Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3132/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 02 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;

Căn cứ Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;

Căn cứ Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07;

Căn cứ Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận;

Căn cứ Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công thực hiện thẩm định giá của nhà nước đối với tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 4915/STC-QLCS ngày 05 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thẩm định giá tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Giao Sở Tài chính triển khai các nội dung liên quan đến Quy trình thẩm định giá tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định này để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thẩm định giá tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Lưu: VT, NC, KSTTHC, TH. Vy.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY TRÌNH

THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3132/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy trình này quy định trình tự, thủ tục thẩm định giá tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Quy trình này áp dụng đối với các trường hợp thẩm định giá được quy định tại Điều 3 Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Riêng trường hợp bán, thanh lý tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo quy định của pháp luật về xác định giá đất cụ thể và các quy định có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy trình này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước là Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố và công chức được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cơ quan, tổ chức cử người tham gia Hội đồng thẩm định giá; cơ quan, tổ chức có tài sản thẩm định giá hoặc có yêu cầu, đề nghị thẩm định giá (sau đây gọi là có đề nghị thẩm định giá) và các cơ quan tổ chức khác có liên quan đến thẩm định giá tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trường hợp, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên (Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện), Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước trên cơ sở hồ sơ do cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản thẩm định giá cung cấp theo Quy trình này.

Chương II

QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 3. Trình tự, thủ tục thẩm định giá tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước

1. Thành phần hồ sơ và yêu cầu về thông tin của hồ sơ đề nghị thẩm định giá:

a) Văn bản đề nghị thẩm định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:

- Tên tài sản đề nghị thẩm định giá (hoặc tên gói thầu).

- Giá đề nghị thẩm định giá (hoặc giá gói thầu).

- Danh mục tài sản đề nghị thẩm định giá:

+ Nêu rõ xuất xứ, hãng sản xuất, thông số kỹ thuật chi tiết của tài sản đề nghị thẩm định giá.

+ Số lượng tài sản đề nghị thẩm định giá.

+ Trường hợp tài sản đề nghị thẩm định giá gồm nhiều mặt hàng phải nêu rõ chi tiết giá, số lượng của từng mặt hàng.

- Mục đích đề nghị thẩm định giá.

- Nguồn kinh phí thực hiện.

- Văn bản chủ trương của cấp có thẩm quyền theo phân cấp (nếu có).

b) Thành phần hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị thẩm định giá:

- Văn bản chủ trương của cấp có thẩm quyền theo phân cấp (nếu có) và văn bản phân khai nguồn kinh phí (bản chụp).

- Các văn bản khác có liên quan đến đề nghị thẩm định giá tài sản.

- Báo giá của 03 đơn vị cung ứng hàng độc lập với nhau (bản chính) hoặc Chứng thư thẩm định giá kèm theo Báo cáo kết quả thẩm định giá của đơn vị có chức năng tư vấn về giá (bản chính):

+ Đối với hồ sơ đề nghị thẩm định giá có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng: Báo giá của 03 đơn vị cung cấp hàng độc lập với nhau (bản chính) hoặc Chứng thư thẩm định giá kèm theo Báo cáo kết quả thẩm định giá của các đơn vị có chức năng tư vấn về giá (bản chính).

+ Đối với hồ sơ đề nghị thẩm định giá có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên: Chứng thư thẩm định giá kèm theo Báo cáo kết quả thẩm định giá của các đơn vị có chức năng tư vấn về giá (bản chính).

- Tập tin chứa danh mục tài sản đề nghị thẩm định giá. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định giá phải đồng thời gửi tập tin vào hộp thư (mail) của cơ quan nhà nước thực hiện thẩm định giá.

c) Yêu cầu về thông tin của hồ sơ đề nghị thẩm định giá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có đề nghị thẩm định giá:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có đề nghị thẩm định giá tài sản chịu trách nhiệm về mức giá đề nghị thẩm định giá; tính xác thực, độc lập của các báo giá và các tài liệu có liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định giá tài sản cung cấp cho cơ quan nhà nước thực hiện thẩm định giá; phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tài sản cần thẩm định giá (nếu cần thiết).

- Đối với hồ sơ thẩm định giá gửi kèm Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá của đơn vị có chức năng tư vấn về giá: Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn phải thể hiện thông tin và chữ ký của thẩm định viên và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền trong lĩnh vực thẩm định giá (nếu có) của doanh nghiệp thẩm định giá và phải đáp ứng các quy định về nội dung, thể thức, mẫu báo cáo, tài liệu kèm theo Báo cáo kết quả thẩm định giá theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07 và các quy định có liên quan.

- Đối với báo giá gửi kèm hồ sơ thẩm định giá phải bao gồm các nội dung như sau:

+ Tên đơn vị, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và xác nhận của đơn vị cung cấp (thông tin và chữ ký của người đại diện hợp pháp, đóng dấu);

+ Đơn giá, số lượng, thông số kỹ thuật chi tiết, địa điểm giao hàng của sản phẩm;

+ Ngày báo giá, hiệu lực của báo giá, thời hạn bảo hành sản phẩm.

2. Tiếp nhận hồ sơ giải quyết:

- Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quy trình này.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

3. Thời gian kiểm tra hồ sơ: Trong thời hạn từ 03 đến 05 ngày làm việc kể từ ngày bộ phận Một cửa của Sở Tài chính, công chức phụ trách thẩm định giá của Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận hồ sơ:

- Hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của quy trình thẩm định giá mua sắm tài sản nhà nước: Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo quy trình quy định tại Điều 4 Quyết định này.

- Trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo yêu cầu theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quy trình này hoặc hồ sơ đề nghị thẩm định giá không thuộc thẩm quyền phân công hoặc không thuộc phạm vi hoạt động của thẩm định giá nhà nước: Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan, đơn vị, tổ chức có đề nghị thẩm định giá yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc trả hồ sơ không thẩm định.

4. Số ngày giải quyết: 15 ngày làm việc (kể cả thời gian kiểm tra hồ sơ).

5. Nơi trả kết quả và cách thức trả kết quả: Tại bộ phận Một cửa của Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố hoặc theo đường bưu điện.

Điều 4. Quy trình thẩm định giá tài sản nhà nước

Công chức được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước của Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thẩm định giá tài sản nhà nước theo trình tự như sau:

Bước 1:

- Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá: Các đặc điểm cơ bản về pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản cần thẩm định tại thời điểm thẩm định giá.

- Xác định cơ sở giá trị của tài sản đề nghị thẩm định giá là giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.

- Xác định phương pháp thẩm định giá.

- Xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá; mục đích và thời điểm thẩm định giá.

- Các nguồn thông tin liên quan đến tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá cung cấp.

Bước 2: Khảo sát, thu thập thông tin

Các nguồn thông tin thu thập phục vụ cho quá trình thẩm định giá bao gồm: thông tin do cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá cung cấp; thông tin từ khảo sát thực tế; thông tin từ các nhà cung cấp được khảo sát bằng báo giá; thông tin từ các giao dịch mua bán trên thị trường; thông tin trên các phương tiện truyền thông; thông tin trên các văn bản thể hiện tính pháp lý về quyền chủ sở hữu về đặc tính kinh tế - kỹ thuật của tài sản, về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng, miền có liên quan đến tài sản,...

Các nguồn thông tin phải được kiểm chứng để bảo đảm độ tin cậy, chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin. Trường hợp khi tiến hành thẩm định giá nhưng phát hiện các thông tin đề nghị thẩm định giá không đầy đủ hoặc có nghi vấn phải báo cáo ngay cho thủ trưởng cơ quan thực hiện thẩm định giá yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá bổ sung hoặc xác minh, làm rõ.

Trong trường hợp cần thiết, đối với gói thầu có một hoặc nhiều mặt hàng được cung cấp độc quyền, đơn vị cung cấp khống chế giá, không có thông tin để so sánh giá các sản phẩm của gói thầu, giá trị các sản phẩm của gói thầu không phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm thẩm định giá: Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố hoặc người được phân công, ủy quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá và mời cơ quan chuyên ngành liên quan đến tài sản cần thẩm định giá phối hợp, tiến hành xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.

Việc thành lập Hội đồng thẩm định giá thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công thực hiện thẩm định giá của nhà nước đối với tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định giá, Biên bản họp Hội đồng thẩm định giá, Kết luận về kết quả thẩm định giá thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Quyết định này.

Bước 3: Phân tích thông tin

Là quá trình phân tích toàn bộ các thông tin thu thập được liên quan đến tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh để đánh giá tác động của các yếu tố đến kết quả thẩm định giá cuối cùng. Cụ thể:

- Phân tích những thông tin về đặc điểm của tài sản đề nghị thẩm định giá: pháp lý, vị trí, đặc điểm, tính năng, thông số kỹ thuật (nguồn thông tin do cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp).

- Phân tích những thông tin thu thập từ việc khảo sát thực tế, thông tin từ các nhà cung cấp được khảo sát bằng báo giá (nếu có).

- Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị tài sản đề nghị thẩm định giá (nếu có).

- Đối chiếu kết quả từ việc khảo sát thực tế, thu thập thông tin với thông tin về tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá cung cấp.

Bước 4: Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá

Dựa trên kết quả của quá trình phân tích thông tin để đưa ra kết luận cuối cùng về tài sản đề nghị thẩm định giá: phù hợp hay không phù hợp và phải thuyết minh rõ lý do, cơ sở đưa ra kết luận cuối cùng tại báo cáo kết quả thẩm định giá. Trường hợp giá trị của tài sản đề nghị thẩm định giá là không phù hợp, cần điều chỉnh giá trị phải nêu cụ thể giá trị của tài sản sau khi điều chỉnh.

Bước 5: Lập báo cáo kết quả thẩm định giá và văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá

a) Công chức được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước lập báo cáo kết quả thẩm định giá và văn bản trả lời về kết quả thẩm định của tài sản cần thẩm định giá trình Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố hoặc người được phân công, ủy quyền xem xét về mức giá thẩm định.

b) Báo cáo kết quả thẩm định giá, văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá tài sản nhà nước phải có các nội dung như sau:

- Thông tin về cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá.

- Thông tin về tài sản (hoặc gói thầu) đề nghị thẩm định giá.

- Mục đích thẩm định giá.

- Căn cứ pháp lý để thẩm định giá.

- Nguyên tắc, cơ sở thẩm định giá.

- Phương pháp thẩm định giá.

- Kết quả thẩm định giá.

- Những hạn chế của kết quả thẩm định giá và kiến nghị (nếu có).

c) Gửi văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thẩm định giá.

Điều 5. Hiệu lực của văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá

Văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá tài sản nhà nước của Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố có hiệu lực trong vòng 90 ngày kể từ ngày văn bản được phát hành.

Điều 6. Cơ sở dữ liệu thẩm định giá và chế độ báo cáo

Hằng quý (hoặc khi có yêu cầu của Sở Tài chính), Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo số liệu thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý về Sở Tài chính làm cơ sở báo cáo, cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thẩm định giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3132/QĐ-UBND năm 2017 về Quy trình thẩm định giá tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 3132/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản