Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2933/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2015 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số  2735/TTr-STNMT ngày 08 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án quy hoạch:

Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ nhằm nâng cao công tác quản lý, phân bổ nguồn nước giữa các địa phương, các ngành, các đối tượng dùng nước, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đưa ra được các giải pháp quản lý tổng hợp, đảm bảo việc khai thác sử dụng hợp lý, công bằng, có hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, khôi phục nguồn nước, phân tích đánh giá khả năng trữ lượng nguồn nước mặt.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên nước mặt trên các hệ thống sông, kênh của thành phố.

- Đánh giá thực trạng tình hình khai thác và sử dụng nguồn nước mặt.

- Phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn tài nguyên nước mặt; xác định cụ thể nhu cầu sử dụng nước cho các đối tượng, từng ngành sử dụng cho từng giai đoạn để phù hợp với tốc độ phát triển của thành phố.

- Xây dựng mô hình toán cân bằng nguồn nước và nhu cầu sử dụng.

- Đề xuất các phương án tổng hợp về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước cho từng ngành, từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể khác nhau.

- Đề xuất các biện pháp xử lý các điểm, nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm; đề xuất một cơ chế phối hợp, quản lý nguồn tài nguyên nước cho thành phố.

3. Phạm vi quy hoạch:

Phạm vi dự án “Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ” bao gồm toàn thành phố với diện tích tự nhiên khoảng 1.409,6 km2, bao gồm 5 quận là Bình Thuỷ, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt và 4 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh.

4. Nội dung Quy hoạch:

a) Phân tích, đánh giá, khảo sát bổ sung, xử lý tài liệu phục vụ quy hoạch:

- Điều tra, thu thập tài liệu cơ bản (nhiệt độ, độ ẩm, mưa, bốc hơi, mực nước, lưu lượng tại các trạm Cần Thơ).

- Khảo sát kỹ thuật bổ sung phục vụ cho việc phân tích đánh giá, tính toán nguồn nước mặt, xây dựng mô hình toán (khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn, chất lượng nước).

- Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có liên quan đến quy hoạch.

- Đánh giá về tài nguyên nước, bao gồm:

+ Đánh giá tài nguyên nước và sự phân bố, biến đổi theo không gian và thời gian của tài nguyên nước trong vùng dự án.

+ Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước trong phạm vi vùng dự án.

+ Đánh giá ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và các hoạt động chính gây ô nhiễm nguồn nước.

- Đánh giá tổng quan về xu thế biến đổi nguồn nước.

- Phân tích, đánh giá khả năng đảm bảo nguồn nước cho nhu cầu sử dụng.

b) Xác định mục tiêu, định hướng giải pháp quy hoạch tài nguyên nước mặt:

- Xác định các mục tiêu về tài nguyên nước và vấn đề quản lý tài nguyên nước.

- Đánh giá khả năng khai thác tổng hợp nguồn nước.

- Định hướng các nhiệm vụ chính để quản lý tổng hợp, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt.

- Xác định giải pháp tổng thể.

c) Lập quy hoạch tài nguyên nước mặt:

- Lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt.

- Lập quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước mặt.

- Lập quy hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra.

(Xem Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đính kèm)

5. Sản phẩm quy hoạch: sản phẩm Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ, bao gồm:

a) Báo cáo:

- Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ.

- Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tài nguyên nước mặt thành phố Cần Thơ.

b) Bản đồ:

- Bản đồ thổ nhưỡng.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

- Bản đồ phân bố lượng mưa trung bình năm, trung bình mùa khô và bản đồ mưa trung bình tháng.

- Bản đồ hiện trạng thủy lợi.

- Bản đồ lưới trạm khí tượng thủy văn.

- Bản đồ các đặc trưng nguồn nước mặt.

- Bản đồ phân vùng chất lượng nước.

- Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ lụt.

- Bản đồ quy hoạch phân bổ nguồn nước.

- Bản đồ quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước.

c) File số, đĩa CD chứa toàn bộ nội dung báo cáo và các bản đồ quy hoạch.

6. Tổ chức thực hiện:

- Chủ đầu tư lập quy hoạch: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan thẩm định quy hoạch: Hội đồng thẩm định thành phố.

- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố.

- Nguồn vốn: ngân sách nhà nước.

- Phương thức thanh toán: Theo kế hoạch vốn phân bổ hàng năm.

- Thời gian lập quy hoạch: 2012 - 2016.

Điều 2. Giao Chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch theo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo trình tự quy định của pháp luật.

Quá trình thực hiện, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập quy hoạch phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và đơn vị có liên quan để thực hiện quy hoạch đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và khả thi.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng