- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3030/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 08 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/08/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị tại Công văn số 878/QLN-SXD ngày 16/10/2009 của Giám đốc Sở Xây dựng; Báo cáo thẩm định số 50/KHTH ngày 04/6/2009 của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các văn bản góp ý của các Sở, ngành địa phương;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 2077/TTr-KHĐT ngày 02/11/2009 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển vật liệu xây dựng phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.
b) Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác, chế biến các loại vật liệu xây dựng có lợi thế và có thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
c) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp; Phân bố các cơ sở khai thác, sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng gắn với vùng nguyên liệu và các khu, cụm công nghiệp.
d) Đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng;
2. Mục tiêu phát triển
a) Đẩy nhanh tốc độ phát triển vật liệu xây dựng thông thường, bê tông và vật liệu xây, vật liệu lợp để đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng mới, vật liệu xây dựng công nghệ tiên tiến, vật liệu thân thiện với môi trường.
b) Nâng cao chất lượng, sản lượng và đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nguyên liệu cao lanh, sét chịu lửa, thạch anh, đá ốp lát...để làm vật hoàn thiện trang trí cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
c) Giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai thác và chế biến vật liệu xây dựng giai đoạn 2009-2015 tăng bình quân hàng năm 18,5%, giai đoạn 2016-2020 tăng 20-21%. Nâng tỷ trọng công nghiệp khai thác và chế biến vật liệu xây dựng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp từ 11% hiện nay lên 12,5% vào năm 2015 và 14% vào năm 2020.
3. Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020:
- Vật liệu xây: khuyến khích, đầu tư chiều sâu, hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công hiện nay nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Phát triển các nhà máy sản xuất gạch tuy nen phù hợp với nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ (công suất khoảng 20-50 triệu viên/năm) tại Đại Lào (thị xã Bảo Lộc), Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), Liêng Sê rôn (huyện Đam Rông), Đạ Chais (huyện Lạc Dương), Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh), Tân Văn (huyện Lâm Hà), Phù Mỹ (huyện Cát Tiên). Khuyến khích đầu tư phát triển và sử dụng gạch không nung từ bentonit, đất đồi và phế thải công nghiệp thay cho sử dụng gạch nung từ đất sét.
Phát triển các loại gạch có kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu, tăng tính cách âm, cách nhiệt theo hướng công nghệ hiện đại, quy mô lớn; phát triển sản xuất gạch bê tông nhẹ tại khu công nghiệp Lộc Sơn và các huyện với tổng công suất 200-220 triệu viên/năm.
Đến năm 2015 sản lượng gạch các loại đạt 480 triệu viên, trong đó gạch nung chiếm 46% và đến năm 2020 đạt 770 triệu viên, trong đó gạch nung chiếm 44%; đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu xây của tỉnh.
- Vật liệu lợp: Phát triển sản xuất ngói nung truyền thống, các loại ngói tráng men, ngói trang trí chất lượng cao. Đa dạng các sản phẩm tấm lợp theo hướng tăng độ bền, thẩm mỹ, đa dạng hóa mẫu mã, màu sắc. Thời kỳ 2009-2015: mở rộng năng lực sản xuất ngói và gia công tấm lợp kim loại, đến năm 2015 đạt 2,4 triệu m2 vật liệu lợp trong đó ngói nung chiếm 75%. Sau năm 2015 tiếp tục mở rộng công suất và đầu tư mới các cơ sở sản xuất ngói màu xi măng, sản xuất tấm lợp tôn và xà gồ kim loại tại khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn, đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 4,1 triệu m2 vật liệu lợp, trong đó ngói nung chiếm 73%, đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu lợp của tỉnh.
- Đá xây dựng: tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ sản xuất khai thác đá xây dựng ở các cơ sở sản xuất hiện có, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác đá nhỏ ở các địa phương, nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất đá phải có công nghệ nghiền sàng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, nghiên cứu, kết hợp sản xuất đá với sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế một phần nhu cầu cát tự nhiên.
+ Thời kỳ 2009 - 2015 phát huy công suất các cơ sở khai thác, chế biến đá hiện có và đầu tư mới với tổng công suất 250 ngàn m3/năm tại các mỏ: Tây Đại Lào (Bảo Lộc), Đông Phi Nôm, Đa Nhim (Đơn Dương), Tân Thượng (Di Linh), Ninh Gia, N’Thôn Hạ (Đức Trọng), Lộc Quảng (Bảo Lâm) và các mỏ đá lộ thiên tại các huyện; đến năm 2015 sản lượng đá khai thác đạt khoảng 750 ngàn m3/năm.
+ Giai đoạn 2015-2020 tiếp tục đầu tư khai thác các mỏ tại các xã Tân Hà (Lâm Hà), Pró, Tu Tra, Đông Phi Nôm (Đơn Dương), Đinh Trang Thượng (Di Linh), Đoàn Kết (Đạ Huoai), Đưng Knớ, Đạ Chais (Lạc Dương) và các mỏ Đạ K’Nàng (Đam Rông), Núi Chúa (Bảo Lộc), núi Bà Kê Khia (Bảo Lâm) và một số điểm mỏ mới phát hiện. Đến năm 2020 sản lượng khai thác đá xây dựng trong toàn tỉnh đạt khoảng 1,4 triệu m3/năm.
- Cát, sỏi xây dựng: quản lý chặt chẽ quy trình khai thác tại các điểm khai thác cát sông suối theo quy định. Sắp xếp lại và nâng công suất các cơ sở khai thác cát sỏi trên các suối Đạ Deung, Đạ Đưng, Đa Chais, các sông Đa Dâng, Đạ Huoai, Đa Nhim, La Ngà, Đồng Nai, Krông Nô để đảm bảo nhu cầu cung ứng cát xây dựng nhưng khộng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường hoặc sạt lở bờ sông; đến năm 2015 sản lượng khai thác cát, sỏi đạt 680 ngàn m3/năm, đến năm 2020 đạt 1.100 ngàn m3/năm.
- Gạch ốp lát: phát triển sản xuất gạch ốp lát để phục vụ nhu cầu trang trí nội ngoại thất, lát vỉa hè. Khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất gạch lát hè tự chèn, công suất 150.000m2/năm, nhà máy sản xuất gạch từ bột đá mài (terrazzo) dùng cho ngoại thất, công suất 300.000 m2/năm tại khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn, nhà máy sản xuất gạch ốp lát từ bột đá granit (Terastone) dùng cho nội và ngoại thất tại mỏ đá Lộc Nam (Bảo Lâm), công suất: 350.000 m2/năm. Đến năm 2020 sản lượng gạch ốp lát đạt 650.000 m2/năm đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong tỉnh.
- Đá khối và đá ốp lát: điều tra, thăm dò các mỏ đá có màu sắc đẹp, độ nguyên khối cao và chất lượng tốt để khai thác và sản xuất đá ốp lát, đá trang trí, đá mỹ nghệ; quy hoạch đầu tư sản xuất đá ốp lát tại các xã Đạ R’Sal (Đam Rông), Tân Thượng (Di Linh), Lộc Thành, Lộc Thắng (Bảo Lâm), đèo Bảo Lộc (Đạ Huoai) để đến năm 2020 công suất khai thác đá khối đạt 5.000 m3 /năm và công suất gia công đá ốp lát đạt 90.000 m3/năm.
- Vật liệu chịu lửa: tích cực đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm ceramic lót hàn công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất sa mốt công suất 10.000 tấn/năm tại thị xã Bảo Lộc. Đến năm 2020 sản lượng sản phẩm chịu nhiệt các loại đạt 10.000 tấn, 25.000 tấn sa mốt và 20.000 tấn ceramic lót hàn.
- Bê tông: phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt (chống động đất, cách nhiệt, cách âm), bê tông chất lượng cao (chịu lực, bền, ổn định theo thời gian) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng. Ứng dụng công nghệ mới để phát triển nhanh công nghiệp sản xuất cấu kiện bê tông dự ứng lực đúc sẵn (dầm, cột, cọc ép, tường, sàn, tấm chịu lực...) và bê tông thương phẩm đáp ứng cho nhu cầu xây dựng dân dụng, giao thông và công nghiệp trong tỉnh. Thời kỳ 2010-2015 tập trung mở rộng công suất và đa dạng hoá sản phẩm; đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện và nhà lắp ghép; đầu tư trạm trộn bê tông tại các địa phương. Đến năm 2015 năng lực sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông của tỉnh đạt khoảng 550 ngàn m3/năm và đến 2020 đạt 700 ngàn m3/năm.
- Vật liệu khác: phát triển mạnh việc sản xuất ván gỗ công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên trong xây dựng; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ván tre từ nguồn nguyên liệu tre nứa tại huyện Đạ Huoai, công suất đến năm 2020 đạt khoảng 40.000 m2/năm.
b) Quy hoạch khai thác và chế biến nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng:
- Cao lanh: mở rộng và đổi mới công nghệ khai thác và chế biến để sản xuất cao lanh chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và chế biến sản phẩm gốm sứ cao cấp, sứ vệ sinh, vật liệu chịu lửa và các ngành công nghiệp giấy, sơn. Đầu tư xây dựng các cơ sở khai thác và chế biến cao lanh tại xã Lộc Châu và Đại Lào (Bảo Lộc), Gia Hiệp, Tam Bố (Di Linh), Lộc Tân (Bảo Lâm) và TT Đinh văn (Lâm Hà). Đến năm 2015 sản lượng cao lanh tinh chế đạt khoảng 400 ngàn tấn/năm và đến năm 2020 đạt khoảng 450 ngàn tấn/năm.
- Sét chịu lửa: thu hút đầu tư để khai thác và chế biến sét chịu lửa công suất 10 ngàn tấn/năm tại điểm mỏ Suối Vàng (Đà Lạt).
- Thạch anh: đầu tư xây dựng nhà máy khai thác, chế biến đá, cát thạch anh tại huyện Đạ Huoai và thị xã Bảo Lộc với tổng công suất 200 ngàn tấn/năm.
- Bentônit: đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng để phục vụ công nghiệp khai thác dầu khí, xây dựng, hóa chất... trong nước và xuất khẩu. Nâng cao năng lực và xây dựng nhà máy chế biến bentonit tại Tam Bố (Di Linh), Đinh Văn (Lâm Hà) và tại Ninh Gia (Đức Trọng). Sản lượng bentonit chế biến đến năm 2020 đạt khoảng 60.000 tấn/năm.
- Điatômít: mở rộng và đổi mới công nghệ khai thác và chế biến điatômít tại Đại Lào (Bảo Lộc) để phục vụ công nghiệp hóa chất, tẩy rửa và xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng điatômít chế biến đến năm 2020 đạt khoảng 20 ngàn tấn/năm.
c) Quy hoạch sử dụng đất cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng:
Quy hoạch diện tích sử dụng đất cho khai thác, chế biến vật liệu xây dựng đến năm 2015 là 1.800 ha, đến năm 2020 là 3.100 ha để thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cần chuẩn bị tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông.
4. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý tài nguyên:
Thực hiện quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng: đẩy mạnh điều tra cơ bản, khảo sát, thăm dò các mỏ cao lanh, bentônít, thạch anh, đá ốp lát, sét chịu lửa tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng; các mỏ đá xây dựng tại Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lạc Dương; cát sỏi xây dựng trên các sông lớn trong tỉnh như Đa Dâng, La Ngà, Đồng Nai, các mỏ sét gạch ngói ở Bảo Lộc, Di Linh, Đạ Tẻh, Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm. Đánh giá toàn diện, đầy đủ và chi tiết về nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, xác định ranh giới khu vực khai thác, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư đúng mục đích theo hướng sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Chú trọng thực hiện việc tổ chức đấu thầu trong thăm dò, khai thác khóang sản để nâng cao giá trị tài nguyên.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra thực hiện các quy định về khai thác chế biến vật liệu xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường; tổ chức xắp xếp lại hoạt động khai thác chế biến vật liệu xây dựng theo hướng: thu hẹp những cơ sở khai thác và sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên; khuyến khích phát triển đầu tư theo công nghệ tiến tiến, sản xuất vật liệu mới . Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và bảo vệ môi trường.
Phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành trong trong quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, công bố công khai quy hoạch và xây dựng danh mục các dự án ưu tiên để thu hút đầu tư theo từng giai đoạn.
b) Giải pháp huy động vốn đầu tư:
Huy động các nguồn vốn từ cổ phần hóa, vay tín dụng thương mại, vốn của doanh nghiệp và của nhân dân để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ đến năm 2020 khoảng 11-12 nghìn tỷ đồng, trong đó thời kỳ 2009– 2015 khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng, thời kỳ 2016– 2020 khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng. Để huy động được các nguồn vốn đầu tư cần tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thực hiện các cơ chế và chính sách thu hút đầu tư, huy động các ngân hàng hỗ trợ, điều phối và cung ứng nguồn tài chính cho các dự án ưu tiên và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn, phát hành trái phiếu, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực và khoa học và công nghệ:
- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân của ngành; đa dạng hóa các hình thức đào tạo và có chính sách thu hút các cán bộ, chuyên viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực thăm dò khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng đến công tác tại tỉnh. Đến năm 2020 lao động trong ngành vật liệu xây dựng khoảng 10.000 người.
- Chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất tại địa phương. Đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực phân tích, kiểm định, giám định chất lượng nguyên liệu, sản phẩm vật liệu xây dựng; liên kết với các đơn vị nghiên cứu về vật liệu xây dựng trong và ngoài nước để ứng dụng các tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt trong sản xuất các loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh.
d) Giải pháp thị trường:
Ổn định và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường quảng cáo tiếp thị, mở các văn phòng đại diện, đại lý bán hàng ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh..., chủ động tham gia các hội chợ triển lãm về vật liệu xây dựng trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã, thực hiện các chính sách bảo hành, phân phối đến người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ cho thị trường khu vực nông thôn trong tỉnh. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và UBND các huyện, thị xã Bảo lộc, thành phố Đà Lạt trên cơ sở Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 được phê duyệt, cụ thể hoá vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; có kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 3689/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 09/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
- 4Quyết định 1784/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020
- 5Quyết định 376/QĐ-UBND năm 2019 công bố bãi bỏ quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 3689/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7Quyết định 09/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
- 8Quyết định 1784/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020
Quyết định 3030/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- Số hiệu: 3030/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/12/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Huỳnh Đức Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/12/2009
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực