Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2008/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 26 tháng 3 năm 2008 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Thực hiện Chương trình hành động số 07 -NQ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XI thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản và Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ và Chương trình hành động số 07-NQ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XI về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27/2007/NQ-CP NGÀY 30/5/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 07-NQ/TU NGÀY 14/6/2007 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH THUẬN KHÓA XI VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30 /2008 /QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
1. Mục tiêu tổng quát
Xác định và cụ thể hóa các nhiệm vụ của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ và Chương trình hành động số 07 -NQ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XI về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ven biển, trên biển và hải đảo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo; góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển vào năm 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo, đưa Bình Thuận trở thành tỉnh giàu và mạnh về kinh tế biển;
- Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GDP của tỉnh; phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 29 - 30 % GDP; đến năm 2020 chiếm khoảng 50 - 55 % GDP của tỉnh;
- Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân trên các vùng ven biển, hải đảo. Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển có tiềm năng của tỉnh theo thứ tự ưu tiên như sau: khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản; du lịch biển; kinh tế hải đảo; cảng biển và khu công nghiệp, dịch vụ ven biển; thăm dò, khai thác và chế biến dầu, khí và các loại khoáng sản”.
1. Phát triển kinh tế vùng ven biển và hải đảo
1.1. Các vùng kinh tế biển
1.1.1. Vùng kinh tế biển Tuy Phong - Bắc Bình:
Xây dựng Phan Rí Cửa trở thành trung tâm giữ vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế - xã hội biển phía Bắc tỉnh. Triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực - Cảng biển Vĩnh Tân (Tuy Phong). Phát triển tiềm năng du lịch ven biển Tuy Phong, Bắc Bình, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch lặn tại Khu bảo tồn đảo Cù Lao Câu (Tuy Phong). Từng bước hình thành cơ cấu ngành kinh tế công nghiệp điện; dịch vụ cảng biển; du lịch; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, nhất là nghề sản xuất tôm giống; mở rộng diện tích sản xuất và đầu tư chế biến sản phẩm muối tinh, thạch cao - hóa chất sau muối ở Tuy Phong.
1.1.2. Vùng kinh tế biển Phan Thiết - Hàm Thuận Nam:
Xây dựng thành phố Phan Thiết vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, vừa là trung tâm giữ vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội khác của tỉnh; từng bước hình thành cơ cấu ngành kinh tế dịch vụ cảng; du lịch; công nghiệp khai thác, đóng sửa tàu thuyền, chế biến hải sản; dịch vụ nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
Hình thành và phát triển các cụm dịch vụ cảng biển Đức Thắng - Hưng Long, Phú Hài, Mũi Né; đầu tư xây dựng Cảng nước sâu và nhà máy luyện nhôm tại khu vực Kê Gà; hình thành Cụm dịch vụ du lịch Phú Hài - Hàm Tiến - Mũi Né - Hòn Rơm; Cụm du lịch dã ngoại Tiến Thành; phát triển tiềm năng du lịch 2 bên tuyến đường Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, suối nước nóng Bưng Thị; thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả Khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2), Khu chế biến thuỷ sản phía Nam Cảng cá Phan Thiết, hình thành Cụm chế biến thuỷ sản Phú Hài, Mũi Né, Khu đóng sửa tàu thuyền Phú Hài; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý các bãi hải đặc sản ở Lai Khế, Hòn Rơm.
1.1.3. Vùng kinh tế biển Hàm Tân - La Gi:
Xây dựng thị xã La Gi trở thành trung tâm giữ vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế - xã hội biển phía Nam tỉnh. Từng bước hình thành cơ cấu ngành kinh tế công nghiệp khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ du lịch,… Tiếp tục đầu tư và phát triển Cảng cá La Gi; Khu neo đậu tránh bão tàu thuyền Ba Đăng; Khu đóng sửa tàu thuyền Bình Tân, Ba Đăng, Tân Hải; đầu tư nạo vét chỉnh trị xây dựng bến cá tại cửa biển Hồ Lân, Hà Lãng; khuyến khích đầu tư phát triển các nghề khai thác tuyến khơi; hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào 02 cụm công nghiệp chế biến thuỷ sản La Gi; phát triển dịch vụ du lịch ven biển Hàm Tân, đầu tư loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hà Lãng - Suối Bang (Thắng Hải, Tân Thắng - Hàm Tân), Khu Đồi Dương - Ngãnh Tam Tân, Khu Đồi Dương - Hòn Bà, Khu Đồi Dương - Cam Bình (La Gi).
1.1.4. Vùng kinh tế đảo Phú Quý:
Xây dựng đảo Phú Quý trở thành khu kinh tế mạnh, đặc thù, tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là khai thác hải sản, dịch vụ cho nghề cá và các ngành kinh tế biển, phát triển nuôi trồng hải sản trên biển; gắn chặt việc củng cố quốc phòng với phát triển kinh tế.
Triển khai đầu tư các dự án theo cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với đảo Phú Quý tại Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2007; trong đó, chú trọng đầu tư nâng cấp sân bay, cảng vận tải biển, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá, kè chống xói lở và xâm thực bờ biển, các tuyến giao thông trên đảo, khu trung tâm hành chính.
1.2. Các ngành kinh tế biển
1.2.1. Thuỷ sản:
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản toàn diện, bền vững, giữ vai trò là ngành kinh tế chủ lực trong kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; gắn khai thác và nuôi trồng với chế biến, gắn sản xuất với tiêu thụ; tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng giá trị sản xuất (giá CĐ 1994) toàn ngành bình quân giai đoạn 2006 - 2010 từ 9 - 10 %/năm. Sau năm 2010, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chú trọng về chất lượng, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; nhịp độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành bình quân đạt từ 6 – 7 %/năm. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hóa nghề cá tỉnh Bình Thuận, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm lớn về công nghiệp khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất giống hải sản của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm lợi thế của ngành (thủy đặc sản xuất khẩu, nước mắm, giống tôm và hải sản, chú ý nuôi thủy sản nước ngọt). Phấn đấu tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 từ 13 – 14 %, đến 2010 đạt 95 - 100 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 40 % tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; thời kỳ 2011- 2020 tốc độ tăng trưởng từ 11 – 12 %, đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng khoảng 30 % tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
* Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:
- Phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng và tạo uy tín thương hiệu đối với các sản phẩm có lợi thế. Sản lượng chế biến thủy sản xuất khẩu năm 2010 đạt 32.000 tấn; trong đó: hàng thuỷ sản đông lạnh 22.000 tấn, hàng khô và sản phẩm khác 10.000 tấn; đến năm 2020 sản lượng hàng chế biến đạt 45.000 tấn. Thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm gắn với tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng. Tiếp tục đầu tư chiều sâu cho chế biến nội địa theo hướng tiến tới chuyển các sản phẩm nội địa có thể đồng thời là sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thuỷ sản lợi thế của tỉnh. Tiếp tục củng cố và tăng cường vai trò của các hiệp hội chế biến tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở chế biến thủy sản ở các khu dân cư về các khu quy hoạch chế biến tập trung. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản ở tất cả các khâu, đặc biệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có kết quả tình trạng sử dụng hoá chất, kháng sinh trong bảo quản, chế biến hải sản. Tăng cường các biện pháp thu hút, tạo vùng nguyên liệu tập trung tại các cảng cá đầu mối chính; tăng lượng nguyên liệu từ khai thác đưa vào phục vụ chế biến gắn với kiểm soát chất lượng nguyên liệu.
- Phát triển khai thác theo quy hoạch gắn với bảo vệ nguồn lợi, tập trung đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với tổ chức sản xuất hợp lý trên các tuyến để đạt sản lượng khai thác từ 160 - 170 ngàn tấn vào năm 2010, trong đó hải sản khai thác xa bờ chiếm 40 % tổng sản lượng. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; tập trung khai thác hải sản có giá trị kinh tế và xuất khẩu; vận động ngư dân khai thác xa bờ có tổ chức theo mô hình tổ, đội để hỗ trợ nhau trong khai thác, liên kết vận chuyển sản phẩm, cứu hộ cứu nạn tiến tới hình thành các đội tàu mạnh, trang bị hiện đại, đủ khả năng tham gia khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác nghề cá giữa Việt Nam với các nước.
+ Triển khai các biện pháp để giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản ven bờ; quản lý chặt chẽ nghề lặn để bảo vệ nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, khuyến khích phát triển thả chà trong vùng quy hoạch; cấm các nghề khai thác gây tác hại đến nguồn lợi hải sản. Thực hiện nghiêm quy định cấm phát triển đóng mới tàu cá công suất dưới 30 CV; khuyến khích phát triển đóng tàu bằng vật liệu composite. Đẩy mạnh triển khai tiêu chuẩn ngành về đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá công suất từ 90 CV trở lên.
+ Quan tâm thường xuyên công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đối với lực lượng tàu thuyền sản xuất trên biển. Tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên biển. Phối hợp các ngành liên quan thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ ngư dân đầu tư thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị điện tử hàng hải khác phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tổ chức tuyên truyền đảm bảo an toàn, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích của nhà nước và ngư dân trong tỉnh đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên ngư trường.
- Thúc đẩy phát triển nuôi trồng ven biển và trên biển theo hướng ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường, chú trọng sử dụng công nghệ sinh học và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Phát triển mạnh sản xuất giống tôm và hải sản gắn với quản lý chất lượng. Nhanh chóng triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng quy hoạch sản xuất giống tôm và hải sản tập trung để đáp ứng nhu cầu di dời và bố trí mới các dự án sản xuất giống của tỉnh; đồng thời, chú ý thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ công nghệ cao, có khả năng phát triển thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng; vận động liên kết xây dựng thương hiệu cho tôm giống Bình Thuận, nâng cao uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ.
+ Phát triển nghề nuôi thuỷ sản nước lợ theo hướng đa dạng hóa loài nuôi theo nhu cầu thị trường, ổn định năng suất, bền vững về môi trường. Tập trung ứng dụng công nghệ tiến bộ, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư trong việc hướng dẫn áp dụng quy trình nuôi tôm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng và bảo vệ môi trường.
+ Phát triển nghề nuôi hải sản trên biển phù hợp với điều kiện của tỉnh gắn với quá trình chuyển đổi nghề nghiệp khai thác vùng gần bờ. Quan tâm chỉ đạo về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả nghề nuôi cá mú, tôm hùm, rong biển và các hải đặc sản khác ở đảo Phú Quý và huyện Tuy Phong. Nghiên cứu triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình nuôi cá, hải đặc sản bằng lồng công nghệ mới trên vùng biển hở.
- Phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ nghề cá gắn với kết cấu hạ tầng cảng, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Tổ chức tốt khâu dịch vụ nghề cá trên biển và trên bờ; phát triển các cơ sở cung ứng nguyên, nhiên liệu, thu mua sản phẩm gắn với cảng cá, khu neo đậu. Xây dựng và tổ chức hoạt động chợ cá đầu mối tại Cảng cá Phan Thiết, chợ chuyên doanh hải sản tại Phan Rí Cửa, La Gi, Phú Quý.
1.2.2. Về công nghiệp:
- Mục tiêu chủ yếu: phấn đấu đưa giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 18 %/năm, đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 23 - 24 % vào năm 2010 và chiếm 32 % vào năm 2020 so với tổng sản phẩm nội tỉnh.
- Nhiệm vụ cụ thể:
+ Về phát triển điện lực:
Căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực toàn quốc đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn đến năm 2015, tăng cường phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án điện trọng điểm quốc gia triển khai trên địa bàn (Dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ); phát triển mạng lưới điện, ưu tiên phục vụ cho các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho các nhu cầu sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt đời sống và thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đặc biệt là đối với đảo Phú Quý.
+ Về phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản:
Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả. Chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản. Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng doanh nghiệp tự đổi mới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Tập trung xây dựng chương trình đổi mới công nghệ sản xuất nước mắm đóng chai, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, bao bì,… nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
+ Về phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản:
Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu sa khoáng, sản xuất các sản phẩm từ sét bentonite, cát thủy tinh. Triển khai đầu tư chế biến muối tinh nhằm đáp ứng nhu cầu muối công nghiệp thay thế muối nhập khẩu và triển khai các cơ sở sản xuất các hóa chất sau muối.
+ Về công tác xúc tiến đầu tư:
Kêu gọi đầu tư mới các nhà máy chế biến thuỷ sản, khoáng sản hiện đại, có quy mô; chuẩn bị các điều kiện để đón nhận các nhà máy chế biến hải sản di dời từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Có chính sách ưu tiên thu hút các dự án đóng tàu bằng vật liệu composite, dịch vụ hậu cần trên biển và du lịch biển. Phấn đấu sau năm 2010, có nhiều cơ sở có khả năng đóng tàu công suất trên 150 CV phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh lân cận.
1.2.3. Về du lịch:
- Mục tiêu chủ yếu:
+ Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành du lịch giai đoạn 2006 - 2010 là 25 %; giai đoạn 2010 - 2020 là 20 %.
+ Đến năm 2010, GDP của ngành du lịch tỉnh chiếm 10 % tổng GDP toàn tỉnh; thu hút trên 3 triệu du khách (trong đó khách quốc tế chiếm 10 - 15 %) và đạt khoảng 6 triệu lượt du khách vào năm 2020, nâng thời gian lưu trú bình quân của 1 lượt khách lên 2,5 - 3 ngày.
- Nhiệm vụ cụ thể:
Thu hút đầu tư và phát triển mạnh du lịch biển, đảo; phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng du lịch nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: du lịch gắn với khai thác thế mạnh tài nguyên biển, giá trị văn hóa, nhân văn, lễ hội, khám phá tìm hiểu các giá trị vật thể và phi vật thể, làng văn hóa, làng nghề, du lịch công vụ. Chú ý đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, khôi phục và phát triển các lễ hội văn hoá đặc trưng vùng biển, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; khai thác có hiệu quả các loại hình thể thao trên biển.
Đẩy mạnh hợp tác về du lịch biển, liên kết khai thác các tuyến dịch vụ du lịch trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Hoàn thiện Website du lịch Bình Thuận, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch biển; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển và xây dựng phong cách ứng xử văn hoá trong hoạt động dịch vụ du lịch biển; tăng cường các biện pháp giữ vững môi trường, trật tự, quản lý tốt giá cả dịch vụ du lịch biển.
Kết nối du lịch ven biển đến các vùng lân cận. Gắn kết đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch với phát triển cây xanh, qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch biển. Rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư vào ngành du lịch mạnh mẽ hơn. Tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch, nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh.
1.2.4. Về thương mại, dịch vụ:
- Về xuất nhập khẩu: tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến và hàng tinh chế trong sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu, phấn đấu tăng và giữ ổn định tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào năm 2010 và khoảng 30% vào năm 2020.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và hiệp hội chế biến thủy sản, hiệp hội chế biến nước mắm trong việc tiếp cận và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, nước mắn xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm, tham gia các hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về những tác hại của việc sử dụng quá mức các loại hóa chất, thuốc kháng sinh trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản và chế biến hàng thủy sản xuất khẩu; đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực này; phấn đấu đảm bảo các lô hàng thủy sản đều được kiểm tra đáp ứng yêu cầu về hàm lượng hóa chất, dư lượng kháng sinh trước khi xuất khẩu.
Triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, xây dựng cổng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ có hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản, nước mắm nói riêng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư kinh doanh kho ngoại quan và dịch vụ xuất nhập khẩu (Cảng ICD) tại Bình Thuận.
Triển khai tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 22 -NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) và Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2010.
- Về thương mại nội địa: tập trung rà soát, triển khai các quy hoạch và tổ chức đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển:
Xây dựng, ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Bình Thuận đến năm 2020 gắn với chiến lược và xu thế phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2008 - 2009 làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở các năm tiếp theo.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2010 đồng bộ với các quy hoạch, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng kinh tế biển của tỉnh: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và đảo Phú Quý. Nâng cấp các chợ loại 2 hiện có thành chợ loại 1 và trung tâm thương mại, dịch vụ; thu hút đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ chuyên doanh thủy sản đáp ứng nhu cầu phát triển ở các đô thị trung tâm thành phố, thị xã và các huyện vùng biển: Mũi Né - Phan Thiết, La Gi, Liên Hương, Phan Rí Cửa. Triển khai các biện pháp cụ thể đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án siêu thị Vinatex mart Phan Thiết, Trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết, Trung tâm thương mại Hàm Tiến. Triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho việc xây dựng chợ nông thôn ở các xã nghèo và xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 50/2004/QĐ-UBBT của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2010 trên địa bàn các địa phương ven biển của tỉnh; chú trọng việc phát triển đầu tư gắn với việc sắp xếp lại hệ thống các điểm bán xăng dầu tại các cảng, kè biển, khu neo đậu tàu thuyền và điểm kinh doanh xăng dầu trên biển phù hợp quy hoạch, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch, dịch vụ vùng ven biển và hải đảo. Thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các dự án đầu tư các kho trung chuyển xăng dầu đầu mối tại thị xã La Gi, xã Tam Thanh (huyện Phú Quý) và xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong).
1.2.5. Về giao thông vận tải:
- Tập trung khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông các vùng ven biển và trên đảo Phú Quý. Đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến giao thông ven biển; phát triển các tuyến giao thông đến vùng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đến cảng biển, các vùng nguyên liệu, làng nghề, các khu dịch vụ du lịch, các tuyến phục vụ dự án khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, tuyến đường vào các khu dân cư ven biển, xã bãi ngang, tuyến giao thông xung quanh đảo Phú Quý.
- Phát triển tuyến giao thông nối liền quốc lộ 1A với các tuyến giao thông ven biển, đến vùng quy hoạch khu công nghiệp. Đầu tư xây dựng cảng biển gắn với phát triển các khu công nghiệp, các tuyến du lịch ven biển. Thực hiện tốt công tác quản lý mạng lưới cầu đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Tổ chức phục vụ tốt các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm tuyến mới phục vụ trục đường ven biển.
- Chú trọng phát triển giao thông đường thuỷ, tiếp tục duy trì đội tàu hiện có để đảm bảo giao thông giữa đất liền và đảo Phú Quý; nâng cấp 02 tàu BT16, BT18 đủ năng lực phục vụ tuyến đảo trong điều kiện sóng gió mùa mưa bão, đảm bảo định kỳ 02 ngày có 01 chuyến tàu ra, vào đảo Phú Quý. Tổ chức kêu gọi đầu tư tàu cao tốc phục vụ vận tải khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý.
- Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông khu vực ven biển, đảo Phú Quý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ, đường bộ kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.
1.2.6. Phát triển nông, lâm nghiệp trên các vùng ven biển, hải đảo:
- Khuyến khích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế; đẩy mạnh công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại.
- Tranh thủ các nguồn vốn thuộc Chương trình 661, Chương trình trồng rừng chống sa mạc hoá, Chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, vốn sự nghiệp để đầu tư phát triển các dãi rừng phòng hộ khu vực ven biển kết hợp với đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng, bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 200 ha. Ngoài ra, tập trung vận động các cá nhân có quỹ đất trống bạc màu hoặc chưa sử dụng tham gia trồng rừng theo chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất của Nhà nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch bỏ vốn trồng rừng tạo cảnh quan kết hợp phòng hộ môi trường, nhằm tăng diện tích rừng, cải tạo khí hậu. Chú ý đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khắc phục lũ cát Tiến Thành.
1.3. Đầu tư kết cấu hạ tầng
1.3.1. Hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, sân bay:
Tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các tuyến giao thông ven biển từ thị xã La Gi đến thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong; triển khai thi công tuyến ven biển nối từ xã Hoà Thắng đến thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương; nâng cấp, làm mới một số đoạn tuyến Gia Huynh - ĐT766, ĐT720, ĐT766, ĐT714, ĐT715, ĐT718, Tân Xuân - Tân Thắng.
Tiếp tục thi công hoàn thiện tuyến giao thông Tân Đức - Tân Thắng, tuyến ĐT720 nối dài - Sơn Mỹ phục vụ Khu công nghiệp Sơn Mỹ; tuyến ĐT711 nối dài - Hòn Rơm; mở rộng tuyến ĐT712, ĐT719 để phục vụ khai thác cảng; tuyến Hàm Kiệm - Thuận Quý - Kê Gà phục vụ các dự án của tổ hợp nhôm, Alumin và vận tải hàng xuất khẩu; tuyến Chợ Lầu - Hoà Thắng phục vụ phát triển Cụm du lịch Hoà Thắng; các tuyến đầu mối đến các khu công nghiệp lớn Hàm Kiệm, Sơn Mỹ, Tân Đức, Tuy Phong,… Kiên cố các cầu hiện có, xây mới và hoàn thành các cầu Sông Dinh, cầu Quang, cầu Cui, cầu Búng - Cây Sao; sớm hoàn thành cầu Hoà Phú. Nâng cấp tuyến đường sắt từ Mương Mán - Phan Thiết, mở mới tuyến đường sắt đến cảng nước sâu, các khu công nghiệp. Nâng cấp quốc lộ 55 đoạn nối dài và một số đoạn tuyến qua trung tâm các huyện, thị xã; phối hợp triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Đầu tư tuyến giao thông xung quanh Phú Quý.
Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống Cảng biển Vĩnh Tân (Tuy Phong), Cảng nước sâu Kê Gà (Hàm Thuận Nam); thi công hoàn chỉnh các Cảng Phú Quý, Phan Thiết vào cuối năm 2008; phối hợp nghiên cứu quy hoạch sân bay Bình Thuận đưa vào trong quy hoạch hệ thống sân bay quốc gia.
1.3.2. Hạ tầng nghề cá:
Tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá của tỉnh, trong đó ưu tiên:
* Đầu tư các khu tránh bão cho tàu cá theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể đầu tư khu tránh bão tại các cửa: La Gi, Phú Hải, Liên Hương, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Ba Đăng, Chí Công, đảo Phú Quý. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào quy hoạch khu tránh bão cho tàu cá các xã bãi ngang còn lại như Bình Thạnh (Tuy Phong), Hoà Thắng (Bắc Bình), Hồ Lân, Hà Lãng - Tân Thắng (Hàm Tân).
* Nâng cấp các cảng cá trọng điểm gắn với phát triển dịch vụ: nâng cấp Cảng cá Phan Thiết gắn với xây dựng chợ cá đầu mối; nâng cấp các Cảng cá La Gi, Phan Rí Cửa gắn với chợ chuyên doanh hải sản; xây dựng chợ đầu mối trên đảo Phú Quý.
* Đầu tư hạ tầng các khu quy hoạch chế biến thủy sản tập trung: hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu chế biến hải sản phía Nam Cảng Phan Thiết; đầu tư các cụm chế biến thủy sản tại Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong; các nhà máy xử lý nước thải tại các khu chế biến tập trung.
* Đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống và nuôi thủy sản tập trung: triển khai xây dựng hạ tầng Khu sản xuất giống chất lượng cao quy mô 200 ha tại Gành Rái - Chí Công (Tuy Phong); xây dựng Trung tâm giống hải sản tỉnh; xây dựng cơ sở kiểm dịch giống; hoàn thiện các trạm, trại thực nghiệm giống thuỷ sản thuộc Trung tâm Khuyến ngư. Đầu tư hoàn thành dự án Khu nuôi tôm công nghiệp Núi Tào trong năm 2007. Kêu gọi đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao trong dự án quy hoạch đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản Hà Lãng, Thắng Hải.
* Đầu tư hạ tầng các khu quy hoạch đóng sửa tàu thuyền tại thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Tân, huyện Tuy Phong.
* Xây dựng khu bảo tồn biển tại đảo Cù Lao Câu và đảo Phú Quý.
1.3.3. Hạ tầng du lịch:
Đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng các khu, tuyến du lịch trọng điểm. Ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ các hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải - vệ sinh môi trường đối với những khu vực, loại hình du lịch ưu tiên phát triển trước. Nghiên cứu nâng cấp ga tàu, đường sắt để phục vụ đưa đón du khách; quy hoạch xây dựng cảng du lịch, tạo điều kiện phát triển du lịch biển đảo Phú Quý. Chỉnh trang, đầu tư nâng cấp các điểm du lịch biển, các cơ sở lưu trú hiện có; nâng cấp, hoàn thiện Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né gắn với chỉnh trang thành phố Phan Thiết và các vùng phụ cận, các khu du lịch. Kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm tham quan du lịch biển như các làng chài Hàm Tiến (Phan Thiết), Bình Thạnh (Tuy Phong), Tân Thành (Hàm Thuận Nam); xây dựng các trạm cứu hộ, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu du lịch, đặc biệt quan tâm vấn đề này đối với các khu dân cư, quán ăn phía Tây đường 706.
1.3.4. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp:
- Từ nay đến năm 2010, hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) và khởi công xây dựng các Khu công nghiệp: Sơn Mỹ, Tân Đức (Hàm Tân). Mỗi huyện, thành phố, thị xã như Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi đầu tư xây dựng 01 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến thuỷ sản. Sau năm 2010, tiếp tục đầu tư Khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức, Tuy Phong và một số cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai xây dựng Khu công nghiệp Kê Gà.
1.3.5. Hạ tầng kỹ thuật thông tin liên lạc, viễn thông, điện, nước:
Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, nước, bưu chính viễn thông để tạo điều kiện thu hút đầu tư.
* Hạ tầng bưu chính viễn thông
Đến năm 2010, sẽ hoàn thiện và phát triển hệ thống các điểm phục vụ bưu chính viễn thông các xã ven biển như Bưu điện văn hoá xã Tân Hải (La Gi); Tân Thắng, Sơn Mỹ (Hàm Tân); Phước Thể, Chí Công, Hoà Phú (Tuy Phong); Hải Ninh, Lương Sơn, Phan Thanh, Bình Tân, Phan Rí Thành (Bắc Bình). Xây dựng hệ thống thư viện tại các điểm Bưu điện văn hoá xã để cung cấp cho người dân nguồn tư liệu hướng dẫn đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản.
Bắt đầu từ năm 2008, thay thế tổng đài Host cũ ở thành phố Phan Thiết bằng hệ thống mạng thế hệ mới (NGN), lắp đặt thêm tổng đài đa dịch vụ tại thị xã La Gi, thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong); mở rộng các tuyến cáp quang xuống các xã vùng ven biển; đầu tư xây dựng thêm các Trạm BTS, Trạm DSLAM nhằm phủ sóng điện thoại di động và internet băng rộng cho các vùng ven biển.
* Đầu tư hạ tầng điện, nước phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt
- Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn và lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển và hải đảo. Phát triển mạng lưới sản xuất điện theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Tuy Phong); Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ (Hàm Tân); kêu gọi các dự án phát triển điện gió tại các địa phương ven biển và đảo Phú Quý.
- Quan tâm đầu tư các công trình thuỷ lợi vùng ven biển theo Đề án phát triển thuỷ lợi tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 như hồ Suối Cá, đập dâng Suối Nhum, đập dâng Bưng Thị (Hàm Thuận Nam); hồ Cô Kiều, hồ Du Đế - Tân Thắng (Hàm Tân), nâng cấp các hệ thống Suối Dứa, Suối Sâu, đập Suối Le.
- Đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã ven biển, trong đó xây mới 02 hệ thống cấp nước xã Tiến Thành (Phan Thiết) và Tân Thắng (Hàm Tân); nâng cấp 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt Mũi Né, Thiện Nghiệp (Phan Thiết), xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Nam). Riêng đảo Phú Quý ưu tiên đầu tư các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên nước và xây dựng các công trình thu, khai thác nước mặt, nước ngầm, bổ sung nhân tạo, cấp thoát nước, xử lý chất thải, quan trắc tài nguyên nước, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Tiếp tục đầu tư nâng công suất và mở rộng hệ thống cấp nước đô thị, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
2. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc
2.1. Về giáo dục
Đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương vùng ven biển và hải đảo.
Tiếp tục sắp xếp, quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng ven biển và hải đảo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên; không ngừng đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra, xếp loại học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh.
Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành phổ cập giáo dục trung học đối với những địa phương có điều kiện như Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong,…
Tăng cường công tác giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng, văn hoá giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt là tại các khu du lịch.
2.2. Về y tế, dân số - gia đình - trẻ em
Tiếp tục đầu tư củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở các xã vùng ven biển, hải đảo; phấn đấu đến năm 2012 có 100 % xã vùng biển đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, đảm bảo đến năm 2012 có 100 % các huyện, thị xã, thành phố xây dựng xong Trung tâm y tế dự phòng, 100 % xã có bác sĩ được trang bị máy siêu âm, điện tim, đầu tư 200 triệu đồng/xã/năm để mua sắm thay thế, bổ sung các trang thiết bị y tế.
Đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng; đa dạng hóa các loại hình truyền thông giáo dục sức khỏe tại các xã vùng biển với phương châm trực tiếp, thiết thực, hiệu quả; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phấn đấu cuối năm 2010 có trên 90 % trạm y tế vùng biển và ven biển có bác sĩ, trên 90 % hộ sử dụng nước sạch, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 15 %, giảm 20 - 30 % các trường hợp ngộ độc thực phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế cơ sở; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, quan tâm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, cử cán bộ y tế đảo Phú Quý đi học triển khai công tác kiểm dịch quốc tế.
2.3. Về văn hóa
- Đẩy mạnh quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gắn với nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng theo tinh thần Nghị định 11/2006/NĐ-CP và Nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần xây dựng môi trường văn hoá biển lành mạnh.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá nghệ thuật cho các đối tượng trong diện được hưởng, nhất là đồng bào ở 03 xã thuộc huyện đảo Phú Quý và 09 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố văn hoá đã được phát động; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo phong trào, Ban vận động xây dựng.
- Tập trung thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Có kế hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di sản văn hoá được công nhận cấp quốc gia; chú trọng việc khôi phục, nâng cao và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống vật thể và phi vật thể; thực hiện điều tra, sưu tầm, tổ chức phục dựng các lễ hội đặc sắc của đồng bào vùng ven biển, hải đảo.
Sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá thông tin hiện có, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở; quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại phục vụ cho hoạt động văn hoá thông tin các cấp vùng ven biển, hải đảo; chuyển mạnh hoạt động đưa văn hoá thông tin về cơ sở.
2.4. Về công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội khu vực ven biển, đảo Phú Quý. Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tập quán lạc hậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục dưới mọi hình thức kết hợp với mở các đợt kiểm tra, truy quét nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn ma tuý, cờ bạc, mại dâm; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lứa tuổi vị thành niên và đối tượng lao động nghề biển di trú từ tỉnh ngoài vào có hành vi mua bán, sử dụng ma tuý.
2.5. Về xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo đối với khu vực ven biển, hải đảo. Tập trung thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo, hạn chế tối đa hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Tập trung hệ thống, nắm chắc địa chỉ hộ nghèo, nguyên nhân nghèo để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, từng hộ nghèo trong từng thời kỳ. Đảm bảo các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai kịp thời đến người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo. Chú trọng thực hiện chính sách cho vay hộ nghèo; gắn việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý nguồn lực và thực hiện các mục tiêu của chương trình, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã nghèo, người nghèo vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5 – 3 % so với tổng số hộ dân đang sinh sống tại vùng biển; 100 % xã, phường, thị trấn thuộc bãi ngang ven biển có đầy đủ kết cấu hạ tầng thiết yếu và thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; giải quyết dứt điểm nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo vùng biển.
Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động vùng biển. Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xuất khẩu lao động; giới thiệu, tuyển dụng, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Thành lập các chi nhánh trung tâm giới thiệu việc làm tại các cụm huyện Tuy Phong - Bắc Bình, Hàm Thuận Nam - Hàm Tân - La Gi, từng bước thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm giúp người lao động vùng biển có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện và năng lực của mình. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và xuất khẩu lao động, đi đôi với giáo dục ý thức, tác phong và tính kỷ luật lao động phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
3. Xây dựng hạ tầng các khu đô thị và vùng bãi ngang ven biển
- Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hoá - xã hội tại 03 đô thị: Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa theo hướng văn minh, hiện đại; trong đó, xây dựng thành phố Phan Thiết vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh; đồng thời, cùng với thị xã La Gi và thị trấn Phan Rí Cửa trở thành những trung tâm giữ vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy các vùng kinh tế - xã hội khác cùng phát triển.
Trước mắt, ưu tiên đầu tư chỉnh trang đô thị gắn với quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật: điện, nước, giao thông, trường học, bệnh viện, đào tạo dạy nghề, công trình văn hoá,… gắn với giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường đô thị.
- Sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian đô thị các vùng kinh tế - xã hội ven biển theo 3 cụm:
+ Cụm đô thị ven biển phía Bắc gồm: Phan Rí Cửa, Liên Hương, Vĩnh Tân;
+ Cụm đô thị ven biển trung tâm gồm: Phan Thiết, Long Sơn - Suối Nước, Kê Gà;
+ Cụm đô thị ven biển phía Nam gồm: La Gi, Sơn Mỹ.
- Chú trọng công tác quy hoạch, phát triển trung tâm huyện lỵ các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, các thị trấn, thị tứ đầu mối quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A.
- Quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân các xã bãi ngang, xã đảo, tập trung các công trình cung cấp nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ,…
4. Đối với đảo Phú Quý
- Tập trung xây dựng đảo Phú Quý trở thành trung tâm kinh tế mạnh, là căn cứ hậu cần vững chắc cho quần đảo Trường Sa.
- Chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thuỷ sản, xem đây là ngành kinh tế chủ lực của huyện, tập trung duy trì và nâng cao năng lực các đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển, ưu tiên khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu; đầu tư phát triển nghề nuôi biển theo quy hoạch; tập trung phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường biển. Phối hợp xúc tiến nhanh việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm có lợi thế của huyện như mực ghim, mực muối,… xây dựng và đăng ký thương hiệu mực Phú Quý.
- Tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên Đảo. Hoàn thành xây dựng Chợ trung tâm huyện tại xã Ngũ Phụng và nâng cấp thành Trung tâm thương mại - dịch vụ của đảo sau năm 2010. Triển khai kêu gọi đầu tư dự án Khu thương mại huyện Phú Quý theo các hình thức BOT, BTO, BT hoặc phát hành trái phiếu công trình theo quy định của pháp luật trong các năm 2007 - 2009. Ổn định, sắp xếp mạng lưới kinh doanh xăng dầu, nhiên liệu trên đảo theo quy hoạch. Triển khai để các doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đảo được tiếp cận thuận lợi và hưởng các loại hình tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước.
- Đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý, kêu gọi đầu tư tàu cao tốc Phú Quý - Phan Thiết; triển khai các giải pháp thu hút dự án đầu tư và khách du lịch đến huyện Đảo gắn với phát triển hình thức du lịch sinh thái biển; chú trọng gắn kết đảo Phú Quý với các trung tâm kinh tế biển của tỉnh, trong đó trục Phan Thiết - Phú Quý đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế biển.
- Tăng cường thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế vào phát triển huyện đảo. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng như: nâng cấp sân bay, cảng vận tải biển, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá, Trung tâm thông tin nghề cá, kè chống xói lở và xâm thực bờ biển, các tuyến giao thông trên đảo, khu trung tâm hành chính, duy trì phát điện từ nguồn diesel kết hợp với đầu tư phát triển điện gió, nâng số giờ phát điện lên 24 giờ/ngày.
- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng bưu chính viễn thông, tiến hành thử nghiệm và đưa vào khai thác thiết bị Viba số công nghệ SDH STM-1, dung lượng 63 luồng E1; lắp đặt mới và mở rộng dung lượng tổng đài điện thoại lên hơn 6.000 số; lắp đặt bổ sung 07 Trạm BTS; tăng tuyến đường thư bưu chính Phan Thiết - Phú Quý từ 02 chuyến/tuần lên 04 chuyến/tuần. Giai đoạn 2010 - 2020, lắp đặt thêm 10 Trạm BTS; đến năm 2015 cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cho cả huyện, ngầm hoá hệ thống mạng cáp viễn thông.
- Phát triển các thiết chế văn hoá; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và phương tiện cấp cứu cho Bệnh viện Quân dân y Phú Quý theo Chuẩn của bệnh viện huyện (trong đó trang bị 01 tàu cấp cứu trên biển với trang thiết bị hiện đại), kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, nâng cấp trạm y tế xã; tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt phổ cập trung học cơ sở, phát huy chức năng của Trung tâm dạy nghề huyện; quan tâm đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, đưa nhà máy nước đi vào hoạt động có hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin đại chúng trên đảo; làm tốt công tác hướng nghiệp dạy nghề, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường đảo.
Chú trọng đầu tư trồng rừng phòng hộ và cây xanh; xây dựng và triển khai chặt chẽ phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên đảo. Tăng cường phòng, chống các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực đảo Phú Quý.
5. Bảo vệ môi trường biển và ven biển; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển
- Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, ven biển. Trước mắt, tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư và tuyến du lịch ven biển; nhanh chóng di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các đô thị, khu dân cư đến vùng quy hoạch sản xuất tập trung, nhất là các cơ sở chế biến thuỷ sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh ven biển chấp hành nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường.
Xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề ven biển; bảo tồn sinh học rừng, biển và đồi cát tự nhiên; có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, gây huỷ hoại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển.
- Sớm khắc phục tình trạng biển xâm thực, gây sạt lở dải ven biển và hải đảo, tập trung ở một số địa phương như Liên Hương, Phan Rí Cửa (Tuy Phong); chú trọng rà soát, củng cố, đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè chống xâm thực bờ sông, bờ biển như: kè Hàm Tiến (Phan Thiết), kè Sông Dinh (Hàm Tân), kè bảo vệ bờ biển Phú Quý, kè biển Đồi Dương - Thương Chánh, dự án cải tạo cảnh quan bờ sông Cà Ty, kè bảo vệ biển Phan Rí.
- Sớm củng cố và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, truyền thông, dự báo khí tượng - thuỷ văn, đảm bảo thông tin được chuyển tải đến cơ sở chính xác, kịp thời; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với mọi tình huống thiên tai, chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đẩy mạnh công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để ngư dân lắp đặt và sử dụng thiết bị vô tuyến điện đúng quy định; làm tốt công tác thông tin duyên hải. Kiến nghị các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng trung tâm cảnh báo sự cố môi trường, cảnh báo thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.
6. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
- Tăng cường công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành nghề liên quan đến biển, từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và lực lượng lao động biển, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo trong tình hình mới.
- Xây dựng chế độ, chính sách thu hút trong đào tạo các nghề liên quan đến biển. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương phát triển xã hội hoá dạy nghề và các chính sách có liên quan để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đạt chuẩn; khuyến khích các nghệ nhân, người có tay nghề, có kinh nghiệm trong sản xuất tham gia dạy thực hành tại các cơ sở trong và ngoài công lập. Thực hiện chế độ cử tuyển trong đào tạo các ngành nghề liên quan đến biển đối với học sinh ở các vùng ven biển và huyện Phú Quý.
- Năm 2020, đào tạo và bồi dưỡng nghề cho 5.440 lao động vùng biển. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, dạy nghề; gắn công tác đào tạo nghề với các chương trình khuyến ngư. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động được đào tạo công nhân kỹ thuật bậc 3 tại các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, doanh nghiệp du lịch biển đạt 30 %; đến năm 2020, cơ bản lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này đều đã qua đào tạo. Đào tạo nghề cho một bộ phận lao động biển đạt trình độ lao động kỹ thuật cao và chuyên gia để đáp ứng điều kiện đi làm việc ở nước ngoài.
- Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chuyên ngành đào tạo về nghiệp vụ, kinh tế biển trong các trường đào tạo, các trung tâm dạy nghề của tỉnh; trước mắt tăng cường liên kết với các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh bạn mở lớp đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề như khai thác, chế biến thuỷ sản, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, công nhân kỹ thuật cơ khí,…; không ngừng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trong ngành du lịch; đẩy mạnh xã hội hoá công tác giáo dục, đào tạo về công nghệ thông tin.
- Nghiên cứu triển khai các biện pháp điều tra, thu thập, cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình lao động - việc làm, dạy nghề trong các ngành nghề liên quan đến biển, nhất là ngành thủy sản để có các chính sách, biện pháp phù hợp trong đào tạo, dạy nghề cho lao động.
7. Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ về biển
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là công nghệ sinh học, tạo bước chuyển mạnh về năng suất, chất lượng và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội biển.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên khoa học - công nghệ, đáp ứng nhu cầu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển để phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, hệ thống dự báo phòng, chống thiên tai, bảo tồn biển.
- Tham gia phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu điều tra, dự báo, đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác nguồn lợi hải sản, đặc biệt là các loại hải sản đặc thù của tỉnh làm cơ sở chỉ đạo khai thác, quy hoạch phát triển nghề cá của tỉnh. Tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác trên tuyến khơi, xa bờ và vùng biển công hải. Ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, đóng sửa tàu thuyền và xử lý nước thải, chất thải ở các khu quy hoạch chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Chú trọng công tác phối hợp điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển; thực hiện đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường biển nhất là khí tượng, thủy văn, thủy triều đỏ,… Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
8. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên toàn vùng biển, đảo
- Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biển, ven biển, hải đảo; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng; tập trung xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vùng biển, đảo. Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước. Thực thi các phương án đảm bảo an toàn mạng lưới và cơ chế kiểm soát thông tin nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến an ninh quốc gia và các loại tội phạm khác.
Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng- an ninh; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả với mọi hoạt động xâm phạm, vi phạm chủ quyền vùng biển, đảo của tỉnh; phát huy vai trò của ngư dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ tốt chủ quyền, an ninh vùng biển. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt chuyên trách trong hoạt động quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển gắn với đầu tư trang bị phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác; có chủ trương đối sách phù hợp trong lãnh đạo quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển theo Luật Biên giới, Luật An ninh quốc gia. Hoàn thiện các phương án tác chiến phòng thủ phù hợp với Chiến lược bảo vệ biển và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX). Tăng cường luyện tập, diễn tập phương án phòng thủ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển đảo.
Tăng cường công tác phòng thủ, tuần tra bảo vệ vùng biển, đảo. Đẩy mạnh công tác củng cố, huấn luyện, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an - Quân sự - Biên phòng; làm tốt công tác trao đổi thông tin; phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên vùng biển, đảo. Quan hệ hợp tác với các nước có vùng biển tiếp giáp để phối hợp, trao đổi tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan xảy ra, góp phần xây dựng vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác.
9. Tăng cường quản lý nhà nước về biển, đảo
* Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biển, đảo
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các ngành, các lĩnh vực liên quan đến biển, nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, điều hành phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.
Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển. Nâng cao hơn nữa hiệu năng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các địa phương vùng biển; có giải pháp khắc phục nhanh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý các lĩnh vực liên quan đến biển.
* Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội biển:
Triển khai công tác quy hoạch với tầm nhìn dài hạn. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội biển của tỉnh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch tổng thể chung của tỉnh.
Tập trung công tác rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch và quản lý quy hoạch các ngành kinh tế ven biển, trên biển, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, làm cơ sở để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đồng thời tăng cường sự giám sát của nhân dân.
Trước mắt, tập trung:
- Hoàn thành công tác bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản, quy hoạch vùng sản xuất tôm giống; lập quy hoạch vùng nuôi hải sản ven biển, hải đảo và điều chỉnh quy hoạch nuôi thủy sản nước ngọt.
- Hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Hoàn chỉnh dự án “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020”; quy hoạch phát triển từng loại hình du lịch ở từng khu vực, địa bàn cụ thể.
- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn ở các địa phương.
- Sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã La Gi đến năm 2020. Lập Đề án rà soát Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phan Thiết đến năm 2020.
- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Quý đến năm 2020, triển khai lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành có liên quan trên địa bàn huyện Phú Quý.
* Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội biển:
Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển của tỉnh; đặc biệt là đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển.
Rà soát và vận dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển lĩnh vực thuỷ sản như phát triển khai thác xa bờ, dịch vụ hậu cần, nuôi hải đặc sản trên biển, sản xuất giống tôm và hải sản công nghiệp, di dời các cơ sở chế biến đến vùng quy hoạch tập trung, đóng sửa tàu thuyền công suất lớn, đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá, các khu quy hoạch tập trung về chế biến sản phẩm từ biển,…
Tập trung xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên đảo Phú Quý theo Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi về hỗ trợ việc di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai đến nơi tái định cư mới.
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và thông tin về biển, đảo
- Tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ, Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về vị trí, vai trò chiến lược của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Tập trung sử dụng đa dạng các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông dưới mọi hình thức kết hợp với tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng nội dung Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
- Quan tâm cụ thể hoá và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của các ngành, các cấp liên quan đến biển.
1. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh còn hiệu lực thi hành thuộc phạm vi điều chỉnh trên các vùng biển, ven biển và hải đảo, đồng thời triển khai thực hiện các đề án, dự án (có phụ lục kèm theo) để từng bước thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động này.
2. Trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa về thực hiện những nội dung chủ yếu được nêu trong Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh; căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tiến hành chỉ đạo xây dựng Chương trình, kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện gắn với cụ thể hóa thành nhiệm vụ thực hiện trong kế hoạch hàng năm; kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình của tỉnh; định kỳ tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động về Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp cùng Sở Thuỷ sản thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này của các sở, ngành, địa phương liên quan; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các sở, ngành, địa phương báo cáo về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /2008/QĐ-UBND ngày /3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Tên chương trình, dự án | Đơn vị chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cấp quyết định | Thời gian thực hiện |
A | DỰ ÁN QUY HOẠCH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN |
|
|
|
|
1 | Quy hoạch phát triển khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - thương mại Sơn Mỹ | BQLCKCN | Các sở và địa phương có liên quan | UBND tỉnh | 2005-2015 |
2 | Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở và địa phương có liên quan | UBND tỉnh | Năm 2008 |
3 | Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Bình Thuận đến 2010, định hướng 2020 | Sở Thủy sản | Các sở và địa phương có liên quan | UBND tỉnh | 2005-2007 |
4 | Quy hoạch phát triển nuôi trồng hải sản vùng ven biển và hải đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 | Sở Thủy sản | Các sở và địa phương có liên quan | UBND tỉnh | Từ năm 2008 |
5 | Quy hoạch tổng hợp vùng biển ven bờ huyện Phú Quý | UBND tỉnh | Cục Bảo vệ Môi trường, các sở, ngành, địa phương liên quan. | Bộ Tài nguyên và Môi trường | 2008-2012 |
6 | Đề án xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận, phục vụ quá trình phát triển bền vững. | UBND tỉnh | Cục Bảo vệ Môi trường, các sở, ngành, địa phương liên quan. | Bộ Tài nguyên và Môi trường | 2008-2015 |
7 | Đề án phòng tránh, hạn chế, khắc phục sạt lở bờ biển | Sở NN&PTNT | Các sở, ngành, địa phương | UBND tỉnh | 2008- 2015 |
8 | Đề án xây dựng Khu bảo tồn biển Cù Lao Câu và Phú Quý | Sở Thuỷ sản | Các sở, ngành, địa phương | UBND tỉnh | từ 2008 |
9 | Đề án phòng, chống, ứng cứu sự cố tràn dầu | Sở Tài nguyên và Môi trường | Trung tâm An toàn và Môi trường dầu khí | UBND tỉnh | 2007- 2010 |
10 | Đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường biển | Sở Tài nguyên và Môi trường | Cục Bảo vệ Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ | UBND tỉnh | 2008- 2012 |
11 | Đề án bảo vệ môi trường khu vực du lịch ven biển tại Bình Thuận | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ngành, địa phương liên quan | UBND tỉnh | 2008- 2015 |
12 | Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức và bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kiến thức BCVT & CNTT | Sở Bưu chính, Viễn thông | UBND huyện, thị xã, TP | UBND tỉnh | 2007- 2010 |
B | DỰ ÁN ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG |
|
|
|
|
I | Thủy sản |
|
|
|
|
1 | 08 Khu tránh bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 288/2005/QĐ-TTg | Sở Thủy sản | Các sở, ngành, địa phương liên quan | UBND tỉnh | 2002-2012 |
2 | Nâng cấp Cảng cá Phan Thiết | Sở Thủy sản | Các sở, ngành liên quan | Bộ NN-PTNT | 2008-2011 |
3 | Quy hoạch và đầu tư vùng sản xuất giống tập trung Gành Rái, huyện Tuy Phong | Sở Thủy sản | Các sở, ngành, địa phương liên quan | UBND tỉnh | từ 2008 |
4 | Nạo vét, chỉnh trị, xây dựng bến cá cửa biển Hồ Lân và cửa biển Hà Lãng, huyện Hàm Tân | UBND huyện | Các sở, ngành liên quan | UBND tỉnh |
|
II | Giao thông |
|
|
|
|
5 | Trục giao thông ven biển từ Hàm Tân đến Tuy Phong; tuyến đường 331 Thắng Hải - Tân Minh - Hàm Tân (nối quốc lộ 55 với quốc lộ 1A) | Sở Giao thông vận tải | Các sở, ngành, địa phương liên quan | UBND tỉnh |
|
6 | Sân bay Phan Thiết |
| Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan | Bộ GT - VT |
|
7 | Cảng nước sâu Kê Gà |
| Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan | UBND tỉnh |
|
III | Nông nghiệp và PTNT |
|
|
|
|
8 | Kè bảo vệ bờ biển, chống xâm thực các huyện, thị xã, thành phố vùng biển | Sở NN&PTNT | Các sở, ngành, các địa phương vùng biển | UBND tỉnh |
|
9 | Xây dựng hồ Cô Kiều; hồ Du Đế - Tân Thắng, Hàm Tân | Sở NN&PTNT | UBND huyện Hàm Tân | UBND tỉnh |
|
10 | Trồng rừng phòng hộ ven biển | Sở NN&PTNT | Các sở, ngành, các địa phương | UBND tỉnh |
|
IV | Công nghiệp |
|
|
|
|
11 | Khu công nghiệp và dịch vụ Sơn Mỹ | Sở Công nghiệp | UBND huyện Hàm Tân và các Sở, ngành liên quan | UBND tỉnh |
|
12 | Khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết | Công ty CP XLTS Việt Nam | Sở Thủy sản và các sở, ngành liên quan | UBND tỉnh | Từ 2004 |
V | Bưu chính viễn thông |
|
|
|
|
12 | Xây dựng, nâng cấp hệ thống mạng khối hành chính Nhà nước. | Văn phòng UBND tỉnh | Sở Bưu chính - Viễn thông | UBND tỉnh | 2007-2010 |
13 | Xây dựng HTTT thống kê kinh tế, xã hội | UBND huyện Phú Quý, Hàm Tân | Sở Bưu chính, Viễn thông | UBND tỉnh | 2008-2009 |
14 | Xây dựng, mở rộng hạ tầng mạng viễn thông (chuyển mạch, truyền dẫn, BTS, DSLAM, ngoại vi,…) | Các doanh nghiệp BCVT | Sở Bưu chính, Viễn thông |
| 2007-2010 |
15 | Xây dựng thư viện tại các điểm Bưu điện văn hoá xã vùng biển | Sở Bưu chính, Viễn thông | Bưu điện Bình Thuận và các Sở, Ngành có liên quan | UBND tỉnh | 2008-2010 |
IV | Tài nguyên - Môi trường |
|
|
|
|
16 | Nghiên cứu, xây dựng các Trạm quan trắc, các Trung tâm dự báo và thông tin về dự báo thời tiết phục vụ các hoạt động trên biển Bình Thuận | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND huyện Phú Quý, Đài KTTV Khu vực Nam Trung bộ, TT Dự báo KTTV Bình Thuận | UBND tỉnh | 2010-2015 |
17 | Nghiên cứu xây dựng Trạm quan trắc biển dâng, biển tiến và các giải pháp khắc phục vùng ven biển Bình Thuận | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở NN&PTNT, UBND huyện Phú Quý, Đài KTTV Khu vực Nam Trung bộ, TT Dự báo KTTV Bình Thuận | UBND tỉnh | 2015-2020 |
18 | Điều tra, quy hoạch chi tiết khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước vùng ven biển Bình Thuận | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện ven biển | UBND tỉnh | 2009-2010 |
19 | Kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước vùng ven biển Bình Thuận | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND các huyện ven biển | UBND tỉnh | 2007-2008 |
20 | Xây dựng và tổ chức vận hành mạng lưới quan trắc nước dưới đất vùng ven biển Bình Thuận | Sở Tài nguyên & Môi trường | UBND các huyện ven biển | UBND tỉnh | 2014-2015 |
C | CHƯƠNG TRÌNH PT KHU KINH TẾ PHÚ QUÝ |
|
|
|
|
I | Sản xuất và phân phối điện |
|
|
|
|
1 | Xây dựng bổ sung các Trạm phát điện diezen | Điện lực Bình Thuận | Sở Công nghiệp, UBND huyện | Tập đoàn Điện lực | 2010-2015 |
2 | Trạm phát điện gió, trạm biến áp và đường dây | Điện lực Bình Thuận | Sở Công nghiệp, UBND huyện | Tập đoàn Điện lực | 2010-2015 |
3 | Trạm biến áp | Điện lực Bình Thuận | Sở Công nghiệp, UBND huyện | Tập đoàn Điện lực | 2010-2015 |
4 | Tuyến đường dây | Điện lực Bình Thuận | Sở Công nghiệp, UBND huyện | Tập đoàn Điện lực | 2010-2015 |
II | Giao thông - Bưu điện |
|
|
|
|
1 | Cảng Phú Quý giai đoạn II | Sở Giao thông vận tải | UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
2 | Đường vành đai Đồi Chuối - Gành Hào | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
3 | Nâng cấp, mở rộng tuyến đường bao quanh đảo | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
4 | Nâng cấp tuyến Ngũ Phụng - Tam Thanh (đường trục chính trung tâm huyện) | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
5 | Các tuyến đường liên xã (các tuyến từ số 1 đến số 4) | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
6 | Đường cảng Triều Dương - Trung tâm huyện | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
7 | Bến cá Long Hải | UBND huyện | Sở Giao thông vận tải | UBND tỉnh | 2005-2010 |
8 | Sân bay Phú Quý | BCH Quân sự tỉnh | Sở Giao thông vận tải, UBND huyện | Bộ Quốc phòng | 2010-2020 |
9 | Khu neo đậu tránh bão cho tàu cá | Sở Thủy sản | UBND huyện Phú Quý và các sở, ngành có liên quan | UBND tỉnh | 2010-2015 |
10 | Lắp đặt thiết bị, nâng công suất tổng đài lên 5000 số | Bưu điện Bình Thuận | Sở Bưu chính, Viễn thông, UBND huyện | Tập đoàn BC-VT | 2010-2015 |
11 | Tăng dung lượng mạng cáp | Bưu điện Bình Thuận | Sở Bưu chính, Viễn thông, UBND huyện | Tập đoàn BC-VT | 2010-2015 |
12 | Xây dựng bưu cục 2 tầng tại các xã Tam Thanh, Long Hải | Bưu điện Bình Thuận | Sở Bưu chính, Viễn thông, UBND huyện | Tập đoàn BC-VT | 2005-2010 |
III | Công nghiệp |
|
|
|
|
1 | Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phú Quý | UBND huyện | Sở Công nghiệp | UBND tỉnh | 2005-2010 |
2 | Xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long Hải | UBND huyện | Sở Công nghiệp | UBND tỉnh | 2005-2010 |
IV | Cung cấp nước sạch |
|
|
|
|
1 | Trạm khai thác nước ngầm (3 trạm) | TTNSH&VSMTNT | Sở NN&PTNT, UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
2 | Nhà máy nước Phú Quý | TTNSH&VSMTNT | Sở NN&PTNT, UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
3 | Trạm xử lý và cấp nước (4 trạm) | TTNSH&VSMTNT | Sở NN&PTNT, UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
4 | Hồ thu, chứa nước mưa (5 hồ) | TTNSH&VSMTNT | Sở NN&PTNT, UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
5 | Đường ống phân phối | TTNSH&VSMTNT | Sở NN&PTNT, UBND huyện | UBND tỉnh | 2005-2010 |
V | Thương mại, dịch vụ |
|
|
|
|
1 | Kết cấu hạ tầng khu Trung tâm thương mại huyện | UBND huyện | Sở Thương mại | UBND huyện | 2005-2010 |
2 | Kết cấu hạ tầng các khu du lịch | UBND huyện | Sở Du lịch | UBND huyện | 2005-2010 |
3 | Chợ huyện (giai đoạn 2) | UBND huyện | Sở Thương mại | UBND huyện | 2005-2010 |
4 | Chợ đầu mối hải sản | UBND huyện | Sở Thủy sản | UBND huyện | 2005-2010 |
5 | Kho đầu mối và dự trữ nhiên liệu | UBND huyện | Sở Thương mại | UBND huyện | 2010-2015 |
VI | Bảo vệ môi trường |
|
|
|
|
1 | Các khu xử lý nước thải | UBND huyện | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND huyện | 2005-2010 |
2 | Kè chống xâm thực ổn định bờ biển | UBND huyện | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện | 2005-2010 |
3 | Kè chống xói lở bờ biển Phú Quý | UBND huyện | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện | 2005-2010 |
4 | Khu thu gom và xử lý rác thải | UBND huyện | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND huyện | 2005-2010 |
5 | Nghĩa trang huyện | UBND huyện | Sở Xây dựng | UBND huyện | 2005-2010 |
VII | Tài nguyên - Môi trường |
|
|
|
|
1 | Quy hoạch sử dụng tài nguyên nước đảo Phú Quý (trong đó xác định mạng lưới thoát nước; vị trí quy mô các công trình xử lý nước bẩn, chất thải,…) | Tr. tâm Nuớc SH và VSMT nông thôn | UBND huyện Phú Quý, Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND tỉnh | 2009-2010 |
2 | Quy hoạch chi tiết xây dựng đảo Phú Quý | Sở Xây dựng | UBND huyện Phú Quý, các Ngành liên quan | UBND tỉnh | 2009-2010 |
3 | Xây dựng và tổ chức vận hành mạng lưới quan trắc đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên và Môi trường | Trung tâm Công nghệ và đánh giá TNN - Cục QL TNN; UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2008-2009 |
4 | Nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình bổ sung nhân tạo nước dưới đất đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên và Môi trường | PGS.TS Đoàn Văn Cánh- Đại học Mỏ Địa chất; UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2007-2008 |
5 | Điều tra; nâng cấp trữ lượng tài nguyên nước đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên và Môi trường | Trung tâm Công nghệ và đánh giá TNN - Cục QL TNN; UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2010-2011 |
6 | Nghiên cứu, thí điểm xây dựng công trình thu và khai thác sử dụng nước mặt đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2011-2012 |
7 | Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên và Môi trường | UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2010-2015 |
8 | Đánh giá ảnh hưởng, diễn biến về số lượng, chất lượng nước dưới đất, khoanh vùng mức độ dễ ô nhiễm, xâm nhập mặn | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các ngành, UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2009-2010 |
9 | Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên đảo Phú Quý | Sở Tài nguyên & Môi trường | Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Phú Quý | UBND tỉnh | 2012-2015 |
VIII | Giáo dục - Y tế |
|
|
|
|
1 | Trường Tiểu học Ngũ Phụng 1, Quý Thạnh, Phú An | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
2 | Trường Tiểu học Tam Thanh 1, Triều Dương | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
3 | Trường Tiểu học Tam Thanh 2, Mỹ Khê | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
4 | Trường Tiểu học Long Hải 1, Quý Hải | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
5 | Trường Tiểu học Long Hải 2, Đông Hải | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
6 | Trường Trung học cơ sở Tam Thanh | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
7 | Trường Trung học cơ sở Phú Quý (Ngũ Phụng) | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
8 | Trường Trung học cơ sở Long Hải | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
9 | Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
10 | Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện | UBND huyện | Sở Lao động - TB và XH | UBND tỉnh | 2005-2010 |
11 | Trường Mẫu giáo Hoa biển (Trường huyện) | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
12 | Trường Mẫu giáo thôn (3 trường) | UBND huyện | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND tỉnh | 2005-2010 |
13 | Nâng cấp Bệnh viện Quân dân y | UBND huyện | Sở Y tế | UBND tỉnh | 2005-2010 |
(*) Ghi chú: Danh mục chương trình, dự án đầu tư được tổng hợp từ đề xuất của các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố vùng biển.
- 1Quyết định 1934/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 2Quyết định 16/2009/QĐ-UBND về chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
- 3Quyết định 51/2008/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Chương trình 12-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 4Quyết định 2117/QĐ-UBND năm 2013 bổ sung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 khóa X về phát triển Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 1Quyết định 288/2005/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3Nghị định 11/2006/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
- 4Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin
- 5Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2007 về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Giao thông đường bộ 2001
- 7Luật Biên giới Quốc gia 2003
- 8Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 9Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 10Luật An ninh Quốc gia 2004
- 11Quyết định 1934/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 12Quyết định 16/2009/QĐ-UBND về chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
- 13Quyết định 51/2008/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Chương trình 12-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 14Quyết định 2117/QĐ-UBND năm 2013 bổ sung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 khóa X về phát triển Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27/2007/NQ-CP và Chương trình hành động 07-NQ/TU tỉnh Bình Thuận khóa XI về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
- Số hiệu: 30/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/03/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Huỳnh Tấn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra