Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3233/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÂN TÍCH CHẤT LƯỢNG HÓA, LÝ TÍNH CÁC VÙNG ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA NƯỚC CÓ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA NƯỚC TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về sử dụng, quản lý đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc điều tra, đánh giá đất đai;

Căn cứ Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai;

Căn cứ Thông tư số 33/2016/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BTNMT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

Căn cứ Thông tư số 20/2018/TT-BTNMT ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt kết quả xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Quyết định số 4722/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh Quyết định số 4776/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề cương và dự toán lập Đề án Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Đồng Nai đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 5177/TTr-SNN-PTNT ngày 04 tháng 10 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2021

Tổng diện tích điều tra (DTĐT), đánh giá chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước của tỉnh Đồng Nai là 14.009 ha, trong đó tại thời điểm năm 2021 có khoảng 12.655 ha đang sản xuất lúa từ 2 vụ trở lên (trồng lúa 2 vụ, lúa 3 vụ, 2 vụ lúa kết hợp 1 vụ rau màu), đất trồng lúa 1 vụ kết hợp các loại hình khác khoảng 1.354 ha.

Đất trồng lúa 2-3 vụ tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng ven sông thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch. Mô hình chủ yếu là canh tác lúa 2 vụ (Hè Thu và Đông Xuân sớm, lúa mùa kết hợp với 1 vụ rau màu), khu vực trồng lúa 3 vụ có xu hướng giảm do nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu, luân canh cây trồng.

Đất trồng lúa 1 vụ/năm hoặc kết hợp trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu phân bố ở các khu vực thường bị ngập úng vào mùa mưa hoặc thiếu nước tưới vào mùa khô, hoặc thuộc các khu vực thung lũng bồi tụ giữa các đồi, núi thấp. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại hình sử dụng đất khác là một xu thế tất yếu trong hiện tại và tương lai do sản xuất lúa thiếu hiệu quả kinh tế so với các loại hình khác.

2. Xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng vùng canh tác lúa tỉnh Đồng Nai

a) Phân theo nhóm và loại đất

Trong tổng diện tích các vùng chuyên trồng lúa nước của tỉnh Đồng Nai có 05 nhóm đất, với 09 loại đất sau:

Tên đất

Ký hiệu

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Việt Nam

Tên tương đương WRB (World Reference Base for Soil Resources - Cơ sở tham chiếu tài nguyên đất Thế giới)

 

 

 

I. NHÓM ĐẤT PHÙ SA

FLUVISOLS

 

4.802

34,28

1. Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng

Plinthic Fluvisols

Pf

4.649

33,19

2. Đất phù sa glây

Gleyic Fluvisols (Umbric)

Pg

153

1,09

II. NHÓM ĐẤT ĐEN

VERTISOLS

 

7.014

49,83

3. Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của bazan

Gleyic Vertisols

Rk

7.014

49,83

III. NHÓM ĐẤT THUNG LŨNG

GLEYSOLS

 

229

1,63

4. Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ

Umbric Gleysols

D

229

1,63

IV. NHÓM ĐẤT XÁM BẠC MÀU

ACRISOLS

 

572

4,08

5. Đất xám có tầng loang lổ đỏ vàng

Plinthic Acrisols

Xf

435

3,10

6. Đất xám glây

Gleyic Acrisols

Xg

137

0,98

V. NHÓM ĐẤT PHÈN

THIONIC FLUVISOLS

 

1.392

9,26

7. Đất phèn tiềm tàng nông mặn ít

Hyposalic Fluvisols (Epiprotothionic)

Sp1M

94

0,67

8. Đất phèn tiềm tàng sâu

Fluvisols (Endoprotothionic)

Sp2

1.001

7,15

9. Đất phèn tiềm tàng sâu mặn ít

Hyposalic c Fluvisols (Endoprotothionic)

Sp2M

296

2,12

Vùng nghiên cứu

 

 

14.009

100

b) Xây dựng bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng

Trên cơ sở chồng xếp 8 lớp thông tin về chất lượng đất, trong phạm vi các vùng chuyên trồng lúa nước tỉnh Đồng Nai có 30 đơn vị bản đồ đất- nông hóa (DNH) với những đặc tính lý hóa học khác nhau.

- Phần lớn diện tích đất của các vùng chuyên trồng lúa nước tỉnh Đồng Nai có độ phì nhiêu ở mức trung bình đến giàu, trong đó: Độ phì nhiêu ở mức giàu 6.330 ha, độ phì nhiêu ở mức trung bình 7.635 ha, độ phì nhiêu ở mức thấp 43 ha. Phân chia theo các đặc tính lý hóa học đất:

Về độ chua: Phần lớn diện tích đất có tính chua (13.485 ha, chiếm 96,26% DTĐT), phần diện tích đất có độ chua trung tính chiếm tỷ lệ nhỏ (524 ha, chiếm 3,74% DTĐT).

Về chất hữu cơ tổng số: Phần lớn diện tích đất có chất hữu cơ tổng số trong đất ở mức giàu (13.325 ha, chiếm 95,12% DTĐT), phần diện tích đất có chất hữu cơ tổng số trong đất ở mức trung bình chiếm tỷ lệ nhỏ (684 ha, chiếm 4,88% DTĐT).

Về dung tích hấp thu: Phần lớn diện tích đất có dung tích hấp thu ở mức trung bình (10.883 ha, chiếm 77,68% DTĐT), phần diện tích đất có dung tích hấp thu ở mức thấp chiếm tỷ lệ nhỏ (3.126 ha, chiếm 22,32% DTĐT).

Về đạm tổng số: Phần lớn diện tích đất có đạm tổng số ở mức giàu (12.262 ha, chiếm 87,53% DTĐT); diện tích đất có đạm tổng số ở mức trung bình chiếm tỷ lệ nhỏ (1.747 ha, chiếm 12,47% DTĐT).

Về lân tổng số: Phần diện tích đất có lân tổng số ở mức giàu (6.428 ha, chiếm 45,88% DTĐT), phần diện tích đất có lân tổng số trong đất ở mức trung bình (6.354 ha, chiếm 45,35% DTĐT), phần diện tích đất có lân tổng số trong đất ở mức nghèo (1.228 ha, chiếm 8,76% DTĐT).

Về kali tổng số: Phần lớn diện tích đất có kali tổng số trong đất ở mức nghèo (13.753 ha, chiếm 98,17% DTĐT), phần diện tích đất có kali tổng số trong đất ở mức trung bình chiếm tỷ lệ nhỏ (256 ha, chiếm 1,83% DTĐT).

- Độ phì nhiêu ở mức giàu xuất hiện trong 6/9 loại đất (Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (Pf), Đất phù sa glây (Pg), Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của bazan (Rk), Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D), Đất phèn tiềm tàng sâu (Sp2), Đất phèn tiềm tàng sâu mặn ít (Sp2M)); độ phì nhiêu ở mức trung bình xuất hiện trong 8/9 loại đất (trừ Đất phù sa glây (Pg)); độ phì nhiêu ở mức thấp xuất hiện trong 3/9 loại đất (Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D), Đt xám có tầng loang lổ đỏ vàng (Xf), Đất xám glây (Xg)).

3. Xây dựng bản đồ phân hạng thích hợp đất đai và đề xuất sử dụng đất lúa

a) Đánh giá thích nghi đất đai

Trên cơ sở đặc điểm thổ nhưỡng, kết hợp với các yêu cầu sinh thái, sinh lý của cây lúa, các yếu tố tự nhiên có liên quan đến đất đai được đưa vào xem xét, bao gồm: 1) Loại đất hay loại hình thổ nhường; 2) Độ phì nhiêu của đất; 3) Thành phần cơ giới của đất; 4) Độ dày tầng canh tác; 5) Địa hình; 6) Khả năng tưới; 7) Khả năng thoát nước xác định toàn vùng nghiên cứu có 51 đơn vị đất đai.

Kết quả đánh giá mức độ thích nghi đất đai và xác định các yếu tố hạn chế về đất đối với trồng lúa nước cho thấy: Có 06 loại hình sử dụng đất phổ biến được đưa ra đánh giá khả năng thích nghi. Kết quả đánh giá cho thấy ưu thế chính trong sử dụng đất vùng trồng lúa tập trung trên địa bàn tỉnh như sau:

- LUT 1 (lúa 3 vụ): Có thể bố trí trên 51/51 LMU (Đơn vị đất đai) với tổng diện tích 14.009 ha (thích hợp cao (S1): 675 ha; thích hợp trung bình (S2): 3.656 ha và ít thích hợp (S3): 9.678 ha).

- LUT 2 (lúa 2 vụ): Có thể bố trí trên 51/51 LMU với tổng diện tích 14.009 ha (S1: 995 ha; S2: 8.738 ha và S3: 4.276 ha)

- LUT 3 (2 lúa - 1 màu): Có thể bố trí 51/51 LMU với tổng diện tích 14.009 ha (S1: 1.591 ha; S2: 5.793 ha và S3: 6.626 ha).

- LUT 4 (1 lúa - 2 màu): Có thể bố trí trên 50/51 LMU với tổng diện tích 13.915 ha (99,33% DTĐT) (S2: 11.146 ha và S3: 2.769 ha).

- LUT 5 (Chuyên rau màu): Chuyên trồng rau màu có thể bố trí trên 50/51 LMU với tổng diện tích 13.915 ha (99,33% DTĐT) (S2: 2.221 ha và S3: 11.693 ha).

- LUT 6 (Cây ăn quả): Cây ăn quả có thể bố trí trên 36/51 LMU với tổng diện tích 8.918 ha (63,64% DTĐT) (S2: 393 ha và S3: 8.525 ha)

b) Đánh giá tiềm năng đất đai

Kết quả đánh giá tiềm năng đất đai cho thấy:

- LUT 1: Có tiềm năng trung bình 4.331 ha, chiếm 30,92% DTĐT, có tiềm năng thấp 9.678 ha, chiếm 69,08% DTĐT.

- LUT 2: Có tiềm năng trung bình 9.733 ha, chiếm 69,47% DTĐT, có tiềm năng thấp 4.276 ha, chiếm 30,53% DTĐT.

- LUT 3: Có tiềm năng trung bình 7.383 ha, chiếm 52,70% DTĐT, có tiềm năng thấp 6.626 ha, chiếm 47,30% DTĐT.

- LUT 4: Có tiềm năng trung bình 13.915 ha, chiếm 99,33% DTĐT.

- LUT 5: Có tiềm năng cao 2.221 ha, chiếm 15,86% DTĐT, có tiềm năng trung bình 11.693 ha, chiếm 83,47% DTĐT.

- LUT 6: Có tiềm năng trung bình 393 ha, chiếm 2,80% DTĐT, có tiềm năng thấp 8.525 ha, chiếm 60,86% DTĐT.

c) Đánh giá ô nhiễm đất

- Chỉ tiêu phân tích thuốc bảo vệ thực vật hầu hết là không phát hiện, lượng mẫu xuất hiện clo hữu cơ, phốt pho hữu cơ ít và đều trong ngưỡng cho phép.

- Hàm lượng kim loại nặng trong đất hầu hết đều nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ có Asen (As) và Crom (Cr) có những khu vực vượt ngưỡng cho phép.

Kim loại nặng As: hàm lượng As có giá trị giao động lớn từ mức 0,08 đến 28,26 mg/kg. Có 5/38 vị trí điểm khảo sát bị ô nhiễm Asen, mức ô nhiễm khá cao; 7/38 vị trí điểm khảo sát cận ô nhiễm Asen, trong đó có 03 điểm tiệm cận ngưỡng tối đa cho phép. Khu vực ô nhiễm Asen chủ yếu tại huyện Tân Phú (các xã: Đăk Lua, Phú Sơn, Thanh Sơn).

Kim loại nặng Cr: hàm lượng Cr có giá trị giao động lớn từ mức 5,19 đến 322,65 mg/kg. Có 8/38 vị trí điểm khảo sát bị ô nhiễm Crom, mức ô nhiễm khá cao, trong đó có 01 điểm gấp đôi hàm lượng tối đa cho phép; 2/38 vị trí điểm khảo sát cận ô nhiễm Crom, trong đó có 01 điểm tiệm cận ngưỡng tối đa cho phép. Khu vực ô nhiễm Crom chủ yếu tại các huyện Cẩm Mỹ (các xã: Sông Ray, Sông Nhạn), Xuân Lộc (các xã: Lang Minh, Xuân Phú), Thống Nhất (xã Lộ 25) và TP Long Khánh (xã Bảo Vinh).

Kim loại nặng Cu: Hàm lượng Cu có giá trị giao động lớn từ mức 4,67 đến 80,53 mg/kg. Toàn bộ khu vực nghiên cứu có hàm lượng kim loại nặng đồng trong ngưỡng cho phép; 4/38 vị trí điểm khảo sát cận ô nhiễm đồng trong khoảng 72-81% ngưỡng tối đa cho phép.

Kim loại nặng Pb: Hàm lượng Pb có giá trị giao động lớn từ mức 1,67 đến 36,90 mg/kg. Toàn bộ khu vực nghiên cứu có hàm lượng kim loại nặng Pb trong ngưỡng cho phép.

Kim loại nặng Zn: Hàm lượng Zn có giá trị giao động lớn từ mức 8,83 đến 194,74 mg/kg. Toàn bộ khu vực nghiên cứu có hàm lượng kim loại nặng chì trong ngưỡng cho phép; 1/38 vị trí điểm khảo sát cận ô nhiễm chì trong khoảng tiệm cận ngưỡng tối đa cho phép.

Kim loại nặng Cd: Hàm lượng Cd có giá trị giao động lớn từ mức 0,05 đến 0,63 mg/kg. Toàn bộ khu vực nghiên cứu có hàm lượng kim loại nặng Cd trong ngưỡng cho phép.

d) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng đất lúa bền vững

- Về diện tích

Đề xuất chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa đang sản xuất thâm canh 3 vụ sang hình thức trồng lúa chuyên 2 vụ hoặc trồng lúa 2 vụ kết hợp 1 vụ trồng rau màu. Đối với các khu vực đất thấp, điều kiện canh tác tốt, có nguồn nước tưới chủ động, có thể tiến hành đan xen canh tác lúa 3 vụ - 2 vụ theo cơ chế 2 năm 5 vụ, 3 năm 7 vụ nhằm tạo điều kiện cho đất nghỉ vụ, khôi phục và nâng cao độ phì của đất, cắt mầm bệnh lây lan giữa nhiều vụ lúa.

Lúa 2 vụ được ưu tiên bố trí với tổng diện tích 2.937 ha, chiếm 20,96% diện tích vùng chuyên trồng lúa chủ yếu tại các khu vực thâm canh lúa 2 - 3 vụ truyền thống, có khả năng tưới thuận lợi. Tập trung tại huyện Tân Phú, huyện Nhơn Trạch, huyện Định Quán, huyện Long Thành.

2 vụ lúa - 1 vụ rau màu được ưu tiên bố trí với tổng diện tích 6.557 ha, chiếm 46,81% diện tích vùng chuyên trồng lúa. Chủ yếu tại các khu vực trồng lúa 2 vụ chưa hoàn toàn chủ động, thuận lợi tưới, có địa hình trung bình đến cao. Tập trung tại huyện Tân Phú, huyện Định Quán, huyện Vĩnh Cửu, huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ, TP Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành.

1 vụ lúa - 2 vụ rau màu được ưu tiên bố trí với tổng diện tích 2.587 ha, chiêm 18,47% diện tích vùng chuyên trồng lúa. Chủ yếu tại các khu vực trong sản xuất lúa thiếu hiệu quả, sản xuất nhỏ lẻ không có vùng tập trung. Tập trung tại huyện Định Quán, huyện Tân Phú, huyện Xuân Lộc.

Chuyển đổi 1.534 ha sang trồng chuyên canh cây rau màu. Tập trung tại huyện Tân Phú, huyện Xuân Lộc, huyện Định Quán.

Chuyển đổi 393 ha sang trồng cây ăn quả. Tập trung tại huyện Thống Nhất, thành phố Long Khánh, huyện Định Quán.

- Về cây trồng

Đối với các cây hàng năm luân canh trên đất trồng lúa: đối với vụ Đông xuân: tận dụng điều kiện khí hậu thuận lợi, trồng các loại rau, hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong dịp tết Nguyên đán; đồng thời trồng các loại cây có nhu cầu để làm giống cho vụ sau (ngô, đậu các loại,...) và các loại cây phù hợp khác như khoai lang, dược liệu,... Đối với vụ Hè thu và vụ Mùa: tập trung trồng các loại cây có khả năng chịu được mưa như ngô, đậu đỗ và các rau ăn củ, quả và thân.

Đối với đất lúa chuyển sang trồng các cây trồng khác: tùy theo nhu cầu thị trường, điều kiện địa hình, tính chất đất đai và khả năng nguồn nước tưới để bố trí các cây trồng phù hợp, trước mắt tập trung vào phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, cây có múi,., và chỉ bố trí ở những nơi có điều kiện đất đai phù hợp, có khả năng tiêu thoát nước tốt và có nguồn nước tưới quanh năm (kể cả nước ngầm tưới bổ sung). Tùy theo loại đất và điều kiện thời tiết trong từng vụ, khả năng tưới tiêu để bố trí các cây trồng phù hợp, trước mắt là các loại rau, hoa - cây cảnh và cây ăn trái hàng năm. Lâu dài, bố trí các loại cây làm thức ăn phục vụ cho phát triển chăn nuôi (cỏ, ngô),...

4. Đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng đất trồng lúa theo hướng phát triển bền vững

a) Xây dựng ruộng trồng lúa hoàn chỉnh, hạ thấp độ dốc tạo mặt bằng canh tác giữa các ruộng tương đối bằng nhau, có bờ vùng và thửa ngăn cách, cản dòng chảy để hạn chế xói mòn bề mặt và rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất đối với khu vực có địa hình cao triền và có hệ thống mương thoát nước để chống ngập úng, thau chua, rửa phèn đối với khu vực có địa hình bằng thấp; san phẳng mặt ruộng các thửa trồng lúa để tạo thuận lợi cho việc canh tác và xử lý cỏ dại, giảm chi phí bơm nước, nâng cao hiệu lực sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của lúa và các cây trồng khác trên đất lúa. Trong quá trình tạo mặt bằng ruộng lúa, cần hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn lớp đất mặt.

b) Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi gắn với xây dựng hệ thống giao thông vận chuyển nội đồng, nâng cao năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi. Trong đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hồ, đập, kênh, mương và các trạm bơm điện mới, các công trình còn đang đầu tư dở dang trong kế hoạch đầu tư công cũng như theo quy hoạch thủy lợi được duyệt; kiên cố hóa hệ thống hồ, đập, kênh, mương hiện có, nâng cao mức độ an toàn và hiệu quả sử dụng; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng và vật nuôi trên đất trồng lúa, phát huy hiệu quả công trình đầu mối, giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng nước; nghiên cứu, nhân rộng các giải pháp, quy trình công nghệ, các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng khô hạn đang diễn biến ngày càng tăng.

c) Áp dụng các biện pháp quản lý dinh dưỡng đất tổng hợp gắn với thâm canh cây lúa hợp lý, bón phân cân đối giữa các loại phân khoáng với phân hữu cơ và cân đối giữa các nguyên tố trung và vi lượng, tăng lượng phân hữu cơ, vôi và lân nhằm cải thiện dung tích hấp thu và độ phì nhiêu của đất; luân canh cây lúa với các cây trồng khác có khả năng cải tạo đất, nhất là các cây ngắn ngày họ đậu; làm đất tối thiểu và làm ải đất trồng lúa có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh còn lưu trú, tồn dư trên đồng ruộng, ngăn chặn chúng xuất hiện gây hại ở vụ sau, tạo điều kiện cho hệ sinh vật hảo khí hoạt động mạnh lên, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, nhờ đó mà bộ rễ hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn, khắc phục được bệnh nghẹt rễ lúa.

d) Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, lựa chọn sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn hoặc sử dụng những giống lúa lai nguyên chủng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với khả năng tưới tiêu của từng khu vực; áp dụng quy trình canh tác tiên tiến (1 phải 5 giảm, 3 tăng 3 giảm) và phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM kết hợp với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc - đúng liều lượng, nồng độ - đúng lúc - đúng cách); tăng cường cơ giới hóa các khâu, nhất là khâu thu hoạch để giảm tỷ lệ hao hụt, đảm bảo chất lượng hạt lúa.

đ) Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đất trồng lúa, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch sử dụng đất trồng lúa; quản lý chặt chẽ đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới, lập bản đồ diện tích đất trồng lúa, vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao, chất lượng cao; thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lúa lớn và các khu sản xuất lúa hàng hóa tập trung ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo nhu cầu thị trường và dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển đất công nghiệp - dịch vụ với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất trồng lúa để theo dõi diễn biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất trồng lúa; hỗ trợ người nông dân trồng lúa chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do tác động xấu của biến đổi khí hậu.

e) Vừa canh tác vừa bảo vệ, cải tạo, bồi bổ đất trong đó chú trọng đến các biện pháp Quản lý dinh dưỡng tổng hợp gắn thâm canh lúa với nâng cao độ phì cho đất trồng lúa, Làm đất tối thiểu và làm ải đất trồng lúa, bón phân cân đối, giảm phát thải khí nhà kính. Hạn chế và kiểm soát tình trạng ô nhiễm, thoái hóa đất bằng các biện pháp cụ thể: tiến hành giám sát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm, cận ô nhiễm; nghiên cứu, đánh giá cụ thể dư lượng kim loại nặng có trong sản phẩm tại các khu vực bị ô nhiễm kim loại nặng; Tăng hàm lượng vật chất hữu cơ, bón phân cân đối, canh tác khô ngập luân phiên...

g) Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, hiểu biết sâu rộng về quản lý, sử dụng, bồi dưỡng, cải tạo đất đai nói chung và đất trồng lúa nói riêng cho các ngành và các địa phương trong tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ người dân tộc thiểu số về năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý sử dụng và trong sản xuất lúa.

h) Sử dụng bền vững đất trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định vị trí, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là diện tích lúa bị ảnh hưởng của hạn hán và lũ lụt; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức và kỹ năng áp dụng các biện pháp canh tác lúa bền vững để bảo vệ đất, chống xói mòn thông qua tập huấn kỹ thuật và trình diễn các mô hình mẫu; nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.

5. Đánh giá hiệu quả của đề án

- Hiệu quả về kinh tế: năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa là 55,6 ngàn ha, tổng giá trị sản xuất thu được từ lúa và cây hoa màu luân canh trên đất lúa là 1.536 tỷ đồng. Hiệu quả bình quân trên năm/ha đạt khoảng 52 triệu đồng. Trong đó, nếu chỉ độc canh sản xuất cây lúa đạt khoảng 37 triệu đồng/ha/năm, nếu luân canh với hoa màu hiệu quả được cải thiện rõ rệt đạt khoảng 62 triệu đồng/ha/năm. Đề xuất chuyển đổi 1.534 ha đất sang chuyên canh trồng rau màu, giá trị sản xuất mang lại mỗi năm khoảng 381 tỷ đồng, cao hơn khoảng 205 tỷ đồng so với trồng lúa. Ngoài ra còn có 393 ha chuyển đổi sang trồng cây lâu năm giá trị sản xuất mang lại mỗi năm khoảng 202 tỷ đồng, cao hơn khoảng 26 tỷ đồng so với trồng lúa. Bố trí vùng sản xuất luân canh lúa - rau màu với quy mô lớn, thay thế cho sản xuất lớn chuyên canh truyền thống, giá trị tăng thêm cho mỗi đơn vị diện tích chuyển đổi mô hình giao động 23-34 triệu đồng/ha/năm. Giá trị tăng thêm của phần chuyển đổi sản xuất này khoảng 229 tỷ đồng/năm. Như vậy việc chuyển đổi các loại hình sản xuất trên nền đất trồng lúa nâng cao hiệu quả hơn rất nhiều về mặt kinh tế, góp phần tạo ra thặng dư, tích lũy và phát triển xã hội.

- Hiệu quả xã hội: với kết quả nghiên cứu của đề án là tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu, chi tiết cho các vùng sản xuất; là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh, đề xuất chuyển đổi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Đề án là cơ sở để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể xác định được các khu vực được bố trí vùng sản xuất tập trung, có nguồn hàng chất lượng cao, dồi dào về số lượng, có khả năng đầu tư trồng lúa chất lượng cao, lúa gạo hữu cơ, liên kết sản xuất lúa sạch... để tiến hành đầu tư sản xuất, phát triển liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo. Tạo thêm việc làm ổn định cả năm cho lực lượng lao động do tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng trên sử dụng đất lúa, mang lại thu nhập cao cho người lao động, thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, tăng thu nhập và giảm bớt tệ nạn trong nông thôn. Cơ giới hóa đồng bộ và hợp tác trong phát triển nông nghiệp, cùng với tăng cường các hoạt động khuyến nông và đào tạo sẽ nâng cao trình độ tổ chức sản xuất và kinh doanh cho nông hộ. Phát triển trên đất trồng lúa theo hướng đa canh và an toàn thực phẩm sẽ tạo nguồn cung lương thực thực phẩm an toàn cho xã hội, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

- Hiệu quả môi trường: tăng diện tích đất luân canh lúa - màu giúp cải thiện bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, làm tăng tính đa dạng sinh học. Tăng cường áp dụng tiếp bộ kỹ thuật vào tất cả các khâu trong sản xuất, bảo vệ thực vật, tưới tiêu hợp lý,... góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên, hạn chế dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông sản và trong môi trường đất, nước. Sử dụng bón phân theo khuyến cáo của phương án giúp tiết kiệm phân bón tối đa, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất độ dư thừa của phân bón có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc chuyển đổi đất lúa 1 vụ ở những khu vực cằn cỗi, kém hiệu quả sang trồng rau hoa ứng dụng công nghệ cao, cây ăn quả,... giúp tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tăng độ che phủ của đất, góp phần bảo vệ đất.

6. Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất lúa tỉnh Đồng Nai

- Dữ liệu không gian: sản phẩm bản đồ được xây dựng theo quy chuẩn gồm các mức tỷ lệ từ 1/100.000 cho cấp tỉnh đến tỷ lệ 1/25.000 và 1/50.000 cho cấp huyện. Thành phần bản đồ được xây dựng có thể chia làm 2 phần chính là Sản xuất nông nghiệp và Nông hóa - Thổ nhưỡng.

- Dữ liệu thuộc tính: cơ sở dữ liệu thuộc tính lưu trữ các số liệu mô tả các đặc trưng, tính chất,... liên quan đến đất trồng lúa (Tên loại đất, Diện tích, Loại sử dụng đất lúa hiện trạng, Mức độ thích hợp và đề xuất sử dụng, Địa hình tương đối, Độ dày tầng đất mịn, Thành phần cơ giới lớp đất mặt, Mức độ gley, kết von, đá lẫn, Các chỉ tiêu nông hóa: pHKCl, OM %, N%, P2O5 dễ tiêu, K2O dễ tiêu, Chế độ tưới tiêu, ngập úng...).

- Hệ thống WebGIS: quản lý cơ sở dữ liệu đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai được đăng nhập hệ thống từ website: https://nongnghiepdongnai.girs.vn/map/.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổ chức triển khai Đề án phân tích chất lượng hóa, lý tính đất trồng lúa nước và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

b) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa hàng năm trên địa bàn tỉnh và kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng các vật tư nông nghiệp đầu vào (phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học) để tăng cường độ phì nhiêu của đất, không gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

c) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các huyện, thành phố kêu gọi đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực chuyển đổi trên đất trồng lúa.

d) Thực hiện quy hoạch sử dụng đất trồng lúa gắn chặt chẽ với đảm bảo an ninh lương thực.

đ) Phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển sản xuất và dịch vụ nông nghiệp nông thôn; chủ trì tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định Luật Đầu tư công để thực hiện các nội dung liên quan trong Đề án.

3. Sở Tài chính

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và các huyện, thành phố liên quan tổng hợp nhu cầu vốn và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn để thực hiện Đề án.

b) Báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất lúa, đầu tư cơ sở dữ liệu đất đai và ứng dụng công nghệ cao để quản lý, sử dụng đất trồng lúa hiệu quả.

b) Tạo thuận lợi và hỗ trợ về thủ tục đất đai đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt là việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác.

c) Tăng cường quản lý môi trường ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực tập trung để đảm bảo phát triển bền vững.

5. Sở Công Thương

a) Tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố liên quan xây dựng các chương trình, dự án và các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong đó chú trọng hơn đến các sản phẩm từ lúa gạo, sản phẩm gạo hữu cơ, gạo sạch...

b) Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nông sản, thực phẩm hàng hóa của tỉnh, chú trọng quảng bá các sản phẩm từ lúa gạo, sản phẩm gạo hữu cơ, gạo sạch....

c) Xây dựng và phát triển hệ thống chợ, siêu thị tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các đề tài, dự án, giải pháp và chính sách thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trước hết là các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, tưới nước, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản.

b) Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, thực phẩm của tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo, đài Tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Đề án phân tích chất lượng hóa, lý tính đất trồng lúa nước và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, trong đó chú trọng tuyên truyền về các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa đạt năng suất và chất lượng; các mô hình xây dựng thành công nông thôn mới...Chỉ đạo tuyên truyền kịp thời, chính xác và có hiệu quả về triển khai thực hiện phương án chuyển đổi đất trồng lúa và các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện Đề án phù hợp với thực tiễn.

9. Hội Nông dân tỉnh

Hội Nông dân tỉnh Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, các địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên tham gia tích cực và triển khai có hiệu quả Đề án được duyệt.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn phụ trách, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển mục đích sử dụng đất trên đất lúa đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

b) Trên cơ sở bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ nông hóa, bản đồ định hướng sử dụng đất, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát xác định các khu vực xã, phường, xác định diện tích đất lúa cần điều chỉnh, bổ sung và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung quyết định phê duyệt kết quả xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên địa bàn từng huyện, thành phố.

c) Căn cứ nội dung của Đề án, đặc điểm, tình hình của từng địa phương, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cụ thể 5 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện của địa phương.

d) Thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương theo quy định của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

đ) Tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới, lập bản đồ diện tích đất trồng lúa, vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao. Chỉ đạo cơ quan tài nguyên và môi trường khi thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất phải xác định diện tích chuyên trồng lúa nước chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp (nếu có) làm cơ sở xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp ngân sách.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.

g) Lập và ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở Đề án phân tích chất lượng hóa, lý tính đất trồng lúa nước và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi.

h) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn các huyện, thành phố và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, phường triển khai thực hiện, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã, phường trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cấp huyện theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ

i) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

k) Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, cánh đồng lớn gắn với doanh nghiệp, trang trại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; tăng cường quản lý và thực hiện đúng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án được duyệt.

l) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

11. Các đơn vị, doanh nghiệp

a) Tích cực liên kết, thu mua kịp thời các nông sản hàng hóa cho nông dân thông qua các hình thức ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý. Hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu.

b) Các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng tích cực tư vấn cho nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp - chế biến xây dựng phương án vay vốn và sử dụng vốn, tạo điều kiện thuận lợi để được vay vốn đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của phát triển sản xuất kinh doanh.

12. Các trường, Trung tâm nghiên cứu

a) Ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu toàn cầu.

b) Chuyển giao các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng với hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân.

c) Tư vấn cho nhà nước, doanh nghiệp chế biến và ngân hàng thương mại về tiến bộ khoa học công nghệ và quản lý.

13. Hộ gia đình, hợp tác xã và trang trại

a) Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng quy hoạch, nhất là các hộ nằm trong vùng tập trung, vùng dự án đầu tư.

b) Chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan khoa học đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp và dịch vụ.

c) Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng vay vốn, tiêu thụ nông sản. Tham gia tích cực vào các hiệp hội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Chủ tịch, PCT. UBND tỉnh (Đ/c Phi);
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (KTN);
- Lưu: VT, KTN.
(Khoa/706.Qdpheduyetdeanlyhoa)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3233/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao và xây dựng bản đồ đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Đồng Nai đến năm 2030

  • Số hiệu: 3233/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/11/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản