Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3370/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA NHÓM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 24/12/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2722/TTr-SVHTTDL ngày 14/8/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực Di sản văn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá nhóm thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Cục Kiểm soát TTHC-VPCP (để b/c);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, KSTTHCNC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thi

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA NHÓM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số:   /QĐ-UBND ngày   /8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

Nhóm thủ tục hành chính bao gồm 02 TTHC đơn lẻ: Xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập; Cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.

I. Nội dung đơn giản hóa

1. Bãi bỏ thủ tục “Xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập”

Lý do: Theo quy định tại Điểm đ, Điểm e Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ quy định rõ ràng, cụ thể 02 thủ tục “Xác nhận điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập” (sau đây gọi tắt là thủ tục 1) và “Cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập” (sau đây gọi tắt là thủ tục 2). Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung, xét thấy việc quy định tách rời 02 thủ tục nêu trên là chưa hợp lý.

Về mặt lý thuyết: 02 thủ tục này có mối quan hệ nhân quả với nhau; thủ tục 1 thực hiện trước và thủ tục 2 thực hiện sau; kết quả của thủ tục 1 được sử dụng làm thành phần hồ sơ của thủ tục 2; trình tự thực hiện liền mạch, liên tục; cùng cơ quan giải quyết là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiện thủ tục 1 nhằm mục đích sử dụng vào thực hiện thủ tục 2; thủ tục 2 mới là kết quả cuối cùng mà tổ chức, cá nhân mong muốn đạt được.

Về mặt thực tế: Tổ chức, cá nhân phải đi nộp hồ sơ 2 lần, có kết quả của thủ tục 1 mới tiến hành được thủ tục 2, gây tốn kém về chi phí đi lại và mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thẩm định đủ điều kiện, trả kết quả cho tổ chức, công dân sau đó chờ tổ chức, công dân nộp hồ sơ cấp giấy phép hoạt động thì mới tiến hành trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép như vậy là rất mất thời gian, công sức, khó kiểm soát.

Do đó, đề xuất phương án bãi bỏ thủ tục 1 và sửa đổi, bổ sung về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết của thủ tục 2 để đảm bảo phù hợp hơn. Cụ thể là: Bổ sung việc thẩm định đủ điều kiện vào trình tự thực hiện; bổ sung Đề án hoạt động bảo tàng vào thành phần hồ sơ và bỏ giấy xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động; tăng thời gian giải quyết vào thủ tục 2.

2. Sửa đổi, bổ sung thủ tục “Cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập”

a) Trình tự thực hiện, thời gian giải quyết, cơ quan giải quyết: Bổ sung giai đoạn thẩm định, xác định đủ điều kiện vào trình tự thực hiện; Bổ sung thời gian xác định đủ điều kiện vào thời gian giải quyết; phân định cụ thể cơ quan giải quyết và cơ quan có thẩm quyền quyết định của thủ tục cấp giấy phép hoạt động.

Lý do:

- Về trình tự thực hiện: Tại Điểm đ, Điểm e Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ quy định rõ ràng, cụ thể 02 thủ tục hoàn chỉnh nên tổ chức, cá nhân phải mất 2 lần chuẩn bị hồ sơ, đi nộp hồ sơ và nhận kết quả, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc. Đồng thời, xét về bản chất thì 02 thủ tục này là một quy trình liên thông, liên tục, kế thừa kết quả nên có thể thực hiện liền mạch từ giai đoạn xác nhận đủ điều kiện đến trình cấp giấy phép mà không phải trả kết quả rồi nộp lại hồ sơ. Vì vậy, quy định bổ sung giai đoạn thẩm định, xác định đủ điều kiện vào trình tự thực hiện của thủ tục cấp giấy phép hoạt động là hoàn toàn phù hợp tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ 1 lần có thể nhận được kết quả cuối cùng.

- Về thời hạn giải quyết: Tại Khoản 25 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định chung đối với bảo tàng công lập và ngoài công lập thời gian giải quyết là 30 ngày tức 22 ngày làm việc. Tuy nhiên, riêng đối với bảo tàng ngoài công lập, kiến nghị phương án bổ sung giai đoạn thẩm định điều kiện vào trình tự thực hiện và căn cứ thực tế giải quyết hồ sơ cần quy định tăng thời gian giải quyết của thủ tục này với định lượng là 30 ngày làm việc (so với tổng thời gian của 2 thủ tục thì rút ngắn được 07 ngày làm việc). Đồng thời, cần quy định rõ ràng, đầy đủ thời gian từng bước thực hiện của từng cơ quan để tránh chồng tréo. Cụ thể: tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 20 ngày làm việc; Chủ tịch UBND tỉnh là 10 ngày làm việc.

- Về cơ quan giải quyết: Tại Khoản 25 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Điểm e Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì hồ sơ cấp phép gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh là chưa phù hợp với cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung trình tự thực hiện thì quy định cụ thể, rõ ràng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan trực tiếp giải quyết, thẩm định điều kiện, nếu đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính.

b) Thành phần hồ sơ: Bổ sung Đề án hoạt động bảo tàng vào thành phần hồ sơ; bỏ văn bản xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lý do: Xuất phát từ đề xuất bỏ thủ tục 1 thì dẫn đến không còn Văn bản xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (văn bản này là kết quả của thủ tục 1). Thay vào đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện liên tục từ khi nhận hồ sơ, xác định điều kiện, nếu đủ điều kiện thì có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh ký Giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập. Phương án đơn giản hóa này sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại, chuẩn bị hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Trong việc cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cần thiết phải có Đề án hoạt động bảo tàng để cơ quan nhà nước có cơ sở, thông tin để tiến hành xác định điều kiện hoạt động trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép.

c) Mẫu đơn: Bỏ phần Xác nhận của chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở bảo tàng trong Mẫu Đề án hoạt động bảo tàng Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ.

Lý do: Việc Xác nhận của Chính quyền địa phương không quy định rõ xác nhận về vấn đề gì (về tên gọi hay địa chỉ đặt trụ sở hay mục đích hoạt động...). Dẫn tới, giá trị mang lại không cao, dễ xảy ra tình trạng nhũng nhiễu và tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, xác nhận này có thể thay thế bằng việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản xin ý kiến của Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở trong trường hợp cần thiết thì sẽ phù hợp và chặt chẽ hơn.

d) Cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức nộp hồ sơ trực tuyến.

Lý do: Tại Điểm e Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể cách thức thực hiện là nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện. Tuy nhiên, xét thấy hồ sơ đơn giản phù hợp với hình thức nộp trực tuyến, thích hợp với ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào thực hiện TTHC do đó đề xuất bổ sung thêm hình thức trực tuyến vào cách thức thực hiện của thủ tục này.

II. Kiến nghị thực thi

1. Luật

- Sửa đổi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2001, như sau:

 “25. Điều 50 được sửa đổi, bổ sung như sau: Điều 50

1. Thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương theo đề nghị của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

b) Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương quyết định thành lập bảo tàng chuyên ngành thuộc đơn vị trực thuộc theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị trực thuộc;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương; cấp giấy phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập bảo tàng.

2. Thủ tục thành lập bảo tàng công lập được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thành lập phải gửi hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Hồ sơ gồm văn bản đề nghị thành lập và văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này đối với bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh xác nhận đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này đối với bảo tàng cấp tỉnh;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người có thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng có trách nhiệm xem xét, quyết định; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.”

2. Nghị định

- Bỏ cụm từ “và điều kiện được cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập” tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ thành như sau: “Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận điều kiện đối với việc thành lập bảo tàng cấp tỉnh”.

- Bỏ cụm từ “và được cấp giấy phép hoạt động ” tại Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

- Sửa đổi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP của Chính phủ như sau:

 “e) Bổ sung Điều 28a như sau:

 “Điều 28a. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập

Tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến một (01) bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bảo tàng (Phụ lục VII) và Đề án hoạt động bảo tàng (Phụ lục VI) đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt trụ sở.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, xác định điều kiện hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản xin ý kiến cơ quan liên quan và nêu rõ nội dung xin ý kiến. Trường hợp đủ điều kiện hoạt động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép. Trường hợp không đủ điều kiện hoạt động, có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do. Trường hợp đủ điều kiện, nếu tổ chức, cá nhân không có nhu cầu cấp phép thì có đơn xin dừng cấp phép.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định; trường hợp từ chối nêu rõ lý do bằng văn bản”.

- Sửa đổi Mẫu Đề án hoạt động bảo tàng Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 01/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể bỏ phần “Xác nhận của chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở của bảo tàng” (có biểu mẫu kèm theo)

III. Lợi ích phương án đơn giản hóa

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.021.865 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 710.475 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tiết kiệm: 311.390 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 30,47%./.

Biểu mẫu

TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

………., ngày…..tháng…..năm…….

 

ĐỀ ÁN

Hoạt động bảo tàng (tên bảo tàng) …………..

1. Tên gọi, địa chỉ, địa bàn hoạt động: .........................................................

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của (tên bảo tàng): ....................................................

3. Nội dung trưng bày chính: .......................................................................

4. Danh sách hiện vật (sưu tập chính): .........................................................

5. Đối tượng phục vụ: ...................................................................................

6. Phương án và kế hoạch hoạt động của (tên bảo tàng): ..........................

7. Tổ chức bộ máy, nhân sự: ........................................................................

8. Trụ sở làm việc (địa điểm, diện tích nhà làm việc; diện tích nhà trưng bày, diện tích kho bảo quản, …) và trang thiết bị, phương tiện phục vụ:

...................................................................................................

9. Kinh phí: ...................................................................................................

10. Kiến nghị của tổ chức/cá nhân xây dựng đề án cấp giấy phép hoạt động (tên bảo tàng)...........

 (Đối với việc cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập thuộc doanh nghiệp, ngoài các nội dung trên đây, đề án còn có các nội dung khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn của các cơ quan có liên quan)

 

 

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên (đối với tổ chức)
Ký, ghi rõ họ tên (đối với cá nhân)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3370/QĐ-UBND năm 2020 thông qua phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực Di sản văn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3370/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/08/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Văn Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản