Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3285/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 19 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24/6/2011 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 17/10/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;

Căn cứ Quyết định số 101/2010/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 669/SCT-XNK ngày 08/8/2011 về việc phê duyệt đề án định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp xuất nhập trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Đề án. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Giám đốc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng

 

ĐỀ ÁN

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 3285/QĐ-UBND ngày 19/8/2011 của UBND tỉnh Nghệ An)

PHẦN I

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. ĐẶT VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu xuất khẩu đến năm 2010 do Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đề ra, Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) được giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Đề án "Định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006 - 2010" và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 68/2006/QĐ-UBND ngày 14/7/2006.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Đề án nêu trên đã được triển khai đi vào cuộc sống, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Bước vào giai đoạn 2011 - 2015, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII số 01 NQ/ĐH ngày 17/10/2010, phấn đấu đến năm 2015 đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 500 - 550 triệu USD.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện sản xuất hàng hoá, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và hạ tầng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn có những mặt hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, rất cần thiết xây dựng Đề án "Định hướng phát triển xuất khẩu Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015" với các mục tiêu, chương trình và lộ trình cụ thể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển vào năm 2015.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 17/10/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII;

2. Quyết định số 101/2010/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND Tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015;

3. Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 29/3/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;

4. Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

III. KẾT QUẢ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Kim ngạch xuất khẩu

Giai đoạn 2006 - 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước tăng trưởng đáng kể: Tăng từ 168,8 triệu USD năm 2006 lên 386,3 triệu USD năm 2010, hoàn thành vượt mức 10,3% so với chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 là 350 triệu USD vào năm 2010.

2. Cơ cấu hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu

a) Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An đã có sự chuyển dịch qua các năm, trong đó:

- Nhóm hàng nông lâm sản: Chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và có xu hướng giảm dần từ 53,4% năm 2006 xuống 47,6 % năm 2010.

- Nhóm hàng công nghiệp, TTCN, khoáng sản: tăng dần từ 46,6% năm 2006 lên 52,4% năm 2010.

Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng như sau:

(1) Dăm gỗ: Là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp Nghệ An có mức tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2006 - 2010: Tăng từ 10,4 triệu USD năm 2006 lên 39,8 triệu USD vào năm 2010, đạt mức tăng trưởng bình quân 40%/năm; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan.

(2) Sản phẩm sắn và tinh bột sắn: Là nhóm sản phẩm xuất khẩu đứng hàng thứ hai của các doanh nghiệp Nghệ An có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2006 - 2010: Từ 18,8 triệu USD năm 2006 lên 34,1 triệu USD vào năm 2010 với số lượng xuất khẩu 61.402 tấn, đạt mức tăng trưởng bình quân 16%/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu, gồm: Trung Quốc, Malaysia, Philippine và Ấn Độ. Một điều đáng lưu ý là trên 80% kim ngạch mặt hàng này được khai thác từ ngoại tỉnh.

(3) Sản phẩm đá các loại: Bao gồm đá cục sơ chế, đá xẻ và một ít bột đá siêu mịn. Đây là nhóm hàng xuất khẩu đứng vị trí thứ 3 của các doanh nghiệp trong năm 2010, có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2006 - 2010: Tăng từ 4,5 triệu USD năm 2006 lên 13,7 triệu USD năm 2010, đạt mức tăng trưởng bình quân 32% năm, xuất sang thị trường 18 nước, bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Ả Rập, Pakistan, Isarel, Italy, Mexico, Turmenistan, Panama.

(4) Nhóm hàng nhựa thông và tùng hương các loại: Đây là một trong những nhóm hàng có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2006 - 2010: đạt trên 37% năm, tăng từ 3 triệu USD năm 2006 lên 10,8 triệu USD năm 2010, với thị trường chủ yếu là Ấn độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Nguồn hàng xuất khẩu được các doanh nghiệp khai thác cả trong và ngoài tỉnh.

(5) Nước hoa quả các loại: Là nhóm hàng có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt mức tăng trưởng bình quân ~ 90% năm trong giai đoạn 2006 - 2010, chủ yếu do Công ty CP Thực phẩm Nghệ An xuất khẩu; năm 2010 nhóm hàng này đạt kim ngạch trên 10,7 triệu USD, xuất sang thị trường Hà Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha.

(6) Gạo tẻ: Là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp Nghệ An; năm 2010 có 6 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với số lượng 15.281 tấn, đạt kim ngạch trên 7,5 triệu USD xuất sang thị trường các nước, gồm: Trung Quốc, Philippine, Singapore, Lào, Island, Armenia, Belarus, Fiji, Sudan và Hungari.

100% kim ngạch mặt hàng này đều được khai thác từ hàng ngoại tỉnh.

(7) Cao su: Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2010 là mặt hàng xuất khẩu đứng vị trí thứ 7, do 4 doanh nghiệp xuất khẩu, với số lượng 2.422 tấn, đạt kim ngạch trên 7,2 triệu USD xuất sang thị trường Trung Quốc. Một điều lưu ý là 100% kim ngạch mặt hàng này đều được các doanh nghiệp thu gom từ ngoại tỉnh.

(8) Vật liệu xây dựng, bao gồm sắt thép, xi măng, tấm lợp…: Trong năm 2010, kim ngạch nhóm hàng này đạt trên 7,2 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Lào; nguồn hàng xuất khẩu khai thác từ trong và ngoại tỉnh.

(9) Sản phẩm chè: Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nghệ An, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại các huyện miền núi và trung du Nghệ An. Trong năm 2010 có 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với số lượng 5.379 tấn đạt kim ngạch trên 6,1 triệu USD, chủ yếu xuất sang thị trường các nước: Lào, Ba Lan, Pakistan, Afganistan, Nga và Phần Lan.

(10) Gỗ và SP gỗ các loại: Là nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tương đối ổn định trong giai đoạn 2006 - 2010. Trong năm 2010 có 19 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, đạt kim ngạch trên 5,5 triệu USD, bao gồm các loại sản phẩm: ván sàn, gỗ xẻ sơ chế, gỗ tròn tái xuất, xuất khẩu sang thị trường: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông … Đa phần lượng hàng này đều có nguồn gốc nhập khẩu từ thị trường Lào và các nước khác, chủ yếu hàng mới qua sơ chế, giá trị thấp.

(11) Xăng dầu & phốt pho lỏng: Là mặt hàng xuất khẩu mới, đạt kim ngạch trên 5 triệu USD, chủ yếu tái xuất khẩu sang thị trường Lào, Ấn Độ…

(12) Lạc nhân: Là một trong những sản phẩm xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, năm 2003 đã đạt kim ngạch trên 16,5 triệu USD xuất khẩu chính ngạch; nhưng trong giai đoạn 2006 - 2010, xuất khẩu chính ngạch bị giảm sút đáng kể, do thương nhân Trung Quốc vào tận thu thông qua đội ngũ tư thương vùng biên giới Việt - Trung.

Điển hình như năm 2010 có 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với số lượng 3.151 tấn, đạt kim ngạch trên 3,8 triệu USD xuất sang thị trường Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Ngoài ra, gần 8.000 tấn lạc nhân các loại của Nghệ An đã được bán cho các tư thương vùng biên giới Việt Trung xuất sang Trung Quốc và ~ 6.019 tấn lạc nhân cung ứng cho các doanh nghiệp ngoại tỉnh xuất khẩu sang Thái Lan và Indonesia, đạt giá trị xuất khẩu trên 15 triệu USD. Toàn bộ trị giá hàng xuất khẩu này không được tính trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(13) Quặng các loại & hàng phế liệu: Bao gồm: Ilmenite, Zircon, quặng sắt, nhôm vụn… được các doanh nghiệp khai thác cả từ nội tỉnh và ngoại tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia... đạt kim ngạch ~ 3,6 triệu USD trong năm 2010. Một điều lưu ý là, kim ngạch nhóm hàng này ngày càng giảm, do nguồn hàng khan hiếm dần và chính sách hạn chế xuất khẩu của Nhà nước.

(14) Hàng dệt may: Là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trong năm 2010, nhóm hàng này đạt kim ngạch 3,1 triệu USD, gồm quần áo may mặc sẵn, sợi dệt các loại, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Philippine, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Honduras, Hà lan, Ba lan, Đức,...

(15) Hàng thủ công mỹ nghệ: Đạt kim ngạch 1,6 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Aruba, Canada, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Indonesia, Israel, ấn độ, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Ba Lan, Đài Loan, Ả rập Xê út, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh... Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường này phần lớn đều qua bạn hàng trung gian nước ngoài.

b) Cơ cấu dịch vụ xuất khẩu

Trong giai đoạn 2006 - 2010 xuất khẩu dịch vụ trên địa bàn tỉnh (bao gồm: vận tải biển; dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động) tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển, trong đó năm 2010 xuất khẩu lao động chiếm ~ 94% (205 triệu USD); dịch vụ du lịch và vận tải biển chiếm ~6% (13,2 triệu USD).

3. Thị trường xuất khẩu

a) Thị trường hàng hoá xuất khẩu

Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hoá sang thị trường 78 nước và khu vực trên thế giới.

Mt số thị trường chủ yếu:

- Trung Quốc: Là thị trường xuất khẩu truyền thống và hàng đầu của các doanh nghiệp Nghệ An, năm 2010 đạt kim ngạch trên 87 triệu USD, chiếm 51,8% kim ngạch hàng hoá toàn tỉnh. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là: tinh bột sắn, cao su, sản phẩm gỗ, đá trắng, quặng các loại, dăm gỗ, gạo tẻ, nhựa thông, lạc nhân…;

- Ấn Độ: Là thị trường đứng vị trí thứ 2 của các doanh nghiệp Nghệ An trong năm 2010 với kim ngạch 11,8 triệu USD, chiếm 7% trong tổng kim ngạch XK, gồm nhựa thông, tùng hương, nến đất, đá trắng, phốt pho lỏng…

- Hàn Quốc: Năm 2010 nhập khẩu từ các doanh nghiệp Nghệ An trên 10,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng ~ 6,4%, gồm: Sợi dệt, nhựa thông & tùng hương, đá trắng các loại, nhôm vụn…

- Hà Lan: Năm 2010 vươn lên vị trí thứ 4 đạt kim ngạch 10,1 triệu USD, gồm nước hoa quả, hàng may mặc, bật lửa gas…

- Lào: Là thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp Nghệ An với phương thức kinh doanh đơn giản, năm 2010 kim ngạch đạt trên 8,4 triệu USD, chiếm 5%, chủ yếu nhập các sản phẩm: chè, sắt thép xây dựng, hàng công nghệ phẩm, gạo tẻ, thuỷ sản, vải PP, hạt nhựa, cồn các loại…

- Thị trường một số nước Asean khác, như Philippine, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore: Kim ngạch đạt trên 12,5 triệu USD, chủ yếu nhập khẩu các loại sản phẩm: Lạc nhân, nhựa thông, cơm dừa, bao Polime, đậu xanh, gạo tẻ, tinh bột sắn…

b) Thị trường xuất khẩu lao động

Thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là các nước Đài loan, Hàn quốc, Nhật bản, Lào, Malaysia.

4. Chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu

Trong giai đoạn 2006 - 2010, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhanh; riêng 2 năm 2009 - 2010 trên địa bàn tỉnh đã có 257 doanh nghiệp thực có tham gia hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Phân tích theo loại hình doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong năm 2010:

- Doanh nghiệp địa phương chiếm 82,7% với kim ngạch xuất khẩu đạt 138,9 triệu USD;

- Doanh nghiệp trung ương và quốc phòng chiếm 10,6% với kim ngạch đạt 17,9 triệu USD;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 6,7% với kim ngạch đạt 11,3 triệu USD.

IV. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, phát triển xuất khẩu đã có những đóng góp đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu gia tăng phát triển sản xuất, góp phần ổn định kinh tế, xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

- Về quy mô, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 386,3 triệu USD/chỉ tiêu kế hoạch 350 triệu USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch 10,3%.

- Về tốc độ tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng bình quân 22,9%/năm, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 18,5 - 21,7%/năm;

- Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu thay đổi theo chiều hướng tích cực: tỷ lệ hàng công nghiệp, khoáng sản và hàng qua chế biến tăng cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả tỉnh.

- Thị trường xuất khẩu hàng hoá tiếp tục được mở rộng: Đến năm 2010 các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hoá sang thị trường 78 nước và khu vực.

- Xuất khẩu dịch vụ có bước tăng trưởng: Năm 2010 đạt trên 218,2 triệu USD (trong đó xuất khẩu lao động ~ 205 triệu USD), tăng gấp 3,2 lần so với năm 2006 (67,6 triệu USD).

- Chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng tăng cả về lượng lẫn về chất: Trong hai năm 2009 - 2010 đã có 257 doanh nghiệp thực có tham gia hoạt động xuất/và hoặc nhập khẩu.

2. Một số tồn tại

- Quy mô hàng hoá xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, tăng trưởng không vững chắc, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người vẫn đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn chưa hợp lý: đa phần là hàng nông lâm hải sản sơ chế, ít có hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn; Chủng loại hàng hóa đơn điệu, ít xuất hiện mặt hàng mới với kim ngạch cao.

- Hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại Nghệ An chiếm tỷ trọng còn khá “khiêm tốn”, chỉ đạt xấp xỉ ngưỡng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kim ngạch một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống trước đây của các doanh nghiệp Nghệ An như lạc nhân, thuỷ hải sản, súc sản chế biến… ngày càng giảm.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh (như tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, hạt tiêu, cà phê, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ…) và thị trường ngoài nước; trong khi một lượng hàng xuất khẩu không nhỏ sản xuất tại Nghệ An lại không được tham gia tính vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, do các doanh nghiệp, tư thương ngoại tỉnh vào cạnh tranh với các doanh nghiệp trong tỉnh thu gom, khai thác xuất khẩu (như lạc nhân, thiếc thỏi, đá trắng, một số khoáng sản, thuỷ hải sản…).

- Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An chưa có (hoặc có nhưng với thị phần không đáng kể) trong danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, như: dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, gạo tẻ, cao su, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ.

- Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh: Năm 2010 chỉ đạt 11,29 triệu USD, chiếm 6,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; trong khi đó trên địa bàn cả nước, các doanh nghiệp FDI chiếm trên 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt kim ngạch ~ 38,8/71,6 tỷ USD, bao gồm cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô.

- Thị trường xuất khẩu hàng hoá Nghệ An mặc dù trong thời gian qua có bước tiến đáng kể, song vẫn còn hạn hẹp, bạn hàng ít, quan hệ bạn hàng thiếu ổn định, thậm chí còn qua trung gian.

3. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân thành tựu

- Nguyên nhân chủ quan

+ Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ngày càng có kinh nghiệm hơn trong buôn bán với bạn hàng nước ngoài.

+ Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành về công tác xuất khẩu và đặc biệt là công tác này được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhiều cơ chế chính sách về ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu; tạo vùng nguyên liệu; xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác thuỷ lợi phí; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản đã được tỉnh ban hành, đi vào cuộc sống.

+ Nghệ An cũng đã huy động và thu hút được một số dự án đầu tư phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, kể cả vốn đầu tư nước ngoài. Công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, khuyến công.... bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

+ Xuất khẩu lao động đã được các cấp ngành địa phương chú trọng phát triển, đáp ứng nguyện vọng của người lao động trên địa bàn, nhất là lao động nông thôn; nhờ đó đã giải quyết tốt việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo mức tăng trưởng khá trong doanh thu ngoại tệ về xuất khẩu lao động.

- Nguyên nhân khách quan

+ Việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn.

+ Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới trong 2 năm qua (2009 - 2010) làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của các khu vực và quốc gia trên thế giới, đã hút một lượng lớn hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Nghệ An.

b) Nguyên nhân tồn tại

- Nguyên nhân chủ quan

+ Nghệ An chưa có vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa xuất khẩu với khối lượng lớn như tại một số vùng miền khác (như: lúa gạo, thuỷ hải sản vùng đồng bằng sông Cửu Long; cà phê Miền Trung Tây Nguyên; cao su Đồng Nai,…)

+ Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế; về vai trò của công tác xuất khẩu đối với nền kinh tế của một số sở, ngành, huyện thị, doanh nghiệp chưa đầy đủ, dẫn đến công tác chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chưa được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

+ Năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh vẫn còn kém trên cả 3 cấp độ: tiềm lực kinh tế, doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu, thể hiện:

(i) Nền kinh tế tỉnh nhà còn ở điểm xuất phát thấp. Nghệ An chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm được Trung ương đặc biệt quan tâm đầu tư, lại xa các cực phát triển kinh tế lớn của cả nước.

(ii) Sức cạnh tranh của sản phẩm Nghệ An còn yếu cả trên thị trường trong nước và nước ngoài: số lượng manh mún; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế, thị phần nhỏ; giá thành cao; mẫu mã ít đổi mới, kiểu dáng lạc hậu; công tác vệ sinh và an toàn thực phẩm một số sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế…

(iii) Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chưa cao, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ: nguồn tài chính hạn hẹp, năng lực sản xuất và kinh doanh nhỏ bé, trình độ quản lý bất cập so với yêu cầu hội nhập, sức vươn ra thị trường yếu, kinh nghiệm và kỹ năng trong giao dịch đối ngoại chưa nhiều...

+ Đầu tư xã hội cho các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng phục vụ xuất khẩu (như cảng biển, cửa khẩu, sân bay, đường giao thông, hệ thống điện, nước...) nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu, mặc dù đã được triển khai thực hiện, nhưng tính khả thi không cao, chậm tiến độ.

+ Công tác tổ chức, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Tỉnh còn thiếu đội ngũ doanh nhân có trình độ, năng động biết quản lý và giàu kinh nghiệm kinh doanh xuất nhập khẩu. Đội ngũ cán bộ nắm vững nghiệp vụ xuất nhập khẩu và thành thạo ngoại ngữ; thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật trong các doanh nghiệp còn thiếu và yếu.

- Nguyên nhân khách quan

+ Giá cả nhiều loại hàng hoá trên thị trường thế giới biến động bất thường, như dầu thô, xăng dầu, giá vàng, tỷ giá một số ngoại tệ mạnh, lãi suất ngân hàng… gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh.

+ Cùng với xu thế hội nhập, ngày càng xuất hiện nhiều rào cản thương mại mới tinh vi như chống phá giá, tiêu chuẩn xã hội, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... gây khó khăn và tổn thất không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

PHẦN II

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC

1. Bối cảnh quốc tế

Nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường:

- Sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Sự phát triển mạnh mẽ của một số nước khu vực trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt.

- Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Mặt khác, khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế.

- Các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tăng trưởng chậm. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng Euro và thâm hụt ngân sách cao ở nhiều nước có thể gây biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền, làm cho tính bất định và độ rủi ro tăng lên, tác động mạnh tới xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia.

- Lạm phát đang trở thành mối lo hàng đầu của tất cả các quốc gia. Giá các mặt hàng chiến lược tăng mạnh đang đe dọa đến an ninh năng lượng và an ninh lương thực của các nước.

2. Tình hình đất nước

- Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm phát triển có thu nhập trung bình. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

- Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu hội nhập. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc.

Lạm phát tăng cao; một số mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện được điều chỉnh tăng theo giá thị trường, gây tác động dây chuyền đến việc tăng giá một loạt hàng hoá và dịch vụ, tăng lãi suất ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ dãn biên độ theo chính sách nới lỏng tiền tệ... làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém cản trở cho sự phát triển. Thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu, dịch bệnh là các yếu tố có tác động xấu đến sự phát triển của các ngành, trước hết là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế nêu trên tạo cho nước ta vị thế mới với những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức gay gắt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác xuất khẩu nói riêng.

3. Thuận lợi và khó khăn của Nghệ An trong phát triển xuất khẩu

a) Thuận lợi

- Nghệ An có nguồn lao động dồi dào (dân số gần 3 triệu người);

- Có đất, rừng, biển và khí hậu thích nghi cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao có tiềm năng tạo nguồn hàng nông lâm hải sản xuất khẩu phong phú; có một số khoáng sản có thể khai thác quy mô công nghiệp;

- Vị trí địa lý chiến lược thuận lợi (có ga tàu, sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc gia/quốc tế, quốc lộ 1A...), Nghệ An lại nằm trên ngã tư giao lưu hàng hoá Bắc - Nam và từ Thái Lan - Lào - ra biển đông, là điểm hội tụ các luồng giao lưu văn hoá du lịch, có điều kiện để phát triển giao lưu hàng hoá, du lịch, dịch vụ trong nước và với các nước bạn Lào, Thái Lan cũng như với các nước khác trên thế giới.

- Nghệ An đang được Chính phủ quan tâm; nhiều đề án có ý nghĩa chiến lược đang được triển khai thực hiện.

b) Khó khăn

- Nghệ An đang là một tỉnh nghèo; kết cấu hạ tầng (hệ thống cảng biển, trong đó phải có thương cảng lớn, sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc đối ngoại đi ra các nước trong khu vực, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp và truyền tải điện, hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải…) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập;

- Nhân công nhiều nhưng chất lượng lao động thấp;

- Tài nguyên đa dạng nhưng trữ lượng nhỏ, rừng bị khai thác cạn kiệt. Điều kiện khí hậu không thuận lợi, mưa bão lụt bất thường, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và kinh doanh;

- Doanh nghiệp Nghệ An đa phần đều là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít; trình độ quản trị doanh nghiệp thấp, thiếu cán bộ quản lý năng động, có năng lực thực tiễn;

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Quan điểm, mục tiêu phát triển xuất khẩu

a) Quan điểm chỉ đạo

- Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, góp phần tăng trưởng GDP, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng và dịch vụ xuất khẩu phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhất là công nghiệp chế biến để có những sản phẩm giá trị cao từ nguồn nguyên liệu nông lâm hải sản, khoáng sản, hạn chế xuất thô và coi đây là một giải pháp để có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một cách đột biến trong giai đoạn 2011 - 2015; Chú trọng xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu lao động.

- Huy động sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần kinh tế vào hoạt động xuất khẩu. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong tỉnh như: dệt may, chế biến nông lâm hải sản, rau quả, sản phẩm gỗ, khoáng sản và đá trắng các loại v.v...

- Chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; Gắn kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước; duy trì và mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để tránh lệ thuộc, rủi ro trong xuất khẩu.

b) Mục tiêu

Nỗ lực gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngoại tệ; Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu hàng thô, nâng cao giá trị gia tăng, gia tăng sản phẩm chế biến, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và phương thức kinh doanh; hội nhập thành công vào kinh tế khu vực và thế giới.

c) Các chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2011 - 2015

- Quy mô, tốc độ: Phấn đấu đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu hàng hoá, xuất khẩu lao động và dịch vụ thu ngoại tệ) đạt 500 - 550 triệu USD; trong đó:

+ Về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 12,3 - 14,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 300 - 330 triệu USD, chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu;

+ Về xuất khẩu lao động và dịch vụ: Vẫn giữ nguyên nhịp độ hiện thời; tăng trưởng chủ yếu về doanh thu ngoại tệ từ dịch vụ du lịch và vận tải biển; phấn đấu đến năm 2015 đạt từ 200 - 220 triệu USD, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

- Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá dự kiến đạt từ 300 - 330 triệu USD vào năm 2015:

+ Hàng nông lâm hải sản chiếm 35,8 - 36%, đạt kim ngạch ~108 - 118 triệu USD;

+ Hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoáng sản, VLXD chiếm ~64,0 - 64,2%, đạt kim ngạch ~ 192 - 212 triệu USD.

- Cơ cấu dịch vụ xuất khẩu

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ dự kiến đạt từ 200 - 220 triệu USD vào năm 2015:

+ Xuất khẩu lao động: Giai đoạn 2011 - 2015 phấn đấu mỗi năm đưa từ 10 - 11 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài với; dự tính kim ngạch xuất khẩu lao động đạt ~ 170 - 180 triệu USD, chiếm ~ 81,8 - 85,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

+ Dịch vụ du lịch: Dự kiến đến năm 2015 đạt doanh thu ngoại tệ khoảng 25 - 30 triệu USD, chiếm ~ 12,5 - 13,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

+ Vận tải biển, dịch vụ giao nhận cảng biển và các dịch vụ khác: Với các dịch vụ bốc xếp, sửa chữa, vận tải, các loại hình dịch vụ khác... dự kiến doanh thu ngoại tệ đạt ~ 5 - 10 triệu USD vào năm 2015, chiếm ~ 2,5 - 4,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

2. Định hướng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015

Từ nghiên cứu, phân tích dự báo tình hình thị trường thế giới; xét tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh, Nghệ An xác định 11 nhóm/mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm: Nhóm sản phẩm gỗ; lạc nhân; chè; sản phẩm sắn các loại; nhóm hàng thuỷ hải sản; sản phẩm hoa quả chế biến; sản phẩm đá các loại; nhóm hàng dệt, may; hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề; cao su; cà phê.

(Về dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động có chương trình phát triển riêng)

Điều kiện và khả năng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

(1) Nhóm sản phẩm gỗ

1.1 Thuận lợi

- Nghệ An là một tỉnh có diện tích rừng khá lớn với nguồn nguyên liệu tiềm năng để phát triển loại sản phẩm này.

- Là tỉnh có biên giới giáp với Lào, gần Myanma, thuận tiện cho nhập khẩu gỗ nguyên liệu với chi phí hợp lý.

- Tận dụng nguồn lao động dồi dào; mạng lưới các cơ sở chế biến sản phẩm gỗ sẵn có của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Tỉnh rất quan tâm tới đầu tư phát triển ngành hàng sản xuất, chế biến gỗ.

- Nhu cầu thế giới về mặt hàng này tăng ổn định

1.2. Khó khăn

- Rừng bị khai thác cạn kiệt từ nhiều năm trước đã ảnh hưởng không tốt đến nguồn tài nguyên quý giá này.

- Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu;

- Đội ngũ thợ thủ công lành nghề, thợ bậc cao, nhất là nghệ nhân làng nghề thiếu; chưa có bạn hàng mang tính ổn định và lâu dài;

- Đơn điệu về chủng loại sản phẩm (chủ yếu là ván sàn sơ chế, dăm gỗ…);

chưa có thương hiệu sản phẩm ở thị trường nước ngoài; ít có các công ty có dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, không có sự chuyển giao công nghệ giữa các nhà sản xuất;

- Năng lực sản xuất & kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được những đơn hàng lớn, trong khi đó chưa có sự phối hợp, liên doanh liên kết giữa các nhà sản xuất trên địa bàn.

1.3 Mục tiêu

- Mục tiêu đến 2015 dự kiến xuất khẩu từ 55 - 60 triệu USD từ nhóm hàng này, bao gồm các loại sản phẩm: Đồ gỗ gia dụng; ván sàn; dăm gỗ, bột giấy..., chiếm khoảng 18,1 - 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Đài loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

1.4 Giải pháp phát triển

- Tạo nguồn nguyên liệu ổn định cả trong nước và từ nguồn nhập khẩu;

- Tăng cường liên doanh liên kết với các đơn vị ngoại tỉnh, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào Nghệ An đầu tư phát triển chế biến gỗ nhằm tạo nguồn hàng phong phú phục vụ xuất khẩu.

- Hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế để gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu; chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, nghệ nhân, cán bộ nghiệp vụ thành thạo ngoại ngữ; quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, danh tiếng doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm gỗ.

(2) Lạc nhân

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng lạc lớn nhất nước với chất lượng hàng đầu được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nghệ An, có số lượng lớn, thị trường tiêu thụ rộng, nhất là thị trường các nước ASEAN - rất gần về vị trí địa lý và có mối quan hệ thương mại nội khối.

Trong thời gian tới lạc vẫn là loại cây công nghiệp ngắn ngày được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển với diện tích dự kiến khoảng 25.000 ha; năng suất 28 tạ/ha, tổng sản lượng lạc trên 70.000 tấn.

2.1 Thuận lợi

- Nhu cầu trên thị trường thế giới lớn và có xu hướng tăng, không dưới 1,5 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực các nước Châu Á, EU.

- Giá cả trên thế giới trong những năm gần đây tăng cao; một số nước sản xuất chính giảm sản lượng.

2.2 Khó khăn

- Diện tích hạn chế; công tác thu hoạch và chế biến sau thu hoạch ít được quan tâm đầu tư. Hệ thống kho tàng, công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu.

- Thiên tai hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch thường xuyên xảy ra cùng với khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều trong vụ thu hoạch lạc thường ảnh hưởng không tốt đến chất lượng lạc.

- Giá cả không ổn định; dịch vụ marketing yếu và thiếu; lạc nhân xuất khẩu Nghệ An bị mất uy tín trong những năm qua, hệ quả của lối kinh doanh theo kiểu "cú nhát, chụp giật".

- Trong điều kiện thị trường mở, các doanh nghiệp Nghệ An chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại tỉnh và thương nhân nước ngoài vào Nghệ An khai thác hàng xuất khẩu.

2.3 Mục tiêu

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xuất khẩu được 20.000 - 25.000 tấn lạc nhân, bao gồm cả hàng thu gom từ ngoại tỉnh, đạt kim ngạch xuất khẩu 25 - 30 triệu USD, chiếm từ 8,3 - 9,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là các nước ASEAN, Trung Quốc.

2.4 Giải pháp phát triển

- Phục tráng giống lạc sen; đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, chính sách thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng lạc.

- Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch bằng các công nghệ hiện đại tiên tiến nhằm giảm ẩm độ và độc tố aflatoxine, nâng cao chất lượng sản phẩm, khôi phục lại uy tín lạc nhân Nghệ An trên thị trường các nước trong khu vực.

- Tăng cường liên doanh liên kết trong kinh doanh, tránh tình trạng tranh mua tranh bán không lành mạnh. Gắn kết "Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học" trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm lạc.

- Đẩy mạnh công tác nắm nguồn hàng, kể cả thu gom từ ngoại tỉnh. Khôi phục và mở rộng thị trường, bạn hàng tiêu thụ ngoài nước; tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, bảo đảm chữ tín trong kinh doanh, duy trì và mở rộng bạn hàng truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu.

(3) Chè

Theo quy hoạch phát triển ngành chè của Nghệ An, phấn đấu đến năm 2015 đạt tổng diện tích 12.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh 9.430 ha; năng suất 110 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 103.730 tấn.

3.1. Thuận lợi

- Nghệ An có tiềm năng để phát triển: Với địa hình trung du, miền núi chiếm 3/4 diện tích đất đai tự nhiên rất thích hợp cho phát triển trồng chè.

- Kinh nghiệm trồng chè có từ rất lâu đời tại các huyện miền núi và trung du trên địa bàn tỉnh. Cây chè được phát triển cả từ các hộ gia đình, nông trang viên cho đến các nông trường, tổng đội thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh.

- Mối liên kết từ sản xuất đến kinh doanh chè đã được thiết lập: Nông trường viên/hộ gia đình - Nông trường - Xí nghiệp - Công ty kinh doanh. Cơ sở chế biến, hạ tầng kỹ thuật vùng nguyên liệu chè đã được quan tâm đầu tư.

3.2. Khó khăn

- Kỹ thuật canh tác và chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phù hợp; thiếu cơ sở vật chất bảo quản, lưu kho.

- Xuất khẩu chè sơ chế, giá trị thấp, chất lượng không ổn định. Thương hiệu chè Nghệ An chưa được phát triển trong giao dịch chào bán với bạn hàng nước ngoài (Nghean Tea).

3.3. Mục tiêu

Phấn đấu xuất khẩu khoảng 15.000 tấn chè búp khô, đạt kim ngạch 20 - 23 triệu USD, chiếm ~ 6,7 - 7,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An vào năm 2015; thị trường chính vẫn là một số nước EU, Hoa Kỳ, Nga, Trung Cận Đông.

3.4. Giải pháp phát triển

- Giải pháp về nông nghiệp

+ Triển khai thực hiện tốt quy hoạch được duyệt. Tập trung trồng các giống chè chất lượng cao để cải tạo quỹ gen chè và giống chè hiện nay.

+ Cải tạo hệ thống canh tác, chú trọng công tác thuỷ lợi để đưa diện tích tưới vào thâm canh cao. Cải tiến cơ bản cơ cấu phân bón, trồng cây xanh, cây bóng mát theo phương thức kết hợp nông lâm.

+ Thực hiện chương trình khuyến nông từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và chế biến chè.

- Giải pháp về chế biến sản phẩm

Trước hết phải cải tạo nâng cấp thiết bị, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè để cân đối năng lực sản xuất; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và công nhân chế biến chè.

- Giải pháp tạo lập và mở rộng thị trường xuất khẩu

Tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường tiếp thị, quảng cáo giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu "Chè Nghệ An - Nghean Tea", đa dạng hoá hình thức kinh doanh.

(4) Sản phẩm sắn các loại

4.1 Thuận lợi

Hàng năm Trung Quốc có nhu cầu rất lớn và ổn định nhóm sản phẩm này nhằm sử dụng vào sản xuất rượu, cồn, chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc. Theo lộ trình Thu hoạch sớm (EHP) giữa Trung quốc và các nước ASEAN, thuế nhập khẩu vào Trung Quốc là 0%, nên doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng có nhiều cơ hội xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.

Định hướng phát triển đến năm 2015 trên địa bàn Nghệ An, phấn đấu đạt diện tích quy hoạch 9.000 ha, trong đó diện tích sắn nguyên liệu cho sản phẩm khoảng 4.000 ha; năng suất 400 tạ/ha (cao hơn năng suất bình quân của cả nước); tổng sản lượng sắn nguyên liệu đạt khoảng 160.000 tấn.

4.2 Khó khăn

Nguồn sản phẩm tinh bột sắn phụ thuộc lớn vào thu mua ngoại tỉnh (~ 70%) nên khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn hàng.

4.3 Mục tiêu

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xuất khẩu 100.000 tấn tinh bột sắn, trong đó thu mua từ ngoại tỉnh ~ 70.000 tấn, đạt kim ngạch ~ 45 - 50 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặt hàng này chiếm tỷ trọng ~ 15 - 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

4.4 Giải pháp phát triển

- Ổn định vùng nguyên liệu, phục vụ cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng công suất (30.000 tấn sản phẩm/năm);

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc để ký kết các hợp đồng dài hạn và ổn định.

- Tăng cường công tác liên doanh liên kết với các nhà máy sản xuất trong nước để tạo đầu vào ổn định.

(5) Nhóm hàng thuỷ hải sản

5.1 Thuận lợi

- Nghệ An có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng hải sản: Bờ biển dài trên 82 km; có các vùng nước ngọt, nước lợ lớn.

- Công tác nuôi trồng thuỷ hải sản đang được tỉnh chú trọng phát triển; cư dân vùng biển có kinh nghiệm trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản.

- Nhu cầu thị trường thế giới tăng cao và ổn định.

5.2 Khó khăn

- Tiềm năng lớn, nhưng lợi thế không cao.

- Thiếu nguồn nguyên liệu giữa hai mùa thu hoạch;

- Giá thành sản phẩm cao; giá trị gia tăng thấp, do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô; sản phẩm thuỷ hải sản Nghệ An chưa có thương hiệu, danh tiếng.

- Doanh nghiệp kinh doanh đều là doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn đầu tư, kinh doanh; năng lực máy móc thiết bị sản xuất và chế biến yếu kém; thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong giao dịch đối ngoại; công tác marketing yếu và thiếu.

- Yêu cầu của các thị trường quốc tế về vệ sinh và an toàn thực phẩm ngày càng cao; khó kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh, chất cặn trong hải sản xuất khẩu;

5.3 Mục tiêu

- Phấn đấu đến năm 2015 xuất khẩu được 1.500 tấn thuỷ sản các loại, đạt kim ngạch 15 triệu USD, chiếm tỷ trọng ~ 4,5 - 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

5.4. Giải pháp phát triển

- Giải pháp nuôi trồng, khai thác tạo nguồn nguyên liệu:

+ Cần tập trung ưu tiên nuôi trồng các loài thuỷ hải sản có giá trị xuất khẩu; xây dựng và hình thành các vùng nuôi tập trung, nhất là vùng nuôi tôm sú, cua, ốc hương và nuôi cá rô phi đơn tính tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Chú trọng đầu tư phát triển diện tích nuôi trồng mặn lợ, nuôi ngọt...

+ Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, trước hết đối với tôm sú, tôm chân trắng.

+ Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản.

- Giải pháp về chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm

+ Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và áp dụng về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

+ Tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng trong toàn bộ quy trình, từ đánh bắt, vận chuyển và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh và các quy định về an toàn thực phẩm quốc tế.

+ Đầu tư sử dụng thiết bị và công nghệ chế biến hiện đại nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu bảo quản, chế biến và tăng giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu, tránh những thất thoát hư hại sau thu hoạch, khai thác và cả trong quá trình chế biến.

- Các giải pháp khác

+ Củng cố, quan tâm đầu tư phát triển doanh nghiệp chuyên về sản xuất, chế biến thuỷ sản xuất khẩu và coi đây là khâu then chốt trong việc phát triển kinh tế thuỷ sản tại Nghệ An.

+ Đa dạng hoá thị trường; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm khôi phục và mở rộng thị trường hiện có, thu hút thêm khách hàng mới, coi trọng thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Bên cạnh đó, cần củng cố và phát triển chế biến thuỷ sản nội địa, mở rộng thị trường trong nước trên cơ sở đa dạng hoá các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.

+ Thiết lập quan hệ mật thiết giữa ngư dân, người nuôi trồng thuỷ hải sản - nhà chế biến và nhà xuất khẩu. Tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Bộ Thuỷ sản; Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam VASEP.

(6) Sản phẩm hoa quả chế biến

6.1 Thuận lợi

Nghệ An rất có tiềm năng phát triển sản xuất các loại hoa quả nhiệt đới phục vụ xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới hầu như không bị hạn chế, mặc dù yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn trước. Do vậy, trong giai đoạn 2011 - 2015, cây ăn quả các loại (cam, quýt, chanh, dứa…) cũng được ưu tiên đầu tư phát triển, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở chế biến hoa quả xuất khẩu.

6.2 Khó khăn

Nguồn nguyên liệu trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, xuất khẩu, tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu gây tổn thất lớn cho nông dân và doanh nghiệp.

6.3 Mục tiêu

Phấn đấu đến năm 2015, nhóm hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng ~ 6,1 - 6,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

6.4 Giải pháp phát triển

- Ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu; áp dụng kỹ thuật canh tác, thâm canh rải vụ, tránh tình trạng thừa thiếu nguyên liệu.

- Tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ngoại tỉnh trong việc tạo nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu.

- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu; Tập trung xây dựng kỹ năng marketing, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm hoa quả Nghệ An.

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng thêm một cơ sở chế biến hoa quả, dứa xuất khẩu với công suất trên 1 vạn tấn.

(7) Sản phẩm đá các loại

7.1 Thuận lợi

Thế giới có nhu cầu cao, nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Canada phục vụ cho ngành công nghiệp giấy, sơn, cao su, mỹ phẩm... Mỏ đá trắng của Nghệ An có trữ lượng lớn, chất lượng cao, tập trung chủ yếu ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quỳ Châu.

7.2 Khó khăn

- Các dự án chế biến bột đá trắng siêu mịn còn chậm tiến độ.

- Chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Chưa có các dự án đầu tư vào chế biến sâu.

7.3 Mục tiêu

Dự kiến đến năm 2015, khai thác được 1 triệu tấn đá trắng các loại, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 25 - 30 triệu USD, chiếm tỷ trọng ~ 8,3 - 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

7.4 Giải pháp phát triển

- Mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư các dự án khai thác và gia công sản phẩm đá trắng, nhất là bột đá trắng siêu mịn nhằm tăng giá trị hàng hoá/đơn vị sản phẩm xuất khẩu;

- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư chế biến bột đá trắng siêu mịn đã được cấp phép;

- Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bạn hàng; hạn chế xuất khẩu sản phẩm sơ chế, tăng giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.

(8) Nhóm hàng dệt, may

8.1 Thuận lợi

Trong thời gian tới sản phẩm dệt may vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành hàng công nghiệp chế biến của Nghệ An, nhằm phát huy lợi thế về nguồn lao động địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

8.2 Khó khăn

- Hầu hết sản xuất theo hợp đồng gia công, trị giá thấp;

- Máy móc thiết bị lỗi thời; năng suất lao động thấp so với toàn ngành;

- Công tác thiết kế, tạo mẫu mã, kiểu dáng ít được chú trọng đầu tư. Sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Nghệ An yếu kém cả trên thị trường trong nước và nước ngoài. Sản phẩm dệt may xuất khẩu của Nghệ An hầu như chưa có thương hiệu, danh tiếng cao trên thị trường trong và ngoài nước.

- Kỹ năng quản lý kinh doanh yếu; thiếu đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, năng động, có kinh nghiệm trong giao dịch đối ngoại; thiếu thợ bậc cao và kỹ thuật viên lành nghề;

- Công tác marketing, hoạt động xúc tiến thương mại yếu kém.

8.3. Mục tiêu

- Mục tiêu đến năm 2015 xuất khẩu đạt kim ngạch 16 - 20 triệu USD, xuất sang các thị trường chủ yếu: Hoa kỳ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc..., chiếm tỷ trọng ~ 5,3 - 6,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

8.4. Giải pháp phát triển

- Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có danh tiếng vào Nghệ An đầu tư phát triển ngành dệt may, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách và tạo bước đột phá trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

- Triển khai các dự án dệt may được phê duyệt, củng cố các cơ sở sản xuất hiện có, tận dụng hết công suất máy móc thiết bị.

- Tăng đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực và áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm tạo khả năng hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả.

- Thay đổi tổ chức và phương thức kinh doanh, chuyển từ phương thức gia công sang mua đứt bán đoạn để tăng kim ngạch xuất khẩu.

(9) Hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề

9.1 Thuận lợi

Đối với Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề có tác động lớn đối với nền kinh tế và xã hội, đặc biệt trong việc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trên địa bàn cả nước đạt 685 triệu USD; phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch của nhóm hàng này đạt trên 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 22%/năm.

9.2 Khó khăn

- Chất lượng thấp, mẫu mã đơn điệu, thị phần nhỏ lẻ, nhất là hàng mây tre đan, khó có đủ lô lượng xuất cho một chuyến hàng; thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, đôi khi còn phải qua trung gian.

- Thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất; thiếu quy trình tiêu chuẩn hoá; thiếu các chuyên gia, nghệ nhân phát triển sản phẩm có năng lực tầm quốc gia;

- Sản phẩm chưa có thương hiệu, danh tiếng trên thị trường; Sức cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh nhóm hàng này yếu.

9.3 Mục tiêu

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt 6 - 7 triệu USD, (trong đó hàng thủ công mỹ nghệ đạt 5 triệu USD), chiếm tỷ trọng ~ 2,0 - 2,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

9.4 Giải pháp phát triển

- Khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, và thiếu tính chuyên nghiệp bằng cách quy hoạch, đầu tư vốn và tổ chức lại sản xuất của các làng nghề theo hướng tập trung, chuyên môn hoá; phát huy vai trò của Liên minh các Hợp tác xã, của chính quyền địa phương.

- Tăng cường liên doanh liên kết, thu hút các công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và mây tre đan xuất khẩu trong nước và nước ngoài đầu tư vào Nghệ An phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

- Giải quyết tốt vấn đề nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu.

- Đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến của các cơ sở hiện có nhằm tăng tỷ lệ thành phẩm/nguyên liệu, sản xuất sản phẩm tinh chế có giá trị cao. Nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường công tác kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.

- Tập trung vào khâu thiết kế, đổi mới mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng và khơi dậy thị hiếu của khách hàng. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường.

- Tăng cường công tác đào tạo thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao qua việc mở các lớp đào tạo thợ thủ công truyền thống; thu hút nghệ nhân vào sản xuất hàng xuất khẩu.

- Nâng cao nhận thức Làng nghề là “cái nôi” chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, nên để phát triển hàng thủ công mỹ nghệ nhất thiết phải quan tâm củng cố và phát triển làng nghề.

(10) Cao su

10.1 Thuận lợi

Cao su cũng là một trong những cây công nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Theo quy hoạch được duyệt, mục tiêu trong những năm tới, phấn đấu phát triển sản xuất cao su đạt chỉ tiêu 22.663 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 5.860 ha; đạt sản lượng cao su mủ khô trên 8.204 tấn vào năm 2015, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

- Các doanh nghiệp thương mại Nghệ An có quan hệ bạn hàng truyền thống cả trong và ngoài nước về kinh doanh mặt hàng này.

10.2 Khó khăn

- Thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến hàng xuất khẩu; việc phát triển vùng nguyên liệu, trồng mới cây cao su còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế;

- Xuất khẩu còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh.

10.3 Mục tiêu xuất khẩu

Phấn đấu đạt kim ngạch 15 - 17 triệu USD, chiếm tỷ trọng ~ 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Nghệ An.

10.4 Giải pháp phát triển

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước;

- Quan tâm xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá;

- Tăng cường liên doanh liên kết, đẩy mạnh thu gom hàng cao su từ ngoại tỉnh phục vụ xuất khẩu.

(11) Cà phê

11.1 Thuận lợi

- Nghệ An có tiềm năng đất đai để phát triển cây cà phê: Với địa hình trung du, miền núi chiếm 3/4 diện tích đất đai tự nhiên, rất thích hợp cho phát triển cây trồng này. Đây cũng là một trong những loại cây công nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011 - 2015.

- Kinh nghiệm trồng cà phê có từ rất lâu đời tại các huyện miền núi và trung du, nhất là loại cà phê Arabica.

- Các doanh nghiệp thương mại Nghệ An có quan hệ bạn hàng truyền thống cả trong và ngoài nước về kinh doanh mặt hàng này.

11.2 Khó khăn

- Sản lượng và thị phần nhỏ; hệ thống kho tàng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu; thiếu quy trình tiêu chuẩn hoá;

- Giá cả thị trường không ổn định; phụ thuộc nguồn hàng ngoại tỉnh; xúc tiến thương mại yếu kém; sản phẩm chưa có thương hiệu, danh tiếng trên thị trường; Sức cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này yếu.

- Thiên tai, bệnh dịch thường xuyên xảy ra ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sản phẩm.

11.3 Mục tiêu

Trong những năm tới, phải phát triển sản xuất, chế biến cà phê nội tỉnh, phấn đấu đạt diện tích 2.900 ha, bao gồm cả trồng mới, chủ yếu là cà phê chè, đạt sản lượng cà phê nhân 1.900 tấn; đồng thời đẩy mạnh thu gom hàng hoá ngoại tỉnh phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đạt kim ngạch 10 triệu USD từ sản phẩm này.

11.4 Giải pháp phát triển

- Chấn chỉnh lại việc sản xuất cà phê trên địa bàn; Đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, nhất là cà phê Arabica;

- Cải tiến công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, nhất là kỹ thuật chế biến ướt, nhằm giảm hao hụt tổn thất, giảm chất lượng sản phẩm hàng hoá.

- Đầu tư cơ sở chế biến cà phê để gia tăng chất lượng, trị giá hàng hoá xuất khẩu trên một đơn vị sản phẩm;

- Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hoạt động giao dịch, xuất khẩu trên các sàn giao dịch quốc tế để tìm kiếm mức giá có lợi trong xuất khẩu.

- Tăng cường liên doanh liên kết với các đơn vị ngoại tỉnh để đẩy mạnh thu gom hàng hoá ngoại tỉnh phục vụ công tác xuất khẩu, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động của các doanh nghiệp thương mại, tạo nguồn thu ngoại tệ, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

PHẦN III

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. CÁC GIẢI PHÁP TẠO NGUỒN HÀNG XUẤT KHẨU PHONG PHÚ

Huy động tổng thể các nguồn lực, tập trung đầu tư sản xuất, chế biến hàng hoá để tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, nhất là:

1. Giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng hoá phục vụ công tác xuất khẩu

Tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt liên quan đến sản xuất và chế biến hàng hoá xuất khẩu, nhất là quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến hàng nông lâm hải sản (đường, chè, cao su, cà phê, dứa và hoa quả các loại, tinh bột sắn, chế biến thịt đông lạnh, chế biến sữa…), công nghiệp cơ khí, xi măng v.v…

Phát triển các vùng kinh tế động lực và các ngành kinh tế mũi nhọn làm động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, bao gồm cả lĩnh vực xuất khẩu.

2. Thu hút các Nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An phát triển sản xuất hàng xuất khẩu

Tập trung thu hút đầu tư vào những dự án phát triển sản xuất chế biến hàng xuất khẩu với cơ chế chính sách đồng bộ và hấp dẫn và coi đây là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú, phục vụ xuất khẩu, cụ thể:

- Tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ ngành mời gọi các Nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư các dự án: (i) Nuôi trồng và chế biến hàng thuỷ hải sản xuất khẩu; (ii) dệt may xuất khẩu; (iii) sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; (iv) chế biến rau quả xuất khẩu, (v) sản xuất, chế biến bột đá siêu mịn, khoáng sản xuất khẩu; (vi) Dự án Gia công công nghệ phần mềm xuất khẩu; và (vii) Giày dép các loại xuất khẩu khi có điều kiện.

- Đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức và các kênh khác nhau. Ưu tiên xúc tiến đầu tư cho các dự án trọng điểm hướng về xuất khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về Nghệ An với các đối tác trong và ngoài nước.

- Tiếp tục cải cách hành chính nhằm tạo thông thoáng cho các Nhà đầu tư trong khâu hoàn tất các thủ tục đầu tư ban đầu.

3. Huy động nguồn vốn đầu tư nội tỉnh để phát triển, mở rộng các dự án sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh

- Tiếp tục đầu tư mở rộng các dự án sản xuất hàng xuất khẩu trong tỉnh, nhất là các dự án thuộc các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như tinh bột sắn; hoa quả chế biến xuất khẩu; chè búp khô; cà phê; dệt may; chế biến bột đá siêu mịn...

- Tiếp tục đầu tư các dự án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu như sắn, lạc, dứa, chè, thuỷ hải sản, sản phẩm gỗ...

- Chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại để tạo tiền đề vật chất cho quá trình phát triển nhanh và có hiệu quả, bao gồm hệ thống cảng biển với thương cảng lớn, sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc, đường sắt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp và truyền tải điện, hệ thống cấp và thoát nước.

4. Tăng cường liên doanh liên kết, đẩy mạnh thu gom hàng hoá ngoại tỉnh phục vụ công tác xuất khẩu

Đây là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện nguồn hàng xuất khẩu nội tỉnh vẫn còn chưa phong phú, kém sức cạnh tranh, nhất là đối với các sản phẩm: Lạc nhân, cà phê, cao su, tinh bột sắn, nhựa thông, một số sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng v.v... trên cơ sở kinh doanh có hiệu quả, duy trì quan hệ bạn hàng, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời tạo nguồn thu ngoại tệ, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

II. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC DOANH NGHIỆP

Cần nhận thức được vấn đề doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Để phát triển và hội nhập thành công, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, có khả năng tham gia và nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng thương hiệu hàng hoá và doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.

Các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, bao gồm:

- Về phía nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, phương pháp marketing sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin dự báo thị trường ...

- Về phía doanh nghiệp, cần:

+ Các doanh nghiệp cần tích cực triển khai việc áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

+ Chủ động xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh vững bền và hiệu quả và phải luôn giữ gìn uy tín doanh nghiệp như là tài sản vô giá. Chú trọng phát triển mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mặt hàng xuất khẩu mới và có các chương trình cụ thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu chính yếu, tiềm năng nhằm tạo dựng thương hiệu và danh tiếng doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

+ Mở rộng liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm hợp lý hóa, chuyên môn hóa sản xuất trên cơ sở thế mạnh của mỗi doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tích cực tham gia các Hiệp hội ngành hàng nhằm tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ năng chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm hoạt động.

III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH SẢN PHẨM XUẤT KHẨU

- Chú trọng công tác xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá Nghệ An cả trên thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm xuất khẩu đối với từng thị trường. Coi chất lượng sản phẩm hàng hoá đáp ứng yêu cầu quốc tế là chìa khoá để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn của thế giới.

- Đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến. Cải tạo và du nhập giống mới có năng suất chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu bạn hàng quốc tế.

- Nghiên cứu và dự báo sản xuất các mặt hàng mới có tiềm năng phát triển và nhu cầu tiêu thụ lâu dài; tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh một cách khoa học để hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí lưu thông.

IV. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, TẠO LẬP VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

- Đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến thương mại. Triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm hàng năm của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao năng lực canh tranh trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp đi tìm kiếm bạn hàng, thị trường nước ngoài. Tổ chức và mời đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Nghệ An tìm kiếm cơ hội, đầu tư, kinh doanh.

- Hỗ trợ thiết lập các kênh thông tin thương mại, quảng cáo sản phẩm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, bạn hàng thúc đẩy xuất khẩu.

- Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trong giao dịch mua bán ở các thành phố, thị xã và các khu công nghiệp tập trung, các khu kinh tế lớn, tạo đà cho quá trình gia tăng các loại hình này ở giai đoạn sau.

- Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường; đặc biệt phải chú trọng giữ “chữ tín” trong kinh doanh; đa dạng hoá mặt hàng và phương thức kinh doanh.

V. GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Đây là giải pháp quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực phát triển xuất khẩu, bởi nhân sự được coi là chìa khoá của thành công; trước mắt, cần chú ý:

- Đào tạo công nhân lành nghề ở từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, bởi thực trạng trong nhiều đơn vị cơ sở trên địa bàn Nghệ An thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, thợ bậc cao, được đào tạo bài bản. Coi trọng việc đào tạo tay nghề cho người đi xuất khẩu lao động và thông qua xuất khẩu lao động để đào tạo tay nghề cao ở nước ngoài.

- Đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ doanh nhân giỏi buôn bán quốc tế, am hiểu sản xuất và năng động trong thương trường.

- Đào tạo cán bộ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại quốc tế, đủ trình độ tư vấn, trợ giúp giám đốc trong kinh doanh và hợp tác quốc tế.

- Trong công tác cán bộ cần có chiến lược đào tạo, bố trí và sử dụng đúng cán bộ, thu hút cán bộ giỏi, thuê chuyên gia làm tư vấn trong việc môi giới tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin để mở rộng thị trường xuất khẩu;

- Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn, hoạch định và điều hành chính sách kinh tế đối ngoại, phát triển đội ngũ doanh nhân, giám đốc, quản lý doanh nghiệp và các nhân viên kỹ thuật có kiến thức rộng, bản lĩnh, kỷ luật và tay nghề cao trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, sản xuất - kinh doanh hàng hoá - dịch vụ hướng về xuất khẩu.

VI. GIẢI PHÁP VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

- Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn qua các cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, sử dụng đất, chính sách giải toả, đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế phối hợp cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất.

- Tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách khuyến nông, chính sách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông lâm hải sản xuất khẩu, công nghiệp phần mềm, công nghiệp áp dụng công nghệ cao hướng về xuất khẩu.

- Tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển xuất khẩu, vận dụng các chơ chế chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản mà WTO không cấm, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động và thực hiện chuơng trình mục tiêu giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

PHẦN IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện thành công Đề án Phát triển xuất khẩu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao; ngoài các mục tiêu, chương trình và các giải pháp đã nêu trên, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp liên quan cần quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH LIÊN QUAN

1. Sở Công Thương

- Là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Đề án;

- Chủ trì phối hợp các ngành liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cho từng giai đoạn, từng năm theo đúng cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, với mục đích phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 500 - 550 triệu USD vào năm 2015;

- Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại theo hướng đổi mới công tác khuyến công, hỗ trợ thiết thực để phát triển làng nghề; đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là cải tiến công tác thông tin dự báo và thông tin thị trường, công tác quảng bá hình ảnh Nghệ An, doanh nghiệp và sản phẩm Nghệ An; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, bạn hàng xuất khẩu, tư vấn nghiệp vụ xuất nhập khẩu; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ ngoại thương, bồi dưỡng giám đốc, cán bộ quản lý doanh nghiệp…

- Đảm bảo nguồn điện ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư thích hợp với từng giai đoạn; chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi mời gọi các Nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, gia công và chế biến hàng xuất khẩu, nhất là (i) Nuôi trồng và chế biến hàng thuỷ hải sản xuất khẩu; (ii) Dệt may xuất khẩu; (iii) Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; (iv) Chế biến rau quả xuất khẩu, (v) Sản xuất, chế biến bột đá siêu mịn, khoáng sản xuất khẩu; (vi) Dự án Gia công công nghệ phần mềm xuất khẩu; và (vii) Giày dép các loại xuất khẩu, khi có điều kiện.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức, xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng như điện, nước, giao thông, cửa khẩu, cảng biển, sân bay, thuỷ lợi, liên lạc viễn thông ... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thị liên quan triển khai thực hiện chương trình phát triển một số cây trồng, vật nuôi chính thuộc Quy hoạch nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nhằm tạo nguồn hàng nguyên liệu phong phú gắn với các cơ sở chế biến hàng hoá xuất khẩu theo đúng lộ trình và quy hoạch được duyệt.

Triển khai thực hiện các Chương trình Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng và chế biến phục vụ xuất khẩu.

4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố và thị xã liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển xuất khẩu lao động đến năm 2015, với mục đích phấn đấu giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm đưa được từ 10.000 - 11.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài;

5. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố và thị xã liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển Du lịch đến năm 2020, chú trọng thu hút khách quốc tế với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 18,5%/năm.

6. Sở Tài chính

Thẩm định và bố trí kinh phí xây dựng & thực hiện đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 trên cơ sở dự trù kinh phí do Sở Công Thương xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi ngân sách hàng năm, chú trọng ưu tiên đầu tư cho các quy hoạch được duyệt về phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu; kinh phí Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh; quỹ khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản xuất khẩu theo nguyên tắc đưa vào cân đối ngân sách hàng năm.

7. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam

Triển khai, đôn đốc thực hiện các quy hoạch, các dự án được duyệt trong Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp theo đúng lộ trình.

Rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh quyết định ban hành.

8. Cục Hải quan Nghệ An

- Tiếp tục tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục khai báo hải quan điện tử theo hướng thuận tiện, đơn giản, hết sức tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong công tác thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

Tăng cường công tác quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt trên địa bàn.

Bố trí cán bộ có năng lực để theo dõi, đôn đốc thực hiện các quy hoạch và kế hoạch sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kịp thời nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

1. Phải nhận thức được rằng trong quá trình hội nhập kinh tế vươn ra thị trường quốc tế và khu vực, nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo môi trường pháp lý thông thoáng và thuận lợi. Sự thành công trong quá trình hội nhập là tuỳ thuộc vào sức cạnh tranh, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Vì sự sống còn của mình, doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc: Phải tạo dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp mình với bạn hàng quốc tế; chủ động xác định chiến lược mặt hàng và thị trường xuất khẩu; kết hợp chặt chẽ sản xuất với thị trường; xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, quy hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu, ưu tiên tập trung đầu tư cho sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh của tỉnh, lấy thị trường làm kim chỉ nam định hướng cho sản xuất.

2. Chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể: Tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp, hợp lý hoá quy trình sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động; đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, phấn đấu tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đáp ứng yêu cầu thị trường cả trong và ngoài nước.

3. Đổi mới cách thức hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bạn hàng; khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách hàng, tiết kiệm chi phí giao dịch, quảng cáo... qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác xuất khẩu, kể cả xuất khẩu dịch vụ, lao động và chuyên gia.

4. Xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp chế biến, đảm bảo đầu vào ổn định phục vụ sản xuất. Chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng hoá khi hội đủ các điều kiện cần thiết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình chiến lược mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm hợp lý hoá, chuyên môn hoá sản xuất trên cơ sở thế mạnh của mỗi doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt để khai thác tối đa nguồn hàng xuất khẩu ngoại tỉnh.

5. Chăm lo công tác đào tạo và thu hút lao động có tay nghề cao, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng cao, am hiểu sản xuất, thị trường, nắm vững kỹ thuật đàm phán, giao dịch, ký kết hợp đồng và giỏi ngoại ngữ.

 

PHỤ LỤC I

XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 (PHÂN THEO MẶT HÀNG)

ĐVT: USD

TT

Khoản mục

2006

2007

2008

2009

2010

 

Tổng kim ngạch XK

168.829.208

211.391.228

273.307.779

249.876.193

386.351.303

I

Hàng hoá

101.181.227

119.555.109

148.229.470

115.840.951

168.082.793

1

Dăm gỗ

10.418.328

12.574.983

14.980.070

21.456.328

39.883.150

2

Sắn + Bột sắn

18.869.733

16.623.174

10.447.646

15.762.631

34.149.264

3

Đá các loại

4.522.806

7.091.060

11.422.260

12.915.639

13.754.333

4

Nhựa thông. tùng hương

3.034.255

2.570.477

3.042.657

3.589.950

10.785.263

5

Nước hoa quả

804.114

812.900

418.700

1.296.700

10.705.357

6

Gạo

2.126.593

1.988.719

6.800.322

8.764.260

7.597.181

7

Cao su

11.181.725

16.113.440

19.350.440

10.842.846

7.262.530

8

Chè

5.268.537

6.254.648

6.987.205

8.406.870

6.155.292

9

VLXD khác

3.797.030

3.590.474

7.270.176

6.915.760

5.738.223

10

Gỗ + SP gỗ

6.827.287

16.273.064

5.996.069

2.831.402

5.540.948

11

Lạc nhân

3.295.227

8.632.951

2.747.011

4.566.478

3.832.178

12

Xăng dầu

 

 

 

 

3.718.968

13

Hàng Dệt May

2.226.759

3.390.500

3.970.815

696.650

3.183.145

14

Hạt tiêu

2.141.048

222.358

1.405.726

264.520

3.088.131

15

Nhôm vụn

 

 

 

 

2.123.325

16

Hàng Thủ công MN

3.675.568

3.590.424

2.623.261

1.415.721

1.656.504

17

Quặng các loại

2.908.407

2.524.176

1.465.972

2.467.459

1.472.815

18

Sắt thép xây dựng

2.365.994

1.032.646

2.616.117

2.207.157

1.462.655

19

Phốt pho lỏng

 

 

 

 

1.345.400

20

Bật lửa gas

1.863.672

1.197.300

1.348.111

1.697.611

1.140.155

21

Cà phê

11.242.960

8.410.547

1.419.270

235.000

642.237

22

Vải PP

 

 

517.133

421.600

393.290

23

Hành tía. tỏi khô

396.241

215.208

593.695

248.948

301.092

24

Lốp các loại

 

 

 

 

300.311

25

Hạt nhựa

 

 

 

122.100

176.500

26

Hạt é

 

 

 

 

159.720

27

Thủy sản

883.981

672.702

619.475

364.983

142.800

28

Cơm dừa sấy khô

 

51.000

71.200

223.220

137.824

29

Nến đất

44.549

114.745

30.215

62.487

90.072

30

Hoa Hồi

157.698

48.800

30.864

 

79.760

31

Quế

442.157

127.864

114.645

192.556

61.271

32

Cồn

143.415

108.004

171.802

176.080

46.320

33

Bao Polime

 

820.000

1.451.738

1.047.400

26.200

34

Đậu xanh

 

 

 

119.700

-

35

Cát xây dựng

 

 

 

1.594.095

 

36

Lợn sữa

 

 

 

55.409

 

37

Phân bón

 

 

40.108.873

140.000

 

38

Bột mỳ

202.254

78.600

 

 

 

39

Đồng hồ đeo tay

1.865.200

 

 

 

 

40

Mứt lạc

87.770

44.898

 

 

 

41

Thiếc

196.338

1.847.655

 

 

 

42

Đường

 

458.166

49.875

 

 

43

Ngô Hạt

 

46.600

22.500

 

 

44

Vừng các loại

 

179.371

 

 

 

45

Các mặt hàng khác

191.581

1.847.655

135.627

4.739.391

930.579

II

Dch vụ thu

ngoại tệ

2.580.888

6.703.223

10.392.700

10.052.900

13.234.157

III

XK Lao động

65.067.093

85.132.896

114.685.609

123.982.342

205.034.353

 

PHỤ LỤC II

XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 PHÂN THEO THỊ TRƯỜNG)

ĐVT: USD

TT

Khoản mục

2006

2007

2008

2009

2010

I

Tổng KNXK Hàng hoá

101.183.233

117.709.461

148.231.478

115.842.960

168.084.803

1

Trung quốc

47.044.617

63.404.039

49.884.931

52.259.398

87.014.753

2

Ấn Độ

4.666.355

3.526.763

4.584.401

4.745.931

11.843.448

3

Hàn Quốc

2.138.480

2.390.213

3.427.372

5.025.324

10.678.061

4

Hà Lan

1.233.775

495.280

1.323.167

1.641.096

10.103.825

5

Lào

6.748.644

5.202.224

17.098.545

13.262.166

8.477.915

6

Philippin

531.000

289.680

10.640

2.521.370

4.937.558

7

Nhật bản

5.147.386

3.978.833

2.137.800

2.825.557

4.364.153

8

Thái lan

3.403.182

7.694.114

3.842.541

3.787.860

4.188.053

9

Nga

612.000

1.460.000

961.985

1.553.240

1.985.027

10

Đài Loan

2.648.474

1.840.379

2.926.694

1.775.865

1.822.379

11

Pakistan

2.728.458

2.576.637

2.908.405

3.303.190

1.532.777

12

Phần lan

 

440.000

600.000

1.620.000

1.440.000

13

Inđônêxia

305.585

1.664.184

593.695

1.700.226

1.421.279

14

Turkmenistan

 

155.391

2.002.811

4.494.371

1.330.388

15

Ucraina

 

 

 

612.000

1.150.940

16

Ba Lan

975.850

1.467.045

1.680.000

2.033.320

1.080.000

17

Ai cập

 

 

209.000

 

1.035.728

18

Singapore

235.000

451.248

11.130.260

1.932.995

1.029.482

19

Đức

4.566.048

3.546.785

1.333.772

652.338

879.909

20

Mỹ

2.596.583

4.418.999

14.585.113

1.047.053

771.886

21

Ba nanh

 

 

 

 

756.200

22

Malaysia

370.000

285.920

12.000

175.852

490.534

23

Tây ban Nha

 

150.222

47.962

 

442.312

24

Rumania

87.770

 

38.649

49.200

438.880

25

Li Bi

136.390

67.205

28.112

 

429.253

26

Senegan

 

 

 

 

385.890

27

Hồng Kông

 

358.988

 

287.421

366.516

28

Armenia

 

 

16.217

 

334.581

29

Palestine

 

 

 

 

329.075

30

Fiji

 

 

 

 

306.875

31

Thuỵ Sỹ

9.146.000

3.701.200

9.618.106

1.234.228

294.790

32

Du bai

 

 

276.000

 

269.882

33

Li Băng

 

 

 

 

236.600

34

Iran

 

1.099.028

263.755

106.000

231.959

35

Iraq

 

 

 

 

207.508

36

Anh

373.003

260.075

380.952

565.300

185.625

37

Ảrập

584.148

580.295

1.218.986

129.503

170.083

38

Colombia

31.020

 

 

 

161.969

39

Israel

3.670

144.050

 

307.002

143.168

40

Hungari

 

 

 

 

143.000

41

Pháp

48.326

17.142

 

9.108

115.584

42

Island

 

 

 

 

108.000

43

Thổ nhĩ kỳ

155.630

6.397

98.735

117.500

105.043

44

Bỉ

 

 

43.088

 

95.995

45

Belarus

 

 

 

 

75.000

46

Gambia

 

 

 

 

68.590

47

Srilanka

 

 

 

 

65.287

48

Sudan

 

 

56.250

 

61.250

49

Afganistan

 

 

 

 

52.610

50

Kuwait

 

9.908

 

 

43.070

51

Australia

17.536

45.646

86.500

18.950

42.900

52

Italia

375.513

351.507

9.513

335.969

42.535

53

Mexico

 

 

 

117.600

38.500

54

Cu ba

388.500

657.800

143.400

 

26.200

55

Panama

30.080

 

 

 

11.000

56

Hy Lạp

108.944

 

 

89.728

 

57

Công gô

 

 

 

70.000

 

58

Uzberkistan

 

 

301.800

149.180

 

59

Cô oét

 

 

 

304.200

 

60

Palestine

 

 

 

57.000

 

61

Xu đăng

 

 

 

52.500

 

62

Panama

 

 

 

8.555

 

63

Serya

892.000

658.000

27.125

1.264.000

 

64

Nepal

 

 

 

7.353

 

65

Peru

 

 

 

47.086

 

66

Manta

 

 

 

400.000

 

67

Algeria

777.856

252.188

62.349

145.469

 

68

Bangladest

191.000

 

14.037.320

 

 

69

Canada

5.940

26.971

164.519

 

 

70

Oman

309.000

 

8.400

 

 

71

Jamaica

95.302

236.288

 

 

 

72

CH Sec

176.522

255.000

 

 

 

73

CH Đôminica

39.520

16.640

 

 

 

74

Slovakya

604.240

44.898

 

 

 

75

Marốc

 

1.945.757

 

 

 

76

Đan mạch

880

 

 

 

 

77

Bồ đào nha

136.000

 

 

 

 

78

Kenya

515.000

 

 

 

 

79

TT khác

 

1.534.515

48.600

2.998.947

3.718.968

 

PHỤ LỤC III

KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU ĐẾN NĂM 2015 TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN

TT

Khoản mục

Đvt

KH KNXK năm 2015

Số lượng

Kim ngạch (triệu USD)

 

Tổng KNXK

USD

 

500 - 550

A

Phân theo loại hình XK

 

 

 

1

Xuất khẩu hàng hóa

USD

 

300 - 330

2

Dịch vụ thu ngoại tệ

USD

 

30 - 40

3

Xuất khẩu lao động

USD

 

170 - 180

B

Phân theo mặt hàng

 

 

300 - 330

1

Nhóm sản phẩm gỗ

M3/SP

13.000

55 - 60

2

Sản phẩm sắn các loại

Tấn

100.000

45 - 50

3

Lạc nhân

Ng.Tấn

20 - 25

25 - 30

4

Sản phẩm đá các loại

1.000 tấn

1.000

25 - 30

5

Chè chế biến các loại

Tấn

15.000

20 - 23

6

Sản phẩm hoa quả chế biến

Tấn

5.000

20

7

Nhóm hàng Dệt may

1.000sp

5.000

16 - 20

8

Cao su

Tấn

10.000

15 - 17

9

Nhóm hàng nhựa thông

Tấn

5.000

15

10

Thủy hải sản các loại

Tấn

1.500

15

11

Nhóm Vật liệu xây dựng

Triệu USD

-

15

12

Cà phê

Tấn

8.000

10

13

Hạt tiêu

Tấn

2.000

8

14

Hàng TCMN + SP làng nghề

1.000sp

4.000

6 - 7

15

Các mặt hàng khác

Triệu USD

 

10

 


PHỤ LỤC IV

THỰC HIỆN XUẤT KHẨU 5 NĂM (2006 - 2010) CỦA CẢ NƯỚC

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

2006

2007

2008

2009

2010

ợng 1000 tấn

Trị giá 1000

USD

ợng

1000 tấn

Trị giá

1000

USD

ợng

1000 tấn

Trị giá

1000 USD

ợng

1000 tấn

Trị giá

1000 USD

ợng

1000 tấn

Trị giá tr. USD

Tổng kim ngach xuất khẩu (Triệu USD)

 

39.826

 

48.561

 

62.685

 

57.096

 

71.630

1. Hàng dệt. may

 

5.854.800

 

7.732.002

 

9.120.418

 

9.065.620

 

11.172

2. Giầy dép

 

3.595.947

 

3.999.483

 

4.767.826

 

4.066.761

 

5.079

3. Hàng thủy sản

 

3.357.960

 

3.763.404

 

4.510.116

 

4.251.313

 

4.952

4. Dầu thô

16.442

831.047

15.062

7.487.604

13.752

10.356.846

13.373

6.194.595

7.982

4.944

5. LK đ.tử và ti vi. máy tính và LK máy tính

 

1.807.840

 

2.165.162

 

2.640.325

 

2.763.019

 

3.558

6. Gỗ và các sản phẩm gỗ

 

1.943.013

 

2.384.640

 

2.767.183

 

2.597.649

 

3.408

7. Cao su

704

1.286.364

716

1.393.812

659

1.604.121

731

1.226.857

783

2.376

8. Gạo

4.642

1.275.895

4.580

1.490.180

4.745

2.895.938

5.958

2.663.877

6.828

3.212

9. Cà phê

981

1.217.167

1.232

1.916.650

1.061

2.113.761

1.184

1.730.602

1.173

1.763

10. Than đá

29.308

914.833

32.072

999.779

19.358

1.388.459

24.992

1.316.560

19.231

1.549

11. Dây điện. cáp điện

 

705.725

 

882.320

 

1.008.956

 

885.062

 

1.313

12. Hạt điều nhân

128

503.878

155

645.115

161

915.813

177

846.683

194

1.136

13. Sản phẩm Plastic

 

452.322

 

709.476

 

933.657

 

807.929

 

1.051

14. Balô. cặp. túi. ví

 

502.056

 

627.118

 

773.069

 

730.702

 

957

15. Sản phẩm bằng thép

 

389.306

 

403.277

 

706.225

 

603.891

 

820

16. Hàng rau hoa quả

 

259.082

 

305.641

 

406.453

 

438.869

 

451

17. Hạt tiêu

115

186.515

83

271.469

90

311.475

134

348.149

117

425

18. Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

 

151.206

 

194.082

 

258.584

 

276.236

 

329

19. Hàng gốm sứ

 

274.430

 

334.856

 

344.323

 

266.912

 

316

20. Hàng mây tre. cói. lá

 

203.692

 

233.515

 

199.583

 

178.712

 

203

21. Chè

105

110.431

116

133.497

105

147.326

134

179.494

135

197

22. Hàng thảm các loại

 

10.436

 

13.238

 

24.114

 

 

 

-

23. Hàng sơn mài mỹ nghệ

 

119.540

 

217.842

 

385.477

 

 

 

-

24. Xe đạp và phụ tùng

 

110.590

 

217.842

 

89.127

 

 

 

-

25. Hàng thêu

 

98.107

 

111.841

 

110.576

 

 

 

 

26. Sữa và các sản phẩm của sữa

 

90.124

 

16.335

 

29.616

 

 

 

 

27. Đồ chơi trẻ em

 

32.896

 

35.066

 

101.877

 

 

 

 

28. Thịt chế biến

 

26.301

 

48.402

 

58.929

 

 

 

 

29. Thiếc

2,5

20.490

2,3

28.594

2

41.518

 

 

 

 

30. Dầu mỡ động. thực vật

 

15.393

 

49.319

 

99.564

 

 

 

 

31. Quế

 

14.348

14

16.244

14

5.296

 

 

 

 

32. Lạc nhân

14

10.471

37

31.279

14

13.739

 

 

 

 

33. Đường

6

2.366

12

4.703

13

5.011

 

 

 

 

34. Sản phẩm đá quý. kim loại quý

 

2.087

 

3.737

 

415.331

 

2.731.556

 

 

35. Ngô hạt

 

846

 

1.206

 

6.261

 

 

 

 

36. Điện

 

27

 

286

 

742

 

 

 

 

 


PHỤ LỤC V

KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU 5 NĂM ( 2011 - 2015) CỦA CẢ NƯỚC

Đơn vị tính: Số lượng: 1.000 tấn; Giá trị: 1.000USD

TT

Nội dung

Năm 2011

Năm 2015

Tăng trưởng BQ 11-15 (%)

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

 

Tổng số

 

78.800,0

 

126.000,0

12,0

I

Phân theo khu vực kinh tế

 

 

 

 

 

1

Khu vực kinh tế trong nước

 

35.460

 

53.000

10,1

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

45,0

 

42,1

 

2

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

 

43.340

 

73.000

13,5

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

55,0

 

57,9

 

II

Phân theo nhóm hàng

 

 

 

 

 

1

Nhóm khoáng sản

 

6.100

 

5.800

- 2,2

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

7,7

 

4,6

 

2

Nhóm Công nghiệp

 

41.120,0

 

70.200,0

14,0

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

52,2

 

55,7

 

3

Nhóm nông, lâm, thủy sản

 

15.290,0

 

21.730,0

8,5

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

19,4

 

17,2

 

4

Nhóm hàng hóa khác

 

16.290,0

 

28.270,0

14,7

 

Tỷ trọng trong tổng XK (%)

 

20,7

 

22,4

 

III

Một số mặt hàng XK chủ yếu

 

 

 

 

 

1

Hàng dệt và may mặc

 

12.500

 

20.000

12,4

2

Hàng điện tử và linh kiện máy tính

 

5.500

 

9.000

20,4

3

Giày dép các loại

 

5.600

 

8.500

10,8

4

Sản phẩm gỗ

 

4.000

 

7.500

17,1

5

Thủy sản

 

5.200

 

7.000

7,2

6

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

 

3.800

 

6.000

14,5

7

Dầu thô

7.000

4.700

8.000

5.500

2,2

8

Phương tiện vận tải và phụ tùng khác

 

2.100

 

4.200

22,8

9

Gạo

6.100

3.000

6.500

4.000

4,5

10

Cao su

770

2.300

1.100

4.000

11,0

11

Sản phẩm nhựa (plastics)

 

1.200

 

3.000

23,3

12

Dây điện và cáp điện

 

1.550

 

3.000

18,0

13

Túi xách, vali, ô dù

 

1.120

 

2.700

23,1

14

Sắt thép các loại

 

1.200

 

2.200

17,0

15

Cà phê

1.860

1.900

1.900

2.100

12,8

16

Sản phẩm từ sắt thép

 

970

 

1.800

17,0

17

Nhân điều

195

1.150

250

1.600

7,1

18

Hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ, sản phẩm thủy tinh

 

780

 

1.300

13,7

19

Sắn và các sản phẩm từ sắn

1.700

590

3.000

1.100

14,6

20

Đá quý và kim loại quý

 

800

 

1.000

- 18,9

21

Rau quả

 

470

 

900

14,8

22

Hạt tiêu

120

470

170

750

12,0

23

Than đá

16.500

1.400

4.000

300

- 28,0

24

Chè các loại

140

210

170

280

7,3

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3285/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề án định hướng phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 3285/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Văn Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản