Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3113/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04 tháng 8 năm 2017 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;
Căn cứ Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2010;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2789/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3113/QĐ-BTNMT ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về Mục đích, nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá và phân loại công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Quy chế này được áp dụng để đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động hợp đồng từ 12 tháng trở lên làm việc tại các đơn vị, tổ chức, trừ các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là công chức, viên chức).
1. Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu của công chức, viên chức về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; triển vọng phát triển của công chức, viên chức.
2. Có được thông tin khách quan để công chức, viên chức rèn luyện, phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và để cấp có thẩm quyền ra quyết định liên quan đến các vấn đề nhân sự như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, Điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức.
3. Xây dựng, phát triển nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp Phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và phục vụ Nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá và phân loại
1. Đúng thẩm quyền: công chức, viên chức do người đứng đầu đơn vị, tổ chức đánh giá hoặc cấp quản lý được người đứng đầu ủy quyền đánh giá; cấp nào, người nào thực hiện việc đánh giá thì đồng thời thực hiện việc phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Bảo đảm tính khách quan, công bằng, toàn diện, tính lịch sử cụ thể; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai đối với công chức, viên chức được đánh giá; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức.
3. Lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá. Chú trọng tính liên kết giữa kết quả công việc của công chức, viên chức với kết quả công việc chung của đơn vị, tổ chức.
Khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cần căn cứ vào nhiệm vụ (số lượng, khối lượng công việc) mà công chức, viên chức được phân công. Trong đó, cần xem xét những công việc được giao theo kế hoạch từ đầu năm và những công việc bổ sung, đột xuất trong năm; mức độ phức tạp, khó khăn của công việc được giao và các yếu tố khách quan khác; tỷ lệ khối lượng, chất lượng công việc của công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của đơn vị, tổ chức.
4. Việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của đơn vị, tổ chức được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức.
5. Đánh giá là một quá trình, không phải chỉ tập trung vào một sự kiện đánh giá cuối kỳ.
6. Đánh giá và các quyết định liên quan phải dựa trên các số liệu/dữ liệu có ý nghĩa, chính xác và kịp thời.
1. Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, những Điều công chức, viên chức không được làm theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
2. Chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức theo vị trí việc làm; kế hoạch công tác đã đăng ký thực hiện trong năm và các nhiệm vụ phát sinh (nếu có).
3. Chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được cấp có thẩm quyền phân công, giao lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
4. Tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
5. Đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ, ngoài các căn cứ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, còn phải căn cứ vào việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ được quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
6. Đối với viên chức, ngoài các căn cứ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, còn phải căn cứ vào việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký và quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức.
Điều 5. Tổ chức đăng ký và phân công thực hiện nhiệm vụ
1. Đăng ký thực hiện nhiệm vụ công tác hằng năm
a) Căn cứ chức trách, nhiệm vụ theo vị trí việc làm, nhiệm vụ được phân công thực hiện và tình hình công việc thực tế của đơn vị, tổ chức trong năm, công chức, viên chức đăng ký thực hiện nhiệm vụ với người đứng đầu cấp quản lý, sử dụng trực tiếp (theo mẫu M1, M2); bản đăng ký thực hiện nhiệm vụ công tác bao gồm các thông tin về người chủ trì, người phối hợp, thời gian thực hiện, sản phẩm dự kiến của nhiệm vụ và thông tin khác liên quan.
Công chức, viên chức thực hiện việc đăng ký bổ sung nhiệm vụ công tác năm với người đứng đầu cấp quản lý, sử dụng trực tiếp khi được Điều động công tác mới; được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mới hoặc được phân công phụ trách nhiệm vụ mới hoặc theo yêu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị;
b) Người đứng đầu cấp quản lý, sử dụng trực tiếp xem xét, xác nhận bản đăng ký nhiệm vụ công tác năm của công chức, viên chức; giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ đã đăng ký.
Bản đăng ký nhiệm vụ đã được xác nhận là cơ sở để đánh giá việc hoàn thành khối lượng, tiến độ và chất lượng công việc trong tháng, quý, năm;
c) Công chức, viên chức không đăng ký thực hiện nhiệm vụ công tác trong năm theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền sẽ bị xem xét phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
d) Thời hạn hoàn thành việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ công tác năm:
- Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ hoàn thành Bản đăng ký nhiệm vụ công tác năm của cá nhân và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 31 tháng 01 hằng năm.
- Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ tổ chức hướng dẫn công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng thực hiện đăng ký và xác nhận theo thẩm quyền bản đăng ký nhiệm vụ công tác năm trong tháng 01 hằng năm.
- Các đơn vị trực thuộc Bộ gửi báo cáo kết quả triển khai của đơn vị về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 15 tháng 02 hằng năm.
2. Việc phân công, phân nhiệm thực hiện nhiệm vụ
a) Người đứng đầu đơn vị, tổ chức cần thực hiện việc phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với cấp phó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức;
b) Người đứng đầu đơn vị, tổ chức phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với từng công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức theo nguyên tắc không bỏ sót, không trùng lắp nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức;
c) Việc phân công, phân nhiệm thực hiện nhiệm vụ phải được thể hiện bằng văn bản của đơn vị.
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, đánh giá thứ trưởng theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; nhận xét, đánh giá người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ và quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ theo quy định.
2. Người đứng đầu đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có con dấu, có tổ chức trực thuộc trực tiếp đánh giá và quyết định kết quả đánh giá đối với cấp phó của người đứng đầu và người đứng đầu các tổ chức trực thuộc (trừ trường hợp được quy định tại Khoản 6 Điều này).
3. Người đứng đầu đơn vị, tổ chức thuộc Bộ không có con dấu, có tổ chức trực thuộc; không có con dấu và không có tổ chức trực thuộc trực tiếp đánh giá và thừa ủy quyền cấp trên trực tiếp quyết định kết quả đánh giá đối với cấp phó của người đứng đầu, người đứng đầu các tổ chức trực thuộc và công chức, viên chức thuộc đơn vị, tổ chức.
Ví dụ:
- Vụ trưởng các Vụ trực thuộc Bộ đánh giá Phó Vụ trưởng, các Trưởng phòng và công chức thuộc Vụ, thừa ủy quyền Bộ trưởng phê duyệt kết quả đánh giá.
- Vụ trưởng các Vụ trực thuộc Tổng cục trực thuộc Bộ đánh giá Phó Vụ trưởng và công chức thuộc vụ; thừa ủy quyền Tổng cục trưởng phê duyệt kết quả đánh giá Phó Vụ trưởng và công chức thuộc Vụ.
4. Người đứng đầu đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có con dấu, không có tổ chức trực thuộc trực tiếp đánh giá, quyết định kết quả đánh giá đối với cấp phó của người đứng đầu và công chức, viên chức trong đơn vị, tổ chức.
5. Người đứng đầu cấp phòng hoặc tương đương thuộc đơn vị thuộc Bộ giúp người đứng đầu cấp trên trực tiếp đánh giá cấp phó, công chức, viên chức trong phòng về những nội dung do phòng chỉ đạo và theo dõi; báo cáo kết quả đánh giá lên người đứng đầu cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định kết quả đánh giá.
Ví dụ:
- Trưởng phòng thuộc Vụ trực thuộc Bộ trực tiếp đánh giá các công chức trong phòng về những nội dung do phòng chỉ đạo và theo dõi (như ý thức chấp hành kỷ luật, phối hợp công tác...) và báo cáo Vụ trưởng để Vụ trưởng quyết định và thừa ủy quyền Bộ trưởng xác nhận kết quả đánh giá.
- Trưởng phòng trực thuộc Cục trực thuộc Bộ hoặc Cục trực thuộc Tổng cục trực tiếp đánh giá Phó Trưởng phòng, công chức trong Phòng và báo cáo Cục trưởng để Cục trưởng quyết định và xác nhận kết quả đánh giá.
6. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trường hợp theo phân cấp quản lý, cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu đơn vị, tổ chức tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cấp phó của mình của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.
1. Trách nhiệm nhận xét, đánh giá người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ
a) Các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm nhận xét, đánh giá người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ theo các nội dung quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gửi văn bản nhận xét, đánh giá về Vụ Tổ chức cán bộ trước 15 tháng 12 hằng năm để phục vụ việc nhận xét, đánh giá người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ tại hội nghị đánh giá công chức đối với người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ.
b) Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
- Thực hiện trách nhiệm giúp Bộ trưởng nhận xét, đánh giá người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;
- Giúp Bộ trưởng tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Bộ;
- Tổ chức xử lý, tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá của các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân khác (nếu có) để tham mưu với lãnh đạo Bộ về kết quả đánh giá người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ.
2. Trách nhiệm nhận xét, đánh giá các đối tượng công chức, viên chức khác
a) Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ nhận xét, đánh giá cấp phó của người đứng đầu và người đứng đầu tổ chức trực thuộc.
b) Cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ tham gia nhận xét, đánh giá người đứng đầu các tổ chức trực thuộc đơn vị được phân công phụ trách.
c) Người đứng đầu tổ chức trực thuộc đơn vị trực thuộc Bộ nhận xét, đánh giá cấp phó của người đứng đầu và người đứng đầu các phòng và tổ chức tương đương trực thuộc tổ chức.
d) Người đứng đầu các phòng và tương đương trực thuộc tổ chức trực thuộc đơn vị trực thuộc Bộ nhận xét, đánh giá cấp phó của người đứng đầu và công chức, viên chức thuộc quyền trực tiếp quản lý, sử dụng.
đ) Công chức, viên chức trong đơn vị, tổ chức thuộc Bộ tự nhận xét, đánh giá và tham gia góp ý kiến đánh giá công chức, viên chức cùng làm việc trong đơn vị, tổ chức.
3. Người đứng đầu cấp có thẩm quyền quyết định kết quả đánh giá công chức, viên chức có thể tham khảo ý kiến của các cá nhân, tổ chức dưới đây trước khi phê duyệt kết quả:
a) Ý kiến nhận xét của người đứng đầu đơn vị, tổ chức mà công chức, viên chức được phân công theo dõi, phụ trách đơn vị, tổ chức.
Ví dụ: Vụ trưởng trực thuộc Bộ tham khảo ý kiến của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ để nhận xét, đánh giá Phó Vụ trưởng hoặc Chuyên viên của Vụ.
b) Ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với người được đánh giá.
- Ví dụ: Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ theo thẩm quyền, tổ chức lấy ý kiến bằng Phiếu của các tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công về cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính đối với công chức, viên chức được giao xử lý, giải quyết công việc.
c) Ý kiến nhận xét của các tổ chức Đảng, đoàn thể cùng cấp (Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh).
4. Công chức, viên chức khi chuyển công tác thì đơn vị, tổ chức mới có trách nhiệm đánh giá, phân loại kết hợp với ý kiến nhận xét của đơn vị, tổ chức cũ (đối với trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị, tổ chức mới dưới 06 tháng).
1. Đánh giá định kỳ hằng năm
a) Thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hằng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.
Đối với các Trường trực thuộc Bộ, thời điểm đánh giá Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng do Bộ trưởng quyết định; thời điểm đánh giá công chức, viên chức, người lao động thuộc Trường do Hiệu trưởng Trường quyết định.
b) Thời điểm hoàn thành việc đánh giá định kỳ hằng năm (trừ các Trường trực thuộc Bộ):
- Các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Bộ tổ chức hội nghị đánh giá người đứng đầu đơn vị; hoàn thành trước ngày 15 tháng 01 năm sau.
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ phải hoàn thành việc đánh giá công chức, viên chức của đơn vị mình trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
- Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Bộ trưởng phê duyệt kết quả đánh giá người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ; hoàn thành trong tháng 01 năm sau.
2. Đơn vị, tổ chức có trách nhiệm đánh giá công chức, viên chức trước khi quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, Điều động, thi nâng ngạch, hết thời gian tập sự, khen thưởng, kỷ luật.
3. Đánh giá theo tháng, quý trong năm hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền:
a) Căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức và yêu cầu của công tác chỉ đạo, Điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, việc đánh giá công chức, viên chức được tiến hành theo tháng, quý hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
b) Việc đánh giá (nhận xét về kết quả và/hoặc cách thức thực hiện công việc, Điều chỉnh các Mục tiêu công việc trong kỳ) theo tháng, quý được thực hiện và thông báo kết quả khi tổ chức các hội nghị, cuộc họp giao ban công tác của đơn vị, tổ chức.
1. Không thực hiện đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với những công chức, viên chức chỉ có thời gian làm việc tại đơn vị, tổ chức dưới 6 tháng (cộng dồn) trong năm.
2. Không thực hiện đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức và người lao động chỉ có thời gian làm việc tại tổ chức, đơn vị dưới 6 tháng (cộng dồn) trong năm do mới được tuyển dụng hoặc do nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương, nghỉ việc riêng...
Trừ những trường hợp chuyển công tác từ đơn vị khác đến, hoặc được cấp có thẩm quyền cử đi học tập trung, thì người đứng đầu tổ chức, đơn vị căn cứ vào nhận xét, đánh giá trong thời gian làm việc tại đơn vị cũ hoặc kết quả học tập của công chức, viên chức, người lao động và thời gian làm việc thực tế tại tổ chức, đơn vị trong năm để đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức, người lao động.
3. Đối với đối tượng công chức, viên chức nữ nếu trong năm, có thời gian nghỉ thai sản, nghỉ hằng năm theo quy định cộng với thời gian công tác tại đơn vị, tổ chức (sau đây gọi tắt là thời gian làm việc) đủ 12 tháng thì thực hiện đánh giá, phân loại như đối với các trường hợp có thời gian làm việc đủ 12 tháng trong năm.
ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC
Điều 10. Nội dung đánh giá công chức
1. Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc
a) Tư tưởng chính trị
- Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
- Quan điểm, bản lĩnh, lập trường chính trị.
- Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
b) Đạo đức, lối sống
- Lối sống, tác phong làm việc tại nơi công tác và nơi cư trú.
- Thực hiện tinh thần tự phê bình và phê bình đối với đảng viên và quần chúng tại đơn vị.
- Việc thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Tinh thần đoàn kết nội bộ.
c) Tác phong, lề lối làm việc
- Tinh thần, thái độ trách nhiệm đối với công việc.
- Phương pháp, cách thức tổ chức và thực hiện công việc.
- Tinh thần hợp tác, phối hợp, hướng dẫn giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
d) Ý thức tổ chức kỷ luật
- Việc tuân thủ những Điều Đảng viên, công chức không được làm.
- Việc chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Việc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
- Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên.
- Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
2. Năng lực, trình độ chuyên môn; tinh thần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn.
b) Khả năng tư duy, tổng hợp, dự báo, tham mưu giải quyết công việc bảo đảm chất lượng, tiến độ; đặc biệt là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm.
c) Kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, chức vụ (qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tự đào tạo... ) và ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong công tác.
3. Khối lượng, tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ
a) Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác hằng năm của cá nhân.
b) Kết quả công việc thực hiện trong năm. Những công việc đã giải quyết đúng hạn; những việc giải quyết còn chậm, gặp khó khăn hoặc chưa giải quyết.
c) Những văn bản, kế hoạch, công trình, đề án, đề tài đã chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo (nếu có).
d) Những đề xuất, sáng kiến được chấp nhận, thực hiện.
đ) Việc giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
4. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ
a) Tinh thần trách nhiệm trong công tác; thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị và quy định của pháp luật; thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
b) Mối quan hệ, phối hợp công tác giữa công chức trong cơ quan với các đơn vị, tổ chức khác.
5. Thái độ phục vụ Nhân dân
a) Thái độ tích cực, tinh thần phục vụ trong tiếp xúc, làm việc, giải quyết công việc; lắng nghe ý kiến của tổ chức và công dân.
b) Giải quyết hồ sơ đúng quy định, không gây phiền hà, khó khăn cho người đề nghị giải quyết.
6. Chiều hướng và triển vọng phát triển
a) Đánh giá lĩnh vực công chức có khả năng phát huy tốt năng lực, sở trường.
b) Tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
c) Xác định chuyên môn, lĩnh vực cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo.
7. Việc đánh giá công chức được thực hiện theo các nội dung quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này, nhưng cần có sự Điều chỉnh linh hoạt về nội dung trọng tâm cần đánh giá, bảo đảm phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng nhóm đối tượng công chức theo vị trí việc làm trong đơn vị, tổ chức và phù hợp với tình hình thực tế của từng năm.
Điều 11. Nội dung đánh giá đối với công chức lãnh đạo, quản lý
Ngoài những quy định tại Điều 10 Quy chế này, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
1. Kết quả hoạt động của đơn vị, tổ chức được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách hoặc Điều hành (theo báo cáo tổng kết công tác cuối năm của đơn vị, tổ chức và đánh giá của cấp quản lý trực tiếp).
2. Năng lực tổ chức, chỉ đạo, Điều hành, quản lý đơn vị, tổ chức (thể hiện ở kết quả công tác, mức độ uy tín của đơn vị, tổ chức qua đánh giá của các bên liên quan).
3. Kết quả tham mưu, hoạch định, cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn kiểm tra các chủ trương, chính sách, kế hoạch trong phạm vi lĩnh vực, mặt công tác được phân công.
4. Kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền.
5. Năng lực tập hợp, đoàn kết, quy tụ công chức trong thực hiện nhiệm vụ chung; mức độ tín nhiệm trong và ngoài đơn vị, tổ chức.
6. Các nhiệm vụ khác được lãnh đạo trực tiếp giao.
7. Ngoài những nội dung đánh giá được quy định tại Điều 10 Quy chế này và các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, và 6 Điều này, công chức lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ còn được đánh giá theo các nội dung về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu quy định tại Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
8. Ngoài những nội dung đánh giá được quy định tại Điều 10 Quy chế này và các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này, công chức chuyên trách công tác Đảng - đoàn thể còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Kết quả tổ chức học tập, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định,... của Đảng, đoàn thể.
b) Tổ chức các nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, đoàn thể và các quy định của Đảng và Nhà nước có liên quan.
9. Ngoài những quy định tại các Điều 10 và 11 (trừ Khoản 8 Điều 11) Quy chế này, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ còn được đánh giá theo các nội dung thuộc trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Điều 12. Tiêu chí phân loại đánh giá công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
1. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Không vi phạm các nội dung đánh giá được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này.
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
c) Có thái độ tích cực, tinh thần phục vụ trong tiếp xúc, làm việc, giải quyết công việc; lắng nghe ý kiến của tổ chức và công dân.
d) Có tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
đ) Hoàn thành 100% Mục tiêu công việc với chất lượng, hiệu quả cao, đúng tiến độ theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký và các nhiệm vụ đột xuất được giao.
e) Có giải pháp công tác, sáng kiến cải tiến trong công việc được người đứng đầu đơn vị, tổ chức sử dụng công chức đó hoặc bộ, ngành, địa phương công nhận; hoặc trong năm bảo vệ thành công 01 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước được hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc; hoặc chủ trì thực hiện hoàn thành ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc 01 văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của đơn vị, tổ chức.
2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Thực sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật.
c) Đơn vị, tổ chức hoặc lĩnh vực được phân công quản lý, Điều hành hoặc phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó, ít nhất 50% chỉ tiêu (nhiệm vụ) cơ bản hoàn thành vượt mức. 100% các đơn vị, tổ chức thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm; trong đó, ít nhất 70% đơn vị, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
d) Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đạt được các tiêu chí quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này và tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
- Không bị xử lý vi phạm về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Các nội dung, yêu cầu, tiêu chí về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đều hoàn thành với chất lượng, hiệu quả cao, đúng tiến độ.
Điều 13. Tiêu chí phân loại đánh giá công chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ
1. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 12 Quy chế này.
b) Hoàn thành 100% Mục tiêu công việc với chất lượng, hiệu quả cao, đúng tiến độ theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký và trên 70% các nhiệm vụ đột xuất được giao.
2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật.
c) Đơn vị, tổ chức hoặc lĩnh vực được phân công quản lý, Điều hành hoặc phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó, ít nhất 80% hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. 100% các đơn vị, tổ chức thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm.
d) Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đạt được các tiêu chí quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này và tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
- Không bị xử lý vi phạm về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Các nội dung, yêu cầu, tiêu chí về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đều hoàn thành bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
1. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không vi phạm các tiêu chí quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 Điều 10 Quy chế này; hoàn thành các Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác cá nhân đã đăng ký, nhưng có tối đa 20% chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp và có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực:
a) Tinh thần, thái độ trách nhiệm đối với công việc chưa cao;
b) Thiếu tinh thần hợp tác, phối hợp giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp;
c) Không thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên theo quy định.
2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không vi phạm tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này và có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực:
a) Hoàn thành các Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác cá nhân đã đăng ký, nhưng có tối đa 20% chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp.
b) Đơn vị, tổ chức hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành từ 70% đến dưới 100% Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác năm.
c) Công tác lãnh đạo, quản lý Điều hành thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức chậm tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo yêu cầu.
d) Đơn vị, tổ chức, lĩnh vực được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách xảy ra mất đoàn kết.
3. Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ không vi phạm tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này; không bị xử lý vi phạm về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực:
a) Có một trong các tiêu chí quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này;
b) Các nội dung, yêu cầu, tiêu chí về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đều hoàn thành nhưng có tối đa 20% chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp.
Điều 15. Tiêu chí phân loại đánh giá công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ
1. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Hoàn thành dưới 70% Mục tiêu công việc theo kế hoạch công tác năm đã đăng ký.
b) Vi phạm nội dung đánh giá về ý thức tổ chức kỷ luật được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 10 Quy chế này.
c) Cấp có thẩm quyền quản lý công chức (theo phân cấp quản lý của Bộ, của đơn vị) đánh giá là có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
d) Cá nhân bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Có một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Liên quan trực tiếp đến tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí tại đơn vị, tổ chức, lĩnh vực được phân công phụ trách và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Đơn vị, tổ chức hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch công tác năm.
d) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có sai phạm đến mức phải có biện pháp khắc phục.
đ) Đơn vị, tổ chức hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
3. Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Có một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Có từ 02 lần trở lên bị phê bình công khai bằng văn bản do vi phạm về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;
c) Có trên 30% chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ bị đánh giá không hoàn thành;
d) Bị xử lý vi phạm về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dưới một trong các hình thức sau:
- Bị xử lý vi phạm trong việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng.
- Tạm đình chỉ chức vụ để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm.
- Không bổ nhiệm lại (nếu đến thời hạn bổ nhiệm lại).
- Điều động, phân công công tác khác.
ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI VIÊN CHỨC
Điều 16. Nội dung đánh giá viên chức
1. Viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ ở ngạch công chức thì đánh giá và phân loại theo các nội dung, tiêu chí quy định đối với công chức tại Chương II Quy chế này.
Ví dụ:
Viên chức làm việc tại Văn phòng, phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Kế hoạch - Tài chính của các đơn vị sự nghiệp thì đánh giá theo quy định đối với công chức (Mẫu M3).
2. Viên chức còn lại được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc thì đánh giá theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quy chế này.
b) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp
- Việc tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của lĩnh vực của đơn vị, tổ chức nơi viên chức công tác.
- Các thiếu sót, hạn chế cần sửa chữa, thay đổi cho phù hợp với các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
c) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết được thể hiện ở khối lượng, chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện công việc
- Kết quả công việc thực hiện trong năm theo vị trí việc làm và kế hoạch công tác của đơn vị. Những công việc đã giải quyết đúng hạn; những việc giải quyết còn chậm hoặc chưa giải quyết.
- Những văn bản, kế hoạch, công trình, đề án, đề tài đã chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo (nếu có).
- Những đề xuất được chấp nhận, thực hiện.
- Việc giải quyết các kiến nghị của người dân, cơ quan, đơn vị, khách hàng... bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng.
- Việc tuân thủ các thoả thuận trong hợp đồng làm việc đã ký.
d) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử của viên chức
- Tinh thần trách nhiệm trong công tác; thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
- Thái độ tích cực, tinh thần phục vụ trong tiếp xúc, làm việc, giải quyết công việc với người dân; lắng nghe ý kiến của tổ chức và công dân. Giải quyết hồ sơ đúng quy định, không gây phiền hà, khó khăn cho người đề nghị giải quyết.
- Tinh thần hợp tác trong giải quyết công việc giữa viên chức trong đơn vị, tổ chức và với các cá nhân, tổ chức khác.
- Việc chấp hành nội quy, quy tắc ứng xử của viên chức trong đơn vị, tổ chức.
đ) Chiều hướng và triển vọng phát triển
- Đánh giá lĩnh vực viên chức có khả năng phát huy tốt năng lực, sở trường.
- Tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Xác định chuyên môn, lĩnh vực cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo.
3. Đối với viên chức quản lý ngoài những quy định ở Khoản 2 Điều này còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Kết quả hoạt động của đơn vị, tổ chức.
b) Khả năng tổ chức, chỉ đạo, Điều hành, quản lý đơn vị, tổ chức.
c) Tinh thần hợp tác, phối hợp với đơn vị khác trong và ngoài cơ quan.
d) Năng lực tập hợp, đoàn kết, quy tụ viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chung; mức độ tín nhiệm với viên chức trong đơn vị, tổ chức.
Ngoài ra, viên chức quản lý là người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ còn được đánh giá theo các nội dung về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu quy định tại Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
4. Ngoài những quy định tại các Khoản 2, 3 Điều này, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ (được xác định là viên chức) còn được đánh giá theo các nội dung thuộc trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ quy định tại Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Điều 17. Tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Không vi phạm các nội dung đánh giá được quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 Điều 16 Quy chế này.
b) Hoàn thành 100% Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả công việc. Có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
c) Có sáng kiến cải tiến trong công việc được người đứng đầu đơn vị, tổ chức sử dụng viên chức đó công nhận hoặc bộ, ngành, địa phương công nhận; hoặc bảo vệ thành công 01 đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc; hoặc chủ trì thực hiện hoàn thành 01 văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của đơn vị, tổ chức.
2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
c) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong công tác Điều hành, tổ chức thực hiện công việc.
d) Đơn vị, tổ chức được phân công phụ trách hoàn thành 100% Mục tiêu công việc theo kế hoạch công tác năm, có chất lượng, hiệu quả.
Điều 18. Tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Không vi phạm các nội dung đánh giá được quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 Điều 16 Quy chế này.
b) Hoàn thành 100% Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc. Có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
c) Đơn vị, tổ chức được phân công phụ trách hoàn thành 100% khối lượng công việc theo kế hoạch công tác năm, có chất lượng, hiệu quả.
Điều 19. Tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Không vi phạm các nội dung đánh giá được quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 Điều 16 Quy chế này.
b) Hoàn thành từ 70% đến dưới 100% công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; trong đó, có công việc còn chậm về tiến độ, hạn chế về chất lượng. Có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Nghiêm túc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, nhưng hiệu quả đạt được còn hạn chế.
- Đơn vị, tổ chức được phân công phụ trách hoàn thành từ 70% đến dưới 100% khối lượng công việc theo kế hoạch công tác năm.
Điều 20. Tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi có một trong các tiêu chí sau đây:
a) Hoàn thành dưới 70% Mục tiêu công việc theo Chương trình, kế hoạch công tác đã đăng ký hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;
b) Vi phạm nội dung đánh giá về ý thức tổ chức kỷ luật được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 10 Quy chế này;
c) Cấp có thẩm quyền quản lý viên chức (theo phân cấp quản lý của Bộ, của đơn vị) đánh giá là có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;
d) Cá nhân bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
2. Viên chức quản lý vi phạm một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Vi phạm một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Chưa nghiêm túc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
c) Việc quản lý, Điều hành thực hiện công việc hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc.
d) Để xảy ra các vụ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật trong đơn vị, tổ chức được giao quản lý.
đ) Đơn vị, tổ chức được phân công phụ trách hoàn thành dưới 70% Mục tiêu công việc theo kế hoạch công tác năm.
Điều 21. Đánh giá đối với người lao động hợp đồng
Người đứng đầu đơn vị có người lao động hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên tổ chức, hướng dẫn, đánh giá người lao động theo các nội dung đã cam kết trong hợp đồng đã ký kết.
Việc tổ chức đánh giá người lao động kết hợp với đánh giá công chức, viên chức hằng năm.
Điều 22. Đánh giá định kỳ hằng năm
1. Quy trình đánh giá đối với công chức, viên chức là người đứng đầu các đơn vị, tổ chức
a) Công chức tự nhận xét, đánh giá theo nội dung quy định tại các Điều 10 và 11 Quy chế này (Mẫu M3); viên chức tự nhận xét, đánh giá theo nội dung quy định tại Điều 16 Quy chế này (Mẫu M4).
b) Đơn vị (tổ chức) tổ chức hội nghị công chức, viên chức (hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt) tham gia góp ý; ý kiến góp ý được lập thành biên bản và thông qua tại hội nghị.
- Chủ trì hội nghị:
+ Đối với công chức, viên chức là người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách đơn vị chủ trì; cùng dự có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ trực thuộc Bộ.
+ Đối với công chức, viên chức là người đứng đầu tổ chức trực thuộc đơn vị trực thuộc Bộ do đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì; cùng dự có đại diện lãnh đạo và một chuyên viên cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền.
- Thành Phần hội nghị:
+ Đơn vị, tổ chức có số lượng công chức, viên chức dưới 50 người, thành Phần hội nghị gồm toàn bộ công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức và người lao động hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
+ Đơn vị, tổ chức có số lượng công chức, viên chức trên 50 người, thành Phần hội nghị (hội nghị cán bộ chủ chốt) gồm có: lãnh đạo, cấp ủy đảng, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đơn vị, tổ chức; lãnh đạo các tổ chức trực thuộc đơn vị, tổ chức; lãnh đạo văn phòng các tổ chức đảng, đoàn thể đơn vị, tổ chức (nếu có); chuyên viên chính và tương đương, tiến sỹ, phó giáo sư trở lên thuộc các vụ, phòng, ban giúp việc người đứng đầu đơn vị, tổ chức và văn phòng các tổ chức đảng, đoàn thể đơn vị, tổ chức (nếu có).
Các hội nghị đánh giá phải có ít nhất 2/3 số công chức, viên chức được triệu tập dự họp.
- Nội dung hội nghị:
Công chức, viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác; công chức, viên chức trong đơn vị, tổ chức tham gia góp ý kiến nhận xét, đánh giá người đứng đầu đơn vị, tổ chức.
c) Cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức, viên chức công tác có ý kiến đánh giá, nhận xét bằng văn bản về công chức, viên chức được đánh giá, phân loại (Mẫu M5).
d) Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến góp ý, nhận xét, đánh giá đối với công chức, viên chức tham gia tại các Điểm b và c Khoản này; ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú; kết quả đánh giá theo tuần, tháng, năm và ý kiến nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác (nếu có) để đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá và xếp loại đối với công chức, viên chức để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp hồ sơ đánh giá, tập hợp ý kiến tham gia tại các Điểm b, c Khoản này; ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú; kết quả đánh giá theo tháng, năm và ý kiến nhận xét, đánh giá của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Quy chế này để đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá và mức xếp loại, báo cáo Thứ trưởng phụ trách đơn vị xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
2. Quy trình đánh giá đối với công chức, viên chức là cấp phó của người đứng đầu đơn vị, tổ chức và công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ
a) Công chức tự nhận xét, đánh giá theo nội dung quy định tại các Điều 10 và 11 Quy chế này (Mẫu M3); viên chức tự nhận xét, đánh giá theo nội dung quy định tại Điều 19 Quy chế này (Mẫu M4).
b) Đơn vị, tổ chức tổ chức hội nghị công chức, viên chức (hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt) tham gia góp ý; ý kiến góp ý được lập thành biên bản và thông qua tại cuộc họp.
- Chủ trì hội nghị: người đứng đầu đơn vị, tổ chức.
- Thành Phần Hội nghị:
+ Đơn vị, tổ chức có số lượng công chức, viên chức dưới 50 người, hội nghị đánh giá cấp phó của người đứng đầu đơn vị, tổ chức được thực hiện cùng với việc nhận xét, đánh giá toàn thể công chức, viên chức, người lao động hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên trong đơn vị, tổ chức.
+ Đơn vị, tổ chức có số lượng công chức, viên chức trên 50 người, hội nghị đánh giá cấp phó của người đứng đầu đơn vị, tổ chức, được thực hiện tại hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị, tổ chức với thành Phần như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
- Nội dung hội nghị: công chức, viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác; công chức, viên chức trong đơn vị, tổ chức tham gia góp ý kiến nhận xét, đánh giá đối với người được đánh giá.
c) Đối với công chức, viên chức là cấp phó của người đứng đầu đơn vị, tổ chức thì cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức, viên chức công tác có ý kiến đánh giá, nhận xét bằng văn bản về công chức, viên chức (Mẫu M5).
d) Người đứng đầu đơn vị, tổ chức nhận xét về kết quả công tác của cấp phó của người đứng đầu đơn vị, tổ chức, công chức, viên chức; tham khảo kết quả đánh giá của tập thể công chức, viên chức trong đơn vị; ý kiến tham gia của cấp ủy đảng tại Điểm c Khoản này và ý kiến nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác (nếu có) để quyết định phân loại đánh giá công chức, viên chức.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trường hợp theo phân cấp quản lý, cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu đơn vị, tổ chức tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cấp phó của mình của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.
1. Đánh giá công chức, viên chức trước khi quy hoạch:
a) Tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị, tổ chức nơi công chức, viên chức công tác nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức (trong Khoảng thời gian ít nhất 02 năm công tác liên tục gần nhất).
b) Người đứng đầu đơn vị (tổ chức) trực tiếp sử dụng công chức, viên chức nhận xét đánh giá.
c) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá công chức, viên chức để trình cấp có thẩm quyền quy hoạch đánh giá, quyết định.
2. Đánh giá công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm:
a) Công chức, viên chức tự nhận xét, đánh giá bằng văn bản việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong 05 năm công tác liên tục gần nhất (có thể sử dụng Mẫu M3 (đối với công chức), Mẫu M4 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Quy chế này), có xác nhận của đơn vị (tổ chức) quản lý, sử dụng công chức, viên chức;
b) Người đứng đầu đơn vị (tổ chức) trực tiếp sử dụng công chức, viên chức nhận xét đánh giá.
c) Lấy ý kiến cấp ủy (tổ chức đảng cơ sở) nơi công chức, viên chức (là đảng viên) công tác, trong đó có ý kiến kết luận về bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của công chức, viên chức tại thời điểm lấy ý kiến;
d) Lấy ý kiến cấp ủy nơi cư trú hoặc tổ dân phố, thôn,... nơi không có tổ chức đảng nhận xét. Trường hợp công chức, viên chức không phải là đảng viên thì lấy ý kiến nhận xét của tổ dân phố, thôn nơi công chức, viên chức cư trú.
đ) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến nhận xét và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá công chức, viên chức để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Đánh giá công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm lại:
a) Công chức, viên chức tự nhận xét, đánh giá bằng văn bản việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức vụ (có thể sử dụng Mẫu M3 (đối với công chức), Mẫu M4 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Quy chế này), có xác nhận của đơn vị (tổ chức) quản lý, sử dụng công chức, viên chức;
b) Người đứng đầu đơn vị (tổ chức) trực tiếp sử dụng công chức, viên chức nhận xét đánh giá.
c) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến nhận xét và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá công chức, viên chức để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Đánh giá công chức, viên chức trước khi cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, Điều động, thi nâng ngạch, hết thời gian tập sự
a) Công chức, viên chức tự nhận xét, đánh giá bằng văn bản việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (có thể sử dụng Mẫu M3 (đối với công chức), Mẫu M4 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Quy chế này), có xác nhận của đơn vị (tổ chức) quản lý, sử dụng công chức, viên chức;
b) Người đứng đầu đơn vị (tổ chức) trực tiếp sử dụng công chức, viên chức nhận xét đánh giá.
c) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến nhận xét và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá công chức, viên chức để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Đánh giá công chức, viên chức trước khi khen thưởng, kỷ luật;
a) Đánh giá công chức, viên chức trước khi khen thưởng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
b) Đánh giá công chức, viên chức trước khi kỷ luật thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định khác của pháp luật.
Điều 24. Đánh giá theo tuần, tháng, quý trong năm hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền
1. Định kỳ hàng tuần, tháng, quý, người đứng đầu đơn vị, tổ chức thực hiện việc nhận xét, đánh giá công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình một cách chính thức hoặc không chính thức. Có thể kết hợp với việc tổ chức hội nghị hoặc cuộc họp giao ban công tác của đơn vị, tổ chức, cụ thể như sau:
a) Căn cứ yêu cầu của công tác chỉ đạo, Điều hành, người đứng đầu đơn vị, tổ chức có thể yêu cầu tất cả hoặc một số công chức, viên chức trình bày báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
b) Người đứng đầu đơn vị, tổ chức và các công chức, viên chức dự họp nêu ý kiến nhận xét, đánh giá (đối với công chức, viên chức được yêu cầu báo cáo hoặc với các công chức, viên chức khác).
c) Bộ phận/cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ hoặc bộ phận/cán bộ làm công tác tổng hợp (bộ phận văn phòng) của cấp có thẩm quyền ghi chép, tổng hợp các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với công chức, viên chức làm cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo, Điều hành và xem xét phân loại đánh giá công chức, viên chức vào cuối năm.
2. Tùy thuộc Điều kiện cụ thể của từng đơn vị, tổ chức, người đứng đầu đơn vị, tổ chức chủ động thống nhất với cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể cùng cấp quy định cụ thể về cách thức tổ chức thực hiện và sử dụng kết quả đánh giá công chức, viên chức theo tuần, tháng, quý bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả của công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức.
Điều 25. Hình thức tổ chức lấy ý kiến đánh giá, nhận xét
1. Khi thực hiện đánh giá cuối năm, ngoài hình thức triệu tập công chức, viên chức dự hội nghị, người đứng đầu đơn vị, tổ chức có thể báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức hội nghị trực tuyến qua cầu truyền hình, internet, điện thoại theo Điều kiện cụ thể của đơn vị.
2. Trong quá trình thực hiện đánh giá công chức, viên chức theo quy định tại Quy chế này, các đơn vị, tổ chức có thể sử dụng các văn bản điện tử (có chữ ký số) hoặc gửi nhận qua thư điện tử công vụ để lấy ý kiến đánh giá trên môi trường điện tử nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm trong công tác đánh giá và phân loại công chức, viên chức.
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ
Điều 26. Thông báo kết quả đánh giá, phân loại hằng năm
1. Người đứng đầu đơn vị, tổ chức thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại cho công chức, viên chức được đánh giá biết bằng văn bản và công khai kết quả xếp loại để công chức, viên chức trong đơn vị, tổ chức được biết trong thời hạn chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi tổ chức hội nghị đánh giá.
2. Vụ Tổ chức cán bộ thông báo ý kiến của lãnh đạo Bộ nhận xét, đánh giá, xếp loại người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ chậm nhất trước ngày 15 tháng 02 năm sau.
3. Quyền bảo lưu ý kiến và giải quyết khiếu nại về đánh giá công chức, viên chức hằng năm:
a) Công chức, viên chức có quyền được trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo lên cấp có thẩm quyền những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân mình, nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.
b) Khi có khiếu nại về đánh giá công chức, viên chức thì người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng công chức, viên chức có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo bằng văn bản đến người khiếu nại.
Điều 27. Thời gian nộp báo cáo kết quả đánh giá hằng năm
1. Người đứng đầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ báo cáo kết quả nhận xét, đánh giá công chức, viên chức với cấp trên quản lý trực tiếp theo mẫu M6.
2. Trước ngày 31 tháng 01 năm sau, các đơn vị trực thuộc Bộ tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá công chức, viên chức (Mẫu M6) về Vụ Tổ chức cán bộ trực thuộc Bộ để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban cán sự đảng Bộ và Bộ Nội vụ theo quy định.
Điều 28. Quản lý hồ sơ, tài liệu đánh giá hằng năm
1. Hồ sơ đánh giá công chức, viên chức được lưu vào hồ sơ công chức, viên chức bao gồm:
a) Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức, viên chức (Mẫu M3 hoặc M4) có ý kiến nhận xét, đánh giá, xếp loại của người đứng đầu đơn vị, tổ chức.
b) Hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, phân loại (nếu có).
2. Hồ sơ đánh giá công chức, viên chức được gửi cho đơn vị, tổ chức quản lý cán bộ để lưu hồ sơ theo phân cấp quản lý cán bộ như sau:
a) Hồ sơ đánh giá cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ; công chức thuộc các Vụ trực thuộc Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể được gửi về Vụ Tổ chức cán bộ trực thuộc Bộ chậm nhất là 20 ngày làm việc sau khi tổ chức hội nghị đánh giá.
b) Các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ tổ chức lưu giữ hồ sơ đánh giá công chức, viên chức theo quy định về quản lý hồ sơ công chức, viên chức.
3. Các đơn vị, tổ chức sau khi hoàn thành đánh giá công chức, viên chức định kỳ hằng năm thực hiện xác thực kết quả đánh giá bằng chữ ký số và cập nhật ngay vào hệ thống thông tin quản lý công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức để phục vụ công tác quản lý công chức, viên chức.
Điều 28. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ
1. Chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy chế này; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, giải quyết thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức trong việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức khi có yêu cầu.
2. Kịp thời tham mưu với Bộ trưởng xem xét, ban hành Quyết định bổ sung, Điều chỉnh, sửa đổi Quy chế này hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, tổ chức thuộc Bộ.
3. Hằng năm, căn cứ yêu cầu, tình hình thực tiễn, đề xuất với Bộ trưởng định hướng nội dung, tiêu chí, phương pháp đánh giá cụ thể, có trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng công chức, viên chức.
Điều 29. Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ
1. Chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định tại Quy chế này.
2. Căn cứ Điều kiện cụ thể của đơn vị, chỉ đạo xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức mình; trong đó, phải tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của đơn vị khi đánh giá, phân loại công chức, viên chức; đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, phân loại công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Quy chế này và tính liên thông trong các khâu của công tác cán bộ và việc tổ chức công việc của đơn vị.
Điều 30. Công tác kiểm tra, giám sát
1. Kiểm tra, giám sát định kỳ
Hằng năm, công tác kiểm tra, giám sát việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức được thực hiện kết hợp với kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, công tác cải cách hành chính.
a) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tham mưu, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định nội dung kiểm tra, giám sát việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức của các đơn vị trong Kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức cán bộ và kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính.
b) Người đứng đầu đơn vị, tổ chức thuộc Bộ chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá và phân loại công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức theo phân cấp quản lý cán bộ.
2. Kiểm tra đột xuất
Căn cứ yêu cầu công tác hoặc chỉ đạo của cấp trên trực tiếp, Vụ Tổ chức cán bộ/bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ thuộc Bộ chủ trì, chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác đánh giá công chức, viên chức của các đơn vị, tổ chức theo phân cấp quản lý cán bộ.
3. Nội dung kiểm tra, giám sát
Kết quả xây dựng, ban hành quy chế hoặc văn bản hướng dẫn việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức của đơn vị, tổ chức; việc phân công, phân nhiệm thực hiện nhiệm vụ; tổ chức đăng ký nhiệm vụ công tác hằng năm; công tác kiểm tra, theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức theo tuần, tháng, quý trong năm.
4. Kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và các quy định liên quan tới công tác đánh giá và phân loại công chức, viên chức được sử dụng làm cơ sở để đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ vào cuối năm./.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM....
(Phục vụ việc đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ)
Kính gửi: | - Bộ trưởng; |
- Họ và tên:
- Chức vụ:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của...(đơn vị)..., tôi kính báo cáo Bộ trưởng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm....của...(chức vụ, ví dụ: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)... như sau:
TT | Tên nhiệm vụ | Đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ | Thời gian hoàn thành nhiệm vụ (tháng, năm) | Ghi chú | ||
Quyết định theo thẩm quyền | Trình Lãnh đạo Bộ | Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ | ||||
I | Về công tác chỉ đạo, Điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị (*) |
|
|
|
|
|
1 | Nhiệm vụ... | Văn phòng Bộ | Tháng 6/20... | Tháng 7/20... | Tháng 8/20... |
|
2 |
| Chuyên gia Nguyễn Văn A |
|
|
|
|
II | Về công tác tổ chức cán bộ |
|
|
|
|
|
1 | Nhiệm vụ... | Vụ Tổ chức cán bộ |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
III | Về công tác quản lý kế hoạch - tài chính |
|
|
|
|
|
1 | Nhiệm vụ... | Vụ Kế hoạch - Tài chính |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
IV | Nhiệm vụ khác (nếu cần thiết) |
|
|
|
|
|
1 | Nhiệm vụ... |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
V | Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo, phân công của cấp có thẩm quyền |
|
|
|
|
|
(*) Ghi chú: Các nhiệm vụ đăng ký cần được xây dựng theo hướng bám sát các nội dung đánh giá đối với từng nhóm đối tượng người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ được quy định tại Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức của Bộ.
| …………., ngày…..tháng…..năm 201… |
ĐƠN VỊ………………………
ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM....(*)
(Phục vụ việc đánh giá kết quả công tác của công chức, viên chức)
Kính gửi: | - Thủ trưởng đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp; |
- Họ và tên:
- Chức vụ:
Căn cứ nhiệm vụ được giao, tôi kính báo cáo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm....của cá nhân như sau:
TT | Tên nhiệm vụ | Người (đơn vị) phối hợp thực hiện nhiệm vụ | Thời gian hoàn thành nhiệm vụ (tháng, năm) | Ghi chú | |
Trình lãnh đạo đơn vị | Trình các cơ quan cấp trên (nếu có) | ||||
1 | Nhiệm vụ… | Ông Nguyễn Văn A | Tháng 6/20... | Tháng 8/20... |
|
2 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
(*) Căn cứ vào đặc thù công việc, nhiệm vụ của từng đối tượng, từng đơn vị, tổ chức, Thủ trưởng đơn vị, tổ chức quyết định mẫu biểu đăng ký nhiệm vụ cho công chức, viên chức và người lao động của đơn vị, tổ chức mình; trong đó, cần bảo đảm các thông tin cơ bản về người chủ trì, người phối hợp, thời gian thực hiện, sản phẩm dự kiến của nhiệm vụ và thông tin khác liên quan.
(**) Các nhiệm vụ đăng ký cần được xây dựng theo hướng bám sát các nội dung đánh giá đối với từng nhóm đối tượng công chức, viên chức được quy định tại Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức của Bộ.
| …………., ngày…..tháng…..năm 201… |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ……….., ngày tháng năm 20.. |
PHIẾU ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC
Họ và tên: | Mã số ngạch: |
Chức vụ, chức danh: | Bậc lương: |
Đơn vị công tác: |
|
I. TỰ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC, TU DƯỠNG RÈN LUYỆN
1. Nhóm tiêu chí về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc
a) Tư tưởng chính trị
- Việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
- Về quan điểm, bản lĩnh, lập trường chính trị.
- Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
b) Đạo đức, lối sống
- Lối sống, tác phong làm việc tại nơi công tác và nơi cư trú.
- Việc thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Tinh thần đoàn kết nội bộ.
c) Tác phong, lề lối làm việc
- Tinh thần, thái độ trách nhiệm đối với công việc.
- Phương pháp, cách thức tổ chức và thực hiện công việc.
- Tinh thần hợp tác, phối hợp, hướng dẫn giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
d) Ý thức tổ chức kỷ luật
- Việc tuân thủ những Điều Đảng viên, công chức không được làm.
- Việc chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Việc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
- Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên.
- Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
2. Năng lực, trình độ chuyên môn; tinh thần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn.
b) Khả năng tư duy, tổng hợp, dự báo, tham mưu giải quyết công việc bảo đảm chất lượng, tiến độ; đặc biệt là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm.
c) Kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, chức vụ (qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tự đào tạo...) và ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong công tác.
3. Khối lượng, tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ
a) Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác hằng năm của cá nhân.
b) Kết quả công việc thực hiện trong năm. Những công việc đã giải quyết đúng hạn; những việc giải quyết còn chậm, gặp khó khăn hoặc chưa giải quyết.
c) Những văn bản, kế hoạch, công trình, đề án, đề tài đã chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo (nếu có).
d) Những đề xuất, sáng kiến được chấp nhận, thực hiện.
đ) Việc giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
4. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ
a) Tinh thần trách nhiệm trong công tác; thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
b) Mối quan hệ, phối hợp công tác giữa công chức trong cơ quan với các đơn vị, tổ chức khác.
5. Thái độ phục vụ Nhân dân
a) Thái độ tích cực, tinh thần phục vụ trong tiếp xúc, làm việc, giải quyết công việc; lắng nghe ý kiến của tổ chức và công dân.
b) Giải quyết hồ sơ đúng quy định, không gây phiền hà, khó khăn cho người đề nghị giải quyết.
6. Chiều hướng và triển vọng phát triển
a) Đánh giá lĩnh vực công chức có khả năng phát huy tốt năng lực, sở trường.
b) Tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
c) Xác định chuyên môn, lĩnh vực cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo.
PHẦN DÀNH RIÊNG CHO CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
7. Kết quả hoạt động của đơn vị, tổ chức được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách hoặc Điều hành
8. Năng lực tổ chức, chỉ đạo, Điều hành, quản lý đơn vị, tổ chức
9. Kết quả tham mưu, hoạch định, cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn kiểm tra các chủ trương, chính sách, kế hoạch trong phạm vi lĩnh vực, mặt công tác được phân công.
10. Kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền.
11. Tinh thần hợp tác, phối hợp công tác trong và ngoài đơn vị, tổ chức. Năng lực tập hợp, đoàn kết, quy tụ công chức trong thực hiện nhiệm vụ chung; mức độ tín nhiệm trong và ngoài đơn vị, tổ chức.
12. Các nội dung đánh giá đối với người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ.
II. TỰ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI
1. Tự đánh giá:
a) Ưu điểm chính:
.............................................................................................................................................
b) Mặt cần hoàn thiện, khắc phục:
.............................................................................................................................................
2. Phân loại đánh giá:
(Phân loại đánh giá theo 1 trong 4 mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ)
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
| …………., ngày…..tháng…..năm 20… |
III. Ý KIẾN CỦA TẬP THỂ ĐƠN VỊ
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
(Phần này ghi tóm tắt ý kiến phát biểu nhận xét, đánh giá về công chức được đánh giá tại hội nghị (cuộc họp) đánh giá công chức của đơn vị, tổ chức)
IV. Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA CẤP CÓ THẨM QUYỀN VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC
1. Nhận xét:
a) Ưu điểm chính:
.............................................................................................................................................
b) Mặt cần hoàn thiện, khắc phục:
.............................................................................................................................................
2. Kết luận phân loại công chức: ..........................................................................................
(Phân loại đánh giá theo 1 trong 4 mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ)
| …………., ngày…..tháng…..năm 20… |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ……….., ngày tháng năm 20.. |
PHIẾU ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI VIÊN CHỨC
Năm …………
Họ và tên: | Mã số ngạch: |
Chức vụ, chức danh: | Bậc lương: |
Đơn vị công tác: |
|
I. TỰ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC, TU DƯỠNG RÈN LUYỆN
1. Nhóm tiêu chí về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc
a) Tư tưởng chính trị
- Việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
- Về quan điểm, bản lĩnh, lập trường chính trị.
- Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
b) Đạo đức, lối sống
- Lối sống, tác phong làm việc tại nơi công tác và nơi cư trú.
- Thực hiện tinh thần tự phê bình và phê bình đối với đảng viên và quần chúng tại đơn vị.
- Việc thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Tinh thần đoàn kết nội bộ.
c) Tác phong, lề lối làm việc
- Tinh thần, thái độ trách nhiệm đối với công việc.
- Phương pháp, cách thức tổ chức và thực hiện công việc.
- Tinh thần hợp tác, phối hợp, hướng dẫn giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
d) Ý thức tổ chức kỷ luật
- Việc tuân thủ những Điều Đảng viên, công chức không được làm.
- Việc chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Việc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
- Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên.
- Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
2. Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp
3. Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết
4. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử của viên chức
5. Chiều hướng và triển vọng phát triển
PHẦN DÀNH RIÊNG CHO VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
6. Kết quả hoạt động của đơn vị, tổ chức được giao quản lý
7. Khả năng tổ chức, Điều hành, quản lý đơn vị, tổ chức
8. Năng lực tập hợp, đoàn kết, quy tụ viên chức:
9. Các nội dung đánh giá đối với người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ.
II. TỰ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI
1. Tự đánh giá:
a) Ưu điểm chính:
.............................................................................................................................................
b) Mặt cần hoàn thiện, khắc phục:
.............................................................................................................................................
2. Phân loại đánh giá:
(Phân loại đánh giá theo 1 trong 4 mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ)
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
| Ngày tháng năm 20… |
III. Ý KIẾN CỦA TẬP THỂ ĐƠN VỊ
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
(Phần này ghi tóm tắt ý kiến phát biểu nhận xét, đánh giá về viên chức được đánh giá tại hội nghị (cuộc họp) đánh giá viên chức của đơn vị, tổ chức)
IV. Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA CẤP CÓ THẨM QUYỀN VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VIÊN CHỨC
1. Nhận xét:
a) Ưu điểm chính:
.............................................................................................................................................
b) Mặt cần hoàn thiện, khắc phục:
.............................................................................................................................................
2. Kết luận phân loại viên chức:............................................................................................
(Phân loại đánh giá theo 1 trong 4 mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ)
| Ngày tháng năm 20… |
ĐẢNG BỘ……………. | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
NHẬN XÉT CỦA……..(cấp ủy đảng cùng cấp)
(đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý)
Kính gửi:……………………………………………………..
Thực hiện Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tập thể đảng ủy (chi ủy)……………………………………………………………………………...thống nhất nhận xét đồng chí………………………………………………………………………………………
Chức vụ, đơn vị công tác:....................................................................................... , như sau:
I. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM; MẶT MẠNH, MẶT YẾU
1- Chấp hành chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:
Gương mẫu chấp hành □; Chấp hành đầy đủ □; Có vi phạm □
2- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tổ chức:
Hoàn thành xuất sắc □; Hoàn thành tốt □; Hoàn thành □; Chưa hoàn thành □
3- Tham gia các phong trào, chấp hành các quy định của đơn vị, tổ chức:
Gương mẫu □; Tham gia đầy đủ □; Tham gia chưa đầy đủ □
4- Đạo đức, lối sống, quan hệ với đồng nghiệp, nhân dân:
Quan hệ tốt □; Bình thường □; Quan hệ chưa tốt □
5- Diễn giải thêm:
.............................................................................................................................................
II. KẾT LUẬN CHUNG
1. Về đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ:
2. Năng lực lãnh đạo, quản lý; khả năng hoàn thành nhiệm vụ:
3. Triển vọng và chiều hướng phát triển:
| T/M ĐẢNG ỦY (CHI ỦY) |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
…….., ngày tháng năm 20... |
TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NĂM 20...
(kèm theo Công văn số…… ngày….. tháng…… năm của...)
1. Kết quả đánh giá, phân loại công chức
STT | Cơ quan, tổ chức, đơn vị | Tổng số (người) | Mức độ phân loại hoàn thành nhiệm vụ | Ghi chú | |||||||
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ | Hoàn thành tốt nhiệm vụ | Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực | Không hoàn thành nhiệm vụ | ||||||||
Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) |
1 | Công chức thuộc các đơn vị, tổ chức |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Công chức tại đơn vị sự nghiệp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Kết quả đánh giá, phân loại viên chức (bao gồm cả lao động hợp đồng)
STT | Cơ quan, tổ chức, đơn vị | Tổng số (người) | Mức độ phân loại hoàn thành nhiệm vụ | Ghi chú | |||||||
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ | Hoàn thành tốt nhiệm vụ | Hoàn thành nhiệm vụ | Không hoàn thành nhiệm vụ | ||||||||
Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) |
1 | Viên chức |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Lao động hợp đồng 68 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Lao động hợp đồng từ 12 tháng trở lên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Số công chức, viên chức và người lao động không được đánh giá trong năm
STT | STT | Họ và tên | Chức vụ, đơn vị công tác | Lý do không được đánh giá | Ghi chú |
1 | Công chức |
|
|
|
|
2 | Viên chức |
|
|
|
|
3 | Lao động hợp đồng |
|
|
|
|
Người lập biểu | …..ngày tháng năm 20.. |
- 1Quyết định 851/QĐ-TCCB năm 2016 Quy chế đánh giá và phân loại cán bộ, công, viên chức, người lao động trong các Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân ban hành
- 2Công văn 4978/LĐTBXH-TCCB năm 2017 về hướng dẫn đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Quyết định 1219/QĐ-BCĐ389 năm 2017 về Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành
- 4Công văn 4948/LĐTBXH-TCCB về đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động năm 2018 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Quyết định 3649/QĐ-BKHCN năm 2018 về Quy chế đánh giá, phân loại đối với đơn vị và công chức, viên chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
- 6Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2019 về Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ
- 2Luật cán bộ, công chức 2008
- 3Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 4Nghị định 93/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 5Luật viên chức 2010
- 6Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 7Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- 8Quyết định 851/QĐ-TCCB năm 2016 Quy chế đánh giá và phân loại cán bộ, công, viên chức, người lao động trong các Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân ban hành
- 9Nghị định 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 10Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- 11Quy định 89-QĐ/TW năm 2017 khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Công văn 4978/LĐTBXH-TCCB năm 2017 về hướng dẫn đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 13Quyết định 1219/QĐ-BCĐ389 năm 2017 về Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành
- 14Công văn 4948/LĐTBXH-TCCB về đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động năm 2018 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 15Quyết định 3649/QĐ-BKHCN năm 2018 về Quy chế đánh giá, phân loại đối với đơn vị và công chức, viên chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
- 16Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2019 về Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Quyết định 3113/QĐ-BTNMT năm 2017 về Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Số hiệu: 3113/QĐ-BTNMT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/12/2017
- Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra