Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3329/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 02 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004;

Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 131/TTr-SLĐTBXH ngày 02/11/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành (20);
- UBND các huyện, tx, tp;
- LĐVP, Thái, TH;
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 3329/QĐ-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh)

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 2.695,5km2, dân số trên 02 triệu người. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000 ha; Tổng số công nhân lao động hiện có gần 950.000 người, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 57% lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%. Trong những năm qua, kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh nhà liên tục phát triển; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ thu nhập bình quân đầu người và đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương cũng gặp phải những khó khăn thách thức như: dân số cơ học tăng cao dần đến những bất cập trong việc đáp ứng các nhu cầu về y tế, giáo dục, nhà ở, vui chơi, giải trí... số lượng dân nhập cư đến làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tác động đến trẻ em như: Nạn bạo hành, xâm hại, ngược đãi, tai nạn thương tích, trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, lao động nặng nhọc,...đã và đang đặt ra cho tỉnh Bình Dương những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 425.000 trẻ em, trong đó có gần 7.00 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 3.600 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hiện nay chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ em nhập cư, trẻ em hộ gia đình nghèo, cận nghèo; trẻ em làm việc xa gia đình; trẻ em lao động sớm ở các làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, đan lát, làm bánh tráng, trong các cơ sở sản xuất gạch thủ công, gia công bóc vỏ hạt điều,... Đây là những vấn đề thách thức, cần thiết có sự đầu tư giải quyết của tỉnh.

Trên cơ sở thực trạng của tỉnh, thực hiện Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát: Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em hiểu biết về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em.

- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được can thiệp kịp thời và được trợ giúp dưới các hình thức.

II. Đối tượng và phạm vi thực hiện

1. Đối tượng: Trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái với quy định của pháp luật; cha mẹ; người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình.

2. Phạm vi thực hiện: Chương trình được thực hiện trên địa bàn tỉnh, ưu tiên những huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái với quy định của pháp luật.

III. Nội dung thực hiện

1. Hoạt động 1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, cộng đồng xã hội, cha mẹ và trẻ em

a) Chỉ tiêu: trên 65% chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, người dân tại cộng đồng, cha mẹ và trẻ em được nâng cao nhận thức kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật.

b) Nội dung hoạt động:

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật;

- Nghiên cứu, xây dựng, biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa và can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật;

- Tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học, người sử dụng lao động, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình;

- Tăng cường phối hợp liên ngành để xây dựng tài liệu truyền thông cho đối tượng nêu tại điểm a khoản 1 nêu trên.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Liên minh hợp tác xã; Liên đoàn lao động tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên, các cơ quan tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

2. Hoạt động 2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; đội ngũ thanh tra viên về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; Hỗ trợ trẻ em học nghề phù hợp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật.

a) Chỉ tiêu:

- 100% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên tại các khu, ấp được đào tạo, tập huấn về kiến thức phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em.

- 100% huyện, thị xã, thành phố củng cố và kiện toàn Ban Điều hành nhóm công tác liên ngành về bảo vệ chăm sóc trẻ em.

b) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật cho các đối tượng là cán bộ phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em các cấp, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em ở khu ấp; tập huấn cho đội ngũ thanh tra viên về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật;

- Rà soát những trẻ em từ đủ 15 tuổi có nhu cầu học nghề để phối hợp hỗ trợ các em được tham gia khóa học nghề lao động nông thôn theo quy định.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các Sở ngành, tổ chức xã hội có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

3. Hoạt động 3. Thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em.

a) Chỉ tiêu: đến năm 2020:

- 90% trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được cung cấp các sản phẩm truyền thông nhằm cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng;

- 65% hộ gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được hỗ trợ những kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập;

- 65% người sử dụng lao động được tập huấn các kiến thức pháp luật liên quan đến lao động trẻ em.

b) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, sách mỏng cung cấp các kiến thức kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng sống, kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái với quy định của pháp luật.

- Thành lập mô hình câu lạc bộ “Phòng, chống lao động trẻ em” hàng tháng tổ chức nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật.

- Tổ chức các hoạt động trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.

- Địa bàn thực hiện: thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An, mỗi thị xã 05 câu lạc bộ “Phòng, chống lao động trẻ em”.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ban, ngành liên quan, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Công an tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình này.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; giám sát phát hiện, can thiệp trẻ em có nguy cơ lao động trái pháp luật, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em theo thẩm quyền.

2. Triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức.

4. Vận động sự tham gia của các tổ chức, xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân cho việc thực hiện Chương trình; lồng ghép việc thực hiện nội dung hoạt động của Chương trình trong hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em.

6. Lồng ghép các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực bảo vệ - chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh để đạt được mục tiêu của Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

V. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 gồm: nguồn ngân sách địa phương được bố trí trong dự toán hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó dự kiến nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình trên giai đoạn 2017 - 2020 là 1.918.426.000 đồng (phụ lục kèm theo); Trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 457.762.000 đồng.

- Ngân sách huyện, thị, thành phố: 1.460.664.000 đồng.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan và tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các nội dung đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu tổ chức Hội nghị tổng kết (cuối năm 2020).

2. Sở Tư pháp phối hợp với các sở ngành hướng dẫn kiểm tra đối với tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ - chăm sóc trẻ em.

3. Công an tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lạm dụng, bóc lột sức lao động, xâm hại trẻ em; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung được phân công trong Chương trình triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài mở các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình phát thanh, truyền hình với nhiều hình thức phong phú đa dạng, nội dung phù hợp để vận động xã hội nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố bố trí hợp lý biên chế nhân sự phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em.

6. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai Chương trình đến các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình là thành viên nhằm bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống lao động trẻ em.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường hướng dẫn, truyền thông, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng chống lao động trẻ em cho người lao động, đặc biệt cho người lao động chưa thành niên.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh; Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức vê phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tham gia xây dựng pháp luật, chính sách và giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em phù hợp với Chương trình này và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn.

- Triển khai các mô hình phù hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

- Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình; thực hiện chế độ báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo đúng quy định./.

 

PHỤ LỤC

DỰ TOÁN KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 3329/QĐ-UBND ngày 01/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Nội dung

Tổng cộng

Chia theo các năm (ngàn đồng)

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Ghi chú

I

Truyền thông giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

1.279.544

334.886

314.886

314.886

314.886

 

1

Tổ chức Chiến dịch truyền thông

974.664

243.666

243.666

243.666

243.666

 

2

Tập huấn chuyên đề cho các bậc cha, mẹ, cộng tác viên

204.880

51.220

51.220

51.220

51.220

 

3

Nhân bản các tài liệu, trang bị các sản phẩm phục vụ công tác truyền thông

100.000

40.000

20.000

20.000

20.000

 

II

Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ BVCSTE các cấp và cộng tác viên khu, ấp

390.776

126.719

88.019

88.019

88.019

 

 

Tập huấn

390.776

126.719

88.019

88.019

88.019

 

III

Hỗ trợ trẻ em, gia đình và doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em

172.696

124.936

15.920

15.920

15.920

 

1

Tập huấn cho chủ sử dụng lao động về kiến thức pháp luật liên quan đến lao động trẻ em

85.986

85.986

 

 

 

 

2

Tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ mới thành lập

23.030

23.030

 

 

 

 

3

Duy trì nói chuyện sinh hoạt chuyên đề

63.680

15.920

15.920

15.920

15.920

 

IV

Tổng kết, khen thưởng

75.410

 

 

 

75.410

 

 

TỔNG CỘNG

1.918.426

586.541

418.825

418.825

494.235

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3329/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 3329/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Đặng Minh Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản