Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 327/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 23 tháng 8 năm 2011 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
- Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV; Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang và các huyện giai đoạn 2010 - 2015 định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định số 700/QĐ-UBND ngày 23/12/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;
- Thực hiện Thông báo số 124-TB/TU ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Tỉnh uỷ Tuyên Quang, thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ tại cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ ngày 26, 27 tháng 5 năm 2011;
Sau khi xem xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 73/TTr-SGTVT ngày 24/6/2011 về việc phê duyệt Đề án phát triển vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Tuyên Quang và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHÁT TRIỂN VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
1. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
Trong những năm gần đây kinh tế - xã hội của tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh, năm 2010 thị xã Tuyên Quang đã được công nhận đô thị loại III, là thành phố thuộc tỉnh. Hệ thống đường giao thông đang dần được xây dựng, nâng cấp thành mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn từ Đông sang Tây; từ Bắc đến Nam và định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đào tạo... lượng lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân nhất là bằng đường bộ cũng không ngừng tăng lên.
Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện, đặc biệt phương tiện cá nhân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mật độ đường giao thông 5.408 km/5.870km2, 225.484 xe máy/727.505 người dân; sở hữu ô tô con cá nhân trên địa bàn tỉnh năm 2007 là 255 xe đến năm 2010 là 754 xe. Với việc sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông như hiện nay, trong thời gian tới sẽ phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng với nguồn kinh phí rất lớn thì mới đáp ứng được. Đồng thời việc đầu tư cho phương tiện các nhân sẽ gây lãng phí về kinh tế, tăng ô nhiễm môi trường, sử dụng quỹ đất không hiệu quả...
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận tải công cộng nói chung và vận tải khách công cộng nói riêng là một nhu cầu tất yếu khách quan, thực sự cần thiết đối với những địa phương, thành phố, khu đô thị tập trung, đông dân cư.
Mạng lưới vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã được hình thành và ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trong, ngoài tỉnh; đã có tuyến xe từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi đến 6 huyện; hàng hóa, nguyên vật liệu được vận chuyển thẳng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, do hình thức vận tải khách trên tuyến cố định còn nhiều bất cập, chất lượng khai thác tuyến chưa cao, phương tiện chạy không đảm bảo được lịch trình, hành trình, các điểm dừng đỗ không cố định, giá cước cao, chất lượng phục vụ thấp. Hiện tại thành phố Tuyên Quang mới chỉ có hình thức vận chuyển khách công cộng bằng xe taxi hoặc “xe ôm”.
Với lý do trên, nhiệm vụ phát triển, tổ chức hoạt động vận tải khách công cộng nhằm tạo lập hình thức mới trong hoạt động vận tải góp phần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, cải thiện sự đi lại của nhân dân được thuận lợi; giảm mật độ lưu thông phương tiện, tránh hiện tượng ùn tắc giao thông những ngày, giờ cao điểm, hạn chế tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí đầu tư mua sắm phương tiện cá nhân, chi phí nhiên liệu; tạo nếp sống văn minh đô thị và bộ mặt mới của thành phố Tuyên Quang.
2. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV; Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang và các huyện giai đoạn 2010 - 2015 định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang: Số 700/QĐ-UBND ngày 23/12/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; số 161/QĐ-UBND ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020.
- Thông báo số 124-TB/TU ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Tỉnh uỷ Tuyên Quang, thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ tại cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ ngày 26, 27 tháng 5 năm 2011.
- Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến phát triển vận tải công cộng.
II. HIỆN TRẠNG VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG.
1. KHÁI QUÁT MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có vị trí chuyển tiếp giữa tỉnh Hà Giang với các tỉnh phía nam, giữa các tỉnh phía đông với các tỉnh phía Tây Bắc bộ. Tuyên Quang nằm giữa các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 5.870 km2, dân số trên 727.500 người. Có các vùng: vùng núi cao phía bắc gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình và Hàm Yên; vùng đồi núi phía nam huyện Sơn Dương; vùng đồi núi giữa tỉnh gồm phía bắc huyện Sơn Dương, huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Mạng lưới giao thông đường bộ phân bố khá rộng khắp với các trục Quốc lộ, đường tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo.
1.1. Đường bộ:
- Quốc lộ: 338,70 Km
- Đường tỉnh: 396,56 Km
- Đường huyện: 927,86 Km
- Đường đô thị: 219,06 Km
Ngoài ra còn có 3.525 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 2.183 km hiện đang trong giai đoạn thực hiện bê tông hóa.
1.2. Đường thủy:
- Sông Lô qua địa phận Tuyên Quang có chiều dài 156 Km. Đoạn từ Phan Lương đến thành phố Tuyên Quang tàu trọng tải 100 tấn đi lại được 4 mùa, đoạn từ thành phố Tuyên Quang đến Ngã 3 Lô Gâm tầu trọng tải 40 tấn đi lại được trong mùa nước, còn đoạn từ Ngã 3 Lô Gâm đến Bạch Xa chỉ hoạt động được đò ngang, bè mảng...
- Sông Gâm qua địa phận Tuyên Quang có chiều dài 109 Km. Đoạn từ Ngã 3 Lô Gâm đến Chiêm Hoá tàu trọng tải 40 tấn đi lại được trong mùa nước, đoạn từ Chiêm Hoá đến hạ lưu thuỷ điện Tuyên Quang chỉ hoạt động được tầu thuyền trọng tải dưới 3 tấn.
- Vùng hồ thủy điện Tuyên Quang:
Hồ thủy điện Tuyên Quang được hình thành từ việc ngăn sông tích nước của hai sông đó là sông Gâm, sông Năng; mặt hồ rộng từ 6.000 - 8.000 ha, lòng hồ có nhiều núi cao tạo các ốc đảo với những hang động nhiều nhũ đá hình thù kỳ ảo đã tạo cho vùng hồ thủy điện Tuyên Quang lợi thế phát triển du lịch.
Ngay từ lúc ngăn sông hoạt động phương tiện vận tải công cộng thủy vùng lòng hồ có gần 100 tàu các loại thực hiện vận chuyển khách du lịch - hợp đồng; vận chuyển hàng hóa; phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân các xã Lăng Can, Yên Hoa, Khau Tinh, Đà Vị, Sơn Phú.... Đến nay các tuyến đường tránh ngập vùng lòng hồ thủy điện đã xây dựng hoàn thành tạo sự thuận lợi đi lại bằng đường bộ thì phương tiện thủy đã giảm còn 30 tàu các loại chủ yếu là hoạt động vận tải khách du lịch.
2. KHÁI QUÁT HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI.
2.1. Vận tải hàng hóa.
* Vận tải hàng hóa đường bộ.
- Phương tiện vận tải: Tổng số xe tải toàn tỉnh có đến 31/12/2010: 4.506 xe với nhiều chủng loại xe. Trong đó: Sở hữu nhà nước: 492 xe; Sở hữu Doanh nghiệp, Hợp tác xã: 915 xe; Sở hữu tư nhân: 3.099 xe.
- Công tác tổ chức, quản lý:
Phương tiện nằm rải rác trên địa bàn các xã, phường; phạm vi hoạt động rộng và thường xuyên biến động nên công tác quản lý lực lượng này có nhiều khó khăn, phức tạp. Quản lý thông qua việc đăng ký kinh doanh, thu nộp thuế, đăng kiểm định kỳ và qua công tác kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Hoạt động vận tải hàng hoá thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở hợp đồng (ngắn hạn hoặc dài hạn) giữa chủ phương tiện với bên thuê vận tải (chủ hàng).
* Vận tải hàng hoá đường thủy.
Tổng số phương tiện thuỷ chở hàng hoá toàn tỉnh có đến ngày 31/12/2010 là 269 phương tiện thuộc sở hữu của tư nhân, hàng năm thực hiện vận chuyển trên 5.900 tấn hàng hóa.
- Công tác tổ chức, quản lý: Phương tiện vận tải thuỷ nhiều chủng loại, nằm rải rác tại các xã, phường ven sông.
Phạm vi hoạt động có hai loại:
+ Vận tải hàng hoá đường dài liên tỉnh là các chủ tầu chở cát sỏi khai thác trên sông Lô thuộc địa bàn huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương.
+ Vận tải hàng hoá nội tỉnh: Gồm các chủ thuyền gắn máy hoạt động đò dọc trên sông Lô và sông Gâm.
Hiện các cơ quan quản lý đã thực hiện quản lý được các phương tiện có trọng tải lớn trên 5 tấn, các loại phương tiện nhỏ (thuyền gia dụng) do chính quyền địa phương tổ chức quản lý.
2.2. Vận tải hành khách.
2.2.1. Vận tải hành khách đường bộ.
* Vận tải hành khách theo tuyến cố định:
Tính đến 31/12/2010, tỉnh Tuyên Quang có 53 đơn vị tham gia vận tải hành khách theo tuyến cố định trong đó có 12 đơn vị trong tỉnh (07 doanh nghiệp; 05 hợp tác xã) và 42 đơn vị ngoại tỉnh. Có 112 tuyến vận tải khách cố định bằng ô tô (86 tuyến liên tỉnh, 26 tuyến nội tỉnh). Số xe tham gia 285 xe (xe Tuyên Quang 207 xe; xe ngoại tỉnh 78 xe).
- Vận tải khách theo tuyến cố định được thực hiện theo biểu đồ chạy xe từng tuyến; hoạt động tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
- Việc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Hà Nội) đăng ký vận tải khách bằng ôtô theo tuyến cố định “Chất lượng cao” đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong phục vụ hành khách đi xe, được xã hội đồng tình ủng hộ. Trên địa bàn tỉnh đã có 03 đơn vị với 10 xe chất lượng cao chạy tuyến Tuyên Quang - Hà Nội đó là Công ty CP vận tải ô tô; Hợp tác xã vận tải ô tô Thành Tuyên; Hợp tác xã vận tải Vĩnh Lộc.
- Sản lượng vận tải khách theo tuyến cố định hàng năm tăng trên 5%, thể hiện qua bảng sau:
TT | Năm | Số xe | HK (1.000) | HK.KM (1.000) | Tỷ lệ (%HK) |
1 | 2007 | 240 | 1.272 | 252.240 |
|
2 | 2008 | 254 | 1.344 | 265.920 | 5% |
3 | 2009 | 261 | 1.386 | 288.360 | 8% |
4 | 2010 | 275 | 1.458 | 315.540 | 9% |
* Vận tải hành khách theo hợp đồng:
- Vận tải khách theo hợp đồng chủ yếu phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, du lịch, lễ hội và các nhu cầu khác của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải khách theo tuyến cố định, khi có nhu cầu vận tải khách theo hợp đồng thường bỏ chuyến theo tuyến cố định, không bố trí xe hoạt động thay thế.
Vận tải hành khách bằng xe hợp đồng - du lịch: Do mức sống của người dân ngày càng tăng cao nên nhu cầu thăm quan du lịch, cũng không ngừng tăng lên, hàng năm tăng trưởng trên 55% thể hiện qua bảng sau:
TT | Năm | Số xe | HK | HK KM | Tỷ lệ (%HK) |
1 | 2007 | 20 | 12.800 | 1.920.000 |
|
2 | 2008 | 25 | 20.000 | 3.000.000 | 56% |
3 | 2009 | 30 | 37.500 | 7.500.000 | 87% |
4 | 2010 | 45 | 78.750 | 19.687.500 | 110% |
* Vận tải hành khách bằng xe taxi:
Vận tải khách bằng xe taxi được hình thành và phát triển từ năm 2006 từ 01 doanh nghiệp có 04 xe đến nay có 4 doanh nghiệp với 47 xe, đã từng bước phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố và các vùng lân cận. Nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe taxi hàng năm tăng trên 150% thể hiện qua bảng sau:
TT | Năm | Số xe | HK | HK.KM | Tỷ lệ (%HK) |
1 | 2007 | 11 | 21.120 | 105.600 |
|
2 | 2008 | 26 | 62.400 | 312.600 | 296% |
3 | 2009 | 35 | 100.800 | 504.000 | 162% |
4 | 2010 | 47 | 157.920 | 789.500 | 157% |
2.2.2. Vận tải khách bằng đường thủy.
- Tổng số phương tiện thuỷ chở khách có đến ngày 31/12/2010 là 236 phương tiện thuộc sở hữu của tư nhân.
- Đối với các bến khách trên sông chủ yếu là chở khách từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, hoạt động chở khách theo dọc sông hầu như không còn hoạt động do hệ thống đường bộ trong những năm gần đây phát triển mạnh đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Mặt khác do đặc điểm sông Tuyên Quang hầu hết là sông tự nhiên, chưa được đầu tư, cải tạo; dòng chảy quanh co theo sườn đồi, núi; độ dốc lớn, nhiều ghềnh, thác, đá ngầm; mùa mưa thường lũ lớn, lưu tốc dòng chảy lớn; mùa khô thường cạn kiệt, trong những năm gần đây mực nước sông thấp nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
- Đối với vận tải khách vùng hồ thủy điện Tuyên Quang: Trước năm 2009 từ thị trấn Na Hang đi các xã Đà Vị, Côn Lôn, Lăng Can... chủ yếu là bằng đường thủy. Năm 2007 tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh ngập vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang (Tuyến đường Lăng Can - Phúc Yên; tuyến đường Yên Hoa - Côn Lôn - Sinh Long; tuyến đường Yên Hoa - Khau Tinh). Các tuyến đường này đã xây dựng hoàn thành và đi vào khai thác nên người dân chuyển sang đi lại chủ yếu bằng đường bộ do đó vận tải bằng đường thủy phục vụ chính là du lịch và hợp đồng. Hoạt động vận tải thủy không thường xuyên, phụ thuộc vào mực nước sông, hồ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm giảm thể hiện qua bảng số liệu sau:
TT | Năm | Số phương tiện thủy | HK | HK.KM | Tỷ lệ (%HK) |
1 | 2007 | 110 | 12.000 | 420.000 |
|
2 | 2008 | 80 | 7.680 | 153.600 | -64% |
3 | 2009 | 60 | 3.840 | 76.800 | -50% |
4 | 2010 | 30 | 1.440 | 21.600 | -37% |
3. ĐÁNH GIÁ CHUNG.
- Vận tải bằng đường bộ:
+ Vận tải hàng hóa: Phát triển theo nhu cầu vận tải, hiện đã đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong tỉnh và đã vươn sang một số tỉnh lân cận.
+ Vận tải hành khách: Theo các số liệu thống kê nhận thấy cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng lên đáp ứng sự thuận tiện, việc sở hữu phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô con) đã làm tăng ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, gây lãng phí cho nền kinh tế, hạ tầng giao thông đầu tư không thể đáp ứng cùng với sự gia tăng của phương tiện được. Vì vậy, giải pháp tối ưu nhất là phát triển vận tải khách công cộng.
- Vận tải bằng đường thủy:
Do địa hình tỉnh Tuyên Quang nhiều đồi núi nên dòng chảy quanh co theo sườn núi, đồi; với những đặc điểm hạn chế của các sông trên địa bàn tỉnh thì vận tải công cộng bằng đường thủy chậm phát triển, chỉ phát triển vận tải khách du lịch trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và vận tải hàng hóa từ thành phố Tuyên Quang về phía hạ lưu.
III. ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.
1. CÁC HÌNH THỨC VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG:
Các hình thức vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh bao gồm: Vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng, vận tải khách bằng xe buýt và vận tải khách bằng taxi, cụ thể:
1.1. Vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định.
Có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình cố định. Trong quá trình hoạt động, phương tiện chỉ dừng nghỉ tại các điểm đón trả khách đã quy định trong hành trình. Khách đi xe được mua vé theo từng chặng đường.
Hình thức vận tải này phù hợp với các tuyến vận tải có cự ly lớn và thời gian hoạt động tùy thuộc theo mật độ khách tại các đầu bến xe.
1.2. Vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng.
Xe hợp đồng du lịch vận hành theo yêu cầu của hành khách không có lịch trình, hành trình. So với xe taxi loại hình này đưa ra giá dịch vụ thấp hơn, xe thoải mái hơn, tốc độ chậm hơn, giảm tính tự do và chỉ phục vụ trong một mục đích nhất định.
1.3. Vận tải khách bằng taxi:
Vận tải khách bằng taxi là các ô tô con được vận hành do lái xe và được thuê bởi người có nhu cầu đi lại. Chi phí đi lại là cao nhất trong tất cả các phương thức vận tải khách trong đô thị.
1.4. Vận tải khách bằng xe buýt.
- Xe buýt tiêu chuẩn có trọng tải từ (25 - 35ghế) đến xe buýt tầng (trên 125 ghế) vận hành theo lịch trình, hành trình cố định có thời gian biểu chạy xe. Vận tải xe buýt được sử dụng nhiều nhất do những lợi ích của nó mang lại.
- So với vận tải khách bằng taxi, theo hợp đồng thì vận tải khách bằng xe buýt có độ tin cậy cao hơn; đi lại nhanh, thuận tiện; chi phí cho một hành khách thấp hơn, dịch vụ ít tính cá nhân (không phục vụ từ cửa đến cửa).
Tóm lại: Với những đặc điểm và tình hình vận tải trong giai đoạn hiện nay, căn cứ điều kiện của tỉnh, việc lựa chọn các hình thức vận tải khách công cộng bằng ô tô như trình bày ở trên là phù hợp, trong đó quan tâm đến phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và vùng lân cận. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có khả năng linh hoạt cao, đi lại thuận tiện, vận hành được trong mạng lưới giao thông phức tạp, chi phí đi lại rẻ, tần suất hoạt động cao, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sự thân thiện bình đẳng xã hội, giải quyết được việc làm cho người lao động.
2. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU.
2.1. Quan điểm:
Củng cố hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ôtô theo hướng điều hành tập trung, mạnh dạn đầu tư đổi mới phương tiện nâng cao chất lượng vận tải, đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh doanh; khuyến khích phát triển các tuyến vận tải đến vùng sâu, vùng xa. Ổn định hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến liên tỉnh và nội tỉnh hiện có, thực hiện tốt biểu đồ chạy xe. Tiếp tục phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và mở rộng hoạt động ở địa bàn các huyện. Tổ chức vận tải khách công cộng bằng xe buýt thực hiện theo tuyến: tuyến buýt đô thị, tuyến buýt nội tỉnh và tuyến buýt lân cận. Các tuyến xe buýt phải kết nối được với nhau và kết nối với các phương thức vận tải khác trong đô thị, ngoài đô thị đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận với mạng lưới vận tải khách công cộng để nhân dân có nhu cầu đi lại nhận thấy thuận tiện, hiệu quả, tự nguyện đến với xe buýt, tạo ra một cơ cấu phương tiện vận tải khách hợp lý.
2.2. Mục tiêu.
2.2.1. Vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng và du lịch; vận tải bằng xe taxi:
Tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực vận tải về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Khắc phục những bất cập trong hoạt động vận tải hiện nay, đảm bảo trật tự, an toàn vận tải và đi lại của nhân dân được kịp thời, văn minh, lịch sự.
2.2.2. Vận tải khách công cộng bằng xe buýt:
- Hiện tại, với trên 250.000 xe mô tô và trên 5.000 xe ô tô con thì nhu cầu vận tải khách hàng năm khoảng 3 đến 4 triệu lượt người. Mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo vận chuyển được 30% (1-1,5 triệu lượt người) nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị và từ các đô thị, khu công nghiệp, du lịch, trường học đến các khu đô thị, từ trung tâm các huyện đến trung tâm thành phố Tuyên Quang. Từng bước tổ chức xe buýt thay thế tuyến vận tải khách cố định nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân ở những cự ly vận chuyển hợp lý.
- Xây dựng mạng lưới tuyến có khả năng kết nối cao, thuận lợi cho người dân dễ nhận biết để tiếp cận nhanh. Sử dụng chủng loại phương tiện, trọng tải theo đúng tiêu chuẩn của quy định đối với vận tải khách công cộng, bảo vệ môi trường. Chủng loại phương tiện chủ yếu xe 40 - 60 chỗ, trong đó 10% số phương tiện có khả năng phục vụ người tàn tật (Tiêu chuẩn phương tiện theo tiêu chuẩn số 22TCN 302 - 06 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 02 tháng 3 năm 2006).
3. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN.
3.1. Vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng - du lịch:
Ưu tiên phát triển vận tải khách chất lượng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đầu tư mua sắm đổi mới phương tiện, dần từng bước thay thế phương tiện cũ chất lượng kém, bằng phương tiện chất lượng cao sức chứa lớn. Bình quân hàng năm bổ sung khoảng 5% phương tiện chất lượng cao vào khai thác, trong giai đoạn năm (2011 - 2015) tăng thêm 50 xe đưa số phương tiện vận tải khách tuyến cố định và hợp đồng du lịch đến năm 2015 là 300 xe.
3.2. Vận tải khách bằng xe taxi:
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ có ở thành phố Tuyên Quang có doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi với 47 xe. Định hướng phát triển vận tải taxi giai đoạn 2011 - 2015 ở địa bàn thành phố tăng thêm 50 xe và các huyện thêm 30 xe, đưa số phương tiện vận tải khách bằng taxi đến năm 2015 là 130 xe.
3.3. Vận tải khách bằng xe buýt.
Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mạng lưới giao thông và lưu lượng hành khách thực tế, dự kiến tổ chức hoạt động 07 tuyến xe buýt với 40 xe hoạt động. Căn cứ nhu cầu thực tế, các đơn vị vận tải lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức hoạt động, cụ thể:
Tuyến 001: Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang - Bến xe thành phố Tuyên Quang - Suối khoáng Mỹ Lâm.
- Cự ly tuyến: 20 km.
- Điểm đầu cuối:
+ Điểm đầu: Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang.
- Điểm cuối: Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm.
- Lộ trình tuyến: Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang - Đường Trường Chinh - Đường 17/8 - Đường Trần Hưng Đạo - Đường Chiến Thắng Sông Lô - Bến xe khách Tuyên Quang - Đường Bình Thuận - QL37 - Suối khoáng Mỹ Lâm.
- Số lượng xe tham gia: 05 xe;
- Loại xe mới, có từ 40 - 50 chỗ trở lên;
- Tần suất hoạt động: 30 phút/lượt xe xuất bến;
- Tổng số chuyến: 52 chuyến/ngày;
- Thời gian mở bến 6h 00 phút;
- Thời gian đóng bến 19h 00 phút;
- Thời giam một lượt xe: 30 phút.
Tuyến 002: Thành phố Tuyên Quang - Khu Công nghiệp Long Bình An.
- Cự ly tuyến: 16,5 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang;
+ Điểm cuối: Xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương.
- Lộ trình tuyến: Bến xe thành phố Tuyên Quang - Đường Phạm Văn Đồng - QL2 - Đường ĐT 186 - Cầu An Hòa - Xã Vĩnh Lợi.
- Số lượng phương tiện tham gia: 06 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
Tuyến 003: Thành phố Tuyên Quang - thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn).
- Cự ly tuyến: 15 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang;
+ Điểm cuối: Huyện lỵ Yên Sơn (mới).
- Lộ trình tuyến: Bến xe Thành phố Tuyên Quang - Đường Lý Thái Tổ - QL2 - Huyện lỵ Yên Sơn và ngược lại.
- Số lượng phương tiện tham gia: 05 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
Tuyến 004: Thành phố Tuyên Quang - Khu Di tích lịch sử văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào.
- Cự ly tuyến: 41 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang;
+ Điểm cuối: Khu di tích lịch sử Tân Trào.
- Lộ trình tuyến: Bến xe Thành phố Tuyên Quang - Đường Bình Thuận - Đường Tân Trào - Ngã 3 Chanh - QL2C - Đạo Viện - Trung Sơn - Kim Quan - Trung Yên - Tân Trào và ngược lại.
- Số lượng phương tiện tham gia: 05 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
Tuyến 005: Thành phố Tuyên Quang - Thị trấn Tân Yên (Hàm Yên)
- Cự ly tuyến: 42 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang;
+ Điểm cuối: Thị trấn Tân Yên.
- Lộ trình tuyến: Bến xe Thành phố Tuyên Quang - Đường Bình Thuận - Đường Quang Trung - Đường Trường Chinh - QL2 - Thị trấn Tân Yên.
- Số lượng phương tiện tham gia: 06 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
Tuyến 006: Thành phố Tuyên Quang - thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương)
- Cự ly tuyến: 30 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang;
+ Điểm cuối: Thị trấn Sơn Dương.
- Lộ trình tuyến: Bến xe Thành phố Tuyên Quang - Đường Bình Thuận - Đường Tân Trào - Cầu Nông Tiến - Ngã 3 Chanh - QL 37 - Thị trấn Sơn Dương.
- Số lượng phương tiện tham gia: 06 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
Thêm khoảng 3 đến 5 tuyến nội thành và vùng lân cận căn cứ vào lưu lượng thực tế.
Tuyến 007: Thành phố Tuyên Quang - Thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa)
- Cự ly tuyến: 68 km.
- Điểm đầu, điểm cuối:
+ Điểm đầu: Bến xe thành phố Tuyên Quang.
+ Điểm cuối: Bến xe Chiêm Hóa.
- Lộ trình tuyến: Bến xe Thành phố Tuyên Quang - Đường Chiến Thắng Sông Lô - Đường 17/8 - QL2C - Km11 QL2 - Km31 QL2 - ĐT 190 - TT Vĩnh Lộc - Bến xe Chiêm Hóa và ngược lại.
- Số lượng phương tiện tham gia: 06 xe.
- Tần suất hoạt động: Trung bình 15 - 30 phút/chuyến, tổng số chuyến hoạt động trong ngày 20 chuyến (40 lượt).
4. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ.
Tổng nhu cầu vốn 174,875 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 6,875 tỷ đồng, vốn các doanh nghiệp tự huy động 168,0 tỷ đồng. Chi tiết như sau:
4.1. Vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng - du lịch, taxi.
4.1.1. Vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng - du lịch:
Các doanh nghiệp vận tải tự huy động vốn để nâng cấp và đầu tư mới phương tiện đời mới, hiện đại gồm các loại xe khách từ 30 đến 50 chỗ ngồi. Nhà nước hỗ trợ ngân sách để xây dựng và thực hiện duy tu, sửa chữa các điểm dừng, điểm đỗ được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể:
- Đầu tư phương tiện tăng thêm:
50 xe x 1.200.000.000 đồng/xe = 60.000.000.000 đồng.
- Xây dựng các điểm dừng, đỗ:
4 điểm x 1.200.000 đồng/điểm = 4.800.000.000 đồng.
- Duy tu sửa chữa điểm dừng đỗ, điểm đỗ bằng 10% chi phí xây dựng:
4.800.000.000 x 10% = 480.000.000 đồng
4.1.2. Vận tải khách bằng xe taxi:
Các doanh nghiệp vận tải tự huy động vốn để đầu tư phương tiện tăng thêm:
80 xe x 350.000.000/xe = 28.000.000.000 đồng.
- Tổng nhu cầu vốn: 93.280.000.000 đồng.
Bao gồm:
+ Đầu tư phương tiện: 88.000.000.000 đồng.
+ Xây dựng và bảo trì điểm dừng đỗ, điểm đỗ: 5.280.000.000 đồng.
4.2. Vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
- Các doanh nghiệp vận tải tự huy động vốn để đầu tư phương tiện đạt tiêu chuẩn 22 - TCN 302 - 06 loại B40, 40 chỗ (23 ghế ngồi và 17 chỗ đứng) hoặc loại phương tiện có tiêu chuẩn cao hơn, hiện đại gồm các loại xe khách từ 30 đến 50 chỗ ngồi.
- Nhà nước đầu tư xây dựng trạm dừng xe khách (nhà chờ), điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt, cắm biển báo và biển hướng dẫn tại các điểm dừng đón trả khách, thực hiện duy tu bảo dưỡng hệ thống nhà chờ và biển báo. Cụ thể:
4.2.1. Đầu tư phương tiện:
40 xe x 2.000.000.000 đồng/xe = 80.000.000.000 đồng.
4.2.2. Xây dựng, bảo trì trạm dừng xe khách (nhà chờ), điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt, biển báo và biển chỉ dẫn:
+ Xây dựng nhà chờ cho khách tại các điểm dừng, điểm đầu, điểm cuối:
40 nhà chờ x 30.000.000 đồng/nhà = 1.200.000.000 đồng.
+ Cắm bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn mới:
250 biển x 1.000.000 đồng/biển = 250.000.000 đồng.
+ Kinh phí duy tu, sửa chữa nhà chờ, biển báo:
1.450.000.000 x 10% = 145.000.000 đồng.
Tổng số kinh phí đầu tư: 89.595.000.000 đồng; Bao gồm:
- Đầu tư phương tiện : 80.000.000.000 đồng.
- Xây dựng nhà chờ, biển báo : 1.595.000.000 đồng.
5. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.
5.1. Giải pháp chung:
- Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức quản lý hoạt động vận tải theo ngành và theo lãnh thổ.
Để tổ chức, quản lý hoạt động vận tải có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành quản lý với UBND các cấp trong việc:
+ Quản lý phương tiện theo ngành và theo lãnh thổ;
+ Quản lý chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện;
+ Quản lý bến xe, trạm nghỉ, điểm dừng đỗ xe, bến khách ngang sông, bến thuỷ nội địa trên địa bàn.
+ Quản lý việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các quy định vận tải hiện hành, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
- Nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.
+ Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vận tải hành khách hoặc hợp tác xã vận tải hành khách sản xuất tập trung, không phát triển mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải như hiện nay.
+ Nâng cao năng lực cán bộ quản lý đảm bảo có trình độ chuyên ngành phù hợp, có kinh nghiệm để điều hành kinh doanh vận tải đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp, hợp tác xã phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dài hạn và ngắn hạn nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường có sự quản lý, điều hành của Nhà nước và hội nhập.
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã đã đăng ký theo kế hoạch.
- Quan tâm chất lượng đầu tư phương tiện và chất lượng dịch vụ vận tải: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện vận tải đời mới; hạn chế việc mua lại xe cũ, xe đã qua sử dụng để đảm bảo an toàn vận tải, nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Đặc biệt trong vận tải hành khách đường bộ khuyến khích đầu tư xe chất lượng cao, trong vận tải khách đường thuỷ khuyến khích đầu tư tầu khách chất lượng cao thay thế thuyền gắn máy chở khách như hiện nay.
- Cơ chế chính sách phát triển vận tải:
+ Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu bằng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
+ Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng bến xe, trạm nghỉ, các điểm dừng đỗ xe, bến khách ngang sông, bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh. Có chính sách mở cửa, ưu đãi các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào Tuyên Quang để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải dưới hình thức BOT, BT...
+ Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn để mua sắm phương tiện vận tải. Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mọi thành phần kinh tế tham gia giao thông vận tải.
+ Có chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt vận tải đô thị và doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phương tiện vận tải thuỷ, bộ phục vụ vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải; trong đó cần quan tâm phát triển hợp tác xã vận tải trên địa bàn huyện Na Hang, huyện Lâm Bình (hiện chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách công cộng), các doanh nghiệp vận tải bằng taxi trên địa bàn các huyện và các khu du lịch.
+ Có kế hoạch hỗ trợ thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã vận tải.
+ Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải được thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc, bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
+ Để đảm bảo trật tự, an toàn vận tải; đáp ứng nhu cầu vận chuyển xây dựng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ngày càng cao của tỉnh; ngoài việc thường xuyên phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật và các quy định hiện hành của tổ chức và cá nhân người tham gia vận tải.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên các mặt:
+ Kiểm tra đăng ký phương tiện, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đường bộ.
- Kiểm tra người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, còn hiệu lực.
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải hiện hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải.
- Kiểm tra công tác kiểm định phương tiện.
5.2. Giải pháp tổ chức vận tải khách công cộng:
Vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng - du lịch, taxi:
- Đầu tư phương tiện: Doanh nghiệp, hợp tác xã tự bỏ vốn đầu tư. Sở Giao thông Vận tải chấp thuận khai thác vận tải khách căn cứ vào các quy định hiện hành, tình hình thực tế và theo đề xuất của đơn vị với tiêu chí ổn định hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các đơn vị vận tải...
- Cơ sở hạ tầng gồm điểm dừng đỗ, điểm đỗ sử dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn tích lũy từ doanh nghiệp và vốn từ hoạt động quảng cáo.
Vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
Để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt từ nay đến năm 2020, với mục đích giảm thiểu phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện đi lại cho nhân dân thì cần phải có một số giải pháp đồng bộ trong quá trình thực hiện đề án.
5.3. Huy động vốn đầu tư.
Đầu tư cho vận tải khách công cộng bằng xe buýt sẽ cần một số nguồn vốn tương đối lớn, trong đó đầu tư cho mua sắm phương tiện, đầu tư xây dựng và cải tạo hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện huy động vốn đầu tư như sau:
- Vốn đầu tư cho mua sắm phương tiện là 80,00 tỷ đồng (chi tiết tại mục 4.2.1) chủ yếu là nguồn vốn từ các đơn vị vận tải, trong đó gồm vốn tích lũy trong quá trình kinh doanh, vốn vay từ các ngân hàng, vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ…
- Nguồn kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng là 1,59 tỷ đồng bao gồm xây dựng và bảo trì nhà chờ tại điểm dừng đón trả khách, biển báo… (chi tiết tại mục 4.2.2) sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí an toàn giao thông của tỉnh (từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông), từ hoạt động quảng cáo tại khu vực nhà chờ, bãi đỗ xe, trên phương tiện…
- Nhà nước trợ giá cho hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt khi có điều kiện.
Để huy động được nguồn vốn nêu trên, UBND tỉnh xem xét, ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải khách công cộng bằng xe buýt như: Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải khách công cộng, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng (3%/năm, khoảng 62 tỷ đồng cho 12 năm) hoặc cho vay các nguồn vốn ưu đãi có lãi suất vay thấp (0%) cho đầu tư mua sắm phương tiện với chu kỳ vay vốn từ 5 -7 năm (bằng 1 vòng đời xe); ưu tiên giao đất xây dựng hạ tầng bến bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng, bảo trì phương tiện; giảm thuế VAT, tiền thuê sử dụng đất xây dựng bến bãi; miễn phí sử dụng cầu đường; xác định mức thu phí, lệ phí bến, bãi thích hợp, khuyến khích đẩy mạnh các dịch vụ kinh doanh, quảng cáo theo bến, trên phương tiện để tạo nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, bảo trì, quản lý điều hành hệ thống bến xe, bãi xe, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tại bến và các bãi đỗ xe; thực hiện trợ giá vé cho các tuyến xe buýt nội thành khi có điều kiện.
5.4. Tuyên truyền vận động.
Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng đi xe buýt: Nhà nước hỗ trợ kinh phí thông qua các cơ quan báo, đài, khẩu hiệu, pano, tờ rơi… để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhằm để mọi người dân hiểu rõ lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, lộ trình, thời gian phục vụ và tần suất của các tuyến, các cơ chế chính sách đối với hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt, để mọi người tự giác tham gia đi xe buýt và các đơn vị vận tải có điều kiện tham gia kinh doanh vận tải khách công cộng bằng xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động và quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt. Thực hiện tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thái độ, ý thức cho đội ngũ nhân viên phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe trong quá trình làm việc, có thái độ phục vụ tận tình, chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông.
5.5. Quản lý và điều hành.
Tăng cường và đổi mới công tác quản lý, điều hành hoạt động mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.
Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh, thực hiện chức năng quản lý quy hoạch mạng lưới xe buýt, lộ trình tuyến, xác định tần suất, biểu đồ chạy xe, quản lý phương tiện xe buýt theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; phối hợp với cơ quan tài chính, thuế trong thực hiện quản lý về vé và giá vé theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá vé xe buýt không trợ giá do doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện kê khai với cơ quan quản lý giá địa phương, bao gồm cả vé lượt và vé tháng, giá vé phải hợp lý để người dân có thể chấp thuận được; phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị kinh doanh đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng cầu đường, hệ thống điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ theo tiêu chuẩn quy định; phối hợp với cơ quan công an, thanh tra giao thông vận tải trong kiểm tra, giám sát hoạt động, thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của mạng lưới tuyến xe buýt; trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ của các đơn vị tham gia vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
Quan tâm chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp vận tải và xác định rõ mối quan hệ giữa cơ quan quản lý xe buýt (Sở Giao thông Vận tải) với các đơn vị kinh doanh. Do là loại hình vận tải công cộng rất cần sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị nên chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã mới được tham gia khai thác; hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt phải được tổ chức quản lý, điều hành tập trung, không thực hiện cơ chế khoán đến lái xe để đảm bảo chất lượng phục vụ; Sở Giao thông Vận tải chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động có liên quan cũng như thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến hoạt động vận tải khách công cộng, việc điều hành hoạt động đối với các tuyến giao quyền chủ động cho các đơn vị kinh doanh thực hiện.
5.6. Nâng cao chất lượng phục vụ.
Sự chấp nhận sử dụng của xã hội, cũng như sự tồn tại và phát triển của dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt liên quan trực tiếp đến chất lượng phục vụ. Để nâng cao chất lượng phục vụ cần quan tâm đến tất cả các yếu tố như tổ chức mạng lưới tuyến, lộ trình, tần suất hợp lý; mức độ hoàn thiện của hạ tầng cầu đường, trạm đón trả khách; chất lượng phương tiện; giá vé, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa giao thông và đặc biệt là thái độ của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ.
Do vậy, cần phải có quy định rõ ràng các tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia khai thác xe buýt để xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Phải thực hiện đổi mới từ khâu lựa chọn đơn vị tham gia khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt, cần vận dụng linh hoạt phương thức đấu thầu và chỉ định thầu trong lựa chọn đơn vị tham gia khai thác. Việc đấu thầu được tiến hành với các tuyến có nhiều doanh nghiệp tham gia, khi đấu thầu phải xây dựng được các tiêu chí đấu thầu cụ thể như: Quy mô, bộ máy quản lý doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lái xe, nhân viên phục vụ, chất lượng phương tiện, các cam kết trách nhiệm… Việc chỉ định thầu chỉ thực hiện khi cần mở tuyến mới, chỉ có 01 đơn vị tham gia, nhưng cũng cần chỉ rõ các nội dung cần phải cam kết thực hiện của doanh nghiệp và thời gian doanh nghiệp được khai thác tối đa, đồng thời cần có biện pháp chống độc quyền, tùy tiện trong quản lý, điều hành.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, các đơn vị tham gia vận tải khách công cộng bằng xe buýt cần quan tâm đến tổ chức bộ máy quản lý, điều hành đảm bảo tính khoa học và đảm bảo mọi hoạt động được quản lý chặt chẽ, giám sát thường xuyên, có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, xử lý vi phạm đối với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ phù hợp; có kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động xe buýt; thường xuyên quan tâm đổi mới phương tiện, điều kiện kỹ thuật theo hướng hiện đại để phục vụ tốt mọi yêu cầu của hành khách kể cả các đối tượng người già, người tàn tật.
Các cơ quan chức năng nhà nước cần tăng cường, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị khai thác tuyến và xử lý kiên quyết các vi phạm của các đơn vị, cá nhân vi phạm, bảo đảm lợi ích người đi xe và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
6. Tổ chức thực hiện.
6.1. Sở Giao thông Vận tải:
- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đã được duyệt.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức, quản lý nhà nước mọi hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì thực hiện các nội dung quản lý quy hoạch theo quy định; thực hiện công bố mở tuyến; điều chỉnh điểm đỗ dừng, tần suất, biểu đồ chạy xe phù hợp với tình hình thực tế; quản lý hạ tầng, chất lượng dịch vụ.
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định;
- Tổ chức áp dụng, triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp các thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân về hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt;
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
6.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hàng năm theo quy hoạch đã được duyệt.
- Lập kế hoạch vốn hàng năm để trợ giá cho hoạt động vận tải khách bằng xe buýt.
6.3. Sở Tài chính:
- Nghiên cứu, đề xuất và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển vận tải khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng;
- Chủ trì phối hợp với các ngành địa phương thực hiện quản lý giá vé; xác định mức hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ giá vé cho các doanh nghiệp.
6.4. Sở Xây dựng:
Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết các đô thị có xét đến quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ, điều kiện hạ tầng phục vụ người tàn tật, phục vụ hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
6.5. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch:
Hướng dẫn và quản lý việc tổ chức quảng cáo trên phương tiện và tại các khu vực bến bãi, nhà chờ, biển báo.
6.6. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
6.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ;
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trong quản lý, giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động vận tải khách công cộng trên địa bàn.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
- 1Quyết định 324/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt điều chỉnh đề cương - dự toán Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (xe buýt và taxi) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 746/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch đấu thầu lập Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (xe buýt và xe taxi) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 20/2014/QĐ-UBND về tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 1Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành.
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật giao thông đường bộ 2008
- 4Quyết định 161/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Quyết định 700/QĐ-UBND năm 2008 điều chỉnh Quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 6Quyết định 324/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt điều chỉnh đề cương - dự toán Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (xe buýt và taxi) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 746/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch đấu thầu lập Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (xe buýt và xe taxi) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 8Quyết định 20/2014/QĐ-UBND về tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định 327/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 327/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/08/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Vũ Thị Bích Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra