Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2009/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 18 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2009 – 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT/BTC-BNV ngày 17/01/2006 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 19/3/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành chương trình cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 345/TTr-STC ngày 27/02/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2009 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

ĐỀ ÁN

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2009 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Cải cách tài chính công là một nội dung trong chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001 - 2010, trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính đối với các cơ quan quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp có ý nghĩa đột phá về cải cách tài chính công.

Bắt đầu từ năm 2002 đến nay, các cơ quan hành chính tỉnh và huyện đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg, nay được thay bằng Nghị định số 130/2005/NĐ-CP được 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh quản và cấp huyện được 191/222 đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp, từ năm 2003 đến nay đã giao 147 đơn vị cấp tỉnh, 523/677 đơn vị cấp huyện thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, nay được thay bằng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Bên cạnh những mặt đạt được, quá trình thực hiện cơ chế quản lý tài chính hiện hành đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập còn một số mặt cần được tăng cường hơn hoặc chưa đảm bảo yêu cầu, cần khắc phục.

* Thực trạng cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiện nay:

1. Cơ quan hành chính:

Chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ tại các cơ quan cấp tỉnh và huyện cho đến nay cơ bản đang được thực hiện ổn định, phát huy tác dụng. Song vẫn tồn tại một số mặt chưa phù hợp, còn vướng mắc như sau:

a) Một số tổ chức chưa triển khai chế độ tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ:

Chế độ thí điểm khoán kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2002/QĐ-TTg đã được thay bằng Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, và khi phát sinh sự điều chỉnh về chức năng, tổ chức bộ máy, một số cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện vẫn triển khai và duy trì cơ chế quản lý tổ chức theo Quyết định số 192/2002/QĐ-TTg. Các tổ chức chính trị do tỉnh quản lý như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn, UBMT Tổ quốc và UBND cấp xã, phường vẫn chưa thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính. Tình hình này làm cho các mục tiêu của chính sách, cơ chế không tiếp cận được các tổ chức này, ảnh hưởng đến chương trình cải cách hành chính chung, đặc biệt đối với vai trò tiếp xúc nhân dân ở cơ sở của xã, phường, thị trấn.

b) Giảm chi hành chính do giảm biên chế chưa thực hiện được:

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính gắn với tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế. Kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn hạn chế như: Không đề xuất nhu cầu giao thêm biên chế, chỉ tuyển dụng trong số giao, đề xuất tăng thêm số biên chế giao. Biên chế ngày càng tăng không chỉ là hiện tượng ngược với tiến trình cải cách hành chính, mà còn tạo thêm khó khăn về sau cho tiến trình này.

Bố trí ngân sách chi quản lý Nhà nước theo số biên chế giao, vì thế chịu áp lực tăng thêm hàng năm dù định mức chi hành chính đã được giao dự toán ổn định hàng năm trong giai đoạn 2007 - 2010.

c) Một số cơ quan hành chính trực tiếp quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp được giao:

Tồn tại song song 02 hệ thống kinh phí: Hành chính và sự nghiệp trong một số cơ quan hành chính. Xét riêng về mặt cơ chế tài chính, kinh phí sự nghiệp này như khoản kinh phí không tự chủ, được giao thêm cùng với kinh phí hành chính tự chủ ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình này tồn tại những bất cập:

- Khác với kinh phí hành chính không tự chủ được giao thêm theo quy định, kinh phí sự nghiệp thường có mức độ khá lớn tương ứng với khối lượng nhiệm vụ. Bên cạnh việc phải hoàn thành nhiệm vụ quản lý Nhà nước, các cơ quan hành chính này còn gánh vác thêm một số hoạt động sự nghiệp, nên khả năng hoàn thành nhiệm vụ sự nghiệp không cao, thường phải chuyển nhiệm vụ cũng như kinh phí chưa sử dụng hết sang niên độ năm sau.

- Cơ quan hành chính thực hiện các hoạt động sự nghiệp, thêm việc nên yêu cầu cung ứng thêm biên chế là khách quan.

Như đã nêu, kinh phí sự nghiệp giao cho một số cơ quan hành chính khá lớn so với số kinh phí hành chính giao tự chủ, nên việc phân định nhiệm vụ chi từ phần kinh phí trở nên phức tạp hơn trong khuynh hướng tăng chi sự nghiệp và giảm chi hành chính được tự chủ.

* Một số nguyên nhân cơ bản:

- Về chủ quan, các tổ chức chưa thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, chưa tiếp cận hoặc chưa nhận thức đầy đủ chính sách này, chưa khắc phục được sự e dè đối với trách nhiệm tăng lên cùng với tính tự chủ. Về khách quan, chưa có sự phối hợp trong việc phân định kinh phí tự chủ hay không tự chủ, nhằm giải tỏa một phần băn khoăn của các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội.

- Trước áp lực hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp duy trì hoặc tăng thêm chỉ tiêu biên chế được quan tâm hơn so với các chính sách tạo động lực giảm biên chế, kích thích tính hiệu quả trong việc hoàn thành nhiệm vụ đã có. Trong điều kiện chưa có chuẩn mực, thước đo nhu cầu lao động, việc tăng số biên chế giao không gặp phải sự khống chế của khả năng kinh phí được phân bổ, mà được cấp kinh phí tương ứng.

- Chưa tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với hoạt động sự nghiệp ở một số cơ quan hành chính. Mặt khác, một số đơn vị trực tiếp thực hiện một số hoạt động sự nghiệp vì không có đơn vị sự nghiệp trực thuộc nào có chức năng, nhiệm vụ thực hiện các hoạt động đó, trong khi không thể vì thế mà thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

2. Đơn vị sự nghiệp:

Chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2007. Kế thừa thành quả của cơ chế tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, cho đến nay, hoạt động các đơn vị sự nghiệp cũng như công tác quản lý đơn vị sự nghiệp nhìn chung đã có những chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản. Trước yêu cầu đòi hỏi của sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp còn tồn tại một số vướng mắc, chưa đồng bộ cần được phân tích tháo gỡ, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện.

* Một số nguyên nhân cơ bản:

- Cơ quan chủ quản vẫn còn tư tưởng bao biện, ôm đồm, chưa tin cậy vào khả năng đảm đương của đơn vị trực thuộc, chưa theo kịp (thay vì đi trước) các vấn đề có liên quan đến quyền tự chủ các lĩnh vực của đơn vị sự nghiệp.

- Một số lãnh đạo và tập thể người lao động của đơn vị sự nghiệp trong nhiều trường hợp chưa phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Nhìn chung, đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản là tất yếu, nhưng giới hạn quản lý của cơ quan chủ quản đối với đơn vị, hoặc giới hạn tự chủ của đơn vị đối với cơ quan chủ quản vẫn chưa minh bạch nhằm tạo lập một lộ trình cho cải cách hành chính.

Trong mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với đơn vị sự nghiệp, chưa dứt bỏ được suy nghĩ tăng tự chủ đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý. Cơ chế hậu kiểm chưa được chú trọng, trong khi tiền kiểm với thủ tục hành chính hiện hành thường gây cản ngại cho quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp.

Bản thân cơ chế quản lý tài chính hiện hành trong điều kiện hiện nay của tỉnh cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, đóng góp hiệu quả hơn cho quá trình cải cách hành chính của tỉnh nhà.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước;

- Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT/BTC-BNV ngày 17/01/2006 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP;

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP;

- Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 19/3/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu, yêu cầu của Đề án

- Chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là UBND cấp xã, các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính ở các đơn vị sự nghiệp. Có thể chuyển đổi hình thức hoạt động sang doanh nghiệp hoặc sự nghiệp ngoài công lập, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu suất lao động, chống lãng phí trong sử dụng lao động, chống lãng phí ngân sách, tăng hiệu quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ.

- Tiếp tục nâng cao tính tự chủ, gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.

2. Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2009 - 2010:

* Đối với cơ quan hành chính:

a) Triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP cho các tổ chức còn lại của địa phương:

Xây dựng kế hoạch để tất cả UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chế độ tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP trong năm 2009. Muốn vậy, cần tổ chức tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, phân bổ định mức ngân sách. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt chú trọng phân định nhiệm vụ chi trong nguồn kinh phí tự chủ và nguồn kinh phí không tự chủ. Kinh phí không tự chủ căn cứ vào quy định của Nhà nước, và có thể được nhận diện qua một số tiêu thức:

- Đi công tác ngoài tỉnh do Tỉnh ủy, UBND tỉnh ủy quyền, hoặc từ nguồn kinh phí của chương trình, dự án, hoạt động ban chỉ đạo có liên quan.

- Đối tượng thụ hưởng là người ngoài cơ quan (ví dụ: Khen thưởng thi đua, nghiệp vụ khác như: Tập san, đại hội nhiệm kỳ...).

- Nhiệm vụ đột xuất được giao.

- Mua sắm tài sản cố định hàng năm.

b) Trách nhiệm về nhu cầu tăng biên chế:

Gắn nhu cầu tăng số biên chế giao khi bổ sung nhiệm vụ với việc giảm nhiệm vụ, giảm số biên chế giao. Cần có sự đánh giá, xử lý về việc chưa tuyển dụng được hết số biên chế giao (ví dụ: Khống chế về thời gian), trong đó, lưu ý về điều chuyển nội bộ. Bổ sung biên chế, theo đó, bổ sung kinh phí ngân sách cần được xem xét trong tiến trình cải cách hành chính.

c) Phân biệt chức năng quản lý Nhà nước với hoạt động sự nghiệp của cơ quan hành chính:

Đây là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính. Đối với sở có đơn vị sự nghiệp trực thuộc có chức năng phù hợp với hoạt động sự nghiệp hiện do sở đảm nhiệm, cần thiết phải giao hết, không giữ lại. Giải pháp này còn làm giảm áp lực tăng biên chế của cơ quan hành chính do phải gánh thêm chức năng sự nghiệp. Là một xu thế tất yếu, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi một số điểm còn hạn chế:

- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc dù có chức năng, nhưng năng lực chưa đủ để đảm đương. Đây là vấn đề ngắn hạn, trong điều kiện cần thiết đơn vị sự nghiệp công phải nâng cao dần năng lực cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế, xã hội, đặc biệt là phục vụ yêu cầu quản lý của Nhà nước. Trước mắt, với những nhiệm vụ chưa đủ sức thực hiện, đơn vị sự nghiệp có thể ký hợp đồng với nhà cung ứng, chịu trách nhiệm trước sở chủ quản về số lượng, chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc được giao như những nhiệm vụ trực tiếp thực hiện khác.

- Tách hoạt động sự nghiệp khỏi cơ quan hành chính là một tiền đề để thành lập đơn vị sự nghiệp công mới. Để ra đời một tổ chức mới, cần giải quyết rất nhiều vấn đề để lý giải sự cần thiết, tại sao; trong đó, bản thân hoạt động sự nghiệp tách ra có đủ tạo ra sự quan tâm của Nhà nước cũng như xã hội để dẫn đến việc thành lập đơn vị không. Trong trường hợp không thành lập đơn vị mới, một số hoạt động sự nghiệp ở mức độ không đáng kể có thể cơ quan hành chính vẫn phải tiếp tục kiêm nhiệm. Tuy nhiên, về mặt tài chính, cần phân biệt rõ nhiệm vụ nào bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp, nhiệm vụ nào là bố trí nguồn kinh phí hành chính không tự chủ của cơ quan hành chính.

Để trang trải nhu cầu chi thường xuyên, duy trì hoạt động của tài sản cố định, việc khơi tạo nguồn thu hợp pháp từ chính sự vận hành của tài sản cố định này cũng được xem như là một giải pháp đáng quan tâm. Việc này cần được tính toán, dự kiến ngay khi hoạch định nhu cầu đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào sự bổ sung ngân sách ngoài tự chủ.

- Đưa khoản chi tiền thưởng theo quyết định của cấp có thẩm quyền vào chi thường xuyên (không cấp ngoài khoán như hiện nay).

- Các đối tượng hưởng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (lao động hợp đồng) cấp bằng mức chi quản lý hành chính.

- Trình HĐND tỉnh sửa đổi mức chi hành chính cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

* Đối với đơn vị sự nghiệp:

a) Tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về tính tự chủ:

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm không chỉ tập thể cán bộ viên chức, đặc biệt là ban lãnh đạo đơn vị, mà còn đối với cơ quan chủ quản và các cơ quan quản.

Tập thể ban lãnh đạo đơn vị phải là những người tiên phong, nắm rõ nhất về chủ trương, cơ chế, và có đủ quyết tâm, mạnh dạn cần thiết nhằm thuyết phục được cán bộ, viên chức và cả với các cơ quan cấp trên. Cần thiết phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị. Từng bước đi đến thừa nhận và thực hiện thực chất quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức.

Tỉnh Đồng Nai chính thức triển khai Nghị định số 43/2006/NĐ-CP từ đầu năm 2007, cần thiết tổ chức đợt đánh giá kết quả thực hiện vào năm 2010, phù hợp với thời điểm kết thúc thời kỳ ổn định loại hình đơn vị sự nghiệp 03 năm 2007 - 2009.

b) Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát tính trách nhiệm:

Các cơ quan Nhà nước hạn chế dần sự can thiệp vào nội bộ đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng không phải vì thế làm suy giảm chức năng chủ quản, buông lỏng quản lý. Thay vì tiền kiểm, mọi việc phải được báo cáo, trình duyệt trước khi thực hiện, giờ đây các cơ quan Nhà nước tập trung hơn cho cơ chế hậu kiểm, tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật chung của Nhà nước về các lĩnh vực có liên quan, việc ban hành và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ công khai, dân chủ nội bộ.

Công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán tài chính hàng năm phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản, nhằm đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao của đơn vị. Trường hợp một số nhiệm vụ chưa hoàn thành, cần thống nhất phân biệt kinh phí chưa sử dụng để có biện pháp thu hồi hay chuyển tiếp ngân sách, và kinh phí tiết kiệm đơn vị được quyền hưởng, nhằm tránh tổn hao ngân sách Nhà nước khi kết quả vẫn chưa thu được.

Điều khoản chế tài, thưởng phạt trong quy chế chi tiêu nội bộ cũng cần được quan tâm hơn nhằm hạn chế sự tùy tiện trong trách nhiệm chấp hành.

c) Đổi mới quan hệ giao nhận nhiệm vụ:

Hiện nay phần lớn đơn vị sự nghiệp nhận kế hoạch giao từ cơ quan chủ quản, xem như là nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có chuyển biến mạnh khi chuyển cơ chế thực hiện nhiệm vụ từ giao kế hoạch sang nhiệm vụ đặt hàng của Nhà nước.

- Phân bổ ngân sách phần sự nghiệp sẽ chuyển mạnh căn cứ theo đầu ra của đơn vị sự nghiệp, có nghĩa là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

- Huy động thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển các dịch vụ, hoạt động sự nghiệp công trên cơ sở mở rộng các nguồn đầu tư khai thác các tiềm năng của các đơn vị sự nghiệp.

- Sửa đổi chế độ thu phí (học phí, viện phí...), giá dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công được tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ chi phí khác, phù hợp với thu nhập của người lao động.

d) Tổ chức chuyển đổi loại hình:

Chuyển loại nâng cấp độ tự đảm bảo chi phí hoạt động là thể hiện rõ nét nhất thành tựu của sự tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính.

Khuyến khích chuyển đổi hình thức hoạt động từ sự nghiệp công lập sang ngoài công lập, hoặc doanh nghiệp, trong đó, chuyển sang ngoài công lập là một hướng đi khá thích hợp.

e) Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mua sắm tài sản cố định thay thế từ khấu hao và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, mua sắm vật tư hàng năm:

Định mức kinh tế, kỹ thuật hoặc đơn giá, dự toán đặt hàng cần tính đủ chi phí, trong đó có khấu hao, và được áp dụng không phân biệt cơ quan Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp hay thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên cơ sở đó, đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đầu tư mua sắm tài sản cố định, nhất là các tài sản thay thế, giá trị không quá lớn. Nhà nước không phải cấp hàng năm mà nên tập trung vào tổng thể có tính hệ thống, đồng bộ với tổng giá trị lớn, vượt khỏi khả năng của đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động. Cho nên cần thiết phân biệt và phân cấp trong tạo dựng, mua sắm tài sản cố định tùy theo mục đích tái tạo, hay mua sắm dần hàng năm theo phân kỳ đầu tư của một dự án tổng thể.

Đồng thời, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định kế hoạch đấu thầu. Đề xuất này xuất phát từ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc trích, quản lý và sử dụng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị; việc khôi phục năng lực chủng loại tài sản nào là do đơn vị tự kiểm tra, đánh giá, lựa chọn; mặt khác, cơ quan kế hoạch và đầu tư vẫn có thể hậu kiểm thông qua chức năng thanh kiểm tra chấp hành Luật Đấu thầu.

g) Củng cố, hoàn thiện năng lực cán bộ:

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ phù hợp yêu cầu mới về thực thi nhiệm vụ, trong đó có cán bộ phụ trách về tài chính kế toán, tham mưu có hiệu quả cho khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với cơ quan hành chính:

- Ở cấp tỉnh: Đầu năm 2009, triển khai thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP đối với các đơn vị còn lại ở các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội.

- Ở các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:

+ Triển khai thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngay đầu năm 2009 cho các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội còn lại.

+ Ở các xã, phường, thị trấn: Vào năm 2009 triển khai thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP từ 02 đến 03 đơn vị; cuối năm rút kinh nghiệm và tiến hành triển khai thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn vào đầu năm 2010.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp:

Đầu năm 2009, triển khai cho các đơn vị sự nghiệp còn lại thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ở các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.

3. Chế độ báo cáo:

- Các đơn vị dự toán, các đơn vị sự nghiệp do UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa quản lý định kỳ 06 tháng đầu năm và kết thúc năm ngân sách báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (hoặc Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) cho UBND cùng cấp.

- Các đơn vị trực thuộc báo cáo về sở chuyên ngành định kỳ 06 tháng đầu năm và kết thúc năm ngân sách báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (hoặc Nghị định số 43/2006/NĐ-CP).

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (hoặc Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 33/2009/QĐ-UBND về Đề án hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2009 - 2010

  • Số hiệu: 33/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/05/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Đinh Quốc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản