Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3014/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2008 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc UBND các cấp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3744/STNMT-TNKS ngày 05/9/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG LIÊN QUAN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Đối tượng áp dụng của Văn bản bao gồm các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan chủ trì là cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện.

2. Cơ quan phối hợp là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị mình quản lý.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại quy chế này; đảm bảo yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời hạn phối hợp thực hiện nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan.

2. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp; đồng thời, hoạt động phối hợp giữa các cá nhân không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan phối hợp.

3. Công tác phối hợp được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.

Chương II

PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

Điều 4. Phương thức phối hợp

Tùy theo tính chất, nội dung của công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau đây:

1. Lấy ý kiến bằng văn bản;

2. Lấy ý kiến tại cuộc họp;

3. Khảo sát, kiểm tra thực địa.

Điều 5. Phương thức lấy ý kiến bằng văn bản

Việc lấy ý kiến bằng văn bản được thực hiện theo trình tự sau:

1. Cơ quan chủ trì có văn bản đề nghị tham gia ý kiến (gửi kèm các tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung xin ý kiến) gửi các cơ quan phối hợp. Văn bản đề nghị tham gia ý kiến phải xác định cụ thể nội dung, thời gian xin ý kiến đối với từng cơ quan phối hợp.

Cơ quan chủ trì có thể yêu cầu cơ quan phối hợp sửa trực tiếp vào hồ sơ hoặc có ý kiến bằng văn bản và ấn định thời gian góp ý ít nhất là 05 ngày, tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan phối hợp nhận được văn bản đề nghị và các tài liệu, hồ sơ của cơ quan chủ trì.

2. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến theo đề nghị của cơ quan chủ trì theo quy định tại khoản 1 điều này và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Trường hợp, cơ quan phối hợp không có ý kiến tham gia theo đề nghị của cơ quan chủ trì phải nêu rõ lý do. Quá thời hạn quy định mà cơ quan phối hợp không có ý kiến thì cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cơ quan phối hợp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không có ý kiến hoặc có ý kiến chậm.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm tiếp thu, tổng hợp ý kiến của cơ quan phối hợp, trường hợp không tiếp thu ý kiến của cơ quan phối hợp thì phải có văn bản giải trình về lý do không tiếp thu và phải chịu trách nhiệm về việc không tiếp thu ý kiến đó.

Điều 6. Phương thức lấy ý kiến tại cuộc họp

Việc lấy ý kiến tại cuộc họp được thực hiện theo trình tự sau:

1. Chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày họp, cơ quan chủ trì gửi văn bản mời họp đến cơ quan phối hợp, trong đó, xác định cụ thể thời gian, địa điểm, nội dung và thành phần tham dự cuộc họp; kèm theo văn bản mời họp phải gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vấn đề cần xin ý kiến. Trường hợp cần thiết phải giải quyết nhanh công việc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh mà chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và không đảm bảo đúng thời gian theo quy định trên, thì phải nêu rõ lý do trong văn bản mời họp.

2. Thủ trưởng cơ quan phối hợp phải cử cán bộ, công chức tham gia theo đúng thành phần và yêu cầu của cơ quan chủ trì; cán bộ, công chức tham gia họp phải có trách nhiệm phát biểu về vấn đề cần lấy ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Trường hợp cán bộ, công chức được thủ trưởng cử tham gia họp không đúng thành phần theo đề nghị của cơ quan chủ trì, thì thủ trưởng cơ quan cử cán bộ, công chức tham gia họp phải chỉ đạo cán bộ, công chức tham gia họp phát biểu về vấn đề cần lấy ý kiến theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu của cơ quan mình tại cuộc họp. Cơ quan được mời họp có quyền từ chối tham gia họp nếu việc gửi văn bản, tài liệu không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 điều này hoặc vì lý do chính đáng khác. Lý do từ chối tham gia họp phải được thể hiện bằng văn bản và gửi đến cơ quan chủ trì trước ngày họp.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung cuộc họp bằng văn bản. Nếu cuộc họp thống nhất được các nội dung thì ý kiến kết luận tại cuộc họp là ý kiến của tất cả các thành viên tham gia họp; trường hợp nội dung cuộc họp không thống nhất thì phải ghi đầy đủ ý kiến của từng thành viên tham gia họp. Kết thúc cuộc họp, các thành viên tham gia họp có trách nhiệm ký vào biên bản để xác nhận ý kiến của mình. Trường hợp cơ quan phối hợp cử cán bộ tham gia họp không đúng thành phần thì thủ trưởng cơ quan ký xác nhận và chịu trách nhiệm về ý kiến của cơ quan mình tại Biên bản cuộc họp.

Điều 7. Phương thức khảo sát, kiểm tra thực địa

Trường hợp cần thiết phải thực hiện việc khảo sát, kiểm tra thực địa mà có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị thì công tác phối hợp được thực hiện theo quy định sau:

1. Chậm nhất là 05 ngày trước ngày tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa, cơ quan chủ trì có văn bản đề nghị cơ quan phối hợp tham gia khảo sát, kiểm tra thực địa. Văn bản đề nghị tham gia khảo sát, kiểm tra thực địa phải xác định cụ thể thời gian, địa điểm, nội dung khảo sát, kiểm tra; yêu cầu về số lượng, chức vụ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác của người tham gia khảo sát, kiểm tra; các điều kiện về phương tiện đi lại, thiết bị, dụng cụ cần thiết để thực hiện việc khảo sát, kiểm tra hoặc các điều kiện khác (nếu có).

2. Chậm nhất là 01 ngày trước ngày tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa, cơ quan phối hợp phải có văn bản trả lời hoặc thông báo cho cơ quan chủ trì biết về việc cử người tham gia khảo sát, kiểm tra; kể cả trường hợp từ chối tham gia khảo sát, kiểm tra nếu việc phối hợp không phù hợp.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập biên bản về việc khảo sát, kiểm tra thực địa. Biên bản khảo sát, kiểm tra thực địa phải thể hiện đầy đủ thành phần, thời gian, địa điểm, các nội dung khảo sát, kiểm tra. Các thành viên tham gia khảo sát, kiểm tra có trách nhiệm ký vào Biên bản để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chương III

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 8. Phối hợp trong công tác lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch khoáng sản

1. Cơ quan được UBND tỉnh giao thực hiện lập, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là cơ quan chủ trì trong công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản. Việc lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch phải có ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền có liên quan.

2. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố liên quan là cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến về việc xây dựng quy hoạch khoáng sản gửi về cơ quan chủ trì theo quy định của Quy chế này.

Điều 9. Phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có trách nhiệm chủ trì việc xử lý hoạt động khoáng sản trái phép trong các trường hợp sau:

a. Khi nhận được thông tin có hoạt động khoáng sản trái phép, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc phải có văn bản yêu cầu UBND cấp huyện (nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép) chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND cấp xã liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp, việc xử lý hoạt động khoáng sản trái phép có các vấn đề vượt quá thẩm quyền, UBND huyện phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kịp thời xử lý.

Sau khi UBND huyện có báo cáo về hoạt động khoáng sản trái phép vượt quá thẩm quyền giải quyết, chậm nhất là 03 ngày làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

b. Khi nhận được thông tin có hoạt động khoáng sản trái phép, nếu xét thấy cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp tiến hành kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm; đồng thời, yêu cầu UBND cấp huyện, UBND cấp xã có liên quan phối hợp kiểm tra.

c. Khi trực tiếp phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản trái phép, phối hợp tham gia kiểm tra, xử lý và tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

2. Công an tỉnh là cơ quan chủ trì có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác nắm tình hình; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản trái phép; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ trì trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và có trách nhiệm sau:

a. Xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện; chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

b. Khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép, chậm nhất là 02 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép.

c. Chậm nhất là 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép, phải chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND xã liên quan, tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường.

d. Trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chủ trì trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và có trách nhiệm sau:

a. Hàng năm, xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

b. Khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép, chậm nhất là 02 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp xã phải chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp để giải tỏa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép hoặc chậm nhất là 03 ngày làm việc phải báo cáo cơ quan cấp trên các vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý.

c. Trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện.

Điều 10. Phối hợp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản.

2. Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thuế tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan phối hợp, có trách nhiệm tham gia ý kiến hoặc thẩm định, xử lý đối với các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến lĩnh vực đơn vị mình quản lý; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường và các nội dung khác liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính theo đề nghị của cơ quan chủ trì.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan

Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm cụ thể sau đây:

1. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Quy chế này;

2. Báo cáo về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh những cơ quan phối hợp không thực hiện trách nhiệm theo nội dung Quy chế này.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3014/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Trịnh Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản