Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2926/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO KIẾN THỨC VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO THANH NIÊN; ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC QLNN VỀ THANH NIÊN CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Căn cứ Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 (phê duyệt kèm theo Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh).

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2234/TTr-SNV ngày 11/12/2015,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm công tác QLNN về thanh niên, giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai Đề án này; báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./. 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (Vụ CTTN);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban TCTU;
- Như Điều 3;
- Sở Nội vụ: 05 bản;
- LĐVP;
- Lưu: VT, P: NC.(H-QĐ198-CTTN)23/12

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

ĐỀ ÁN

BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO KIẾN THỨC VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO THANH NIÊN VÀ ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC LÀM QLNN VỀ THANH NIÊN CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2926/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Thanh niên và các vấn đề của thanh niên luôn được sự quan tâm của gia đình và xã hội. Đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho tương lai của đất nước bởi đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (gọi tắt SKSS, SKTD) cho thanh niên, người làm công tác thanh niên và cán bộ, công chức làm công tác QLNN về thanh niên cũng là một cách đầu tư hiệu quả cho chất lượng cuộc sống của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung và SKSS, SKTD cho thanh niên được thể hiện trong nhiều chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Thanh niên (sửa đổi); Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Tuy nhiên, thanh thiếu niên hiện nay vẫn còn xem nhẹ việc tìm hiểu kiến thức về SKSS, SKTD, phòng chống HIV/AIDS. Thực trạng này cùng với những biến đổi xã hội trong thời kỳ mở cửa, giao lưu, hội nhập làm nảy sinh nhiều nguy cơ liên quan đến SKSS, SKTD của thanh thiếu niên, mà những hệ lụy ảnh hưởng đến một bộ phận thanh thiếu niên là không nhỏ. Theo điều tra quốc gia về vị thành niên (VTN) và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) năm 2009, tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi/trẻ VTN trên tổng số ca đẻ ước tính khoảng 20%, cao hơn nhiều so với số liệu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ thống kê.

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Theo Tổng cục Dân Số-KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ VTN Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của trẻ VTN về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế - chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Với con số mang thai và nạo hút thai ở trẻ VTN như trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ. Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia dân số lý giải đó là do tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD còn chưa được phổ biến rộng rãi; giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính; tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD không dễ dàng, đặc biệt là trẻ VTN, thanh niên sống ở nông thôn và miền núi.

Theo tổng hợp của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số “vàng”, trong đó trẻ VTN và thanh niên, nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, chiếm gần 40% dân số. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay thế hệ trẻ đang sống trong môi trường xã hội có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ và thách thức, trong đó có những nguy cơ về SKSS, SKTD. Do đó, việc chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên là hết sức quan trọng, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần cho thế hệ trẻ. Điều này cho thấy, việc trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS, SKTD cho thanh niên hiện nay thật sự cần thiết, để họ ngoài việc nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe và phòng tránh an toàn các bệnh lây nhiễm cho bản thân mà còn góp phần xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần cho thanh thiếu niên.

Đối với những người trực tiếp làm về công tác thanh niên và quản lý nhà nước về thanh niên thì vấn đề này rất cần được quan tâm. Việc trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này có một lượng kiến thức, kỹ năng nhất định để phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho lực lượng thanh niên tại cơ sở.

Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển thanh niên Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh xây dựng Đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người làm công tác thanh niên và cán bộ, công chức làm QLNN về thanh niên giai đoạn 2016 - 2020, gồm những nội dung cơ bản sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 (phê duyệt kèm theo Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh).

3. Chỉ thị số 10/2012/CT-UBND ngày 12/7/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Trang bị kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên các cấp, các ngành; đội ngũ cán bộ đoàn thanh niên cấp xã, thôn, ấp, khu phố; đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ ở cơ sở.

Đảm bảo đến hết năm 2020 có ít nhất 80% thanh niên, đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên được trang bị kỹ năng và bồi dưỡng kiến về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức bồi dưỡng phải thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng phải đảm bảo tính khoa học, nội dung bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng;

- Sau bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên phải được nâng cao; đồng thời góp phần xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần cho thanh niên; các đối tượng được bồi dưỡng phải trở thành các tuyên truyền viên tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên.

III. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

1. Công chức làm công tác thanh niên tại các sở, ban, ngành tỉnh; thanh niên công chức quản lý nhà nước về thanh niên thuộc UBND cấp huyện, cấp xã.

2. Cán bộ đoàn thanh niên cấp xã, thôn, ấp, khu phố; đội ngũ viên chức y tế làm công tác dân số- KHHGĐ cấp xã và đội ngũ cộng tác viên dân số cấp xã.

IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

Trên cơ sở thống kê số lượng thanh niên và đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên các cấp, các ngành, Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn; cụ thể như sau:

1. Giai đoạn I của Đề án (năm 2016-2017) thực hiện đối với nhóm công chức:

a) Công chức làm quản lý nhà nước về thanh niên đang công tác tại các sở, ban, ngành tỉnh;

b) Công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên thuộc UBND cấp huyện, cấp xã;

2. Giai đoạn II của Đề án (năm 2018 - 2020) thực hiện đối với nhóm cán bộ, công chức, viên chức:

a) Cán bộ đoàn thanh niên cấp xã, thôn, ấp, khu phố; Đội ngũ viên chức y tế làm công tác dân số - KHHGĐ cấp xã;

c) Đội ngũ cộng tác viên dân số cấp xã;

V. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG

1. Bồi dưỡng kiến thức cơ bản QLNN về thanh niên.

2. Trang bị kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bao gồm:

- Công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao sự hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản; kiến thức về bình đẳng giới; giới thiệu Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay.

- Kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản, như: Sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên; tư vấn phòng tránh thai, hậu quả của việc nạo phá thai do có thai ngoài ý muốn; chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; sức khỏe nam giới, bệnh lý nam khoa, các vấn đề về bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; hôn nhân cận huyết, tư vấn tiền hôn nhân;

- Tâm lý tình yêu...

VI. ĐỊA ĐIỂM, HÌNH THỨC VÀ SỐ LỚP BỒI DƯỠNG

Đề án được thực hiện dưới hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng theo các nhóm đối tượng và theo từng giai đoạn, cụ thể:

1. Thời gian tổ chức lớp bồi dưỡng: Từ 03 đến 05 ngày /lớp.

2. Địa điểm tổ chức lớp bồi dưỡng: tổ chức tại tỉnh hoặc tùy theo tình hình thực tế được tổ chức theo khu vực (huyện, thị xã) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để học viên tham gia.

3. Hình thức bồi dưỡng: Tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung, mỗi lớp từ 70-100 học viên.

4. Số lớp bồi dưỡng: Thực hiện theo từng giai đoạn, cụ thể:

- Giai đoạn I: Tổ chức 02 lớp.

- Giai đoạn II: Tổ chức từ 06 đến 08 lớp.

VII. PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Phương pháp bồi dưỡng:

a) Đối với học viên: Trong quá trình tổ chức, tập trung vận dụng các phương pháp giảng dạy mới phù hợp với từng đối tượng là công chức cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phát huy tính chủ động, tích cực của học viên; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các đơn vị, địa phương.

b) Đối với báo cáo viên, giảng viên: có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu và giảng dạy, gồm:

- Lãnh đạo Sở Y tế;

- Nhà quản lý, lãnh đạo có chuyên môn trong ngành Y tế;

- Giảng viên của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Nội vụ; giảng viên của Trường Chính trị tỉnh và giảng viên, chuyên gia tâm lý của các cơ sở đào tạo khác phù hợp với yêu cầu của khóa bồi dưỡng.

2. Tiến độ thực hiện

Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên được triển khai ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án.

VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và thực hiện theo phân cấp ngân sách hàng năm dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm cho các hoạt động sau:

- Xây dựng, biên soạn hoặc hợp đồng với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng biên soạn tài liệu;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên;

- Kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức các lớp bồi dưỡng;

- Tổ chức đánh giá chất lượng sau bồi dưỡng;

- Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Đề án này, đảm bảo đúng nội dung, tiến độ đề ra;

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng hàng năm trình Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng tỉnh và UBND tỉnh quyết định;

- Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định mở lớp bồi dưỡng theo quy định;

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín lựa chọn nội dung bồi dưỡng cho các lớp nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm QLNN về thanh niên đảm bảo thiết thực, hiệu quả; hợp đồng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để tổ chức các lớp bồi dưỡng này;

- Chủ trì phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ quan sử dụng cán bộ, công chức đánh giá chất lượng sau bồi dưỡng theo từng giai đoạn để có cơ sở tổ chức hiệu quả các lớp bồi dưỡng trong các năm tiếp theo;

- Tham mưu UBND tỉnh kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Đề án;

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn.

2. Sở Y tế

- Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức thực hiện Đề án;

- Trực tiếp tham gia giảng dạy đối với lĩnh vực liên quan chương trình bồi dưỡng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người làm công tác thanh niên và cán bộ, công chức làm công tác QLNN về thanh niên đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ, chỉ tiêu đề ra.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp các chỉ tiêu đào tạo từng năm tham mưu UBND tỉnh giao trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và công chức làm công tác QLNN về thanh niên giai đoạn 2015-2020. Thẩm định, cấp phát và thanh quyết toán đúng quy định.

5. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã

Phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, UBND cấp xã bố trí, sắp xếp công việc chuyên môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2926/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên, giai đoạn 2016 - 2020 do tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 2926/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Văn Trăm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản