nhân dân đưa nội dung bảo vệ di vật, cổ vật vào hương ước, quy ước.

2. Thành lập Ban quản lý di tích cấp xã, chỉ đạo Ban quản lý di tích cấp xã xây dựng quy chế hoạt động của Ban.

3. Chỉ đạo lực lượng công an xã, phường, thị trấn phối hợp với Ban quản lý di tích xã, phường, thị trấn thực hiện tuần tra, canh gác, ngăn chặn hành vi trộm cắp di vật, cổ vật tại di tích, nhà truyền thống, nhà lưu niệm; ngăn chặn việc đào bới, tìm kiếm, trục vớt trái phép cổ vật trong lòng đất, dưới nước.

4. Xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã trong quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật; hỗ trợ kinh phí, trang bị phương tiện cần thiết phục vụ công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật tại di tích, nhà truyền thống ở địa phương.

5. Tiếp nhận thông tin về phát hiện di vật, cổ vật; tiếp nhận di vật, cổ vật, tổ chức phương án bảo vệ và báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về văn hóa theo quy định pháp luật.

6. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn.

7. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17.

1. Các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật và bản quy định này.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bản Quy định này; định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp tình hình quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp kịp thời phản ánh với UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 34/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản