Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 310/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN GIAI ĐOẠN 2012 - 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu quy hoạch:

a) Bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ các giá trị di sản trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn như bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa dưới dạng các công viên chuyên đề trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm: Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất.

b) Khai thác các giá trị di sản trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thông qua quy hoạch đầu tư để phát triển dưới dạng mô hình kinh tế du lịch, qua đó thu hút người dân tham gia trực tiếp làm du lịch cộng đồng. Thông qua quy hoạch đầu tư, biến công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia và cùng với các trung tâm du lịch khác, nơi đây sẽ là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ, từ đó phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững của toàn vùng Bắc Bộ.

c) Liên kết các giá trị di sản địa chất, văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và gìn giữ các giá trị di sản có ý nghĩa quốc tế và quốc gia.

2. Phạm vi và quy mô quy hoạch:

a) Phạm vi quy hoạch: Bao gồm bốn huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ) với tổng diện tích là 2.356,8 km2.

b) Quy mô quy hoạch: Công viên có quy mô cấp quốc gia, đầu tư cho nhóm các dự án chính sau:

Nhóm dự án xây dựng: Ba công viên chuyên đề, bốn trung tâm du lịch, điểm du lịch, tôn tạo bảo tồn các di sản.

Nhóm dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng: Dự án nâng cấp quốc lộ 4C dài 200 km đường cấp IV miền núi, hệ thống đường tỉnh lộ và đường vào các điểm du lịch, quy hoạch các hồ treo đa chức năng phục vụ du lịch cảnh quan và cung cấp nước sinh hoạt.

Nhóm dự án phát triển du lịch (Các dự án đào tạo nguồn nhân lực, các dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, các dự án đầu tư phát triển bốn trung tâm du lịch, dự án cung cấp nước sinh hoạt). (Các dự án cụ thể có phụ lục kèm theo báo cáo quy hoạch).

3. Nội dung chính dự án quy hoạch:

a) Quy hoạch đầu tư bảo tồn các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học thông qua quy hoạch xây dựng ba công viên chuyên đề theo các loại hình di sản đặc thù có ý nghĩa khoa học, giáo dục và văn hóa tầm quốc gia, quốc tế như sau:

- Đầu tư xây dựng Công viên Khoa học địa chất (Geo-science park) tại khu vực huyện Mèo Vạc.

- Đầu tư xây dựng Công viên Địa sinh thái (Geo-ecology park) tại khu vực huyện Yên Minh và huyện Quản Bạ.

b) Quy hoạch đầu tư bốn trung tâm du lịch khai thác phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng thông qua đầu tư phát triển du lịch:

- Đầu tư phát triển Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn (khu vực thị trấn Đồng Văn).

- Đầu tư phát triển Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc (khu vực thị trấn Mèo Vạc).

- Đầu tư phát triển Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh (khu vực thị trấn Yên Minh).

- Đầu tư phát triển Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ (khu vực thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ).

c) Quy hoạch đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng:

- Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông.

- Đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và nước cho phát triển du lịch.

- Đầu tư phát triển mới và khôi phục các làng nghề.

d) Quy hoạch đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch

- Đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý di sản (đội ngũ cán bộ địa chính và môi trường các xã, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Văn hóa của các huyện, cán bộ Ban quản lý công viên).

- Đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác và phát triển du lịch (đội ngũ hướng dẫn viên, đội ngũ phát triển sản phẩm du lịch, đội ngũ thông tin quảng bá du lịch, đội ngũ dịch vụ trong nhà hàng, khách sạn và người dân tham gia du lịch cộng đồng.

đ) Đầu tư tuyên truyền bảo vệ di sản, quảng bá du lịch.

4. Thời gian, nguồn vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư thực hiện

a) Thời gian thực hiện quy hoạch đầu tư: Từ năm 2012 đến 2020 và tầm nhìn 2030.

b) Nguồn vốn và kinh phí quy hoạch đầu tư:

- Vốn trung ương: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu (nâng cấp quốc lộ 4C, hệ thống hạ tầng du lịch), tôn tạo di sản cấp quốc gia, quốc tế (làng văn hóa dân tộc bản địa, làng văn hóa du lịch, các di sản địa chất và các khu bảo tồn thiên nhiên), công bố quy hoạch và nghiên cứu bổ sung về hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản.

- Vốn địa phương: Đầu tư tuyên truyền bảo vệ di sản, quảng bá hình ảnh, đào tạo nguồn nhân lực của người dân địa phương, phát triển các làng nghề, tôn tạo các làng văn hóa du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống.

- Vốn xã hội hóa: Đầu tư nâng cấp các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, các điểm di sản địa chất và văn hóa khai thác phát triển du lịch.

- Vốn huy động tài trợ: Đầu tư nghiên cứu khoa học bổ sung, quảng bá hình ảnh, quy hoạch chi tiết các công viên chuyên đề.

c) Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 1 từ 2011 - 2015.

- Giai đoạn 2 từ 2015 - 2020.

- Giai đoạn 3 từ 2020 - 2030.

d) Các giải pháp thực hiện:

- Nâng cao nhận thức của đối tượng: Nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát triển các giá trị di sản theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn.

- Quản lý bảo tồn và phát triển du lịch.

- Tăng cường và tập trung cho công tác quảng bá và tiếp thị, nhằm phát triển thị trường du lịch trong công viên và toàn tỉnh.

- Phát triển nguồn lực cho bảo tồn và phát triển du lịch.

- Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới đặc biệt công nghệ khai thác phục vụ phát triển du lịch.

- Tập trung đầu tư hiệu quả nguồn tài chính theo đúng nhu cầu và phân kỳ đầu tư phối hợp tối đa nguồn vốn xã hội hóa và vốn vay quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang có nhiệm vụ:

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt.

- Trên cơ sở các nội dung Quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo triển khai thực hiện công bố quy hoạch và các dự án thành phần của quy hoạch theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cân đối các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao thu hút nguồn vốn tài trợ, đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, thực hiện nội dung nâng cấp, mở rộng quốc lộ 4C đoạn từ thành phố Hà Giang đi Mèo Vạc.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, thực hiện nội dung quy hoạch cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cao và nước sinh hoạt du lịch tại các khu vực đô thị. Lồng ghép một số nội dung quy hoạch làng nghề với chương trình nông thôn mới của tỉnh.

- Phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, thực hiện nội dung quy hoạch các đô thị du lịch của bốn trung tâm du lịch tại bốn thị trấn trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các dự án quy hoạch đầu tư bảo tồn các di sản và khai thác các giá trị di sản cho phát triển du lịch. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và chuẩn hóa mô hình nền nông nghiệp du lịch cho Công viên Địa chất toàn cầu và vùng núi phía Bắc.

- Quản lý, bảo vệ, phát huy và khai thác có hiệu quả Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

2. Trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các dự án đầu tư theo tiến độ và nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

- Bộ Tài chính: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí cho các dự án đầu tư theo phân kỳ của từng giai đoạn đầu tư của quy hoạch.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho nâng cấp hạ tầng du lịch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch, các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, danh thắng, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các cơ quan liên quan để khai thác nguồn nước nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư và phục vụ phát triển du lịch. Đầu tư phát triển nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Tăng cường đầu tư bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đầu tư nghiên cứu khoa học và bảo tồn di sản địa chất, nghiên cứu bảo vệ môi trường và phòng tránh tai biến địa chất ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Bộ Giao thông vận tải: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông theo nội dung đã được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, phù hợp với tầm vóc của một công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia.

- Bộ Xây dựng: Tổ chức lập quy hoạch xây dựng Công viên đá Đồng Văn sau khi quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo được duyệt.

- Bộ Ngoại giao và Ủy ban UNESCO Việt Nam: Phối hợp quảng bá hình ảnh của Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn ra cộng đồng quốc tế nhằm thu hút khách du lịch.

- Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an: Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các xã vùng biên. Đầu tư mở tuyến đường tuần tra biên giới kết hợp với tham quan du lịch để giới thiệu và khẳng định chủ quyền quốc gia.

- Bộ Khoa học và Công nghệ: Đầu tư các công trình nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn các giá trị di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng các Bộ có liên quan, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Đại học Quốc gia Hà Nội;
- UBND tỉnh Hà Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 310/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 310/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/02/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản