Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2003/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÀ XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2003-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển Giáo dục Mầm non đến năm 2010;

Xét tờ trình số1852/GDMN ngày 20 /10/2003 của Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non và xây dựng Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2003-2010 ( kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Lạng Sơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÀ XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2003 - 2010
(Kèm Quyết định số 32 /2003/UB-QĐ ngày 05 tháng 12 năm 2003)

Giáo dục Mầm Non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ của giáo dục Mầm non là thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi nhằm mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện về thể lực, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Giáo dục Mầm non có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và đào tạo thế hệ trẻ bởi nó là giai đoạn khởi đầu, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy Đề án phát triển giáo dục Mầm non và xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia tỉnh Lạng Sơn xây dựng nhằm mục tiêu củng cố phát triển hệ thống Giáo dục mầm non của tỉnh, tạo bước chuyển biến cơ bản về Giáo dục Mầm non, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn ngày một toàn diện vững chắc.

I - Những căn cứ xây dựng đề án

1- Những văn bản của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đào tạo.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định:"…Chăm lo phát triển giáo dục Mầm non, mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư, đặc biệt là ở nông thôn và những vùng khó khăn".

Điều 18, 19 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xác định:" Nhà trẻ, trường, lớp Mẫu giáo, trường Phổ thông phải có đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ em; Nhà nước dành một tỉ lệ ngân sách thích đáng trong kế hoạch hàng năm cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em".

Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg , ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 05/2003/LT-BGD&ĐT-BNV-BTC, ngày 24-2-2003 Liên Bộ Giáo duc & Đào tạo, Bộ Nội vụ, BộTài chính về một số chính sách phát triển giáo dục Mầm non giai đoạn từ nay đến 2010 nhấn mạnh:"Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển Giáo dục Mầm non, mở rộng hệ thống Nhà trẻ, Mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư, ưu tiên đầu tư phát triển Giáo dục Mầm non ở vùng khó khăn; tăng cường phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các gia đình và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trước 6 tuổi".

Quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ 2002-2005. Nhằm mục tiêu thành lập một hệ thống trường Mầm non có đủ những tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ, đáp ứng được yêu cầu của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ mới.

2- Thực trạng giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2.1- Thuận lợi:

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và sự cố gắng của ngành Giáo dục - Đào tạo, Giáo dục Mầm non của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số trẻ trong độ tuổi Mầm non được huy động ra lớp tăng hàng năm, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên. Năm 2002 tỉnh đã hoàn thành việc xoá "Xã trắng" về Giáo dục Mầm non, tỷ lệ huy động trẻ Mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt từ 95-98% hàng năm, Giáo viên Mầm non dạy ở vùng 3 được tuyển vào biên chế 100% và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Từ năm học 1999-2000 đến nay, Giáo dục Mầm non của tỉnh liên tục được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm vụ năm học, 3 năm liền được Bộ khen thưởng về tiêu chí thi đua của bậc học.

2.2- Khó khăn:

2.2.1- Mạng lưới trường lớp mỏng, phân bố không cân đối giữa thành thị, nông thôn nhất là các xã xa xôi, hẻo lánh, các xã vùng cao.

Toàn Tỉnh hiện có 34 xã, phường, thị trấn có trường Mầm non với tổng số 43 trường, Tuy đã tăng 15 trường so với năm học 1998-1999; nhưng số xã, phường, thị trấn có trường Mầm non mới đạt tỷ lệ 15%, còn 193 xã chưa có trường Mầm non. Trong 43 trường có 27 trường đóng ở thành phố, thị trấn (tỉ lệ 62,8%); các trường ở nông thôn chiếm tỉ lệ 37,2%, trong đó các trường ở xã vùng cao chỉ chiếm 4,6%. Giáo dục Mầm non ngoài công lập đã phát triển nhưng chỉ tập trung ở thành phố và thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc, với 4 trường tư thục và 8 cơ sở Mầm non tư thục, chưa có trường Mầm non bán công và dân lập. Còn 162/226 xã chưa có nhóm trẻ, số xã xếp loại yếu kém về giáo dục Mầm non (xã chỉ có từ 1-2 nhóm, lớp) là 64 xã.

2.2.2-Cơ sở vật chất thiếu thốn lạc hậu.

Những năm gần đây mặc dù Tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của bậc học. Hầu hết cơ sở vật chất hạ tầng như trường, lớp, nhà vệ sinh, bếp ăn, quá cũ và quá hạn sử dụng, sân chơi và trang thiết bị đồ dùng, phục vụ cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đều thiếu, quỹ đất dành cho Giáo dục Mầm non quá eo hẹp, các trường đều thiếu sân chơi, thiếu khu thiên nhiên, vườn trường. Toàn tỉnh có 11 trường Mầm non trọng điểm cấp huyện và 1 trường trọng điểm cấp tỉnh, trong đó 5 trường có thể cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn quốc gia trong những năm tới, số còn lại đều không đạt tiêu chuẩn về diện tích và cơ sở vật chất.

Tổng số phòng học riêng cho các lớp Mẫu giáo và nhóm trẻ hiện có: 412 phòng, trong đó có 86 phòng kiên cố, 260 phòng cấp 4, còn 66 phòng học tạm. Còn lại 544 phòng học chung với trường Tiểu học. Ngoài ra còn có 26 phòng học nhờ hoặc thuê nhà dân.

2.2.3-Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

Năm học 2003-2004 toàn tỉnh có 1531 cán bộ, giáo viên trong đó cán bộ quản lý: 112, Giáo viên trực tiếp đứng lớp: 1419, trong đó có 309 giáo viên Tiểu học dôi dư chuyển dạy Mầm non, số giáo viên trên 40 tuổi chiếm tỉ lệ 33%. Trình độ đào tạo như sau: Đại học, cao đẳng 4,7%. Trung học sư phạm 45,2%; do nhiều năm ngừng đào tạo ở trình độ thấp nên số giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo chiếm tỷ lệ cao 50,1%. Giáo viên trong biên chế là 1276 (Tỷ lệ 89,9%);

Do nhu cầu phát triển nên năm học 2003-2004 bậc học Mầm non của tỉnh còn thiếu giáo viên, 309 giáo viên Tiểu học chuyển xuống dạy Mầm non và 50,1% giáo viên Mầm non chưa đạt chuẩn trực tiếp đứng lớp đã gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, dẫn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa cao, chương trình đổi mới Giáo dục Mầm non khó thực hiện đại trà.

2.2.4- Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ:

Do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của bậc học, năm học 2002-2003 số trẻ ra lớp được tổ chức ăn nghỉ tại trường là 7.786/22.923 trẻ (Tỷ lệ 33,9%). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các đơn vị Mầm non còn 23,4%. Số trẻ 5 tuổi học chương trình 36 buổi trong hè là 685/12.343 trẻ (tỷ lệ 5,5%) so với số trẻ 5 tuổi ra lớp. Việc triển khai chương trình đổi mới còn nhiều hạn chế, toàn tỉnh có 92/1124 nhóm, lớp đủ điều kiện thực hiện chương trình đổi mới GDMN (tỷ lệ 8,18%).

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên trước hết thuộc về nhận thức, một bộ phận cán bộ cấp uỷ, chính quyền cơ sở, kể cả cán bộ quản lý, giáo viên của ngành và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục Mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân; chưa thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đưa trẻ đến Nhà trẻ, lớp Mẫu giáo. Chủ trương xã hội hoá giáo dục nói chung, xã hội hoá bậc học Mầm non nói riêng chưa trở thành hành động tự giác của xã hội, tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước còn rất nặng nề.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức xúc, đòi hỏi phải nhanh chóng củng cố, tạo ra bước phát triển mới của hệ thống Giáo dục Mầm non trong toàn Tỉnh, để Giáo dục Mầm non đủ sức thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục ngành.

2.2.5- Công tác xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn:

- Quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành quy chế công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2001 nhưng Giáo dục Mầm non Lạng Sơn vẫn chưa có trường nào đủ điều kiện đề nghị công nhận. Kết quả điều tra 43 trường Mầm non hiện có, chưa trường nào đạt được 5 tiêu chí đề ra, số trường đạt được 4 tiêu chí: 0 , số trường đạt 3 tiêu chí: 7 , số trường đạt 2 tiêu chí: 6 , số trường đạt 1 tiêu chí: 2 (có 15 trường đạt từ 1-4 tiêu chí), còn 28 trường chưa đạt được cả 5 tiêu chí đề ra. Trong khi đó tính đến tháng 6/2003 cả nước đã có 92 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia và có 42/61 tỉnh thành có trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2005.

II - Mục tiêu của đề án

1- Mục tiêu tổng quát.

Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển giáo dục Mầm non, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá sự nghiệp giáo dục Mầm non, mở rộng hệ thống Nhà trẻ, trường lớp Mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư ; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục Mầm non ở những xã có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, xã vùng cao, biên giới xa xôi hẻo lánh; tăng cường phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các gia đình, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em trước 06 tuổi, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Phổ thông.

2- Mục tiêu cụ thể:

Củng cố các loại hình trường, lớp Mầm non công lập hiện có. Phát triển loại hình trường Mầm non ngoài công lập ở thành phố, thị trấn và vùng kinh tế phát triển. Tăng cường phát triển và thành lập mới các trường Mầm non công lập ở vùng nông thôn, vùng cao khó khăn. Tập trung đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp xây dựng trường Mầm non vùng nông thôn. Tăng tỷ lệ huy động trẻ ra Nhà trẻ, Mẫu giáo. Nâng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng. Thực hiện xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia.

2.1- Giai đoạn 2003 - 2005:

30% số xã, phường, thị trấn có trường Mầm non các loại hình công lập và ngoài công lập (70 trường) bao gồm cả nhóm trẻ và lớp Mẫu giáo theo quy định của Bộ GD-ĐT về mô hình trường Mầm non.

Tăng tỷ lệ trẻ huy động ra Nhà trẻ đạt 15%. Trẻ Mẫu giáo đạt 65%. Riêng trẻ 5 tuổi đạt 98% được ra lớp học chương trình chính quy trước khi vào lớp 1.

Tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo (THSPMN) lên 60%. Có 10% giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn (Đại học, Cao đẳng).

50% cán bộ quản lý Giáo dục Mầm non được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Giáo dục và 50% cán bộ quản lý trường Mầm non được đào tạo trên chuẩn.

Thực hiện thí điểm việc chuyển một số trường Mầm non công lập ở địa bàn Thành phố sang hoạt động theo hình thức bán công, dân lập, tư thục.

* Phấn đấu có 10% số trường Mầm non (4-5 trường) được công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2005.

2.2- Giai đoạn 2006 - 2010

136/226 xã, phường, thị trấn có trường Mầm non các loại hình công lập và ngoài công lập, trong đó 50% số trường được xây dựng theo thiết kế mẫu quy định của Bộ GD-ĐT.

Tăng tỷ lệ trẻ huy động ra Nhà trẻ đạt 18%. Trẻ Mẫu giáo đạt 80%. Riêng trẻ 5 tuổi đạt 100% được học Mẫu giáo trước khi vào lớp 1.

Tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo (THSPMN) lên 80%; 30% giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn (Đại học, Cao đẳng).

100% cán bộ quản lý Giáo dục Mầm non được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và 80% được đào tạo trên chuẩn.

Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất ban đầu để thực hiện bán công 100% các trường Mầm non mới thành lập ở khu vực Thành phố, Thị trấn.

* Phấn đấu xây dựng được 24 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia

III- Nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu

- Công tác tuyên truyền

- Tuyên truyền sâu rộng trong cấp uỷ, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển Giáo dục Mầm non nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

- Nhiệm vụ phát triển giáo dục Mầm non nói riêng và phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo nói chung phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa bàn, chủ trương đó phải trở thành nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, coi đây là một chủ trương mang tính xã hội hoá sâu rộng, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân được tham gia thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục Mầm non ở địa bàn từ đó phát huy sức mạnh của toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục Mầm non.

2 - Xây dựng, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp Mầm non, tiếp tục đa dạng hoá các loại hình trường lớp.

- Địa bàn Thành phố, thị trấn thuận lợi, kinh tế phát triển, chủ yếu phát triển loại hình trường Mầm non ngoài công lập, xây dựng mới trường Mầm non bán công, thực hiện chuyển một số trường hoặc một bộ phận trường Mầm non công lập ở Thành phố sang bán công để đến năm 2010 có 100% số trường Mầm non trên địa bàn thành phố, thị trấn sẽ chuyển sang bán công . Xã vùng thấp có điều kiện thuận lợi tiếp tục xây dựng mới trường Mầm non để đáp ứng nhu cầu giảm tải số trẻ trong các trường mầm non hiện có.

- Địa bàn nông thôn khó khăn, căn cứ tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch, xác định mỗi xã có ít nhất một trường Mầm non với mô hình trường tập trung hoặc trường có một điểm chính và các điểm lẻ, quy mô từ 3 nhóm, lớp trở lên. Những nơi chưa đủ điều kiện mở trường tiếp tục duy trì các lớp Mẫu giáo gắn với trường Phổ thông và mở các nhóm trẻ gia đình. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu huy động trẻ của từng giai đoạn.

- Tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình trường Mầm non dân lập, tư thục và tạo điều kiện cho loại hình này được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định 73/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, khuyến khích các trường Mầm non ngoài công lập đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu của ngành.

3 - Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học. Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm cần quan tâm, dành vị trí ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục Mầm non, nhằm đầu tư đồng bộ xây dựng cơ sở vật chất cho Giáo dục Mầm non, trước mắt là xoá các phòng học tạm, xây dựng thêm phòng học riêng cho lớp Mầm non, xây dựng thành lập mới trường Mầm non nông thôn theo hướng kiên cố hoá, nếu xây dựng trường mới phải tính toán đến việcảtường sẽ phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.

Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có kế hoạch xác định quỹ đất dành cho xây dựng trường, lớp Mầm non, đảm bảo diện tích tối thiểu cho hoạt động giáo dục.

Phấn đấu mỗi trường Mầm non thành lập mới ở địa bàn nông thôn được xây dựng tối thiểu 3 phòng học đúng tiêu chuẩn quy định ở khu trung tâm, có các phòng chức năng cùng hệ thống công trình bếp nấu ăn (trường có bán trú), có công trình vệ sinh phù hợp cho trẻ, có nước sạch và các trang thiết bị đồng bộ kèm theo . Các lớp lẻ cũng cần đảm bảo các điều kiện tối thiểu phục vụ cho dạy, học và vui chơi của trẻ. Huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho Giáo dục Mầm non.

Các huyện, thành phố ưu tiên, phân bố hợp lý nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục Mầm non. Từ nay đến 2005 phấn đấu dành tối thiểu 13% tổng chi ngân sách về giáo dục cho giáo dục Mầm non và 15% vào 2010. Ưu tiên phân bố kinh phí xây dựng trường lớp Mầm non công lập ở các xã vùng cao, vùng khó khăn.

Hàng năm dành một khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước để trang bị đồ chơi ngoài trời cho các trường Mầm non ở địa bàn nông thôn vùng cao và hỗ trợ các loại sách vở, tài liệu đồ dùng cho các cháu Mẫu giáo ở các xã nghèo và các xã vùng. Kinh phí hỗ trợ ước tính khoảng: 500 triệu đồng/năm, cụ thể:

- Trang bị đồ chơi ngoài trời: 25.410.000đ x 10 trường/năm = 254.100.000đ

- Hỗ trợ các loại sách vở, đồ dùng cho trẻ: 50.000đ x 5.000 cháu/năm = 250.000.000đ

4 - Xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác quản lý.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, thiết tha yêu nghề, mến trẻ. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục toàn diện của bậc học. Trước mắt đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhằm tăng dần số giáo viên đạt chuẩn đào tạo. Quan tâm việc đào tạo trên chuẩn trình độ Đại học, Cao đẳng.

- Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học nhằm thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục Mầm non của Bộ GD-ĐT

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục Mầm non trong toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Giáo dục Mầm non.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục Mầm non ở từng xã, phường, thị trấn nhằm phát hiện , xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc cho cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

- Coi trọng công tác phát triển Đảng trong nhà trường, phấn đấu đến 2005 có 50% số trường mầm non có Chi bộ đảng, 80% vào năm 2010.

5 - Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục

- Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trong công tác xã hội hoá giáo dục Mầm non nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tạo sức mạnh tổng hợp ;đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy tính tích cực chủ động, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các cơ sở giáo dục và nhân dân trên địa bàn .

- Tiếp tục phát triển đa dạng hoá các loại hình trường, lớp Mầm non theo quyết định của chính phủ. Tích cực tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân có điều kiện thành lập trường, lớp Mầm non bán công, tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình góp phần huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ra nhóm trẻ, lớp Mẫu giáo,

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ của nhân dân

6 - Xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia

Thực hiện việc quy hoạch diện tích đất cho các đơn vị trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn đảm bảo theo quy định của trường chuẩn quốc gia: 10m­2/trẻ (ở địa bàn nông thôn) , 6m2/trẻ (ở địa bàn thành thị) trong đó 50% là diện tích sân vườn .

Hàng năm có kế hoạch phân bổ, đầu tư có trọng điểm các nguồn kinh phí, kết hợp đồng bộ vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu để xây dựng hoàn thiện các yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là các loại phòng chức năng của các trường Mầm non trong kế hoạch xây dựng đạt chuẩn.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn, nâng chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non đảm bảo về chất lượng cũng như tỷ lệ đạt chuẩn theo yêu cầu về đội ngũ của trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia.

IV- Tổ chức thực hiện

1 - Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực thực hiện Đề án chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ: Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đồng thời phối hợp với các Sở, ban ngành, các huyện, thành phố thực hiện đề án.

- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đề án.

- Thực hiện kế hoạch Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng mục tiêu Giáo dục, tăng cường công tác chỉ đạo chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và Giáo dục trẻ.

- Chỉ đạo thực hiện tốt chương trình đổi mới Giáo dục Mầm non đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay.

- Đề xuất xây dựng chính sách của Tỉnh đối với Giáo dục Mầm non.

- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Đề án theo đúng kế hoạch.

- Theo dõi, báo cáo tổng hợp, định kỳ hàng năm về UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT

2 - Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - , Sở GD&ĐT, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh hàng năm lập kế hoạch trình UBND tỉnh về đầu tư kinh phí đào tạo giáo viên và kế hoạch xây dựng phát triển mạng lưới trường Mầm non, xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho các trường, lớp Mầm non.

3 - Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng phương án trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế giáo viên và kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho Sở GD&ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển Giáo dục Mầm non.

4 - Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch & Đầu tư xây dựng kế hoạch nguồn kinh phí hàng năm, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng tiến độ thực hiện các mục tiêu xây dựng trường Mầm non nông thôn, trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia,trường Mầm non bán công trên cơ sở kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

5 - Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, quy hoạch xác định địa điểm, quy mô diện tích xây dựng trường Mầm non trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt

6 - Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất hàng năm của Tỉnh để xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các Trường Mầm non, Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thẩm định dự án xây dựng trường Mầm non bảo đảm địnhmức tối thiểu theo quy định của nhà nước .

7- UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý, quy hoạch diện tích đất đai; xây dựng mạng lưới trường, lớp Mầm non. Dự toán kinh phí xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh phê duyệt. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác xã hội hoá Giáo dục, phối hợp với các đoàn thể nhân dân và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện đề án.

8 - Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để tuyên truyền vận động nhân dân góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2003 - 2010.

Phát triển Giáo dục Mầm non, thực hiện Quyết định 161/TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược của sự nghiệp GD&ĐT và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở GD&ĐT và các ngành có liên quan phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, phối hợp đồng bộ để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32/2003/QĐ-UB phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non và xây dựng Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2003-2010

  • Số hiệu: 32/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/12/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Bá Nhiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản