Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2006/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 03 tháng 07 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ luật ban hành văn bản Quy phạm Pháp luật của HĐND và UBND ngày 3/12/2004.

Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế công tác Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:

a. Công chức hành chính đang làm việc trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

b. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi là cán bộ công chức cấp xã).

c. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng

Trang bị, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ công chức hành chính và cán bộ, công chức cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ đất nước phục vụ nhân dân.

Trong giai đoạn 2006-2010 hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính và cán bộ công chức cấp xã đạt được những mục tiêu cụ thể sau:

a. Đối với công chức hành chính:

Đảm bảo trang bị đủ kiến thức theo tiêu chuẩn cho công chức lãnh đạo, quản lý, công chức các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.

Phấn đấu 100% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; trang bị kiến thức về văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức cho các ngạch.

Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức ở cấp huyện và Sở ngành được trang bị về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kỹ năng phối hợp xử lý những vấn đề có tính chất liên ngành.

Tiến hành quy hoạch và tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

b. Đối với cán bộ công chức cấp xã:

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định cho cán bộ chuyên trách.

Đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến 31/12/2007 có 100% cán bộ chuyên môn xã phường Thị trấn đạt trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, có kiến thức về tin học văn phòng.

Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2009-2014.

3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

a. Đối với công chức hành chính.

Trong giai đoạn này tập trung vào các nội dung sau:

Bồi dưỡng kiến thức về hành chính, pháp luật; kỹ năng hoạt động công vụ và đạo đức công chức trước khi bổ nhiệm vào ngạch công chức (đào tạo tiền công vụ);

Đào tạo, bồi dưỡng trang bị những kiến thức theo tiêu chuẩn quy định về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, về ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu công vụ của từng ngạch công chức và yêu cầu của từng vị trí công tác của công chức.

Đào tạo trình độ Đại học và lý luận chính trị cao cấp cho cán bộ là thành viên UBND cấp huyện trở lên; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo chương trình dành cho cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện thị. Thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kỹ năng điều hành trước khi bổ nhiệm, đề bạt.

Đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quản lý có trình độ và năng lực tham gia hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

b. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở:

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức QLNN cho tất cả thành viên UBND và cán bộ trưởng đoàn thể .

Bồi dưỡng trình độ trung cấp trở lên về chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ chủ chốt cấp xã (Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND ); Trong đó có 80% cán bộ cấp xã có trình độ Đại học.

Đào tạo các ngành chuyên môn như: Tài chính, Tư pháp, Địa chính, Văn phòng thống kê, Văn hóa, Quân sự đạt trình độ trung cấp trở lên. Riêng đối với công an, cần xây dựng lộ trình cụ thể để khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đạt được chuẩn về chuyên môn.

Đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức cán bộ công chức cho cán bộ chuyên trách và cán bộ công chức; xây dựng tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thái độ tôn trọng và phục vụ nhân dân.

Bồi dưỡng về kiến thức QLNN cho cán bộ trưởng thôn;

Bồi dưỡng kiến thức QLNN cho đại biểu HĐND các cấp.

4. Giải pháp thực hiện.

a. Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác đào tạo bồi dưỡng với các nội dung:

Tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế đào tạo bồi dưỡng;

Xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt, đặc biệt là công chức cấp xã;

Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng và tiến hành đánh giá chất lượng sau đào tạo.

Nâng cao năng lực nghiệp vụ quản lý, kỹ năng và phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng.

b. Cải tiến hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính và công chức cấp xã:

Đối với công chức hành chính: sẽ hình thành 3 loại chương trình:

Chương trình đào tạo bồi dưỡng theo ngạch;

Chương trình đào tạo bồi dưỡng theo chức danh;

Chương trình đào tạo bồi dưỡng cập nhật theo nhu cầu chuyên sâu.

Đối với công chức cấp xã: ngoài các chương trình đào tạo trung cấp trở lên, thực hiện các chương trình:

Đào tạo, bồi dưỡng cho những người chưa được đào tạo về chuyên môn chuyên ngành;

Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng quản lý Nhà nước cho CBCC cấp xã;

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã;

Chương trình bồi dưỡng quản lý Nhà nước cho cán bộ không chuyên trách và thôn, tổ dân phố.

c. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo các yêu cầu sau đây:

- Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên cơ hữu về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy; gắn lý luận với thực tiễn địa phương;

- Xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm chức ngoài số giáo viên cơ hữu để bổ sung nguồn giáo viên cho các cơ sở đào tạo.

d. Củng cố và tăng cường chất lượng hoạt động của các hệ thống đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức:

- Xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chí của Chính phủ quy định và tổ chức hoạt động bảo đảm tính thống nhất, ổn định lâu dài.

- Tăng cường năng lực hoạt động cho Trường chính trị Trần Phú và Trung tâm chính trị huyện thị xã về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên.

e. Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ công chức.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện thị xã có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006-2010 cho từng đối tượng công chức hành chính, cán bộ công chức cấp xã và đại biểu HĐND các cấp.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm chính trị huyện, thị xã.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm:

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện quyết định này. Tổng hợp việc lập kế hoạch của các sở ngành, huyện thị xã và tiến độ thực hiện đào tạo bồi dưỡng Cán bộ công chức định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ.

- Tổ chức thực hiện các văn bản của Chính phủ về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng;

- Phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ để thống nhất kế hoạch, chương trình, giáo trình, tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QLNN, nghiệp vụ chuyên môn theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh cán bộ, công chức.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục-Đào tạo xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt tổng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức hàng năm và 5 năm giai đoạn 2006-2010 cho từng loại hình đào tạo.

4. Sở Tài chính:

Tăng cường giám sát các ngành và huyện thị xã về quản lý và sử dụng ngân sách đào tạo cán bộ công chức. Cân đối nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006-2010.

5. Trường Chính trị Trần Phú:

Tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức theo chỉ tiêu từng đối tượng; Hướng dẫn Trung tâm chính trị huyện thực hiện đối với các đối tượng được phân cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu và cán bộ giảng dạy kiêm chức cho cả hệ thống Trường Chính trị Trần Phú và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Hiệu trưởng trường Chính trị Trần Phú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bội Nội vụ;
- Vụ ĐT-BD CBCC-Bộ Nội vụ;
- TT tỉnh ủy, Thường trực HĐND;;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Lưu: VT, VP;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Hà Văn Thạch

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2006/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 30/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/07/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Hà Văn Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản