Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3027/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 03 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HỖ TRỢ CHỨNG NHẬN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2075/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2034/SNN&PTNT-KHTC ngày 16/11/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện hỗ trợ chứng nhận sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN HỖ TRỢ CHỨNG NHẬN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT (VIETGAP), NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 3027/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
I. SỰ CẦN THIẾT
1. Cơ sở pháp lý
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2075/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Cơ sở thực tiễn
Sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ… là một xu thế tất yếu để đảm bảo cung cấp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và hiện đang được áp dụng rộng rãi tại các địa phương trên cả nước.
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng ổn định, được kiểm soát trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ; sản phẩm tạo được niềm tin của người tiêu dùng nên có lợi thế cạnh tranh, giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Thực tế sản phẩm thịt lợn hơi của các cơ sở được chứng nhận VietGAP được các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm có uy tín thu mua với mức giá cao hơn từ 10%‑15% so với sản phẩm thịt lợn cùng loại của các cơ sở không áp dụng quy trình VietGAP; sản phẩm rau củ quả của các cơ sở được chứng nhận VietGAP được tiêu thụ tại các siêu thị như: Vinmart, Coopmart, BigC, cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, các nhà hàng, các bếp ăn tập thể với giá bán cao hơn từ 15%‑40% so với sản phẩm rau củ quả cùng loại của các cơ sở không áp dụng quy trình VietGAP. Đồng thời, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn của cộng đồng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; chất thải trong chăn nuôi được thu gom, xử lý theo quy định đảm bảo vệ sinh môi trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh). Kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với 148 cơ sở, gồm: 29 cơ sở sản xuất rau, quả, 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 68 cơ sở chăn nuôi lợn và 36 cơ sở chăn nuôi bò sữa; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, việc tiếp tục thực hiện áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tại Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND quy định: “hỗ trợ chứng nhận VietGAP đối với sản xuất, sơ chế rau, quả; chăn nuôi lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản”. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều sản phẩm nông sản khác có quy mô sản xuất lớn như: Gia cầm, thủy cầm, bò thịt, cây dược liệu nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND. Mặt khác, Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND chỉ còn hiệu lực thực hiện đến hết năm 2020, do đó trong những năm tiếp theo các cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) sẽ không được hỗ trợ của tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ: UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020‑2022 (Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019). Theo đó, trong giai đoạn 2020-2022 kế hoạch thực hiện chỉ xây dựng 05 mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình sản xuất, chăn nuôi áp dụng trên địa bàn tỉnh; chưa triển khai hỗ trợ chi phí tư vấn áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định trong giai đoạn 2023-2025.
Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021‑2025 theo hướng nâng cao năng suất, tăng cường chất lượng gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, tiếp tục góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện hỗ trợ chứng nhận sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo ra sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
- Thúc đẩy xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn có quy mô lớn, sản phẩm giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường.
- Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản
a) Nội dung
Hỗ trợ 100% chi phí để tổ chức đào tạo tập huấn, phân tích mẫu, hỗ trợ một lần chi phí chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở (theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh).
b) Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp như: Chăn nuôi lợn; chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa); chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; nuôi trồng thủy sản; trồng trọt rau, củ, quả.
c) Điều kiện hỗ trợ
Phù hợp với quy định của địa phương, không vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất nông nghiệp và đáp ứng điều kiện về số lượng, diện tích đối với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi như sau: Chăn nuôi lợn: từ 300 con lợn/lứa trở lên; chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa): từ 10 con/lứa trở lên; chăn nuôi gà, thủy cầm: từ 3.000 con/lứa trở lên; nuôi trồng thủy sản: từ 02 ha trở lên; sản xuất rau, củ, quả, trồng cây dược liệu: từ 02 ha liền vùng trở lên.
d) Số lượng cơ sở và kinh phí thực hiện
Số cơ sở dự kiến hỗ trợ giai đoạn 2021‑2025 là 150 cơ sở. Kinh phí hỗ trợ 6,0 tỷ đồng (Chi tiết tại Phụ biểu số 01 kèm theo).
2. Hỗ trợ áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
a) Nội dung
Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ một lần 100% chi phí chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Mức hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở.
b) Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
c) Điều kiện hỗ trợ
Các cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-1:2017 về nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng điều kiện về số lượng, diện tích đối với từng đối tượng cây trồng vật nuôi như sau: Chăn nuôi lợn: từ 100 con lợn/lứa trở lên; chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa): từ 10 con/lứa trở lên; chăn nuôi gà, thủy cầm: từ 1.000 con/lứa trở lên; nuôi trồng thủy sản: từ 1,0 ha trở lên; sản xuất rau, củ, quả, cây dược liệu: từ 0,5 ha liền vùng trở lên.
d) Số lượng cơ sở và kinh phí thực hiện
Số cơ sở dự kiến hỗ trợ giai đoạn 2021‑2025 là 10 cơ sở. Kinh phí hỗ trợ 1,0 tỷ đồng (Chi tiết tại Phụ biểu số 02 kèm theo).
3. Hỗ trợ công tác tổ chức, triển khai thực hiện
- Chi cho tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chi cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và chi khác: Áp dụng Điểm b, Khoản 4, Điều 9, Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về việc Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.
Dự kiến kinh phí: 224,8 triệu đồng
(Chi tiết tại Phụ biểu số 03 kèm theo)
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về thông tin, tuyên truyền, tập huấn
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng Thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh, của ngành và các địa phương để nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất về ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, người lao động của cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ.
2. Về kỹ thuật
- Thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện theo quy định, hướng dẫn cơ sở đăng ký tham gia Kế hoạch để được hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ theo Kế hoạch của tỉnh.
- Lấy mẫu (vật tư, sản phẩm) tại các cơ sở tham gia áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm có đủ năng lực, đã được chỉ định của cơ quan có thẩm quyền.
- Lựa chọn tổ chức có đủ năng lực, được chỉ định của cơ quan có thẩm quyền để đánh giá, chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Dự toán kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025: 7,224 tỷ đồng (Bảy tỷ hai trăm hai mươi tư triệu đồng).
- Phân kỳ giai đoạn thực hiện:
Năm 2021: 1,250 tỷ đồng.
Năm 2022: 1,236 tỷ đồng.
Năm 2023: 1,545 tỷ đồng.
Năm 2024: 1,545 tỷ đồng.
Năm 2025: 1,648 tỷ đồng.
2. Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh (từ nguồn sự nghiệp kinh tế bố trí hàng năm).
(Chi tiết có phụ lục số 04 kèm theo)
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:
Xây dựng kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định.
- Kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định; tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Sở Tài chính
Tổng hợp, cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện Kế hoạch theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định dự toán kinh phí, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định.
3. Sở Công thương
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản đã được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ,...
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn về chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến cho các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản của tỉnh.
5. UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch trên địa bàn đảm bảo hiệu quả.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị được được giao triển khai của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nội dung của Kế hoạch (lựa chọn cơ sở, sản phẩm đề nghị hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện tại cơ sở) trên địa bàn quản lý theo đúng quy định và đảm bảo hiệu quả.
6. Cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là các sản phẩm được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ,...
7. Các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản
- Căn cứ điều kiện hỗ trợ theo quy định và tình hình thực tế, các cơ sở đăng ký và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, thẩm định, phê duyệt các nội dung hỗ trợ; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo hiệu quả. Duy trì việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định hiện hành của Nhà nước sau khi được hỗ trợ.
- Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn quản lý và thực hiện báo cáo kết quả thực hiện của cơ sở theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện hỗ trợ chứng nhận sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; các cơ quan, đơn vị kịp thời thông tin, phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết theo quy định./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 24/2019/QĐ-UBND về phân công, phân cấp thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 2Quyết định 21/2019/QĐ-UBND quy định về cơ quan thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phân công, phân cấp cơ quan quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3Quyết định 13/2019/QĐ-UBND quy định cơ quan thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 4Quyết định 4245/QĐ-UBND năm 2020 về Đề án Phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2021-2025 do thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định 3027/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch thực hiện hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 3027/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/12/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Nguyễn Văn Khước
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra