Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/KH-UBND

Kon Tum, ngày 21 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, XỬ LÝ XE Ô TÔ HẾT NIÊN HẠN SỬ DỤNG, XE Ô TÔ, XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY ĐỘ CHẾ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra, xử lý xe ô tô hết niên hạn sử dụng; xe ô tô, mô tô, xe gắn máy độ chế (sau đây viết là các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông) không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Mục đích

- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (sau đây viết tắt là TTATGT) đường bộ; góp phần loại bỏ nguyên nhân gây tai nạn giao thông (sau đây viết tắt là TNGT) xuất phát từ các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đảm bảo các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông không được lưu hành theo quy định.

II. Yêu cầu:

- Xác định cụ thể số lượng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh (Công an tỉnh báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 25/3/2015).

- Kiên quyết xử lý đối với các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao (Quốc lộ, Tỉnh lộ và một số tuyến đường trọng điểm...) và tại khu vực nội thành phố, thị trấn và các khu vực đông dân cư nhằm loại bỏ nguyên nhân gây tai nạn giao thông do các phương tiện trên gây ra trong năm 2015.

- Kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất lắp ráp, tự độ chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép và tổ chức ký cam kết với các cơ sở trên không tự ý sản xuất, độ chế khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền (Sở Giao thông Vận tải báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 25/3/2015).

III. Nội dung kế hoạch (Chi tiết có Phụ lục kèm theo):

1. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến các quy định của nhà nước về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là các quy định về niên hạn sử dụng của các loại xe ô tô; quy định về cấm sản xuất, lắp ráp, độ chế các phương tiện giao thông khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng; cấm sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; các hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng trường hợp vi phạm. Thường xuyên đưa tin, viết bài phản ánh tình hình vi phạm hành chính về TTATGT, TNGT có nguyên nhân liên quan đến các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông để nhân dân biết, nâng cao ý thức chấp hành.

2. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng trực thuộc:

+ Tổng kiểm tra, rà soát, nắm tình hình và xử lý các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát, lập danh sách những cá nhân, tổ chức có phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông; yêu cầu cam kết không đưa các phương tiện này tham gia giao thông trên đường bộ; xác định những tuyến đường, địa bàn trọng điểm thường xuyên có các loại xe trên lưu hành để tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.

+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp tổ chức, cá nhân đưa vào sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông; sử dụng giấy tờ bất hợp pháp để lưu hành các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Các loại phương tiện vi phạm thì tiến hành tịch thu, xử lý theo quy định pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành lập hồ sơ xử lý hình sự theo quy định.

- Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện cơ giới đường bộ không đảm bảo điều kiện lưu hành và yêu cầu các cơ sở này cam kết không sản xuất, lắp ráp các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông; xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, lắp ráp và mua bán các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông...

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra, rà soát và xử lý các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

3. Sở Giao thông vận tải:

- Kiểm tra, rà soát và kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng những phương tiện hết niên hạn sử dụng và chủ phương tiện đối với những phương tiện sắp hết niên hạn sử dụng; kiên quyết đình chỉ và không cho lưu hành đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, thể lệ vận tải và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum tổ chức kiểm tra, đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất, lắp ráp, độ chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép; đồng thời tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất không lắp ráp, độ chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức phù hợp đến các tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn; trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, lắp ráp, độ chế các phương tiện khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng và cấm sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; đối với các trường hợp cố tình sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông sẽ bị xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, rà soát việc sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng xử lý theo quy định; vận động và tổ chức ký cam kết với người dân không sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với lực lượng Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm phát luật về đảm bảo trật tự ATGT; trong đó, chú trọng xử lý đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông theo đúng quy định.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Công an giao thông, Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng thông tin điện tử, Báo Kon Tum xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông và việc cấm sử dụng, lưu hành đối với  (hàng tháng, hàng quý). Tổ chức biên tập tài liệu tuyên truyền, nội dung khẩu hiệu, panô áp phích tuyên truyền gửi các đơn vị trực thuộc phục vụ cho công tác tuyên truyền tại cơ sở.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ trong Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên.

2. Định kỳ, ngày 20 của tháng cuối quý các Sở, ngành và địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Công an tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Giao Công an tỉnh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị địa phương về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối quý để biết, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành liên quan;
- Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kon Tum;
- UBND các huyện, thành phố KonTum;
- Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Tuy

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 21/01/2015 của UBND tỉnh)

STT

Nội dung công việc

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và việc sử dụng các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành (xe hết niên hạn sử dụng; xe ô tô, mô tô, xe máy tự độ chế...).

UBND các huyện, thành phố; Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình

Ban An toàn giao thông tỉnh

Mở đợt cao điểm trong quý I và triển khai thường xuyên, liên tục từ ngày 01/02/2015

2

Công tác kiểm soát, xử lý vi phạm

 

 

 

-

Tổng kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng xe ô tô hết niên hạn sử dụng; xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tự độ chế không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh do các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng trên địa bàn.

Công an tỉnh (tổng hợp báo cáo trước ngày 25/3/2015)

Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT

Mở đợt cao điểm trong Quý I và tối thiểu mỗi Quý 01 đợt (30 ngày)

-

Kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất lắp ráp, tự độ chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép; và tổ chức ký cam kết với các cơ sở trên không tự ý sản xuất, độ chế khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Sở Giao thông Vận tải (tổng hợp báo cáo trước ngày 25/3/2015)

Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố

Mở đợt cao điểm trong Quý I và tối thiểu mỗi Quý 01 đợt (từ 15-20 ngày)

-

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, phát hiện, xử lý theo quy định các trường hợp tổ chức, cá nhân đưa vào sử dụng xe ô tô hết niên hạn sử dụng; xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tự độ chế không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông.

Công an tỉnh

Sở Giao thông Vận tải
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình và UBND các huyện, thành phố

Thường xuyên, liên tục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 109/KH-UBND năm 2015 kiểm tra, xử lý xe ô tô hết niên hạn sử dụng; xe ô tô, mô tô, xe gắn máy độ chế không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 109/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/01/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Đức Tuy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản