Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/2011/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 19 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN AN TOÀN, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN XE THÔ SƠ BA BÁNH, BỐN BÁNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định điều kiện an toàn, phạm vi và thời gian hoạt động của các phương tiện xe thô sơ ba bánh, bốn bánh tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN AN TOÀN, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN XE THÔ SƠ BA BÁNH, BỐN BÁNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định điều kiện an toàn, điều chỉnh phạm vi, thời gian hoạt động của các loại xe thô sơ ba bánh, bốn bánh tham gia giao thông trên đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng xe thô sơ làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Xe đạp 2 bánh, xe thô sơ thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe thô sơ dùng cho người khuyết tật không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Xe thô sơ là phương tiện tự chế theo mẫu mã có sẵn hiện đang lưu hành trong thực tế cuộc sống hàng ngày của nhân dân, không gắn động cơ, sử dụng sức người hoặc súc vật kéo. Thông thường trên địa bàn tỉnh có các loại xe như sau: xe xích lô, xe ba gác đạp, xe lôi đạp, xe đạp, xe do trâu, bò hoặc ngựa kéo và các loại xe tương tự.

2. Sức chở của xe là khả năng chở được số lượng hàng hóa lớn nhất đối với xe chở hàng hoặc số lượng người nhiều nhất đối với xe chở người.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG

Điều 3. Điều kiện kỹ thuật của xe tham gia giao thông

1. Hệ thống hãm (phanh, thắng) phải đảm bảo an toàn, còn hiệu lực và càng điều khiển đủ độ bền, đảm bảo điều khiển chính xác;

2. Phải có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu khi xe hoạt động trong ban đêm từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau đồng thời bố trí các miếng phản quang tại trước và sau xe;

3. Đối với xe thô sơ chở người, phải có mui che cho khách ngồi trên xe, ghế ngồi phải sạch sẽ, chắc chắn.

Điều 4. Quy định về an toàn khi tham gia giao thông

1. Hình dáng và kích thước của xe: Theo mẫu thiết kế dân gian đã sản xuất và đang lưu hành, có kích thước không quá: chiều dài 3,0 mét, chiều rộng 1,5 mét, chiều cao 1,2 mét.

2. Không chở hàng vượt quá mỗi bên 0,2 mét theo chiều ngang của xe, tính từ mép ngoài của thùng chở hàng.

3. Phần nhô ra phía trước hoặc phía sau lớn nhất của hàng hóa được phép chở bằng 1,5 lần chiều dài thùng xe nhưng không vượt quá 0,5 mét.

4. Chiều cao chất hàng hóa không vượt quá 2,0 mét tính từ mặt đất và phải đảm bảo tầm nhìn của người điều khiển.

5. Xe do súc vật kéo phải đảm bảo vệ sinh trên đường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Điều 5. Sức chở của xe chở người

Xe xích lô chỉ được chở tối đa 2 người lớn và 01 trẻ em dưới 7 tuổi (kể cả người điều khiển).

Điều 6. Phạm vi và thời gian hoạt động của xe thô sơ

1. Cấm xe thô sơ hoạt động trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ.

2. Cấm xe thô sơ do súc vật kéo hoạt động trong khu vực nội ô thành phố, thị xã, thị trấn.

3. Cấm xe ba gác đạp chở khách.

4. Xe thô sơ hoạt động du lịch phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo mỹ quan.

5. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ điều kiện thực tế ở địa phương, quy định thời gian hoạt động của xe thô sơ trên địa bàn phụ trách.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Duy trì và đảm bảo các điều kiện an toàn của xe trong suốt quá trình hoạt động.

2. Tìm hiểu để biết và chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển xe tham gia giao thông.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công

1. Tổ chức triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn phụ trách.

2. Tuyên truyền phổ biến, quán triệt quy định này đến mọi tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng xe thô sơ tại địa phương.

3. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, thống nhất với Sở Giao thông vận tải để lắp đặt các biển báo, biển cấm theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 của quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh

1. Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình; đề nghị Báo Ấp Bắc và các Tổ chức Đoàn thể tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và quy định này cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng xe thô sơ trên địa bàn tỉnh chấp hành.

2. Công an tỉnh tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và của quy định này.

3. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì phối hợp với các ngành tỉnh liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và quy định này cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng xe thô sơ trên địa bàn tỉnh;

b) Chỉ đạo các cơ sở đào tạo trực thuộc phổ biến các quy định về Luật Giao thông đường bộ và quy định này cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu;

c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của chủ xe, người điều khiển phương tiện theo các quy định hiện hành;

d) Theo dõi, tổ chức kiểm tra định kỳ tình hình thực hiện quy định này để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung

Khi Bộ Giao thông vận tải có quy định mới hoặc căn cứ tình hình thực tế phát sinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2011/QĐ-UBND về Quy định điều kiện an toàn, phạm vi và thời gian hoạt động của phương tiện xe thô sơ ba, bốn bánh tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 31/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Lê Văn Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản